20 thg 5, 2010

Vua Gia Long Năm 1802 và Đảng Cộng Sản Việt Nam Năm 1975 – Kỳ II

LS Nguyễn Xuân Phước

Tiếp theo Kỳ I về những bài học từ triều đại thời Vua Gia Long và những sai lầm lập lại ở thời Đảng Cộng sản thống nhất đất nước, chúng ta hãy nhìn lại lịch sử để cùng đánh giá cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” của Đảng Cộng sản và tìm một hướng mới cho Việt Nam.

Đánh giá lại cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” của Đảng Cộng sản

Cuộc chiến vô nghĩa


Sự phá sản của chủ nghĩa Mác Lê trên thế giới, sự quay về với mô hình phát triển của Việt Nam Cộng hoà, sự phục sinh của văn hóa miền Nam trên đất nước hiện nay đòi hỏi chúng ta phải đánh giá lại toàn bộ ý nghĩa cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu cước” của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại sao dân tộc Việt Nam phải mất đi 3 triệu nhân mạng, với 10 triệu thương vong và phải bỏ ra 20 năm vô cùng quí báu để hai miền Nam-Bắc đánh nhau nhằm giải quyết vấn đề chia cắt đất nước? Liệu có một giải pháp không đổ máu để giải quyết vấn đề trên? Tại sao khi thống nhất đất nước những người cộng sản phải thực hiện nền kinh tế Mác Lê bằng cách xóa đi xã hội miền Nam thịnh vượng, xua đuổi người dân ra biển, chiếm đoạt tài sản nhân dân và làm cho đất nước nghèo đói; để rồi 30 năm sau, họ phải trở lại đi theo mô hình phát triển của xã hội đó?

Bài học phân chia đất nước của Nam-Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Đài Loan, của Đông Đức và Tây Đức, Trung Quốc và Hồng Kông, cho thấy chiến tranh không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn để thống nhất.

Ở đây chúng ta không thể không xem lại bài học của Trung Quốc đối với Đài Loan và Hồng Kông. Trong khi Trung Quốc hô hào chiến tranh giải phóng “chống đế quốc Mỹ xâm lược”, tích cực viện trợ bom đạn cho Việt Nam, các nước Nam Mỹ và các nước Phi Châu để các nước này phát động chiến tranh “giải phóng” thì chính họ đã âm thầm chọn lựa con đường chính trị không chiến tranh, không đổ máu để giải quyết vấn đề Đài Loan va Hồng Kông. Họ đã dùng xương máu của dân Việt Nam và các nước nhược tiểu làm con bài để thương lượng với Hoa Kỳ và Tây phương trên mặt trận chính trị. Trong khi đó, những người cộng sản Việt Nam nghe những lời của đàn anh Trung Quốc, mang dân tộc Việt Nam vào biển máu của chiến tranh nồi da xáo thịt, biến dân tộc Việt Nam thành những con thiêu thân cho chủ nghĩa Mác Lê.

Thay vì chọn con đường thẳng tiến đến nền kinh tế thị trường để phát triển như Nam Hàn, Ðài Loan, Hồng Kông, Singapore, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường Mác xít, Leninít, Stalinít và Maoít nghèo đói, đầy máu xương và nước mắt. Con đường Mác Lê này cũng ngoằn nghèo lắm gian truân. Lúc theo Tàu, lúc theo Nga, lúc thì theo Mỹ. Điều này cho thấy ý thức hệ Mác Lê không thể giúp cho những người cộng sản có cái nhìn chính xác về con người, đất nước và thế giới để đưa đất nước lên ngang tầm thời đại.

Hãy nhìn lại những quốc gia Á Châu trước đây như Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, và Nam Triều Tiên. Trong thời gian chiến tranh, các quốc gia này còn nghèo nàn lạc hậu hơn miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Những quốc gia này đã chọn Hoa Kỳ và các nước Tây Phương làm bạn. Malaysia, Nam Triều Tiên, Đài Loan ngày nay trở thành những con rồng kinh tế bay cao với chủ quyền lãnh thổ không sứt mẻ. Ngày nay họ là những ông chủ của những công ty tư bản to lớn đang đầu tư vào Việt Nam để sử dụng lực lượng nhân công nghèo đói và rẻ mạt do chế độ XHCN sản xuất. Hàng năm, hàng trăm ngàn thanh niên thiếu nữ Việt Nam “được” nhà nước xuất khẩu để làm lao động cho các quốc gia bị người cộng sản gọi là “chó săn của đế quốc Mỹ xâm lược.” Trong khi đó, con rồng Việt Nam vẫn quằn quại không vươn lên nổi vì đầu rồng bị nhồi nhét những tư tưởng Mác Lê quá nặng nề và lạc hậu.

