3 thg 12, 2009

Bao giờ Tàu đuổi kịp Mỹ ?

Ngô Nhân Dụng

Bà Susan Schwab, nguyên đại diện thương mại trong chính phủ Mỹ, đã được trao tước hiệu “giáo sư danh dự” của Ðại Học Quốc Gia ở Hà Nội ngày hôm qua. Trước đó bà đã thuyết trình về các vấn đề kinh tế ở đại học này, mà theo báo chí thì ba phần tư thời giờ là nói chuyện Trung Quốc.
Một câu hỏi tự nhiên trong số thính giả tới nghe một người Mỹ nói về kinh tế nước Tàu, tất nhiên là: “Bao giờ Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ?”

Bà Susan Schwab có nghĩ đến nỗi ám ảnh này, và bà nói thẳng rằng đó là một chuyện “được thổi phồng quá đáng!” Hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ phần lớn là đồ gia dụng và các hàng tiêu thụ rẻ tiền, trong khi Mỹ tập trung bán những thứ hàng thuộc công nghệ cao và có lời nhiều: máy bay, khí cụ truyền thông, vân vân.

Nghe vậy thì biết người Mỹ vẫn yên tâm mua hàng Tàu, giúp dân Trung Hoa có công việc làm và giúp chính phủ Bắc Kinh thu ngoại tệ về để tiếp tục cho chính phủ Mỹ vay “với giá rẻ.” Nhưng bà Schwab không trả lới thẳng câu hỏi “Ðến bao giờ thì kinh tế Trung Hoa qua mặt Mỹ, hay nói khiêm tốn hơn, bao giờ thì họ đuổi kịp Mỹ?”

Cần phải xác định “đuổi kịp” là dựa trên tiêu chuẩn nào. Thử lấy Tổng Sản Lượng Nội Ðịa (GDP) làm thước đo, hiện nay GDP Trung Quốc lớn gần bằng một phần ba của Mỹ. Nếu kinh tế Trung Quốc cứ tiếp tục tăng trưởng liên tục với tốc độ 10%, mà Mỹ chỉ tăng với tốc độ 3%, thì trong khoảng 17 năm, GDP của Trung Quốc sẽ bằng của Mỹ. Giả thiết tỷ lệ tăng trưởng 10% suốt 17 năm có vẻ lạc quan quá đáng, nhưng từ con số trên có thể tiên đoán tổng sản lượng nội địa của nước Trung Hoa sẽ lớn bằng của Mỹ trong khoảng 20 năm.

Nhưng so sánh bằng GDP không đủ, vì hai nước có dân số khác nhau. Khi kinh tế Tàu bằng kinh tế Mỹ mà số dân Trung Hoa vẫn đông gấp ba lần, thì lợi tức theo đầu người của người Trung Hoa chỉ bằng một phần ba của người Mỹ. Cho nên phải so sánh bằng GDP chia đều cho đầu người dân. Dùng con số này, thì hiện nay nếu người Trung Hoa trung bình làm ra một đồng thì người dân Mỹ có 14 đồng, lợi tức gấp 14 lần. Bao giờ thì họ đuổi kịp dân Mỹ? Theo một người sinh trưởng ở Trung Quốc và hiện làm việc tại Mỹ thì cần phải 47 năm nữa lợi tức bình quân của nước ông mới bằng nước Mỹ. Tức là dân Trung Hoa sẽ phải chờ gần nửa thế kỷ nữa.

Vị học giả Trung Hoa trên là ông Bùi Mẫn Hân (Xinmin Pei???), tốt nghiệp Ðại Học Thượng Hải trước khi sang Mỹ học, và hiện làm việc nghiên cứu tại Viện Carnegie về Hòa bình quốc tế, và giám đốc một viện nghiên cứu chiến lược tại Claremont McKenna College. So sánh với toàn thể Á Châu, ông Bùi Mẫn Hân thấy hiện nay lợi tức theo đầu người chỉ có 5,800 đô la một năm, so với 48,000 đô la của dân Mỹ. Còn ngân sách quân sự của cả Á Châu vào năm 2008 chỉ bằng một phần ba ngân sách quốc phòng của Mỹ, mà vì nước Mỹ vẫn chi rất nhiều vào việc chế tạo vũ khí, phải chờ 72 năm nữa Á Châu mới đuổi kịp.

Nhưng ông Bùi Mẫn Hân cho là vai trò “cường quốc” trên thế giới không phải chỉ đạt được nhờ sức mạnh kinh tế và quân sự. Một yếu tố quan trọng hơn, theo ông là “ý kiến, tư tưởng.” Hiện nay cả thế giới đang chịu ảnh hưởng của những ý tưởng mà Mỹ và các nước Tây phương vẫn theo đuổi từ mấy thế kỷ nay: kinh tế thị trường, chế độ tự do dân chủ, và các định chế quốc tế ra đời từ hơn nửa thế kỷ qua, như Liên Hiệp Quốc, tòa án thế giới, WTO, vân vân.

