12 thg 5, 2009

Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài: Hoa Kỳ đắm mà không chìm

Nguyễn Xuân Nghĩa

Hoa Kỳ đắm mà không chìm

Âu Châu thì ngược lại...

Tuần qua, các nước Âu Châu có thể kết hoa phúng viếng một đại gia Mỹ - là hãng xe Chrysler. Sau đó ôm nhau khóc mùi vì con nước rút quá mạnh làm hoa rơi tan tác!

Hãy nói về vòng hoa trước...

Sau nhiều kế hoạch cấp cứu, tổ hợp ráp chế xe hơi Chrysler vừa làm thủ tục xin tòa phá sản bảo vệ vì không trả nổi khoản nợ có bảo đảm trị giá gần bảy tỷ đô la. Nhân dịp này, chính quyền Barack Obama trổ tài phù phép khiến xe hơi Âu Châu bỗng như muốn vọt lên trời.

Như một chuyện chia của chỉ có trong truyện cổ tích xã hội chủ nghĩa, quỹ đầu tư của nghiệp đoàn công nhân xe hơi UAW sẽ xí xóa 67% khoản phúc lợi xã hội mà công ty còn thiếu, ngược lại làm chủ 55% phần vốn của Chrysler. Nền tư bản thợ thuyền bắt đầu xuất hiện. Kẹt nỗi là công nhân từ nay sẽ đội hai nón, vừa ráp xe ở dưới vừa để lãnh đạo chia tiền lời trong hội đồng quản trị. Chưa biết họ xoay trở ra sao trong trò phân thân ấy, xin để cho nhà nước lo. Vì nhà nước cùng một số chủ nợ nhỏ sẽ làm chủ 10% phần vốn của Chrysler.

Còn lại, hãng Fiat của Ý sẽ góp công làm của.

Công ty Fiat cho Chrysler du nhập kỹ thuật ráp chế xe nhỏ, ít hao xăng đặc thù của mình. Ðổi lại sẽ làm chủ 35% phần vốn, qua hai đợt, 20% rồi 15%. Với thương hiệu Chrysler, từ nay Fiat sẽ sản xuất loại xế hộp - trong nghĩa đen - trên thị trường Hoa Kỳ. Rất phải đạo vì hưởng ứng cuộc cách mạng năng lượng sạch của Obama. Còn xe này có hợp ý giới tiêu thụ không thì chưa biết...

Dân Mỹ tò mò thì có thể tự hỏi: Hoa Kỳ có nhiều loại xe cũng “made in America” của Nhật hay Ðức, bán chạy hơn xe của ba hãng Mỹ, lại có sẵn hãng xưởng thuê thợ Mỹ ráp xe trên nhiều tiểu bang. Toyota, Honda, hay Nissan cũng có loại xe nhỏ nhẹ ít tốn xăng, kể cả xe chạy bằng điện. Cớ sao không mời họ vào mà lại tìm đâu tới hãng Fiat trong khu vực Turin của Ý?

Ngay sau khi được Obama gả bán, hôm mùng năm, Fiat tuyên bố sẽ còn mua lại các phần vụ tanh bành của General Motors tại Âu Châu - kể cả Opel ở Ðức (chủ hãng Vauxhall ở Anh) và Saab ở Thụy Ðiển. Nghe hấp dẫn vì các chính quyền Âu châu khỏi lo châm tiền cấp cứu tàn dư của kỹ nghệ xe hơi Mỹ tại đấy. Ðã có tổ hợp Fiat châm tiền mua lại rồi. Tin loan ra, cổ phiếu của Fiat lên vù vù.

Khác với Chrysler có mạng lưới trải rộng qua Canada và Mexico, GM là đại gia có cánh tay rất dài qua chín nước Âu Châu, sáu nước Nam Mỹ, sáu nước Á Châu và hai nước Phi Châu. Chỉ mong là các nơi khác cũng có một đại gia hào hiệp như Fiat, để lo việc chôn cất kỹ nghệ xe hơi Mỹ sao khỏi tốn công quỹ.

Nhưng ngẫm lại thì ta có thể nói... như các cụ: “rõ là thế sự đảo điên!”

