26 thg 5, 2012

Tuổi 70, Cám Ơn Người

Philato Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, bài nào cũng cho thấy tấm lòng, tình đồng đội và sự lạc quan, yêu đời. Sau đây là bài viết mới nhất. Vừa rời ghế nhà trường là tôi vào quân trường rồi lăn lộn với chiến trường từ Bến Hải tới mũi Cà Mau, sau ngày 30/4/75, ngày đau thương của đất nước, tôi lại phải đổ mồ hôi và nước mắt gần 10 năm trời trong rừng núi Thượng Du Bắc Việt, rồi tha hương vật lộn với đời tỵ nạn nên gần như tôi không còn nhớ ngày giỗ cha cúng mẹ, thường quên chưa một lần tổ chức sinh nhật cho những người thân yêu trong gia đình, và dĩ nhiên trong đầu tôi không có chữ “happy birthday” cho chính mình. Rồi một buổi sáng đẹp trời mùa Đông nắng ấm, có người đến gõ cửa giao cho một lẵng hoa thật đẹp với tấm thiệp “Happy Birthday to Mom”, có lẽ đây là lẳng hoa sinh nhật đầu tiên và thật đẹp đến với gia đình tôi, đó là quà của vợ chồng cậu con trai từ Dallas gửi về tặng mẹ. Vợ tôi cảm động, người cười với những bông hoa khiến tôi thấy nàng cũng là một đóa hoa và từ ngày đó, tôi bắt chước con trai, đến ngày sinh nhật của nàng, tôi cũng mua một bông hồng, và chỉ một bông thôi với giá $5 rồi len lén để bên bàn phấn, không có thiệp chúc mừng sinh nhật, cũng không nói gì, vì tôi không có thói quen “tỏ tình” kiểu lãng mạng và dễ thương này, nhưng thú thật là tôi có nói thầm trong lòng: - “Chúc em đẹp như bông hồng và anh chỉ có một bông hồng là em mà thôi”. Còn đến với ngày sinh nhật của tôi thì các con thực tế hơn, một bao thư trên bàn viết với câu chúc hài hước “nhờ sinh nhật của bố 11/11, chúng con có ngày holiday”. Biết trong bao thư chứa đựng đầy ắp tình cảm, nhưng tôi để nguyên niềm vui đó và chỉ mở ra khi gặp những khoản chi bất ngờ ngoài dự trù, hay chia xẻ một chút quà cho anh em TPB quê nhà, vì chính tôi cũng là một thương binh. Nhiều sinh nhật đã đi qua, những bao thư cũ mới các con tặng bố vẫn nằm đấy, ngày dầy thêm, tôi thêm tuổi ..già! Thời gian qua đi như “bóng câu qua cửa sổ”, các cụ nói thế và đúng thế thật. Những gì xẩy ra vào ngày 30/4/75, ngày “gẫy súng”, như còn đang đảo lộn trước mặt của người lính TQLC ở tuổi 34, giờ phút ấy tôi thẫn thờ nhìn đồng đội, họ chửi thề và dương súng quạt từng băng đạn bắn ông “Thiên”. Rồi tuổi 34 vào tù, gần 10 năm đổ mồ hôi, nước mắt ở rừng núi Lào Cai, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn Thượng Du Bắc Việt. Tuổi trẻ của tôi bị giam hãm chết lần chết mòn trong ngục tù, bao cay đắng như còn quanh quẩn đâu đây, chừng nào mới thoát khỏi gông cùm này? Thương nhớ vợ con, cha mẹ, anh chị em, tôi hét lên.. Ác mộng làm tôi giật mình tỉnh dậy mới hay mình đang nằm trong chăn ấm, cánh tay gối đầu cho người bạn đời. Tôi thở dài: “mình đã 70”, 35 năm trời lãng phí, không giúp gì được cho gia đình, mình thì trắng tay. Khi tôi bước vào tuổi “tri thiên mệnh”, hai con tôi, Tô Vân Yến và Tô Quốc Việt nhỏ to qua điện thoại với nhau hình như các con muốn tổ chức “thượng thọ” cho bố vào đúng ngày 11/11/2011, tôi nghe con gái mời dì Thu Hà, cô em út của mẹ các