3 thg 11, 2009

Bất chấp Trung Quốc, Hoa Kỳ khẳng định tiếp tục thăm dò biển Ðông

'Trung Quốc kín đáo tung tàu ngầm vào Thái Bình Dương'

HONG KONG - Cấp chỉ huy Hải Quân Hoa Kỳ cho biết sẽ tiếp tục thăm dò ở nhiều vùng trên biển Ðông, nơi Trung Quốc tự nhận là đặc khu kinh tế của họ, bất chấp một cảnh báo mới đây từ Bắc Kinh rằng hành động như vậy là “trở ngại chính” cho quan hệ quân sự vốn đã được cải thiện giữa hai nước.

Bản tin của China Daily cho hay.

Ðề Ðốc Kevin Donegan, tư lệnh lực lượng tác chiến Ðệ Thất Hạm Ðội, có căn cứ đặt tại Nhật, nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tiễu “vùng hải phận quốc tế” ở biển Ðông, nhấn mạnh rằng đây là việc tối cần thiết để bảo vệ quyền tự do lưu thông trên hải lộ thương mãi này.

Bản tin của China Daily cho biết, khi nói về hoạt động trong tương lai của các tàu thăm dò hải dương, như chiếc USNS Impeccable, Ðề Ðốc Donegan khẳng định, “Hiển nhiên là Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục hoạt động trên hải phận quốc tế. Chúng tôi hoạt động trên vùng được cho phép.” Trước đây, Trung Quốc đã từng có hành động gây hấn với tàu USNS Impeccable của Hoa Kỳ, khi tàu này đang thực hiện một số cuộc thăm dò đại dương.

Theo ông Donegan, hải phận quốc tế đã được “cộng đồng quốc tế định nghĩa khá rõ ràng và dựa theo công pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ không vi phạm vào hải phận của một ai.”

Ðề Ðốc Donegan không muốn bình luận về chi tiết của công việc thăm dò, nhưng bày tỏ mối quan tâm về việc Trung Quốc tăng cường quân đội lên mức “chưa từng thấy.” Ông tiếp thêm, rằng sự quân bình trong khu vực là điều quan trọng, theo đó, Hoa Kỳ và những nước khác trong vùng muốn hiểu rõ ý đồ của Trung Quốc.

Ðược hỏi về một cuộc hợp tác và trao đổi với quân đội Trung Quốc, Ðề Ðốc Donegan nói rằng, những cải thiện về giao thiệp gần đây có tính tích cực nhưng cần phải nhiều hơn nữa để có thể giới hạn những rủi ro có thể có do hiểu lầm. Ðề Ðốc Donegan phát biểu ở Hong Kong hôm Thứ Sáu tuần rồi trong một cuộc ghé thăm cảng này của hàng không mẫu hạm USS George Washington cùng các tàu hộ tống, một ngày sau khi nhân vật thứ nhì của quân đội Trung Quốc, là Tướng Xu Caihou, kết thúc chuyến thăm Washington.

Trong những cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates tại Ngũ Giác Ðài, Tướng Xu tán đồng bảy bước tiến tới, điều mà Washington kỳ vọng, là có sự quan hệ về quân sự thường xuyên hơn, đồng thời cũng nhấn mạnh đến bốn “trở ngại chính.” Trong số bốn trở ngại chính, có việc quân đội Hoa Kỳ yểm trợ Ðài Loan, sự hiện diện của tàu thăm dò của Mỹ trong vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc vùng đặc khu kinh tế của mình.

Căng thẳng gia tăng tại khu vực biển Ðông, nơi Hải Quân Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đều nhận là có quyền đi lại, khi Trung Hoa tăng cường tuần tiễu bằng tàu ngầm, xuất phát từ căn cứ mới thành lập ở đảo Hải Nam.

