5 thg 5, 2010

Tâm tư Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

Cuốn sách sắp ra mắt của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng

Đinh Quang Anh Thái/Người Việt

Ngày Chủ Nhật, 16 tháng 5 sắp tới lúc 1 giờ trưa tại Westminster Civic Center, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng sẽ cho ra mắt sách “Tâm tư Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.” Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng từng là tổng trưởng Kế Hoạch và Cố Vấn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Hai tác phẩm của ông đã được dư luận chú ý rất nhiều là “Hồ sơ mật dinh Ðộc Lập” và “Khi đồng minh tháo chạy.” Là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử đầy uẩn khúc và có điều kiện đặc biệt để tiếp cận với những diễn tiến nơi hậu trường, qua tác phẩm “Tâm tư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu,” Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng sẽ trình bày nhiều sự thật và đưa ra một số bí mật chưa ai hiểu về những suy nghĩ, tính toán và hành xử của nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam ở giai đoạn cuối cùng trước khi rơi vào tay cộng sản.

Tin tưởng là cuốn sách có tầm giá trị đặc biệt, ký giả Ðinh Quang Anh Thái đã đề nghị Tiến Sĩ Nguyễn Tiên Hưng dành cho nhật báo Người Việt một cuộc phỏng vấn tại tòa soạn, được ghi lại như sau đây.

ÐQAThái: Cuốn “Tâm tư Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu” sẽ được ra mắt vào Chủ Nhật, 16 tháng 5 sắp tới tại Westminster Civic Center so với hai cuốn trước kia là “Hồ sơ mật dinh Ðộc Lập” và “Khi đồng minh tháo chạy” có những điểm nào đặc sắc và khác biệt?

T.S Nguyễn Tiến Hưng: Thưa anh Thái, khác hẳn hai cuốn trước của tôi, “Hồ sơ mật dinh Ðộc Lập” và “Khi Ðồng Minh tháo chạy” viết về người Mỹ, hướng vào việc đồng minh đã đối xử với lãnh đạo và nhân dân miền Nam vào lúc bỏ chạy. Cuốn mới “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” là một chủ đề khác hẳn, tập trung vào người lãnh đạo miền Nam đã suy nghĩ gì về người đồng minh và đặc biệt là lúc đồng minh tháo chạy tâm tư của ông ấy như thế nào, tức là hai khía cạnh của một vấn đề, thưa anh. Cuốn mới cũng có rất nhiều tài liệu được giải mật trong 5 năm vừa qua. Chúng tôi cũng sưu tầm qua hệ thống liên lạc riêng tư có được thêm những tài liệu mới khác nữa, thí dụ như những hồ sơ mật của Ðại Sứ Martin trước khi ông qua đời.

Chúng tôi cũng viết rất nhiều về khía cạnh con người của ông Thiệu vì ông là con người rất khép kín. Chúng tôi vì tình cờ lịch sử, có may mắn làm việc gần ông tổng thống trong gần 3 năm, sau này còn gặp ông rất nhiều lần tại London và tại Boston nên được biết một số khía cạnh nào đó về con người của ông.

T.S Nguyễn Tiến Hưng. (Hình: Triết Trần/Người Việt)

ÐQAThái: Trong thời điểm thuyền nhân Việt Nam vượt biên lên tới cao điểm, dường như ông Thiệu có nói với một nhà báo người Mỹ hay người Anh là ông không mắc mớ gì tới những người thuyền nhân đó cả. Theo ông nếu quả tình đó là lời của ông Thiệu, tại sao ông Thiệu lại nói ra một câu gây ra sự căm phẫn trong dư luận của đồng bào hải ngoại như thế?

T.S Nguyễn Tiến Hưng: Tôi còn nhớ vào mùa Thu năm 1979 khoảng tháng 9, tháng 10 năm 1979 báo Việt Nam (tại Hoa Kỳ) lúc đó có chỉ trích ông Thiệu rất nặng nề vì câu mà anh Thái vừa kể. Tôi cũng giật mình cho rằng không hiểu sao một người như ông Tổng Thống Thiệu lại nói câu đó. Tôi định nhấc phone lên hỏi ông, nhưng cũng ngại vì telephone lúc đó đắt lắm, gọi sang bên Anh rất tốn tiền. May mắn là ngay 2, 3 hôm sau chúng tôi nhận được thư của tổng thống cho biết ông rất đau buồn vì đã bị hiểu lầm. Tổng thống có kể lại rằng chuyện đó từ đầu chí cuối do một ông nhà báo tên là Michael của báo “Now,” một tờ báo lớn ở bên London, đã năn nỉ ông để được phỏng vấn mấy câu thôi, rồi xuyên tạc ra nói câu đó.

