Trong bài viết „Cảnh Giác....Bành Trướng“, người viết có đưa những nhận định của mình về những hành động quấy phá gây bất lợi cho Việt Nam của Trung Quốc như sau:
Những hành động quấy phá gây bất lợi cho Việt Nam của Trung Quốc sẽ không có điểm dừng mà chỉ có hướng tới, nhất là ở giai đoạn hiện tại. Trung Quốc đánh giá rằng tình thế hiện tại rất thuận lợi cho việc họ lấn ép Việt Nam mà chỉ gặp phải phản ứng không đáng kể của quốc tế.
Thấy được những khó khăn như rủi ro về kinh tế, đơn độc về chính trị, bất ổn về xã hội và nhất là họ đã gây được những lục đục trong nội bộ của đảng cầm quyền CSVN nên chi họ cứ ung dung tiến hành những tham vọng của họ đối với vùng hải đảo, vùng biên giới hay là vùng biển của Việt Nam mà không sợ bất cứ một phản ứng nào.
Hàng năm, họ vẫn ngang nhiên cấm mọi thuyền bè lưu thông trong khu vực biển Đông kể cả vùng Trường Sa và Hoàng Sa trong vòng 2 tháng (tháng 6 và tháng 7) để họ tập trận. Mới đây họ lại huênh hoang ngăn cấm Việt Nam khai thác các mỏ dầu trong vùng biển Đông.
Trong nhiều thập niên qua TQ đã áp dụng chiến thuật gặm nhấm lãnh thổ Việt Nam và cứ vậy cho đến lúc họ đầy đủ khả năng tự cho phép mình thiết lập lại vùng biên giới trên đất liền, vùng hải đảo vùng lãnh hải giữa hai nước mà Việt Nam cứ phải ngậm “bồ hòn làm ngọt” cam chịu ăn theo nói theo.
Thế thì việc khai thác Bauxit ở Tây Nguyên cũng không ngoại lệ, nó hoàn toàn nằm trong ý đồ bành trướng đen tối của TQ.
Theo Cục Mỏ và Địa chất Hoa Kỳ thì trên thế giới hiện có chừng 43,3 tỷ tấn Bauxit đang khai thác và khoảng 15 đến 20 tỷ tấn đến nay vẫn còn an toàn nằm trong lòng đất.
Cũng theo Cục Mỏ và Địa chất này thì hiện có 50 quốc gia trên thế giới có tài nguyên Bauxit với chừng 211 tụ điểm Bauxit có trữ lượng trên 1 triệu tấn. Tới nay, trữ lượng Bauxit trên toàn thế giới đã được thẩm định và có thể khai thác là 30 tỷ tấn, trong đó Úc chiếm 23,7%; Guinea 19,5%, Ba Tây 14,4% và 1/3 trữ lượng này thuộc về các mỏ đang được khai thác, 2/3 thuộc về các tụ điểm đang trong tiến trình thăm dò với tính khả thi.
Với trữ lượng trên cùng tốc độ khai thác như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, trữ lượng Bauxit này đủ cung cấp cho ngành công nghiệp nhôm toàn thế giới đến 170 năm nữa.
Riêng tài nguyên Bauxit hiện có ở Việt Nam gồm các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La, Nghệ An và các tỉnh phía Nam như Kon Tum, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Dương,
Xét về nguồn gốc, quặng Bauxit ở Việt Nam có 2 loại chính, loại thứ nhất là Bauxit nguồn gốc trầm tích (một số bị biến chất) tập trung ở các tỉnh phía Bắc và loại thứ hai là Bauxit nguồn gốc phong hoá Laterite từ đá Bazan tập trung ở các tỉnh phía Nam. Hiện vùng có trữ lượng Bauxit lớn nhất Việt Nam là Tây Nguyên với trữ lượng Bauxit khoảng 8 tỷ tấn.
Theo tài liệu khoa học cho biết Bauxit là một loại quặng nhôm. Nó bao gồm chủ yếu các khoáng vật của nhôm như Gibbsit Al(OH)3, Boehmit và Diaspore AlO(OH), cùng với các Oxít của sắt như Goethit và Hematit, khoáng vật đất sét như Caolimit và một lượng nhỏ Anata TiO2. Tên Bauxit được đặt theo tên gọi làng Les Baux-de-Provence ở miền nam Pháp, tại đây nó được nhà địa chất học là Pierre Berthier phát hiện ra lần đầu tiên năm 1821.
