Văn Quang
Ngày 30- 4 - 2009 và H1N1 ở Sài Gòn
Hơn 30 năm ở lại Sài Gòn, tôi cũng như những người từng sinh sống ở Sài Gòn trước những năm 1975, đã trải qua, đã chứng kiến nhiều cuộc đổi đời, nhiều biến chuyển quan trọng làm thay đổi bộ mặt thành phố.
Mỗi năm đến ngày 30-4, như một cột mốc để từng năm ghi nhận những đổi thay ấy.
Có lẽ nhiều bạn đọc ở nước ngoài, muốn biết rõ tâm trạng của người dân TP. Sài Gòn vào ngày 30-4 này. Một tâm trạng thật chứ không chỉ là những cái phô trương ở bề ngoài
Người Sài Gòn không nghĩ giống nhau
Điều đầu tiên, theo nhận định của tôi, tâm trạng của người Sài Gòn bây giờ không giống nhau và khá phức tạp. Tuy nhiên có thể chia ra làm 2 loại chính. Một nửa những người sinh sống ở Sài Gòn từ trước những năm 1975, được gọi là "dân Sài Gòn cũ" mang tâm trạng khác. Một nửa số người đến định cư ở Sài Gòn sau năm 1975, được gọi là "dân Sài Gòn mới" mang tâm trạng khác. Số người này cũng chia ra làm hai loại, một loại từ miền Bắc vô Nam, một loại từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hoặc từ miền Trung đến thành phố kiếm ăn, lập nghiệp. Một số rất ít người Việt từ nước ngoài về, kiếm cơ hội làm ăn tạm thời, được thì ở lâu, không được thì biến.
Và một loại được gọi là "cán bộ" nhà nước, tất nhiên họ có quan điểm khác bởi những "thắng lợi" mà họ đã dành được. Dù muốn dù không họ cũng đã được hưởng những ân huệ từ ngày "giải phóng miền Nam", những ân huệ mà có nằm mơ họ cũng không thể tưởng tượng ra. Hơn thế, họ được đào tạo trong một khuôn phép, cho nên họ nói theo những gì họ đã học được và đã là "cán bộ" thì buộc phải nói như thế cho đúng lập trường, chứ thật tâm họ có nghĩ như vậy không lại là chuyện khác.
Do đó tâm trạng của người ở Sài Gòn cho đến nay vẫn không thể giống nhau.
Nhưng trước khi tường trình với bạn đọc về tâm trạng này, xin lược lại vài nét trong qua khứ để thấy được những biến chuyển đó từ trong thâm tâm mọi người.
Không điên đã là may
Những người đi "học tập cải tạo" từ những năm 1975, chẳng bao giờ quên được, cứ gần đến ngày 30-4 là phải chịu đựng sự tra tấn của những chiếc loa bắc vào trại giam, suốt một tháng trời ròng rã kể lể về những chiến công, những đại thắng mùa xuân và kết tội "Mỹ Nguỵ gian ác". Suốt một ngày lao động vật vờ ở các nông trại, đói khát đe doạ thường xuyên, tối về bị nhốt kín trong buồng giam, nghe "quan toà loa" chĩa vào đầu buộc hàng trăm thứ tội. Những khuôn mặt lầm lỳ câm nín chịu đựng trò tra tấn khủng khiếp này mà không có cách nào thoát. Nghĩ lại, trong hoàn cảnh ấy không điên được đã là may lắm rồi.
Trong khi đó thì ở ngoài trại giam, những người dân sống ở thành phố Sài Gòn cũng chẳng hơn gì. Suốt ngày nghe loa kể lể về thành tích anh hùng, chửi rủa kẻ thù "Mỹ Ngụy" và phim ảnh truyền hình thì toàn những cảnh "anh dũng hào hùng". Xem đến phát chán, phát "khùng".
Thời kỳ ấy, với lối thông tin tuyên truyền ấu trĩ trải dài đến cả 10 năm. Sự chán nản của người dân đã quá rõ và có phản ứng. Lúc đó mới bắt đầu có những món ăn tương đối "dễ chịu" hơn như "thành phố mười mùa hoa", như những cuốn phim có tí tình tiết mới mẻ, pha chút lãng mạn nhưng tất nhiên không quên "kể tội Mỹ Nguỵ" như Ván Bài Lật Ngửa…
Sản phẩm ấu trĩ không còn đất sống
Sau chiến tranh, nhu cầu về thưởng thức văn hoá và nhất là không thể đóng cửa mãi được trước trào lưu điện tử của thế giới nên buộc phải "mở cửa". Những cuốn tiểu thuyết, những cuốn phim, những sản phẩm văn hoá có màu sắc lãng mạn hợp với thời đại hơn thay thế những loại truyện khô cứng giả tạo. Nhất là người dân có dịp so sánh cuộc sống tinh thần và vật chất, sự hưởng thụ văn hoá giữa hai miền Nam Bắc, khiến sự đòi hỏi một món ăn tinh thần thích hợp cho con người có chỗ len chân.
Cũng kể từ đó, những sản phẩm tuyên truyền ấu trĩ không còn đất sống. Dù có muốn tuyên truyền cũng phải có được một cái "bình phong" mang tính nghệ thuật hơn. Cuốn phim "Ván bài lật ngửa" là một ví dụ và là một mở đầu, nhưng rồi sau đó cũng chẳng có kịch bản nào ra hồn nên nó lại xẹp lép. Nó lại chuyển sang "những cô gái chân dài" ăn khách hơn.
Ở đây tôi không bàn về sự biến chuyển của văn học nghệ thuật, bởi từ đó tới nay, văn học nghệ thuật nào cũng phải mang tính phục vụ cho chế độ.
Tôi chỉ nói đến tâm trạng thật của người dân, họ đã quá chán ngán với những cái loa hò hét mà chẳng mang lại cho người dân được điều gì ngoài sự ồn ào đến bực mình. Những cái loa phường, loa xã dần dần tắt tiếng. Thỉnh thoảng, khi có dịp lễ lạc nào long trọng, nó được mang ra "í ớ" mấy bản nhạc hùng "cách mạng" hoặc mấy lời tuyên bố của ông chủ tịch xã.
Nhưng phim cũ vẫn phải chiếu vì… phải chiếu
Rồi sau này nhiều đài phát thanh truyền hình hơn, nhiều phim ngoại hơn, hệ thống intenet bắt đầu hoạt động có hiệu quả, người dân được quyền chọn lựa những thông tin giải trí cho gia đình mình. Nhờ đó mà các hệ thống truyền hình bớt hẳn những loại phim tuyên truyền cũ rích.
Tuy nhiên, là những cơ quan truyền thông của nhà nước nên trong dịp 30-4, đài nào cũng phải trình chiếu đôi ba tập phim dù là cũ mèm, năm nay cũng không ngoại lệ. Dù "nhà đài" thừa hiểu khán giả của họ, mở máy lên thấy loại phim này là họ vội vàng bật sang kênh khác ngay, cứ như sợ lây bệnh H1N1 vậy. Ngay cả nhà cán bộ cũng vậy chứ chẳng nói đến nhà dân thường. Tôi cam đoan, không một nhà vị cán bộ nào, dù là cao cấp tới đâu cũng không thể ngồi xem hết một cuốn phim loại "ta nhất định thắng, địch nhất định thua" nữa. Loại đó đã trở thành "đồ cổ tồn kho" rồi, nhưng "nhà đài" vẫn cứ phải chiếu vì… phải chiếu. Chẳng lẽ ngày 30-4 lại không có cuốn phim nào phản ảnh "lịch sử thời đại". Thế thôi.