cháu từ Pháp sang chơi vào dịp này. Nhưng rồi dì út Hà không sang được, vợ chồng con trai và cháu nội cũng chưa về đúng ngày nên mọi chuyện vẫn trôi qua bình thường như những năm trước, không có gì khác ngoài một tấm thiệp của con gái để trên bàn viết: - “To our Dad and Grandpa. You’ve the best Dad and grandfather we could have and ask for. Thank you for everything you’ve done for us. We love you and wish you healthy and happy life”. (Steve, Van, Amy, Vince, Rosa, Maddie”. Một tấm thiệp đầy tình nghĩa cha con ông cháu là quá đủ, nhưng rồi tin vui đến thêm, nhân dịp lễ Tạ Ơn 11/2011, vợ chồng con trai và cháu nội từ Dallas về đoàn tụ cùng bố mẹ và gia đình chị gái. Niềm vui nào tả xiết, lời nói nào cho đủ, già 70 ngồi nhìn hai cháu nội ngoại tuổi thơ vui chơi mà ông mỉm cười sung sướng, cháu thấy ông cười, cả hai cùng chạy lại đòi ông bế. Với tôi, đây là một hình ảnh đẹp và hạnh phúc, chiêm ngưỡng hoài không mỏi mắt, nghe trẻ thơ bi-bô ngôn ngữ Mỹ Việt mà thấy hay, hay hơn những bản nhạc danh tiếng, ngắm các cháu múa hát thì không danh ca nào sánh kịp. Nhưng có điều từ hôm cháu nội về chơi thì bà nội cứ nhắc ông nội cạo râu hớt tóc quần áo cho tươm tất, điều này làm tôi thấy hơi phiền vì “ không gì quý hơn tự do”. Bà bắt ông cạo râu vì có thể do kinh nghiệm của bà trong quá khứ, bà sợ râu ông làm các cháu nhột, còn y phục thì tôi vẫn tươm tất nhưng có lẽ bà muốn nhắc tôi về những cái áo, cái quần, cái ca-vát mới đủ màu đủ kiểu mà thường bà tự ý mua về xếp trong tủ trong khi tôi thì không thích “thay áo” mới. Mải vui với hai cháu nội ngoại mà tôi quên hết những gì xung quanh, trời xẩm tối con gái nhắc bố: - Bố chuẩn bị mặc đẹp để đi chụp hình với 2 cháu rồi ghé tiệm ăn cơm tối luôn. Ngày nay thì gia đình nào cũng có máy quay phim, máy chụp hình, mỗi cell phôn là một máy chụp hình, chụp bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu nhưng để có một tấm hình gia đình đoàn tụ đẹp treo tường thì lại phải nhờ thợ chuyên nghiệp nên tôi không ngạc nhiên khi nghe con gái nói và rồi con chở đi đâu, tiệm nào, nhà hàng nào tôi cũng không quan tâm, tôi cũng không đề ý đến những chuyện xung quanh, vì trong mắt tôi, trong lòng, trong tay tôi đã có hai cháu. Xuống xe, tôi toan bế cháu nội, vì cháu ngoại tôi bế thường xuyên rồi, thì con dâu can: - Bố đừng bế cháu, bố dắt hai cháu hai bên thì đẹp hơn. Có lý, đẹp cả đôi bề, tôi dìu hai cháu đi mà như bước trên mây, nghe như có nhạc đâu đây, hình như những người xung quanh đang nhìn ba ông cháu tôi cười, nhưng thực ra thì có nhạc gì đâu, và cũng chẳng ai bận tâm nhìn ông cháu tôi, vì “lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ” thì ngược lại, lòng tôi đang vui và hạnh phúc nên thấy cảnh đẹp, nhạc hay, đúng là tôi đang mơ. Con gái mở cửa phòng “dinner”, ba ông cháu tôi vừa bước vào thì tôi giật mình vì nhiều tiếng vỗ tay, nhiều tiếng cười càng khiến tôi sửng sốt, tôi không hiểu chuyện gì nhưng khi tai nghe văng vẳng tiếng nhạc nhè nhè “happy birthday, happy birthday”, trong tích tắc, tôi hiểu chuyện gì đang diễn ra nơi đây