Ở Hà Nội, Tết vừa qua người ta xả rác vô tội vạ, ở Việt Nam có phong tục đi lễ các đình, chùa vào tháng giêng, chỗ nào người cũng xả rác… Đó là một phát biểu của một cư dân Hà Nội trong bài phóng sự “Nạn đổ rác lén trên đường phố Hà Nội” [1].
Nhưng đây không phải là một nạn duy nhất. Xã hội ta còn vô số nạn. Công khai, không cần lén lút.
Chúng ta có những kẻ say rượu, phóng thích sự thoả mãn đến cuồng loạn [2]. Phóng thích ở đây là đứng chỗ cấm không được đái để làm chuyện đái không được cấm. Cũng chẳng cần bảng cấm, chẳng cần say sưa, người phụ nữ ngoại hình xinh đẹp ngồi phơi mông phóng thích ngay giữa vườn hoa đẹp [3]. Ở đâu cũng có sự phóng thích không đúng chỗ nhưng chỉ có Việt Nam ta mới phóng thích được một tấm ảnh cực kỳ ấn tượng như thế.
Chúng ta có những kẻ phóng thích sự thỏa mãn trên vỉa hè. Không phải là những vòi nước nhân tạo, chẳng là rác phế thải, rác được ruồi đậu kiến bu, mà là rác rưới cuồng loạn đổ xuống đầu một cô gái bị nắm tóc đánh đập dã man, được phổ biến tràn lan trên YouTube [4]. Blogger Trương Thái Du gọi đó là sự dã man, vô học và vô văn hóa của kẻ thủ ác [5]. Sự cuồng loạn độc ác này dưới bậc một thứ rác rưởi khác. Đó là loại rác xác chết tuổi chưa quá 20 ngồi trên ghế đá lạnh lùng như đá. Nhìn. Nếu chúng còn sống thì ít ra, dù vì sợ hãi liên lụy hay tôn thờ chủ nghĩa mackeno, chúng đã đứng lên đi chỗ khác.
Chúng ta có những rác rưởi cắt ngang hàng trong xã hội được mang tên xếp hàng cả nước, vỉa hè là xa lộ, đèn đỏ là đèn xanh, thời thượng là quán Chưởi Hà Nội, đm không ăn thì xéo đi, khách hàng nườm nượp kéo vào để nghe chưởi. Ăn mới sướng. Chúng ta có rác PMU18, rác dầu Dung Quất, rác công an vòi tiền doanh nghiệp, rác nhà giáo thâm niên 30 năm, đáng tuổi cha chú, ai đời làm chuyện đó [6] cùng VIP chủ tịch xứ giang hồ mua dâm nữ sinh [7].
Chúng ta có con đường rác cộng sản. Nồng, tanh. Hoa sữa. Gợi nỗi đau chuyện bị chèn ép. Chúng cướp dưỡng khí, dường cô lập tôi giữa rừng người. Trong những bài thơ và những bài hát. Ngợi ca hoa sữa. Khiến thời gian nực cười. Vẻ lãng mạn tồi tàn. Mùi hoa nhắc nhớ mùa thu đương trị. Đã quen với việc hiện diện của chúng. Người ta có thể dễ chấp nhận. Trên mảnh đất này. Một kiểu chánh trị đậm mùi. [8]
Và vì thế
Chúng ta có rác
Màu đỏ
Như loài cỏ
Ngỡ là chuyện nhỏ
Nên không ai dọn bỏ
Chúng tôi luôn hốt hoảng nhưng biết làm thế nào!?
Đành bỏ ngỏ..!!! [9]
Nên chi rác trở thành bãi, bãi thành đồi, đồi thành núi.
Rác bùn bauxite nhuộm đỏ quê hương.
Rác giao kèo đốt rừng thế hệ.
Rác hiệp định cắt đứt giang sơn.
Rác 79, 88 cùm đời tuổi trẻ.
Rác số 4 tám mươi triệu dân đen làm trâu ngựa.
Và…
Thế là chúng ta đổ thừa. Tất cả đều do bàn tay rác rưởi của đảng dinh quan(g) và dĩ đại. Chính xác. Còn ai trồng khoai đất này. Vì đảng 10 năm trồng cây nên 50 chục năm Tàu khựa trồng rừng. Vì đảng 100 năm trồng người nên ả xinh đẹp ngồi tênh hênh giữa phố tưới hoa, nên tuổi trẻ mang dòng máu man rợ và trái tim vô cảm. Nên xe leo vỉa hè. Bao tiền vào túi công an. Nữ sinh vào tay hiệu trưởng. Biển Đông mặn xì dầu và đỏ máu ngư dân. Ải Nam Quan sặc mùi giò cháo quảy. TV tưng bừng phim dài đại hán. Siêu sao nước mắm mang họ Triệu, Châu, Chấn, Lâm, Nhật, Thiên, Đan. Bác Mao chui vào phòng nhân dân ba ngày tết mừng đảng trước mừng xuân sau. Bởi do đảng 21 năm trị vì một nửa chữ S phía trên dòng sông Bến Hải, 35 năm cai trị toàn bộ cái đòn gánh nên đất nước mới cong quằn, dân Việt đóng lại vở tuồng truyền thuyết Lạc Âu – 3 triệu đứa con lao đầu ra biển, mấy chục triệu ở lại với rừng hoang.
