7 thg 4, 2009

Không Hết Ngạc Nhiên về nước Mỹ

Phạm Quang Tâm.

Mặc dù đã sống trên xứ Mỹ hơn 30 năm nhưng tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên về quốc gia nầy. Điều ngạc nhiên lớn nhất của tôi là làm sao một quốc gia trẻ trung mà lịch sử chưa đến 3 thế kỷ, gồm dân tứ chiếng thuộc mọi chủng tộc lại có thể hợp tác với nhau để xây dựng nước nầy thành một quốc gia hùng cường bậc nhất trên thế giới? Ngay cả người cùng một nòi giống cũng chưa chắc có thể ngồi chung để làm việc với nhau được. Với dân số 300 triệu, Hoa-kỳ hiện là siêu cường số 1 trên thế giới về khoa học, nghệ thuật, văn chương, kinh tế, thương mại, quân sự… Có nhiều năm mà nước Mỹ chiếm hầu hết các giải Nobel. Nguyên nhân nào giúp họ đạt được những thành quả ngoạn mục như thế?
Tìm tòi và quan sát thì tôi nhận thấy Hợp chủng quốc Hoa-kỳ và người Mỹ có những nét đặc biệt. Những điểm đặc biệt ấy chưa hẳn giải thích hoàn toàn sự hùng cường của nước Mỹ nhưng cũng nói lên một phần tại sao Hoa-kỳ hấp dẫn các dân tộc khác trên thế giới, tại sao những khối óc siêu việt từ khắp nơi trên thế giới đều đổ về Mỹ.

1) Thể chế chính trị:
Nước Mỹ có một nền chính trị ổn cố nhất thế giới. Việc một ông tổng thống được bầu lên mà bị lật đổ qua một cuộc đảo chánh là điều không thể xảy ra. Thật ra từ ngày lập quốc vào năm 1776 đến nay, Hoa kỳ chưa hề có một cuộc đảo chánh nào để lật đổ chính phủ. Định chế phân quyền: Hành pháp, lập pháp, và tư pháp bắt nguồn từ Âu châu do triết gia Pháp Montesquieu nêu lên nhưng hình như nước Mỹ là quốc gia duy nhất áp dụng triệt để định chế ấy. Khi hết nhiệm kỳ thì tổng thống tự động xuống, trao quyền cho người kế vị một cách êm thấm. Không ông nào cố gắng ‘ngồi dai’ hay ‘chơi bẩn’ để tại vị. Hiến pháp Mỹ qui định mỗi tổng thống chỉ có thể đắc cử hai nhiệm kỳ mà thôi. Không ông tổng thống nào dám vận động sửa đổi hiến pháp để có thể làm ‘tổng thống mãn đời.’ Gian lận trong việc bầu cử hình như không có ở Hoa kỳ.

2) Nền kinh tế Hoa-kỳ ổn định nhất trên thế giới:
Mặc dù đôi khi Hoa-kỳ gặp những sự suy thoái về kinh tế (economic recession) nhưng đồng đô la ít khi nào mất giá vì kinh tế Hoa kỳ hồi phục rất nhanh. Những chương trình đầu tư tại Mỹ xem như khá vững chắc. Vì thế cho nên các quốc gia khác trên thế giới đều muốn đổ tiền vào Mỹ để đầu tư với những số lời chắc chắn mà không sợ mất vốn. Đây cũng là một trong những lý do khiến quốc gia Hoa kỳ giàu mạnh khi ngoại quốc đổ tiền vào đầu tư ở xứ họ vì những chương trình đầu tư như thế tạo công ăn việc làm cho dân chúng Mỹ.

3) Tôn trọng nguyên tắc công bằng và phải chăng:
Khi có hai ba người chờ ở quầy hàng hay nơi bán vé là người Mỹ tự động xếp hàng, ai tới trước thì được phục vụ trước, không chen lấn, giành giựt. Nếu bạn muốn cắt hàng thì hai việc sẽ xảy ra: những người đang đứng chờ trong hàng sẽ la ó, phản đối và nhân viên bán hàng (clerk) sẽ yêu cầu bạn lui ra phía sau chờ đến phiên. Tại sao bạn lại muốn được phục vụ trước trong khi những người khác đến trước bạn phải chờ? Tôi cho rằng điều nầy phản ảnh tinh thần tự giác và tôn trọng lẽ công bằng của người Mỹ.