Câu chuyện đó là như thế này, “Thưa tổng thống, tổng thống có còn làm được gì đối với đồng bào của ông không, đối với vấn đề thuyền nhân không?” Khi trả lời, ý ông Thiệu muốn diễn tả là “hiện nay tôi chẳng còn chính quyền, chẳng còn phương tiện và làm được gì đối với vấn đề thuyền nhân”. Kẹt là tiếng Anh, ông Tổng Thống Thiệu thích nói tiếng Anh lắm, tiếng Anh ông nói rất lưu loát nhưng có những sắc ý nhiều khi cũng khó, chữ kẹt là “for” and “with” đáng nhẽ phải nói rằng “I have nothing to do for them,” tôi không còn gì để mà làm cho họ, theo nhà báo nói thì ông lại nói rằng, “I have nothing to do with them” tiếng Việt dịch ra là tôi không còn làm gì mắc mớ đối với họ nữa. Ông Thiệu rất đau đớn, ông nói chính thằng này, ông gọi thằng... này đã phịa ra, ông bảo rằng ông đã nói for mà nó phịa ra with, báo dịch ra là đối với, cái đó làm cho ông đau đớn lắm. Ông Thiệu yêu cầu chúng tôi tìm dịp hay báo chí nào để cải chính, ông dùng chữ “clear up giùm tôi.” Ðó là chuyện làm cho ông Thiệu đau đớn nhất vì bị hiểu lầm trong lúc phong trào thuyền nhân đang lên cao mà ông tổng thống nói như vậy thì thật là ê chề.

ÐQAThái: Thưa tiến sĩ nhưng có bằng chứng nào thật cụ thể cho thấy rằng Tổng Thống Thiệu đã nói như vậy mà báo chí viết sai đi không?

T.S Nguyễn Tiến Hưng: Trong cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu”, ngay lời mở đầu tôi có xin phép tổng thống ở thế giới bên kia cho chúng tôi được in lại bức thư này. Tôi nói rằng xin ông cho tôi được in lại ít nhất một thư này và tự tay chụp hình in lại chính văn thư nguyên bản để đồng bào thấy được sự thật của vấn đề.

ÐQAThái: Thưa Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, theo nhận định của tiến sĩ, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có phải là người được xem có trách nhiệm tối hậu với quyết định bỏ rơi cao nguyên và Quân Ðoàn II dẫn tới hậu quả 30 tháng 4 năm 1975 không?

T.S Nguyễn Tiến Hưng: Thưa anh, chúng tôi nghĩ ông Thiệu là Tổng Thống và Tổng Tư Lệnh Quân Ðội, chắc chắn trách nhiệm cuối cùng là phải về ông Thiệu. Chúng tôi không biết được hết để phê phán về nghi vấn này, tuy nhiên trong cuốn sách mới chúng tôi đã ghi lại rất kỹ những cuộc họp cuối cùng ở dinh Ðộc Lập và những mệnh lệnh lúc đó.

Về vụ rút cao nguyên, ông Thiệu phàn nàn với chúng tôi rất nhiều lần rằng buổi họp về rút cao nguyên là ở Cam Ranh, vào độ khoảng mùng 4 tháng 3 gì đó, Tổng thống nói rằng ông ấy ra hai lệnh chứ không phải một lệnh.

Lệnh đầu tiên không phải rút khỏi cao nguyên. Theo lời ông Thiệu, “Tôi không ra lệnh rút cao nguyên mà tôi ra lệnh rút khỏi Pleiku, Rút khỏi Pleiku để hy vọng đánh bọc lấy lại Ban Mê Thuột vì đứng về phương diện quân sự Ban Mê Thuột quan trọng hơn Pleiku nhiều”. Ông bảo nếu rút được hai sư đoàn ra khỏi Pleiku mà thấy rằng tình hình khó khăn quá không lấy lại Ban Mê Thuột được thì sẽ dồn hai sư đoàn đó ra yểm trợ cho ông Tướng Trưởng. Ðấy là lệnh thứ nhất, ông Thiệu nói đi nói lại là không ra lệnh rút khỏi cao nguyên.

