Hà Tường Cát
Ngày này 37 năm trước - 27 tháng 1 năm 1973 - Hiệp định ngừng chiến tại Việt Nam được ký kết ở Paris. Mặc dầu mang danh nghĩa “thỏa hiệp chấm dứt chiến tranh - lập lại hòa bình” nhưng từ căn bản không bên nào tin tưởng vào giá trị của những điều ghi trong văn bản và diễn biến tiếp theo là hòa bình không bao giờ có thật.
Sau này Bắc Việt công khai khoe khoang rằng Hiệp Ðịnh Paris chỉ là một bước được tính toán trong toàn bộ chiến lược “giải phóng” miền Nam Việt Nam năm 1975. Tuy nhiên thực tế không đơn giản như vậy, vì lịch sử luôn luôn là một quá trình phức tạp bao gồm nhiều yếu tố kể cả bất ngờ, khiến cho kết quả cuối cùng không phải dễ dàng định sẵn và các ý kiến nhận định cho đến nay vẫn rất khác biệt.
Cuộc đàm phán ở Paris kéo dài hơn nhiều cuộc thương thuyết hòa bình khác chính vì nội dung và ảnh hưởng chính trị là then chốt hơn quân sự. Tổng cộng qua hơn 4 năm đàm phán có 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp kín, 500 buổi họp báo và hàng ngàn cuộc phỏng vấn riêng.
Xét cho cùng hòa đàm Paris chỉ là một hình thức giải quyết tạm bợ mà các bên cần phải có chứ không bên nào đạt được phần thắng. Chiến lược vừa đánh vừa đàm không xa lạ qua nhiều cuộc chiến tranh và “điều gì không đoạt được trên chiến trường thì không thể đạt tới ở bàn hội nghị” là một nguyên tắc bất biến. Tại Việt Nam không phía nào có ưu thế chiến ở chiến trường mà chỉ có nhiều chỗ yếu do những hoàn cảnh riêng của mình trong đó đáng kể tới sự thúc bách bởi thời gian.
Hòa đàm tại Paris khởi sự tháng 5 năm 1968 với sự tham dự của Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Việt Nam Cộng Hòa, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Vấn đề sơ khởi phải tranh luận suốt mấy tháng đầu là hình dạng cái bàn hội nghị để thể hiện tính cách tham dự của bốn bên nhưng lại chỉ như hai bên. Kết quả đi tới sự chấp thuận bàn hội nghị là một bàn tròn ở giữa nối liền hai bàn dài hai bên. Trong ba năm tiếp theo các bên dùng hội nghị như diễn đàn đấu tranh chính trị. Các phiên họp chính thức sau khi mở màn chỉ còn là tố cáo nhau, tranh luận bằng cách trình bày ý kiến của mình không cần biết đối phương nói gì, lặp đi lặp lại những đòi hỏi không thể giải quyết được, rồi kết thúc mà không đi tới đâu.
Thương lượng thật sự chỉ có qua nhiều lần gặp gỡ bí mật giữa Henry Kissinger với Lê Ðức Thọ và những cuộc mật đàm sau này mới được tiết lộ. Hòa đàm 4 bên như vậy thực chất chỉ có 2 bên. Mặt Trận Giải Phóng là công cụ do Bắc Việt trực tiếp điều khiển nên không có vấn đề gì. Còn Việt Nam Cộng Hòa rõ ràng nhiều lúc chỉ đứng ngoài, nhưng phản ứng mạnh mẽ đối với đồng minh Hoa Kỳ ở giai đoạn cuối cùng lại có tác dụng tích cực, xác định được vị thế và vai trò không thể phủ nhận của mình.
