16 thg 10, 2009
Văn chương và Hoà bình: Từ lưu vong đến khát vọng
"Họ cùng vươn lên từ bóng tối, nên họ cùng khát khao ánh sáng.”
Giải Nobel Văn chương và Nobel Hoà bình 2009 đã có chủ - nhà văn Đức Herta Müller và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Bay Vút có cuộc phỏng vấn với nhà văn/nhạc sỹ/nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc-Tuấn về chủ đề này. Những trao đổi dưới đây thể hiện quan điểm cá nhân của ông Hoàng Ngọc-Tuấn.
1. Herta Müller: viết từ chốn tối tăm khốn cùng
Bay Vút: Ông đã từng tiếp xúc với tác phẩm của Herta Müller, ông có nhận xét gì về nội dung, tư tưởng qua các sáng tác đó?
Hoàng Ngọc-Tuấn: Tôi đọc Herta Müller lần đầu tiên vào cuối năm 1999, tập truyện ngắn Nadirs. Chữ ‘Nadirs’ ở đây nói đến những chốn tối tăm khốn cùng nhất và đó là tình trạng của nước Romania dưới chế độ cộng sản của Ceaucescu.
Nhà văn Herta Müller có một lối viết rất độc đáo, mang đến cho người đọc nhiều bất ngờ, và để lại trong người đọc những dư âm sâu sắc. Nadirs là một tập gồm 15 truyện ngắn, trong đó truyện “Nadirs” là truyện chính, gần 70 trang, dài nhất trong cuốn sách. Tôi bị chinh phục ngay bởi lối văn xuôi đầy chất thơ của bà.
Thử nêu vài ví dụ: Truyện “Nadirs” khởi đầu bằng một câu không có động từ: “Những đoá hoa tím bên hàng giậu, bông vạn thọ với quả màu lục nhạt giữa hàm răng sữa của trẻ con”. Từ một câu văn như thơ ấy, tác giả đưa người đọc vào cái thế giới khốn cùng của một làng quê ở Romania, nơi trẻ con đói khát đến mức ăn cả lá cây và hoa dại cho đỡ đói. “Ông nội nói những chiếc lá cây vạn thọ làm cháu đần độn, cháu đừng ăn chúng. Và cháu không muốn thành đần độn chứ, phải không cháu... Cháu đừng ăn bông tràm, ông nội nói, có những con ruồi đen ở trong đó và nếu chúng bò vào cổ họng của cháu thì cháu sẽ thành ngu dốt. Và cháu không muốn thành ngu dốt chứ, phải không cháu...”
Câu chuyện được kể lại qua cái nhìn của một bé gái khốn khổ: “Từ lúc tôi ra đời, đôi vú của mẹ tôi đã héo hắt. Từ lúc tôi ra đời, Mẹ đã có đôi chân run rẩy. Từ lúc tôi ra đời, Mẹ đã có cái bụng nhão xệ. Từ lúc tôi ra đời, Mẹ đã trải qua những cơn băng huyết và kêu than đau đớn trong buồng tắm. Từ lúc tôi ra đời, Mẹ đã nói tôi may mắn vì chỉ là một đứa bé và mẹ bắt đầu khóc và cào những móng tay của bàn tay này vào những móng tay của bàn tay kia. Những ngón tay của bà khô giòn và cứng ngắt...” Đứa bé ngây thơ kể lại tất cả những hành vi hung bạo và tàn ác của người dân ở trong làng mà nó trông thấy, và người đọc hiểu ngay rằng đó là hậu quả của chế độ cộng sản Ceaucescu phi nhân tính, nơi giá trị cuộc sống bị hạ xuống đến tận cùng, nơi con người bị đối xử và sử dụng như nô lệ, như súc vật, chỉ còn biết kiếm miếng ăn qua ngày, bất chấp mọi ý nghĩa nhân bản, bất chấp đồng loại. Nhưng Herta Müller không trình bày câu chuyện như một bản cáo trạng. Bà đặt sự thô bạo và xấu xa của con người song song và đối lập với vẻ đẹp bất tuyệt của thiên nhiên với một văn phong đầy tính thơ và cảm xúc, khiến câu chuyện ngấm vào và gây rung động dài lâu trong tâm trí của người đọc.
