15 thg 4, 2010

Gieo hạt

Tuyết Hương

Người ta bảo tôi may mắn, mới ra đời đã được người giúp cho nổi tiếng ngay. Cũng đúng, và cũng không đúng. Nếu ở đời này muốn thành công cần phải kiên nhẫn, thì muốn được người giúp cũng cần có kiên nhẫn vậy.

Thuở nhỏ, chả có gì tỏ ra tôi có khiếu về văn chương. Làm luận văn tôi có biệt tài về dùng những chữ thì, là. Câu nào cũng tìm được cách cho được một chữ vào. Bài luận văn dài chưa đầy một trang, cô giáo đếm được hơn một tá “thì”. Tôi còn nhớ một hôm phải làm đơn trình ông cò đêm qua nhà mất trộm. Cô giáo đã đọc câu: “Đang thiu thiu ngủ bỗng nghe tiếng động tôi vội chồm dậy”. Cả lớp cười. Người ta ngỡ tác giả là một chú khuyển. Người thì ngồi nhổm dậy, chứ ai lại “chồm dậy”!

Không có khiếu về văn chương, tôi lại mộng làm thi sĩ. Ấy thế mới tội! Trong khi các bạn nô đùa, chạy nhảy, tôi chỉ mãi dạo tha thẩn dưới gốc cây, trông mây bay nghe chim hót mà tìm vần. Tới khi thơ chép đã đầy cả mấy cuốn vở, đọc lên tự nghe đã… thấy hay, lại hàng ngày xem báo thấy thơ thẩn đăng nườm nượp, tôi nảy ra ý gửi đăng và chọn một bài gửi tới một tờ nhật báo. Từ hôm đó, ngày nào tôi cũng mong giờ phát báo, mở vội ra xem có thấy thơ của mình. Đêm nào tôi cũng mơ màng thấy tên mình in đậm nét trên trang văn chương.

Chờ mãi, đợi hoài. Hồi hộp hy vọng chán cái mộng tên in trên báo đã thành sự thật. Nhưng người ta in tên tôi để nhắn rằng thơ dở lắm, không đăng được. Và thành thực khuyên tôi nên chọn một nghề gì thích hợp hơn. Đừng để mất thời giờ với thơ thẩn mà xao nhãng việc học.

Lần đầu tiên tôi hiểu thất vọng là thế nào. Trời như tối lại. Tôi muốn chui vào lòng trái đất nằm im lặng mà gậm nhấm cái sầu này. Tôi có cảm tưởng như lối tới tương lai của mình đã bị hai cánh cửa sắt đen ngòm khép kín, không bao giờ mở ra nữa.

May sao tuổi trẻ là tuổi dễ quên, là tuổi dồi dào sức quật khởi. Cho nên buồn chán rồi, một hôm tôi nghĩ:

“Không có khiếu về thơ, thì viết văn cần chi!”

Lần này có bao nhiêu tiền túi tôi đem hết ra mua báo. Tất cả các báo hiện phát hành: nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san… Tôi muốn xem tờ nào có cảm tình với hạng văn sĩ tập sự nhất để gửi gấm tác phẩm của mình.

Đã cẩn thận thế mà bài của tôi cũng bị từ chối. Có lẽ trái tim đã “dày dạn” vì lần thất vọng trước, lần này đã không buồn tôi lại nghĩ:

“Đã thế không thèm làm văn sĩ nữa!”

Trên đời này đâu phải chỉ có nghề viết văn. Thiếu gì thứ sĩ khác nhỉ!

Không may chưa được bao lâu tôi bị ốm nặng. Lần này tương lai coi bộ đen tối thật. Trong những ngày đen tối nhất, không thể làm gì khác, tôi lại tìm đến giấy bút. Tôi viết một truyện buồn, lấy nhan đề “Sống với đối với”. Đúng dịp tờ Văn hoá ngày nay ra đời. Và tôi đã gửi truyện ngắn này tới tờ báo quy tụ nhiều cây bút lão luyện nhất. Thật đúng là liều!