Trung Quốc đang cống hiến được gì trong lãnh vực này? Trung Quốc có đưa ra cho thế giới một mô thức chính trị hay kinh tế nào để người ta bắt chước? Hay là một quy củ mới cho đời sống quốc tế? Chưa có gì cả. Như quý vị đọc mục này đã biết, một người Trung Hoa là giáo sư Diêm Học Thông (Yan Xuetong), thuộc Ðại Học Thanh Hoa, Bắc Kinh, còn chê là “chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Hoa càng ngày càng trông giống như chủ nghĩa tư bản với đặc tính Mỹ!” Hiện nay Trung Quốc đang “xuất cảng tư tưởng” bằng những Viện Khổng Tử. Ðó là những “trung tâm văn hóa” theo kiểu Viện Goethe mà chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Ðức đã lập ở nhiều nước. Ở Hà Nội cũng có một viện Khổng Tử, và chuẩn bị xây dựng một Cung Văn Hóa với mô hình rất “hoành tráng” xây bằng tiền của Bắc Kinh. Trung Quốc đang bán món hàng Khổng Tử, thay vì xuất cảng Mao Trạch Ðông. Ngay ở trong nước Tàu, cuốn Luận Ngữ được một nữ ký giả chú thích, giải nghĩa và bình luận đã bán được dăm chục triệu cuốn, còn Sách Ðỏ của Mao chẳng ai thèm mua.

Nhưng thế giới bây giờ có thể học gì ở Ðức Thánh Khổng? Chính những người lãnh đạo ở Bắc Kinh cũng chưa biết dùng vị vạn thế sư biểu này vào việc gì, ngoài ý định lợi dụng ngài để củng cố chế độ qua các đức tính như trung thành tuyệt đối với bề trên, một ý tưởng chỉ đến đời Tống mới thịnh hành chứ chính Khổng Tử và Mạnh Tử thì không chủ trương như vậy. Cho nên, trên mặt trận tư tưởng, Trung Quốc hiện nay chưa có gì để cống hiến cho loài người; sự bành trướng của họ bây giờ dựa hoàn toàn trên trao đổi kinh tế. Mà phương thuốc kinh tế của họ thì chỉ là mô phỏng kinh tế tư bản trước đây hơn 100 năm.

Như đã trình bày trong mục này tuần trước, sự phát triển của một số công ty lớn nhất ở Trung Quốc không phải là nhờ hệ thống chính trị, luật pháp và kinh tế nước họ, mà chính là nhờ họ được sử dụng hệ thống pháp luật và thị trường tài chánh mà người Anh đã để lại ở Hồng Kông. Những nước đang mở mang khác không có một Hồng Kông ở bên cạnh sẽ không có cách nào theo chân Trung Quốc được. Toa thuốc phát triển của Trung Quốc gồm hai phần, một là chú trọng đến đầu tư và xuất cảng, hy sinh tiêu thụ; hai là dựa vào cánh cửa ngỏ ở Hồng Kông với “hạ tầng cơ sở” về định chế và pháp luật tư bản có sẵn ở đó hàng trăm năm. Các nước khác phải tự thiết lập lấy những cái khung luật pháp, thị trường tài chánh, làm hạ tầng cơ sở chính trị cho việc phát triển của mình. Nếu không thì toa thuốc sẽ thiếu vị chính, bắt chước thì chỉ tự chuốc lấy những cái dở, cái xấu của hệ thống kinh tế Trung Quốc mà không hưởng được cái lợi nào cả. Cho nên khi bà Susan Schwab khuyên các sinh viên Ðại Học Quốc Gia Hà Nội là “Việt Nam phải tìm con đường riêng, khác Trung Quốc,” là bà ấy nói rất chí tình, chứ không phải chỉ nói phỉnh người Việt mà chắc bà ấy biết không ai ưa gì ảnh hưởng Trung Quốc.

Giáo Sư Bùi Mẫn Hân đã xuất bản cuốn China's Trapped Transition: The Limits of Developmental Autocracy (Harvard University Press, 2006). Chủ đề ngay trong tựa sách đã cho biết ông nhận thấy những giới hạn của mô hình phát triển trong chế độ độc tài. Ông nêu lên những chỗ yếu kém tự sinh ra trong cơ cấu kinh tế của Trung Quốc cũng như của các nước độc tài khác. Ðiều ông quan tâm nhất là một chế độ độc tài thì không thể nào bài trừ được nạn tham nhũng, một trở ngại lớn cho việc phát triển kinh tế. Cũng giống như Giáo Sư Hoàng Á Sinh, giới thiệu trong bài trước, ông Bùi Mẫn Hân nhận thấy kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh và có tính chất bền vững nhất vào thời 1980, khi chính trị được nới lỏng. Từ sau vụ Thiên An Môn, Bắc Kinh đã quay ngược, và những vấn đề lớn xuất hiện, như khoảng cách lợi tức giầu nghèo ngày càng rộng, số 200 triệu nông dân đi lang thang đi kiếm việc và bị kỳ thị ở thành phố, những vụ khiếu kiện về đối xử bất công, đất đai nhà cửa, tăng lên hàng trăm ngàn vụ mỗi năm, và hệ thống chính quyền các tỉnh đã trở thành những đảng Mafia.

