Khánh An, phóng viên RFA
2010-10-11
Café Wifi kỳ này sẽ cùng các vị khách mời và Ông Bill Hayton, tác giả quyển sách "Vietnam - Rising Dragon", thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến Việt Nam.
"Vietnam - Rising Dragon"
Khánh An: Khánh An rất vui chào đón quý vị đến với chương trình Café Wifi… Ngày hôm nay có 3 vị khách mời đến với chương trình và chúng ta sẽ nói về một cuốn sách của tác giả là ông Bill Hayton, một người làm việc cho Đài BBC. Ông đã viết cuốn sách này dựa trên những kinh nghiệm có thực của ông. Ngoài ra còn có những vị khách khác mà Khánh An sẽ lần lượt mời các vị ấy tự giới thiệu về bản thân mình. Bây giờ xin mời ông Bill Hayton, tác giả quyển sách "Vietnam - Rising Dragon".
Ông Bill Hayton: OK. Tôi tên là Bill Hayton. Tôi từng là phóng viên của BBC tại Hà Nội trong những năm 2006 và 2007, vốn là khoảng thời gian rất quan trọng đối với Việt Nam khi Việt Nam tham gia vào tổ chức thương mại thế giới và là nơi diễn ra Thượng Đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), từ đó tạo ra rất nhiều sự thay đổi cho Việt Nam. Tôi đã có được một thời gian tuyệt diệu và biết được nhiều điều mà tôi trước đây tôi không hiểu về đất nước các bạn. Tôi đã viết cuốn sách trên để cố gắng giải thích cho những người giống như tôi hiểu về những gì đang thực sự diễn ra tại Việt Nam: sự thay đổi và rất nhiều những vấn đề liên quan đến việc làm thế nào mà Đảng Cộng Sản có thể kiểm soát được đất nước này ngay cả khi mọi thứ đều đang thay đổi về kinh tế, chính trị, văn hóa… Tôi cố gắng để trả lời một câu hỏi lớn là làm thế nào mà Đảng Cộng Sản vẫn có thể nắm quyền và tại sao phản biện xã hội bị thất bại trong hàng chục năm qua?
Khánh An: Cảm ơn ông Bill rất nhiều và bây giờ thì Khánh An xin mời Tiến sĩ Vũ Quang Việt.
TS Vũ Quang Việt: Tôi là chuyên gia về vấn đề thống kê kinh tế. Trước kia tôi đã làm việc cho Liên Hiệp Quốc và bây giờ tôi vẫn tiếp tục làm tư vấn cho một số nước đang phát triển, đặc biệt là các nước ở Đông Nam Á, ở Á Châu.
Khánh An: Cảm ơn TS. Vũ Quang Việt. Bây giờ Khánh An xin mời chị Ngọc Giao.
Cô Ngọc Giao: Thưa vâng, Ngọc Giao thuộc về Tiếng Nói Người Mỹ Gốc Việt hay là Voice of Vietnamese American. Thực ra đây là một hội thiện nguyện nói lên cái nhìn, quan điểm của người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Trong chú tâm đó, những người Mỹ gốc Việt rất để ý mọi chuyện xảy ra ở Việt Nam và luôn luôn mong rằng Việt Nam có những thay đổi tốt đẹp hơn. Do may mắn mà Ngọc Giao được biết ông Bill Hayton ra quyển sách, cũng như mời chuyên gia là TS. Vũ Quang Việt và sau này chúng ta sẽ còn có sự lên tiếng của TS. Đinh Xuân Quân. TS. Việt và TS. Quân là hai người đã trực tiếp làm việc giúp cho sự thay đổi tại Việt Nam từ những năm đầu tiên. Đặc biệt là TS. Việt và TS. Quân cũng đã góp bài trong một tập sách "Đánh thức con rồng ngủ quên" xuất bản năm 2003, thì những cái nhìn của TS Việt và TS Quân sẽ giúp cho chúng ta nhìn thấy bức tranh lớn Việt Nam hiện nay. Cảm ơn Khánh An.
