6 thg 11, 2009

Bên kia bức tường (1989-2009)

Nguyễn Quý Đại

Thời gian trôi qua lịch sử và đời sống con người cũng đổi thay theo dòng đời. Nhớ lại hai mươi năm trước, đứng dưới tường dài kiên cố chia đôi Berlin, không ai có thể tưởng tượng nổi nó sụp đổ sau một đêm, nhờ hàng triệu cánh tay đưa lên tạo thành trận bão dân chủ quét đi chủ nghĩa chuyên chính vô sản, chấm dứt chiến tranh lạnh. Các quốc gia Đông Âu thoát khỏi địa ngục hơn 40 năm dài dưới búa liềm, kềm kẹp… từ đó có đời sống mới với tự do và nhân quyền.

Nhìn lại bối cảnh lịch sử Âu Châu, từ Thế chiến II (1939-1945) Đức Quốc xã thua trận ngày 30.4.1945 Hitler tự tử, người kế vị là Karl Doenitz (1891-1980) đầu hàng vô điều kiện. Ngày 8.5.1949, Berlin bị chia làm 4 khu vực. Phần đất phía Tây Berlin do quân Đồng minh (Anh-Pháp-Mỹ) kiểm soát; ngày 24.05.1949 thành lập Cộng hòa Liên bang Ðức (Bundesrepublik Deutschland – BRD), thủ tướng đầu tiên là Theodor Heuss, cầm quyền từ 1949-1954. Phía Ðông do Hồng quân Nga (USSR) cai trị; ngày 07.10.1949 thành lập Cộng hòa Dân chủ Ðức (Deutsche Demokratische Republik – DDR), theo chủ nghĩa cộng sản, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Wilhelm Pieck, cầm quyền từ 1949-1960.

Hai miền ngăn cách, và sự qua lại bị kiểm soát nghiêm ngặt. Người Đức từ phía Tây (BRD) có thể sang bên Đông (DDR) chơi và trở về, không ai ở lại. Ngược lại, từ năm 1952 đến 1961, hơn 3,5 triệu người Ðông Ðức (DDR) không chấp nhận chế độ cộng sản độc tài, đã trốn sang Tây Ðức, được gọi là “bỏ phiếu bằng chân/Abstimmung mit den Füßen”[1]. Từ ngày 11.12.1957, nhà cầm quyền Đông Đức cấm công dân sang Tây Đức, ai vi phạm bị phạt tù ít nhất 3 năm. Vì những người ra đi không bao giờ trở lại, nên sau nầy DDR chỉ cho phép người lớn tuổi đi ra “ngoại quốc” trong giới hạn.

Để đối phó với nền kinh tế suy sụp, nhà cửa bị tàn phá trong chiến tranh, năm 1947 Hoa Kỳ đưa ra kế hoạch Marshall nhằm giúp các nước Tây Âu tái thiết. Josef Stalin (1879-1957) – nhà độc tài được đánh bóng là “Genius den Menschheit/ thiên tài của nhân loại” lo ngại việc các nước Đông Âu tiếp xúc với thế giới tự do và cấm không cho nhận viện trợ của Hoa Kỳ. Từ 24.7.1947, mọi ngả lưu thông Đông-Tây đều bị phong toả, người dân sống ở phía Tây Berlin bị cô lập. Hàng ngày, máy bay quân sự của Đồng minh phải bay cả ngàn phi vụ cung cấp 3440 tấn thực phẩm thả xuống Berlin, trẻ em gọi là “Rosinenbomber/ném bom kẹo”. Tháng 5 năm 1948 thì trình trạng phong tỏa này chấm dứt. Stalin thành lập tổ chức Comecon/Hội nghị Tương trợ Phát triển Kinh tế các nước Đông Âu do Hồng quân Nga chiếm. Năm 1949, Liên Xô tiếp tục chi phối các quốc gia Đông Âu theo chủ nghĩa Marx-Lenin về mọi mặt. Nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa với đường lối tập thể hoá nông nghiệp và quốc hữu hoá công nghiệp đã khiến Đông Đức trở thành chậm tiến và lạc hậu, đời sống người dân thiếu thốn, nghèo khổ. Ngược lại, các quốc gia Tây Âu kinh tế phát triển, Tây Đức phục hồi nhanh chóng, chỉ trong vòng 15 năm đã trở lại điạ vị cường quốc.

