Nguyễn Trầm Luân (Huế)
Ðông Berlin, Tháng Mười, 1990. Ði cùng một anh bạn từ Frankfurt Main bên phần Tây qua, tôi gặp làm quen các đồng hương của mình ở quanh các chung cư ngoại thành. Ðó là các chung cư đúc như nhau, thường thấy ở trên đất Liên Xô cũ, hay ở Hà Nội, và ngoại ô Hải Phòng cuối những năm 70.
Biến cố “đổ tường Berlin” (như người Việt ở đây gọi) bấy giờ, với các công dân Ðông Ðức, đã thấm dần vào trong sau một năm, nhưng, với những người Việt trẻ lanh lợi, đang bừng lên như cơ hội sinh nhai được “giải phóng.” Ở các chân cầu thang, góc làng quê Việt bổ bã hiển hiện với các quán ăn và uống, các khuôn mặt râu ria gân guốc, các khuôn mặt tròn hây hây vì lửa gas và đồ nhậu. Bún bò và bánh cuốn. Chả giò và xúc xích. Khoai tây chiên và bánh mì Thổ. Khách hàng lạ, là người Ðức thất nghiệp trong vùng, nay đã trở nên quen. Các vách tường loang lổ chen chúc các lời rao và quảng cáo, chữ Việt và chữ Ðức sai chính tả – Thu Huệ Phở tiếu Lam Vang, gọi điện thoại VN 5D-Mark 30 phút, hỏi Cường khàn. Ðổi tiền, nhắn chủ quán tại đây…
Tôi và “Hùng Hận” chở hai người đàn ông Ðức, “mối” làm ăn của anh ta, đến một cửa hàng lớn bán đồ điện máy (ở Ðông Ðức cũ chỉ có ít siêu thị dành cho “cán bộ nhà nước” trung và cao cấp, hầu hết đều là “cửa hàng bách hóa” mà miền bắc VN trước 1975 rập khuôn theo). Một chiếc TV và một máy hút bụi kiểu cũ được ghi chép model vào sổ của Hùng, rồi sau đó chúng tôi thả họ tại một trạm chờ xe Bus. Lúc ấy, tôi không rõ việc này để làm gì.
Chúng tôi qua nghỉ tại “căn hộ” của một chiến hữu của Hùng Hận, cách đó hai lô nhà. Anh này cho biết, khu vực đang ở, cảnh sát Ðức đã “tập kích” ba lần, đều thất bại, bởi sự cố thủ người Việt Nam với “chiến tích” là đổ máu cho cả hai bên. Cửa phòng mở, và tôi sững vài giây vì thán khí từ trong phòng ở không được thông gió tràn ra – chật hơi người và đồ ăn cũ. Căn phòng mà họ đang ở với chín người này, ở Darmstadt, chúng tôi chỉ được phép ở hai người.
Không lâu sau lúc nhận “đồng hương HN,” tôi được thết đãi một cuộc gọi điện thoại về Việt Nam miễn phí trong hơn 20 phút. Anh chàng có quai hàm bạnh này từng là kỹ sư tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội. Chỉ với một thao tác khéo léo nhắp và thả đồng Mark vào máy gọi điện thoại công cộng, cước bưu điện đã bị chôm dễ dàng – “bí quyết” của anh ta là xe hai sợi tóc, “liên kết” keo với mặt đồng xu, để nó vượt qua sensor mà không rơi hẳn vào trong hộp. Hết cuộc gọi tùy thích, kéo đồng xu trở ra.
Ngày 2 Tháng Mười, 1990, tại Ðông Berlin (Berlin Hauptstadt Der DDR), cuộc sống sau “đổ tường” của người Việt đã diễn ra với tôi như thế.
Ngày 9 Tháng Mười Một, 1989, bức tường Berlin sụp đổ. Nước Ðức đã chính thức thống nhất gần tròn năm sau, ngày 3 Tháng Mười, 1990. Sáng ấy, tôi đứng gần cổng Brandenburg, và trong tay là một phần của bức tường lịch sử. Chính xác, đó là một phiến tường với một trích đoạn graffiti đặc trưng, kèm theo chứng chỉ, mua lại từ một đồng hương Việt Nam với 20 Mark – Berlin 20 D-Mark của tôi.
