26 thg 11, 2009

Phan bội Châu tự phán

Luật sư Nguyễn Hữu Thống

Từ đó, các sĩ phu Việt Nam nhìn rõ những sở đoản của giải pháp bạo động và vọng ngoại. Để giành lại chủ quyền, về mặt ngoại viện, Việt Nam biết trông cậy vào ai?
-Nhật Bản ư? Nhưng nước này lại quá tàn nhẫn vì còn nuôi những tham vọng vị kỷ muốn làm bá chủ Á Đông. Sau khi ký hiệp ứơc kinh tế với Pháp, chính phủ Nhật đã trục xuất Phan Bội Châu, Cường Để và 200 sinh viên trí thức Việt Nam trong phong trào Đông Du từ 1908.
-Trung Hoa ư? Nhưng từ sau cuộc Cách Mạng Tân Hợi, Trung Hoa Quốc Dân Đảng vẫn không giúp được gì cho các chiến hữu Việt Nam Quốc Dân Đảng. Hơn nữa do tệ nạn sứ quân, chính phủ Trung Hoa đã bắt giam Phan Bội Châu trong 4 năm.
-Đức ư? Nhưng quốc gia này đã thất trận trước liên minh Anh Mỹ Pháp từ 1918.
-Nga ư? Nhưng nước này lại quá hiểm độc. Họ buộc các sinh viên du học phải trung thành với chủ nghĩa Cộng Sản và đấu tranh giai cấp, tiêu diệt tư sản và tiểu tư sản để phục vụ cách mạng vô sản, trái với chủ trương đoàn kết dân tộc.

Năm 1907, tại Trường Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội, Phan Chu Trinh đề ra gỉai pháp tự lực tự cường: "KHÔNG NÊN TRÔNG NGƯỜI NGOÀI, trông người ngòai là ngu. KHÔNG NÊN BAO ĐỘNG, bạo động thì chết. Tôi chỉ có một lời để nói với đồng bào, KHÔNG GÌ BẰNG HỌC". Học để khai dân trí, hưng dân khí, thực nhân tài và hậu dân sinh.

Thấm nhuần tư tưởng tự do dân chủ phóng khoáng của Montesquieu, Rousseau, Lương Khải Siêu, và Khang Hữu Vi, Phan Chu Trinh đề ra chính sách đổi mới chủ trương hợp tác với nhà nước bảo hộ Pháp để cầu tiến bộ (ỷ Pháp cầu tiến bộ). Năm 1906, ông gửi Toàn Quyền Đông Dương bản "Đầu Pháp-Chính-Phủ Thư" (đầu có nghĩa là gửi), yêu cầu chính phủ thực thi những cải cách thiết thực cho dân chúng.

Sau đó ông ra Hà Nội thuyết trình về chủ nghĩa Duy Tân tại Trường Đông Kinh Nghĩa Thục do các Tân Đảng Bắc Hà thành lập. Ông hô hào quốc dân bỏ cũ đổi mới, phát huy tinh thần tự lực tự cường, tránh bạo động và không vọng ngoại. Chống chế độ quân chủ phong kiến, ông đề cao chế độ dân chủ. Cùng với các đồng chí Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng, ông phản đối chính sách ngu dân của Triều Đình Huế. Ông đề xướng phong trào Duy Tân, mở trường học, lập hội buôn, cắt tóc ngắn, mặc âu phục bằng vải nội hóa. Triều đình Huế coi ông là phần tử nguy hiểm cần phải loại trừ.

Năm 1908 nhân phong trào nông dân đòi giảm sưu thuế tại Quảng Nam, nơi sinh quán Phan Chu Trinh, triều đình truy tố ông về tội "xúi dân làm loạn"và tuyên án trảm quyết. Trong năm này họ đã trảm quyết Trần Quý Cáp tại Nha Trang. Nhờ sự can thiệp tích cực của Hội Nhân Quyền và Đảng Xã Hội Pháp, triều đình Huế phải cải án tử hình thành khổ sai chung thân và đầy ông ra Côn Đảo. Ba năm sau, Hội Nhân Quyền và Đảng Xã Hội Pháp lại vận động với Thủ Tướng Pháp xin ân xá và cấp giấy phép cho Phan Chu Trinh sang Pháp du học cùng với con trai là Phan Chu Dật.

Trước sau Phan Chu Trinh vẫn trung thành với chính sách canh tân, hợp tác và thương nghị với Pháp.