Thành phần chủ yếu (quy ra Oxit)là Al2O3 (40-60%), SiO2(5-20%), Fe2O3(20-25%). Có hai loại mỏ bauxit:
1. Loại có nguồn gốc trầm tích có chất lượng tốt và có giá trị công nghiệp.
2. Loại phong hóa từ đá Bazan có chất lượng thấp hơn.
Để đi đến quyết định có nên khai thác quặng Bauxit hay không, thì thì người ta cần phải nghiên cứu một cách thận trọng những yếu tố sau đây:
1-Vùng khai thác phải nằm ở vị trí không ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của con người nhất là ở mặt môi sinh, tránh những nơi đầu nguồn của những giòng sông, phải thuận lợi trong việc chuyễn vận.,
2-Tránh những vùng trồng trọt màu mỡ của cây nông nghiệp, cây công nghiệp.
3-Có trữ lượng Bauxit đáng kể cũng như nguồn điện và nguồn nước cung cấp phải đủ cho yêu cầu của tiến trình khai thác.
Theo bài viết "Mất và được trong việc khai thác Bauxit ở Tây Nguyên" của tác giả Nguyễn Trung đăng trên Tuần Vietnam ngày 2.12.2008 cho biết những chi phí về nguyên liệu cũng như lượng điện phải có để khai thác Bauxit như sau:
Để sản xuất 1 tấn nhôm từ quặng sơ chế alumina cần khoảng 14.500 kwh đến 15.000 kwh để điện phân, nghĩa là tương đương với lượng điện cho 1 gia đình trung bình dùng trong 20 năm trời! Riêng khối lượng điện hàng năm tiêu thụ cho sản xuất nhôm hiện nay trên thế giới còn lớn hơn hoặc tương đương với tòan bộ số lượng điện đang tiêu thụ hàng năm của cả châu Phi.
Giá CIF quặng sơ chế alumina loại (12% bụi ceria) tại cảng Trung Quốc có lúc lên tới khoảng 447 - 540 USD/tấn, nay giảm nhiều (350 – 400 USD/tấn). Giá 1MWh (1 triệu watt-giờ) ở Trung Quốc là 50 USD (nghĩa là 5 cent 1 Kwh). Như vậy riêng chi phí cho 1 tấn nhôm mất khoảng 1100 USD tiền nguyên liệu và 700 – 800 USD tiền điện, chưa kể chi phí sản xuất. Có thể nói không cường điệu lắm: đối với một số nước (điển hình là Iceland) việc làm ra nhôm để bán, thực chất một phần là cách để bán điện (chiếm 30% giá thành, thậm chí có thể hơn nữa tùy theo giá điện mua được!).
Chuyên gia của những tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất nhì thế giới như RUSAL, ALCOA, ALCAN... đưa ra ý kiến: nếu không có giá điện khoảng 35 đến 40 USD/1MWh (3,5 – 4 cent/Kwh) với đủ 6 yếu tố để làm nhôm như đã nêu trên, thì không thể nói là có điều kiện lý tưởng để sản xuất nhôm (Trung Quốc hiện đang sản xuất nhôm với giá 5 cent/kwh). Chính thực tế này cắt nghĩa tại sao sản xuất nhôm tại các nước Tây Âu đang giảm, phần còn được duy trì chủ yếu là để phục vụ công nghiệp sản xuất nhôm cao cấp, hợp kim, nhất là các hợp kim cao cấp. Ngay tập đoàn ALCOA hiện nay có ½ công suất sản xuất nhôm tại Texas phải đóng cửa vì không chịu nổi giá điện. Ảrập Thống nhất Emirat (EAU) đang dọa cắt hơi đốt để sản xuất điện cho lò luyện nhôm lớn nhất thế giới (trị giá 5 tỷ USD) của tập đoàn Rio Tinto đặt tại nước này, nếu Rio Tinto không chấp nhận giá ga mới... (EAU vừa giầu về năng lượng, nước và có vị trí địa lý và bờ biển có thể nói là lý tưởng cho công nghiệp luyện nhôm).
Ngày 1 tháng 11 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ của nhà nước CSVN đã ký quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng Bauxit từ giai đoạn 2007-2015, và có thể xét đến năm 2025. Hiện nay, Tập đoàn than khoáng sản VN cũng đã thăm dò, đầu tư một số công trình khai thác Bauxit, luyện Alumin tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc làm này đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận quần chúng trong và ngoài nước vì nguy cơ hủy hoại môi trường cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hoá, xã hội của người dân Tây Nguyên.
