Nguyễn Xuân Nghĩa
Thầy tưởng là ma… thầy ù thầy chạy!
Tổng kết về năm 2009 và dự báo về tương lai, người viết muốn nhìn vào bong bóng Trung Quốc. Muốn vậy thì lại phải lội ngược dòng – của truyền thông – và của lịch sử, khi trở về vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997…
Đầu năm 1997, thế giới vẫn cứ ca tụng phép lạ rồng cọp của các nền kinh tế “tân hưng” Đông Á, như Nam Hàn, Đài Loan và các nước Đông Nam Á. Khi ấy, Trung Quốc còn lạc hậu và Việt Nam lạc đường, chưa đáng kể. Một ngày sau khi Hong Kong “hồi quy cố quốc”, mùng hai tháng Bảy năm 1997 đó, khủng hoảng hối đoái bùng nổ tại Thái Lan rồi lan khắp Đông Á, dẫn tới nạn suy trầm toàn cầu, gây khủng hoảng cho Brazil, Argentina và Liên bang Nga rồi dội qua Mỹ.... Cuối năm 1998, dầu thô mất giá 75% và chỉ còn tám đô la một thùng!
Nhân loại đã đón mừng thiên niên kỷ thứ ba, năm 2000, trong dư chấn của vụ khủng hoảng Đông Á này – mà chúng ta quên mất rồi!
Vì khủng hoảng hối đoái kéo theo suy sụp kinh tế, các nước đang phát triển – tân hưng hay chưa – đều quyết định giảm hối suất, ra sức xuất cảng và tích lũy một khối dự trữ ngoại tệ cực lớn để phòng ngừa tai họa. Có dự trữ rất dày, họ tìm cơ hội đầu tư và.... lại đầu tư vào Mỹ cho an toàn. Mua Công khố phiếu Mỹ là giải pháp khôn ngoan và nguồn tiền đó có góp phần thổi lên bong bóng cổ phiếu Mỹ. Bóng bể năm 2000 gây ra suy trầm. Lãi suất được hạ để kích cầu và tiền dư dôi liền trôi từ thị trường cổ phiếu qua thị trường địa ốc, để thổi lên bong bóng gia cư. Bên trong là kén nợ ung thối của loại tín dụng thứ cấp cứ được chuyền tay lăn khắp nơi. Khủng hoảng tài chính Mỹ bùng nổ từ đó, ngay giữa vụ suy trầm kinh tế manh nha từ cuối năm 2007.
Một lần nữa, thế giới lại bị suy trầm toàn cầu.
Như vậy, thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba mở màn và kết thúc với nạn suy trầm. Là chuyện cả thế giới đã nói trong năm nay. Nhưng, chuyện ấy ăn nhậu gì tới Trung Quốc?
Xứ này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và hội nhập mạnh vào luồng giao dịch quốc tế từ 2001. Từ đấy, Trung Quốc thành nước “tân hưng” – lại là một rồng cọp nữa – trước sự thán phục của truyền thông tối dạ và sự cổ võ của giới đầu tư có ẩn ý. Người ta tái diễn sự hồ hởi của năm 1997 với các nước Đông Á. Khi kinh tế thế giới bắt đầu ra khỏi suy trầm 2008-2009, ai ai cũng nói đến tốc độ tăng trưởng 10% của Trung Quốc trong năm tới. So sánh với chừng 2,8-3,0% của Hoa Kỳ hoặc 1,2-1,4% của Âu Châu và 0,7% của Nhật Bản thì quả là phép lạ.
Vốn thiếu trí nhớ, người ta không nhìn lại tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trước nạn suy trầm vào năm 2008: rất cao tới gần 9%, với lượng tiền lưu hoạt rất lớn, lãi suất rất rẻ.
Chiến lược kinh tế chính trị xứ này vốn là dùng ngân hàng bơm tiền rẻ – theo diện “chánh sách” – vào kinh tế để tạo ra việc làm và đạt tốc độ tăng trưởng rồng cọp mà bất kể tới phẩm chất của tăng trưởng. Khi thế giới bị chấn động vì sự đình trệ của cả ba đầu máy Âu-Mỹ-Nhật, tháng 11 năm 2008, Trung Quốc lập tức tung ra kế hoạch kích thích kinh tế, trị giá tương đương 586 tỷ đô la. Đó là về mặt chính thức.
