Quốc hội Mỹ sẽ đặt trên bàn Tổng Thống Barack Obama một “giấy phép” cho chính phủ Mỹ gần 790 tỷ đô la, gọi là để kích thích cho kinh tế chạy mạnh trở lại. Ai cũng biết kinh tế Mỹ đang cần được kích thích. Nhiều nhà kinh tế thuộc các khuynh hướng khác nhau đã đồng thanh nói chính phủ phải đưa tiền cho dân, phải chi, và chi thật nhiều, càng sớm càng tốt; để lấp vào khoảng trống khi người tiêu thụ và các xí nghiệp đang thắt lưng buộc bụng.
Nhưng ông Obama và các đại biểu đảng Dân Chủ đã nhân cơ hội “toàn dân nghe chăng” đó để đưa vào kế hoạch nhiều khoản chi tiêu mà họ vẫn tha thiết muốn thực hiện từ lâu, dù đó không phải là những điều cấp bách đến mức phải chi ngay trong lúc này. Ba nghị sĩ đối lập đã thỏa hiệp, và để bù lại đã đòi được ghi vào kế hoạch một số khoản chi tiêu và cắt giảm thuế mà đảng Cộng Hòa vẫn tha thiết, nâng tỷ số giảm thuế tới 35% tổng số ngân sách 790 tỷ.
Phải quyết định chi thật nhiều, thật nhanh, nhu cầu đó tất nhiên mâu thuẫn với tiêu chuẩn thận trọng, phải tính toán việc chi tiêu cho đúng chỗ, đúng lúc. Làm thế nào để một đô la do chính phủ chi ra hoặc trả lại cho dân sẽ tạo ra hơn một đô la trong Tổng Sản Lượng Nội Ðịa (GDP), trong một thời gian càng sớm càng tốt? Nếu đồng tiền đó được luân lưu ngay lập tức, và được luân chuyển nhiều vòng, thì tác dụng “kích thích” sẽ cao, sẽ tạo được nhiều công việc làm hơn, kinh tế sẽ hồi phục sớm hơn.
Nhà phân tích kinh tế Mark Zandi, thuộc Economy.com đã viết một bài trên nhật báo Wall Street (một tờ báo bảo thủ) ước tính rằng một khoản chi trực tiếp 600 tỷ có khả năng tạo ra được 4.7 công việc làm mới nếu chi đúng chỗ. Tức là sau khi GDP có nguy cơ giảm bớt 1.6% trong năm 2009, đến năm 2010 sẽ tăng lên được 1.9%.
Ông Mark Zandi không ngần ngại nói rằng đồng tiền trợ cấp phát thẳng cho người nghèo, những người cần tiền nhất, là những đồng tiền sẽ kích thích kinh tế mạnh nhất. Một đô la trợ cấp dưới hình thức phiếu mua thực phẩm (food-stamp) sẽ giúp GDP tăng thêm được 1.73 đô la, và chỉ trong vòng ba đến 6 tháng là thấy kết quả. Chi một đô la trong việc xây trường học hay làm cầu, làm đường thì có thể sinh ra 1.59 đô la cho GDP; nhưng kết quả chỉ trông thấy trong khoảng từ 12 tháng đến 24 tháng. Cũng một đồng đô la đó nếu đem trả lại cho người trung lưu đóng thuế, thì nhiều người nhận được có thể sẽ không chi tiêu ngay, cho nên chỉ giúp GDP tăng được có 1.01 đô la.
Nhưng khi chính phủ Mỹ tiêu thêm tiền, một hậu quả chắn chắn là ngân sách nước Mỹ sẽ khiếm hụt, chính phủ phải đi vay nợ, và trong tương lai sẽ phải trả vốn lẫn lời, tức là phải dùng tiền thuế của dân, dân sẽ phải đóng thuế nhiều hơn!
Trong năm 2008, chính phủ Mỹ phải trả 412 tỷ đô la tiền lãi không thôi, trên các món nợ của quốc gia vay từ trước để lại, tính ra ngân sách nhà nước liên bang tiêu 100 đồng thì trong đó 9 đồng chỉ để trả lãi vì đã đi vay.
Hiện chính phủ Obama đã báo trước ngân sách năm 2009 sẽ khiếm hụt 1.2 ngàn tỷ mỹ kim, đó là chưa kể đến những món chi mới và giảm thu thuế trong kế hoạch kích thích đang được quyết định này. Con số 1.2 ngàn tỷ đó tương đương với 8.3 Tổng Sản Lượng Nội Ðịa, một tỷ số khiếm hụt cao nhất từ thời Ðại Chiến Thứ Hai đến nay. Như vậy, nếu kể cả kế hoạch kích thích thì số khiếm hụt của chính phủ Mỹ sẽ lên tới 2 ngàn tỷ đô la!