Chẳng những bất chấp dư luận quần chúng mà còn bất chấp cả những phân tích của các nhà khoa học cùng những tiếng nói phản kháng của những người đã từng giữ chức vụ cao trong đảng CSVN như Võ Nguyên Giáp cựu Đại Tướng CSVN, Nguyễn Tấn Vĩnh cựu Đại Sứ CSVN tại Trung Quốc từ năm 1974-1989, Bộ chính trị đảng CSVN vẫn một mực cho rằng việc khai thác quặng Bauxit tại Tây Nguyên là dự án lớn của nhà nước, Bộ Chính Trị quyết định phê chuẩn dự án này.
Trước quyết định độc đoán trên, Khoa học gia nhiều giới đã phản đối quyết liệt, Những nhà khoa học chính trị và quân sự thì cho rằng “An ninh quốc gia bị bỏ ngỏ vì cho Trung Cộng vào sâu Tây Nguyên”, những nhà khoa học xã hội, văn hoá thì cho rằng “Nền văn hóa đa dạng của Tây Nguyên có nguy cơ bị phá hủy”, những nhà khoa học môi sinh thì cho rằng „Nó sẽ hủy hoại môi sinh, gây ô nhiễm môi trường đất, gây ô nhiễm môi trường nước cũng như triệt tiêu toàn bộ một vùng đât màu mỡ của Tây Nguyên“ v.v.. và v.v.. Riêng báo chí thì không dám động thủ khi nhắc đến đề tài khai thác Bauxit ở Tây Nguyên.
Là người Việt quan tâm đến vận mệnh sinh tồn của dân tộc dù là trong hay ngoài nước chúng ta không thể nào làm ngơ trước một biến cố lớn có ảnh hưởng lâu dài về mọi mặt đối với đất nước Việt Nam của chúng ta. Để rộng đường dư luận người viết xin trích ra đây quan điểm của Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước CHXHCNVN thông qua BCT/CSVN về vấn đề khai thác Bauxit ở Tây Nguyên cũng như lá thư của Nguyễn Trọng Vĩnh nguyên Thiếu tướng, nguyên đại sứ CS Việt Nam tại Bắc Kinh 1974-1989 gởi cho Bộ Chính Trị Đảng CSVN và bài viết nói về nguyên nhân đưa đến quyết định của BCT/CSVN để cho Trung Quốc khai thác Bauxit tại Tây Nguyên được trích từ Nguồn: Change We Need cũng như ý kiến của các nhà khoa học và văn hóa Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải, Nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn qua bài “10 lý do đề nghị tạm dừng dự án bauxite Tây Nguyên”
Quan điểm của Nguyễn Tấn Dũng thông qua BCT
Khai thác quặng Bauxite là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội X. Bộ Chính trị cũng đã 3 lần nghe chiến lược về phát triển Bauxite. Chính phủ đã phê duyệt qui hoạch phát triển Bauxite Tây Nguyên với tinh thần đảm bảo hiệu quả, bền vững.
Tài nguyên khoáng sản của ta không nhiều, trong đó có một số khoáng sản quan trọng có trữ lượng nhỏ hoặc đã cạn kiệt. Bauxite ở Tây Nguyên, có trữ lượng khoảng 8 tỉ tấn cần phải tính toán khai thác.
Trong điều kiện khoa học kĩ thuật phát triển cùng với nhận biết hiện nay của Chính phủ, sẽ thực hiện khai thác hiệu quả để làm ra Bauxite, nhôm, đồng thời bảo đảm vấn đề môi trường, phát triển bền vững…
Chính phủ đã giao cho Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tới đây chủ trì một cuộc hội thảo với các nhà khoa học, các nhà báo quan tâm tới với vấn đề khai thác Bauxite. Tại hội thảo, sẽ có những trình bày về các vấn đề đặt ra, chẳng hạn vấn đề bảo đảm môi trường, phương án sẽ như thế nào, công nghệ ra sao… để tạo nên sự đồng thuận.