rồi. Thì ra các con tôi đã âm thầm tổ chức lễ “thượng thọ” cho bố, còn mẹ các cháu thì muốn tôi trẻ mãi nên gọi là sinh nhật thứ 70. Tôi bất ngờ, quá nhiều bất ngờ, tôi không bao giờ nghĩ là sẽ có chuyện này, và thực tâm nếu biết tôi sẽ khuyên không nên ồn-ào, không nên tổ chức tiệc tùng như thế này để khỏi làm phiền anh chị em, bạn bè trong lúc đang cần sự “yên lặng để nghỉ ngơi”, trong lúc có quá nhiều thiệp mời. Thiệp mời là phải đi với đóng góp hay quà-cáp v.v.. mà đã có lần tôi mượn tên bài ca của nhạc sĩ VTA gọi đùa thiệp mời là “những bản tiền ca không tên” khiến những người về hưu ca theo muốn hụt hơi. Ông Bà Tô với con trai & dâu, cháu nội, bên trái; con gái & rể, cháu ngoại, bên phải. Các con hiếu thảo nào cũng mong muốn được tổ chức tiệc kỷ niệm ngày cưới và thượng thọ cho song thân để an ủi tuổi già và cũng là dịp nhắc lại cho các con biết là đã được sống trong một gia đình ấm cúng, hạnh phúc, còn đầy đủ cha mẹ. Thông thường thì người cha nào cũng đơn giản, không muốn bày vẽ, vả lại càng già thì càng cần tiết kiệm, tôi cũng vậy, nhưng một khi các con kín đáo tặng cho món quà bất ngờ thì cũng thấy vui. Thoáng trong ký ức, tôi nhớ về mẹ già, mỗi lần các con biếu mẹ “đồng quà tấm bánh”, cái áo mới thì cụ mắng yêu “con vẽ chuyện, mẹ không cần đâu”, nhưng ánh mắt cụ vui, môi mỉm cười. Cụ cười không vì cái áo mới mà cảm động vì tấm lòng của các con nghĩ đến mẹ, săn sóc mẹ. Nay bước vào tuổi già như mẹ ngày xưa nên tôi cũng tâm trạng ấy, tâm trạng chung của các bậc cha mẹ Việt Nam, tôi không thích rình rang ồn ào mặc quần áo mới, nhưng tôi thực sự xúc động vì chuyện bất ngờ này, xúc động vì người thân yêu đã cư xử khá tinh tế. Tim tôi đập nhanh, mắt mờ hơi sương khiến không nhận ra những ai xung quanh và chân tôi như tê, như muốn đứng yên tại chỗ cho đến khi nghe tiếng con trai nhắc: - Bố chào các bác, các cô chú đi. Đã bao lần đứng trước hiểm nguy, giữa sống và chết tôi không nao núng, tôi chưa bao giờ bị lúng túng trước đám đông, nhưng khi nghe con nhắc, mở mắt ra, tôi cảm thấy rung động và lúng túng như “trẻ con” trước những người mà tôi luôn quý mến. Bên tay mặt là những bạn thân thiết đồng khóa 19 Võ Bị như các anh chị Hồng Miên, Dương Chiến, Tiễn San, Quang Giáng, Tiến Tấn, Trần Vệ, Kim Khôi, những người đã thuộc về “giai cấp cổ lai hy” mà mỗi khi gặp nhau vẫn “mày tao mi tớ”, và hôm nay vẫn thế, các chị vẫn sang đẹp lịch lãm như thường lệ như những bông hoa lan mang đến, nhưng còn các anh thì vẫn ồn ào náo nhiệt vui như tết, tôi vẫn nghe tiếng cười chọc quê: - Đi chào bàn đi chứ chú rể. Thường thì ít khi tôi lép vế vì bị chọc phá nhưng sao hôm nay tôi ríu ríu nghe theo, cúi đầu chào quý chị và bắt tay các anh cứ như chú rể đi chào các bô lão trong họ ngoài làng. Quay sang bên trái, lại là những đồng đội TQLC thân thiết nhất, những người bạn mà chúng tôi gặp nhau thường xuyên mỗi sáng Chúa Nhật ở tiệm café, nhưng sao hôm nay tôi thấy những “con cọp” này hiền lành hơn, tươi hơn, một lời khen “huề vốn” kèm theo nhiều tiếng cười: - Con trai giống bố quá, nhưng đẹp trai