Qua ba năm, giữa quá trình đàm phán, tháng 3 năm 1972, Bắc Việt bất ngờ huy động lực lượng 120,000 bộ đội chính quy cùng nhiều đơn vị địa phương, du kích, và đưa ra chiến trường những vũ khí nặng từ trọng pháo đến xe tăng, hỏa tiễn, mở cuộc tấn công Lễ Phục Sinh (Eastern offensive) hay trận chiến Mùa Hè Ðỏ Lửa. Sau thắng lợi ban đầu, cuối cùng cả ba mũi tấn công chính - Quảng Trị, Kontum, An Lộc - đều bị bẻ gãy. Thất bại hoàn toàn của chiến dịch quy mô này khiến Bắc Việt tiêu tan ảo vọng tạo một chiến thắng quân sự quan trọng hỗ trợ cho cuộc thương lượng, cũng như để chính quyền Nixon nản lòng trong ý chí tích cực ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa. Ngược lại, Hoa Kỳ gia tăng mức can thiệp quân sự qua việc mở rộng những cuộc oanh tạc Bắc Việt, thả mìn phong tỏa bờ biển, và trên chiến trường miền Nam yểm trợ mạnh mẽ bằng phi pháo và hải pháo.
Trận chiến năm 1972 thể hiện được uy tín của quân lực cùng khả năng tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, nhưng mặt khác cũng cho thấy nhược điểm của quân đội Việt Nam Cộng Hòa là chỉ chiến đấu có hiệu quả nếu đầy đủ hỏa lực hùng hậu. Quân đội Cộng Sản Bắc Việt hiểu điều đó nên khi biết chắc là Việt Nam Cộng Hòa không còn sức mạnh đó, họ đã vững tin vào sự thành công khi mở cuộc tổng tấn công năm 1975 bằng lực lượng áp đảo hơn.
Trong tình hình quân sự không như mong muốn và trước sự phát triển bất ngờ các mối quan hệ ngoại giao mới giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và Nga, Bắc Việt thấy cần một sự khai thông tại hòa đàm Paris để tính giải pháp khác cho ý đồ tương lai. Họ chấp nhận một nhượng bộ căn bản là không đòi hỏi sự từ chức của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trước khi chấm dứt chiến tranh, lập trường mà Cộng Sản Bắc Việt đã khăng khăng duy trì suốt mấy năm từ khi đi vào đàm phán. Ngược lại phía Hoa Kỳ không tuyệt đối đòi hỏi việc triệt thoái khoảng 160,000 bộ đội Bắc Việt đang ở trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
Do đó vào tháng 10 năm 1972 cuộc mật đàm giữa Henry Kissinger và Lê Ðức Thọ đã đi tới kết quả là một dự thảo sơ bộ về cuộc ngừng bắn tại chỗ, còn được gọi là ngung chiến “da beo”, nghĩa là quân đội bên nào giữ nguyên vị trí hiện hữu cho tới khi đi vào tiến trình giải quyết sau này.
Hoa Kỳ và Bắc Việt đều hy vọng hiệp định sẽ được ký kết ngay sau đó. Nhưng bản thỏa hiệp dự thảo đã gặp sự chống đối mạnh mẽ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vì nhiều điểm Việt Nam Cộng Hòa không được tham khảo ý kiến trước. Qua các cuộc thảo luận căng thẳng tại Sài Gòn trực tiếp với Tổng Thống Thiệu và Bí Thư Hoàng Ðức Nhã, Kissinger phải đồng ý chuyển cho Bắc Việt một bản đề nghị 96 điểm yêu cầu sửa đổi. Bắc Việt giải thích yêu cầu này là “hành động bội tín”, không chấp thuận cứu xét và các cuộc thương lượng giậm chân tại chỗ cho đến tháng 12 thì hoàn toàn bế tắc, Kissinger và Lê Ðức Thọ ngưng các cuộc gặp gỡ.
Ngày 14 tháng 12 năm 1972, Tổng Thống Nixon gởi một tối hậu thư cho Cộng Sản Bắc Việt yêu cầu tái tục đàm phán nghiêm chỉnh trong vòng 72 giờ, nếu không sẽ phải nhận lãnh hậu quả nặng nề. Bắc Việt không có đáp ứng gì cụ thể và ngày 18 tháng 12 không lực Hoa Kỳ được lệnh mở chiến dịch Linebacker Two. Ðây là đợt oanh kích không quân dữ dội nhất thời kỳ chiến tranh Việt Nam, trong vòng 12 ngày khoảng 3,000 phi xuất máy bay chiến đấu và B-52 trút xuống 40,000 tấn bom, lần đầu tiên thả bom trải thảm ngay thành phố Hà Nội và Hải Phòng.
