20 thg 7, 2010

Nàng mọt sách

Hồ Hữu Tường

Ngày xưa… Ở đất Hậu Xuyên có chàng học trò nọ, họ Hồ, tên Lân Trinh, tự là Khổng cưu. Lân Trinh vốn nhà nghèo, nên lúc nhỏ, vừa học biết chữ, thì sang học nghề, chớ chưa được theo đòi thơ phú. Chàng thấy những bạn cùng trang lứa vịnh hoa, thưởng nguyệt, uống rượu, rung đùi, thì cũng biết thèm thuồng.

Song nghĩ rằng: Những thú đắt tiền nầy chưa phải để cho mình, âu là nhịn vậy. Chừng nào đánh đuổi được con ma nghèo đang quấn quít bên lưng, chừng ấy hãy thưởng thức văn chương, cũng chẳng muộn đó!
Cho hay, trời ít chiều người. Khi Lân Trinh dành dụm được một món tiền, toan đến tỉnh thành mua văn thơ để đọc, thì giặc giã nổi lên, đốt thành, phá xóm. Chàng phải trốn tránh, bỏ xứ, đến ở ngụ một vùng sơn cước rất quê mùa, nơi tư am của một vị lão đạo sĩ. Ngày, ngày, đạo sĩ chỉ lo việc dưỡng thần, nuôi khí, luyện đơn không ưa trò chuyện nên Lân Trinh kéo dài một đời chán phèo, cách khoảng bằng những việc trồng khoai, tỉa bắp. Một hôm, khi dọn am cho sạch sẽ, chàng lượm được trong xó một quyển sách xưa. Mừng như được vật báu, chàng giở ra xem, thì than ôi, không có một trang nào là còn nguyên cả. Và có một con hai đuôi đương vội vã len mình vào giữa những tờ sách để trốn.

Giận lắm, chàng lấy ngón tay đè lên con hai đuôi. Chỉ nhấn mạnh một cái, thì con vật ấy nát ngớ… Chàng nói:

"À, té ra mi đã đục khoét những tờ sách quí nầy. Để ta giết mi, mà phạt cái tội ấy."

Nhưng đã nói được, thì hơi giận hạ xuống, trí chàng sáng lại, và nghĩ:

"Ta bảo nó có tội, nhưng mà tội gì? Cắn giấy ăn sách để sống, thì nó cũng như ta ăn cơm để sống; mà có ai bắt tội ta ăn cơm?..."

Nghĩ thấy mình vô lý, chàng giơ tay lên, thả cho con hai đuôi lẩn trốn giữa hai tờ sách. Rồi, tiếc của quí, chàng tìm đọc chữ được, chữ mất, trang có, trang không. Đọc mãi, mắt hoa, trí mệt, mà không hiểu chi cả. Chàng mới dựa cột, gấp sách lại để nghỉ…

Bỗng nhiên, chàng phải giựt mình, choá mắt vì những tia sáng phóng về hướng chàng. Lân Trinh nhìn kỹ, thì từ ngoài sân bước vào một thiếu nữ, mặc áo dài tha thướt, bằng một thứ lụa ngời như bạc, phản chiếu ánh sáng nên lấp lánh như kim cương. Nàng bước tới nhẹ nhẹ, vạt áo sau kéo dài. Lân Trinh nhìn thấy vạt áo có hai tà còn lê thê tận ngoài bãi cỏ, không khác chi các thứ áo lễ phục của những bà hoàng ở Tây phương. Chàng đứng dậy vái chào. Thiếu nữ mủm mỉm cười duyên, gật đầu đáp lễ và thưa:

"Thấy chàng cô độc, cùng ở với lão đạo sĩ mà không được mấy khi hầu chuyện, tìm làm bạn với sách vở lại không nên việc, thiếp đường đột đến luận chuyện thơ văn với chàng, gọi để đền chút ơn riêng. Chẳng hay chàng có vui lòng chăng?"

Lân Trinh vốn là một thơ sinh chưa từng có dịp nói chuyện thân mật với một trang gái đẹp nên luống cuống và ấp úng hỏi:

"Chẳng hay nàng là ai, có họ hàng chi với lão đạo sĩ chăng?"

Thiếu nữ đáp:

"Chàng hỏi như vậy rất chí lý. Vậy xin nghe thiếp thuật chuyện sau đây."

Ngày xưa, trên Thiên Đình, luôn mấy năm, những táo quân về chầu Ngọc Hoàng đều dâng sớ tâu rằng: Dưới trần thế không có việc chi cả. Ngọc Hoàng lấy làm lạ sao loài người thình lình lại ngoan như thế; bèn sai Thái Bạch Kim Tinh xuống trần xem xét, coi sự thể do đâu.