hơn. Có lẽ hiểu được tâm trạng ngày vui của bố, con trai tiếp tục đưa tôi đi “chào bàn” như trước đây tôi đã dẫn con đi chào bà con họ hàng trong ngày thành hôn của các con. Nhìn quanh toàn là anh chị em trong đại gia đình nội ngoại, toàn những người tôi luôn luôn quý mến nên tôi cũng nhận lại được những nụ cười và bàn tay ấm áp, trong đó có anh chị cả của tôi cùng con cháu gần hai chục người từ tiểu bang Arizona sang tham dự chung vui với em, với chú, đây là một tấm lòng quý giá trong tình huynh đệ. Niềm vui đến bất ngờ càng tăng thêm ý nghĩa nhưng tôi thắc mắc không hiểu sao, ngoài anh chị em trong gia đình thì những người bạn có mặt đều là những người rất thân, tôi hỏi con: - Sao con biết các cô chú K19 Võ Bị và TQLC này thân thiết với bố mà mời? Con gái tôi chưa biết trả lời sao thì bà xã tôi lên tiếng: - Mẹ nó mời chứ ai? Hú hồn, thế ra “nhà tôi” biết hết đường đi nước bước của tôi rồi, ngày xưa khi còn là lính ngoài tiền tuyến thì em không biết tôi đi đâu, ở đâu và làm gì nhưng nay ở hậu phương thì khác, nàng biết rõ tôi thân thiết với ai, giao du thân mật với ai thì không qua khỏi tầm nhìn, nếu tôi đi ngang về tắt thì làm sao có ngày hôm nay? Tôi cười lại ý muốn nói: - “Em biết hết, điều gì cũng biết, nhưng không sao, sinh nhật của em anh chỉ tặng em một bông hồng và anh cũng đã thầm nói chỉ có một bông hồng là em mà thôi”. Vợ chồng tôi nắm tay nhau đứng bên các con cháu để nghe con gửi lời chào và cám ơn đến các bác, các cô chú và anh chị em: - “Hôm nay là sinh nhật thứ 70 của bố cháu và đồng thời cũng là kỷ niệm 40 năm thành hôn của bố mẹ các cháu, chúng cháu xin cám ơn..” Tôi giật mình khi nghe con gái nói hôm nay cũng là kỷ niệm 40 năm ngày cưới của chúng tôi, lại thêm một bất ngờ đặc biệt nữa. Thú thật là chúng tôi ở bên nhau, ngồi bên nhau, đi bên nhau đã 40 năm, và hiện đang nắm tay đứng bên nhau, nhưng chưa một lần tổ chức kỷ niệm ngày cưới hay tặng quà, điều này có thể khiến người bạn đời không vui. Phụ nữ nhớ lâu những kỷ niệm đẹp về tình yêu và hay nhắc lại, phái nam cũng biết “miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời” nhưng thường dấu kín trong lòng, nếu có ông, anh nào tổ chức lễ “hấp hôn” thì hẳn phải là chàng có tính ga-lăng hay giới trưởng giả, còn tôi, gốc bình dân, vẫn nhớ kỷ niệm lần đầu quen em khi từ Đà Lạt về phép, nhớ nhiều về ngày cưới nhưng chỉ tự nói với chính mình rằng: - “Em vẫn “nóng” (hot) và anh vẫn ấm, mình đã nguội đâu mà cần hấp, mà dẫu có nguội thì anh vẫn vâng lời mẹ dạy ngày xưa: “ăn cơm nguội cho ấm vào thân” Hôm nay tôi nhận được những món quà mà trước tuổi 70 chưa bao giờ được nhận, những món quà tinh thần quý giá từ các bạn và anh chị em khiến tôi phân vân, tuổi 70 chưa cám ơn người thì lại nợ thêm ân tình. Một cuốn album hình ngày cưới, hình tuổi trẻ 40 năm về trước của chúng tôi được các cháu trao tặng cho chú thím. Trải qua bao nhiêu biến cố, thời gian gần nửa thế kỷ, mấy ai giữ được những hình kỷ niệm quý giá này, chính chúng tôi cũng không còn, vậy mà các cháu vẫn giữ được, hình càng cũ càng quý. Hình