buc tuong 1Làn sóng người chạy trốn khỏi phía Đông ngày càng gia tăng. Để ngăn chặn, ngày 01.08.1961, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Krushchev đề nghị Chủ tịch Đông Đức lúc đó là Walter Ulbricht “xây tường”. 16.00 chiều thứ bảy 12.8.1961, Walter Ulbricht ký lệnh xây tường, và ngay đêm hôm đó đã cho quân đội, cảnh sát và công nhân, dưới sự hỗ trợ của Hồng quân Liên Xô, xây tường. Sáng hôm sau, 13.8.1961, một phần bức tường ngăn cách Đông-Tây Đức đã được dựng lên.

Tường dài:

- 156,4 km biên giới công sự ở Tây Berlin chiều cao 3,40-4,20 m;

- 111,9 km đường bê tông và đá và hàng rào kẽm gai 44,5 km;

- 43,7 km biên giới công sự Đông và Tây Berlin (khu vực ranh giới);

- 000,5 km vẫn còn khu vực nhà, tường đất;

- 058,95 km bảng tường biên giới chiều cao 3,40 m;

- 068,42 km hàng rào kẽm được mở rộng với chiều cao 2,90 m;

- 161 km đường đi có đèn chiếu sáng;

- 113,85 km biên giới tín hiệu và rào chắn (GSSZ);

- 127,5 km về liên lạc và tín hiệu hàng rào;

- 124,3 km tuần tra;

- 186 đài quan sát (quanh Berlin 302 cái);

- 31 đài chỉ huy;

- 259 con chó săn kiểm soát dọc theo tường;

- 20 lô cốt;

Trong tổng số 167,8 km biên giới với Tây Berlin, 43,7 km nằm trong thành phố Berlin và 112,7 km nằm trong tỉnh Postdam. Có 63,8 km chạy qua khu vực có công trường xây dựng, 32 km xuyên qua vùng có rừng, 22,65 km qua đồng trống và 37,95 km nằm cạnh sông hay hồ. Hệ thống bảo vệ biên giới này có chiều ngang tổng cộng khoảng từ 30 m đến khoảng 500 m (ở Potsdam) tùy thuộc vào địa hình. Mìn và hệ thống súng bắn tự động không được lắp đặt ở Bức tường Berlin nhưng được gắn dọc theo biên giới Đông/Tây Đức.

Khối Warszawa góp phần vào việc xây dựng tường này không những chia đôi nước Đức, mà còn giữ vai trò ngăn cách cả Đông Âu với Tây Âu trong cuộc chiến tranh lạnh, trở thành biên giới giữa 2 khối Nato – Warszawa.[2] Sau nầy, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev lên nắm quyền, chủ trương “Glasnost/đổi mới”, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thuộc khối Đông Âu. Một làn sóng cách mạng lan khắp Đông Âu trong suốt năm 1989, đưa tới sự sụp đổ thiên đàng cộng sản tháng 12.1991 tại Liên bang Xô Viết.

Trước cao trào đòi dân chủ ở Đông Âu, Gorbachev đã cảnh cáo chủ tịch Đảng Cộng sản Đông Đức Honecker nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập DDR (ngày 7.10.1989 “wer zu spät kommt den bestraft das Leben/ ai đến trễ sẽ bị đời trừng trị”). Tối thứ Hai, ngày 27.9.1989, tại thành phố Leipzig, hàng chục ngàn người tham gia biểu tình gồm nhiều thành phần trong xã hội đòi chính quyền trả lại tự do dân chủ. Họ chọn tối thứ Hai hàng tuần tiếp tục biểu tình ở quảng trường Karl Marx. Ngày 9.10.1989, gần 100 ngàn người đã tràn ra khắp mọi nẻo đường tuần hành, và càng về sau càng đông hơn. Leipzig được gọi là thành phố anh hùng của Đông Đức (“Heldenstadt der DDR”). Phong trào biểu tình lan nhanh đến các thành phố lớn như Berlin, Dresden, Potsdam. Ngày 23.10.1989, Honecker tuyên bố từ chức.[3] Egon Krenz lên thay thế, sau đó được làm chủ tịch nước vào ngày 24.10.1989.