Thế chúng ta chụp ngay cái hình dơ dáy, vớ ngay cái youtube khốn nạn, vác ngay cái bài báo rác rưới … viết thêm lời bình dài ba bốn trang hoành tráng nhưng tóm gọn chỉ cần một câu: tất cả đều do cái đảng chết tiệt này mà ra. Và chúng ta tiếp tục phất ngọn cờ chính nghĩa: phải tố cáo tội ác của đám độc quyền cai trị này. Chúng ta đã và đang làm chuyện cần làm. Im lặng là đồng lõa với tội ác. Không vạch trần, không nhắc nhở cho nhau, lâu ngày ở riết gần đống rác sẽ quen mùi. Vậy mà đã mấy chục năm – cái chuyện cần thiết đó.
Và…
Thế là đảng đổ thừa. Tất cả đều do tàn dư của cuộc chiến đã sau 35 mùa lá rụng. Tất cả là vì diễn tiến hòa bình của thằng đế-quốc-không-có-nó-thì-nghèo-mạt-rệp. Tất cả cũng bởi bè lũ phản động, gián điệp, khủng bố, tay sai – ngày xưa là đám tàn dư ngụy quyền chạy ra nước ngoài, ngày nay là đám vô ơn được bác và đảng nuôi nấng từ cái nôi màu đỏ. Còn đảng ta ? Sai trái ? Có sai trái nhưng chỉ là hiện tượng. TW đúng nhưng già khụ nên trên bảo dưới không nghe. Cũng yêu nước thương nòi nhưng phu nhân già, công nương trẻ yêu hột xoàn 5 cara, quý tử mê chiếc Phantom và thân già Trường sơn đã lỡ nghiện những con số không ngoằn nghèo trong chương mục Thụy sĩ.
Thế là đảng ta đem bác ra sơn phết lại thành tư tưởng Hồ Chí Minh làm bùa thiêng điều khiển âm binh, đem 16 chữ vàng ra rao giảng nghĩa bầy tôi, đem điều bảy tám chín ra còng đầu thiên hạ. Đa nguyên: tù. Dân chủ: tù. Tân hiến pháp: tù. Phóng sự tham nhũng: tù. Can du-đảng-đệ-tử-công-an đánh chồng: tù. Biểu tình chống Tàu khựa ngoài đường: tù. Chui vào nhà toạ kháng tại gia: cũng tù. Yêu nước không yêu đảng: tù luôn. Đứng đái ngoài đường, nắm tóc đạp đầu phụ nữ, mua dâm nữ sinh, công an vòi tiền, tổng bí thư, tổng giám đốc, tổng trên tổng dưới lượm phong bì trên bàn dưới ghế: vờ. Đã nói, hơn ba năm nay đồng chí thủ tướng từ bi bác ái chưa kỷ luật một ai. [10]
Trên mảnh đất gần 90 triệu người, chủ đất nước có, đầy tớ nhân dân có, cùng nhau xả rác và đổ thừa. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xem chừng đổi thành Đổ thừa Xã hội Đổ rác Việt Nam chắc hẳn hợp tình hợp cảnh hơn.
Nhất định rằng đảng cầm quyền phải chịu trách nhiệm trước những vấn nạn của đất nước. Chính họ cướp lấy quyền độc tôn lãnh đạo, độc quyền bám chặt mái chèo con thuyền dân tộc. Nhất định rằng từ các anh – những người tháng tám, các anh đâu rồi thấm mệt rồi chăng [11] cho đến những cựu, nguyên, cố đồng chí lúc nắm quyền hung hăng, về vườn lên tiếng sửa sai cho đẹp lòng lịch sử cũng phải cúi đầu nhận lỗi trước tổ tiên. Nhưng 90 triệu công dân Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm với lịch sử, với danh dự của dân tộc, và với thế hệ mai sau về những núi rác này. Khi du khách nước ngoài chụp bức ảnh người phụ nữ Việt Nam làm chuyện vệ sinh giữa phố thị; khi hành khách, nhân viên phi trường Thái Lan thấy chúng ta cắt hàng; khi người tiếp viên Singapore nghe chúng ta oang oang trên máy bay như giữa chợ trời; khi gã dắt mối Nam Vang rao hàng với những tên Mỹ trắng – gái đây gái đây người Việt xinh đẹp; khi những lão già người Đài kháo nhau muốn lấy vợ và có luôn người ở thì xách một cô gái Việt về nhà; khi những tên chủ Khựa bảo nhau muốn có nô lệ rẻ tiền thì gọi đám môi giới Việt Nam; khi những tên Tây ba lô muốn thỏa mãn thú tính bằng những đứa bé cả gái lẫn trai 9, 10 tuổi thì rủ nhau đến làng Việt Nam Svay Pak… thì chẳng ai lôi đảng cầm quyền ra để mà quy tội đó là nguồn gốc của những điều xấu xa hay tủi nhục. Họ chỉ nhìn thấy trước mắt: những con người Việt Nam.