Chỉ vì hơn năm năm về trước, Fiat bị suy sụp và phải cầu cứu GM của Mỹ. Sau mấy năm đắn đo thương thảo, năm 2005, GM lắc đầu và chịu nộp phạt hai tỷ. Thà là của đi thay xe... Bây giờ thì tình hình đảo ngược, Fiat qua Mỹ cứu cả Chrysler lẫn GM... Vì vậy, các nước Âu châu có thể từ đỉnh cao nhìn xuống nước Mỹ lụn bại với vẻ ái ngại - và hả hê.

Thừa dịp, hai đại gia Âu châu là Ðức và Pháp kịch liệt phê phán mô thức kinh tế Anglo-Saxon (đúng ra là Anglo-American) của Anh và Mỹ. Tuần báo The Economict còn đưa chuyện mai táng mô thức Anh-Mỹ lên trang bìa của tuần này.

Nhưng sự đời không được như vậy... do một quy luật rất... Kim Dung: “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Vì kinh tế Mỹ sắp đụng đáy và sẽ hồi phục. Còn Âu Châu chìm mãi mà chưa thấy đáy.

***

Chẳng là trong khi Fiat mở cờ gióng trống, mùng bốn Tháng Năm, Ủy ban (Hành pháp) Âu châu công bố dự báo kinh tế với những mảng rất tối.

Ðại lược thì tổng sản lượng nội địa GDP của toàn khu vực sẽ giảm 4% - gấp đôi dự báo hồi Tháng Giêng. Thất nghiệp lên tới 9,4% - so với 7% của năm ngoái. Bội chi ngân sách các nước lên tới 6% tổng sản lượng - hơn dự báo Tháng Giêng tới 36% và hơn trung bình năm ngoái (2,3%) tới 160%. Thói thường, các nước Âu Châu định ra bội chi tối đa là 3% tổng sản lượng GDP mà thôi, nay thì sẽ lên gấp đôi và vì vậy các chính quyền càng khó xoay trở. Kết luận dễ nhớ là Âu Châu sẽ bị suy thoái kéo dài suốt năm nay qua năm tới, với thất nghiệp sẽ vượt 11%.

Khi khủng hoảng tài chánh bùng nổ tại Hoa Kỳ rồi lan khắp nơi, các nước Âu Châu quy tội cho Mỹ là nguyên nhân của mọi tai họa kinh tế xảy ra cho họ, đòi Mỹ úp mặt vào tường để ăn năn hối cải về chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ. Lập luận ấy chỉ thuyết phục được... Obama và những người bị hội chứng Obamê.

Trái bóng gia cư bị bể tại Mỹ có dẫn tới vụ khủng hoảng tín dụng thứ cấp (sub-prime) khiến cả thế giới bị cạn kiệt thanh khoản (liquidity crunch), là các cơ sở tài chánh thiếu hiện kim tiền mặt. Lục địa Âu châu bị họa lây và bị từ năm 2007, khiến các ngân hàng lớn như UBS, Credit Suisse, HSBC và Royal Bank of Scotland bị điêu đứng. Số thiệt hại có thể lên tới gần 400 tỷ đô la, một con số rất lớn. Nhưng không thể làm nền kinh tế Âu châu có sản lượng hàng năm khoảng 15.000 tỷ đô la bị suy sụp được.

Biến cố tài chánh ấy chỉ là cái duyên cho một cái nhân quái ác hơn mà mải lo dạy Mỹ người ta không chịu nhìn ra. Cái nhân đó là Âu châu cũng thích thổi bóng mà chơi, và bơi trong cõi ảo... tới nay mới chìm.

***

Trước hết là sau khi thống nhất tiền tệ và được giàng vào cỗ xe của kinh tế Ðức, với kỷ luật chi tiêu rất Ðức, nhiều quốc gia mải vui với lãi suất hạ - chẳng liên hệ gì tới chuyện hạ lãi suất tại Mỹ sau vụ khủng bố năm 2001. Lãi suất hạ đã thổi lên trái bóng gia cư y như bóng Mỹ, tại Tây Ban Nha, Ái Nhĩ Lan (Ireland) và nhiều xứ khác nữa, kể cả Anh, Áo hay Hòa Lan.