Dưới thời cộng sản Đông Âu, mọi cuộc biểu tình đều bị Hồng quân Liên Xô đưa cả xe tăng vào để đàn áp bắn giết.[4] Tuy nhiên, tại Ba Lan năm 1981, dưới sự lãnh đạo của Công đoàn Đoàn kết, ngọn đuốc đấu tranh chống lại chính sách độc tài cộng sản lại bùng lên bất chấp mọi sự đàn áp. Rốt cuộc, nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan phải chấp nhận Hội nghị Bàn tròn với đại diện Công đoàn Đoàn kết, dẫn đến tổng tuyển cử Tự do vào năm 1989.

Ngày 2.5.1989, chính quyền Hungary lần đầu tiên quyết định tháo gỡ rào sắt và mở cửa biên giới với Áo. Đầu tháng 7.1989, Tổng thống Mỹ George Bush tuyên bố ủng hộ các cuộc cải cách chính trị tại Đông Âu, đồng thời chính thức sang thăm Ba Lan và Hungary. Nhân dịp này, ngày 23.8, hàng ngàn người từ Đông Đức chạy qua Hungary và vào các toà đại sứ Tây Đức xin tỵ nạn. Tương tự, tại Tiệp Khắc, từ tháng 8.1989, toà đại sứ Tây Đức ở thủ đô Prag[5] bắt đầu nhận được sự chú ý của thế giới khi có nhiều người Đông Đức chạy vào tỵ nạn. Giữa tháng Tám, trong tòa đại sứ có 120 người, và mỗi ngày có thêm từ 20 đến 50 người tỵ nạn mới. Ngày 23.8.1989, tòa đại sứ phải đóng cửa theo lệnh của bộ ngoại giao Tây Đức. Nhưng trong những tuần sau đó, hàng ngàn người Đông Đức tiếp tục leo rào để vào tòa đại sứ khi thấy công an Tiệp tỏ vẻ lơ là lúc canh gác. Trong tháng 9, số người tỵ nạn lên đến cả chục ngàn. Họ sống chen chúc trong tất cả mọi phòng ốc, không đủ chỗ sinh hoạt, con cái họ không có chỗ chạy chơi. Ngoại trưởng Đức Hans-Dietrich Genscher phải sang Đông Berlin để thương lượng với chế độ cộng sản Đông Đức sau khi đã thoả thuận được với ngoại trưởng Liên Xô ở bên lề cuộc họp của Liên hợp quốc. 19.00 ngày 30.9.1989, Genscher đứng trên ban công của toà Đại sứ Tây Đức ở Prag chào mừng người Đông Đức đến xin tỵ nạn: “Chào mừng quý đồng hương, ngày hôm nay quý vị ra đi… nhưng những ngày tới mang lại tự do” (“Liebe Landsleute, wir sind zu Ihnen gekommen um Ihnen mitzuteilen, dass heute Ihr ausreisen…. der Tag, der die Freiheit brachte…”)[6] Tuyên bố của ông được đón mừng trong những tiếng reo hò. Ngày 3.9.1989, hơn 17 ngàn người được tàu lửa chở về Tây Đức. Họ được đón tiếp hết sức nồng hậu.