Thư của Nguyễn Trọng Vĩnh nguyên Thiếu tướng, nguyên đại sứ CS Việt Nam tại Bắc Kinh 1974-1989
Kính thưa các đồng chí,
Lâu nay tôi không có thông tin, mãi đến gần đây được đọc thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hàng trăm ý kiến không đồng tình của các nhà khoa học, cán bộ và người dân ở khắp Bắc - Trung - Nam, tôi mới biết ta đồng ý cho Trung Quốc khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Nguy hiểm quá ! Tôi cũng thấy những nguy hại như mọi người đã phát biểu : tàn phá môi trường sinh thái, xâm hại rừng nguyên sinh, nguy hại cho đời sống của đồng bào dân tộc người Thượng, lưu độc cho các dòng sông phát nguyên hoặc chảy qua Tây Nguyên, ảnh hưởng rất xấu cho đời sống của người dân Nam Bộ sống dọc hai bờ sông Đồng Nai, có thể ảnh hưởng đến các công trình thuỷ điện phía Nam. Điều đáng lo hơn cả là an ninh quốc gia. Chúng ta đều biết Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân hùng mạnh ở Tam Á đảo Hải Nam, nói thẳng ra là không phải để chống kẻ thù xâm lược nào, mà là đe doạ Việt Nam và sẵn sàng chờ thời cơ thôn tính nốt Trường Sa của chúng ta, sau khi đã nhanh tay chiếm Hoàng Sa từ tay Chính quyền Sài Gòn. Nay lại để Trung Quốc khai thác bauxit ở Tây Nguyên thì sẽ có năm, bảy nghìn hoặc một vạn công nhân hay quân nhân Trung Quốc đến cư trú và hoạt động tại đây, sẽ hình thành một “thị trấn Trung Hoa”, một “căn cứ quân sự” trên địa bàn chiến lược vô cùng xung yếu của chúng ta (vũ khí đưa vào thì không khó gì). Phía Bắc nước ta, trên biển có căn cứ hải quân hùng mạnh, phía Tây Nam nước ta có căn cứ lục quân trang bị đầy đủ thì độc lập, chủ quyền mà chúng ta đã phải đổi bằng hàng triệu sinh mạng cùng xương máu sẽ như thế nào ?!
Về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý, còn Trung Quốc thì không. Vậy mà báo chí Trung Quốc dựng ra chứng cứ, luôn công khai xí hai quần đảo đó là của họ. Quốc vụ viện Trung Quốc (chính phủ) công khai công bố quyết định lập huyện Tam Sa. Trung Quốc có nhiều hành động rất công khai mà lại dỗ chúng ta im lặng không đưa vấn đề ra công khai, thật là vô lý. Chúng ta muốn sống hoà bình hữu nghị với Trung Quốc, tôi cũng muốn thế. Nhưng hữu nghị cũng phải đấu tranh thích hợp để bảo vệ lợi ích chính đáng của Tổ Quốc ta. Nếu lãnh đạo chưa tiện lên tiếng công khai thì cứ để báo chí, các nhà khoa học lịch sử đưa ra chứng lý, cứ để cho quần chúng biểu tình hoà bình, phản đối khi lãnh thổ Quốc gia bị xâm phạm, không nên dập đi tinh thần yêu nước của họ.
Đành rằng các đồng chí có quyền, muốn làm gì cũng được, quyết định thế nào cũng được, nhưng cũng nên quan tâm dư luận, lắng nghe những lời phân tích lợi, hại, phải, trái mà suy nghĩ cân nhắc. Từ xưa đến nay, ở triều đại nào cũng vậy, chủ trương, chính sách ích quốc, lợi dân thì được dân ủng hộ, chủ trương chính sách sai trái tổn quốc, hại dân thì dân oán. Dân oán, mất lòng tin thì khó yên ổn và thịnh vượng được. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, “vua cũng nhất thời, dân vạn đại”.
Thưa các đồng chí,
Trên đây là những lời nói thẳng, tâm huyết của một đảng viên già 70 tuổi Đảng, đã gần đất xa trời, mong được các đồng chí xem xét.
Nguyên nhân đưa đến quyết định của BCT/CSVN để cho Trung Quốc khai thác Bauxite tai tây nguyên từ trích từ Nguồn: Change We Need
Ý tưởng của đề án này có từ thời ông Phan Văn Khải còn làm Thủ Tướng, nhưng với bản tính dè dặt ông Khải đã không thúc đẩy dự án này. Để không mất lòng ông Mạnh, ông Khải trì hoãn tiến trình nghiên cứu đề xuất của các cơ quan chức năng chứ không lên tiếng phản đối. Khi nhậm chức vào giữa năm 2006, ông Dũng tiếp tục kéo dài cách thức trì hoãn này hơn nữa. Đến đầu năm 2008 khi kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào khủng hoảng trong lúc nội bộ Đảng đang lục đục. Đầu tháng 6 ông Mạnh đi thăm Trung Quốc đề tìm kiếm giải pháp cho vấn đề kinh tế, sau đó 2 tuần ông Dũng đi Mỹ cho cùng một mục tiêu. Trung Quốc nói với ông Mạnh rằng sẽ bỏ tiền ra cứu kinh tế Việt Nam với điều kiện tiên quyết là phải cho Trung Quốc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên và chấp nhận có đến khoảng 20 ngàn công nhân làm việc tại đây. Còn Mỹ thì hứa với ông Dũng để đặt bẫy rằng sẽ tiếp ứng cho Việt Nam 20 tỷ USD mà không cần phải kêu gọi đến WB hay IMF.
