7 thg 11, 2009

Nói điều lỗi của ta là sự may cho ta


M.V.
Xem báo Tiếng dân số 79, thấy bài sau nầy, lời lẽ có phần khiêm nhường đứng đắn, bổn báo vui lòng lục đăng lên đây để công đồng lãm(*). Duy về đoạn cuối cùng của bài ấy, thì bổn báo lại cũng không thể biểu đồng tình với báo Tiếng dân được; vậy để sau nầy lại sẽ có bài biện luận. Song, dầu thế nào mặc lòng, chẳng phải nói, ai cũng biết rằng, báo Tiếng dân với bổn báo, ngoài cái tình đồng nghiệp, lại có nhiều mối cảm tình mật thiết khác, nên dẫu có khi phải cãi nhau, chẳng qua cũng là bởi cái nghĩa "quá thất tương khuy"(**) mà thôi, chớ tuyệt nhiên không có ý gì khác.

Tiện đây, bổn báo lại lấy làm ngậm ngùi có đôi lời thành thực thưa với ông Nam Kiều Trần Huy Liệu rằng: Người ta ở đời có biết "cải quá bất lẩn"(***) mới là kẻ quân tử chính nhơn, mà sự học vấn của mình cũng thường hay nhờ đó mà được mở mang tiến hóa; duy có những kẻ tiểu nhơn nông nổi, cạn thấy ít nghe, thì dẫu cái quấy của mình đã chề ề ra giữa muôn ngàn tai mắt, cũng cứ việc rấn họng già mồm, che lầm đậy lỗi, không bao giờ chịu học theo người xưa, hễ nghe lời lành thì lạy.

BIÊN TẬP BỘ (Đông Pháp thời báo)

* công đồng lãm: mọi người cùng xem chung;

** quá thất tương khuy: "quá thất" nghĩa là sai lầm, "quá thất tương khuy" nghĩa là giúp phát hiện sai lầm cho nhau (theo Bửu Kế: Hán-Việt từ nguyên, Huế, 1999);

***cải quá bất lẫn: chưa thật rõ nghĩa, có thể là: việc sửa sai thì không lựa chọn mới sửa;


NÓI ĐIỀU LỖI CỦA TA LÀ SỰ MAY CHO TA
Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng


Lời thâm cảm đối với mấy câu phê bình trong bài
Câu chuyện hằng ngày đăng trong Đông Pháp thời báo số 714

Báo Tiếng dân số 68 ra ngày 7 Avril 1928, trong bài xã thuyết Thời đại quá khứ của dân tộc ta ra thể nào về đoạn triều Gia Long có kể câu chuyện cầu viện nước Pháp cùng nhờ binh lực nước Pháp v.v... Bài Câu chuyện hằng ngày của ông C.D. đăng trong báo Đông Pháp, chỉ trích câu đó, nói rằng: "Không phải binh lực nước Pháp, có chăng là đôi mươi người Pháp sang giúp mà thôi." Ông lại cho là nhớ sách lù mù, lời văn không được tách bạch, mà ông lại có lòng lượng thứ. Tác giả được nghe mấy câu trích bình đó, rất lấy làm cảm phục mà trong lòng tự nhiên nảy ra hai điều mừng: một là mừng chung, hai là mừng riêng:

Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn

... nay có kẻ mới nghe mấy chữ "nhờ binh lực nước Pháp" mà đã lấy làm bất bình, cho là quái lạ, thật không khác gì giữa vùng sa mạc mà thấy chòm cây tốt, ở chốn rừng không mà nghe tiếng chân người, dầu cho người vô tâm đến đâu cũng phải cảm động, huống tác giả là một kẻ đa tình, không thế nào ngăn mối lòng hứng khởi được. Phỏng sử trong nước mà được một số nhiều đối với câu ấy đều có lòng bất bình như ông C.D. thì dầu tác giả vì một câu nói không tách bạch đó mà làm đích cho muôn ngàn mũi tên, tác giả vẫn cũng vui lòng chịu vậy. Ấy là phần mừng chung.

Ngọc có đá mài mà chất mới được sáng, vàng có lửa nung(*) mà tuổi mới được cao, người ở trong đời dầu cho thánh hiền, cũng không sao nói ra là đều phải cả, song có chỗ sai lầm mà không ai chỉ đến, thì trọn đời nằm mãi trong điều sai lầm đó mà không sửa đổi được, nhờ có một hai người lời ngay lẽ thẳng vạch vết(**) chỉ tỳ mà sau mình mới khỏi điều lỗi lầm sơ suất, không phạm đến nữa. Đức Khổng Tử có nói rằng: "Tôi thật may, dầu có điều lỗi thì người ta biết mà nói cho" (cẩu hữu quá nhân tất tri chi). Ông thánh còn lấy sự người ta biết lỗi mình làm may, huống chi tầm thường như tác giả, sao lại không mừng! Ấy là phần mừng riêng.