Thứ nữa là vì sai biệt lãi suất, người ta vay tiền nơi có phân lời thấp để đầu tư vào nơi có lãi cao để kiếm lời (thuật ngữ kinh tế gọi là “carry trade” - ghìm hàng có lãi suất thấp để kiếm lời - nếu dịch ra Hán Việt thành “hóa vật vận thâu nghiệp vụ” thì cũng vẫn... tối như vậy, nên xin miễn). Sau khi được giải phóng, các nước Ðông Âu và Trung Âu đã hồ hởi làm ăn như vậy, với sự cổ võ của các ngân hàng Tây Âu.

Tới khi kinh tế suy trầm thì nhạc lắng mây chìm và ngần ấy quốc gia đều mang họa.

Các ngân hàng Tây Âu càng dồn tiền đầu tư qua Trung Âu, các nước Cộng Hòa Baltic phía Bắc và Balkans phía Nam, thì càng bị điêu đứng. Nếu so sánh số đầu tư với tổng sản lượng - từ 20% đến 80% - thì bị nặng nhất là Áo, Thụy Ðiển, Bỉ và Hy Lạp. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Âu châu EBRD thẩm định rằng 20% các khoản tín dụng cho Trung Âu là nợ thối. Ngân Hàng Thế Giới dự báo là các ngân hàng Âu châu cần khoảng 120 tỷ Euro (154 tỷ Mỹ kim) để đắp vốn.

Nhiều cơ sở bị đe dọa phá sản, mà không vì Bear Sterns, Lehman Brothers hay AIG gì của Mỹ.

Tại thượng đỉnh tháng trước của khối G20, cặp song ca Ðức-Pháp, Angela Merkel và Nicolas Sarkozy, bác bỏ đề nghị tăng chi để kích cầu của Obama vì không thể chìa lưng gánh vác chuyện cứu giúp các nước đang phát triển tại Trung Âu. Giải pháp của Ðức là cấp vốn cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đi cấp cứu. Nghĩa là kêu gọi sự đóng góp của cả Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Trung Quốc vào nguồn vốn IMF: thế giới hãy cùng nhảy vào cứu Âu Châu.

Ðâm ra, lầm than của Âu châu không hẳn là do Mỹ gây ra. Nhìn từ bên ngoài, việc Obama đấm ngực tự thú về mọi tội của Bush là một trò khôi hài đen. Chỉ vì chàng thích uống nước đường, pha chế tại Âu châu.

Mà chưa hết!

***

Hoa Kỳ bị bể bóng gia cư sau năm 2006, và nổ đom đóm mắt về chuyện ấy nên không thấy ra trái bóng còn vĩ đại hơn của Âu Châu.

Theo tiêu chuẩn IMF (so sánh giá nhà với thực giá kinh tế) thì bóng căng nhất là tại Ái Nhĩ Lan, Hòa Lan, Anh, Áo, Pháp, Na Uy, Ðan Mạch, Bỉ, Thụy Ðiển, Ý - rồi mới tới Nhật và... Mỹ. Khi căng quá thì bóng sẽ bể và giá nhà sẽ sụt nặng như người Mỹ đã thấy.

Khổ nỗi Âu châu chưa thấy nên chưa đổ lệ.

Ðiểm lại tình hình thì kinh tế Âu châu đã trôi vào suy trầm và sẽ nằm dưới đó khá lâu vì số cầu của thế giới đều sút giảm nên kéo theo suy giảm sản xuất và xuất cảng. Trong sáu tháng kể từ Tháng Tám năm ngoái, sản lượng kỹ nghệ Âu Châu đã sụt 27% quy ra toàn năm và xuất cảng giảm mạnh nhất kể từ năm 1970 đến nay. Ðầu máy kinh tế Âu Châu là Ðức bị thiệt hại chưa thể lường thấy, nên cỗ xe coi như lăn bánh trong bùn.

Trong khi ấy, hệ thống tài chánh và ngân hàng thì rung rinh trên cát.