Ông Dũng trở về với thái độ hân hoan và cả huênh hoang về kết quả mình đạt được, còn ông Mạnh thì nặng trĩu vì với yêu cầu của TQ như vậy thì ông chẳng nghĩ ra cách nào để thông qua BCT. Nhưng ông Hồ Cẩm Đào vẫn động viên rằng chỉ cần ông Mạnh quyết tâm thì ắt sẽ có cách đạt được, và 2 bên đồng ý thiết lập đường dây điện thoại nóng để kịp thời thông tin ứng cứu “cho nhau”. Ngay sau đó bộ Ngoại giao TQ liên tục đề nghị Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức TQ nhưng ông Dũng đều tìm cách thoái thác. Vào lúc ấy mọi người đều thấy rằng ông Dũng đang nghiêng về phía Mỹ và đang trông đợi vào sự giúp đỡ của Mỹ, đang tìm một cửa để lấy điểm với Mỹ để củng cố cho thế lực, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế của ông ấy. Nhưng chờ mãi chẳng thấy kết quả lời Mỹ hứa, chỉ thấy hết đoàn này đến đoàn khác vào VN để ký những thỏa thuận ràng buộc nhằm xí chỗ. Tình hình kinh tế trong nước diễn biến ngày càng xấu, tháng 8, tháng 9, tháng 10 năm ngoái căng như dây đàn sắp đứt. Thời điểm để TQ ra tay đã chín mùi. Ông Dũng không còn cách nào khác, buộc phải đi TQ trong một tình thế bị động
Các yêu cầu về nghi lễ ngoại giao long trọng lúc đó đều bị TQ bác bỏ trước chuyến đi. Nhưng ông Dũng không còn cách nào khác phải chấp nhận lên đường. Nhưng thật bất ngờ, nghi lễ đón tiếp đã diễn ra long trọng nhất mà TQ đã từng dành cho các nguyên thủ quốc gia. Kết quả của chuyến đi được loan báo là thành công ngoài mong đợi. TQ đã đạt được lời hứa sẽ phê duyệt ngay dự án bô-xít Tây Nguyên cho TQ trước cuối năm 2008, không những được phép đưa người vào VN, TQ còn được những quy chế quản lý công nhân, công trường tại khu vực khai thác theo những những đặc thù riêng của mình, gần như một lãnh địa theo quy chế ngoại giao riêng. Ngược lại, TQ sẵn sàng ứng trước tiền cho VN trong việc khai thác này một cách “lặng lẽ” để VN có nguồn lực đối phó với khủng hoảng kinh tế. Con số là bao nhiêu thì đến giờ vẫn chưa có ai tiết lộ được. Khi tôi “khen” TQ đi một nước cờ cao tay thì một trợ lý trước đây của ông Mạnh nói rằng “đối xử với người tham như ông Dũng thì có khó gì, ông ta có quyền lợi thì chuyện gì cũng xong hết”.
Các công việc nghiên cứu đề xuất của các cơ quan chức năng nhanh chóng được hoàn thành một cách sơ xài với đa số các ý kiến đồng ý. Chính phủ trình ngay lên cho BCT và được biểu quyết thông qua với đa số tuyệt đối. UBTVQH cho ý kiến ủng hộ mà chẳng hề thông qua Quốc Hội. Việc phê duyệt nhanh chóng như vậy gây bất bình cho rất nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả các thành phần trong quân đội. Những ai am hiểu quân sự đều biết rằng Tây Nguyên là một dãy đất hẹp nhưng rất trọng yếu, chính nhờ khống chế được Tây Nguyên dễ dàng vào đầu năm 1975 mà chiến dịch mùa xuân sau đó đã kết thúc nhanh chóng vào 30/4. Ai chiếm được Tây Nguyên thì sẽ khống chế được toàn vùng nam bộ, và vì nó hẹp nên cũng sẽ dễ dàng cắt đôi đất nước Việt Nam tại Tây Nguyên này. Trong quân đội có một số tướng lĩnh rất bất bình với kiểu “bán nước” này nhưng không làm gì được. Họ phải nhờ đến Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Dù biết rằng sức khỏe Tướng Giáp rất yếu và tránh bị chấn động, nhưng không còn cách nào khác, mọi người hy vọng uy tín của ông sẽ làm thay đổi được vấn đề này. Và quả thật, Tướng Giáp khi nghe chuyện đã thật sự bị sốc, ông không ngờ người ta dâng Tây Nguyên một cách dễ dàng như vậy.