4) Trọng người có khả năng.
Ở Mỹ ta ít thấy chuyện dìm người hay dìm tài năng và phe đảng. Vì thế nước Mỹ là ‘đất dụng võ’ của những người có tài và giàu sáng kiến. Các khoa học gia, học giả, doanh gia, văn sĩ, nghệ sĩ… khắp nơi trên thế giới đều muốn sang Hoa-kỳ để sinh sống và phát triển tài năng. Không những thế người Mỹ còn cố gắng đi tìm người có khả năng mời sang Hoa-kỳ với thù lao cao để làm việc. Họ biết trả giá cho những khối óc xuất sắc trên thế giới.

5) Trọng sự lương thiện và ngay thẳng.
Hai sự việc nhỏ cho thấy điểm nầy: các hộp bán báo (newspaper stand ở các góc phố để bạn bỏ tiền (khoảng 50 xu) rồi tự động mở hộp ra lấy một tờ báo. Dĩ nhiên bạn có thể lấy hơn 1 tờ “cho bạn bè, thân nhân” nhưng không ai làm như thế vì họ tôn trọng tính lương thiện: 50 xu thì lấy 1 tờ. Có lần tôi bước vào một hiệu buôn, người bán hàng lấy một gói đồ trao cho tôi và bảo, “Đây là món hàng ông mua cách đây mấy tháng mà ông quên lấy. Chúng tôi không biết số điện thoại của ông để liên lạc nhưng chúng tôi tin chắc thế nào ông cũng trở lại cho nên chúng tôi giữ đây.” Tôi mở gói hàng ra thì thật đúng món đồ tôi đã mua. Tôi vô cùng cảm kích tính lương thiện của người Mỹ và hết lòng cám ơn họ. Dĩ nhiên họ có thể bán món hàng đó một lần nữa để kiếm lời mà tôi không thể nói gì được vì là lỗi của tôi nhưng họ không làm như thế vì họ quan niệm rằng món hàng đã trả tiền thì thuộc về người mua. Quả thật chỉ có bên Mỹ (Only in America!) mới có chuyện như vậy. Ăn cắp hàng trong tiệm, dù món hàng rẻ đến đâu đi nữa đều bị luật pháp Mỹ trừng trị nặng nề.

6) Biết tôn trọng luật chơi (rules of the game).
Trong kinh doanh mặc dù họ cạnh tranh nhau rất ráo riết nhưng họ không thích trò ‘chơi bẩn’. Họ ghét lối ‘cạnh tranh bất chính’ (unfair competition). Ngay cả trong khi săn bắn như săn vịt trời chẳng hạn thì họ chờ hay đuổi vịt bay lên rồi mới bắn. Hỏi tại sao không bắn khi chúng nó đang bơi trong hồ, họ bảo, “Bắn như vậy là không fair (phải chăng) vì con vịt đang ở yên một chỗ thì ai cũng bắn trúng được. Không đúng luật thể thao.”

7) Quí người tay trắng làm nên chứ không ỷ vào thế lực hay vây cánh.
Nước Mỹ có vô số người mới sang nghèo rớt mùng tơi, nhưng nhờ chịu khó và cố gắng đã xây lên được những tài sản khổng lồ. Đó là những người mà dân Mỹ trọng. Và họ cũng trọng những dân tị nạn đã cố gắng vươn lên trong xã hội Mỹ qua kinh doanh, học vấn…Họ không ganh tị với những người thành công mà trái lại ngưỡng mộ và đề cao những người như thế. Người Việt tị nạn là một trong số những gương thành công mà người Mỹ ngưỡng mộ, nhất là về học vấn khi một số con em Việt-Nam đạt được những bằng cấp cao từ các đại học nổi tiếng của Mỹ.

8 ) Họ tôn trọng ý kiến cá nhân:
Trong các cuộc tranh luận họ phân biệt ý kiến của một người và cá nhân của người đó. Hai điều ấy riêng biệt nhau. Dù họ không thích ý kiến bạn nhưng họ vẫn là bạn tốt của bạn. Họ không bao giờ quan niệm rằng “nếu bạn không đồng ý kiến với tôi thì tôi không thích bạn nữa.”

9) Họ can đảm và thành thật nói “không biết” chứ không dám ‘nói đại’ hay ‘cả vú lấp miệng em’.
Ngay cả giáo sư đại học nhiều khi cũng mạnh dạn trả lời “tôi không biết” cho những câu hỏi của sinh viên. Họ nhìn nhận biển học thật bao la, không ai có thể biết hết mọi vấn đề dù là chuyên gia đi nữa. Đây là điểm tôi khâm phục người Mỹ. Họ không cảm thấy xấu hổ khi nhìn nhận kiến thức giới hạn của mình. Người Mỹ rất dè dặt với những người ba hoa, làm như ‘cái gì cũng biết’ (know-all attitude).

