Tú Anh
Hạn hán, ô nhiễm, hệ thống phân phối nước lạc hậu, mức tiêu dùng phí phạm, những yếu tố này hợp lại làm cho việc cung cấp nước uống cho người dân Hoa Lục ở thành phố cũng như ở nông thôn trở thành một vấn đề nát óc
Theo tuần báo Le Courrier International, vào lúc đảng Cộng sản Trung Quốc ghi dấu 60 năm cầm quyền, báo chí nhà nước vinh danh những thành tựu của chế độ xây dựng các đại công trình thủy điện, thủy lợi.
Nhưng cùng lúc đó, ngay trong nội bộ chính quyền, đã có những tiếng nói báo động, kêu gọi phải có biện pháp cứu nguy khẩn cấp : nguy cơ thiếu nước toàn diện, sa mạc lấn sâu vào bình nguyên, xem xét lại các đập thủy điện kể cả phá hủy bớt, thanh tra trách nhiệm của thành phần cán bộ quan lại. Trong khi đó thì báo chí Đông Nam Á lên án Bắc Kinh âm mưu chiểm lĩnh nguồn nước của dòng sông Mekong.
Vì sao Trung Quốc bị đe dọa thiếu nước toàn diện ?
Trước tiên là ở cấp địa phương. Một bài điều tra của Thiểm Tây Nhật báo được đăng trên tuần báo Pháp Le Courrier international nêu lên tình trạng điển hình của hai thành phố 200 ngàn dân trong vùng Thiểm Tây không còn một giọt nước uống trong tháng 7 và tháng 8. Tất cả các dòng sông chung quanh đều cạn nước.
Tình trạng khô hạn thường xuyên đã trở thành nghiêm trọng thêm vì công nghiệp khai thác than đá với kỹ thuật hủ lậu. Từ 896 hồ nước thiên nhiên trước khi các mõ than hoạt động nay đã cạn hết chỉ còn có 80 hồ. Vừa thiếu nước, nguồn nước ít oi còn lại, bị ô nhiễm vì hóa chất. Các công ty chế tạo phân bón không ngần ngại đổ nước thải có chất hóa học vào các dòng sông.
Trên bình diện quốc gia, Thanh Niên Báo nhắc một truyền thống việc xử lý nước là nhiệm vụ của nhà nước, từ thời xa xưa. Từ khi chế độ Cộng hòa Nhân dân được thành lập cách nay 60 năm, nhà nước đã sử dụng 1300 tỷ đô la để xây dựng 86 ngàn đập thủy điện, 286 ngàn cây số đê điều. Chính sách cải cách kinh tế đã tạo ra sự phát triễn vượt bực nhưng cùng lúc kéo theo hiện tượng đô thị hóa.Nhu cầu sử dụng nước cũng tăng theo mà việc quản lý nước không theo kịp.
Trong số 600 thành phố lớn của Trung Quốc, 400 đô thị không đủ nước dùng và khoảng 110 thành phố rơi vào tình trạng thiếu nước rất nguy kịch. Quan chức nhà nước giải quyết ra sao ? Bộ Thủy lực xây dựng mạng kênh đào đưa nước từ những nơi dư thừa về nơi thiếu qua một hệ thống chằng chịt trên một phần lớn lãnh thổ.
Nhưng hệ thống dẫn thủy này tạo ra những hậu quả thảm hại cho môi trường. Nhiều kênh đào bị nhiễm cát từ thượng nguồn hay từ các hồ chứa làm lưu lượng bị chậm lại và khô cạn. Rồi những vùng đất ẩm dần dần cũng khô cạn đi vì không có những biện pháp bảo vệ nước từ trên nguồn. Sa mạc lấn dần vào vùng đất canh tác. Càng ngày, người ta càng thấy rõ đập nước không phải là giải pháp đáp ứng nhu cầu nước dùng.