Khánh An: Khánh An một lần nữa chào đón quý vị đến với chương trình Cafe Wifi. Bây giờ để bắt đầu, Khánh An mời ông Bill giới thiệu cuốn sách ông vừa mới xuất bản gần đây, đó là cuốn "Vietnam - Rising Dragon".
Ông Bill Hayton: Cuốn sách nói về những mặt tốt, tuy nhiên không thể bao quát hết những vấn đề mà tôi muốn nói, nhưng nó nói lên những điểm mấu chốt của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Điều mà tôi muốn đưa ra ở đây là rất nhiều người bên ngoài Việt Nam tin tưởng rằng một khi kinh tế được tự do hóa thì chính trị và xã hội cũng tự do. Tôi muốn đưa trường hợp Việt Nam ra để cho thấy rằng điều đó không hẳn là đúng. Nền kinh tế Việt Nam trông có vẻ như được tự do theo như quảng cáo về kinh tế thị trường, tuy nhiên bạn không thấy là đại đa số các công ty tại Việt Nam vẫn đang hoạt động theo đường lối và được chỉ đạo bởi Đảng Cộng Sản. Sự chỉ đạo này dĩ nhiên trên cả lĩnh vực chính trị và xã hội. Tôi không nghĩ là khi kinh tế thị trường được cho phép thì sau đó chúng ta sẽ có được tự do và dân chủ. Tôi nghĩ rằng vấn đề phức tạp hơn nhiều và tôi muốn trình bày nó trong cuốn sách của tôi.
Tạo hệ thống kiểm soát
Khánh An: Vừa rồi ông Bill có nhắc đến rất là nhiều xoay quanh vấn đề này, đó là tự do trong thương mại và tự do kinh tế. Vấn đề mà ông đặt ra có lẽ là một vấn đề mà các chuyên gia kinh tế khác cũng đã đặt ra rất nhiều, đó là liệu trong một quốc gia không theo chế độ dân chủ thì các vấn đề tự do kinh tế, tự do thương mại có thực sự trở thành hiện thực hay không? Và với trường hợp Việt Nam hiện nay, theo như kinh nghiệm của ông Bill Hayton thì kinh tế Việt nam vẫn chịu sự kiểm soát rất là lớn từ phía Đảng CSVN. Bây giờ thì chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt, ông đã có thời gian làm việc rất nhiều với phía chính phủ Việt Nam thì ông có những kinh nghiệm gì về những vấn đề mà ông Bill Hayton đã đặt ra, thưa ông?
TS Vũ Quang Việt: Tôi thấy rằng sau khi đổi mới ở Việt Nam, có thể nói từ năm 1988-1989 thì thực sự Việt Nam mới bắt đầu chấp nhận kinh tế thị trường. Trong kinh tế thị trường thì cái lớn nhất mà Việt Nam thay đổi tức là để cho tự do giá cả và điểm thay đổi thứ hai là cho phép tư nhân tự do làm ăn. Thứ ba nữa, đặc biệt là giải thể, ruộng đất được trở lại cho nông dân để họ làm ăn và do đó kinh tế phát triển. Nhưng mà đúng như ông Bill Hayton nói, tức là cho đến tận ngày nay chính phủ Việt Nam vẫn muốn nắm quyền chủ đạo các công ty, đặc biệt là các công ty quốc doanh.
Họ coi cuộc khủng hoảng Việt Nam là do khủng hoảng thế giới tạo ra, nhưng sự thật thì không phải, mà khủng hoảng này là do chính vấn đề phát triển rất là liều lĩnh của họ tạo ra.
TS Vũ Quang Việt
Đồng thời, về vấn đề chính trị thì (Đảng CSVN) cũng nắm toàn bộ cho nên nó gây ra nhiều vấn đề, từ vấn đề tham nhũng mà ông Bill Hayton đã nói tới và tôi muốn nói thêm như thế này, nói chung Việt Nam có cảm tưởng là phải phát triển cho nhanh để chứng tỏ cho dân chúng biết rằng là như vậy thì tự tạo sự tin tưởng cho dân chúng. Và vì vậy mà họ hăm hở cho đến mức tôi có thể nói là chính quyền mới đây, tức là chính quyền sau thời ông Phan Văn Khải và ông Võ Văn Kiệt, đặc biệt sau khi Việt nam là thành viên của WTO thì họ làm tới mức có thể nói là họ liều lĩnh - liều lĩnh ở chỗ họ chỉ tập trung phát triển với tốc độ cao, tập trung vào để xây dựng quốc doanh, bất chấp chất lượng, bất chấp những phản biện trong xã hội và giới trí thức.
