14 thg 12, 2009

BÀI HỌC NHẬT BẢN: CANH TÂN VÀ GIÁO DUC

L.S Nguyễn Hữu Thống

Năm 1905 sau khi Nhật thắng Nga tại Lữ Thuận, Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du để cầu ngoại viện và học hỏi tại chỗ sự phú cường của Nhật Bản, một quốc gia đồng văn với Việt Nam.

Lấy tri hành hợp nhất của Vương Dương Minh làm chủ thuyết, từ hậu bán thế kỷ 19, Minh Trị Thiên Hoàng đã canh tân Nhật Bản theo biểu hiệu "ngày ngày đổi mới, càng ngày càng thêm mới" của Khổng Tử (nhật nhật tân, hựu nhật tân).

Về mặt tinh thần Minh Trị Thiên Hoàng chủ trương phát huy văn học và đạo học Đông Phương.

Về mặt giáo dục Nhật Bản không theo lối học khoa cử, từ chương của Tống Nho và đã phổ biến những kiến thức hiện đại về khoa học kỹ thuật Tây Phương để phát triển công kỹ nghệ, thương mại, canh tân nông nghiệp và cải cách xã hội.

Về mặt chính trị, Minh Trị Thiên Hoàng ban hành chế độ đại nghị
trong nền quân chủ lập hiến, cho người dân quyền tự do lựa chọn các đại biểu trong quốc hội và các cơ quan nghị viện địa phương theo biểu hiệu
"dân vi quý" của Mạnh Tử.

Trong Chỉ Dụ Giáo Dục năm 1870, Minh Trị Thiên Hòang kêu gọi quốc dân duy trì các nguyên tắc căn bản của đạo nho:

"Hỡi các thần dân!
Các bậc tiên vương đã gây dựng đất nước này trên quy mô rộng lớn và trường cửu và đặt ra những căn bản đạo đức vững bền. Qua bao thế hệ, quốc dân đã nhất trí trong tinh thần Trung Hiếu làm rạng rỡ quê hương. Vinh quang là đặc tính của quốc gia đặt căn bản trên đạo học. Hỡi các thần dân, các con phải hiếu thảo với cha mẹ, thương mến anh chị em, hòa thuận giữa vợ chồng, thành tín với bạn hữu. Phải ôn hòa và khiêm cung, làm điều nhân chính với mọi người. Học và trau giồi văn chương nghệ thuật, phát triển các khả năng trí tuệ, kiện toàn các đạo lý cổ truyền. Hãy làm việc công ích và đề cao công nghĩa. Hãy tôn trọng hiến pháp và tuân theo luật pháp. Khi quốc biến hãy can đảm hiến thân cho Tổ Quốc".

Tuyên ngôn Minh Trị Thiên Hoàng đề ra 5 nguyên tắc căn bản trong Hiến Chương ban hành từ khi khai mở kỷ nguyên Minh Trị:
1. Thiết lập chế độ đại nghị.- Các cơ quan nghị viện thảo luận được thiết lập và mọi chính sách căn bản phải được quyết định theo ý nguyện của quốc dân.
2. Bình đẳng và hợp tác giai cấp.- Các giai cấp từ trên xuống dưới đều bình đẳng và thống nhất để cùng chung nỗ lực thực thi công vụ quốc gia.
3. Bình đẳng cơ hội cho người dân.- Mọi tầng lớp dân chúng, dân chính cũng như quân nhân, được hưởng cơ hội đồng đều để thực hiện những sở nguyện chính đáng của mình, không còn bất mãn hay tranh chấp.
4. Canh tân xã hội.- Mọi tập tục lỗi thời cổ xưa phải bị dẹp bỏ để cho công bằng và công lý là căn bản của mọi hành động, được thực thi do sự điều hành của thiên nhiên.
5. Truyền bá khoa học và đạo học.- Minh Triết và Tri Thức sẽ được phổ biến trong thiên hạ phù hợp với lợi ích của quốc gia.
Trong Chỉ Dụ đầu năm 1946, Nhật Hoàng Hirorito cũng nhắn nhủ quốc dân:
"Cho đến nay, những nguyên tắc ghi trong Hiến Chương Minh Trị vẫn giữ nguyên giá trị là những lý tưởng cao đẹp. Chúng ta ước mong phục hồi lời minh thệ này để phục hưng đất nước. Chúng ta xác định giá trị các nguyên tắc trong Hiến Chương và tìm cách loại trừ các tập quán sai lầm trong quá khứ. Theo đúng nguyện vọng của quốc dân, chúng ta cùng nhau xây dựng lại một nước Nhật Bản mới, hiếu hòa, trong đó tòan dân được hưởng văn hóa giàu thịnh với mức sống ngày một nâng cao (...)
Rồi đây văn minh sẽ được phát huy trong hòa bình, đem lại tương lai sáng lạn chẳng những cho quê hương chúng ta mà cho cả nhân loại.
Tình yêu gia đình và tình yêu quê hương là những đặc tính sở trường của dân tộc ta. Với quyết tâm hơn nữa, chúng ta sẽ nỗ lực đạt tới tình thương nhân loại (...)
Những gì gắn bó dân tộc ta phải đặt căn bản trên lòng tín nhiệm và tình tương thân tương ái, chứ không thể dựa vào các truyền thuyết hay huyền thoại (...). Cùng nhau chúng ta giữ vững niềm tin. Chúng ta sẽ can đảm vượt qua mọi thử thách để đem lại phát triển. Cùng nhau chúng ta sẽ hành động trong tình đoàn kết, với ý thức tương trợ và bao dung, và dân tộc ta sẽ tỏ ra xứng đáng với những truyền thống cao đẹp nhất..."

Sự canh tân và phú cường của Nhật Bản là một tấm gương sáng cho Việt Nam và đã gây lại niềm tin cho các sĩ phu cầu tiến.

L.S Nguyễn Hữu Thống

12 THÁNG ANH ĐI