Gửi bài đi mà không mong được trả lời. Bị mấy lần thất vọng, tôi cũng yên trí mình không có khiếu về văn chương. Cứ tin chắc bài của mình lại vào sọt giấy, không chờ đợi nữa cho tâm trí yên ổn mà viết bài khác. Nhờ kinh nghiệm từng trải tôi đã trở nên “khôn ngoan” như vậy. Với lại làng báo hàng ngày còn phải nửa tháng mới biết bài không được đăng. Văn hoá ngày nay mỗi tháng ra có một kỳ, ít ra phải chờ sáu tháng.

Đã chắc như vậy nên tôi vô cùng ngạc nhiên khi bài gửi đi chưa được hai ngày đã được trả lời. Lại thư riêng. Chính ông Nhất Linh viết! Thật quả tôi không ngờ hạng văn sĩ tập sự mà được cái vinh dự ấy.

Thú thật tôi không thể tưởng tượng văn của mình sẽ được khen, lại được khen “hay vô cùng”. Ông lại khuyên tôi rất nên viết nữa, viết thật nhiều. Chỉ có vài dòng thôi. Nhưng ông đã viết thêm rằng với văn của tôi ông cần gặp để nói chuyện nhiều. Ông đã mời tôi tới toà soạn.

Lẽ dĩ nhiên tôi không thể tới. Tuy tôi rất muốn gặp ông cho biết người, biết mặt. Trong thư phúc đáp tôi đã nói rõ lý do. Và tôi đã được ngay thư ông yêu cầu tôi nên yên trí tĩnh dưỡng, ông sẽ tới thăm. Vài hôm sau ông đã thân hành tới gặp tôi thật. Cuộc gặp gỡ chả có gì là đặc biệt. Hồi đó đã đang ốm, tôi lại hãy còn rất nhút nhát.

Sau khi hỏi thăm về bệnh tình, sức khoẻ của tôi, ông đã an ủi rằng ở thế kỷ XX, khoa học tiến bộ thế này, bệnh phổi chỉ như những bệnh tầm thường khác, chẳng có gì đáng bi quan. Chắc chắn tôi sẽ bình phục một ngày gần đây. Tới chuyện văn chương, ông cho biết vì sao bài của tôi được đọc trước những bài khác. Và ông mời tôi cộng tác, sẽ được trả nhuận bút cao nhất.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy giúp tôi lấy lại tin tưởng, trở nên vô cùng phấn khởi. Vừa hôm nào đây tôi còn tưởng mình là kẻ vô tài, chả có văn sĩ, thi sĩ nào thèm đếm xỉa tới. Làng văn đối với tôi như một thế giới bất khả xâm phạm. Thế mà hôm nay, một nhà văn kỳ cựu, lão thành, đã thân hành tới thăm, khen văn tôi, mời cộng tác. Tôi tưởng đâu mình mơ ngủ. Song sự thật rành rành. Mấy tập báo với hàng chữ đề tặng dưới ký tên, chính ông vừa đưa cho, còn để trên bàn kia.

Tiếc rằng tờ Văn hoá ngày nay cũng như ông Nhất Linh không được thọ. Song nếu tôi được biết tới, tên tôi được xuất hiện trên những báo khác, và nếu rồi đây tôi sẽ có một sự nghiệp văn chương, chính là nhờ ông vậy. Chứng cớ là những bài xưa kia bị từ chối nay lại được khen hay!

Phương ngôn ta có câu: “Uống nước nhớ nguồn”. Biết ơn là một trong những đặc tính thiên nhiên của con người. Song đối với người làm ơn không mong được trả, tôi chỉ biết tự hứa sẽ cố gắng mãi. Khi giúp tôi, chắc ông cũng như người gieo hạt. Người gieo hạt mong hạt mình gieo sau này sẽ trở nên cây tốt đẹp. Tôi tin rằng ông cũng mong tôi sẽ trau giồi cho văn tiến nữa, đẹp hơn.

Tài văn chương chắc không phải chỉ có một ông Nhất Linh. Song nếu những văn tài khác cũng thực tâm nâng đỡ bọn trẻ, tôi dám chắc sẽ còn tìm ra nhiều Tuyết Hương khác.

12 THÁNG ANH ĐI