Bốn ngày trước khi chấm dứt chiến dịch Linebacker Two, Bắc Việt thông báo với Hoa Kỳ là sẽ hòa đàm trở lại ngay khi ngừng oanh tạc. Ngày 8 tháng 1 năm 1973, Kissinger gặp Lê Ðức Thọ tiếp tục đàm phán, một số điều khoản được sửa đổi tuy nhiên căn bản vẫn là như cũ và những ngôn từ mới được thay thế trong hiệp định thường có tính cách mơ hồ mà mỗi bên đều tìm cách diễn giải theo quan điểm của mình. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa dù không đồng ý hoàn toàn, vẫn lâm vào tình thế không thể khước từ thêm nữa và Hiệp Ðịnh Chấm Dứt Chiến Tranh Lập Lại Hòa Bình được ký kết tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973 giữa 4 bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Việt Nam Cộng Hòa và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.
Nhiều năm sau này Bắc Việt vẫn giải thích rằng việc trở lại đàm phán là do Hoa Kỳ bị đánh bại trong cuộc oanh tạc mùa Giáng Sinh năm 1972. Như thông lệ, Hà Nội phóng đại tổn thất của không lực Hoa Kỳ, loan báo bắn hạ tới 30 chiếc B-52. Ngược lại, Kissinger cũng không xác nhận dư luận tin rằng Bắc Việt phải chịu lép vì cuộc oanh tạc nặng nề. Trong một buổi họp báo sau khi ký hiệp định, được một phóng viên hỏi lại chuyện này, Kissinger chỉ đáp lơ lửng theo kiểu ngoại giao: “Ðã có thỏa thuận hồi tháng 10 nhưng cần một số sửa đổi, sau đó có cuộc oanh tạc và thảo luận lại, bây giờ hiệp định đã được ký kết”.
Bản hiệp định gồm 9 chương 23 điều được tất cả các bên giải thích theo quan điểm và đều coi như là thắng lợi.
Hoa Kỳ đã quyết định bằng mọi cách chấm dứt sự can dự ở Việt Nam nên Hiệp Ðịnh Paris chỉ là một hình thức rút lui trong danh dự, nhận về các tù binh chiến tranh, và trên danh nghĩa đã tạo lập được hòa bình, bảo vệ sự tồn tại chính nghĩa của đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. Còn thất bại trong việc bảo đảm tương lai cho miền Nam Việt Nam không nằm trong chủ trương tối hậu của Hoa Kỳ.
Trong ý đồ lâu dài của Bắc Việt quyết tâm chiếm toàn thể miền Nam, hòa bình không là mục tiêu và Hiệp Ðịnh Paris chỉ là một bước ngưng nghỉ để chuẩn bị lực lượng. Phan Văn Sung, một thành viên trong phái đoàn Bắc Việt tại hòa đàm Paris, 32 năm sau (2005) trả lời phỏng vấn của báo Quân Ðội Nhân Dân, còn nói rằng thắng lợi về phía Bắc Việt vì buộc Hoa Kỳ phải rút quân không điều kiện. Ðiểm quan trọng nhất theo lời ông là Ðiều 1, Chương 1 của hiệp định: “Hoa Kỳ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như đã được công nhận bởi Hiệp Ðịnh Geneva về Việt Nam”. Hiệp Ðịnh Geneva năm 1954 nói rằng vĩ tuyến 17 chỉ là ranh giới đình chiến và hai miền Nam Bắc sẽ thống nhất qua tổng tuyển cử, như vậy, sự hiện diện của bộ đội Bắc Việt tại miền Nam không mang tính cách là quân đội ngoại quốc xâm lăng. Thoái bộ của Bắc Việt là phải công nhận chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng có điều kiện về sự hình thành Hội đồng Hòa giải Hòa hợp Dân tộc để đi tới thống nhất. Tuy nhiên Bắc Việt chỉ xem đòi hỏi ấy như một lý thuyết suông chứ chẳng tin vào kết quả khi họ vẫn chủ trương sẽ đánh chiếm miền Nam bằng vũ lực.
