7 thg 11, 2009

Tường trình từ Berlin: Lá phiếu đầu tiên của 20 năm trước

Hà Giang

BERLIN - Hai ngày nữa, đúng ngày 9 Tháng Mười Một, nước Ðức, và thế giới này, sẽ kỷ niệm 20 năm ngày bức tường Bá Linh sụp đổ.
Cộng Hòa Liên Bang Ðức năm nay tổ chức lễ kỷ niệm lớn “chưa từng thấy,” với các cuộc triển lãm kéo dài nhiều tháng, và Lễ Hội Tự Do, tiết mục chính của ngày kỷ niệm, được cử hành đúng năm giờ chiều ngày 9 Tháng Mười Một.

Cuộc triển lãm lộ thiên mang tên “Cách Mạng Hòa Bình, 1989-1990” được tổ chức tại quảng trường Alexanderplatz, Bá Linh, thu hút nhiều đợt người, du khách quốc tế, và cả người địa phương, đến tham dự, mặc cho những cơn gió lạnh thỉnh thoảng cứ lại rít lên.
Trên không của quảng trường Alexanderplatz mênh mông, người ta đọc được trên tấm bảng lớn dòng chữ: “Dân Chủ và Nhân Quyền” (Demokratie Und Menschenrechte).

Hàng trăm tấm hình mô tả diễn tiến cuộc Cách Mạng Hòa Bình, khởi sự từ năm 1989, kết thúc năm 1990, và những thay đổi đến với nước Ðức sau khi hai miền Ðông Tây thống nhất, được phóng lớn và gắn lên những bức tường dựng rải rác trong khuôn viên quảng trường.

Xen kẽ giữa các tấm hình là các kios của hãng truyền hình Spiegel, chiếu lại những cuốn phim tài liệu lịch sử quan trọng. Nhiều người chen chúc xung quanh những kios này, chăm chú nghe. Có người thậm chí quay video mang về nhà cho người thân xem.

Ðược mở cửa từ ngày 7 Tháng Năm, và dự định sẽ đóng cửa vào ngày 14 Tháng Mười Một, nhưng vì yêu cầu của nhiều người, muốn cho người thân từ xa kịp đến xem, ban tổ chức cho biết sẽ gia hạn cuộc triển lãm thêm gần một năm nữa, đến ngày 3 tháng Mười, 2010.

Trên những con đường dẫn đến quảng trường Alexanderplatz, mọi cửa tiệm và nhà hàng hai bên đường tràn ngập đầy du khách.

Không khí xung quanh buổi triển lãm tưng bừng sôi động, nhưng ngay tại cuộc triển lãm, mọi người dường như trầm tư hơn. Họ đến từ khắp nơi và thuộc mọi giống dân, mọi lứa tuổi. Người già đến để ôn lại kỷ niệm, người trẻ đến để tìm học lịch sử, để tìm hiểu tâm sự của thế hệ cha anh.

“Tôi có mặt ở đó!” (I was there!) Người đàn ông đang chen chân bên cạnh tôi để xem cho rõ một tấm hình, chợt thốt lên. Ðó là ông Matthais, 43 tuổi, người Tây Ðức, vừa nói, vừa trỏ vào tấm hình chụp trước mặt chúng tôi.

Hình chụp bức tường Bá Linh vào nửa đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10, Tháng Mười Một, cho thấy người dân Ðức nhảy múa kín mặt tường, và dưới đường, giới truyền thông chen vai thích cánh, hối hả quay phim, chụp hình, ghi chép.

“Vậy ông là chứng nhân của lịch sử!”

“Lúc đó ông đang làm gì?” Tôi hỏi.

“Vâng, tôi có mặt ngay trong đêm bức tường bị sụp đổ.”

Ông Matthais cho biết tối hôm đó ông ghé chơi nhà một người bạn làm cho hãng thuốc lá West. Sau khi được biết tin qua truyền hình, họ rủ nhau lái chiếc xe bus quảng cáo của hãng thuốc lá West đi về hướng Ðông Ðức.

“Chúng tôi đã vượt qua bao nhiêu cổng gác của cảnh sát vì nói là muốn mang thuốc lá West đi phát cho dân Ðông Ðức.”

Họ đã đậu xe ngay bên cạnh xe của đài BBC và những hãng truyền thông khác.

Ông kể, đã “vui đùa như điên” giống bao người khác trong đêm đó, bằng cách “chen nhau trèo lên tường, rồi rơi xuống phía Ðông Ðức” rồi được lính gác bên Ðông Ðức đỡ dậy, dẫn qua cổng nhỏ đưa về phía Tây Ðức, “rồi lại trèo lên ngã xuống nữa, và trò chơi bắt đầu lại từ đầu.”

“Lần này, không ai bắn ai hết!”

“Ðó là lần đầu tiên trong lịch sử nước Ðức.” Ông nói.

“Cảm giác ông lúc đó ra sao?”

“Ồ, vui buồn lẫn lộn!”.

Ông Matthais cho biết hôm đó các đường bị đóng lại hết, “không ai đi bộ được, mà xe cũng không lái đi được.”

Từ Ðông Ðức, không biết bao nhiêu ngàn người tràn ra đường, họ tiếp tục túa ra tiến về phía cổng Brandenburg.

“Người ta phải đưa trẻ em và xe đẩy con nít (strollers) lên đầu để đi, vì đông người quá.”

