5 thg 3, 2009

Ðánh Ðu Với Tinh: thế giới xoay trở ra sao với Hoa Kỳ?

Tuần này, trong hai ngày mùng năm và mùng sáu, các ngoại trưởng của khối NATO sẽ họp tại Genève trước khi Ngoại Trưởng Hillary Clinton gặp vị tương nhiệm của Liên Bang Nga là Sergei Lavrov. Hội đàm giữa hai Ngoại trưởng Mỹ Nga là bước chuẩn bị cho thượng đỉnh Nga-Mỹ, giữa hai Tổng Thống Dmitri Medvedev và Barack Obama, vào Tháng Tư. Cả đại lục địa Âu Á đều theo dõi chuyện này để tự suy ngẫm về chuyện đánh đu với tinh.

Tinh ở đây không phải là Liên Bang Nga của Thủ Tướng Vladimir Putin mà là Hoa Kỳ của Tổng Thống Barack Obama.

Nhìn từ bên ngoài, nghịch lý này là điều... hợp lý.

***

Kinh tế các nước Trung Âu và Ðông Âu đang ở mé bờ khủng hoảng.

Thoát khỏi chế độ Xô Viết hai chục năm về trước, các quốc gia được gọi là “tân hưng Âu Châu” - emerging Europe - được coi là vùng đất mới, đã thu hút đầu tư của Tây Âu và thổi lên trái bóng đầu cơ. Trái bóng sắp bể, với hậu quả tỏa rộng trên toàn cõi Âu Châu đang bị suy trầm. Vì vậy, ba định chế tài chánh quốc tế là Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Âu Châu và Ngân Hàng Ðầu Tư Âu Châu đã lật đật tung tiền cấp cứu. Việc sử dụng ngân khoản cấp cứu trị giá 24,5 tỷ Euro (bằng 30,5 tỷ Mỹ kim) sẽ được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF điều hợp.

Sự thật, theo Ngân Hàng Thế Giới, chỉ riêng việc đắp thêm vốn cho các ngân hàng của khu vực này sẽ cần tới số tiền gấp năm, quãng 154 tỷ đô la, chưa nói đến nhiều nhu cầu khác. Tại “thượng đỉnh khủng hoảng” ngày Chủ Nhật mùng một Tháng Ba, các lãnh tụ Âu Châu ráo riết bàn tính việc cứu nguy. Trước sự lặng thinh của Hoa Kỳ.

Thật ra, Hoa Kỳ không lặng thinh mà đang om sòm tranh luận bên trong về cuộc cách mạng đầy tốn kém của Tổng Thống Barack Obama, sẽ lên tới nhiều ngàn tỷ đô la. Nhân cái trớn “khủng hoảng” kinh tế, Obama tung ra kế hoạch cải tạo xã hội để làm thay đổi nước Mỹ. Nếu so sánh với cách mạng của Mỹ thì ngân khoản cấp cứu các nước tân hưng Âu Châu - 30,5 tỷ đô la - chỉ là tiền cắc. Và vụ khủng hoảng sắp tới của Âu Châu chỉ là chuyện vặt.

Chỉ có 4% dân số toàn cầu, lãnh thổ Hoa Kỳ sản xuất ra 26% sản lượng của thế giới. Nền kinh tế Mỹ có sức nặng còn lớn hơn tổng số của bốn nền kinh tế đi sau là Nhật Bản, Ðức, Trung Quốc và Anh Quốc. Dân Mỹ khỏi cần biết điều ấy nên cứ than khóc như bầy con nít, và quả nhiên là bị dụ vào phiêu lưu - như một bầy con nít.

***

An ninh các nước Trung Âu và Ðông Âu đang bị đe dọa, sự thống nhất của toàn khối Âu Châu cũng vậy.

Hội nghị các tổng trưởng quốc phòng của Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương NATO ngày 19 vừa qua là một thất vọng lớn cho mọi người.

Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates bước vào hội nghị NATO tại Krakov thuộc Ba Lan để kêu gọi các thành viên Âu Châu của NATO tăng viện cho A Phú Hãn. Nước Mỹ hào hùng đã tiến lên làm gương vì hai ngày trước đó, Obama thông báo sẽ đôn thêm 17.000 quân cho chiến trường A Phú Hãn (Afghanistan). Nhưng Âu Châu lạnh tanh: Ðức và Ý hứa gom thêm... những năm sáu trăm lính, còn Anh, Pháp và Ba Lan thì ngó lên trời.

Dù lý cớ là sự ngang ngược của George W. Bush không còn, họ có nhiều lý do mới.

Nhỏ là câu hỏi về chiến lược mới của Mỹ tại A Phú Hãn, lồng bên trong là việc tiếp vận. Lớn hơn thế - và gần hơn với Âu Châu - là câu hỏi về đối sách mới của Mỹ với Nga. Chính quyền Obama cần Nga để mượn đường Trung Á vào tiếp vận A Phú Hãn nên sẽ trả giá thế nào khi mà Thủ Tướng Vladimir Putin đòi tông cửa hậu vào Âu Châu sau khi tấn công Georgia và khống chế Ukraine? Dưới sự lãnh đạo của Mỹ, NATO sẽ ưu tiên giải quyết chiến trường A Phú Hãn hay bảo vệ Âu Châu... “bằng mọi giá” như John Kennedy đã hứa hẹn năm xưa?