cũ mới cũng chỉ là những tấm hình, mấy ai giữ hình của người khác bao giờ vậy mà các cháu đã gìn giữ nâng niu, mang từ VN sang để tặng chú thím vào ngày kỷ niệm 40 năm ngày cưới thì quả thật cảm động, và tôi tự an ủi rằng vị trí và uy tín của tôi đối với anh chị em con cháu trong gia đình không tệ lắm. Cháu tặng hình ngày cưới cho chú, quà của bố các cháu, anh cả tôi, lại là những vần thơ hay đầy đủ ý nghĩa viết theo lối chữ “thư pháp” trên mành tre gửi từ VN sang, không nói về màu sắc, chưa bàn về ý thơ mà chỉ ý tưởng thực hiện món quà cũng đáng trân quý, thơ rằng: Tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi, Mừng em đã trọn tuổi đời 70. 40 năm hôn phối đẹp đôi, Cấp-Tô Thúy-Nguyễn trọn đời bên nhau. Mừng em đã có rể dâu, Gái trai hiếu thảo cùng nhau thuận hòa. Chúc em vui hưởng tuổi già, Bên con bên cháu chan hòa tình thương. Anh chị cả Tô Văn Tiệp. Từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, việc tổ chức thượng thọ cho bố mẹ thì con nào cũng có thể làm được, tặng bố mẹ một chuyến đi du lịch, du thuyền cũng không khó, nhưng nghĩ đến và tìm ra tấm hình cô dâu là mẹ, chú rể là bố, phóng to, đóng khung làm quà tặng bố mẹ kỷ niệm 40 năm ngày cưới thì quả thật là sáng kiến đáng khen. Ngắm cô dâu ngày ấy với mà núm đồng tiền thêm chiếc răng khểnh đứng bên chú rể có vẻ ngô-ngố man-mán mà buồn cười và thương cho “cây quế”. Hiểu được ý các con mong bố mẹ khỏe mạnh và trẻ lại 40 tuổi, hiểu ý các con mong bố mẹ mãi bên nhau. Yên tâm đi các con, bố mẹ sẽ theo gương ông bà ngoại, các con sẽ tổ chức kỷ niệm 50, 60 năm .. ngày cưới để các con noi gương ông bà cha mẹ. Nghe con đọc tiểu sử của bố mà tôi thẹn với lòng, ngượng với gia đình và bạn bè, tiểu sử của tôi bình thường như mọi thanh niên khác, tới tuổi thì đi lính, đánh giặc rồi bị thương rồi bị thượng cấp bẻ gẫy súng, không tội mà phải ngồi tù, đường binh nghiệp ba chìm bẩy nổi với chiến công là 5 ngôi sao đỏ (chiến thương bội tinh) đã không lo được cho gia đình bất cứ điều gì lại còn thêm 10 năm trong lao tù CS chỉ làm gia đình thêm lo âu vất vả. Hình ảnh các con tôi, 2 và 4 tuổi mà phải theo chân mẹ vượt ngàn trùng đến chốn hoang vu Vĩnh Phú thăm bố trong trại giam, nghe như một chuyện hoang đường, nhưng là chuyện có thật khó quên, có thật như những vết sẹo vì súng đạn trên người không bao giờ mòn mà thỉnh thoảng còn nhức nhối theo thời tiết đổi thay. Nhưng có lẽ các con tôi lại hãnh diện vì những gian nan vất vả và bất hạnh bố đã trải qua mà ngày nay vẫn còn được bình an mạnh khỏe bên con, bên cháu nội ngoại. Nhiều người bạn đùa vui cho rằng cuộc sống của chúng tôi sau cuộc chiến và tù đày chỉ còn là những “bonus”. Nói thế để an ủi nhau khi có bạn bất ngờ ra đi, nói thế để tự an ủi tuổi già mà tự rong chơi khi bổn phận chưa tròn, vẫn còn “nợ đời ở tuổi 70.” Trong thánh lễ, vị chủ tế rao giảng lời Chúa phán rằng: “cái gì của Caesar thì trả lại Caesar” và rồi ngài đem lời ngụ ngôn ấy vào đời sống hiện tại, nhắc nhở tín hữu đóng góp quỹ mục vụ. Điều đó hoàn toàn đúng, ăn cây nào thì rào cây ấy, đi nhà thờ thì phải đóng góp vào quỹ mục vụ, đến nhà Chúa cầu xin được mạnh khỏe, được giầu sang mà quên bổn phận thì gọi là đi lễ “chùa”. Đối với đạo là thế, nhưng đối với đời, “Caesar” của tôi là quê hương tôi, xã hội tôi đang sống, đồng đội, đồng môn và những người xung quanh, gia đình, những người thân đến chúc mừng tôi “thượng thọ” khiến tôi nghĩ đến ở tuổi 70 vẫn còn nợ người và phải cám ơn người. Khi đọc tiểu sử của bố cho các cô chú bác nghe, giọng con tôi nghẹn ngào khi nhắc đến đoạn bố bị thương nặng, tuy được giải ngũ nhưng vẫn tiếp tục xin ở lại quân đội cho đến giờ phút chót và đã hoàn thành nhiệm vụ người trai. Ngày tôi bị loại khỏi cuộc chiến, ngày 19/6/69, thì lá thư của người yêu, mẹ các cháu sau này, để trên ngực áo chưa kịp đọc đã bị đạn xé rách thì chưa có cháu, làm sao cháu biết? Tôi chưa bao giờ kể về đời lính của mình cho các con nghe, nhưng các con có dòng máu lính nên đã tìm hiểu và hãnh diện vì bố đã làm tròn nhiệm vụ. - “Các con à! Làm tròn thì chưa, nhưng nếu nói bố đã “làm xong” thì có lẽ đúng hơn, xong việc nhưng kết quả không được như mong đợi, mặc dù bố đã đi đến tận cùng của 4 vùng chiến thuật, máu và nước mắt đã rơi xuống đất Đức Cơ, Kontum, Phò Trạch, Quảng Trị, Hố Bò Tây Ninh, kinh Cán Gáo, Chương Thiện, và ngay cả tại thủ đô Saigon trong trận Mậu Thân 1968. Dù đủ tiêu chuẩn thương tật để trở về đời sống dân sự, dù cho “chân thấp chân cao” nhưng vẫn còn đứng vững thì tại sao lại bỏ mộng ban đầu khi đã chọn nghiệp lính? Chính nhờ tiếp tục ở lại cùng đồng đội nên bố mới chứng kiến cái tàn nhẫn của chiến tranh và cái “nhanh chân” của những cấp lãnh đạo và chỉ huy vô trách nhiệm đã đẩy cả một đoàn quân tinh nhuệ hơn 3 ngàn người của LĐ,147/TQLC ra bãi biển Thuận An rổi bỏ mặc họ cho địch bắt và bắn! Những bộ xương 30 năm sau vẫn còn phơi trên bãi cát, trong số đó có Tô Thanh Chiêu, em của bố, tức chú của các con. Nhờ ở lại với đồng đội, bố mới biết cái ranh giới tử sinh chỉ là sợi tóc, những giờ hấp hối của đất nước bố bơi ra biển Đà Nẵng, vào Cam Ranh, Vũng Tàu và dừng chân tại căn cứ Sóng Thần Thủ Đức và bị ông tướng Tổng Tư Lệnh Quân Đội ra lệnh đầu hàng, vứt súng đi để nhận 10 năm trong lao tù của CS. Như vậy thì bố chưa làm tròn nhiệm vụ, chưa trả nợ xong Tổ Quốc, nhưng đã làm xong bổn phận”. Bổn phận với đồng đội TPB ở quê nhà, với cộng đồng và đất nước hiện tại thì đã và đang góp sức, và luôn phải biết cám ơn đồng đội, đồng bào, cộng đồng và đất nước tạm dung. Nhưng bổn phận đối với gia đình thì đành bó tay, “chí tuy còn mong tiến bước, nhưng sức không kham nổi đoạn trường”, trễ rồi! Nợ vợ con cháu còn quá nhiều, nợ 10 năm, 20 năm, 30 năm nữa cho tới khi rũ sạch nợ trần. Thôi thì bước tới đâu hay tới đó, cố gắng bước cho vững, đi cho đúng đường, cư xử cho đúng nghĩa, nói năng cho đúng mực đừng vô ý hay cố tình mà “sa ngã” vào luẩn quẩn, làm phiền gia đình. Đó cũng chính là gửi lời cám ơn đến anh chị em và nhất là với người thân yêu: Thúy, các con Yến-Thanh Việt-Rosa, hai cháu nội ngoại Madison&Amy. “Tuổi 70… Cám Ơn Người” Philato

12 THÁNG ANH ĐI