Phỏng vấn TS Nguyễn Tiến Hưng về 'Tâm Tư TT Thiệu'
Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng nguyên là Tổng trưởng Kế Hoạch của Việt Nam Cộng Hòa và cũng là cố vấn cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông là tác giả hai cuốn sách “Hồ Sơ Mật Dinh Ðộc Lập” và “Khi Ðồng Minh Tháo Chạy,” được dư luận quốc tế và Việt Nam chú ý. Ngày 16 tháng 5 tới, lúc 1 giờ chiều tại Westminster Civic Center thuộc thành phố Westminster, Tiến Sĩ Hưng sẽ cho ra tác phẩm mới “Tâm Tư Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu” nói về một giai đoạn lịch sử đầy uẩn khúc trước khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản ngày 30 tháng 4, 1975.
Trước ngày ra mắt sách, Tiến Sĩ Hưng đến thăm tòa soạn Người Việt và trả lời cuộc phỏng vấn sau đây do Ðinh Quang Anh Thái thực hiện.
- ÐQAThái: Thưa tiến sĩ, hành động “phủi tay” của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam Cộng Hòa dẫn tới sự sụp đổ của miền Nam; hiện nay Hoa Kỳ đang tham chiến tại Afghanistan và Iraq, liệu những quốc gia như vậy có thể học được kinh nghiệm nào của Việt Nam Cộng Hòa?
- Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng: So sánh Việt Nam với Iraq và Afganistan, hai hoàn cảnh khác hẳn nhau, hai mục đích Hoa Kỳ tham chiến cũng khác nhau; nhưng dù sao các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đối với Afghanistan và Iraq cũng như tự thân hai quốc gia này cũng học được rất nhiều bài học về cuộc chiến Việt Nam.
Tôi cho rằng những nước hợp tác với Hoa Kỳ trước hết phải hiểu thể chế chính trị của Hoa Kỳ, hiểu cách tổ chức phân quyền của Hoa Kỳ. Thí dụ, Tổng thống có tuyên chiến mà Quốc Hội cắt tiền thì Tổng thống cũng chả làm gì được. Ngoài ra, đồng minh của Mỹ phải hiểu quan niệm bạn-thù của Hoa Kỳ, như câu nói của một Thủ tướng nước Anh, rằng “chẳng bao giờ có bạn trường cửu mà chỉ có quyền lợi trường cửu.”
Trong cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu,” tôi nhận định rằng, rút kinh nghiệm của Việt Nam Cộng Hòa, khi cộng tác với đồng minh, thì lúc nào cũng sửa soạn cho lúc hạ màn; vì thế tôi nghĩ rằng Tổng Thống Karzai của Afganistan sẽ học được rất nhiều bài học. Tôi có kết luận trong cuốn sách là “càng nhìn Kabul và Baghdad, tôi càng nhớ Sài Gòn, càng nhìn ông Karzai và ông Maliki tôi càng nhớ ông Nguyễn Văn Thiệu.”
- ÐQAThái: Thưa tiến sĩ, lý do nào không phải là một mà ít nhất là hai hoặc ba nhà lãnh đạo trên thế giới như là thủ tướng cuối cùng của Cambodia, đã thốt ra những lời hết sức cay đắng rằng “làm kẻ thù của Mỹ còn được người Mỹ tôn trọng chứ làm bạn với người Mỹ thì rất nguy hiểm.” Tiến sĩ nghĩ sao?
- Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng: Cũng một câu giống như vậy tôi có ghi trong cuốn “Khi Ðồng Minh Tháo Chạy” và trong cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu,” rằng chính Tiến Sĩ Kissinger cũng đã phải nói câu đó. Ông Kissinger có viết trong sách của ông năm 1968 thuật lại việc chính phủ Johnson muốn trả thù ông Thiệu vì ông Thiệu đã giúp cho Nixon thắng cử, thành ra Tổng Thống Johnson rất bất mãn và có tin đồn là họ tính lật đổ ông Thiệu; ông Kissinger nghe tin đó bèn lên tiếng cứu ông Thiệu, và nói rằng nếu ông Thiệu chịu chung một số phận như ông Diệm thì cả thế giới này sẽ thấy rằng rất khó làm kẻ thù của Mỹ nhưng làm bạn của Mỹ thế nào cũng chết. Tóm lại, một tiểu quốc đi với một cường quốc cũng phải nghĩ rằng đối với mình khi đồng minh tháo chạy thì đau đớn lắm, còn đối với một đại cường quốc thì đó là chuyện dĩ nhiên.
- ÐQAThái: Rất nhiều người nêu một câu hỏi là tại sao Tổng Thống Thiệu không công bố những lá thư Tổng Thống Nixon đã viết cho ông Thiệu cam kết Hoa Kỳ sẽ đổ quân vào Việt Nam nếu cộng sản Bắc Việt xé bản Hiệp Ðịnh Paris để xâm chiếm miền Nam; tại sao ông Thiệu lại giữ thái độ im lặng cho tới ngày vĩnh viễn ra đi mà không nói một câu nào cả?
- Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng: Ðó là vấn đề riêng cá nhân chúng tôi rất trăn trở và đã hỏi Tổng Thống Thiệu rất nhiều lần câu đó. Chúng tôi cũng phải nhắc lại lịch sử của lá thư đó, là ngày 23 tháng 3 năm 1975 sau khi đã rút khỏi Pleiku, lúc bấy giờ tình hình bi thảm lắm, ông Thiệu mới gọi tôi vào Dinh Ðộc Lập ăn sáng và đưa cho tôi mấy lá thư của ông Nixon gửi ông Thiệu để tôi xem. Tôi bàng hoàng quá, tôi không ngờ chuyện như thế. Tôi bàng hoàng quá mà không hiểu sao ông tổng thống lại giữ kỹ quá thế này, không tiết lộ cho ai biết.
Lúc đó, tôi thưa tổng thống là phải tiết lộ ra; hoặc ông tiết lộ hoặc là tôi tiết lộ hoặc là cho Quốc Hội tiết lộ để chúng tôi sắp xếp đài NBC phỏng vấn tổng thống, để tổng thống nói chứ mình còn cái phao nào đâu mà bám. Tôi đã dùng rõ ràng chữ đó. Buổi chiều hôm đó ông cho họp ngay, có Chủ Tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm, Chủ Tịch Hạ Viện Nguyễn Bá Cẩn, Bộ Trưởng Ngoại Giao Vương Văn Bắc và tôi; hình như có Thủ Tướng Khiêm nữa tôi không nhớ. Ông ấy hỏi đã tới chỗ cạn tàu ráo máng chưa, tổng thống đã phải la lối lên chưa.
Tôi rất buồn phải nói lại, kiến chung là “chưa đến lúc” tổng thống phải la lối lên, chưa đến lúc cạn tàu ráo máng, làm như vậy là vi phạm, can thiệp vào nội bộ Hoa Kỳ, không nên, chỉ nên riêng tư mà năn nỉ họ và bề ngoài cũng nói một cách gián tiếp thôi. Cá nhân tôi chả biết nói sao nữa.
Sau cùng chính tôi đã tiết lộ các lá thư này vào ngày 30 tháng 4 tại Washington.
- ÐQAThái: Lý do nào Tổng Thống Thiệu lại không đi Mỹ mà lại chọn Anh Quốc để lưu vong, thưa tiến sĩ?
- Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng: Lúc tổng thống sang đến Ðài Loan thì ông Tổng Thống Ford - mà tôi cho là ông Kissinger đứng đằng sau - cử một đặc sứ sang để nói với ông Tổng Thống Thiệu rằng, ông không nên sang Mỹ tại vì phong trào phản chiến còn mạnh lắm, ông sang sợ bị phiền phức, thôi thì tổng thống đi một nước khác và bất cứ nước nào thì Hoa Kỳ sẽ sắp xếp cho tổng thống.
Ông Thiệu đau đớn lắm, ông bảo lúc bấy giờ đâu còn phản chiến, biểu tình gì mà họ nói như vậy thì ông cũng chả thèm sang Mỹ nữa, và ông quyết định sang nước Anh. Tôi nghĩ vì ông có một hai cháu đang học bên đó, nên ông quyết định sang nước Anh. Cách đây vài ba năm chính đài BBC cũng có bình luận chuyện tại sao Tổng Thống Thiệu chọn nước Anh. Tôi nghĩ rằng ông buồn lắm vì chuyện Mỹ không có tha thiết với ổng, vừa mới xong là phủi tay ngay. Ðến năm 1986 có lẽ Tổng Thống Reagan rất quý mến ông, và phải đến nhiệm kỳ thứ hai, khi ông Reagan ngồi chắc trên “lưng voi” rồi thì ông mới dọn sang Mỹ.
- ÐQAThái: Trong suốt mấy chục năm lưu vong như vậy đời sống vật chất của Tổng Thống Thiệu ra sao, thưa tiến sĩ?
- Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng: Tôi cũng không biết nhiều, tôi có ở với ông cả tuần lễ và thấy đời sống của ông rất khiêm nhường; ông có một ngôi nhà nho nhỏ ở ngoại ô Luân Ðôn, nhà cũng nhỏ thôi, trong nhà thấy rất là đơn sơ, ăn uống thì bà Thiệu cứ canh chua cá kho tộ rồi hủ tiếu, bà bảo ông cứ đòi ăn canh chua cá kho tộ, bà bảo phải có lá me gì ở ngoài Phan Rang nhưng tìm đâu ra lá me non ở Luân Ðôn mà nấu cho ông ăn được. Tóm lại, ông sống tương đối đơn giản. Còn chuyện tiền bạc của ông như thế nào thì tôi không được biết. Tôi thấy ông ấy sống rất đơn sơ, và ngôi nhà của ông ở bên Luân Ðôn không có máy heat, rất đơn sơ.
- ÐQAThái: Cám ơn tiến sĩ đã đến thăm và trả lời phỏng vấn của Người Việt.
-
Bùi Bảo Trúc Bạn ta, Hôm đi mua sách cũ với người bạn mấy tuần trước, tôi mua được bức poster The Old Guitarist của Picasso đóng khung rất đ...
-
Tích ngã vị sinh thì. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi. Vô y sử ngã hàn. Vô phàn sử ngã ky. Hoàn nhĩ công s...
-
Bill Hayton (Đinh Từ Thức dịch) Lời người dịch: Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gia...