10) Họ rất tin tưởng lẫn nhau:
Một lời gởi gắm hay một thư giới thiệu về bạn dù từ một người mà họ chưa hề quen biết cũng có giá trị đối với họ. Vì thế họ hay yêu cầu bạn chứng minh thư giới thiệu của chủ cũ khi bạn đi xin việc làm hay xin nhập học đại học mặc dù họ không hề quen biết người biên thư giới thiệu cho bạn. Có khi họ gọi thẳng người ấy để biết thêm về bạn. Ý kiến của một đồng bào dù xa lạ như thế vẫn có tác dụng rất lớn đối với người đang tuyển mộ bạn.

11) Họ trọng thái độ tích cực trong cuộc sống hơn thái độ tiêu cực:
Họ có những chương trình huấn luyện để trau dồi tinh thần tích cực cho nhân viên. Người Mỹ cho rằng người tích cực là người biết nhìn, phân tích, và giải quyết vấn đề và là người dễ thành công trên đời hơn người tiêu cực. Họ rất thích chơi với những người có thái độ lạc quan hơn người bi quan. Họ bảo, “đời sống tự nó đã có nhiều bi quan lắm rồi, đừng thêm vào một mối bi quan nào nữa trái lại hãy tìm khía cạnh lạc quan để mà sống”.

12) Họ biết tôn trọng luật pháp:
Có lẽ chỉ ở bên Mỹ chúng ta mới thấy xe cộ dừng lại khi gặp đèn đỏ lúc 2-3 giờ sáng mặc dù đường sá vắng tanh, không có xe cộ gì. Không hẳn vì họ sợ cảnh sát công lộ núp ở gần đó mà vì tinh thần tự trọng. Họ cho rằng , “Con người thật của bạn là những gì bạn làm mà không ai thấy.” Họ hãnh diện vì tôn trọng luật pháp chứ không hãnh diện về những mánh khoé vặt.

13) Con cái được khuyến khích tự quyết định lấy đời sống và phát huy tinh thần tự lập:
Dù là cha mẹ đi nữa họ cũng tôn trọng ý kiến và sở thích của con cái, không khi nào ép chúng học một ngành không hợp với khả năng của chúng. Mộng ước cho con sau nầy ra kỹ sư bác sĩ là điều các bậc cha mẹ Mỹ đều ít nghĩ tới nếu các ngành đó không phù hợp với sở thích của con cái mình. Ngoài ra con cái cũng được dạy sống tự lập rất sớm, không ỷ lại vào cha mẹ. Các trẻ con Mỹ khi lên 17-18 tuổi đều được cha mẹ khuyên ra ở riêng để tập tính tự lập mặc dù ở chung với cha mẹ thì đỡ tốn kém hơn. Nhưng nếu con cái tiếp tục sống nhờ cha mẹ thì mọi người, nhất là các cô gái sẽ chê những người như thế là hèn yếu, kém cỏi, không dám tự lập. Ngay cả khi con cái mượn tiền cha mẹ để mua xe đi nữa thì chúng cũng phải tìm cách trả lại chứ không mong cha mẹ ‘biếu không’ cho mình. Chúng ta có lẽ ngạc nhiên về điều nầy nhưng họ quan niệm con cái phải học tinh thần trách nhiệm: Mượn thì phải trả! Họ không muốn con cái ỷ lại vào những ‘của biếu không.” Và khi con cái có gia đình và nghề nghiệp thì đa số đều dọn đi xa cha mẹ để lập thân chứ không thích sống quanh quẩn gần cha mẹ để ‘nhờ vả’ giữ con giùm.

14) Xã hội Mỹ là một xã hội động (dynamic) không phải tĩnh (static) như Đông Phương:
Vì thế mọi việc đều biến chuyển rất nhanh, từ kỹ thuật cho đến văn chương. Cho nên người nào chậm chạp không thích ứng kịp với xã hội là xem như bị bỏ lẹt đẹt phía sau. Thái độ ‘tự mãn’ và ‘dậm chân tại chỗ” không có nơi đứng trong xã hội Mỹ.