Họ tập trung vào để xây dựng một số quốc doanh lớn, thí dụ như là Vinashin. Họ tập trung vào để cho tất cả các công ty quốc doanh có thể làm tất cả mọi chuyện, thí dụ như một công ty đóng tàu thủy như vậy (Vinashin) mà lại có thể mở ra ngân hàng, đầu tư đất đai, nhà cửa, nghĩa là làm tất cả mọi thứ và khi họ làm như vậy thì họ tạo ra cả một hệ thống công ty nửa tư nhân nửa nhà nước, một hệ thống có tính cách gia đình và bè phái. Như vậy thật sự, Vinashin là một trường hợp điển hình mà tôi đã có phân tách, tức là thay vì tập trung vào công nghiệp tàu thủy thì họ lại làm rất là nhiều việc để có lợi cho gia đình, cho đàn em, cho vây cánh, cho đảng, v.v. tất cả những chuyện như vậy dẫn đến chuyện nó (Vinashin) hoàn toàn suy sụp vì nó không thể làm được như vậy. Rồi họ lại ký kết với Trung Quốc để khai thác bauxite ở Miền Trung, rồi cho phép các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty Trung Quốc có quyền khai thác về rừng, v.v. Rồi họ lấy lại đất đai của dân chúng để đưa cho các công ty, nghĩa là tạo nên một hệ thống mà họ tưởng là gây nên sự phát triển rất cao.
Nhưng ngược lại, nó trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế. Cùng một lúc với khủng hoảng kinh tế Việt Nam, lạm phát tăng lên rất cao, lên đến hai mươi mấy phần trăm mà việc này đã được giải quyết thời ông Võ Văn Kiệt đưa lạm phát xuống rất là thấp, thì bây giờ lạm phát lại nổi lên. Rồi vì lạm phát thì đồng tiền Việt Nam lên giá, bởi vì đồng tiên Việt Nam lên giá cùng với sự thiếu hụt về cán cân thương mại với thế giới rất là lớn. Đang là những vấn đề như vậy thì cùng một lúc trên thế giới bị cuộc khủng hoảng kinh tế thì họ coi cuộc khủng hoảng Việt Nam là do khủng hoảng thế giới tạo ra, nhưng sự thật thì không phải, mà khủng hoảng này là do chính vấn đề phát triển rất là liều lĩnh của họ tạo ra.
Trong trường hợp như vậy thì họ làm gì? Họ vẫn muốn kiểm soát, do đó có những nhà trí thức có ý kiến thì họ đưa ra cái Quyết Định 97 nói rằng tất cả trí thức hay những người muốn có ý kiến với chính phủ thì phải đưa cho cơ quan liên hệ trực tiếp với vấn đề đó chứ còn báo chí thì không được. Tôi nghĩ đó là có tính chất bịt miệng. Thế thì cái chính phủ mới này nó có vấn đề rất là lạ như thế này, thời ông Phan Văn Khải, thời ông Võ Văn Kiệt thì chính phủ lập ra một ban tư vấn của chính phủ. Ban tư vấn này là những người không nằm trong hệ thống nhà nước, tức là họ không phải là quan chức, không phải là bộ trưởng, mà họ tương đối độc lập. Họ có ý kiến độc lập, không tự làm cho họ.
Đến thời ông Nguyễn Tấn Dũng lên thì ban tư vấn đó bị giải tán. Tôi và những người người khác vẫn tưởng sẽ có một ban tư vấn mới của thủ tướng vì ông thủ tướng mà có một ban tư vấn phù hợp với mình thì đó là một điều bình thường, thì vấn đề giải tán cũng là bình thường. Nhưng vấn đề là sau đó không có một ban tư vấn nào khác ra đời và chính ông thủ tướng nói là “Tôi có rất nhiều trí thức chung quanh tôi rồi”, tức là các bộ trưởng, các quan chức ở trong nhà nước thì những người này có những quyền lợi riêng của mình trong các bộ của họ thì làm sao những người đó có thể tư vấn cho ông thủ tướng được.