Cả khối Âu Châu đang bị rạn vì mấy câu hỏi ấy.

Nếu Hoa Kỳ muốn hòa giải với Nga để Obama sớm thanh toán hồ sơ A Phú Hãn thì các đại cường Âu Châu cũ, như Pháp và Ðức, cũng tìm giải pháp thỏa hiệp riêng với Putin, cho quyền lợi của họ, chứ không thụ động làm vật đổi chác giữa Nga và Mỹ. Các nước Âu Châu mới, từ vùng Baltic xuống Balkan, cũng tự hỏi là lời cam kết bảo vệ của NATO - Hoa Kỳ - còn đáng tin không nếu Obama sẵn sàng thảo luận lại, để gỡ bỏ, hệ thống phòng thủ chiến lược ballistic missile defense BMD mà chính quyền Bush dự tính thiết lập tại Ba Lan và Cộng Hòa Tiệp?

Khi Ngoại Trưởng Hillary Clinton công khai nói ra là hệ thống BMD này cũng liên hệ đến cả Iran, các nước càng thêm chột dạ.

Nếu Obama lại xúc tiến đàm phán với Iran như đã hứa hẹn thì có lý do gì để các nước Âu Châu đòi ngăn các giáo chủ Tehran chơi trò nguyên tử? Mà chẳng riêng gì Âu Châu. Các nước Á Rập Hồi Giáo theo hệ phái Sunni cũng tự hỏi là Hoa Kỳ sẽ thỏa hiệp tới mức độ nào với chế độ Hồi giáo Shia của sắc dân Ba Tư tại Iran. Ðó là nỗi băn khoăn ngày nay của Saudi Arabia và Egypt, hai đồng minh của Mỹ.

Thế giới phân vân chưa hiểu là Hoa Kỳ thời Obama sẽ xử trí ra sao với Nga và Iran, thỏa hiệp đến cỡ nào hoặc ngăn ngừa và gián chỉ - deterrence - tới cỡ nào? Hoa Kỳ mà tính trật thì Obama sẽ là tổng thống một nhiệm kỳ, chứ an ninh hay cả sự tồn vong của nhiều xứ khác sẽ bị đe dọa.

Khi kết hợp cả hai chuyện an ninh với kinh tế, thế giới thấy kinh hoàng vì nước Mỹ! Ðấy là lúc Hillary Clinton ỏn ẻn với các đấng con trời tại Bắc Kinh: chuyện nhân quyền - tại Trung Quốc - không thể cản trở quan hệ song phương Mỹ-Hoa và Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc tiếp tục mua công khố phiếu của Mỹ.

Hoa Kỳ sẵn sàng hy sinh các giá trị lý tưởng như dân chủ và nhân quyền - đã từng đòi áp đặt trên xứ khác - để vay tiền cả các chế độ hung đồ hầu tiến hành công cuộc cải tạo xã hội của mình! Vì sao như vậy?

***

Hoa Kỳ có lịch sử rất mỏng trên một lãnh thổ bát ngát được bảo vệ bởi hai đại dương lớn nhất địa cầu và lại tiếp giáp với hai láng giềng yếu thế nên không hiểu nỗi lo của xứ khác, thí dụ như dân Ba Lan với những trang sử chết kẹt giữa Nga và Ðức.

Bây giờ, khi Ba Lan hồi hộp theo dõi sự thỏa hiệp Nga Ðức và nhức tim tìm hiểu về thực tâm bảo vệ của Hoa Kỳ với lá chắn BMD đã được hứa hẹn thiết trí trên lãnh thổ, dân Mỹ lại khỏi cần biết gì về chuyện ấy. Họ cũng bất cần về Ukraine hay Georgia vì đang bơi trong khủng hoảng tâm thần và bồi hồi về một thời hoàng kim đã qua.

Thời nào của nước Mỹ cũng thấy vang vọng sự luyến tiếc về một dĩ vãng vàng son.

Hơn ba chục năm trước, dân Mỹ thèm dư âm hiền hòa của xã hội qua tranh ảnh Norman Rockwell. Với nước Mỹ thời Carter thì quãng đời hậu chiến - thập niên 1950 sau Thế chiến II - mới là giai đoạn thơm ngát hương vị Nghiêu Thuấn, khi môi sinh chưa bị ô nhiễm và kỹ nghệ xe hơi Mỹ là phép lạ giải phóng mọi nhà. Nhưng nếu có lục lại sách báo cũ thì người ta lại thấy vào quãng 1950 đó, dân Mỹ âu lo với hiện tại, và hốt hoảng vì vệ tinh Sputnik của Nga mà ngoái nhìn về quá khứ... tiền chiến.