Nỗ lực hiện nay của Nhà nước và Đảng là gia tăng hợp tác kinh tế và quân sự với Hoa Kỳ để tồn tại, cũng như áp dụng chính sách của Việt Nam Cộng hòa vào việc phát triển kinh tế đã chứng minh được rằng “chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược” là công việc không cần thiết và gây quá nhiều thiệt hại cho đất nước.

Không cần thiết vì sự hiện diện của Hoa Kỳ trong thời chiến tranh tại Thái Lan, Malaysia, Nam Triều Tiên và sự độc lập lãnh thổ của các nước này hiện nay minh chứng rằng Hoa Kỳ không có nhu cầu xâm lăng Việt Nam hay các nước trên. Hoa Kỳ và Tây Phương cũng như các nước phát triển ở Á Châu không còn là mối đe doạ lãnh thổ cho Việt Nam. Điều dễ hiểu là sau thế chiến thứ hai, sau khi chế độ thực dân cáo chung và sự hình thành của Liên hiệp quốc, ý niệm xâm lược lãnh thổ các nước khác đã lỗi thời đối với các quốc gia văn minh tiến bộ Tây Phương và Hoa Kỳ.

Nếu cuộc chiến tranh (1954-1975) vừa qua không còn mang ý nghĩa của một cuộc chiến chống xâm lăng như quan điểm của Đảng Cộng sản, thì cuộc chiến ấy có giá trị như là cuộc chiến ý thức hệ đã giúp cho việc ngăn chận làn sóng cộng sản tràn xuống Đông Nam Á, Nam Á và tràn lên Bắc Á, theo quan điểm của miền Nam và Tây Phương.

Thực tế về nền kinh tế nghèo đói và chính trị bạo tàn của Bắc Hàn, Liên Xô, Cuba, Trung Quốc, Khmer Đỏ, và các nước Đông Âu cho thấy chế độ cộng sản là hiểm họa lớn nhất của loài người từ trước đến nay. Cuộc chiến Việt Nam đã làm chậm, nếu không nói là ngăn ngừa được, sự phát triển của hiểm hoạ cộng sản vào Thái Lan, Mã Lai, Philippines, Nam Dương và Ấn Độ. Cái bất hạnh của dân tộc Việt Nam là cái may mắn cho các nước khác trong vùng. Khi dân tộc Việt Nam đấu giết lẫn nhau để làm mũi xung kích của khối xã hội chủ nghĩa và tiền đồn chống cộng của thế giới tự do, thì Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Nam Triều Tiên, Đài Loan được hòa bình để phát triển kinh tế. Các quốc gia này còn được giàu lên vì chiến tranh Việt Nam! Khi Đảng Cộng sản Việt Nam đẩy dân tộc vào lò thí nghiệm XHCN để đất nước tan hoang điêu tàn thì các quốc gia trong vùng đã xây dựng được một xã hội dân sự ổn định và văn minh, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển để bắt kịp một thế giới toàn cầu hóa đang ra đời.

Cuộc chiến ý thức hệ đó hoàn toàn không mang lại một lợi lộc gì cho dân tộc Việt Nam. Ngược lại cuộc chiến đã tiêu phí quá nhiều xương máu và tài nguyên quốc gia. Đặc biệt trong giai đoạn thế giới phát triển với vận tốc nhanh chóng, việc đẩy đất nước vào một chiến tranh vô bổ là phí phạm thời giờ của lịch sử.

Ngày nay, mối đe dọa xâm lược không đến từ các nước Hoa Kỳ hay Tây Phương. Chỉ có những quốc gia to lớn nhưng chậm tiến lạc hậu như Trung Hoa Cộng Sản mới còn mang giấc mộng bành trướng lãnh thổ. Nguy cơ mất đất mất biển ngày nay đến từ chính truyền thống xâm lược hàng ngàn năm của dân tộc Hán. Lá thư của thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 gởi cho thủ tướng Chu Ân Lai mau mắn công nhận chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc trong phần biển Việt Nam, cũng như cuộc tấn công xâm lược Hoàng Sa và Trường Sa của hải quân Trung Quốc năm 1974, chiến tranh biên giới 1979. Gần đây nhất là hiệp ước biên giới trên đất liền năm 1999 và hiệp ước phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, là bằng chứng hùng hồn về nguy cơ này.

