23 thg 10, 2009

Yêu là cho tất cả

EM.

Em vừa tốt nghiệp đại học sư phạm, thì cưới một cô vợ xinh đẹp và hồn nhiên như thiên thần. Sướng thật! Hai vợ chồng sống chung một căn phòng của chung cư. Hơi chật, nhưng đầy đủ tiện nghi và ấm cúng. Em đi dạy học. Vợ Em làm thợ may. Em mải miết đọc sách. Vợ Em say mê sắm đồ. Tủ sách của chồng và tủ áo của vợ cứ đua nhau cơi nối. Thế rồi ... Vợ Em đi vượt biên. Trong khi chờ đợi "cá lớn", vợ Em tâm sự với bạn cũ.

-Tao thôi chồng. Đi vượt biên để quên đời.

-Bộ chồng mầy hết thương mầy rồi hả?

-Không phải. Yêu, nhưng lạnh lùng. Tao không thể chịu được mẫu người như Thế. Đọc sách tối ngày, chẳng biết vợ thích gì và muốn gì. Tao kể cho mầy nghe nha.

1- Tao đi làm đầu về. Ổng nằm đọc sách ở ghế xích đu. Tao đằng hắng. Ổng không thèm dòm. Tao kéo ghế ngồi sát bên. Ổng vẫn đọc sách. Tao hỏi:

-Anh thấy kiểu tóc nầy coi được không?

-Cũng được.

Nói là cũng được mà cặp mắt vẫn dán vào trang giấy. Bôi bác. Vô tâm vô tình. Vợ đẹp mà không biết thưởng thức. Có miệng mà không biết khen. Ngoài sách ra, thì cái gì cũng như nhau hết, tao cho ổng lấy sách làm vợ.

2- Tao tìm trong catalô được một kiểu áo rất đẹp. Tao may, tao mặc thử. Phải nói là tuyệt! Màu vàng quí phái chịu không nổi. Tao hỏi ổng:

-Anh đánh giá giùm Em bộ đồ mới nầy.

-Cũng đường được .

Miệng nói đường được, mà cặp mắt thì lơ đãng. Như vậy thì có phải là vô tình không? Cho de luôn!

3- Hồi chưa cưới, hai đứa thường rủ nhau đi ăn vịt lộn ở lăng Lê Văn Duyệt. Nhân kỷ niệm một năm hôn phối tao gợi ý ổng đi ăn vịt lộn.

-Anh đang đọc dở cuốn "Những Kẻ Khốn Cùng" của Victor Hugo.

-Anh quên chuyện hai đứa mình hồi đó rồi sao?

-Quên là khả năng để nhớ.

-Thế mình làm cái gì để kỷ niệm ngày hôn phối?

-Hai đứa mình lên giường, vai kề vai. Anh đọc "Những Kẻ Khốn Cùng" cho Em nghe.

Mầy thấy ổng gàn chưa? Tao không thể suối đời ôm khúc gỗ mà sống ...

EM.

Tôi không bênh vợ Em. Nhưng tôi không thể đứng về phe với Em được. Cưới vợ, tức là Em quên mình để đem hạnh phúc đến cho vợ. Hạnh phúc của Em, nếu có, thì chỉ là hiệu quả của việc dâng hiến: “chính lúc cho là khi nhận lãnh" (Phanxico Atxidi). Đáp ứng nguyện vọng của vợ là làm cho vợ được hạnh phúc. Nguyện vọng căn bản của mọi người vợ vẫn chỉ là được quan tâm, được chiếu cố. Ví dụ:

1- Em buông cuốn sách xuống, nhìn trân vào mái tóc mới làm của vợ rồi phê một câu ngắn gọn "Tuyệt". Lời nói chẳng mất tiền mua mà mua được một ngày hạnh phúc cho vợ. Ngày hôm ấy vợ Em sẽ làm việc giỏi, sẽ sống vui và sống khỏe. Và ... sẽ biến ngôi nhà của Em thành một thiên đàng nho nhỏ.