Nhưng dân Mỹ sẽ phải chấp nhận tình trạng thiếu hụt đó. Vì nếu không kích thích cho kinh tế phục hồi sớm, nhiều xí nghiệp bớt hoạt động, số người thất nghiệp tăng, họ sẽ không đóng thuế được nữa, thì số khiếm hụt ngân sách vẫn lên cao không tránh được. Tình trạng suy sụp kinh tế hiện giờ sẽ khiến cho chính phủ bị mất 2 ngàn tỷ Mỹ kim vì người dân và các xí nghiệp bớt đóng thuế lợi tức, nếu không phục hồi sớm thì nạn thâm thủng sẽ nặng nề hơn.
Bây giờ tới một vấn đề khác: Lấy tiền đâu ra để chi khi ngân sách thâm thủng? Giản dị, phải đi vay.
Tới cuối Tháng Chín năm ngoái, tổng số nợ của chính phủ lên tới 10 ngàn tỷ đô la, bằng 69% Tổng Sản Lượng Nội Ðịa. Thời ông Clinton tỷ số đó là 67%. Và sau 4 năm của ông Obama chắc sẽ còn tăng thêm nữa; vì tới đầu Tháng Hai năm 2009 con số nợ đã lên tới gần 10.8 ngàn tỷ. Nếu quý vị dùng máy vi tính bấm vào mục National Debt Clocks sẽ thấy mỗi giây đồng hồ con số đó tăng lên hàng trăm ngàn đô la!
Câu hỏi tiếp theo là ai sẽ cho chính phủ Mỹ vay nợ để tiêu xài thong thả như thế?
Ðó là các nhà đầu tư ở Mỹ, ở khắp thế giới có sẵn tiền cho vay, và các quỹ dự trữ của những quốc gia có dư tiền. Nhưng khi chính phủ Mỹ cần đi vay gần 2 ngàn tỷ đô la trong năm tới, thì chính phủ các nước khác cũng đang lo kích thích kinh tế nước họ, chính họ cũng đi vay nữa. Nhật báo Financial Times ước tính trong năm nay các chính phủ toàn cầu sẽ đi vay khoảng 3 ngàn tỷ, gấp ba lần số tiền họ vay trong năm 2008 - hai phần ba của số 3 ngàn tỷ đó sẽ do chính phủ Mỹ vay! Liệu năm nay có vay được không?
Chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh chính phủ Trung Quốc, Nhật Bản và các nước bán dầu lửa ở Trung Ðông vẫn đem tiền cho chính phủ Mỹ vay. Lý do chính vì các nước đó chuyên làm công việc xuất cảng, xuất cảng sang Mỹ. Tiền đô la đem về họ chi không hết (các nước Á Rập) hoặc muốn để dành (Trung Quốc, Nhật Bản). Bây giờ, chính phủ Trung Quốc đang có gần 2 ngàn tỷ đô la dự trữ, nhưng số tiền đó chắc chắn đã được đầu tư nơi này, nơi khác rồi. Và Bắc Kinh đã quyết định sẽ dùng gần 600 tỷ để kích thích kinh tế nước họ. Liệu chính phủ Trung Quốc có nhân cơ hội này gây khó dễ cho ông Obama bằng cách lảng đi chỗ khác, không thèm cho Mỹ vay nợ nữa hay không?
Chúng ta không cần tìm cách trả lời câu hỏi đó. Vì một viên chức Trung Quốc mới nói ngày Thứ Tư 11 Tháng Hai vừa qua ở New York, rằng Bắc Kinh chắc chắn sẽ tiếp tục cho Washington vay tiếp.
Ông La Bình (Luo Ping) là tổng giám đốc Hội Ðồng Giám Sát Các Ngân Hàng trong chính phủ, tương đương với chức phó chủ tịch ngân hàng trung ương, cho nên lời nói của ông đáng tin. Ông hỏi: “Ngoài công trái chính phủ Mỹ ra, quý vị có thể để dành tiền vào chỗ nào? Mua vàng ư? Hay là mua công trái chính phủ Nhật Bản, chính phủ Anh quốc? Nói cho cùng, công trái chính phủ Mỹ (US Treasuries) vẫn là nơi an toàn nhất. Ðối với tất cả mọi người, kể cả Trung Quốc.”
Ông La Bình rất thẳng thắn: “Tôi ghét mấy người lắm (I hate you guys!) Khi mấy người bắt đầu in thêm tiền một ngàn tỷ, hai ngàn tỷ, chúng tôi biết là giá trị đồng đô la sắp xuống. Vì vậy mà chúng tôi ghét mấy người lắm, nhưng chúng tôi làm gì khác được?”
