Ngô Nhân Dụng
Thủ Tướng Manmohan Singh có nhiều lý do để nghi ngại trước khi đặt chân đến Washington gặp Tổng Thống Barack Obama. Chín tháng kể từ khi nhậm chức, ông Obama hầu như bỏ quên Ấn Ðộ, sau khi chính phủ Gorges W. Bush đã mở ra một giai đoạn ngoại giao mới đầy hứa hẹn.
Ðiều người Ấn Ðộ hận nhất là trong chuyến công du vừa qua sang Á Châu, ông Obama vẫn tiếp tục “quên” Ấn Ðộ. Tại Tokyo, ông tổng thống Mỹ nói đến vai trò quan trọng tương lai của Á Châu, nhưng trong cả bài diễn văn ông không nói đến chữ “India” một lần nào. Khi ông nhắc đến chữ này trong bản thông cáo chung với ông Hồ Cẩm Ðào thì lại chỉ làm cho Ấn Ðộ giận thêm. Vì ông chỉ nói đến tên nước Ấn Ðộ khi khuyến khích Trung Quốc hãy đóng vai tích cực hơn ở Á Châu, trong đó có việc trung gian hòa giải giữa Ấn Ðộ và Pakistan! Nói vậy khiến người Ấn Ðộ bực mình hai lần: Thứ nhất, vẫn ghép Ấn Ðộ vào cùng hàng với Pakistan; và thứ hai, ông Obama coi Trung Quốc là một cường quốc thế giới, còn Ấn Ðộ vẫn chỉ là một “vấn đề địa phương.”
Có lẽ để bù lại những sơ xuất ngoại giao đó, Tổng Thống Obama đã đề cao Thủ Tướng Singh bằng một buổi “quốc yến” (state dinner), một hình thức tiếp đón long trọng nhất mà ông chưa khoản đãi một quốc khách nào từ khi nhậm chức. Và ông Obama đã tuyên bố những lời có thể làm ấm lòng vị quý khách cũng như người Ấn Ðộ ở nước họ. Tổng thống Mỹ nói rằng “Hai quốc gia chúng ta là những đồng minh tự nhiên” (natuaral allies), một cách nhắc nhở rằng Ấn Ðộ và Mỹ là hai nước đông dân nhất thế giới cùng theo thể chế tự do dân chủ- trong khi dân Trung Quốc vẫn sống trong một chế độ độc tài đảng trị. Ông cũng đề cao mối liên hệ giữa hai nước như là “mối bang giao quyết định của thế kỷ 21” để cân bằng với những lời hoa mỹ đã dành cho Trung Quốc trong tuần trước!
Năm 2005, Ấn Ðộ và Mỹ cùng bước sang một giai đoạn bang giao mới khi Thủ Tướng Singh sang Mỹ, cùng Tổng Thống Bush tuyên bố hai nước sẽ bắt đầu hợp tác về kỹ thuật nguyên tử, chấm dứt lệnh cấm đã có từ năm 1998 khi Ấn Ðộ thử bom nguyên tử lần sau cùng. Sau đó bản hiệp ước hợp tác đã được ký kết nhưng trong hai năm nay vẫn chưa tiến được thêm tới những bước cụ thể. Ông Sing đã nhắc nhở, khi vừa bước chân đến Mỹ, là trong chuyến thăm viếng năm nay hai nước phải đạt được những thỏa thuận về chi tiết, trong đó phải vượt qua những giới hạn về trao đổi hiểu biết kỹ thuật nguyên tử mà phía Mỹ còn ngần ngại. Nhưng ông Singh hiểu hệ thống vận hành của một chế độ dân chủ cho nên đã trực tiếp nói với giới doanh nghiệp Mỹ về những cơ hội khi họ được phép đem kỹ thuật nguyên tử sang phát triển ở Ấn Ðộ. Nên biết, những nhà máy điện nguyên tử loại mới nhất của công ty General Electrics đã được thiết trí ở Ấn Ðộ vào năm ngoái, dù chưa đem dùng ở Mỹ. Ông Singh cũng lên tiếng mời các công ty Mỹ qua Ấn Ðộ tham dự vào các hoạt động, từ năng lượng, đến hạ tầng cơ sở và giao thông vận tải. Ông biết khích lệ các doanh nghiệp Mỹ tạo thêm áp lực trên chính phủ của họ, vì quyền lợi Ấn Ðộ! Mọi người chờ đợi hai chính phủ sẽ ký một bản thỏa thuận về vấn đề an toàn đối với kỹ thuật nguyên tử, một trở ngại khiến việc cộng tác còn giậm chân tại chỗ.
