17 thg 11, 2009

Alexander Solzhenitsyn: văn tài và đạo đức của sự thật

Huy Lực Bùi Tiên Khôi

Trong ba mươi bốn năm định cư tại Hoa Kỳ, quê hương thứ hai, tôi tìm mọi cơ hội cố gắng đi thăm hầu hết 50 tiểu bang của quốc gia hùng mạnh phát triển nhất trên hành tinh này. Như một tình cờ định mệnh, tôi đến Vermont hai lần, một trong những tiểu bang xa xôi nhất cách thành phố Houston, nơi tôi định cư hàng ngàn dặm. Vermont College of Medicine, nơi người cháu con cô em ruột của tôi tốt nghiệp bác sĩ y khoa và cũng chính tại tiểu bang này tôi gặp Solzhenitsyn, một nhà văn vĩ đại, một đạo đức nhân cách phi thường đã lột trần sự tàn nhẫn lường gạt của chủ nghĩa cộng sản bạo lực.

Vermont do một người Pháp tên là Samuel de Champlain đặt chân đến đây năm 1609, ông ta đặt tên cho vùng này bằng Pháp ngữ Vert Mont, vùng núi xanh và đến năm 1791 gia nhập vào liên bang Hoa Kỳ là tiểu bang thứ 14 với tên Vermont. Tiểu bang này đặt một Motto, một đề ngữ biểu tượng là tự do và đoàn kết, Freedom and Unity, trong khi Motto của tiểu bang Texas (Houston) là bằng hữu tình bạn, friendship. Tình bạn bằng hữu thật sự chỉ nẩy nở trong tự do và kết đoàn.

Tiểu bang Vermont có một nhà hát đặc biệt độc đáo không có một nhà hát thứ hai bất cứ nơi nào trên thế giới đó là Haskell Opera House. Vì một sự lầm lẫn địa điểm khi khởi sự công trình kiến trúc năm 1904, Haskell Opera House được xây dựng ngay trên ranh giới giữa tiểu bang Vermont, Hoa Kỳ và Quebec, Gia nã Đại. Khi cuộc tranh chấp địa điểm của nhà hát này được hai quốc gia minh định rõ ràng thì phần sân khấu dành cho nghệ sĩ trình diễn thuộc lãnh thổ Gia nã đại và phần đất khán giả ngồi thưởng ngoạn thuộc quốc gia Hoa Kỳ.

Chính tại Haskell Opera House này tôi gặp Solzhenitsyn năm 1990; sau đó ông đưa tôi đến thăm trang trại của ông tại Cavendish, một nơi thật đìu hiu vắng vẻ của tiểu bang Vermont. Hỏi ông tại sao chọn định cư ở nơi này, ông trả lời ở đây rất giống quê hương, nơi ông chào đời.

Người Việt Nam, người Đông Phương chúng ta, nền giáo dục truyền thống đặt trên căn bản: tiên học lễ hậu học văn; thời thơ ấu trước hết phải rèn luyện đạo đức, sau đó mới học kiến thức để sống hữu dụng với đời. Đạo đức nằm ngay ở trong tâm hồn mỗi người, đạo đức thể hiện ngay trong từng hành động của mỗi người. Xã hội đánh giá đạo đức của từng người và cho điểm nhân cách của họ, hay đơn giản hơn: đạo đức ở ngay trong lòng mình và nhân cách ở trong miệng của kẻ khác.

Khi còn thiếu thời tôi được học hỏi một đạo đức nhân cách siêu việt của nhà nho, nhà giáo dục gương mẫu cuối đời Trần: Chu Văn An.

Ông sinh năm 1292 tại làng Văn thôn, huyện Thanh Đàm, nay là huyện Thành trì thuộc thành phố Hà Nội. Thuở thiếu thời ông đã nổi tiếng là một thư sinh chỉ chăm lo đọc sách thánh hiền để tự rèn luyện đạo đức sửa mình và trau dồi học vấn kiến thức uyên thâm. Lớn lên Chu Văn An thi đỗ Thái học sinh, nhưng ông từ chối quan chức không ham lợi danh, về quê mở trường dạy học. Với kiến thức học vấn tài năng hơn người uyên bác, đạo đức nhân cách thanh cao sáng ngời, ông là nhà giáo lừng lẫy thời bấy giờ và môn sinh khắp nơi đổ về theo học rất đông.