Năm nay cũng vậy, những loại phim và loa đài cũng đã bớt hẳn số lượng chương trình ca tụng linh tinh, khiến cho những màn hình nhỏ trong các nhà sạch sẽ hơn nhiều. Người dân rất nhanh tay tìm đến những kênh truyền hình của HBO, Star Movies, Cinemax hoặc những chương trình Thể Thao Quốc Tế, phim Hàn Quốc giải trí cho dễ chịu.
(Hướng quốc lộ từ nội thành TP. Sài Gòn ra cửa ngõ phía tây và phía đông kẹt cứng do khách đổ dồn về các tỉnh xung quanh đi du lịch)
Được nghỉ 4 ngày liền, từ thứ năm 30-4 đến hết ngày chủ nhật 3-5, người dân thành phố lợi dụng cơ hội này tấp nập kéo nhau đi du lịch, trở về quê, khiến thành phố vắng ngắt ngay từ buổi chiều ngày 29-4. Những con đường rộng thênh, nhiều nhà hàng đóng cửa. Họ không kịp nghĩ rằng vui chơi vì ngày 30-4 hay 1-5. Họ chỉ biết rằng thời gian nghỉ nhiều hơn nên lợi dụng dịp này để xả hơi.
Những bến xe, bến tàu, nhà ga chật cứng. Những con đường đi về miền Đông miền Tây đầy ắp xe cộ. Những khách sạn, nhà hàng, những điểm du lịch tha hồ chặt chém khách du lịch không thương tiếc. Có lẽ nhiều khách du lịch, từ người trong nước đến những nước ngoài rơi vào tình cảnh này sẽ "một đi không trở lại". Đó là điểm đuổi khách hiệu quả nhất của ngành du lịch Việt Nam nếu không biết chấn chỉnh.
Còn ở ngay TP. Sài Gòn, mới sáng sớm, anh chàng trưởng khu phố nơi chung cư tôi ở, đã nhanh nhẹn đi gõ cửa từng nhà với giọng rất lễ phép: "Bác làm ơn treo cờ giùm đi bác". Thế là mọi nhà "ngoan ngoãn" xách lá cờ ra treo trước cửa. Có một chuyện mà cách đây vài năm, tôi còn nhớ. Cũng vào ngày 30-4, tôi đi ăn sáng cùng mấy ông bạn. Thấy nhà nào cũng treo cờ, riêng có 2 ngôi biệt thự rất đẹp không thấy treo cờ. Một ông bạn tôi cười cười đùa cợt: "Lại một anh "nguỵ" nào dở chứng không chịu treo cờ, nó lôi ra xã, phạt cho hộc cơm bây giờ". Anh bạn khác ra vẻ hiểu biết thời sự hơn, lắc đầu quầy quậy: "Anh lầm rồi, không anh nào dám phạt mấy nhà không treo cờ này cả. Bởi chỉ có nhà quan to mới được quyền quên treo cờ, nhà dân mà quên thì phạt là cái chắc". Vì thế chúng tôi tìm ra một "chân lý" là cứ nhà nào không treo cờ đúng là nhà cán bộ cỡ lớn. Nhưng nhà cán lớn thì ít, nhà dân thì nhiều nên thành phố tuy vắng nhưng cờ đầy ngập. Năm nay Sài Gòn trời mưa rả rích suốt ngày nên câu thơ "chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ" là rất hợp tình hợp cảnh.