Sau khi xem xét xong rồi, vị tiên ấy về tâu lại rằng:

"Sở dĩ loài người ngoan ngoãn thế nầy, ấy bởi họ đương trải qua một hồi ‘văn trị’. Họ không mê say việc chiến đấu, giết lẫn nhau; họ không thèm nghĩ đến việc hại nhau, lừa nhau…"

Ngọc Hoàng nghe tâu đến đó, ngạc nhiên hỏi:

"Thế thì họ không tuân theo luật của Tạo hoá đặt để cho là: ‘Cạnh tranh sanh tồn’, ‘Ưu thắng liệt hại’, nữa sao?"

Thái Bạch Kim Tinh đáp:

"Tâu Ngọc Đế, điều ấy tôi không dám dự đoán về tương lai. Song xét hiện tình, tôi thấy họ chỉ thích ngâm thơ mà rung đùi, đọc sách mà đánh chén… và quên luật tranh đấu của Tạo hoá."

Ngọc Hoàng hỏi:

"Sách là cái gì, mà chúng nó đọc phải mê, quên cái luật vĩ đại của Tạo hoá?"

Thái Bạch Kim Tinh thưa:

"Tiên, Phật chúng ta là người của thời thái cổ, bởi dày công tu luyện, mà đã sớm thành chánh quả. Bởi sớm thành chánh quả, nên chưa chứng kiến được những việc phát kiến sau nầy của loài người, do một lòng muốn vô biên. Ấy là lòng cố gắng tìm tòi để sáng chế vật nầy món nọ, hầu đoạt quyền của con Tạo. Lòng cố gắng ấy do óc tranh đấu kích thích. Tranh đấu lẫn nhau chưa đã, họ còn muốn thi đua với Tạo vật nữa… Vì vậy mà suốt một quảng hạ ngươn, hai mươi bảy ngàn năm, họ giết chóc lẫn nhau, chuyên lấy võ mà trị nhau, làm mồi cho Quỷ vương cám dỗ, thoát xác, thì sa xuống Diêm đình, bị phán xét rồi, thì chịu những hình phạt của Địa ngục.

Trong khi ‘Cạnh tranh sanh tồn’, ‘Ưu thắng liệt bại’, kẻ nào có khi giới lợi hại hơn thì hơn. Mà cái khi giới siêu đẳng lại là thứ ‘khí giới để chế tất cả khí giới khác’: Ấy là trí óc. Trí óc của loài người đã giành đoạt không biết bao nhiêu bí mật của vũ trụ, lại sáng chế lắm thứ, mà con Tạo chưa thể chế ra. Thế nên, để ghi chép bao nhiêu thành tích nầy, trí óc loài người bày ra văn tự, vừa là cái kho tàng để chứa bao nhiêu phát kiến, vừa là một lợi khí sắc bén để tranh đấu lẫn nhau.

Hướng theo chiều của tranh đấu, thì văn tự là một thứ khí giới lợi hại hơn tất cả khí giới khác. Mà thỉnh thoảng, khi nào không có dịp chiến đấu, một đôi kẻ nhìn trở vô tâm tình mình, họ thấy có cái gì hay hay, đẹp đẹp. Họ cũng mượn văn tự mà ghi lấy, gọi là Thơ. Thơ có thể làm cho loài người mê say, mê hơn mê gái đẹp. Rồi ca lên mãi, tụng lên mãi. Thơ lại chiều lòng người, hiện hình ra, đến cùng người, đem lại quyến luyến. Một tôn giáo mới xuất hiện, mà giáo chủ là Nàng Thơ. Kẻ tín đồ của tôn giáo nầy cũng say mê, khổ hạnh, hi sinh, tử đạo. Và thỉnh thoảng cũng có kẻ đắc đạo. Và khi đắc đạo rồi không sa xuống Địa ngục, chẳng sang Tây phương chầu Phật, chẳng đến Bồng Lai mà thành Tiên. Kẻ đắc đạo nầy về một cõi riêng gọi là Tao Đàn, do Nữ hoàng là Nàng Thơ làm giáo chủ.