Một tác phẩm khác của Herta Müller mà tôi đã đọc là cuốn The Passpost: A Surreal Tale of Life in Romania Today [Sổ hộ chiếu: Một câu chuyện siêu thực về cuộc sống ở Romania hôm nay]. Nhan đề là thế nhưng cuốn tiểu thuyết này chỉ ‘siêu thực’ đối với những ai ở bên ngoài bức màn sắt. Còn đối với những ai từng sống ở bên trong bức màn sắt thì đều biết đây là một câu chuyện hoàn toàn mang tính hiện thực. Câu chuyện xoay quanh việc gia đình Windisch nộp đơn xin cấp hộ chiếu để di dân ra nước ngoài. Xin hộ chiếu để rời khỏi nước cộng sản Romania thì tất nhiên chẳng đơn giản chút nào; và dọc theo diễn biến của câu chuyện, người đọc được chứng kiến tất cả những hành động tàn ác, bạo ngược, tham nhũng, vô đạo đức và phi nhân của một chế độ. Chua chát thay, đó là một chế độ mà lãnh tụ và vợ của lãnh tụ được tôn vinh như cha mẹ của nhân dân. Trẻ con phải học thuộc lòng những câu: “Cũng giống như người cha trong nhà của chúng ta là cha của chúng ta, Đồng chí Nicolae Ceaucescu là cha của đất nước chúng ta. Và cũng giống như người mẹ trong nhà của chúng ta là mẹ của chúng ta, Đồng chí Elena Ceaucescu là mẹ của đất nước chúng ta... Tất cả nhi đồng kính yêu Đồng chí Nicolae và Đồng chí Elena vì hai ngài là cha mẹ của tất cả chúng ta.”
2. Bậc thầy bút pháp và ngôn ngữ
Bay Vút: Còn về nghệ thuật văn chương của Müller, ông nghĩ sao?
Hoàng Ngọc-Tuấn: Herta Müller là một bậc thầy về bút pháp và ngôn ngữ văn chương. Bà thay đổi lối viết của mình một cách điêu luyện qua từng tác phẩm. Trong Nadirs là lối viết đầy tính thơ, trong The Passport là lối viết hiện thực lạnh lùng và chua chát, nhưng trong The Appointment [Điểm hẹn], bà sử dụng lối viết dòng ý thức đa tuyến tính, trong đó vô số mảnh ý nghĩ và hồi tưởng xen lẫn vào nhau một cách phức tạp không theo trật tự thời gian.
The Appointment là những diễn biến nội tâm của một người đàn bà vô danh trên chuyến xe điện đến điểm hẹn để gặp một thiếu tá công an chìm trong một cuộc điều tra vì bà ta bị tình nghi về hạnh kiểm và ý thức chính trị. Cuộc điều tra kéo dài và những cuộc hẹn xảy ra bất định kỳ gây nên một tâm trạng hoang mang cùng cực. Với cuốn tiểu thuyết này, Herta Müller cho độc giả cảm nghiệm hoàn cảnh của những con người sống dưới một chế độ độc tài công an trị, ngày đêm nơm nớp lo sợ, không biết số phận của mình sẽ như thế nào. Dần dần những nỗi hoang mang, lo sợ đó trở thành một thứ tâm bệnh, biến con người thành một cái xác không hồn, sống vật vờ từng ngày, hoàn toàn bị điều khiển bởi một guồng máy khủng khiếp và ghê tởm.