Bức thư ông gửi cho ông Dũng đăng trên Vietnamnet chỉ là một phần rất ngắn để đưa ra công luận. Toàn bộ nội dung những lời của Tướng Giáp phân tích rất rõ nguy cơ mất nước như thế nào khi để TQ khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Nó được gửi đến cho cả BCT chứ không chỉ cho ông Dũng. Nhưng kết quả thì mọi người đã biết, cái dự án chết tiệt đó vẫn được tiến hành bất chấp lời can ngăn của vị Tướng già hết mực yêu nước. Vì lý do này mà Tướng Giáp đã bị suy sụp phải nhập viên, tưởng đã không qua khỏi hồi đầu năm. Có người bảo rằng ông đã không có hồng phúc để ra đi trước khi phải chứng kiến cái sự suy tàn của chế độ mà ông đã góp phần xây dựng nên nó bằng chính tấm lòng yêu nước yêu dân của mình. Nhưng tôi cho rằng ông đã vượt qua được kỳ thập tử nhất sinh vừa rồi là điều phúc lớn cho nhiều người.
Ông Dũng từ chỗ “lơ là” quay qua ủng hộ và đẩy mạnh tiến độ dự án một cách bất ngờ. Để “xoa dịu” Tướng Giáp, ông ấy đã chỉ đạo dành những dự án đầu tư béo bở của nhà nước cho những người con của Tướng Giáp. Có lẽ đoán trước được điều này, Tướng Giáp đã nhắc nhở những người con của mình phải cẩn thận, giữ mình. Những người con của Tướng Giáp không đi theo nghiệp chính trị, các anh là những doanh nhân. Không biết là những Võ Điện Biên, Võ Hồng Nam có đứng vững trước những sự tấn công các loại đặc quyền không. Một người thân (đang còn trong quân đội) với Tướng Giáp hiện nay nói rằng các anh này là những người hiếu thảo, sẽ biết giữ thanh danh cho gia đình. Người này cũng nói rằng may mà bây giờ Trương Gia Bình – chủ tịch FPT không còn là con rễ của Tướng Giáp, nếu không thì dễ dàng mua chuộc nhân vật này để gây ảnh hưởng trong gia đình Tướng Giáp. Tướng Giáp đang khỏe dần lên, đã có thể nghe được người khác đọc sách báo và truyền đạt lại ý của mình.
Một nguồn tin cho hay rằng trong chuyến đi TQ nói trên, ông Mạnh đã gặp phải một đòn độc thủ của TQ. Một nhân vật cấp cao trong Đảng CSTQ nói với một nhân cũng cấp cao (xin được dấu tên) trong đoàn VN đi theo ông Mạnh rằng nếu phía VN không đáp ứng các yêu cầu của phía TQ thì rất có thể một số tài liệu liên quan đến thỏa thuận của lãnh tụ Hồ Chí Minh với lãnh tụ Mao Trạch Đông về vấn đề biên giới lãnh hải sẽ được công bố, mà điều này thì hoàn toàn bất lợi cho uy tín của Đảng CSVN. Ông Mạnh ở vào thế không còn lựa chọn nào khác.
Một số người am hiểu cho biết rằng hiện nay số công nhân TQ có ở Tây Nguyên đã lên đến con số gần 1 vạn người dù rằng công việc khai khoáng chưa thực sự bắt đầu, chỉ đang trong giai đoạn chuẩn bị.
Ý kiến của các nhà khoa học và văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải, Nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn qua bài “10 lý do đề nghị tạm dừng dự án Bauxit Tây Nguyên”
1 Việc triển khai các dự án Bauxite là không cần thiết,
2 Không làm tăng ngân sách địa phương,
3 Không hề có hiệu quả kinh tế,
4 Phải đầu tư xây dựng một hệ thống đường sắt và cảng biển lãng phí,
5 Không an toàn về môi sinh,
6 Không phù hợp với năng lực của Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam là chủ đầu tư,
7 Không đảm bảo sinh kế cho các đồng bào dân tộc thiểu số bản địa,
8 Không phát triển bền vững Tây Nguyên,
9 Không mang tính công khai minh bạch,
10 Không tuân thủ Luật khoáng sản và Luật bảo vệ môi trường.
Tóm lại là việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên chẳng có lời mà chỉ có lỗ, lỗ lớn về mặt kinh tế, môi sinh, văn hóa, xã hội, chính trị cho toàn vùng và toàn nước.