Không chiến đấu bởi dân tộc và vì dân tộc

Trong suốt thời kỳ chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa và Trường Sa của nhân dân Việt Nam (1974-1975), Đảng Cộng sản đã không đứng về phía dân tộc để bảo vệ tổ quốc một cách chính đáng. Những sự kiện lịch sử này xác định một lần nữa Đảng Cộng sản không chiến đấu bởi dân tộc và vì dân tộc. Họ chiến đấu vì Quốc tế Cộng sản bởi những ý thức hệ ngoại bang. Khi quyền lợi của dân tộc và của Đảng Cộng sản Quốc tế trùng hợp–như thời kỳ đấu tranh chống Pháp– họ giành lấy ngọn cờ dân tộc để tiêu diệt những người yêu nước không đồng chính kiến. Nhưng khi quyền lợi của dân tộc và của Đảng Cộng sản Quốc tế mâu thuẫn–như trong trận chiến Hoàng Sa, trong vấn đề tranh chấp biên giới và vịnh Bắc Bộ gần đây, hay việc áp đặt nền kinh tế Mác Lê lên xã hội Việt Nam– họ nhanh chóng đứng về phía ngoại đảng, bất kể sự khốn cùng và đau khổ của nhân dân. Họ cũng sẳn sàng lấy bạo tàn của chuyên chính vô sản để đàn áp những tiếng nói phản đối trung thực của những người yêu nước.

Ngoài ra trong suốt lịch sử của Đảng, quan điểm đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản làm cho họ hoàn toàn không có khả năng làm hoà với những người yêu nước nhưng khác chính kiến. Dù rằng tất cả đều cùng dòng máu Việt, cùng bọc trăm trứng của cha Rồng mẹ Tiên. Những cuộc đấu tố địa chủ, trí thức, đánh tư sản, ám sát đàn áp phe đối lập một cách tàn nhẫn là những chứng cớ rõ ràng về đặc điểm này. Ngược lại, họ luôn luôn có khả năng làm hòa với quân ngoại thù. Khi cần thiết, họ có thể chia sẻ giang sơn của tổ tiên với ngoại bang để được bảo hộ về quyền lực.

Đối với đất nước Việt Nam, hiện trạng tụt hậu về kinh tế, hà khắc về chính trị, suy sụp về văn hoá cùng với những mật ước nhượng đất nhượng biển cho Trung Quốc đã chứng minh rằng: chủ nghĩa Mác Lê từ ngày thống nhất đến nay, hoàn toàn bất lực giúp Việt Nam xây dựng một thể chế dân chủ để bảo toàn lãnh thổ, phát triển kinh tế và phục hưng văn hoá dân tộc. Chủ nghĩa xa lạ đó không có khả năng giúp Việt Nam thành một quốc gia cường thịnh.

Ngày nay–ở thế kỷ thứ 21, giáo điều Mác Lê lạc hậu tiếp tục bịt tai những người cộng sản trước yêu cầu phục hưng dân tộc của lịch sử. Họ không nghe được những tiếng kêu gọi đòi canh tân của những Nguyễn Trường Tộ thời đại. Đó là những tiếng nói của những người đã đáp lại tiếng kêu gọi của hồn sử, hòa nhịp với những thao thức từ Nguyễn Trường Tộ đến Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh, Lý Đông A, Trương Tử Anh, Huỳnh Phú Sổ. Đó là những rung động và lãng mạn lịch sử nhất quán xuyên suốt qua bao thế hệ để gìn giữ chất nguyên trinh và chính thống của hồn Việt. Đó là tiếng nói của những người cộng sản phản tỉnh như Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Hoàng Minh Chính, Trần Khuê, Trần Dũng Tiến, Vũ Cao Quận; của những người không cộng sản như Nguyễn Đình Huy, Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế; hay của thế hệ trẻ như Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Đính, Nguyễn Tiến Trung và của nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước.

Giấc mơ phục hưng dân tộc và phát triển kinh tế của Nguyễn Trường Tộ ngày xưa, cũng như giấc mơ của bao thế hệ trí tuệ Việt Nam từ đó đến nay vẫn không bao giờ thay đổi. Nhưng khác với Nguyễn Trường Tộ ngày xưa bị chết trong quên lãng, đau xót nhìn đất nước rơi vào tay của quân xâm lưọc, những Nguyễn Trường Tộ thời đại sẽ không ngồi yên để “người vượn do lao động thành người” tại Việt Nam tiếp tục dẫn đưa đất nước đến chỗ tụt hậu và vong thân.