Ngày 04.11.1989, hơn 1 triệu người biểu tình tại Berlin đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội. Ngày 08.11.1989, toàn thể bộ chính trị của Ban chấp hành trung ương đảng từ nhiệm. Trong cuộc họp báo, Günter Schabowski – phát ngôn viên bộ chính trị đảng SED (cộng sản Đông Đức) tuyên bố tất cả công dân Đông Đức đều có thể đi du lịch “ra ngoại quốc”, đã đi vào lịch sử là ngày bức tường sụp đổ. 20.00h thứ Năm ngày 9.11.1989, đài truyền hình thông báo “Đông Đức mở cửa biên giới” (DDR öffnet Grenze). Mọi người còn ngỡ ngàng trước tin nóng bỏng khó tin thời cộng sản; 21.00h các cửa biên giới còn đóng; 22:30h làn sóng người càng đông hơn. Họ hô lớn “mở cửa”. buc tuong 3Lính gác bỏ ngỏ. Đến 00:02h ngày thứ Sáu, toàn bộ các cửa biên giới mở rộng sau hơn 28 năm đóng kín. Hàng trăm ngàn người ở hai bên Berlin lâu nay bị chia đôi leo lên cổng thành Brandenburger vui mừng ôm nhau khóc vì sung sướng. Nhiều năm dưới chế độ cộng sản bị mật vụ “Stasi” đàn áp bắt bớ giam cầm không làm họ mất đi niềm tin vào tự do và dân chủ. Các quán bia dọc theo biên giới mở cửa cho uống không lấy tiền. Những ngày sau, hàng trăm ngàn dân Đông Berlin ào ạt du lịch “ra ngoại quốc”. Sau này Schabowski nói: “Không ai có thể tưởng tượng được trước các hậu quả khi bức tường đã mở ra”. Ngày 11.11.1989, đoàn xe Trabi từ Đông Đức ào qua biên giới Herleshausen sang Tây Đức để thăm viếng và mua bán. Mỗi người từ bên Đông sang được tặng 100 Đức Kim để mua sắm. Các chợ bán hết sạch hàng hóa…[7] Trong thời gian nầy, rất nhiều người đi “hợp tác lao động” từ các nước Đông Âu bỏ trốn sang Tây Đức xin tỵ nạn. Đời sống sinh hoạt của người Việt ồn ào hơn. Người đi trước (thuyền nhân) đã hội nhập ổn định giúp người đến sau trong tình thân và cởi mở.

Ngày 22.12.1989, Brandenburger Tor chính thức mở rộng trước sự hiện diện của thủ tướng Helmut Kohl. Dù không còn biên giới, nhưng đời sống giữa hai chế độ tự do và cộng sản vẫn còn ngăn cách. Quốc hội Đông Đức bầu Hans Modrow làm thủ tướng ngày 17.11.1989, nhưng 3 ngày sau, hơn 500 ngàn người biểu tình ở Leipzig đòi thống nhất nước Đức với rừng cờ Đức (đen đỏ vàng) và biểu ngữ “Thống nhất nước Đức” (Deutschland einig Vaterland/Wiedervereinigung). Và ngày 3.12.1989, Hội nghị Thượng đỉnh Liên Xô và Hoa Kỳ đồng ý thống nhất nước Đức.

buc tuong 4Hối suất giữa tiền Tây Đức hơn 10 lần tiền Đông Đức (1=10), nhưng du khách từ Tây sang Đông buộc phải đổi 50.DM ngang với tiền Đông Đức (50=50), do đó bị mất 450 tiền Đông Đức (“bị ăn cướp có giấy tờ”).

Theo hiệp ước thống nhất kinh tế, từ 1.7.1990, tiền tệ có hiệu lực đổi một ăn một (1=1) không giới hạn; nhiều người bỗng trở nên giàu có nhờ đổi tiền.[8]

Ngày 12.4.1990, Quốc hội Đông Đức đề cử Lothar de Maizière làm thủ tướng cuối cùng, có nhiệm vụ ký những hiệp ước quan trọng.

16.7.1990: nước Đức Thống nhất vẫn thuộc khối Nato; chấm dứt mọi thù hằn; Liên Xô là bạn.

31.8.1990: Đông và Tây Đức ký vào các điều ước thống nhất.

