19 thg 5, 2010

“Cờ mình!”, “Cờ mình!”

Trần Vũ

Trên chuyến quân xa, không ghế, không bạt, không mui, ngồi bệt trên sàn sắt, đám thuyền nhân đã chồm lên khi đoàn xe nhà binh lên đến đỉnh dốc, qua một khúc quành gắt. Trên sàn xe, chúng tôi trông thấy ở cuối đảo một lá cờ phất bay. Trái tim chúng tôi ngừng đập. “Cờ mình”, có tiếng thều thào của một người nào đó. Rồi cả lũ reo hò: “Cờ mình!”, “Cờ mình!” Nhiều người khóc, chan hòa nước mắt vì sung sướng, vì tủi nhục, vì biết đã qua cơn sống chết, kể từ đây có đồng bào mình, có người mình và ngay cả nhỏ bé, có quốc gia mình.

Một tháng lênh đênh trên biển, chìm tàu, mắc cạn, trôi dập dềnh giữa hà bá và xác chết, rồi một tháng ăn xin trên đảo Liminancong vì mỗi ngày được phát duy nhất hai muỗng cháo, đám chết chìm suýt chết, thất thểu như ma đói, như lũ chết trôi nhợt nhạt. Lá cờ vàng cuối đảo, từ xa, đánh thức tất cả. Kể từ đây, là một kiếp khác, không còn làm ma, không còn biết đi về đâu, chết trôi lúc nào, chết chìm lúc nào, chết tha phương cầu thực dấm dúi khi nào, trong xó xỉnh nào, chết không ai hay biết. Ít nhất, trông thấy lá cờ vàng là có nghĩa: Tệ nhất, sẽ chết dưới lá cờ này. Chết giữa đồng bào mình. Giữa ngôn ngữ mình. Dưới lá cờ của mình. Một cái chết, vẫn đầy bất hạnh, nhưng không vô danh tính, không đơn độc mà giữa người mình. Chết? Không hết. Chỉ mới bắt đầu lầm than. Lầm than cho gia đình mòn mỏi ngóng tin, mòn mỏi trông chờ một cánh thư và những đồng tiền gửi về nhà. Phải sống. Bằng mọi giá. Và lá cờ này cho phép sống. Như đã cho phép suốt hai mươi năm. Lá cờ vàng dựng được trên mặt đất, thì mình còn chỗ đứng, còn hy vọng.

Hy vọng…

Quân xa qua chiếc cổng thô sơ, đầy kẽm gai. Bên trên kẽm gai là tấm bảng to kẻ chữ Vietnamese Refugee Camp. Lần đầu tiên sống kiếp tỵ nạn, lũ chết chìm bỡ ngỡ. Còn châu mắt vào cái cột cờ giữa sân mà bên trên phất bay lá cờ vàng. Vàng hực giấc mơ. Vàng rực cơn khát tự do. Đã thật lâu, đã tuyệt vọng, gần như thể kỷ, không trông thấy lại, lũ chết chìm nhìn lá cờ như một ảo ảnh. Lá cờ hiện ra, phần phật. Sáng choang màu vàng giữa nắng. Từ 75 đã bao ngày… Gần như tất cả cùng đếm, cùng tính nhẩm. Không phải tính đã bao ngày chưa trông thấy lại, mà bao nhiêu gian truân, bất hạnh đã trải qua. Tất cả chỉ rời mắt khỏi lá cờ khi chảo cơm đem đến. Cơn đói của thắt gan, cơn đói thắt ruột, kể từ ngày xuống thuyền, trào lên cổ họng, trào lên mắt, trào lên miệng. Cả lũ lao vào giành giựt. “Đừng chen lấn!”. “Đừng chen lấn!”. “Có gạo cho tất cả!” Nhân viên cao ủy, cũng người Việt, cố gắng chặn. Nhưng lũ chết chìm vẫn lao tới. Tôi ở trong số lao đến giành giật này. Cơm. Cơm. “Có gạo cho tất cả”. Ở Việt Nam năm 79, chưa bao giờ nghe câu này. “Có gạo cho tất cả”, ở đây cơm trắng toát. Cơm sáng bừng lên và lũ chết chìm như đám nghiện. Tôi ăn 10 lon gui-gô cơm. Mà cho đến bây giờ kể không ai tin. Tôi ăn thốc tháo, vì sợ hết, vì sợ không đến phiên mình, vì sợ ngày mai không còn cơm, vì đói nên trí não chỉ còn nghĩ đến thức ăn. 10 lon gui-gô. Hết lon này đến lon khác, tôi chìa tay cho đến khi không ai cho tôi ăn nữa, nhiều tiếng kêu hốt hoảng: “Thằng nhỏ sắp bội thực!”. “Đừng cho nó ăn nữa!”. Lon gui-gô bị giựt khỏi tay. Tôi nhìn tất cả gườm gườm. Bản năng sống chết trong người tôi đã qua thử thách, tôi đã sống 21 ngày đêm dưới biển, giữa hà bá và giữa bốn trăm con người tranh sống. Tôi đủ sức sống sót. Thằng A Hủi trên tàu rút dao chém giựt ba lạng vàng của một ông Tàu chưa giết được tôi. Tôi với nó giành nhau bịch chanh trôi trên mặt nước, nó giựt được nguyên bịch, nhưng tôi giằng được một trái chanh. Lên đến đảo, tôi biết tôi chưa chết khát nhờ trái chanh này.