Hiện nay chính phủ Trung Quốc đang giữ trong tay 682 tỷ đô la dưới hình thức công trái, tức là giấy nợ của chính phủ Mỹ. Sau khi ông La Bình nói chuyện ở New York, ngày hôm qua tại Bắc Kinh, ông Dư Vĩnh Ðịnh (Yu Yongding) đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Mỹ là có những chính sách bất cẩn làm giảm giá trị của đồng đô la, tức là giảm giá số tiền 682 tỷ đô la mà họ đang chờ ngày được chính phủ Mỹ trả nợ; cũng như hàng ngàn tỷ đô la khác đang cho vay bằng tiền Mỹ. Ông Dư vốn là cố vấn của ngân hàng trung ương Trung Quốc, hiện đứng đầu một cơ quan nghiên cứu chính trị và kinh tế. Ông chỉ lập lại lời báo động của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo trong tháng trước, nói rằng chiến lược sử dụng 1.95 ngàn tỷ đô la dự trữ là làm sao bảo vệ số tiền đó không bị mất giá! Hiện nay lãi suất thực trên các công trái 10 năm của chính phủ Mỹ lên tới 3% một năm, nghĩa là nếu giá trị đồng đô la Mỹ giảm bớt 3% thì người chủ nợ kể như huề.
Nhưng đúng như ông La Bình thú nhận, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác là sẽ tiếp tục mua công trái của chính phủ Mỹ.
Thứ nhất vì nền kinh tế của họ (cũng như của Nhật Bản) dựa trên xuất cảng, nếu không xuất cảng được nữa là nguy. Trung Quốc chưa phát triển được một thị trường nội địa cho đủ mạnh, vì ngay từ đầu họ đã chọn chỉ chú ý đến xuất cảng, trong lúc bắt dân phải nhịn tiêu thụ. Mỗi năm Trung Quốc phải duy trì một số thặng dư mậu dịch từ 500 đến 1000 tỷ, chỉ để giữ cho các xí nghiệp tiếp tục hoạt động, nếu không thì rắc rối vì nạn thất nghiệp.
Số tiền thặng dư đó dùng làm gì? Họ không thể đem chi tiêu hết trong nước được! Vì muốn chi tiêu trong nước thì phải đổi số đô la Mỹ có dư đó sang đồng nhân dân tệ. Ðổi lấy tiền bản xứ, sẽ tạo áp lực khiến giá đồng “nguyên” của họ tăng lên. Giá nhân dân tệ tăng lên đối với đô la Mỹ thì khi đem hàng bán ra ngoài, bán cho bất cứ nước nào, giá cũng đắt hơn! Và như vậy thì sẽ khó xuất cảng! Ðó là một thứ ràng buộc mà chính phủ Trung Quốc tự trói mình khiến họ cứ phải đem tiền cho vay.
Nhưng đúng như ông La Bình nói, không gì bằng cho chính phủ Mỹ vay. Mua vàng được không? Cứ nhìn giá vàng lên xuống hàng ngày chúng ta hiểu được là không một chính phủ nào muốn đầu tư vào một tài sản bất an như vậy. Hay là cho chính phủ các nước khác vay? Ðem đô la Mỹ dự trữ trong nhà sang đổ vào Nhật Bản hay Âu Châu sẽ tạo áp lực khiến cho đồng tiền các xứ này tăng giá. Khi Yen và Euro lên giá, nền kinh tế các nước đó sẽ bị chậm lại, và chính các nước này sẽ không còn nhập cảng hàng hóa của Trung Quốc được như trước nữa! Kinh tế Nhật Bản và Âu Châu chưa đủ sức hấp thụ nếu một số thặng dư lớn của Trung Quốc được đem vào xứ họ!
Cho nên chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục chịu khiếm hụt ngân sách mà khỏi lo đi không vay được nợ. Thực ra, nếu các nước khác không cho vay thì nội trong nước Mỹ cũng có đủ tiền để cho chính phủ của họ vay. Nếu dân Mỹ tăng tỷ lệ tiết kiệm thêm 1% thì cả nước sẽ đủ được một ngàn tỷ đô la cho chính phủ vay ngay lập tức. Chỉ cần công trái trả dân Mỹ một lãi suất đủ hấp dẫn mà thôi! Nhưng đó là điều mà chính phủ Bắc Kinh không muốn xẩy ra. Họ sẽ không cần cho Mỹ vay nợ nữa khi nào nền kinh tế Trung Quốc không lệ thuộc vào xuất cảng. Trong những năm qua họ chỉ chú trọng đến đầu tư, đầu tư, mà không quan tâm đến người dân tiêu thụ; cho nên tạo nên tình cảnh này. Nếu không tăng số xuất cảng được thì bao nhiêu nhà máy thép, nhôm, xi măng, bao nhiêu đường cao tốc, phi trường, sẽ dùng vào việc gì?
Ngô Nhân Dụng