12.9.1990: Đông Đức (Lothar de Maiziere) và Tây Đức (Hans-Dietrich Genscher) ký hiệp ước thống nhất đất nước với các đại diện tứ cường gồm Hoa Kỳ (James Baker), Pháp (Raland Dumas), Liên Xô (Eduard Schewarnadse); Anh Quốc (Douglas Hurd).

Ngày 3.10.1990 là ngày vinh quang nhất của dân tộc Đức: Tự do đã chiến thắng bạo tàn.

Theo các hiệp ước, cho đến ngày 31.8.1994, hơn 300 ngàn Hồng quân Nga và 200 ngàn thân nhân của họ rút về nước. Chính phủ Đức phải trả hơn 20 tỷ Đức kim cho việc rút quân trong 4 năm, để có thời gian giải quyết công ăn việc làm cho Hồng quân Nga. Ngày 31.8.1994, quân Đồng minh Anh, Pháp, Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Berlin (Đức không tốn tiền bồi thường).

Thống nhất nước Đức là ước mơ của dân tộc Đức, chấm dứt chiến tranh lạnh và đánh dấu sự sụp đổ của cả hệ thống “độc tài đảng trị”. Nhưng đất nước hậu thống nhất gặp khá nhiều khó khăn. Thực tế mà Đức phải đối mặt sau hơn 45 năm là một Đông Đức với nền kinh tế lạc hậu, môi trường bị ô nhiễm, các xí nghiệp không thể cạnh tranh trong thị trường tự do, đi đến việc phá sản. Tám ngàn xí nghiệp quốc doanh do Ngân hàng Tín dụng quản trị chỉ bán được 12 công ty, thu được có 800 triệu DM. Trong khi đó, số nợ thời Đông Đức cũ còn tồn đọng lên tới 108 tỷ DM! Chính sách tiền tệ đổi một đồng ăn một đồng trở thành một gánh nặng kinh tế!

Chuyện bên kia bức tường nhiều người không biết. Kể từ 1945-1990, sau 45 năm, chế độ xã hội chủ nghĩa để lại di sản là những món nợ cao hơn núi, chưa từng có trong lịch sử. Tất cả các mặt hàng sản xuất đều kém phẩm chất, không thể cạnh tranh. Do không bán được hàng, các công ty phải sa thải công nhân. Nạn thất nghiệp tăng cao. Mức sống của người dân phía Đông thấp hơn phía Tây (không thể một sớm chiều cân bằng được). Nhiều người bỏ sang Tây Đức tìm việc làm. Nhà cửa trở nên khan hiếm, cán cân sinh hoạt bị xáo trộn. Chính phủ phải trả tiền thất nghiệp, tiền cho trẻ em, tiền hưu trí, bảo hiểm sức khoẻ, tiền in sách vở cho học sinh theo hệ thống giáo dục mới… Rồi tiền xây dựng đường sá, cầu cống… Người ở Tây Đức phải đóng thuế nhiều hơn. Số tiền khổng lồ hơn 1000 tỷ DM để đầu tư xây đựng lại phía Đông như muối bỏ biển, không thấm vào đâu. Do vậy, người dân Tây Đức có khuynh hướng coi Đông Đức là một máng ăn không đáy, làm hao mòn tài nguyên quốc gia. Họ cho rằng người Đông Đức kiến thức kém, lười biếng, thiếu tinh thần trách nhiệm. Còn người Đông Đức thì nảy sinh tâm lý đố kỵ và mặc cảm là người “ngoại quốc”. Tường Berlin sụp đổ, nhưng vẫn còn một bức tường vô hình ngăn cách lòng người.