Chìa khóa cho tương lai: tính chính thống chính trị của nhà cầm quyền

Hiến pháp dân chủ và bầu cử tự do


Ngày nay, chìa khóa để mở ra thời đại phát triển kinh tế, phục hưng văn hoá dân tộc và để bảo toàn lãnh thổ nằm trong tính chính thống chính trị của nhà cầm quyền.

Về phương diện chính trị, ý niệm chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác Lê là một trở ngại cho việc thiết lập một nền dân chủ chính thống. Lấy khả năng “cướp chính quyền” để xác định tính chính thống lãnh đạo đất nước là quan điểm chính trị của phường thảo khấu dưới thời kỳ phong kiến và của băng nhóm-bè phái thời kỳ hiện đại. Quan điểm chính trị này hoàn toàn đối nghịch với ý niệm dân chủ mà nhân loại đang hướng đến. Trong thời đại dân chủ, một chính quyền có năng lực pháp lý phải được xây dựng trên một Hiến pháp hợp pháp1 và dân chủ2. Hiến pháp dân chủ đó phải xác định được tính độc lập của ba ngành hành pháp, lập pháp và toà án. Và Hiến pháp đó phải được toàn dân chấp thuận qua một cuộc trưng cầu dân ý độc lập và vô tư.

Lá phiếu tự do độc lập và trong sáng của người dân xác định tính chất chính thống, hợp pháp của nhà cầm quyền. Đó là biểu tượng quyền làm chủ của nhân dân. Vì vậy, một chính quyền bởi dân, do dân và vì dân không bao giờ phải sợ hãi trước lá phiếu. Ngược lại, một chính quyền luôn luôn nơm nớp lo sợ lá phiếu tự do của nhân dân, không được toàn dân bầu ra trong một cuộc bầu cử tự do đa nguyên, là chính quyền không có năng lực đạo đức chính trị và tính chính thống để lãnh đạo đất nước.

Do đó, tái lập tính chính thống, hợp pháp của nhà cầm quyền là điều kiện tiên quyết và là nhu cầu cấp bách để xây dựng một nền chính trị dân bản bền vững. Và nền chính trị dân bản bền vững là nền tảng để mở ra thời đại phục hưng dân tộc, làm bệ phóng cho giai đoạn cất cánh về kinh tế toàn dân và để bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ.

‘Giấc mơ Việt Nam’

Nhìn lại giai đoạn lịch sử thống nhất đất nước ở thời kỳ hậu Gia Long để thấy rằng cái vòng oan nghiệt của quyền lực tuyệt đối đi đôi với tầm nhìn thiển cận của những đầu óc ngu muội luôn luôn đưa đất nước vào thời kỳ suy vong. Từ hai trăm năm trước đến nay, cái vòng kim cô nghiệt ngã đó vẫn tròng lên giòng sinh mệnh của dân tộc.

Ngày nay, chủ nghĩa Mác Lê vẫn là trở ngại lớn nhất trong việc phục hưng dân tộc. Để tháo gở những trở ngại to lớn này trên đường sống của dân tộc, thế hệ mới của Việt Nam trong ngoài nước phải vận dụng trí tuệ để có một tầm nhìn rộng lớn, khai phóng, nhân bản và chính xác về con người, dân tộc và nhân loại. Do đó, khởi điểm của của vận động phục hưng dân tộc là thực hiện một cuộc vận động, tập hợp thời đại nhằm xây dựng một xã hội dân bản và nhân bản cho tất cả mọi người. Đó là yêu cầu cấp bách của lịch sử.

Chúng ta cần suy nghĩ về những thất bại lịch sử và để mơ đến “Giấc Mơ Việt Nam”. Để từ những nơi xa xôi trên trái đất đến những trung tâm vận động phục hưng dân tộc ngay tại trong nước, mọi người Việt đều phải cùng nhau chia sẻ một viễn tượng về sinh mệnh dân tộc và hướng đi tới của đất nước. Từ đống tro tàn của lịch sử, những con phượng hoàng sẽ cùng nhau cất cánh. Từ đó, mọi người Việt sẽ cùng nhau tái tạo một nước Đại Việt mới, một tổ quốc Đại Việt của thời đại 2000 với không gian Việt trãi dài khắp nơi trên thế giới, một tổ quốc của mọi người mang dòng máu và văn hoá Việt không phân biệt chính kiến, tôn giáo hay bất cứ một quá khứ chính trị nào.

Luật sư Nguyễn Xuân Phước

Giải thích của biên tập viên:

(1) Hiến pháp được thông qua theo một chu trình đồng thuận trước đó.

(2) Hiến pháp được thông qua theo quy tắc dân chủ và để bảo vệ tự do, dân chủ.

12 THÁNG ANH ĐI