Ðiểm yếu nhất đối với Việt Nam Cộng Hòa là Hiệp Ðịnh Paris không quy định cụ thể sự triệt thoái quân đội Bắc Việt khỏi lãnh thổ miền Nam. Chính quyền của Tổng Thống Thiệu luôn luôn coi hai miền Nam Bắc là hai quốc gia độc lập, đòi hỏi sự tôn trọng ranh giới phi quân sự ở vĩ tuyến 17 và như thế bộ đội Bắc Việt là lực lượng ngoại nhập phải rút đi. Tuy vậy nếu như điều khoản này có được xác định bằng văn bản thì trong thực tế cũng chẳng có hiệu quả bao nhiêu với phương cách lừa đảo thông thường của phía Cộng Sản. Thắng lợi duy nhất đối với Việt Nam Cộng Hòa là sự công nhận giá trị hợp pháp trên thực tế của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông Thiệu trước đó đã khẳng định lập trường 4 Không: “Không chấp nhận, không thương lượng, không liên hiệp và không nhượng đất cho Cộng Sản”. Trong những điều kiện ấy, Hiệp Ðịnh Paris nhìn nhận nhưng không bảo đảm gì cho sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa và hậu quả sẽ là phải có những nỗ lực hết sức khó khăn vì chiến tranh không thể dứt và cuộc chiến đấu không còn được đồng minh hỗ trợ.
Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam chỉ là bộ phận của Cộng Sản Bắc Việt, Hiệp Ðịnh Paris công nhận giá trị cho họ là một thực thể, ngoài ra họ chẳng có gì khác để được hay để mất.
Hiệp Ðịnh Paris xác định lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 8 giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973, giờ Sài Gòn. Chỉ trong ít ngày tiếp sau, niềm hy vọng của dân chúng về hòa bình đã mau chóng trở thành ảo tưởng. Cả hai phía Cộng Sản và Quốc Gia đều đã chuẩn bị tiến hành và phòng chống cuộc chiến giành dân lấn đất. Cuộc xung đột vào phút chót không ngừng vào giờ ngưng bắn như hiệp định đòi hỏi mà kéo dài cho đến đầu tháng 2. Theo Ðại Tá William E. Le Gro trong cuốn “Việt Nam từ ngưng bắn đến đầu hàng” xuất bản năm 1981 thì vào thời điểm ấy quân lực Việt Nam Cộng Hòa, chính quy cũng như địa phương quân và dân vệ, mạnh hơn nhiều so với phía Cộng Sản. Không lượng định đúng khả năng của đối phương, quân đội và du kích Cộng Sản chỉ chiếm được 23 ấp trong cuộc tấn công vào 400 ấp và chịu tổn thất nhân mạng tới 5,000. Ngược lại thì Việt Nam Cộng Hòa cũng thất bại ở một vài nơi mà tiêu biểu là cuộc đột kích của Thủy quân Lục chiến vào Cửa Việt gần vùng phi quân sự.
Chiến tranh tiếp diễn và leo thang trong những tháng năm sau đó và người dân Việt thật sự chưa bao giờ được sống hòa bình cho đến ngày miền Nam sụp đổ. Người dân miền Bắc có may mắn hơn vì thoát khỏi tai họa trực tiếp của chiến tranh nhưng vẫn còn phải gánh chịu gian khổ của một hậu phương bị ép buộc dành nhiều nỗ lực hỗ trợ cho tiền tuyến.
Cuộc thương lượng gọi là hòa đàm tại Paris về thực chất không đem đến điều gì tốt đẹp như mong mỏi cho cuộc nội chiến khốc liệt 15 năm, mà chỉ là một khúc quanh chính trị và cuối cùng đưa tới kết thúc đầy thất vọng cho dân chúng cả hai miền Nam Bắc.
Nguồn Người Việt