Con người không bao giờ hài lòng với đời sống hiện tại, vì thế họ quên nhìn lại quá khứ đời sống đen tối dưới thời cộng sản. Hơn 136 nạn nhân bị bắn chết trên tường (chưa tính những người bị bắn chết dọc theo tường, hàng rào, trên sông), và hơn 75.000 người bị tù, bị kết tội “phản động” vì bỏ nước ra đi. Hàng năm vẫn có người đào thoát bằng mọi phương tiện như dùng khinh khí cầu, đào đường hầm dưới tường… Một nhà phê bình đã nhận xét về nhà văn Herta Müller, người vừa được trao giải văn chương cao quý Nobel 2009, như sau: “Hai mươi năm sau sự phân chia Đông-Tây của nước Đức, Herta Müller đã được trao giải thưởng vì bà đã duy trì những ký ức về sự vô nhân của chế độ cộng sản. Bà là điển hình cho một dòng văn chương Châu Âu, quyết tâm đem lịch sử vào hiện tại với sự sắc sảo của phân tích và sự chính xác của thi ca.” Bà Müller đã mô tả được nỗi lòng của mình từng sống trong xã hội, trên một mảnh đất bị tước đi quyền làm chủ chính mình.

Thủ tướng Đức bà Angela Merkel đã nói: “Một điều rất quan trọng, là chúng ta không được xoá bỏ, không được quên giai đoạn độc tài của chế độ DDR, dù nó là lịch sử. Và chúng ta phải khuyến khích mọi người kể về nó, những gì đã xảy ra, cũng như xảy ra như thế nào.”[9]

Hai mươi năm trôi qua đánh dấu thắng lợi của nền dân chủ trong lịch sử Đức, và đánh dấu sự đào thải của một chế độ độc tài, phi nhân. Chúng ta là nhân chứng của lịch sử qua sự thống nhất của Việt Nam và của Đức. Tường Bá Linh sụp đổ thì người người ôm hôn nhau vui mừng. Trong khi đó, Việt Nam thống nhất lại mở ra nhiều trại tập trung cải tạo, hàng triệu người miền Nam gạt nước mắt ra đi. Nước Đức thống nhất mang lại một xã hội vững mạnh, tự do và dân chủ, trong đó dân quyền được tôn trọng, cựu đảng cộng sản được phép tiếp tục hoạt động dù chỉ là thiểu số nhưng vẫn được tôn trọng, những người có tội được tòa án xét xử công minh, Honecker được tha bổng, sang sống với con gái ở Chile được hưởng tiền hưu trí và mất vì bệnh năm 1994, Egon Krenz bị kết án tù một thời gian ngắn, được đối xử công bình như mọi người. Dù kinh tế thế giới suy thoái, nhưng tại Đức đời sống an sinh xã hội vẫn được bảo đảm.

Mong nhà cầm quyền Việt Nam nhìn thấy và so sánh sự phát triển của nước Đức trong 20 năm qua và tìm hiểu vì sao Việt Nam sau 34 năm người dân vẫn nghèo, trẻ em thất học, đời sống còn chậm tiến… Nên rút ra một bài học quý giá để xây dựng quê hương tốt đẹp phú cường, tôn trọng tự do dân chủ, bảo vệ lãnh hải, lãnh thổ để chúng ta có thể tự hào về một dân tộc Việt Nam hơn 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước. Cần học những sai lầm của lịch sử thế giới. Đừng để những sai lầm tiếp tục tồn tại với dân tộc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

Universal Lexikon (Faktum);

Zeitbild Die goldenen zwanziger Jahre (Ueberreuter);

Schlagzeitlen des 20. Jahrhunderts;

Hình trong tài liệu lấy từ internet.

[1] Giống trường hợp Việt Nam với Hiệp định Genève chia đôi đất nước vào năm 1954. Cả triệu người miền Bắc bỏ nơi chôn nhau cắt rún để chạy vào miền Nam. 21 năm sau (1954-1975), họ phải thêm một lần nữa bỏ chạy khỏi Việt Nam!

[2] Khối NATO (North Atlantic Treaty Organization) có 16 Quốc gia hội viên (nay tăng lên là 28 quốc gia). Năm 1955 Tây Đức thuộc Nato và 1957 gia nhập Cộng đồng Châu Âu/ Europäische Gemeinschaft (EG), từ 1993 gọi là Liên hiệp Châu Âu/ Europäische Union (EU).