Cùng chung niềm cảm thông sâu sắc
Chưa đến ngày 30 -4-2009, tôi đã nhận được một số e mail của một vài người bạn tôi ở nước ngoài. Hầu hết đều nhắc đến "nỗi buồn tháng 4". Người thì nhắc đến những ngày tù đầy và vẫn không quên được những chiếc loa tra tấn, người thì nhắc đến vào khoảng thời gian này năm 1975, chúng tôi vẫn còn ôm mộng "làm được một cái gì đó" cho dân tộc… Điển hình như lá thư của ông phi đoàn trưởng phản lực Lê Mộng Hoan từ Cali gửi về:
"Lại sắp đến ngày 30-4, trong lòng thấy buồn tuy không còn da diết ghê gớm như hồi đầu, nhưng vẫn ray rứt lắm ông ạ. Mới đó mà đã 34 năm, ngồi nhớ lại khoảng thời gian này 34 năm trước, ông và tôi còn ôm mộng "đội đá vá trời", nhưng môt phần vì vận nước… nên "mộng không thành". Nhớ Sài Gòn lắm ông ạ…"
Chúng tôi cùng chung một niềm cảm thông sâu sắc, một nỗi đau buốt dù cố quên cũng chẳng thể nào quên. Tối hôm 29-4 vừa qua, một nhóm người quen của tôi mời chúng tôi tối 30-4 đi ăn để tiễn đưa một người bạn về Úc. Nhưng tôi đã xin lỗi ngay vì tôi không bao giờ đi ăn, đi chơi vào ngày 30-4. Hôm đó có cả Nguyễn Đình Toàn từ Cali về VN có công việc nhà, anh cũng từ chối bữa ăn này.
Có những chuyện lẩm cẩm như thế, tuy chẳng làm được gì, nhưng nó cũng chứng tỏ được nỗi buồn tháng 4 ngấm ngầm ở Sài Gòn sâu đậm như thế nào.
Những nỗi đau âm thầm
Còn nhiều gia đình khác sống ở Sài Gòn trước những năm 1975 cho đến bây giờ và những bạn bè khác mà tôi đã gặp, họ cùng có chung một nỗi niềm nhưng có lẽ họ không cần chứng tỏ. Họ có vô số những kỷ niệm buồn về những gia đình tan nát, những thân phận tù đày, những mất mát không gì có thể đền bù đắp được, cho đến nay còn in đậm dấu ấn của những cuộc chia ly, kẻ bỏ mình dưới đáy biển, rồi tiếp tục kẻ ở người đi… Họ giấu kín trong lòng, không thể mỗi lúc đều được phơi bày như giọt mưa sa trên màu cờ đỏ trên những đường phố Sài Gòn. Họ không thể công khai bày tỏ cùng nhau như những người thân ở nước ngoài, mỗi người im lìm mang nỗi đau thầm kín trong lòng.
Tuy nhiên cũng có một vài người, sau năm 75 mới có đất thành đạt, trở nên những "đại gia" họ đã quên mất dĩ vãng của mình. Vào dịp này, họ chén chú chén anh với các "đại quan" để xây dựng một TP. Sài Gòn đầy rượu Tây và gái gọi. Số người thực sự vui mừng ở TP. Sài Gòn chẳng đáng là bao nhiêu. Còn với những người nhập cư Sài Gòn sau 1975 từ miền Bắc, miền Trung và các tỉnh thành khác, họ chỉ lo cho cuộc sống đang gặp rất nhiều khó khăn trước mặt.
(Khách hàng vào siêu thị mua đồ tồn kho hoặc xem hàng điện tử)
Những người thuộc loại trung lưu, không đi du lịch thì kéo nhau đến các siêu thị săn lùng mua hàng khuyến mãi, hàng tồn kho, hàng đại hạ gía. Không mua thì đứng "hít tu kinh", chiêm ngưỡng các loại ti-vi LCD đủ loại nhãn mác mới, các loại hàng điện tử, máy computer, laptop, máy ảnh, máy quay phim tối tân cho đã thèm. Các cô cậu choai, sinh viên học sinh ra ngồi ở các quán cà phê đầu đường vài ba ngàn một ly, quán nào cũng có có những cô tiếp viên trẻ măng mới từ các vùng thôn quê lên thành phố "đổi đời". Đây chính là bước đầu vào nghề để tiến tới những quán karaoke, massage trá hình và các loại gái gọi, gái bao sau này. Chưa biết chừng có cô còn may mắn hơn, trở thành ca sĩ, người mẫu, tài tử đóng phim trong một tương lai sáng choang không xa. Chẳng thiếu gì những " ca sĩ, nghệ sĩ" đã bắt đầu cuộc "lên đời" ở TP. Sài Gòn này như vậy.