Tại Đông Kinh năm 1906, sau khi cùng Phan Bội Châu tham quan các trường học và khảo sát chính sách giáo dục của Nhật Bản, Phan Chu Trinh tâm sự với Phan Bội Châu:

"Trình độ dân Nhật Bản như thế mà trình độ dân ta như thế, không nô lệ sao được! Được bấy nhiêu sinh viên du học Nhật Bản là sự nghiệp lớn của ông. Từ nay ông nên lưu Đông yên nghỉ, chăm việc làm sách, bất tất nói bài Pháp làm gì, chỉ nên đề xướng dân quyền. Dân đã biết có quyền thì mọi việc khác có thể tính lần được. Ông hãy hết sức trân trọng. Quốc dân chỉ kỳ vọng nơi mình ông. Kỳ Ngoại Hầu không cần gì đâu"

-- (Phan Bội Châu Tự Phán).

Cuộc Đông Du nặng về giáo dục, khai dân trí, hưng dân khí, thực nhân tài. Giáo dục vụ về xây dựng không đi với bạo động. Đàm Kỳ Sinh khi qua Nhật cũng đóan biết giáo dục không đi với bạo động. Ông thường than thở với Phan Bội Châu: "công việc chúng ta làm, liệu có nên được chăng?" Cụ Phan viết; "tôi nhận kiến thức ấy, tôi thua ông xa" (Tự Phán).

Sau Cách Mạng Tân Hợi, Phan Bội Châu đến gặp vị bí thư của Tôn Trung Sơn tại Nam Kinh và Đô Đốc Trần Kỳ Mỹ tại Thượng Hải để nhờ yểm trợ cuộc cách mạng "bạo động kịch liệt". Nhưng các chiến hữu Trung Hoa chỉ khuyên ông hãy tuyển chọn các sinh viên nhập các học đường Trung Hoa để chứa sẵn nhân tài, chờ cơ hội. Họ không tán thành đường lối bạo động "bảo rằng nên theo giáo dục, hãy bắt tay vào, hễ quốc dân không được giáo dục thì chẳng bao giờ bạo động mà công hiệu".

Sau những thất bại đau thương do bạo động, Phan Bội Châu tự phán:

"Than ôi! Việc đời quá chừng trắc trở, cơ trời quá khó đo lường, hy sinh oan đồng bào mà không có kết quả gì, thiệt là đại tội cực ác của tôi, mà tôi phải thiên vàn thừa nhận.

"Vứt đầu sọ chí sĩ, hao huyết tủy nghĩa dân không biết bao nhiêu, mà những điều sở kỷ chẳng mảy may gì như ý! Nếu bảo tôi Nam hồi lần này chỉ có tội nặng mà không công gì, tôi cũng hết lời chối cãi!"

"Mục đích của tôi là thừa cơ hội đảng cách mạng Tàu thành công, mượn tay người Tàu xoay chuyển một cuộc mới khác. Tuy nhiên sau việc mà nghĩ lại thì kế họach này cũng ngông quá. Vì ở trong không có một tổ chức thực lực gì, chỉ trông chờ ngọai lực, điều gì cũng cậy vào lưng người. Xưa nay Đông Tây các nước, không một đảng cách mạng nào chỉ là đoàn ăn mày các nước mà làm nên công được." (Tự Phán).


Sau Thế Chiến Thứ Nhất, Phan Bội Châu xét rõ tình thế thấy rằng Việt Nam không thể kỳ vọng vào sự gíup đỡ của Tàu, vì Tàu còn tự cứu không xong. Cũng không thể trông đợi gì ở Nhật, vì Nhật tâm địa gian hiểm, chỉ vụ lợi kỷ mà thôi. Rốt cuộc Phan Bội Châu cũng đồng ý với Phan Chu Trinh về chủ trương hợp tác và thương nghị với Pháp khi viết "Pháp Việt Đề Huề Chính Kiến Thư" (1918)

Trước đó 12 năm, năm 1906 Phan Chu Trinh cũng đã gởi Chính Phủ bảo hộ bản "Đầu Pháp Chính Phủ Thư".

Như vậy là trong những năm 1906 và 1918, Phan Chu Trinh, và Phan Bội Châu đã công khai đề xướng sách lược đấu tranh công khai ôn hòa, bất bạo động, chủ trương CANH TÂN, HƠP TÁC và THƯƠNG NGHI với Pháp để đòi tự trị trong giai đọan đầu và độc lập trong giai đoạn sau.

Chúng ta biết rằng từ thế kỷ 18, Pháp là nước có những truyền thống cách mạng về công lý, tự do, bình đẳng, bác ái, tiến bộ nhất trong lịch sử lòai người. Tại Pháp, các đảng Xã Hội cũng chủ trương canh tân và giải phóng thuộc địa đồng thời với giải phóng lao động. Năm 1936 Chính Phủ Xã Hội Léon Blum đã trả tự trị cho Syrie và Liban, và 10 năm sau, năm 1946 đã trả độc lập cho hai quốc gia này.
LS. Nguyễn Hữu Thống

12 THÁNG ANH ĐI