Ông Obama nhân dịp này cũng nhấn mạnh đến mối quan tâm chung của hai chính phủ về việc chống khủng bố toàn cầu, đặc biệt là tại Afghanistan, một nước láng giềng mà Ấn Ðộ đứng hàng thứ tư trong các quốc gia viện trợ. Ông cũng đề cao mối giao thương giữa hai nước, nhắc lại rằng Mỹ đứng đầu trong số các nước bạn hàng trao đổi thương mại với Ấn Ðộ, gia tăng liên lạc sẽ giúp cả hai nước tăng thêm số công việc làm và cùng sớm thoát ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế. Nhưng muốn người Ấn Ðộ tin tưởng và đạt được những thành quả cụ thể, ông Obama cần nói những lời nếu chưa phải là làm những hành động thân thiện hơn.
Ðể kêu gọi các doanh nhân Mỹ, Thủ Tướng Singh đã nhấn mạnh tới tài nguyên lớn nhất của Ấn Ðộ là “nhân lực hùng hậu.” Mỗi năm Ấn Ðộ sản xuất khoảng 350 ngàn kỹ sư (so với 70,000 ở Mỹ) mà các nhà nghiên cứu coi là 25% đủ tiêu chuẩn làm việc như các kỹ sư Mỹ (trong khi chỉ có 10% các kỹ sư tốt nghiệp ở Trung Quốc đạt được tiêu chuẩn này). Ông nói thêm rằng dân số Ấn Ðộ là một ưu điểm, vì đây là một nước với số người trẻ rất đông “trong khi ở các nước khác người già càng ngày càng nhiều hơn.” Ðây cũng là một cách so sánh Ấn Ðộ và Trung Hoa! Hiện nay hơn 50% trong số một tỷ mốt người Ấn Ðộ thuộc lớp tuổi từ 20 trở xuống. Một hấp dẫn khác của thị trường Ấn Ðộ với các công ty Mỹ là chính sách cởi mở trong nhiều lãnh vực, như ông Singh nêu ra, chính phủ Ấn đã chấp nhận các công ty công nghiệp quốc phòng được phép có 26% vốn ngoại quốc đầu tư. Một hành động cởi mở khác của Ấn Ðộ đối với Mỹ là việc thành lập một ủy ban giáo dục Mỹ-Ấn Ðộ, chú trọng đến bậc đại học. Hiện nay nước có nhiều du học sinh nhất ở Mỹ là Ấn Ðộ, với 105,000 sinh viên.
Người Mỹ cũng biết những ưu điểm của Ấn Ðộ là thành phần dân chúng trẻ, nhân lực khả dụng có trình độ kỹ thuật cao, nhưng quan trọng nhất là nước này theo chế độ tự do dân chủ, với hệ thống tư pháp có truyền thống tiến bộ làm nền tảng cho kinh tế thị trường. Ấn Ðộ có thể là một mô hình làm kiểu mẫu cho các quốc gia đang còn nghèo trên thế giới. Khi so sánh Ấn Ðộ với Trung Quốc người ta có thể nghĩ rằng Ấn Ðộ bị chậm chân vì sống dưới chế độ dân chủ, trong khi Trung Hoa theo đường lối độc tài nên đi nhanh hơn. Ðây là một lối nhìn thiển cận. Giáo Sư Hoàng Á Sinh (Yasheng Huang???) thuộc trường Quản trị Sloan Ðại học MIT đã so sánh sự phát triển kinh tế của hai nước Ấn Ðộ và Trung Hoa và thấy rằng tương lai Ấn Ðộ có những ưu điểm hơn Trung Quốc mặc dù trong hiện tại thì Ấn Ðộ còn đi sau về trình độ cũng như tốc độ phát triển (Ðây là một đề tài sẽ được mục này đề cập trong những ngày sắp tới).
Ðiều đáng ghi nhận là hai nước Mỹ và Ấn Ðộ đều theo chế độ dân chủ với những bản hiến pháp vững bền và ổn định nhất. Với những giá trị cùng chia sẻ như tôn trọng nhân quyền, tư pháp độc lập, giới công chức đứng ngoài chính trị, báo chí tự do, tôn giáo tự do, vân vân, hai nước có nhiều cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai.
Ấn Ðộ chỉ thực sự theo kinh tế thị trường từ sau năm 1990, mà Thủ Tướng Sandar Monmohan Singh là một người khởi xướng khi ông làm bộ trưởng tài chánh. Từ đó liên lạc kinh tế giữa hai nước đã tiến rất nhanh. Giao thương giữa hai nước chỉ đạt tới con số 60 tỷ Mỹ kim một năm, nhưng so với năm 1990 thì đã tăng lên gấp 7 lần. Hai lãnh vực mà các công ty Mỹ sẽ gia tăng đầu tư vào Ấn Ðộ là xây dựng hạ tầng cơ sở và nền kinh tế tri thức, từ tin học, năng lượng sạch đến dược phẩm dùng sinh học, vì Ấn Ðộ có một đội ngũ công nhân trí óc rất tốt.