Cho nên không thể nhìn thấy cái bề ngoài của người dân Sài Gòn tấp nập kéo nhau đi du lịch, đi shopping, đi ăn chơi mà cho rằng họ ăn mừng một cái gì đó như ngày chiến thắng. Người Sài Gòn vẫn mang một tâm sự riêng.
Ngày 30-4 với dịch cúm H1N1
Trong dịp này cũng là lúc cả thế giới bàng hoàng về chuyện "cúm heo", nay được gọi là H1N1. Nó cũng làm lu mờ những ý nghĩa của ngày 30-4. Nhưng mặc cho những báo động cấp 5 của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, người Sài Gòn đã hoạch định chương trình từ trước nên họ vẫn phớt lờ, khăn gói lên đường đi du lịch. Hầu hết chỉ là những tua du lịch loanh quanh trong nước. Từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Phan Thiết, Mũi Né, Đồng bằng sông Cửu Long… Và người Việt gặp người Việt trên khắp các nẻo đường. Khách du lịch nước ngoài rất ít. Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đối với dịch vụ du lịch đã thấy rất rõ.
Tuy nhiên về mặt chính quyền, mọi tổ chức để ngăn chặn, phòng chống H1N1 ở tất cả mọi nơi đều được thực hiện rất ráo riết. Phải khách quan công nhận rằng, ở VN, họ đã có kinh nghiệm xương máu về đại dịch SARS và cúm H5N1 nên lần này đứng trước đại dịch nguy hiểm hơn họ đã có những hành động tích cực. Trước hết là ở những sân bay lớn đón khách quốc tế như Tân Sơn Nhất, Nội Bài đã có những đội Y Tế túc trực, đo thân nhiệt của tất cả hành khách từ các nước đến Việt Nam.
Dịch cúm H1N1 biến chuyển, thay đổi từng giờ nên cho đến khi tôi viết bài này (ngày 3 - 5) trong vòng 7 ngày qua, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tiếp nhận gần 30.000 lượt khách quốc tế đến sân bay, trong đó gần 2.000 người đến từ các nước có dịch cúm
(Nhân viên kiểm dịch y tế VN đang làm việc tại sân bay)
Cụ thể, ngày 2-5, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP. Sài Gòn đã kiểm tra đo thân nhiệt cho khoảng 7.000 người ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó có 10% là du khách đến từ vùng có dịch. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa phát hiện trường hợp nào bị nghi ngờ hoặc nhiễm vi-rút cúm A/H1N1 cần được cách ly, điều trị.
Khả năng bùng phát H1N1 tại Việt Nam
Tuy nhiều biện pháp đã được nhanh chóng đưa ra hòng ngăn chặn dịch cúm H1N1, nhưng thật ra nguy cơ bùng phát dịch ở Việt Nam là rất cao. Nếu chỉ đề phòng, kiểm soát chặt chẽ ở hai sân bay quốc tế lớn là Tân Sơn Nhật và Nội Bài thì vẫn chưa đủ. Cửa ngõ biên giới đường bộ, đường thuỷ ở VN còn rất nhiều, làm sao kiểm soát hết được những vị khách qua những con đường ấy. Ngoài ra còn những con đường gọi là "tiểu ngạch" xuyên qua rừng qua núi của những dân buôn lậu. Nhà chức trách có thiện chí cách mấy cũng đành bó tay. Nhất là mấy hôm nay khi có thông tin dịch cúm đã lan đến châu Á như Hồng Kông, Hàn Quốc, vốn là những nơi chốn khách đi lại cửa ngõ VN rất thường xuyên với nhiều lý do khác nhau,vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào ngăn chặn.
Lý do thứ hai là máy đo thân nhiệt dễ bỏ qua người mắc cúm H1N1. Có nghĩa là không thể tin tưởng hoàn toàn vào những chiếc máy do thân nhiệt để xác định người đó có mắc cúm hay không.