Nhất định rằng vận mạng của hơn 80 triệu dân không thể tiếp tục bị định đoạt bằng một nhúm người trong căn phòng đóng cửa. Nhất định rằng độc tài phải ra đi và ngọn cờ dân chủ phải được giương cao. Mấy mươi năm qua, phong trào dân chủ dưới chế độ toàn trị đã trải qua muôn ngàn thử thách để sống còn và từng bước vươn lên. Có những người đã nằm xuống. Có nhiều người đã đánh đổi tự do bằng ngục tù để làm những viên gạch lót đường. Nhưng đích đến dân chủ giống như đỉnh núi cao, chỉ một số người có đủ nhiệt huyết, can đảm để dấn thân từng bước leo lên. Còn lại đa phần vẫn đứng bên lề, buông xuôi, hay đồng tình trong yên lặng hoặc góp đôi lời cổ vũ. Đối với nhiều người, sự bưng bít thông tin và miếng cơm manh áo hàng ngày đã là lớp sương mù, mây xám che kín mặt trời dân chủ. Họ không biết, nên không cần, nên chẳng quan tâm. Các lý do đó cộng thêm nhiều lý do khác mà ngày hôm nay chúng ta có những anh hùng, anh thư, những nhà dân chủ đấu tranh kiên cường; nhưng những người con yêu của tổ quốc này không có đám đông quần chúng.
Thế nên câu hỏi đặt ra: ngọn cờ dân chủ có phải là ngọn cờ duy nhất?
Dân chủ là đích đến rốt ráo nhất để mọi người dân Việt có thể phát huy vai trò quyết định vận mạng chung của đất nước. Sớm hay muộn, ngày đó phải tới vì đấy là quy luật tất yếu của lịch sử. Nhưng vào giai đoạn đổi đời đó, dân chủ có thể sống còn và bền vững trong bối cảnh một xã hội đã bị phá sản đủ mọi mặt ? Nếu vẫn còn nguyên thói quen “xả rác”, tâm lý thờ ơ, vẫn sống mackeno, và “chuyện chính trị tớ không quan tâm” thì: lấy gì để tin chắc rằng chính phủ mới sẽ giải quyết được hỗn loạn xã hội của buổi giao thời ? lấy gì để đảm bảo những lãnh đạo dân chủ này tiếp tục giữ lòng trong sáng và không tự tung tự tác khi quyền lực đã ở trong tay và người dân lại tiếp tục phó thác, bỏ mặc ? lấy gì để đảm bảo nền chính trị không trở lại lối mòn độc tài, dù cánh cửa đa nguyên vừa được hé mở ?
Có được một môi trường dân chủ đa nguyên mới chỉ là điều kiện cần. Có một cộng đồng dân tộc ý thức trách nhiệm công dân và tham gia vào sinh hoạt dân chủ mới là điều kiện đủ. Không thể chờ đến khi có dân chủ đa nguyên mới bắt đầu những nỗ lực cầm máu tổ quốc đang mỗi ngày mỗi chảy. Khó mà xây dựng lại đất nước khi mà dân phong và dân khí đã quá kiệt quệ. Cùng lúc, phong trào dân chủ khó để vươn vai Phù Đổng nếu không có quần chúng tham gia và nếu thành công thì cũng không bảo đảm được sự thăng hoa của dân tộc với tình trạng đất nước mỗi ngày một tồi tệ thêm.