Quỷ ở Diêm cung khó gặp. Đạo sĩ phải dày công tu luyện lắm, mới ra mắt được Tiên. Tu sĩ phải khổ hạnh mấy chục kiếp mới mong tao ngộ Phật. Còn những vị đắc đạo của tôn giáo nầy, những vị mà tín đồ của họ tặng gọi là Thi sĩ, lại dễ cầu khẩn, mà đến ngay. Họ cũng dễ thoát xác, mà thành trường sanh bất tử. Nhưng mà khi họ còn tu luyện, mỗi vị đều để lại những phù chú riêng mình, ghi lại trong những thứ gọi là sách. Muốn cầu họ đến, tín đồ chỉ có việc giở sách ra, mà đọc lại những lời phù chú ấy. Lập tức các vị trường sanh bất tử kia đến ngay mà đàm đạo thân mật với tín đồ. Kẻ thấp tu, thì chỉ nghe họ thuyết pháp. Người bắt đầu vào đường đạo, thì được tự do thảo luận, biện bác tuỳ nghi. Rồi khi giáo chủ là Nàng Thơ điểm đạo cho, thì người ấy cũng có thể thành Thi sĩ, ghi phù chú vào sách, để đời sau truyền tụng thành ra bất tử, lên cõi Tao đàn."

Ngọc Hoàng nghe báo cáo, suy nghĩ giây lâu, rồi phán rằng:

"Thứ tôn giáo nầy, tu dễ đắc đạo, có thể nào bị Quỷ vương len vào cám dỗ tín đồ chăng?"

Thái Bạch Kim Tinh tâu rằng:

"Thưa Ngọc Đế, thỉnh thoảng cũng có kẻ bị Quỷ vương cám dỗ, dùng lời thơ mà ca tụng sự giết chóc, dùng hồn thơ mà phụng sự cho lẽ tà."

"Thế thì, Thiên Bồng Nguyên Soái, mau xây dựng một viện tàng thơ cho to rộng; các Thiên thần mau đi khắp trần giới sưu tầm tất cả những tập kinh của tôn giáo ấy đã có từ bao giờ; và đặt luật nạp bản để về sau, mỗi Thi sĩ mới đều phải cung cấp cho Thiên đình bản nạp để làm dấu tích. Trước là để Thiên đình khảo dượt xem tôn giáo ấy phải chăng là một chính giáo hay là một tà giáo? Sau để Tiên, Phật có thể có đủ thứ sách mà đọc. Chẳng lẽ người phàm ô trược, lại được hưởng thụ đọc sách, còn bực dày công tu luyện lại chẳng được hưởng thú ấy sao? Và cũng chẳng lẽ, khi Tiên Phật muốn đọc sách, lại phải xuống trần gian, chịu luật đấu tranh, ngụp lặn trong biển khổ, mới được đọc sách? Như vậy, Bồng Lai và Niết Bàn sẽ tẻ lạnh, nếu ta cho Tiên Phật tự do mà xuống trần đọc sách. Còn nếu ta sợ Tiên Phật cạm vào mùi tục luỵ mà ngăn cấm, thì Thiên đình sẽ loạn mất đi! Bởi cái lý dễ hiểu rằng Tiên Phật cố tình làm vi pháp để được, nghe rõ chưa, để được bị đày xuống trần gian… mà đọc sách!"

Cách đó không bao lâu, Ngọc Hoàng gọi Tiên Dung công chúa, là gái út, đến mà dạy rằng:

"Ngày nay ngày khánh thành viện tàng thơ, các bác Phật, các chú Tiên của con đều đến đủ mặt để dự lễ. Con hãy sớm sang bên đó, dọn sẵn đào trường sanh nơi sảnh đường, chưng tất cả những chè tiên tửu cho ấm để đãi khách."

Tiên Dung công chúa nghe lời cha, đã thấy vui lòng rồi, thêm khắp khởi mừng, vì được chứng kiến một lễ có mời đủ Phật, Tiên, một lễ chưa từng có trên Thiên đình.

Đúng giờ, tường vân bao phủ khắp, hào quang muôn sắc chọc thủng nóc trời, bắn tia ngoài càn khôn, rọi khắp ta bà thế giới. Từng chập, đàn bạc do các vị Tiên cỡi đến, kết thành những ca vũ đoàn thiên nhiên, múa hát tưng bừng; tiếng nhạc trong trầm bổng ngân, len lỏi khắp mọi nơi, làm cho lũ Ngạ quỷ bị trừng phạt ở Diêm đình nghe mà mê say, quên cả đau khổ của tra tấn. Vừng Thái Dương nghe nhạc, dừng lại trên đường nghiêng tai nghe, rồi nhảy múa theo nhịp. Còn vừng trăng, nãy giờ bỏ trống bởi chị Hằng Nga được mời dự lễ bây giờ nghe nhạc, trở nên lững lờ, như say vì nhạc, như mê vì âm. Rồi mùi hương sen, do các hoa sen chư Phật ngự đến, xông lên như thuỷ ba giợn sóng, làm cho vạn vật ngửi lấy mà tự nhiên thoi thóp thở; đồi núi được luồng sóng ấy gởi vào, chỗi dậy, nghiêng tai nghe, suối thác thì thầm nói chuyện với nhau, ca ngợi mùi hương lạ chưa hề ngửi được…