Thực tế thì tung ra như thế nào? Chủ yếu là lại qua hệ thống “máy bơm” là các ngân hàng mà đa số là quốc doanh – và có quan hệ tốt với giới chức có quyền. Thực tế thì trong chín tháng đầu năm 2009, hệ thống ngân hàng xứ này được giải tỏa hạn chế và được yêu cầu cấp phát tín dụng cho dễ dãi. Lượng tín dụng mới tăng hơn 150% so với cùng kỳ của năm trước, lên đến một ngàn 370 tỷ đô la Mỹ! Tính đến cuối năm, là giờ đây, tổng số nợ mới có thể lên đến một ngàn 600 tỷ đô la, hơn một phần ba Tổng sản lượng Nội địa GDP!
Khi có tiền rẻ và nhiều như vậy, các đại gia ngân hàng Trung Quốc không dại. Họ kiếm lời trong khu vực nào đạt doanh lợi cao nhất. Đó là các thị trường địa ốc, cổ phiếu và thương phẩm (nguyên nhiên vật liệu và nông sản – commodities). Quả nhiên là họ tạo ra phép lạ. Thị trường cổ phiêu và địa ốc tăng giá vù vù!
Nhìn lại trên toàn cảnh thì trước khi bị suy trầm toàn cầu kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng gần 9%. Qua một giai đoạn trũng là 7-8%, sang năm tới thì đạt tốc độ 10%. Ngần ấy tiền bơm ra – gọi là đầu tư để kích thích sản xuất và tiêu thụ – đã đạt thành tích này. Nếu so sánh lượng đầu tư qua ngả tín dụng đó (là 37% GDP) với kết quả rồng cọp này, người ta phải thấy là có gì đó không ổn. Cái không ổn là tiền chảy vào chỗ trũng, gây úng thủy, là bơm lên bong bóng đầu cơ. b và bơm vào chỗ trũng.
Giới lãnh đạo ngân hàng trung ương đã báo động chuyện đó từ tháng 11 (Tân hoa xã loan tin hôm 18) mà ở bên ngoài ít ai chú ý. Bên trong, lãnh đạo Bắc Kinh phân vân giữa hai nhu cầu trái ngược: phải bơm thêm tiền để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, nhưng đồng thời phải kiềm chế nguy cơ bong bóng hay lạm phát. Dù chưa sợ lạm phát, lãnh đạo Bắc Kinh cũng biết sợ bong bóng. Nhưng yêu cầu về xã hội – tạo ra việc làm – đi cùng tính toán lý tài của các ngân hàng, đã đẩy mạnh ưu tiên tăng trưởng. Trong ba lần liền của năm 2009 là các tháng Ba, Sáu, Chín, tình hình èo uột của sản xuất lại khiến lãnh đạo Trung Quốc vừa muốn hãm máy bơm thì lại phải tống thêm tiền vào kinh tế. Và tiếp tục bơm thêm bong bóng.
Viễn ảnh trước mắt là là nạn bể bóng, như Nhật Ban đã từng bị từ năm 1990.
Sau vụ bể bóng đó, Nhật bị khủng hoảng và đến bây giờ vẫn chưa hồi phục. Vì vụ bể bóng, các chính quyền liên tục thất cử và Thủ tướng lên xuống như đèn kéo quân. Trung Quốc thì khác vì chưa có dân chủ. Khủng hoảng bùng nổ thì ngân hàng vỡ nợ, dân chúng tất nhiên không vui vì mất tiền tiết kiệm đã ký thác cho ngân hàng thổi bóng bóng. Dân thất nghiệp cũng vậy. Động loạn xã hội đang lây lan rất sẽ bùng nổ thành khủng hoảng chính trị. Và uy tín hay quyền lực của đảng sẽ bị đe dọa….
Trong khi ấy, thế giới vẫn ngợi ca Trung Quốc hoặc nói tới sự xuất hiện của một siêu cuờng kinh tế mới với sự khâm phục và lo ngại. Bong bóng bay qua, thầy tưởng là ma, thầy ù thầy chạy!
Xin đừng chạy mà nên dừng lại nhìn xem bóng bể ra sao. Và chuyện gì sẽ xảy ra sau đó!
-
Bùi Bảo Trúc Bạn ta, Hôm đi mua sách cũ với người bạn mấy tuần trước, tôi mua được bức poster The Old Guitarist của Picasso đóng khung rất đ...
-
Tích ngã vị sinh thì. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi. Vô y sử ngã hàn. Vô phàn sử ngã ky. Hoàn nhĩ công s...
-
Bill Hayton (Đinh Từ Thức dịch) Lời người dịch: Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gia...