Ngoài những nhược điểm như tác hại chẳng những về môi trường sống, về văn hóa xã hội, những rủi ro về kinh tế khi khai thác mỏ Bauxit ở Tây Nguyên như phá hủy toàn bộ những vùng trồng cafe, trà, hạt tiêu, ngô v.v.. như ý kiến của các nhà khoa học và văn hóa nêu trên còn có một nhược điểm lớn khác là để cho người nước ngoài khai thác khi mà nhà nước đã không có một kiến thức nào về vấn đề này.
Theo những chuyên gia có nghiệp vụ chuyên môn cho biết, để lấy được phần đất hay đá có chất Bauxit người ta phải lấy đi lớp đất có thể trồng trọt được ở phía trên đưa sang một bên, sau đó mới bắt đầu khai thác và đưa lớp đất hay đá có chất Bauxit vào nhà máy để chế biến thành chất Alumin rồi từ Alumin mới luyện thành Aluminium (nhôm ròng). Trung bình cứ 2 tấn Bauxit thì biến chế được một tấn Alumin, và cứ 2 tấn Alumin thì làm ra một tấn Aluminium. Theo hợp đồng thì việc khai thác mỏ Beauxit ở Đắc Nông chỉ chế biến từ quặng Bauxit ra Alumin rồi bán ra cho nước ngoài chứ không phải luyện Aluminium để sử dụng cho kỹ nghệ hoặc bán với giá cao. Hiện nay, giá một tấn Alumin trên thị trường là 370 USD. Quá trình biến chế từ Bauxit đến Alumin ngoài việc sử dụng một lượng điện năng rất lớn cho tất cả những công đoạn nó còn phải sử dụng rất nhiều nước cho mỗi một công đoạn cùng với những hóa chất cần thiết để luyện kim, lẽ dĩ nhiên sau đó sẽ thải ra một lượng nước mang theo những chất độc hoá học trong đó có cả chất Bùn Đỏ cực kỳ độc hại gây ô nhiễm đất và nước.
Có một điều quan trọng hơn cả vẫn là vấn đề an ninh quốc phòng, nhà cầm quyền CSVN đã vì quyền lợi đảng phái và của một nhóm đặc quyền đặc lợi mà cam tâm đưa cả một mưu đồ „bành trướng“ vào ngay vùng huyệt đạo của đất nước để khai thác. Nghĩa là an ninh quốc gia sẽ thường trực lâm nguy vì để Trung Cộng vào được Tây Nguyên.
Hãy thử đặt một số vần đề với nhà cầm quyền CSVN về việc để cho Trung Quốc khai thác quặng Bauxit tại Tây Nguyên.
-Việc khai thác quặng Bauxit ở Tây Nguyên thực tế có đem đến nguồn lợi kinh tế đáng kể cho người dân Việt Nam hay không? hay đảng CSVN chỉ nghe theo sự mua chuộc của Trung Quốc để hợp thức hoá sự hiện diện của họ ở Tây Nguyên Việt Nam?
- Có nên duy trì một vùng "Tây Nguyên xanh" với rừng nguyên sinh, với nhiều cây nông nghiệp, cây công nghiệp một tài nguyên lâu dài không có rủi ro của đất nước cũng như phát triển du lịch, bảo vệ được môi sinh, bảo tồn được văn hóa để người dân Tây Nguyên luôn được sinh sống hài hòa với thiên nhiên?
-Tại sao TQ nhất quyết dành cho được quyền khai thác quặng Bauxit ở tây nguyên nước ta? Vì quyền lợi kinh tế, vì quyền lợi chính trị hay quyền lợi quân sự?
-Tại sao BCT/CSVN đã bất chấp dư luận quần chúng, bất chấp cả những phân tích của các nhà khoa học cũng như những tiếng nói phản kháng của những người đã từng giữ chức vụ cao trong đảng trong việc giao cho TQ khai thác quặng Bauxit?
-Phải chăng việc khai thác Bauxit của TQ ở Tây Nguyên chỉ là phần nổi của một tảng băng mà phần chìm mới là phần để khai thác?
Hiện tại có nhiều, rất nhiều công nhân TQ cũng như một số công nhân Việt Nam đang bắt tay vào việc khởi đầu tại vùng khai khoáng, mời bạn đọc theo dõi những mẩu đối thoại thời sự dưới đây để rỏ thêm hư thực của chuyện dài khai thác Bauxit này.
Anh HVX, một công nhân lao động phổ thông, 20 tuổi ở ngay thị trấn Lộc Thắng cho hay hiện có rất nhiều người dân địa phương và người miền Bắc vào làm công nhân tại mỏ. Giá tiền công là 90 ngàn cho một ngày làm việc. Đó là công giá sau khi qua các tay cò trung gian, nếu làm trực tiếp cho các người thầu Trung Quốc thì giá được trả là 150 ngàn VND.