Nơi sảnh đường, đủ mặt chư Tiên, chư Phật, Ngọc Hoàng ra lệnh gọi Tiên Dung công chúa dâng tiên tửu chưng ấm, để làm lễ khai mạc cuộc khánh thành tàng thơ nầy. Nghe lịnh, Tiên Dung công chúa rụt rè tiến đến trước Vua cha, mọp xuống, mặt biến sắc, thất thần, chỉ nói được câu:

"Con xin chịu tội!"

Chư Tiên, chư Phật đều làm lạ sao buổi lễ long trọng dường này, lại là một toà án đặc biệt để cho Ngọc Hoàng xử tội đứa con gái cưng của mình. Cả thảy đều nhìn vào Đức Phật Di Lạc, như nhờ người hỏi tại sao có việc lạ vậy? Không dè chính Ngọc Hoàng cũng lấy làm lạ, mà nhẹ nhàng hỏi con:

"Sao con không bưng rượu chưng, lên để đãi khách, mà lại xin tội? Tội gì?"

"Tội con thiếu nữ công, nữ hạnh…"

Ngọc Hoàng, chư Phật, chư Tiên nghe Tiên Dung công chúa tâu đến đó, dường như nghe sét đánh bên tai. Tất cả muốn hiểu vì sao vị công chúa ngoan ngoãn như thế kia lại phạm vào trọng tội nọ. Thì công chúa tâu tiếp:

"Bởi vì con đã lỡ tò mò, muốn biết trước lý do của cuộc lễ long trọng này. Nên con đã để tất cả rượu lên lửa, rồi con lẻn vào tàng thơ coi nơi ấy có gì. Con thấy chồng chất đầy trên ngăn, những vật giống nhau, đưa gáy ra ngoài, trên gáy có chữ vàng. Không biết là vật gì."

Tâu đến đây, dường như cảm xúc, Tiên Dung công chúa tức tưởi khóc. Đức Di Lạc thấy vậy động lòng thương hỏi:

"Tại sao cháu lại khóc?"

Tiên Dung công chúa thưa:

"Phải chi con là gái trần tục quê mùa, thì có lẽ con không đến đổi phạm trọng tội nầy. Nhưng bởi con là Tiên, không học cũng biết, nên con tò mò lấy ra một mà xem. Thì giữa hai cái bìa cứng, dính nhau bởi một cái gáy bằng da, lại có những tờ mỏng chi chít chữ là chữ. Bởi không học mà biết đọc, nên con đọc thử xem trong ấy nói gì, thì dường như có người hiện ra, kể chuyện cho con nghe vậy."

Tiên Phật nghe thuật, liền hiểu ngay rằng chính Ngọc Hoàng vừa chứa được một kho tàng vô tận những bửu bối. Lấy một món, không cần niệm chú, đọc phù, chỉ giở ra, thì hiện ngay một đấng, đàm đạo với mình. Và khi đã được một kho tàng bửu bối như vầy, làm lễ trọng, mời đủ chư Tiên, chư Phật đến dự một cuộc khánh thành là phải lắm.

Tiên Dung công chúa tâu tiếp:

"Ban đầu con phát sợ, vì nơi vắng vẻ, thình lình có người đến nói chuyện với mình. Nên con xếp để vào chỗ cũ, chạy trở về, coi chừng lửa mà chưng rượu. Nhưng có một sức gì quyến rũ, nhịn không được, con trở lại tàng thơ, lấy bất cứ món nào, giở ra xem, thì tức khắc nghe tiếng người hiện đến mà kể chuyện. Và chuyện nào khởi đầu nghe cũng lý thú cả. Con nói rằng khởi đầu chuyện, vì con không dám đọc nốt, xem sơ vài tờ, rồi trở lại coi chừng làm rượu."

Tiên Dung công chúa tâu đến đây, lại ngập ngừng, rồi dừng lại không dám nói tiếp. Các vị Phật Tiên khuyên:

"Con cứ thuật, sẵn đủ mặt tại đây, chúng ta sẽ cứu rỗi cho con."