Vì có hai điều mừng đó, nên rất cảm phục mấy câu trích bình của ông C.D. và có mấy lời tỏ thật như sau nầy:

Nguyên ý tác giả trong toàn thiên bài xã thuyết đó, cốt lấy lệ chung tấn hóa trong cõi đời mà xét về dấu tích của dân tộc ta, về cuộc tấn tới mau chậm, giao thông rộng hẹp, so sánh đời nọ đời kia, tuy mỗi đời mỗi khác mà cũng không tránh khỏi cái lệ chung đó, mong cho cái cuộc tấn tới sau này sẽ thành cái cuộc của dân tộc ta, mà không phải của kẻ khác; tôn chỉ là thế, nên về đời nào mà có cuộc gì mới, thì chỉ lược thuật cái đại khái. Như chuyện Gia Long kể trên, cốt nói đương đời đó, người mình có vượt mấy muôn dặm biển, sang đến Âu châu mà cầu cứu với một nước thuở nay không từng quen biết qua lại, lại được nhờ binh lực họ giúp cho, so với Lý, Trần, Lê trước cơ cuộc có rộng hơn. Bản ý tác giả là thế, chớ không có ý khảo cứu về sự quốc tế cùng chiến sự gì, nên câu nói có lược. Song dầu thế nào mặc lòng, người nước mình hồi đó cũng có cầu cứu nước Pháp, nước Pháp cũng có hứa lời, trong cuộc chinh chiến, cũng có tàu Pháp súng Pháp và người Pháp, thì điều đó cũng không phải là không đúng sự thật. Như nói cho tách bạch, theo thuyết dân tộc ngày nay, thì Gia Long là người nước Nam, Tây Sơn cũng là người nước Nam, mà đi cầu một dân tộc khác về đánh lại với kẻ đồng tộc mình, cũng như người Tàu nhờ binh người Anh (Qua-đăng) mà bình cái loạn Hồng Dương, điều đó thật là đáng trách, song đương thời đại đó, thì vua Gia Long tức là nước Nam ta, mà những người tóc vàng da trắng, mũi nhọn mắt thau tức là nước Pháp, người Pháp cùng nước Pháp cũng không phân biệt là mấy. Trịnh Thành Công (là người mở mang đất Đài Loan) cha Tàu mẹ Nhựt, người Nhựt cho là nửa giống Nhựt Bổn, thì ông Giám mục d'Adran cùng đôi mươi người Pháp, mà nói là nước Pháp cũng không sai bao nhiêu. Còn nói sử học, thì từ nay về sau, rồi sẽ có nhà chuyên môn nào, tôi không dám biết, còn từ đây về trước, ở trong nước Nam ta ai là không lù mù mà lù mù cũng không trách là bởi những cớ nầy: Theo sử triều nhà Nguyễn như Thực lục v.v. thì gia phổ một nhà, theo sử người Pháp viết thì họ nói cho được việc họ; theo sử của nhà truyền giáo thì họ binh về đường Giáo hội, còn ngoài ra như dã sử truyền văn, mười phần sai tám chín (như những chuyện nước biển hóa ra ngọt, lá cây hóa ra chim, mà cũng đem vào trong sử để dối người sau v.v.), sử đã lù mù thì kẻ nhớ sao khỏi lù mù được?

Thôi, mấy lời nói đó, vì tôi tâm phục lời chỉ trích của ông C.D. mà tôi nói khá dài, sau tôi xin nói tóm một câu: Nước Tàu nhờ sức người Anh bình được Hồng Dương, người Tàu không chối, mà nước Tàu ngày nay vẫn lập thành Dân quốc độc lập; người mình dầu không nhận đời Gia Long có nhờ binh lực nước Pháp, thì cũng không cần biện bạch, nhưng ngày nay cứ một mực đê hèn, không lo chữa cái xấu hiện thời mà cãi nhau chuyện cũ trong một hào một mảy thì có ích gì cho kẻ sau mình, có tốt gì cho ông bà ta không(***)? Ông bà dầu có đê hèn mà con cháu làm nên công nghiệp vĩ đại, thì gọi rằng hiếu, ông bà dầu vẻ vang đến thế nào mà con cháu hư mạt, làm mất cơ nghiệp của ông bà, ấy là bất hiếu, đường nào nên lo? Kẻ hữu tâm tưởng cũng cần phải lựa chọn vậy.

Còn như ông C.D. nói: Được như nước Mỹ mới gọi rằng giúp thì tôi vẫn đốt hương cầu nguyện cho ông Hoa Thạnh Đốn nước ta mau xuất hiện, mà nay vẫn chưa thấy!

Đến như tích ông đã dẫn cùng sách ông dạy rằng nên đọc đó, thì tôi tuy ít học, cũng đã có thấy, nhưng riêng về một mặt khảo cứu, tưởng còn nhiều thứ sách, không phải một quyển Việt Nam sử lược mà cho là đủ được vậy.

Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.723 (24.5.1928)

--------------

* bản gốc là lửa nông, ở đây sửa lại;

** bản gốc là vạch vít, ở đây sửa lại;

*** lưu ý: Không tán đồng với đoạn cuối bài này của báo Tiếng dân,ban biên tập Đông Pháp thời báo đã cho đăng ở số 725 (31.5.1928) bài của Phiêu Linh Tử nhan đề Đôi lời phân giải cùng quý bạn đồng nghiệp "Tiếng dân" , nói rõ những điều này: " …nếu như báo Tiếng dân còn nhận biết sự ích lợi, sự thiết yếu của sử học thì sao lại dám bảo rằng chúng ta không nên cãi nhau về chuyện cũ? Đã gọi là lịch sử thì chuyện chi lại là chuyện không cũ? mà đã là chuyện cũ ở trong lịch sử của tổ quốc ta thì dẫu một hào một mảy lại không đáng cho ta dụng công nghiên cứu cho đến nơi đến chốn hay sao?" … "Bạn đồng nghiệp đã biết lo chữa cái xấu hiện thời là việc cần kíp mà sao không biết rằng giảng cứu bổn quốc sử cũng chính là một cái phương pháp rất hiệu nghiệm để chữa cái xấu hiện thời kia đó?"

**** M.V. có lẽ là Minh Viên, bút danh của Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), lúc đó là chủ bút báo Tiếng dân ở Huế.

12 THÁNG ANH ĐI