Công việc chính của các công nhân Việt Nam là đào móng và các việc lặt vặt khác. Mỗi ngày có khoảng 300 người Việt nam làm việc nơi đây.
Anh NVQ, 25 tuổi, người Đà Nẵng, kỹ sư tốt nghiệp Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng làm việc tại đây được 3 tháng cho biết anh đang làm việc chung với nhóm chuyên gia Trung Quốc và có 4,5 thông dịch viên. với nhóm chuyên gia Trung Quốc và có 4,5 thông dịch viên.
Công việc của anh là hướng dẫn công nhân Việt nam đào các móng. Mỗi trụ móng 1mét vuông nhưng chiều sâu đến 13,5 mét. Khu nhà máy rộng đến 60 hecta, chỉ làm đúng kích cỡ do các chuyên gia Trung Quốc chỉ dẫn, sau đó họ đem nhà máy của họ qua đây lắp vào các trụ móng đào sẵn.
Anh Q. cũng cho biết lương kỹ sư của anh là 6 triệu đồng 1 tháng thấp hơn lương công nhân Trung Quốc là 10 triệu đồng. Công nhân Trung Quốc họ đến từ các vùng miền núi, nông thôn không có học hành gì.
Anh Q. dẫn chúng tôi vào sâu trong vùng mỏ. Đi đâu cũng thấy bảng chỉ dẫn bằng 2 thứ tiếng: Việt- Hoa.
Một cán bộ làm việc tại văn phòng UBND huyện Bảo Lâm cho biết nhà máy đã khởi công gần 1 năm nay rồi, nhưng công tác đào tạo đã chuẩn bị trước đây 4 năm. Học Đại Học 4 năm thì học ở Trung Quốc, các sinh viên là con em địa phương, thi đại học Bách Khoa Sài Gòn hay Bách Khoa Đà Nẵng bị rớt mà trên 10 điểm cho 3 môn thì được gởi đi học 4 năm ở Trung Quốc. Toàn bộ chi phí do phía Trung Quốc đài thọ. Khóa đầu tiên hơn 50 em đã học được 3 năm rồi. Còn học hệ Cao Đẳng thì học tại Hải Phòng, công nhân học hệ Trung cấp thì học ở Bảo Lộc
Anh Nguyễn Tín, người dân thị trấn Lộc Thắng cho biết thêm, toàn bộ đợt đầu đi học là con của cán bộ huyện Bảo Lâm và thị xã Bảo Lộc, còn dân thường muốn gởi con đi học thì phải tốn 25 triệu đồng lo lót. Các đợt sau thì rẻ hơn chỉ 20 triệu thôi, anh cũng muốn gởi con anh đi học xuất ngoại cho biết nhưng con anh không chịu do sợ tốn kém gia đình.
Người dân Lộc Thắng thì đi đâu cũng bàn tán xôn xao về mỏ Bauxit.
Họ kể về những gia đình được nhận đền bù tiền giải tỏa để giao mặt bằng nhận trên 1 tỷ đồng nhưng ra thị trấn hay xuống thị xã mua nhà vẫn không đủ.
Có người không chịu đi bị cưỡng chế, sau đó tiền đền bù mất hơn 400 triệu trừ vào chi phí cưỡng chế. Có người tiếc vườn cà phê, vườn chè quyết ôm cột nhà không đi ...còn bị kết tội là chống người thi hành công vụ.
Cũng có nhiều người nhận ra là Bauxit rất độc hại. Họ biết rõ là Trung Quốc đóng cửa các nhà máy Bauxit của họ và qua đây khai thác Bauxit của mình nhằm tránh độc hại cho dân họ, còn dân mình thì lãnh hết hậu quả
Qua những hình ảnh và bài viết, bạn đọc nghĩ gì về việc Đảng CSVN để cho Trung Quốc độc quyền khai thác Bauxit tại Tây Nguyên VN với những điều kiện theo yêu cầu của TQ?
19.03.2009
SôngLô
-
Bùi Bảo Trúc Bạn ta, Hôm đi mua sách cũ với người bạn mấy tuần trước, tôi mua được bức poster The Old Guitarist của Picasso đóng khung rất đ...
-
Tích ngã vị sinh thì. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi. Vô y sử ngã hàn. Vô phàn sử ngã ky. Hoàn nhĩ công s...
-
Bill Hayton (Đinh Từ Thức dịch) Lời người dịch: Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gia...