Vì thế bên cạnh ngọn cờ dân chủ làm tiên phong, đất nước chúng ta cần thêm những ngọn cờ song song cùng xung trận. Ngọn cờ dân sinh. Ngọn cờ xã hội. Ngọn cờ giáo dục. Ngọn cờ dân trí. Ngọn cờ văn hóa. Ngọn cờ môi sinh… Những ngọn cờ này sẽ mở ra cơ hội cho nhiều người đóng góp trong khả năng cá nhân, hoàn cảnh thực tế, quan niệm sống và mức độ dấn thân khác nhau của mỗi người. Đạt được đích đến dân chủ là một tiến trình đấu tranh chính trị nhưng muốn có đông đảo quần chúng tham gia cần khởi đầu bởi những đòi hỏi phi chính trị. Sẽ dễ dàng hơn trong việc vận động người dân tham gia đấu tranh cho những khát vọng thực tế, sát sườn với khó khăn trong đời sống của họ. Một người mẹ sẳn sàng lao vào lửa cứu con. Một người cha sẳn sàng đối diện tù tội để đấu tranh nếu cả gia đình con cái nheo nhóc bị đuổi ra khỏi nhà. Nhưng cũng người cha người mẹ đó lại không sẳn sàng bước qua ranh giới giữa cam phận và vùng lên cho giấc mơ dân chủ xa vời, đôi khi xa lạ đối với họ.
Khởi đầu của những ngọn cờ này là từng bước xây dựng lại tinh thần nhận lãnh trách nhiệm và có trách nhiệm góp phần giải quyết những vấn nạn xã hội. Không trông mong vào đảng và nhà nước. Không chờ đợi thiện chí của những kẻ cầm quyền. Bắt đầu bằng sự vận động nhau lên tiếng nói. Tiếp nối là những nhóm người có cùng mục tiêu nhắm tới cho một lãnh vực nhỏ. Chưa cần chính thức lập hội. Chỉ cần có nhau. Đây cũng là những hạt mầm cần thiết để xây dựng nền tảng của một xã hội công dân.
Những ngọn cờ này cũng sẽ góp phần xây dựng sức mạnh cho phong trào dân chủ. Những người dân quê Hà Tỉnh ngày hôm nay cùng nhau kết đoàn, ôn hòa đòi hỏi cán bộ xã phải xây dựng những chòi nghĩ mát, sau khi đã bắt dân làng đóng tiền từ cả năm trước, sẽ quen dần để sẳn sàng tham gia vào những đòi hỏi cao hơn trong tương lai. Có người sẽ trở thành một lãnh đạo tài giỏi, giàu kinh nghiệm đấu tranh thực tế, và quan trọng hơn cả, có quần chúng bên cạnh cho phong trào dân chủ.
Chúng ta đang có ngọn cờ tranh đấu cho biển Đông, ngọn cờ môi sinh Bauxite, ngọn cờ bảo vệ rừng đầu nguồn. Nhiều tầng lớp, thành phần xã hội đang gia tăng nhập cuộc. Những thành quả đã bắt đầu thấy được. Chế độ đã có những nhượng bộ vì áp suất của phong trào. Trên mỗi ngọn cờ đều không thấy thêu chữ Dân chủ và in hình Tự do. Nhưng có ai nói rằng nó đã không góp phần gia tăng sức mạnh quần chúng, không tiếp hơi và góp phần đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa Việt Nam ?
Cuộc cách mạng của người Việt Nam ngày hôm nay không còn đơn thuần là một cuộc cách mạng dân chủ. Điều đó đang được chứng minh bằng thực tế. Nó cũng không nên là một cuộc cách mạng hai giai đoạn – giải quyết độc tài rồi mới xây dựng lại từ đầu. Chúng ta cần một cuộc cách mạng phục hưng, toàn dân và toàn diện.
Sau khi ra tù, Ls Lê Thị Công Nhân đã khóc và nói “Người Việt Nam mình có 90 triệu người, 87 ở trong nước và khoảng 3 triệu ở nước ngoài. Tôi chỉ là một phần trong 90 triệu người đó mà thôi. Tôi không bao giờ hoang tưởng hay kiêu ngạo về bản thân mình và tôi nghĩ là với những gì mà tôi đã làm thì có lẽ hơn cả những gì mà cá nhân tôi trong tỉ lệ dân số có thể làm được. Đó là quá sức của tôi rồi. Nhưng chắc chắn là tôi sẽ không từ bỏ…
Chúng ta khâm phục và yêu mến Lê Thị Công Nhân. Tinh thần dấn thân, trái tim dũng cảm và lòng thủy chung với lý tưởng của chị là một tấm gương sáng ngời. Chúng ta không hoang tưởng sẽ có nghìn người sẽ giống như Lê Thị Công Nhân. Nhưng chúng ta có thể nuôi hy vọng rằng mỗi con người Việt Nam quan tâm đến vận mạng của đất nước sẽ bắt đầu cúi xuống nhặt những cộng rác đang vương vãi chung quanh.
Đất nước tôi cần
triệu người tầm thường
nhập cuộc phi thường
hơn là một minh quân,
triệu khán-giả-quan-toà.
Vũ Đông Hà