Mặc dầu từ lâu vẫn đứng ngoài về vấn đề tranh chấp biển Ðông, Washington đang để mắt theo dõi, và đã từng lên tiếng quan ngại việc Trung Quốc áp lực các công ty dầu của Mỹ liên quan đến sự hợp tác thăm dò dầu khí với Philippines và Việt Nam. Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều nhận Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn thuộc về mình, trong khi Malaysia, Philippines và Brunei nhận sở hữu một phần Trường Sa.

Hai quần đảo dồi dào trữ lượng dầu khí này nằm ngay trên trục lộ hải hành giữa Châu Âu và Châu Á, trên đó cũng là đường tiếp tế dầu cho Trung Quốc lẫn Nhật Bản. Trung Quốc đã chính thức xác nhận chủ quyền hầu hết vùng biển này đối với Hội Nghị Qui Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Trong khi tránh không muốn xen vào việc tranh chấp, các viên chức Hoa Kỳ, điển hình là Ðề Ðốc Donegan kêu gọi nên có những giải pháp chính trị ôn hòa.

Hoa Kỳ lẫn các cường quốc khác trong vùng tin rằng đánh cá hay khai thác bất hợp pháp trong vùng đặc khu kinh tế của một nước là điều cấm kỵ, nhưng nơi đây vẫn để mở cho sự giao thông của tàu bè quân sự lẫn thương mại của các nước khác, gồm cả việc thường xuyên thăm dò - có nghĩa là khu vực này vẫn được xem như “hải phận quốc tế.” Ví dụ, Hoa Kỳ và Liên Xô (cũ) vẫn thường xuyên tiến hành những cuộc thăm dò trong vùng đặc khu kinh tế của nhau vào thời kỳ có cuộc Chiến Tranh Lạnh.

Tuy nhiên, Trung Quốc thì nhất mực giới hạn những hoạt động thăm dò, như lời Tướng Xu đã khẳng định tuần rồi.

Các nhà phân tích quân sự lẫn các nhà ngoại giao tin rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn trong vòng 18 tháng tới, khi Bắc Kinh cho hạ thủy tám tàu ngầm mới có khả năng mang theo hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa.

Washington thì dự định sẽ đưa đến những tàu thăm dò tương tự chiếc Impeccable. Chiếc này kéo theo một dụng cụ phát hiện tàu ngầm cực mạnh dưới nước để thu thập tin tức về từng tàu ngầm một, có lợi cho hoạt động của các tàu ngầm Hoa Kỳ.

Một tùy viên quân sự Á Châu phát biểu, “Hải Nam là nơi quan yếu đối với Trung Quốc để có thể tung tàu ngầm một cách kín đáo vào vùng Thái Bình Dương. Mỹ biết vậy nên muốn tìm ra cách nhận diện từng tàu ngầm của Trung Quốc.”

“Cuộc đua vẫn còn đang tiếp diễn!”

Một viên chức cao cấp của Ngũ Giác Ðài gần đây tường trình trước Quốc Hội rằng, “Khi quân đội Trung Quốc cho củng cố các cơ sở quân sự ở đảo Hải Nam, ta thấy ngay đây là quyết tâm phản ứng của họ trực tiếp đối với các hoạt động trên không lẫn trên biển của Hoa Kỳ.”

Giáo Sư Carl Thayer, nhà phân tích thuộc Học Viện Quốc Phòng Australia nhận định rằng, trong tương lai gần, ít có dấu hiệu nào cho thấy hai phía nhường bước. “Chúng ta thấy ngay là Hoa Kỳ đang tiến đến gần Trung Quốc với một cây gậy và củ cà-rốt về vấn đề quyền đi lại của họ trên biển Ðông. Nhưng Trung Quốc đề kháng theo cách khôn ngoan của họ. Bắc Kinh đặt Washington trước những lời cảnh cáo mà Washington phải đắn đo suy nghĩ về việc làm thế nào, và khi nào, họ mới thực hiện cuộc thăm dò.” (T.P.)

12 THÁNG ANH ĐI