Bấy giờ, đứng ở nơi một năm trước không được phép lai vãng – chỗ bức tường xưa chạy qua, tôi bắt đầu thấm hiểu về biến cố này. Nỗi bùi ngùi xen với đắng cay về khái niệm “giải phóng” âm vang và lan tỏa muộn màng, khi tôi chậm bước dọc dấu chân tường cũ.
Ðể được biết về một thứ tự do đích thực, người ta đã phải ra xa xứ sở của mình.
Ngay lúc ấy, Hùng Hận gọi điện thoại cho tôi, nói rằng “Bọn em mới giao hàng xong!” Hỏi thăm, mới vỡ lẽ, là Hùng nằm trong đường dây bán đồ chôm, thực ra, là chôm đồ để bán. Dắt khách đến cửa hàng, chỉ món hàng cần mua ở đó. Ðến đêm thì “ra tay.” Hàng giao đúng món tại nhà, giá chỉ bằng một nửa…
Sau “Ðổ tường Berlin,” người Ðông Ðức âm thầm với mặc cảm là công dân hạng hai, vẫn kín đáo và lý tính như đồng hương bên phần Tây. Các ngổn ngang chính yếu với họ, có lẽ ở trong lòng nhiều hơn.
Trong giá lạnh, trời đất nhà cửa đều một màu xám bàng bạc, nửa chào nửa vẫy các đồng hương tóc xù với áo veston cái ngắn cái dài choàng ngoài các sơ mi nhàu, chúng tôi rời Berlin phóng ra Autobahn (Highway) chen chúc, lòng đầy xáo trộn.
Giờ tan tầm tại trung tâm thành phố Darmstadt. Người kìn kìn trên phố. Ðèn xanh. Người người ào qua như thác. Tôi rảo bước cùng họ, và chợt nhận ra mình đang hòa vào một nhóm người tóc đen. Chậm bước lại, mới thấy đó là một nhóm du khách Trung Quốc. Họ có cùng một kiểu tóc ngắn xanh ót, hay thắt bím đôi, mặc comple cổ nhọn xanh đồng phục với huy hiệu Mao Trạch Ðông trên ngực, và sắc mặt vẻ nghiêm trọng. Trông họ hao hao người Việt Nam mới qua – hoặc hơi xanh mét, hoặc tai tái vàng. Khi còn là một thiếu niên, tôi từng gặp những thủy thủ Trung Quốc trên phố, luôn vui tươi với nụ cười đầy răng trắng, khi phân phát cho chúng tôi mỗi đứa một viên kẹo xanh, một huy hiệu như thế, kèm theo một cuốn “Trước tác Mao chủ tịch,” là một cuốn sổ tay màu đỏ tươi, với các “lời vàng chữ ngọc” của “Người cầm lái vĩ đại.” Hai người dừng lại bên một cột điện nhỏ. Và cả nhóm gần hai mươi người xúm lại bàn tán. Tôi ghé mắt vào. Họ cùng trầm trồ và vuốt ve, khi phát hiện ra thùng đựng rác gắn tên thân cột điện được chế tạo bằng inox. Ðó là một trong vô số cây cột điện của Châu Âu này.
Không lâu sau ngày trở về từ Berlin, một rạng sáng nơi tôi trọ, tiếng chuông reo vang không dứt. Tôi bấm nút và hỏi. Không tiếng trả lời, và chuông lại réo dài. Choàng vội áo chạy xuống. Và hoàn toàn bất ngờ: Trong cảnh tráng lệ và buốt lạnh 5 độ âm của một thành phố Tây Ðức, 11 đồng hương của tôi nhễ nhại và nhếch nhác với balô tuột quai, quần áo không đủ ấm, ba người mang vớ mà không giày, hai người chân chỉ có một giày. Họ không thể đứng yên vì lạnh, và tranh nhau nói trong khói hơi bốc ra từ miệng “Ông là người Việt mình thì xin cứu giúp chúng em với!” Một thằng trai như tôi lúc ấy, không rõ có bật khóc hay không. Chỉ còn nhớ, là đau buốt trong ngực.