Herta Müller cùng chồng là nhà văn Richard Wagner thoát khỏi Romania năm 1987, nhưng khi ra đi, bà quyết định mang theo tất cả những gì thuộc về cuộc sống của bà, cả những ký ức và cảm nghĩ đau đớn, khốn cùng nhất. Trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của bà, Everything I Own I Carry With Me [Mọi thứ tôi có tôi đều mang theo], bà bắt đầu bằng những câu: “Mọi thứ tôi có tôi đều mang theo tôi. Hay: mọi thứ thuộc về tôi tôi đều đem theo.” Thật vậy, bà đem theo tất cả, nhưng bà không chỉ đem theo cho riêng bà, mà bà không ngừng kể lại, để những điều ấy trở thành kinh nghiệm chung cho cả nhân loại về một tấn thảm kịch khủng khiếp của lịch sử và chính trị mà một phần của nhân loại đã phải trải qua, phải chịu đựng và vẫn còn chịu đựng.
3. Ấm lòng người tị nạn
Bay Vút: Ông bình luận thế nào về việc Nobel Văn chương được trao cho Herta Müller? Ông có nghĩ giải thưởng này an ủi rất nhiều người tị nạn?
Hoàng Ngọc-Tuấn: Tôi rất hài lòng khi Herta Müller được trao giải Nobel Văn chương 2009. Tôi cho rằng không có lí do chính trị nào ở đằng sau việc trao giải này, vì chế độ cộng sản ở Romania và cả Đông Âu, cả Liên Xô đã cáo chung từ lâu và quyết định trao giải thưởng của Viện Hàn lâm Thụy Điển không dính dấp gì đến cái tâm lý của thời Chiến tranh Lạnh trước kia. Đó là sự công nhận giá trị văn chương của Herta Müller như một tiếng nói nghệ thuật cao đẹp đã diễn tả trung thực và sâu sắc trạng huống bi thảm của những người bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người, trong một giai đoạn tăm tối của lịch sử nhân loại.
Tất nhiên giải thưởng này làm ấm lòng rất nhiều người tha hương, tị nạn cộng sản, vì văn chương của Herta Müller đã nói giùm cho họ rất nhiều. Cái thảm trạng ngày trước ở Romania rất giống cái thảm trạng mà những người Việt Nam tị nạn cộng sản đã trải qua trước khi họ phải bỏ nước ra đi. Họ ra đi, họ cũng mang theo tất cả những ký ức đau thương của họ, nhưng họ chưa có thể kể cho cả nhân loại nghe như Herta Müller đã kể.
Dĩ nhiên còn rất nhiều điều mà chúng ta, cả những người ra đi và những người ở lại, phải tự kể, vì đó là những điều mà Herta Müller và những nhà văn của các dân tộc khác chưa từng biết đến, chưa từng trải qua. Tôi hy vọng một ngày nào đó, chúng ta sẽ có những nhà văn Việt Nam tài ba như Herta Müller, và chúng ta sẽ kể lại cho nhân loại nghe những câu chuyện của chúng ta. Hôm nay, chúng ta hãy gửi đến Herta Müller một lời chúc tụng nồng nhiệt và một lời cảm ơn chân thành.
4. Obama: hoàn toàn xứng đáng
Bay Vút: Về việc Tổng thống Barack Obama nhận giải Nobel Hoà bình, ông có thấy đó là một bất ngờ, hay là quá sớm như một số người nhận xét?
Hoàng Ngọc-Tuấn: Riêng tôi, tôi cảm thấy không bất ngờ khi Obama được trao giải Nobel Hoà bình, vì tôi nghĩ, ngoài Obama, thật khó để tìm thấy một người nào khác đáng được trao giải thưởng này trong năm nay. Nói rằng trao giải cho Obama là quá sớm thì cũng có nghĩa là Obama đáng được trao giải nhưng hãy đợi thêm vài năm nữa, hay đợi đến hết nhiệm kỳ Tổng thống, phải thế không? Nói như thế nghĩa là giải thưởng này nên được trao khi Obama đã lập được nhiều thành quả hơn nữa. Tuy nhiên nếu vậy thì ta hãy thử nhìn lại những người đã được giải Nobel Hoà bình từ trước đến nay để xem thử những thành quả cụ thể mà họ đã đạt được là gì. Có lẽ ta phải thừa nhận rằng nhiều người trong danh sách ấy đã được trao vì niềm tin vào những hành động của họ trong tương lai, chứ không phải vì những thành quả của họ. Và nếu thế thì Obama rất xứng đáng, vì hiển nhiên rằng nhân loại đã và đang đặt nhiều hy vọng vào những gì Obama sẽ thực hiện.