Ông Matthais chỉ vào một tấm hình đặc kín người rồi bảo rằng, “ở ngoài còn đông hơn tấm hình kia rất nhiều.”

Thẫn thờ đứng trước bức hình có tựa “Bước Ðầu Của Cách Mạng” (First Step to Revolution), cô Angela Mueller, 25 tuổi, đến từ Ðông Ðức, cho chúng tôi biết cha cô đã chết vì bị đàn áp trong cuộc biểu tình này.

Ðó là tấm hình chụp cảnh hàng ngàn người xuống đường phản đối sự gian lận của một cuộc bầu cử địa phương tại Ðông Ðức. Dưới hình, hàng chữ ghi chú viết: “Ðây là những hạt giống nẩy mầm cho dân chủ.”

“Nhưng nhờ những người như cha tôi mà chúng ta có ngày hôm nay.” Cô nói, như tự an ủi.

Từ giã Angela Mueller, tôi bước qua một tấm hình có tựa đề “Chúng ta cùng một dân tộc” (We are one people). Ðây là tấm hình chụp cảnh những người trẻ Ðông Ðức biểu tình đòi thống nhất đất nước.

Gần bức hình này, hai thanh niên trẻ, Eric Hordes, 22 tuổi và Ferdinand Maurer, 23 tuổi, cả hai cùng là người gốc Ðông Ðức, hiện sống ở Tây Ðức, vừa xem hình vừa để phát “brochures” về “Lễ Hội Tự Do” (Festival of Freedom) cho du khách.

Họ cho biết là sinh viên vừa ra trường mùa Hè năm nay, và đang vừa làm thiện nguyện cho “Lễ Hội Tự Do,” vừa tìm việc làm sinh nhai.

Eric bảo tôi, ngày bức tường sụp đổ, em còn quá nhỏ nên không nhớ gì nhiều. Tuy nhiên ít lâu sau gia đình em qua Tây Ðức sinh sống.

“Nhưng cha mẹ em lúc nào cũng nói về việc thống nhất đất nước.”

“Ðó là điều tốt đẹp nhất xảy đến cho Cộng Hòa Liên Bang Ðức.” Eric nói.

Ferdinand cho biết em vừa tìm được việc, và sau Lễ Hội Tự Do sẽ bắt đầu đi làm.

Ferdiand cũng đồng ý với Eric, thống nhất đất nước là điều tốt, “kể cả việc mỗi người dân hiện giờ đi làm phải trích ra 7% lương để cho vào quỹ “Wiederaufbauder Ost Deutschland,” dịch là “Tái Thiết Ðông Ðức.”

Một du khách tên Nicholas Vannie, 45 tuổi, đến từ Ý Ðại Lợi cho biết ông cố tình đến thăm bạn ở Ðông Ðức vào dịp này, để tham dự lễ kỷ niệm 20 năm sụp đổ bức tường Bá Linh.

Ông Vannie chỉ vào tấm hình có tựa “Tài Liệu Này Thuộc Về Chúng Tôi” (The Files Belong to Us), và nói rằng ngày xưa bạn ông đã tham dự cuộc biểu tình này.

Ðây là tấm hình chụp cuộc biểu tình đông 50,000 người để đòi công khai hóa tên những người đã làm mật thám trong cơ quan an ninh quốc gia (Stasi) trong chính quyền Cộng Sản Ðông Ðức, cũng như bạch hóa hồ sơ mật về mọi người dân Ðông Ðức, do mật thám lập ra.

Một tấm hình khác mô tả khuôn mặt sửng sốt của nhiều người Ðông Ðức khi khám phá ra là chính bạn thân, cấp trên, hay nhân viên của họ là người đã từng làm mật thám và thiết lập hồ sơ về họ, trong đó có đủ mọi chi tiết, như tên của bạn gái, thích ăn món gì, đi dự lễ ở đâu, thân thiết với ai. Lời ghi chú viết: “Mật thám của Cộng Sản Ðức thiết lập hồ sơ cho bốn triệu người Ðông Ðức, và hai triệu người Tây Ðức. Dẹp bỏ cơ quan mật thám và bạch hóa những hồ sơ này là bước then chốt để cuộc Cách Mạng được thành công.”

Theo đà, một chuỗi những sự kiện đã đẩy mạnh cuộc Cách Mạng Hòa Bình. Tù nhân của các trại tù Ðông Ðức tổ chức những cuộc tuyệt thực tập thể, đòi hỏi điều kiện sống tối thiểu trong tù, và xét lại bản án của họ theo luật định.

Một tấm hình mô tả cảnh các tù nhân của nhà tù Bautzen thò tay ra cửa sổ để đưa ra những khẩu hiệu viết trên giấy cho biết họ đang tuyệt thực phản đối chính quyền. Lời ghi chú viết: “Vào ngày 30 Tháng Mười Một, 1990, 1,800 tù nhân tại trại tù Bautzen đã tổ chức cuộc tuyệt thực tập thể đầu tiên, kéo theo một chuỗi tuyệt thực tập thể của các trại tù khác ở rải rác khắp Ðông Ðức vào ngày 4 Tháng Mười Hai.”

Một trong những tấm hình mang lại nụ cười hiếm hoi cho những người xem triển lãm là hình một bà cụ trịnh trọng bỏ lá phiếu vào thùng phiếu. Hình không có chú thích, chỉ vỏn vẹn: “Lá phiếu đầu tiên - Tháng Tám, 1990.”

12 THÁNG ANH ĐI