Khác với doanh nghiệp Hoa Kỳ vốn tìm tiền kinh doanh trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu, doanh nghiệp Âu châu tìm vốn - từ 80 đến 90% - qua tín dụng ngân hàng. Sản xuất sa sút có thể kéo sập ngân hàng vì nâng rủi ro tín dụng đến mức nguy ngập. Nổi tiếng là có hệ thống ngân hàng lành mạnh nhất Âu châu là nước Ðức, tuần này cũng phải lập ủy ban thẩm định các ngân hàng “xấu”. Mà chưa ai rõ là sẽ xấu tới chừng nào.

Một nguyên nhân của nghịch lý ấy là ngay từ đầu, Liên Hiệp Âu Châu đã thiếu thống nhất về đối sách.

Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu ECB của các nước trong khối Euro không đạt được thỏa thuận về việc có nên hay không thẩm định lại các khoản nợ của doanh nghiệp vì Ðức chống lại quan điểm của Áo và Hy Lạp. Mà thiếu thống nhất là định chế này bị tê liệt. Thứ nữa, việc bảo đảm tín dụng và đắp vốn lại thuộc thẩm quyền của từng quốc gia. Việc xây dựng một khuôn khổ giám sát tài chánh thống nhất lại gặp sự phản đối của Anh quốc, một nước không nằm trong khối Euro.

Từ lãnh vực ngân hàng bước qua ngân sách thì tình hình cũng chả sáng sủa hơn: hầu như xứ nào cũng bị khiếm hụt. Nặng nhất về mức bội chi là Ái Nhĩ Lan, Anh, Tây Ban Nha và cả Pháp - từ 6,6% GDP lên tới 12%. Công trái - gánh nợ của chính phủ - vì vậy tăng vọt, nhất là tại Ý - quê hương của hãng Fiat - hay cả Anh quốc. Vì bội chi và công trái nặng như vậy, nhiều công khố phiếu Âu châu bị đánh giá thấp, thua xa công khố phiếu của một xứ mang tiếng là vay mượn vô trách nhiệm - là Hoa Kỳ!

***

Trong cả năm trời, từ khi tổ hợp đầu tư Bear Sterns bị phá sản vào Tháng Ba năm ngoái và Hoa Kỳ lâm nạn tranh cử, người ta nghe đến rác tai mãn nhãn rằng Hoa Kỳ bị khủng hoảng, nghiêm trọng không thua gì trận Tổng khủng hoảng 1929-1933. Nhìn từ Âu châu, nước Mỹ quả là có tương lai u tối...

Nhưng Hoa Kỳ hay ông Bush chỉ là lý cớ cho lãnh đạo Âu châu khỏa lấp nhiều vấn đề nội tại của họ, của hệ thống tài chánh và ngân hàng Âu châu. Việc đầu máy kinh tế là Ðức lại bận bầu cử vào Tháng Chín này không giúp ích gì cho sự giải ảo hay một nỗ lực phối hợp trong toàn khối để đối phó.

Khó hiểu nhất, dường như nhiều nước Âu Châu vẫn chưa thấy ra mức độ trầm trọng của nạn suy thoái, có khi sẽ tuột dốc thành nguy cơ giảm phát - deflation: thất nghiệp tăng và hàng hạ giá mà vẫn bán không chạy. Trong giả thuyết tai hại ấy, quy định của hệ thống tiền tệ Âu châu thống nhất sẽ không cho phép khối này áp dụng giải pháp in tiền để nâng mức lưu hoạt (quantitative easing) như Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã khơi khơi thi hành từ Tháng Chín năm ngoái.

Khi nào dân xuống đường biểu tình đập phá, và chính phủ đổ hàng loạt, Âu châu sẽ lại hậm hực nhìn qua Ðại Tây Dương. Kinh tế Mỹ quả là đắm mà không chìm. Âu Châu thì ngược lại... nên thầm mong Mỹ kịp đổ bộ... nói chuyện giải cứu. Nhìn từ Âu châu thì Hoa Kỳ vẫn đáng ghét như xưa.

Họ chỉ mong là Obama sẽ sớm Âu hóa nền kinh tế Mỹ. Khi ấy, đôi bên sẽ bình đẳng, dưới đáy.

12 THÁNG ANH ĐI