Tôi thấy chưa ai nói về lệnh ông Tổng Thống Thiệu gọi là lệnh thứ hai. Ông nói đã ra lệnh Tổng Tham Mưu, theo dõi và giám sát. Ðáng nhẽ là ông Viên phải gọi ông Phú về để bàn bạc chương trình rút, thế mà không hiểu vì sao tối hôm ấy Tướng Phú đã rút ngay.

Ông bảo chuyện hai lệnh đó rất rõ ràng. Chúng tôi có hỏi ông rằng tại sao tổng thống không tuyên bố hay cắt nghĩa cho lịch sử hiểu điều đó. Ông bảo, “Tôi nói ra thì người ta bảo mình chạy tội, tôi hy vọng rằng một ngày nào một trong quý vị họp với tôi ngày hôm đó có đủ can đảm đứng lên nói hết sự thật.”

ÐQAThái: Thưa tiến sĩ, những người nào là nhân chứng sống có mặt trong buổi họp tại Cam Ranh mà còn sống?

T.S Nguyễn Tiến Hưng: Có 5 người ở buổi họp ấy, Tổng Thống Thiệu, Thủ Tướng Khiêm, Trung Tướng Quang, Ðại Tướng Viên và Thiếu Tướng Phú. Trong đó ba người đã chết rồi, Thủ Tướng Khiêm, Trung Tướng Quang là hai nhân chứng trong buổi họp ở Cam Ranh còn sống.

ÐQAThái: Có một dư luận thắc mắc mà hầu như ai cũng đề cập đến. Tại sao cho tới ngày vĩnh viễn lìa đời, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không để lại bất kỳ một cuốn sách hay một dấu tích nào để cho sau này hậu thế có thể biết được về giai đoạn lịch sử đó, thưa tiến sĩ?

T.S Nguyễn Tiến Hưng: Thưa anh, tôi cũng có một chương viết về chủ đề tại sao Tổng Thống Thiệu không viết hồi ký. Ngay cả chính chúng tôi cũng thôi thúc ông rất nhiều lần, có lúc ông cũng suy nghĩ rằng ông có thể viết, ông hỏi tôi rằng viết bố cục như thế nào, ai sẽ in ấn v.v... Sau cùng nghĩ đi nghĩ lại ông không viết nữa. ông ấy bảo tôi, “Tôi nói thật với anh, Mỹ đã phản bội mình rồi, bây giờ đừng có vạch áo cho người xem lưng, đừng có bêu xấu nhau nữa người ta cười thêm cho.”

Ngoài ra ông có để lại một di tích lịch sử đó là chương XVIII mà chúng tôi viết rất dài, đó là một cuộc phỏng vấn duy nhất mà chúng tôi thôi thúc ông ấy, ông ấy đã cho một bài phỏng vấn khá chi tiết để phản ánh tâm tình của ông ấy. Tờ báo ấy ở bên Ðức, ông ấy nghĩ rằng tờ báo Ðức thế nào ông Kissinger cũng đọc, bài báo đó được dịch sang tiếng Anh do chính ông Thiệu đưa cho chúng tôi với những bút tích của ổng, chúng tôi có đăng lại bài đó.

ÐQAThái: Tiến sĩ có điều gì muốn nói thêm nhân dịp tiến sĩ cho ra mắt độc giả tác phẩm mới nhất đó là cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu.”

T.S Nguyễn Tiến Hưng: Nguyện vọng của chúng tôi là cố gắng ghi lại trung thực cho hết vì chúng tôi cũng đã viết những cuốn kia nhưng còn những điều chúng tôi chưa viết hết ra được nhất là những điều phải dựa trên những bằng chứng mới giải mật soi sáng rất nhiều cho lịch sử, cho những điều chúng tôi đã viết trước đây. Chúng ta sẽ thấy hoàn cảnh của chúng ta vô cùng khó khăn mà sự thất bại không thể tránh được, hy vọng rằng độc giả sẽ tìm hiểu và đọc tất cả những dữ kiện chúng tôi mang ra để có thể đi tới kết luận riêng của mình. Vì thế chúng tôi rất mong chia sẻ những điều này với độc giả.

ÐQAThái: Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng.

12 THÁNG ANH ĐI