
Võ Chung
Được biết đến là chuyên gia hàng đầu về chủ quyền biển Đông và hải đảo Việt Nam, nhưng ít ai biết được tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã đang gầy dựng bếp Việt trên toàn thế giới.
54 dân tộc, hơn 3.000 món ăn. Sao không tận dụng kho văn hóa vô giá này để quảng bá Việt Nam ra thế giới?
Kết nối bếp Việt
Hàng ngàn năm nay, người phụ nữ Việt Nam từ các quý cô, quý bà trong gia đình khá giả, đến chị em vùng thôn quê quanh năm tất bật với ruộng đồng đều biết cách chế biến và thưởng thức món ăn ngon.
Ngoài Bắc có phở, miền Trung có bún Huế, mì Quảng, trong Nam có lẩu... Người Việt cũng rất nhiều người sành ăn như Tản Đà, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng... Nhưng món ăn của người Việt bao đời nay cũng chỉ quanh quẩn trong đất nước hình chữ ‘S’.
Cuộc chiến tại Việt Nam có nhiều bi kịch, cả triệu người nằm xuống nhưng cũng khiến chúng ta có gần 3 triệu kiều bào trên khắp thế giới. Cùng với sự hiện diện của người Việt trên những vùng đất mới, món ăn Việt được dịp mọc lên khắp Âu, Mỹ, Úc, Nga đến các nước Đông Âu...
Không ai dự tính trước điều này nhưng đây cũng là thế mạnh để quảng bá văn hóa Việt Nam ra với thế giới bên ngoài một cách rất hữu hiệu. Tiến sỹ Nguyễn Nhã, Viện trưởng Viện ẩm thực Việt Nam chia sẻ, “văn hóa Việt Nam có hai loại hình giới thiệu thành công ra với thế giới là ẩm thực và âm nhạc truyền thống”. Với ông, vai trò của cộng đồng xa tổ quốc là yếu tố không thể thiếu để nâng tầm văn hóa Việt.
Tuy nhiên, do truyền thống kỹ thuật nấu ăn các món Việt chủ yếu là học từ gia đình, học lẫn nhau. Điều này một mặt làm phong phú hương vị, nhưng cũng làm thiếu đi sự chuẩn mực cần thiết, chiều sâu để quảng bá.
Mong muốn của ông là cùng nhau xây dựng chuẩn các món ăn thuần Việt từ khâu thiết kế bếp, trang trí nội thất, dụng cụ ẩm thực, cách chế biến món ăn, trình bày... Làm cho khắp thế giới nơi chưa có ẩm thực Việt Nam, thì sẽ có, nơi có rồi sẽ nhiều hơn.
Xây dựng kế hoạch nhỏ

“Chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại phải đương đầu cùng thử thách lớn như hiện nay với ông bạn láng giềng phương Bắc. Muốn dân tộc hùng cường, giữ được tinh hoa văn hóa tổ tiên, mỗi người Việt trên khắp thế giới cần phải có một kế hoạch nhỏ. Kết nối bếp Việt không nằm ngoài mục đích nâng tầm văn hóa, giữ gìn bản sắc”, Tiến Sỹ Nguyễn Nhã nói.
Người Việt trên khắp năm châu dù khác nhau về chính kiến, cách sống, nhưng ai cũng tự hào văn hóa của dân tộc mình. Nền văn hóa chứng tỏ được sự trường tồn, không bị Hán hóa bởi nghìn năm Bắc thuộc, thêm nghìn năm phụ thuộc. Tại sao mình không tự xây dựng một kế hoạch để giữ gìn và phổ biến nền văn hóa cha ông ra toàn thế giới? Tôi tự hỏi mình.
Mỗi người phụ nữ Việt Nam là đầu bếp thực thụ, chỉ còn một khâu cần phải làm ngay là kết nối mọi người với nhau thông qua kế hoạch nhỏ. Và ông Nhã tâm sự, “kế hoạch nhỏ của tôi là tổ chức bếp Việt tốt tại địa chỉ www.amthuc.net.vn để nối kết những người yêu ẩm thực Việt trên toàn thế giới, qua thông tin chia sẽ, những buổi giao lưu trực tuyến”. Gần đây, ông là chủ biên và vừa xuất bản cuốn sách ‘Bản sắc ẩm thực’ được đánh giá cao trong và ngoài nước.
Cô Trương Thị Quyền, chủ nhà hàng Little Asia tại Bruxelles (Bỉ), được nhiều chuyên gia ẩm thực trong nước xem là tấm gương trong quảng bá thương hiệu bếp Việt tại Châu Âu. Hơn 50 tờ báo ở Bỉ viết về cô. Nhà báo, chuyên gia ẩm thực Alain Coninx người Bỉ, qua chị Quyền còn cất công về tận Qui Nhơn (quê của cô Quyền) để tìm hiểu giới thiệu về ẩm thực Việt Nam. Không dừng ở việc của một đầu bếp, chị Quyền còn dạy nấu ăn, viết sách hướng dẫn cách chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc mình. Những con người hết lòng vì văn hóa Việt như thế thật đáng tôn vinh.
Những trăn trở không già
“Ca trù, chầu văn, dân ca Việt Nam trong tương lai sẽ là dòng nhạc thời thượng của thế giới như nhạc Jazz. Kích động mà không cuồng loạn, không chỉ thưởng thức mà còn có tác dụng chữa bệnh”, TS Nhã nói đầy sự tự tin của dòng nhạc truyền thống trong tương lai. “Nhưng để đạt đến mức này cần phải có sự đồng thuận giữa nhà nước, các câu lạc bộ và những nhóm nhạc biểu diễn chuyên nghiệp”, và đầy trăn trở.
Với TS Nhã bất cứ lĩnh vực ông cũng muốn nâng tầm văn hóa, tâm hồn người Việt, cốt để dân tộc lớn mạnh hơn. Theo ông, văn, thơ được dạy trong các trường phổ thông hiện nay quá thiên về phân tích, lý luận mà thiếu đi tính cảm thụ. Từ đó ông mạnh dạn đưa chương trình hát thơ vào trường học và được thử nghiệm tại nhiều trường THCS, THPT tại Sài Gòn. Đây kinh nghiệm của ông trong gần 10 năm làm trưởng ban nghiên cứu giáo dục trước 1975 tại miền Nam. Cách tiếp thụ văn học này được GS Hoàng Như Mai, cây đại thụ của văn học Việt Nam đánh giá cao và có ý kiến cần nghiên cứu nghiêm túc để nhân rộng.
Tôi đã từng nhiều lần thấy ông bật khóc khi nói về chủ quyền về biển Đông và hải đảo Việt Nam, về thế hệ kế tiếp chưa có nhiều người dám dấn thân nghiên cứu về vấn đề được cho nhạy cảm và cả nước mắt vui mừng khi không ít người trẻ quan tâm.
TS Nhã từng mời Phó tổng thư ký hội nhiếp ảnh Trung Quốc, Cố Lập Quần đến nhà để trao tặng tấm bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ”, do giám mục Jean Louis Taberd vẽ năm 1838, để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là không thể chối cãi. Ông cũng gửi lời nhắn cùng tôi trước lúc chia tay: “Bất cứ người Việt Nam nào cần ‘An Nam đại quốc họa đồ’ hãy đến cùng tôi, tôi sẽ tặng để treo ở trường học, công sở... mà nhắc nhớ mọi người khẳng định chủ quyền dân tộc”.