Ngày nay cũng thế, khi kỹ nghệ xe hơi Mỹ tanh bành, các ngân hàng đầu tư phá sản và Hoa Kỳ bị thách đố mọi nơi, dân Mỹ lại nức nở về khủng hoảng và làm cách mạng bằng giấc mơ về một nhà nước nhân ái sẽ chu cấp cho mọi người và giải quyết mọi việc.

Ðấy là thời của các phù thủy chính trị.

***

Nhìn vào bên trong, ta thấy truyền thông Mỹ mắc bệnh cận thị kinh niên nên không thể nhìn xa. Cứ theo dõi tin tức hàng ngày thì hình như có hai nước Mỹ cực đoan không thể chung sống trong đời.

Từ cánh tả của đảng Dân Chủ là sự ồn ào của phong trào bảo vệ môi sinh hay thú hiếm: tiến trình kỹ nghệ hóa đang hủy hoại địa cầu và gây ra nhiều thiên tai quái đản. Ðiện ảnh và nghệ sĩ Mỹ ưa đứng trên tuyến đầu ngây dại đó mà ít tìm hiểu một cách khoa học và khách quan hiện tượng gọi là “nhiệt hóa địa cầu”, hay tương quan nhân quả giữa những gì nước Mỹ đã được với cái giá ai đó phải trả. Trào lưu ấy đang dẫn tới cuộc cách mạng về năng lượng sạch - green energy - của Barack Obama, đi cùng phản ứng bảo hộ mậu dịch.

Từ cánh hữu của đảng Cộng Hòa là sự gay gắt của các hệ phái tôn giáo cực đoan. Họ thuyết giảng rằng văn minh Hoa Kỳ đang suy đồi vì sự phóng túng xã hội và khinh mạn thượng đế. Nạn phá thai, “bệnh” hôn nhân đồng tính, âm mưu đoạt quyền thượng đế trong sự sản sinh và hủy diệt mới làm đấng tối cao nổi giận và giáng xuống nhiều tai họa mà khoa học không giải thích được. Lập trường bảo thủ và khắt khe về đạo đức xã hội còn là hòn đá thử vàng cho bất cứ ai muốn ra tranh cử để cứu nước.

Nhìn từ bên ngoài, cuộc tranh luận về loại đề tài quyết liệt ấy là sự phù phiếm khó hiểu của xã hội Mỹ. Thiên hạ có nhiều vấn đề đáng lo hơn nhiều! Thật ra, ngoài hai nhóm thiểu số quá khích, đa số dân Mỹ không chấp nhận tinh thần cực đoan cứ được truyền thông và chính giới thổi lên hàng ngày.

Nhưng, đa số ấy cũng có lẽ hoảng tiều rất Mỹ.

Như một thanh niên tràn trề nhựa sống, nước Mỹ tự tin tới độ xấc xược vì cho rằng có thể giải quyết mọi khó khăn. Sau thời vệ tinh Sputnik thách đố ưu thế của Hoa Kỳ thì dân Mỹ đã đặt chân lên nguyệt cầu. Có việc gì Mỹ không làm nổi! Thế rồi, cũng tựa một thanh niên thơ dại, dân Mỹ lại dễ hốt hoảng khi gặp tai họa bất ngờ. Trân Châu Cảng bị tấn công năm 1941, hoặc khủng bố Hồi Giáo năm 2001, hay nạn suy trầm kinh tế ngày nay là loại bước ngoặt cho bản năng đáng sợ của Hoa Kỳ.

Sau khi châm ngòi cho khủng hoảng tài chánh làm cả thế giới rúng động và nhiều chế độ bị đe dọa sụp đổ, dân Mỹ bầu lên một chính quyền có xu hướng bao cấp và bảo hộ rồi xoay vào làm cách mạng xã hội, ít ai còn để ý tới thế giới bên ngoài. Sau khi hốt hoảng vì chiến trường Iraq, dân Mỹ quên ngay những thành tựu ở đó và quay sang A Phú Hãn, rồi lãnh đạo đòi xoay ngược, thỏa hiệp với Liên Bang Nga hay Iran để giải quyết vấn đề của mình. Còn mấy ai để ý tới hậu quả là sự bất định và phân hóa của Âu Châu, hay Trung Ðông?

Thế rồi mươi năm sau thiên hạ mới phát giác là mỗi khi Hoa Kỳ lầm lẫn và cãi vã tưng bừng, các đồng minh lẫn đối thủ đều rơi rớt hoặc loạn đả lẫn nhau, dù là Sunni hay Shia, Ba Tư hay Á Rập, Nga hay Tầu, Âu Châu mới hay cũ. Và Mỹ vẫn đứng dậy, đi tới. Dễ ghét mà đáng sợ chừng nào.

Vì vậy, không nên ngạc nhiên khi thiên hạ e ngại là phải đánh đu với tinh!

Nguyễn Xuân Nghĩa

12 THÁNG ANH ĐI