Phó giám đốc Sở Y tế TP. Sài Gòn, cho rằng, cũng như các loại cúm khác, cúm A (H1N1) có thời gian ủ bệnh, do đó phải sau vài ngày, người nhiễm virus mới bộc phát thành triệu chứng. Trong thời gian này, người mang virus cúm H1N1 có thể đã lây cho rất nhiều người qua tiếp xúc, rồi mới phát bệnh.
Chính vì thế, khó có thể nói rằng cứ có máy kiểm tra là bệnh không thể đi vào Việt Nam.
Điều đáng quan ngại hơn cả, là những trường hợp ủ bệnh lâu ngày. Những người này đến Việt Nam, tiếp xúc với nhiều người, sau đó khi rời Việt Nam, bệnh mới bộc phát thành triệu chứng. Điều này ngoài tầm kiểm soát của ngành y tế.
Nếu trường hợp VN xảy ra cúm H1N1 thì chắc chắn nó sẽ lây lan nhanh hơn, mạnh hơn ở nhiều nơi trên thế giới. Bởi điều kiện vệ sinh môi trường rất kém. Ý thức của người dân khi chưa bùng phát dịch chưa cao.
Chỉ cần một ngọn lửa bắt mồi
Phóng viên của hãng thông tấn Reuters đã "chộp" được tại trung tâm Hà Nội cảnh anh tài xế xe vận tải Nguyễn Hữu Lương vừa ăn bát tiết canh kèm rau sống, vừa có một "phát ngôn" rất ấn tượng: "Ai mà chả phải chết, nhưng tôi cũng chỉ ăn nốt bát này nữa thôi, đợi hết cảnh báo đã".
Và không nói đâu xa, ở ngày TP. Sài Gòn, ngay trước cửa chợ Bàn Cờ, ông chủ hàng "Cháo lòng Hà Nội" cũng bày bán lòng heo, tiết canh tỉnh bơ. Các thực khách vẫn phóng xe gắn mày đến ăn nhậu rất "vô tư". Không phải các vị khách này không biết đến H1N1, bởi trong câu chuyện, các vị thực khách cũng vẫn thản nhiên bàn về chuyện cúm H1N1 mới là lạ. Dường như với tinh thần phòng chống đại dịch của một số lớn người bình dân là: "Lúc nào có dịch hãy hay, bây giờ cứ ăn nhậu cho thoả thích cái đã". Dù rằng con số "liều mạng" đó không nhiều, nhưng chỉ với một số thiếu ý thức như thế cũng đủ gây ra hoạ lớn.
(Tiết canh, món ăn khoái khẩu của nhiều thực khách VN nhưng chứa chấp mầm mống lây truyền H1N1 rất cao)
Ngay trong thời gian này dịch "tiêu chảy cấp" cũng đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Rồi dịch heo tai xanh, dịch lở mồm long móng cũng đang làm cho nông dân điêu đứng. Nhất là trong tình trạng hiện nay thế giới vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị H1N1 tốt nhất, những liều thuốc Tamiflu tạm thời vẫn chưa đủ cung cấp cho hầu hết những vùng có dịch.
Chỉ cần có một ngọn lửa bắt mồi cho đại dịch H1N1 thì không biết Việt Nam sẽ phải đối phó như thế nào? Thảm hoạ sẽ không biết thế nào mà lường trước được. Nỗi lo vẫn canh cánh bên lòng người dân và cả với những cơ quan y tế.
Văn Quang
-
Bùi Bảo Trúc Bạn ta, Hôm đi mua sách cũ với người bạn mấy tuần trước, tôi mua được bức poster The Old Guitarist của Picasso đóng khung rất đ...
-
Tích ngã vị sinh thì. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi. Vô y sử ngã hàn. Vô phàn sử ngã ky. Hoàn nhĩ công s...
-
Bill Hayton (Đinh Từ Thức dịch) Lời người dịch: Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gia...