15) Họ biết tôn trọng tinh thần đóng góp:
Những công việc chung thường thấy mỗi người chung góp một tay. Các bữa ăn chung ở nhà thờ mỗi người đều mang theo một món. Người nhiều kẻ ít nhưng ít ai đi tay không hay chơi kiểu ‘free ride’ (quá giang) nghĩa là không mang gì cả vì họ cho rằng sự đóng góp chung nói lên tinh thần tự giác. Và mọi tổ chức từ tôn giáo đến thiện nguyện đều hoạt động nhờ vào nguyệt liễm hay sự đóng góp của hội viên. Họ quan niệm, “Nếu bạn thuộc tổ chức nào thì bạn phải có nghĩa vụ ủng hộ tổ chức ấy về mọi mặt”.

16) Các trẻ nhỏ được dạy cho tinh thần xông xáo, không ỷ lại:
Tôi không quên một lần có một em nhỏ khoảng 11-12 tuổi đến gặp tôi để mời tôi nói chuyện với lớp học của em về văn hóa Việt-Nam. Lúc ấy tôi đang cào lá trước sân nhà. Em thấy vậy liền hỏi, “Can I help you rake?” (Em có thể giúp ông cào lá được không?) Tôi rất cảm kích tinh thần bạo dạn và xông xáo của em nhỏ ấy. Dĩ nhiên tôi không mong em làm công việc mà tôi đang làm nhưng em cảm thấy cần phải giúp một tay.

17) Tinh thần phục vụ khách hàng:
Phục vụ khách hàng (customer service) hình như là phương châm của mọi dịch vụ kinh doanh trên xứ Mỹ. Nhiều cửa hàng bán cùng một loại hàng, giá cả hầu như giống nhau nhưng cửa hàng nầy bán được nhiều hơn cửa hàng kia chỉ vì cách phục vụ hơn kém nhau mà thôi. Chắc độc giả đã từng có kinh nghiệm sau đây ở quê nhà: Bạn muốn chủ tiệm cho bạn xem một món hàng đang bày ở một kệ trên cao. Bạn xin họ lấy xuống để bạn xem. Câu hỏi đầu tiên của người bán hàng là: “Có mua không thì tôi mới lấy!” Bạn bực mình bỏ đi và quyết định sẽ không bao giờ đặt chân đến cửa hàng ấy nữa. Làm sao bạn có thể quyết định mua một món hàng khi bạn chưa tận mắt nhìn hay sờ vào món hàng ấy? Ngoài ra chưa nói đến vấn đề giá cả, phẩm chất của món hàng… Tuy nhiên ở bên Mỹ thì họ sẽ sốt sắng mang món hàng xuống cho bạn và còn bảo, “Được. Để tôi lấy xuống cho. Ông bà không mua cũng không sao.” Nghĩa là họ muốn chiếm cảm tình của bạn trước. Ngoài ra bạn cũng sẽ gặp những trường hợp sau đây: Bạn bước vào một cửa hàng hỏi mua một món hàng nhưng họ không còn. Bạn hỏi, “Cô có biết ở đâu bán món hàng ấy không?” thì họ sẽ trả lời: “Tôi biết tiệm X. ở dưới kia có bán món ấy nhưng tôi không biết họ còn hay không. Ông có muốn tôi gọi điện thoại hỏi để ông đỡ mất công lái xe xuống dưới không?” Bạn cảm kích về tinh thần phục vụ ấy vì nó nói lên 2 điều: Giúp đỡ cửa hàng khác và sốt sắng phục vụ cho khách hàng của mình. Dĩ nhiên họ có thể trả lời là “không biết” cho câu hỏi của bạn vì nó vừa dễ, vừa gọn nhưng họ đã đi xa hơn để chiếm cảm tình của bạn. Đi thêm một dặm (going the extra mile) là tinh thần phục vụ của người Mỹ theo lời dạy trong Thánh Kinh. Nói chung thì bên Mỹ các thương gia xem khách hàng là người làm ơn cho mình vì là người nuôi sống mình chứ không phải mình làm ơn cho khách hàng. Cãi nhau và biện luận với khách hàng là điều mà các thương gia Mỹ cố tránh bằng mọi giá vì họ tin tưởng vào câu phương châm trong ngành kinh doanh, “Khách hàng bao giờ cũng đúng.” (The customer is always right).

18) Họ trọng nguyên tắc ‘có qua có lại’
Đôi khi họ áp dụng nguyên tắc nầy hơi lộ liễu. Chẳng hạn bạn mời họ dùng cơm ở nhà bạn thì trước khi ra về họ sẽ bảo hôm nào họ sẽ mời bạn lại để trả bữa. Dĩ nhiên bạn không mong họ làm như thế. Bạn mời họ chỉ vì bạn quí họ mà thôi nhưng họ nghĩ rằng khi một người nào làm điều tốt với mình thì mình có nghĩa vụ phải ‘đáp lễ’ lại.