Đến đời vua Trần Minh Tông, vua mời ông vào cung để dạy học cho Thái tử và con của các vị đại thần trong triều. Đến đời vua Trần Dụ Tông, chính sự đổ nát hầu hết những đại thần kề cận nhà vua là những kẻ tham ô nhũng lạm chỉ biết nịnh hót đục khoét phá hoại quốc gia. Nhà giáo Chu Văn An với tiết tháo kiên định đã dẹp bỏ nguy hiểm cho mạng sống cá nhân mình, với dũng cảm của đạo đức nói lên sự thật, ông dâng sớ hạch tội và xin chém bảy kẻ tội thần, bảy kẻ gian nịnh được nhà vua sủng ái. Vua Trần Dụ Tông không chấp nhận, ông bèn treo mũ áo quan ở cửa Huyền Vũ cung vua, rồi ra đi ngao du vui chơi cùng sông núi, sau về ở ẩn tại Chí linh và qua đời năm 1370. Thất trảm sớ, cái đạo đức dũng cảm chính trực nói lên sự thật, đã đưa nhân cách của Chu Văn An rực rỡ sáng ngời trong lịch sử văn học giáo dục nước nhà.

Năm 1974 tôi lại được chứng kiến một đạo đức nhân cách ngoại hạng tuyệt vời của tây phương: Alexander Solzhenitsyn.

Khi Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh quyết định phải chận đứng hành động xâm lược của cộng sản Hà Nội bằng việc oanh tạc phá hủy hệ thống chuyển vận tiếp tế của Bắc Việt, ông Daniel Ellsberg đã tiết lộ tài liệu tối mật của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam mục đích thổi bùng lên phong trào phản chiến. Hòa điệu cùng với những nước cộng sản, những văn nhân nghệ sĩ báo chí thiên tả khắp nơi ầm ĩ nổi lên chỉ trích Hoa Kỳ thả bom trừng trị kẻ xâm lược. Chỉ có Alexander Solzhenitsyn ông dõng dạc lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ tiếp tục dội bom, tiếp tục chận đứng cuộc xâm lăng vào miền Nam Việt Nam để cứu 25 triệu người Miền Nam tự do khỏi rơi vào những quần đảo ngục tù Gulag. Ông Solzhenitsyn đã cực lực lên án Daniel Ellsberg là kẻ phản bội quốc gia Hoa kỳ và nói với những người phản chiến thiên tả, ông vạch rõ rằng hành động của họ sẽ ảnh hưởng sâu xa đến mạng sống của 25 triệu người Việt Nam tự do.

Solzhenitsyn sinh ngày 11 tháng 12 năm 1918, cha ông là một sinh viên khoa triết học, nhưng phải bỏ học nửa chừng để tham gia đệ nhất thế chiến và qua đời vì một tai nạn, sáu tháng trước khi ông ra đời. Mẹ ông phải làm nghề tốc ký để nuôi ông ăn học tại thành phố Rostow bên dòng sông Don êm đềm. Ngay từ thời thơ ấu, sống trong một xã hội dối trá lừa đảo ông đã mong muốn trở thành nhà văn, một chứng nhân để viết và nói lên sự thật. Ông học vật lý và toán tại đại học Rostow, đồng thời ghi danh học hàm thụ văn chương tại đại học Moscow. Thế chiến thứ hai bùng nổ, ông gia nhập quân đội cấp bậc cao nhất là đại úy pháo binh và được tuyên dương công trạng hai lần. Trong quân ngũ Solzhenitsyn đã nghe và nhìn thấy rõ nhiều sai lầm của lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin, như Stalin tin tưởng và bảo đảm không bao giờ Đức quốc sẽ tấn công Liên Xô; như Stalin sát hại những sĩ quan đạo đức có tài và dám đưa ra những ý kiến khác với Trung ương Đảng cộng sản, đến nỗi tướng Vlasov đã đưa cả quân ngũ, đến quân Đức đầu hàng…

Ông thường viết thư trang trải tâm sự những điều mắt thấy tai nghe với một người bạn trẻ, bộc bạch nổi lòng của một sĩ quan yêu nước, trong giờ phút quốc gia lâm nguy lại dưới quyền một Tổng tư lệnh, “lão ria mép” (the man with the mustache) độc tài ngu xuẩn chỉ ưa những lời nịnh hót.

Thư từ bị mật vụ kiểm duyệt và dầu không nói đích danh Stalin, dầu chiến tranh đang vô cùng ác liệt, người sĩ quan yêu nước Solzhenitsyn vẫn bị bắt ngay về tội phản động phỉ báng “lãnh tụ” và bắt đầu cuộc sống đày đọa ở trại tù lao động khổ sai hơn 7 năm và lưu đày trong vùng băng tuyết chết người ở Tây Bá lợi Á gần 4 năm.