2- Vợ Em là thợ may giỏi lại xinh đẹp, có khả năng thành người mẫu. Nếu Em tạm ngưng đọc sách năm phút để phân tích, để đánh giá màu sắc và đường nét của tấm áo màu vàng vợ Em mới may và đang mặc, thì ... vợ Em sẽ sung sướng biết bao. Em có thể chê vài chi tiết trên tác phẩm, nhưng chê có nghĩa là có quan tâm, có chiếu cố. Sự quan tâm của Em sẽ phát huy tài năng của vợ. Đó là bổn phận của Em, của người chồng.

3- Nếu hôm ấy Em bỏ Victor Hugo để đưa vợ đi ăn vịt lộn ở lăng Lê Văn Duyệt, Em sẽ được nghe vợ nhắc lại những kỷ niệm thân thương ấy. Tình vợ chồng sẽ được bồi dưỡng, sẽ lớn lên mãi. Đó là điều mà Victor Hugo không thể ban tặng cho Em. Đó là bổn phận phải chu toàn. Đó là hạnh phúc phải trả giá.


Tôi biết rằng Em sẽ cho những việc đó là trẻ con, là vụn vặt, là vướng cẳng. Em sẽ cho rằng đấng nam nhi không hưỡn để nịnh vợ. Thế nhưng Em lấy vợ để làm gì? Em chỉ muốn nhận mà không muốn cho. Không huỡn để cho, đó là lý luận của người ích kỷ.

Có thể Em sẽ dẫn chứng những vĩ nhân không nịnh vợ, vì không huỡn. W. Churchill, một chánh trị gia lỗi lạc thời thế chiến thứ hai chẳng bao giờ nịnh vợ cả. Trái lại được bà vợ quên hẳn sự nghiệp của mình để nâng niu chồng. Bà đã đặt gạt tàn thuốc lá ở khắp mọi nơi trong nhà và năn nỉ chồng: "Anh làm ơn gạt tàn vào đây giùm em, đừng búng tàn thuốc xuống thảm". Thế nhưng ông Churchill vẫn bịnh nào tật ấy, cứ búng bừa tàn thuốc xuống thảm, làm xót xa bà vợ. Nhưng bà vẫn nhẫn nại chịu đựng, miễn là chồng bà làm nên sự nghiệp. Đó là người vợ lý tưởng mà người đàn ông không có quyền đòi hỏi.

Bà Midori vợ của Phaolô Nagai chuyên gia về phóng xạ nguyên tử cũng là người vợ hi hữu. Bà chăm sóc cho chồng còn hơn con nít. Mỗi lần chồng đi làm, bà phải kiểm tra từ đôi giày đến cà vát. Bà lặng lẽ phục vụ chồng để chồng phục vụ khoa học. Bà kể:

-Khi ăn cơm thì chồng bà vừa ăn, vừa đọc sách. Cuốn sách để ngay bên dĩa cơm.

-Có lần bà gặp chồng ngoài đường, giơ tay vẫy chào, ông cúi đầu rảo bước. Hỏi tại sao, thì ông trả lời: không hay.

-Có lần chồng bà đi làm mà xỏ giày lộn chân phải với chân trái. Bà phải nhắc nhở.

-Trong suốt cuộc đời làm vợ, bà chỉ có một niềm vui duy nhất, đó là thỉnh thoảng lại được đọc một bài báo của chồng đăng trên tạp chí khoa học.

EM.

Nếu Em muốn làm vĩ nhân, thì phải cưới vợ vĩ đại, nhưng khi có vợ vĩ đại như thế, thì Em phải mắc một món nợ muôn đời không thể trả được.

EM.

Vợ Em vô ngồi tù ở trại Cây Gừa rồi. Em hãy đi thăm nuôi để quan tâm, để chiếu cố, để tha thứ, để đền tội và để làm lại cuộc đời. Thời gian ngồi tù sẽ giúp vợ Em trưởng thành hơn, bớt ích kỷ hơn và cũng sẽ nhận ra:

"Cho thì tốt hơn nhận" ;

"Chính lúc cho là khi nhận lãnh" []

LM. Ngô Phúc Hậu

12 THÁNG ANH ĐI