Bay Vút: Có vẻ như giải được trao vì niềm tin vào những hành động trong tương lai của Obama?
Hoàng Ngọc-Tuấn: Hội đồng Nobel của Na-uy trao giải thưởng cho Obama vì “những nỗ lực phi thường của ông trong việc tăng cường mối quan hệ quốc tế và sự hợp tác giữa các dân tộc”. Chúng ta thấy Obama đã thúc đẩy việc tài giảm vũ khí hạt nhânvà ông đã mở rộng quan hệ với khối cộng đồng Hồi giáo, và đó là những tiền đề cho sự hoà bình của nhân loại.
Nói đến thành quả của Obama, nếu hỏi Obama đã làm được gì cho hoà bình, thì có lẽ trong chúng ta ai cũng thấy rằng chính ông đã xoá đi ít nhiều những cảm nghĩ về sự phân biệt màu da. Tôi cho rằng đó là một thành quả đáng kể, vì trước ông, chưa có ai làm được điều đó ở mức độ như ông. Và việc xoá đi sự phân biệt màu da cũng là một điều kiện quan trọng cho sự hoà bình của nhân loại.
5. Khát vọng
Bay Vút: Nếu đặt hai người nhận hai giải thưởng này cạnh nhau, ông có nhìn thấy một sự liên hệ thú vị nào không?
Hoàng Ngọc-Tuấn: Câu hỏi thật thú vị vì đã gợi ý đến sự liên hệ về ý nghĩa giữa hai người nhận giải thưởng Nobel năm nay. Thật vậy, giữa Herta Müller và Barack Obama có nhiều điểm chung. Càng suy nghĩ và so sánh, ta sẽ càng phát hiện thêm những điểm tương đồng giữa họ. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến một điểm chung lớn giữa hai người. Một người là nhà văn, một người là nhà lãnh đạo chính trị, nhưng cả hai đều vươn lên từ bóng tối — một người từ bóng tối của sự kỳ thị chủng tộc, một người từ bóng tối của chế độ độc tài phi nhân tính.
Họ cùng vươn lên từ bóng tối, nên họ cùng khát khao ánh sáng. Tôi tin rằng họ khao khát ánh sáng không chỉ cho riêng họ mà cho cả chúng ta. Riêng đối với Obama, tôi đã quan sát, lắng nghe, và cảm thấy có niềm hy vọng vào Obama. Tôi tin rằng ông ta sẽ làm được một điều gì thật sự có ý nghĩa, để cho những người đi sau sẽ tiếp nối ý nghĩa đó. Tôi đã quá chán ngán với những cuộc chiến tranh trong nhân loại. Tôi mong ước trước khi nhắm mắt sẽ được một lần chứng kiến nhân loại nắm tay nhau và ngưng tiếng súng.
Bay Vút: Xin chân thành cảm ơn ông về sự chia sẻ này.
-
Bùi Bảo Trúc Bạn ta, Hôm đi mua sách cũ với người bạn mấy tuần trước, tôi mua được bức poster The Old Guitarist của Picasso đóng khung rất đ...
-
Tích ngã vị sinh thì. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi. Vô y sử ngã hàn. Vô phàn sử ngã ky. Hoàn nhĩ công s...
-
Bill Hayton (Đinh Từ Thức dịch) Lời người dịch: Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gia...