Ngày đầu tại trại tù lao động khổ sai Ekibastuz, ông nói: “Không một ai có thể ngăn chận con đường đi của tôi, con đường tiến về sự thật; tôi sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng sự thật.”

Năm 1960 vào tuổi 42 Solzhenitsyn đã viết được khá nhiều, nhưng không có một hy vọng được xuất bản chào đời. Truyện “The First Circle” mô tả tầng địa ngục đầu tiên, những sự thật hàng ngày, nhưng cho những ai chưa từng trải qua, thật khó lòng hiểu nổi. Với kinh nghiệm sống trong lao tù khổ sai, Solzhenitsyn hoàn thành tác phẩm “One day in the life of Ivan Denisovich” với lối hành văn kể chuyện về một ngày sinh hoạt của một tù nhân thợ mộc tên Ivan Denisovich. Chỉ một ngày thôi trong thời gian 10 năm tù như vô tận; từ 5 giờ sáng khi tiếng kẻng giục giã đánh thức, người tù nhân hối hả khởi sự một ngày, dùng tất cả những mánh mung thủ đoạn gian lận để qua mặt cai tù để sống còn, cho đến 10 giờ đêm gieo mình lăn ra ngủ. Solzhenitsyn có một nghệ thuật viết văn trong sáng nhưng cực kỳ sâu sắc sống động, “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” quyển sách tuy mỏng nhưng trở thành một bản cáo trạng lột trần hệ thống tù đày khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản Stalin.

Năm 1962, bản thảo truyện “Một ngày trong đời của “Ivan Denisovich” được đưa ra thảo luận tại một phiên họp Trung ương Đảng cộng sản Liên xô. Theo tài liệu được giải mật tiết lộ: Lãnh tụ Nikita Khrushchev, kẻ thâm thù với Stalin, người quyết tâm hạ bệ Stalin, đã bênh vực Solzhenitsyn và cho phép quyển “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” được đăng trên báo, được in thành sách, được đem ra giảng dạy tại các trường học ở Liên Bang Xô Viết. Trong phiên họp này Khrushchev đã nói với các đồng chí trong Ban lãnh đạo Tối cao Liên Xô, dịch ra Anh ngữ, nguyên văn như sau: “There is a Stalinist in each of you, there’s even a Stalinist in me. We must root out this evil.” (chuyển ra Việt ngữ: Có một tinh thần độc ác Stalin trong mỗi các đồng chí, có một tinh thần độc ác Stalin ngay trong bản thân tôi. Chúng ta phải bứng tận gốc rễ quăng cái xấu xa quỷ ám nầy ra ngoài.)

Sự việc này đã cải chính nhận định của một số người nghiên cứu văn học cho rằng: Trung ương đảng cộng sản Liên Xô trong năm 1962 đã cho tác phẩm “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” ra mắt công chúng chỉ là một việc cẩu thả lầm lẫn do sơ ý.

Tác phẩm này được dịch ra nhiều thứ tiếng và được hoan nghênh khắp cả hoàn cầu. Sau đó hai tác phẩm “The First Circle” (Tầng đầu địa ngục) và “Cancer Ward” (Trại Ung thư) được dịch ra Anh ngữ và phổ biến cùng khắp thế giới. Hai tác phẩm “Tầng đầu địa ngục” và “Trại ung thư”, ông viết sự thật về cuộc sống đời mình, cảnh khốn cùng trong tù ngục và căn bệnh ung thư bao tử, những nỗ lực phi thường trong hoàn cảnh nghiệt ngã ông đã trải qua. Rồi căn bệnh ung thư của ông dần dần dịu xuống, tiến triển tốt đẹp hơn, nhưng ông ngậm ngùi nhận thấy chủ nghĩa ung thư cộng sản vẫn đang khốc liệt tàn phá loài người.

Năm 1970 với tác phẩm “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” Solzhenitsyn được Hàn Lâm Viện Thụy Điển trao tặng giải thưởng Nobel văn chương với lời tuyên dương, nguyên văn như sau: “For the ethical force with which he has pursued the indispensable traditions of Russian literature” (Xin dịch ra Việt ngữ: Vì sức mạnh đạo đức mà ông đã theo đuổi trong truyền thống sâu sắc cao quý của văn chương Nga). Ông đã không đi nhận giải thưởng vì biết chắc khi đã ra đi là ông sẽ không được trở về. Ông chỉ nhận giải thưởng Nobel văn chương vào năm 1974, sau khi ông bị trục xuất ra khỏi Liên Xô.

