22 thg 12, 2009

Việt Nam sắm vũ khí làm Thái Lan lo ngại

Việt Nam loan báo mua sắm tàu ngầm, máy bay chiến đấu làm người Thái quan ngại và bắn tiếng thúc giục nhà cầm quyền Hà Nội nên nghĩ lại.

“Việt Nam vừa mua một số lượng lớn võ khí từ người bạn Nga cũ, và có vẻ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực cũng như tái phát một cuộc thi đua võ trang thay vì cổ võ hòa bình.”

Tờ Bangkok Post mở đầu bài xã luận ngày 21 Tháng Mười Hai, 2009 như vậy. Từ khi có chuyến thăm viếng Nga và loan báo mua tàu ngầm, máy bay chiến đấu của ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam, cách đây hơn tuần lễ, đây là lần đầu tiên người ta thấy báo chí Thái bình luận. Chưa thấy có phản ứng gì từ phía các nước thành viên ASEAN khác, ít nhất về mặt thông tin công khai.

Thái Lan và Việt Nam đều là thành viên của Tổ Chức Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) gồm 10 quốc gia. Tổ chức này có các cuộc họp thường xuyên hàng năm cấp bộ trưởng và các cuộc họp thượng đỉnh nhằm cổ võ hợp tác mọi mặt.

Sự hợp tác, tuy vậy, có thể nhìn thấy chỉ năng động trên phương diện mậu dịch. Thái và Cam Bốt vẫn căng thẳng về biên giới. Việt Nam và Mã Lai, Phi Luật Tân, Brunei vẫn tranh chấp về chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Một bộ phận cổ động bảo vệ nhân quyền được một số nước ASEAN đề xướng nhưng vẫn khó lòng hình thành và hoạt động hữu hiệu vì Việt Nam, Miến Ðiện, Lào vẫn còn là những nước cộng sản độc tài hoặc quân phiệt không muốn các nước khác xía vào nội bộ nước mình.

Tờ Bangkok Post nói các nước ASEAN không nước nào có tàu ngầm. Ngay như Thái Lan, quân đội đã nhiều lần đề nghị mua tàu ngầm nhưng đều bị chính phủ bác bỏ vì chúng “không hữu ích để canh phòng và bảo vệ các vùng bờ biển nước nông của Thái cũng như của Việt Nam.”

Chiến đấu cơ SU-30MK2 mà Việt Nam sắp mua của Nga trang bị “hiện đại hơn” khả năng của Không Quân các nước trong khu vực.

Báo Bangkok Post cho rằng lý do chính để Việt Nam mua tàu ngầm là để tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo trong cuộc tranh chấp với các nước trong khu vực.

Theo Bangkok Post, “Quyết định của Việt Nam tăng cường lực lượng Không Quân và Hải Quân ám chỉ hai khả năng. Thứ nhất, Việt Nam gia tăng âu lo về sự xâm phạm có thể xảy ra ở các vùng tranh chấp trên biển. Ðiều đó là tin xấu đối với các nước láng giềng. Hoặc là, Việt Nam tính châm ngòi hành động và trở nên hùng hổ hơn khi đòi chủ quyền (biển đảo). Ðiều đó không chấp nhận được.”

Việt Nam gia nhập ASEAN từ năm 1995 đến nay và trở nên “một láng giềng tốt khác thường” dù trước đó từng có xung đột với Thái, Bangkok Post nói.

“Việt Nam nên nghĩ lại kế hoạch phát động cuộc thi đua võ trang ở khu vực ASEAN. Nếu không, phải loan báo chi tiết đầy đủ về vụ mua sắm võ khí cho công chúng, và giải thích lý do.”

Bangkok Post viết, “Các lãnh tụ ASEAN, bắt đầu từ Tổng Thư Ký Surin Pitsuwan, phải trực tiếp chất vấn Hà Nội về sự leo thang võ trang nghiêm trọng này. Dường như không có lý do tốt nào cho Việt Nam phát khởi một chương trình tái võ trang quân sự, nhìn từ cả về kinh tế và chính trị.”

Hồi tuần trước, bình luận về việc mua sắm võ khí của Việt Nam, Giáo Sư Carl Thayer của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc cho rằng “các tàu ngầm sẽ giúp Việt Nam, ít nhất cho họ khả năng bảo vệ các lợi ích trên biển.”

Việc mua sắm trang bị quốc phòng của Việt Nam diễn ra trong một năm xảy ra rất nhiều vụ ngư dân Việt Nam hoặc bị đâm chìm tàu, hoặc bị Trung Quốc bắt giữ, đòi tiền chuộc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn nhìn nhận chủ quyền. Ðòi chuộc tiền không trả thì giữ tàu và tài sản của ngư dân. Trước những sự phản đối của phía Việt Nam, Trung Quốc tổ chức tập trận qui mô ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như một cách thị uy. (TN)

12 THÁNG ANH ĐI