Nghe khuyên, Tiên Dung công chúa kể:

"Thế rồi, con bị cám dỗ, mê say, quên cả trách nhiệm. Đến chừng nghe nơi trù phòng phát hoả, hơi nóng bốc lên, lửa phựt sáng ngời, con chợt tỉnh, chạy đến, thì rượu chưng quá nóng, bốc thành hơi, xông lên, gặp lửa phát cháy. Cũng may mà trù phòng cất bằng lưu ly, mã não, xa cừ, lại có trấn ngọc tỵ hoả, nên không phát cháy theo. Nhưng con không sao cứu được mấy ché rượu tiền tửu nối nhau cháy phừng phừng, không còn một giọt."

Chư Phật, chư Tiên nghe kể, ngẩn người không hiểu, sao một nàng công chúa ngoan ngoãn như Tiên Dung, lại có thể bị cám dỗ dường ấy. Riêng Ngọc Hoàng lại tự thấy thẹn. Thẹn vì mời đủ khách quí đến, mà không còn một giọt rượu tiên để đãi khách. Thẹn vì chính con gái mình lại kém nữ công, nữ hạnh. Thẹn thêm vì đứa con gái ấy thú nhận trước Phật Tiên rằng mình đã bị cám dỗ. Rồi vì gia phong, vì để làm cho luật trời được tôn nghiêm, Ngọc Hoàng phán:

"Trọng tội như thế này, ngươi đầu thai xuống trần mà tu luyện lại để chuộc tội."

Tiên Dung công chúa chỉ có lạy cha mà vâng lệnh, rồi lạy mẹ, rơi luỵ, mà từ biệt.

Chư Phật, chư Tiên không dám nói thế nào, vì tự xét một cái lỗi to như vậy, nếu không trị tội, thì làm sao giữ được uy nghiêm của luật trời. Chỉ có Phật Di Lạc, vị Phật đang hoài bão cái mộng lớn là sửa đổi lại luật trời cho hiệp với sự tiến hoá của người, của vũ trụ, Phật Di Lạc e rằng trong việc Tiên Dung công chúa phạm tội nầy, ắt có đôi điều trắc ẩn. Ngài bèn gọi Tiên Dung công chúa đến an ủi:

"Nay con bị đày xuống trần gian, con có mong được đầu thai làm thế nào, con cứ nói bác liệu có tâu rỗi giùm, thì bác cố gắng."

Tiên Dung công chúa ngập ngừng rồi thưa:

"Nếu bác thương tình, con lạy bác, xin bác tâu với vua cha cho con đầu thai làm con mọi sách."

Phật Di Lạc lấy làm lạ hỏi:

"Tại sao con muốn đầu thai làm giống vật chỉ có ăn giấy mục, mực hôi loài người thù ghét, gặp đâu giết đó, lại đem thuốc độc mà phun vào giấy, vào hồ, để con ăn phải, thì chết ngay?"

Tiên Dung công chúa thẹn thùng thưa:

"Con vốn biết cái kiếp của con mọt sách là như thế. Nhưng mà trót đọc lở dở một chuyện lý thú, mà dừng nửa chừng, con tiếc không cùng. Con nguyện, khi xuống trần, tìm khắp nơi, quyển sách con đã đọc một phần, để đọc nốt cho hả dạ. Mà có giống gì mãi mãi sống bằng sách vở, ngoài ra con mọt sách?"

Nghe thuật đến đây, Lân Trinh chặn ngang hỏi:

"Vậy thì Tiên Dung công chúa được đầu thai làm con mọt sách à?"

"Chính là như vậy! Nàng đã đời đời, kiếp kiếp len lỏi tất cả đủ các thơ viện, khắp tất cả tủ sách, để tìm một quyển như quyển đã được mình đọc lúc còn ở Thiên đình. Thế mà chưa gặp nên lang thang kéo dài một nghiệp ăn giấy mực, mực hôi. Và khi gặp người, thì bị giết."

Dừng lại một phút để nén sự cảm động, nàng nói tiếp:

"Chỉ có một lần thôi, Tiên Dung công chúa không bị giết. Vừa bị tay đè lên mình, tưởng đã nát thân, chính là chàng đã cất tay lên để dung cho mạng sống. Nên bây giờ, tôi đến đây, để đền ơn tha giết, kể lại văn thơ tôi đã được đọc cho chàng nghe. Chàng không sách mà đọc, thì hãy nghe tôi kể chuyện. Cũng chẳng khác nào chàng được đọc sách vậy."

(Truyền Tin, số Xuân Ất Mùi 1955)

12 THÁNG ANH ĐI