Năm 1973 Solzhenitsyn cho phổ biến một phần của tác phẩm “Gulag Archipelago”, “Quần đảo ngục tù”. Toàn bộ tác phẩm vĩ đại “Quần đảo ngục tù” với hơn 300 ngàn chữ, cũng một nghệ thuật văn chương dài hơi điêu luyện, cực kỳ sâu sắc sống động, ông trình bày cho loài người thấy rõ những sự thật tàn bạo khủng khiếp của hệ thống tù đày chằng chịt khắp Liên bang Xô Viết đã giam giữ 60 triệu người, những người có suy tư khác với kẻ cai trị ở Liên Xô.

Những tác phẩm văn chương của ông, những hành động chống đối chế độ Cộng sản độc tài bạo ngược của ông đã làm điên đầu những lãnh tụ điện Cẩm linh, nên năm 1974 Leonid Brezhnev cho mật vụ KGB còng tay ông, xô ông lên máy bay, bắt ông rời khỏi Liên Xô lưu đày qua Tây Đức. Ông đi diễn thuyết cùng khắp Âu châu, Mỹ châu và cuối cùng định cư tại Cavendish tiểu bang Vermont Hoa Kỳ năm 1976.

Năm 1983 Solzhenitsyn lại được giải thưởng Templeton Prize, giải thưởng có giá trị Mỹ kim luôn luôn cao hơn giải Nobel, trao tặng tại điện Buckingham Palace Anh Quốc; giải thưởng cho người có đạo đức nhân cách siêu việt đóng góp những công trình nhân đạo lớn lao cho nhân loại. Mẹ Teresa cũng được giải thưởng nầy năm 1973.

Khi chế độ cộng sản ngục tù Liên Xô sụp đổ, Solzhenitsyn rời Hoa Hỳ trở về nước Nga năm 1994, nhân dân Nga đón tiếp ông như một vị anh hùng. Ngày 5 tháng 6 năm 2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin thân hành đến nhà ông ở gần thủ đô Mạc Tư khoa để trao tặng ông Giải thưởng Quốc gia của Liên Bang Nga (State Prize of Russian Federation) về những công trình văn chương đầy tính chất nhân đạo của ông. Ông qua đời ngày 3 tháng 8 năm 2008 vì bệnh tim, thọ 89 tuổi.

Năm 1990 tôi gặp ông, dầu ở Hoa Kỳ đã gần 15 năm, nhưng ông nói Anh ngữ không được lưu loát lắm, trái lại khả năng viết đọc Anh văn của ông khá thông thạo nhờ mẹ ông đã luôn luôn khuyến khích ông học Anh ngữ lúc thiếu thời. Khi tôi xuất bản quyển sách “20 poems and 1000 thoughts” (20 bài thơ và 1000 danh ngôn tư tưởng) sách in mỹ thuật bìa cứng do nhà xuất bản danh tiếng Hoa Kỳ Professional Press ấn hành, tôi gởi tặng Solzhenitsyn một bản quý. Ông viết thư ngay, trả lời cảm ơn và cho biết ông rất thích câu tôi viết tại trang 39 của quyển sách này: “Everyone who remembers his own communist experience, remembers torture not only methods and techniques but the policy of systematic brutality”.

Dịch ra Việt ngữ : Mọi người ai đã nhớ qua những kinh nghiệm bản thân với cộng sản, họ chẳng những nhớ những phương pháp và kỹ thuật hành hạ tra tấn mà còn cả một chính sách tàn bạo độc ác được tổ chức thành hệ thống.)

Tôi vô cùng bàng hoàng xúc động khi nghe tin ông đã vĩnh viễn ra đi. Nhớ ngày chia tay tại nhà ông năm 1990, chúng tôi đã ôm hôn má nhau. Tôi đã nhìn thật rõ khuôn mặt đầy râu với vầng trán cao, hình ảnh một con người uy nghi dũng cảm, một tài năng siêu việt, một đạo đức nhân cách vĩ đại đã góp phần lớn lao trong việc vạch trần sự dối trá của bạo lực và khi bạo lực cộng sản hiện ra trần trụi xấu xa ghê tởm, cả nhân loại đều nôn mửa, chủ nghĩa cộng sản tất nhiên rã mục sụp đổ tan tành….

Huy-Lực Bùi Tiên Khôi

12 THÁNG ANH ĐI