Những địa phương bị thiếu nước là do nước sông cạn kiệt. Còn những hồ thủy điện có nước nhưng nước bị ô nhiểm. Báo Thanh Niên cảnh báo là chính sách quản lý nguồn nước của Trung Quốc đang đi thẳng vào ngõ cụt. Chính sách không hợp lý, còn các bộ thi hành chính sách làm việc ra sao ? Nam Phương tuần báo nhắc lại một câu nói của Quản Trọng, thời Xuân Thu : Một chính quyền tốt phải giải quyết được 5 mối nguy mà nghiêm trọng nhất là nước. Phải đẩy lui 5 mối nguy này thì mới cai trị được.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm mà thời xa xưa không có, năm 2007 chính quyền trung ương đã chi ra 6,5 tỷ đôla để cũng cố 6240 hồ chứa. Đầu năm 2009, trong số 4000 công trình được thi công , chỉ có 11 là hoàn tất. Nhiều công trình để lộ tính thiếu an toàn. Phần lớn là do chính quyền địa phương tự động chuyển ngân sách thi côn,g chuyện khác để bỏ túi riêng. Chính sách xây đập thủy điện bất kể lợi hại lâu dài của đảng Cộng Sản Trung Quốc bị các nhà bảo vệ môi trường lên án mạnh nhất. Trong bài « Hảy phá hủy các đập nước », một nữ phóng viên khoa học của Quang Minh nhật báo cho rằng « chính phủ Trung Quốc mắc bệnh rối loạn tâm thần ». Hệ thống đập thủy điện chằng chịt trên các sông ngòi Trung Quốc không cứu được nạn thiếu nước mà còn làm cho tình trạng này nguy ngập thêm vì nó làm cho lượng nước còn lại vừa cạn kiệt vừa bị ô nhiễm.
"Chiếm lĩnh nguồn nước Mékong"
Tinh thần vô trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc còn được thể hiện qua chính sách chận nước trên dòng sông Mekong. The Straits Times của Singgapore bình luận rằng : ngày 1 tháng 10 năm nay, đảng Cộng Sản Trung Quốc chứng tỏ sức mạnh của họ qua việc thò bàn tay thu tóm nhiều dòng sông của Đông Nam Á trong đó có dòng sông Cửu Long. Thái độ trịch thượng của Bắc kinh còn được thể hiện qua sự kiện Trung Quốc từ chối tham dự vào Ủy Hội Mékong.
Bắc Kinh toàn quyền thao túng, xây dựng hàng loạt đập trên thượng nguồn. Đập Tiểu Loan, thứ tư trong loạt đập, đang được gấp rút hoàn tất với hồ dự trử có sức chứa 15 tỷ mét khối, gấp năm lần ba đập trước. Chỉ hồ Tiểu Loan, phải mất 10 năm mới hứng đầy. Trung Quốc còn dự trù xây thêm một hồ chứa khác với sức chứa nhiều hơn , tới 23 tỷ mét khối. Trong thời gian hàng chục năm chận nước để chứ cho đầy các hồ này, thì dòng Mekong ra sao ?
Số phận người dân Thái lan, Cam Bốt và Việt Nam dưới hạ nguồn như thế nào ?
Đảng Cộng sản Trung Quốc có nghĩ đến họ hay không ? Câu trả lời chắc chắn là không. Theo báo Straits Times, Bắc Kinh không thèm tham khảo ý kiến của các nước lân bang. Họ còn tuyên bố các đập thủy điện của họ không những không gây hại mà còn tạo « tác dụng lợi ích » cho môi trường thiên nhiên. Nếu tin theo lời chính quyền Cộng sản Trung Quốc thì các đập trên thượng nguồn sẽ giúp điều hòa lưu lượng sông Mékong.
Thế nhưng theo một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc, biển Hồ ở Cam Bốt, dựa cá của vùng châu thổ hạ nguồn sông Cửu Long, và vựa lúa của miền Nam Việt Nam sẽ bị thiệt hại. Lưu lượng hai con sông Hậu, sông Tiền giảm đi sẽ làm cho nước biển tràn sâu vào đồng ruộng. Hàng chục triệu người Việt Nam sẽ phải di tản từ nay đến cuối thế kỷ.
-
Bùi Bảo Trúc Bạn ta, Hôm đi mua sách cũ với người bạn mấy tuần trước, tôi mua được bức poster The Old Guitarist của Picasso đóng khung rất đ...
-
Tích ngã vị sinh thì. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi. Vô y sử ngã hàn. Vô phàn sử ngã ky. Hoàn nhĩ công s...
-
Bill Hayton (Đinh Từ Thức dịch) Lời người dịch: Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gia...