Bang giao giữa Mỹ và Ấn Ðộ cũng đang tiến nhanh trong lãnh vực hợp tác quân sự. Hai nước đã tổ chức một cuộc thao diễn huấn luyện chung trong hai tuần, vào cuối Tháng Mười 2009 vừa qua, với sự phối hợp của xe thiết giáp, xe chiến đấu và trực thăng. Ðây là một cuộc thao diễn lớn nhất của Ấn Ðộ với quân đội một nước khác, và đây là lần thứ năm của cuộc tập trận hàng năm của quân đội hai quốc gia. Ngoài ra, quân đội Ấn Ðộ đã gửi người sang huấn luyện tại Alaska, Hawaii và quân đội Mỹ đã sang Ấn Ðộ để được huấn luyện về chiến tranh rừng rú, chống nổi loạn và chống khủng bố. Hải quân Ấn Ðộ và Mỹ cũng dự những cuộc thao diễn chung hàng năm trong bốn năm qua. Một cuộc thao diễn chung khác mang tên Malabar được tổ chức mỗi năm với sự tham dự của các hàng không mẫu hạm và tầu đổ bộ của thủy quân lục chiến; vào Tháng Tư năm nay Nhật Bản đã được mời tham dự.
Trên mặt kinh tế, các nước Á Châu cũng gia tăng cộng tác với Ấn Ðộ vì mối lo ngại chung đối với Trung Hoa. Hầu hết tiền đầu tư vào Ấn Ðộ đến từ Á Ðông. Số đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Ấn Ðộ đã vượt lên cao hơn số đầu tư vào Trung Quốc và sẽ tiếp tục trong thập niên sắp tới, theo phân tích của Ngân Hàng Hợp Tác Phát Triển Quốc Tế Nhật Bản. Hơn 30% số viện trợ của Nhật Bản được đưa qua Ấn Ðộ. Các công ty điện tử và tin học Nam Hàn cũng vào Ấn Ðộ để cạnh tranh với các công ty Mỹ. Công ty LG quảng cáo bằng 12 thứ tiếng trong thị trường Ấn Ðộ.
Cuộc viếng thăm của Thủ Tướng Manmohan Singh sẽ “đánh thức” chính phủ Obama về mặt ngoại giao. Thay vì bị ám ảnh về vai trò Trung Quốc ở Á Châu và trên thế giới, chính phủ Mỹ cần phải hợp tác với nước “đồng minh tự nhiên” của mình hơn nữa. Trong 9 tháng qua ông Obama đã bỏ phí những cơ hội mà chính phủ Bush đã mở ra trong cuộc bang giao với Ấn Ðộ. Bây giờ là lúc phải bước nhanh hơn để bù lại. Ngày mai sẽ là kỷ niệm một năm ngày thành phố Mumbai bị khủng bố tấn công. Ông Obama sẽ không mất gì hết nếu nhân dịp này kêu gọi chính phủ Pakistan sớm đưa những tay tình nghi chủ mưu vụ đó ra xét xử, hoặc dẫn độ họ như chính phủ Ấn Ðộ vẫn yêu cầu. Mạnh bạo hơn, ông Obama có thể lên tiếng về việc cải tổ Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Hiện nay chỉ có 5 quốc gia thành viên thường trực của hội đồng này, trong đó có Trung Quốc. Các nước khác như Ấn Ðộ, Nhật Bản, Ðức và Brazil đã vận động để được tham dự vào câu lạc bộ đó. Các quốc gia đó xứng đáng được đứng ngang hàng với Pháp, Anh, Ðức, Mỹ và Trung Quốc. Chỉ nói một câu, dân chúng tất cả các nước trên sẽ hoan nghênh nước Mỹ. Họ thấy khẩu hiệu “Thay đổi” không chỉ là lời nói suông mà còn được áp dụng trên trường bang giao quốc tế.
-
Bùi Bảo Trúc Bạn ta, Hôm đi mua sách cũ với người bạn mấy tuần trước, tôi mua được bức poster The Old Guitarist của Picasso đóng khung rất đ...
-
Tích ngã vị sinh thì. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi. Vô y sử ngã hàn. Vô phàn sử ngã ky. Hoàn nhĩ công s...
-
Bill Hayton (Đinh Từ Thức dịch) Lời người dịch: Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gia...