Nhưng tôi buông tay, không giựt lại lon gô. Vì không còn đói. Vì lả. Vì muốn trúng thực như người ta nói. Bao nhiêu sức lực từ lúc rời Sài Gòn, đến bây giờ đã hai tháng, tuôn ra khắp thân thể, không phải mồ hôi, làm gì còn nước trong mình, chết khát mười mấy ngày, chỉ còn linh hồn, bốc hơi về trời. Nền trời Phi. Xanh thẳm. Xanh dịu vợi. Xanh như tranh vẽ. Mệt gần chết mà vẫn còn thấy đẹp. Vậy là chưa chết. Còn lâu mới chết. Tôi muốn văng tục, nhưng giáo dục gia đình không cho phép. Tôi đành nhìn bãi rừng rậm mọc rậm rì cho đến sát chân rào. Đất hứa trông hoang dã, nhưng dù sao đã đến được đất liền… Tôi chui vào một góc. Trại không có nhà, không có lều, chỉ vài lán lợp tôn đã đầy nghẹt người. Chung quanh là núi rừng. Trước mặt là biển đầy đá ngầm. Và kẽm gai vây bọc tứ phía. Tôi chui vào chỗ chứa củi, nằm trên đống củi, gần bếp. Lý trí tôi vẫn hoạt động. Ở gần bếp. Đừng xa bếp. Có gì còn xin ăn. Tôi bị bắt giam ở Tuy Phong năm 76, vì vượt biên chui bị bắt. Giam ba tháng chung với sĩ quan cải tạo cấp úy ở Phan Thiết. Không bị cùm. Không phải lao động vì mới 14 tuổi. Tôi được các sĩ quan Ngụy làm việc trong bếp nuôi, khi cho miếng cháy, khi cho miếng canh, tôi lang thang trong trại nhìn ngắm tù binh Cộng hòa lao động… Tôi biết phải sống gần bếp. Đừng rời xa. Vì xa là đói. Tôi ngắm trại Palawan, không khác mấy trại giam Tuy Phong ở Phan Thiết. Chỉ có lá cờ vàng chứng minh tôi đã đến đất hứa. Tôi nhìn lá cờ đăm đăm cho đến khi thiếp ngủ. Tôi ôm lá cờ vào lòng trong giấc ngủ.

Trước ngày vượt biên, tôi đến từ biệt thầy Lâm Ngọc Oánh. Thầy dạy chính môn triết. Sau 75, thầy dạy đại số, lượng giác và hình học không gian. Thầy cực kỳ nghiêm khắc, bài tập hàng loạt, hàng chục, nhưng thầy thông cảm với học sinh miền Nam mà thầy chia sẻ sự kém may mắn. Cả cho chính thầy, những giáo sư miền Nam phải dạy điều không muốn dạy. Tôi vẫn nhớ khi chiến dịch đánh tư sản khởi phát, nhà mình bị đóng chốt, kiểm kê, từ dao nĩa đến chén bát, mà vào trong trường phải học tập đường lối đúng đắn của “nhân dân”, trong lòng tôi đầy bất mãn, muốn vất tung tất cả, muốn bỏ trường. Thầy nhìn tôi. Thầy hiểu. Ánh mắt thầy thương cảm. Thầy không nói gì hết, nhưng ánh mắt thầy nâng đỡ tôi rất nhiều, cũng như những dòng chữ phê học bạ của thầy giữ tôi ở lại trường. Thầy cố gắng bù đắp những mất mát của học trò bằng những dòng chữ phê điểm của thầy. Cuối năm, thầy thông báo dạy phụ đạo ở nhà. Tôi đến nhà thầy học. Trong suốt một năm tôi học chương trình toán lớp 11 và 12, mặc dù vừa xong lớp 10. Tôi chưa biết, những ngày này sẽ giúp tôi thi đậu ở Pháp, giúp tôi thi đậu tú tài Pháp trên đất Pháp và vào học điện toán. Thầy Lâm Ngọc Oánh của trường Bùi Thị Xuân cho tôi tất cả, say mê toán học, tính kỷ luật, và cả ý niệm làm người Việt. Khi tôi đến chào thầy, chiều cuối cùng, tôi không dám nói ngày mai em vượt biên. Tôi chỉ nói “Em đến thăm thầy”. Nhưng thầy hiểu có sự bất thường, và trong bối cảnh cả miền Nam vượt biên, lớp học vắng dần, thầy hiểu tôi sắp ra đi. Khi tiễn tôi ra cửa, thầy nói: “Em phải biết giữ danh dự của bản thân, gia đình và quốc gia.” Tôi ra đi, mang theo lời thầy dạy: Phải biết giữ danh dự của mình, của cha mẹ và của tổ quốc mình. Tôi hứa với thầy: “Em sẽ cố giữ.”

Chiếc tàu MT.603 xuất phát từ Mỹ Tho đâm vào Bãi Ngầm Trường Sa, tôi ở trong số 288 thuyền nhân trên tổng số 400 đến được đất Phi.

Trần Vũ

12 THÁNG ANH ĐI