“Berlin” đã đứng trước cửa nhà tôi như thế!
Thùng mì gói hai tuần ăn của tôi đã được “xử lý” sau 20 phút. Tất cả họ, bảy trai bốn gái ngủ lịm đi, không cựa quậy cho đến khi tôi thức từng người một. Ðể bảo toàn cho cả họ và tôi, tôi và hai người bạn phải chở họ đến đăng ký xin tị nạn ở trại cách đó gần hai giờ xe trước khi trời sáng. Số người này đi theo đường Ba Lan, và bị bỏ rơi ở biên giới. Bị truy đuổi với chó săn của biên phòng Ðức, đồ đạc của họ mất gần sạch sẽ. Người của “đường dây” thuê một xe tải thả đại họ giữa khuya ở miền Trung nước Ðức như thế. Các đồng hương đã tạm ổn này cảm ơn tôi bằng cách giới thiệu địa chỉ nhà tôi cho… những người vượt biên các chuyến sau! Nếu 11 người lần đầu bị bỏ rơi, đi trong tuyệt vọng, dò tìm người Việt qua tên trên hộp thư, thấy chữ “Nguyen” tên tôi, liền bấm đại chuông, thì hai “chuyến” sau với cả thảy 13 người, đã buộc chúng tôi phải sớm dọn đi nơi khác, trước khi (có thể) bị nước Ðức truy tố là đồng phạm tổ chức “nhập cảnh trái phép.”
Bức tường Berlin Việt?
20 năm đã qua kể từ ngày bức tường Berlin sụp đổ. Biểu tượng này vẫn còn gây thêm niềm thấm thía hòa trộn lo lắng cho những ai cực đoan và thiếu thức thời. Giờ đây, những người Cộng Sản còn lại đã tự khu biệt thành một loài riêng với các tín điều khó tưởng, giữa dòng nhân loại rộng mở. Bền bỉ một cách mệt mỏi, các cố gắng để chứng tỏ xã hội và thể chế họ cầm quyền ưu việt không còn thuyết phục. Mơ hồ, lúng túng trong lý tưởng, họ đành gìn giữ việc sống còn – độc quyền chân lý và ban phát chân lý.
Mai này, khi xem lại một đoạn video trên youtube, ông “chủ tịch kia” hẳn nhận thấy mình nhỡ lời chăng khi tạo ra một điển tích “ngủ và thức,” tự nhận cùng nhau “canh giữ hòa bình thế giới” từ một ý thức hệ lỗi, và lạc.
Ðể sinh tồn trong trầm luân hôm nay, người Việt Nam đang dần bị xói mòn nhân cách, chất lượng người, và văn hóa. Là bức tường của niềm tin, thì đã quá nhiều đổ vỡ. Là bức tường của nghi kỵ, thì đã quá đủ cao dày. Là bức tường của quyền bính, nó đã nên thành quách.
Thật tự hào, khi người Việt được xem như người Ðức của Á Châu về nghị lực và ý chí. Và chính thế, thật đắng cay khi ở nhà, giờ đây, để sinh tồn, người Việt phải lấy chính ý chí của người Cộng Sản (!) mới chịu đựng nổi người Cộng Sản, để nuôi trọn khát vọng làm người.
Thế đấy, Berlin của tôi!
-
Bùi Bảo Trúc Bạn ta, Hôm đi mua sách cũ với người bạn mấy tuần trước, tôi mua được bức poster The Old Guitarist của Picasso đóng khung rất đ...
-
Tích ngã vị sinh thì. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi. Vô y sử ngã hàn. Vô phàn sử ngã ky. Hoàn nhĩ công s...
-
Bill Hayton (Đinh Từ Thức dịch) Lời người dịch: Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gia...