Khối Warszawa (Cooperation and Mutual Assistance) là một liên minh quân sự gồm 7 nước theo chủ nghiã cộng sản (Liên Xô, Ba Lan, Bulgaria, Đông Đức, Hungary, Romania và Tiệp Khắc).

Ngày 26. 6.1963, Tổng thống Kennedy (1917 – 1963) tới thăm Berlin và tuyên bố “tôi là người Berlin” (ich bin ein Berliner). Ngày 12.6.1987, Tổng thống Ronald Reagan (1911 – 2004) đứng ở cổng Brandenburger Tor kêu gọi Gorbachev “Hãy đập bỏ bức tường nầy” (Herr Gorbatschow, reißen Sie diese Mauer nieder!/Mr. Gorbachev, tear down this wall!)

[3] Cuối năm 1990, Erich Honecker bí mật trốn sang Liên Xô và lẩn tránh trong sứ quán Chile ở Moscow (Mạc Tư Khoa).

[4] Những thời điểm các quốc gia Đông Âu nổi dậy chống chủ nghĩa cộng sản và bị đàn áp:

- Năm 1950, trước cổng Brandenburg, công nhân lao động biểu tình bị đàn áp. Ngày 16 và 17 tháng 7 năm 1952 “Volksaufstand” quần chúng nổi dậy chế độ cộng sản và bị Hồng quân Liên Xô cho xe tăng vào Quảng trường Potsdamer đàn áp, bắn chết 19 người và làm 126 người bị thương nặng.

- 1956: Hồng quân Liên Xô đưa xe tăng vào đàn áp cả ở Poznam và Warsaw, Ba Lan.

- Ngày 4.11.1956, dân chúng nổi lên đập tượng Stalin ở Budapest; Hồng quân Liên Xô với 2500 xe tăng và 200 ngàn quân tiến vào thủ đô Hungary, bắt đầu cuộc đàn áp đẫm máu.

- Đêm 20.8.1968, Liên Xô đưa hơn 500 ngàn quân vào thủ đô Prag đàn áp cuộc biểu tình “Prager Frühling”. Hơn 100 người thiệt mạng, hàng ngàn bị bắt… Đây là sự kiện khó quên đối với người Tiệp.

- Năm 1977 ở vùng thung lũng Jiu và năm 1987 ở Bradsov, người dân Roumania nổi dậy chống chính quyền, nhưng đã bị mật vụ của độc tài Ceausescu đàn áp và thủ tiêu.

- Tháng 12.1989, cách mạng bùng nổ; vợ chồng nhà độc tài Ceausescu bị giết.

[5] Tiệp Khắc/Czechoslovakia từ năm 1994 được chia thành Czech và Slovak.

[6] Ngoại trưởng Genscher cho rằng việc xuất cảnh của những người tị nạn này mở đầu cuộc cách mạng tự do ở Đông Âu. Năm 2009, nhân kỷ niệm 20 năm thống nhất nước Đức, ông nói, “Họ muốn đi tìm tự do cho bản thân, nhưng họ đã viết nên lịch sử”.

[7] Giống như Việt Nam sau 30.4.1975, hàng đoàn người từ Bắc vô Nam mua xe đạp, radio, đồng hồ… hàng đoàn công voa bịt kín chở hàng chạy ra Bắc trong một thời gian dài.

[8] Cộng sản Việt Nam thì chủ trương mỗi gia đình tại miền Nam chỉ được phép đổi 200 Đồng VN; nhiều người buôn bán có tiền không đổi được trở thành trắng tay phải tự tử… Đổi tiền lần thứ 2 và đánh tư sản, cán bộ cộng sản tịch thu tài sản rồi đuổi người đi kinh tế mới!

[9] Es ist ganz, ganz wichtig, auch in dem Maße wie die Zeit in der DDR ja Geschichte wird, dass wir dieses Kapitel der DDR-Diktatur nicht ausblenden, nicht vergessen und dass wir möglichst auch Menschen immer wieder ermutigen, von dem zu erzählen, was damals passiert ist, wie es war.

© 2009 Nguyễn Quý Đại

12 THÁNG ANH ĐI