19) Họ trọng tuổi trẻ và tài năng:
Họ cho rằng mỗi một người có một thời gian để hoạt động, sau đó phải nhường chỗ cho người khác, không ganh tị, không đố kỵ. Ngoài ra họ cũng biết nhường chỗ cho người có khả năng hơn mình. Người Mỹ tuy cho rằng kinh nghiệm là quan trọng nhưng không quan trọng bằng trình độ hiểu biết và kiến thức. Vì thế dù người lớn tuổi chưa chắc được họ trọng vì theo họ lớn tuổi chưa hẳn có kinh nghiệm, dù là kinh nghiệm cuộc đời đi nữa vì họ cho rằng mọi việc trên đời biến thiên không ngừng, không phải sống lâu mà “lên lão làng” nếu không trau dồi kiến thức và học vấn. Cho nên các bô lão nào cho rằng mọi người phải trọng mình vì tuổi tác thì họ sẽ không ngần ngại mời ‘đi chỗ khác chơi.’ Họ quan niệm rằng ‘chúng ta phải học hỏi luôn vì phải mất thời gian lâu mới thấu triệt một ngành và khi thấu triệt rồi thì kiến thức ấy đã lỗi thời cho nên phải tiếp tục học nữa.’ Các giáo sư trung học chẳng hạn mỗi năm phải tu nghiệp khoảng 60 giờ để duy trì chứng chỉ hành nghề! Không phải có bằng rồi ‘dậm chân tại chỗ.’

20) Họ trọng sự mạo hiểm, tinh thần xông xáo, ý kiến mới mẻ và tiến bộ:
Hầu hết các phát minh, sáng kiến, và sản phẩm mới đều xuất phát từ Hoa-kỳ. Nước Mỹ là một thị trường tốt cho các sản phẩm mới. Thị trường Mỹ có 2 đặc tính: rủi ro và phần thưởng (risk and reward). Rủi ro nếu không được thị trường chấp nhận, nhưng nếu được chấp nhận thì bạn giàu to. Đó là phần thưởng của bạn. Họ không quản ngại về những chi phí lớn lao cho những cuộc thám hiểm không gian hay các công trình khảo cứu khoa học vĩ đại. Họ cho đó là một lối đầu tư quan trọng mà các thế hệ sau sẽ thừa hưởng. Họ muốn tìm mọi cách làm cho đời sống được thoải mái, dễ chịu bằng cách thường xuyên tung ra nhiều sản phẩm mới. Ngoài ra các trẻ nhỏ có trí thông minh vượt hơn mức bình thường đều được khuyến khích và chọn lựa theo học các chương trình dành cho các học sinh xuất sắc (gifted and talented) để trí thông minh của chúng không bị kềm kẹp hay trì hoãn. Trên toàn nước Mỹ có hơn 3500 trường đại học. Có lẽ không một quốc gia nào trên thế giới mà đặt nặng nền giáo dục đến như vậy.
Những lý do và nhận xét trên đây chưa hẳn giải thích hoàn toàn sự thành công của Hoa kỳ trong quá khứ và hiện tại nhưng ít ra cũng cho chúng ta thấy những nét đặc thù khiến người Mỹ không giống các dân tộc khác.
Nếu bạn tin rằng tài năng của bạn cần chỗ phát huy thì Hoa-kỳ là đất dụng võ của bạn còn nếu bạn tin vào sự tiến thân nhờ phe cánh, bè phái thì có lẽ bạn nên tìm vùng đất khác để định cư nếu không bạn sẽ gặp thất vọng trên đất Mỹ.
Người Mỹ biết rõ nhiều dân tộc trên thế giới ghét họ và ganh tị với những thành công về mặt vật chất và khoa học của họ nhưng họ cũng biết đa số các nước trên thế giới đều âm thầm ngưỡng mộ những tiến bộ vượt bực của họ. Nếu không tại sao vô số người muốn di cư qua Mỹ để sinh sống hay tại sao các đại học Mỹ thu hút nhiều sinh viên ngoại quốc nhất thế giới?
Họ không chối cãi rằng dân Mỹ có vẻ duy vật nhưng ai là người không tham muốn vật chất để đời sống thoải mái hơn?
Có lẽ bạn biết những lý do khác nữa để giải thích hiện tượng thành công của Hoa-kỳ. Tác giả bài nầy rất muốn được nghe quan điểm của bạn.


12 THÁNG ANH ĐI