Không riêng gì Trung Quốc, ông Bùi Mẫn Hân nhận thấy kinh tế ở các nước độc tài thường bột phát khi nào chế độ được nới lỏng, người dân được tự do hơn cả về kinh tế lẫn chính trị. Những nước độc tài nào biết chọn một công thức kinh tế vĩ mô đúng lúc thì kinh tế tiến lên được trong một thời gian, nhưng còn bao nhiêu nước độc tài khác cứ tiếp tục nghèo nàn thì không được ai chú ý tới, cho nên người ta nuôi ảo tưởng là chế độ độc tài tốt cho kinh tế các nước nghèo. Bùi Mẫn Hân còn mạnh bạo viết rằng chế độ độc tài có tính cách tự hủy diệt (self destructive). Nhưng ông cũng viết một sự thật: Những chế độ độc tài rất khéo trong việc che giấu những nhược điểm, còn các nước tự do dân chủ thì rất giỏi trong việc quảng cáo những nhược điểm của họ!

Ðối với người Việt Nam thì câu hỏi bao giờ Tàu đuổi kịp Mỹ không quan trọng bằng câu hỏi “Bao giờ Trung Quốc thống trị Á Châu?”

Trước câu hỏi này, Bùi Mẫn Hân trả lời: Còn lâu!

Theo ông thì giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có mối lo lắng nhất là kéo dài chế độ độc tài của họ, việc bành trướng ra hải ngoại chỉ là việc phụ. Và việc bành trướng đó sẽ bị chính các nước chung quanh cản trở, chứ không phải riêng nước Mỹ. Nga, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, tự nhiên sẽ tạo ra những rào cản đối với Tàu. Các nước Ðông Nam Á càng lo lắng hơn nữa, họ sợ sự bành trướng của Trung Quốc hơn các nước khác. Chính phủ Bắc Kinh đang cố tìm cách giảm bớt mối lo sợ của các nước khác, lớn cũng như nhỏ. Ðây là một điểm mà các chính quyền Việt Nam phải nhớ và khai thác. Nếu Việt Nam tỏ ra cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, thì chính Bắc Kinh sẽ rụt rè khi phải phản ứng. Vì họ không muốn làm cho các nước khác nghi ngờ hơn về mộng bá quyền của họ.

Giáo Sư Bùi Mẫn Hân cũng đưa ra mấy con số. Trong một cuộc nghiên cứu dư luận người ta đã thấy chỉ có 10% người Nhật, 21% người Nam Hàn và 27% người Indonesia nói họ vẫn cảm thấy yên tâm khi Trung Quốc trở thành nước lãnh đạo ở Á Châu. Trong khi đó, hỏi về vai trò của nước Mỹ, có 69% người Trung Hoa, 75% người Indonesia và 76% người Nam Hàn,79% người Nhật cho là ảnh hưởng của Mỹ trong vùng Á Châu đã tăng lên trong thập niên vừa qua. Người Việt Nam không cần biết Mỹ với Tàu ai sẽ hơn ai, nhưng chúng ta biết dù nước nào hơn thì mình cũng phải lo tự bảo vệ quyền tự chủ và bản sắc dân tộc.

Người Việt Nam phải quan tâm đến sự bành trướng của Trung Quốc. Nhưng chắc chắn không cần phải sợ. Trong cuốn Nhìn lại Sử Việt, cuốn đầu kể đến đời Ngô Quyền phá quân Nam Hán, sử gia Lê Mạnh Hùng đã đặt câu hỏi tại sao người Việt vẫn bảo vệ được quyền tự chủ và bản sắc sau 1117 năm Bắc thuộc, trong khi những giống dân khác như Sở, Ngô, Mân Việt, Nam Chiếu, Liêu, Hạ, Hồ Hột (Uighur), Thổ phồn, Mông, Mãn, vân vân, đã bị Hán hóa? Ông Lê Mạnh Hùng nêu ra nhiều lý do. Trong đó có một điều ít sử gia chú ý tới, là sự tiếp cận của Việt Nam với vùng Ðông Nam Á. Vào thế kỷ 21 này yếu tố trên vẫn phải chú ý tới, nhưng phải mở rộng ra ngoài vùng Ðông Nam Á sang khắp cả Á Châu và Thái Bình Dương. Khắp nơi đều có nhữ

12 THÁNG ANH ĐI