Phải theo "lề phải"
Khánh An: Dạ vâng. Cảm ơn TS Vũ Quang Việt. Thưa chị Ngọc Giao, không biết chị có muốn đặt câu hỏi gì với TS Vũ Quang Việt cũng như là ông Bill Hayton không?
Cô Ngọc Giao: Thưa vâng. Giao nghĩ rằng những điều TS Vũ Quang Việt đưa ra đã giải thích một vài điều mà ông Bill có nói đến trong quyển sách. Trong việc này thì Bill là một nhà báo và Giao nghĩ rằng cái chính mà TS. Việt đưa ra đó là chuyện không cho nhà báo nói đến những vấn đề của xã hội, bắt nhà báo phải đi theo "lề bên phải" nó cũng tạo ra rất nhiều vấn đề. Bill có thể nói cho mọi người biết về kinh nghiệm của ông khi ông bị chính quyền Việt Nam từ chối, không cấp visa vào năm 2007 vì ông đã muốn nêu lên những vấn đề này trên báo chí?
Ông Bill Hayton: Khi tôi mới đến Việt Nam, tôi thật sự ngạc nhiên vì ở đây quá dễ dàng cho tôi làm việc. Một khi tôi cứ ở Hà Nội và không đặt ra những câu hỏi khó thì tôi có thể đi quanh thành phố để phỏng vấn người dân về những đề tài tôi viết mà không gặp trở ngại gì. Khó khăn chỉ đến khi tôi bắt đầu xem xét đến những vấn đề gây tranh cãi. Chẳng hạn như khi tôi viết về sự kiện Việt Nam gia nhập WTO hoặc Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, thì tôi hoàn toàn không gặp vấn đề. Nhưng khi tôi bắt đầu tìm hiểu xem liệu trẻ em đường phố có bị dẹp đi để chuẩn bị cho dịp Thượng đỉnh APEC hay không thì tôi bắt đầu gặp khó khăn.
Và khi mà tôi biết được các nhà dân chủ đã bị đàn áp trong dịp này thì tôi càng gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, lý do chính mà tôi nghĩ rằng đã làm cho các lãnh đạo của Bộ Văn hóa Thông tin nổi giận là khi tôi bắt đầu nghiên cứu để viết cuốn sách, tôi đã nói chuyện với nhiều người trong hệ thống chính trị mà không thông qua kênh thông tin quy định vì sự quan liêu và chậm chạp của kênh này. Tôi nghĩ tốt nhất là tôi tự tìm hiểu và tự làm lấy. Một lý do thêm nữa là những vấn đề mà tôi tìm hiểu khiến cho họ không thích. Chính vì những lý do trên mà khi tôi ở Việt Nam được hơn 11 tháng thì tôi được thông báo là thị thực của tôi sẽ hết hạn trong vòng 2 tuần nữa và nó sẽ không được gia hạn. Họ cho biết là tôi được phép nộp đơn để xin thị thực mới nhưng không cho biết là thị thực sau đó có được cấp hay không. Khoảng 2 năm trước, tôi cố gắng để quay lại Việt Nam nhưng khi đến phi trường Nội Bài, tôi đã phải quay trở về nước một lần nữa.
Khánh An: Vâng, cám ơn ông Bill Hayton đã chia sẻ những khó khăn mà ông gặp phải khi ông bắt đầu nghiên cứu để viết cuốn sách “Vietnam – Rising Dragon” (Tạm dịch là “Việt Nam – Con Rồng Đang Lên”) để trình bày về thực trạng Việt Nam, nơi mà ông đã có dịp sống và làm việc với tư cách là một phóng viên của Đài BBC. Đã đến lúc Café Wifi phải tạm biệt quý vị, Khánh An và các vị khách mời ngày hôm nay hẹn quay trở lại trong chương trình kỳ tới để tiếp tục bàn về chính sách quản lý kinh tế hiện nay của Việt Nam và những rào cản của nó. Mong quý vị đón theo dõi.