3 thg 7, 2010

Cuộc chiến Biển Ðông, Việt Cộng kiên trì giữ lập trường chư hầu

Nguyễn Ðạt Thịnh

Tình hình Biển Ðông (Nam Hải) và Ðông Hải đang thay đổi theo chiều hướng thuận lợi cho Việt Nam, nếu Việt Cộng nhân cơ hội căng thẳng giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ để dành lại quyền lợi trên Biển Ðông.

Hoa Kỳ bán trên 6 tỉ mỹ kim chiến cụ cho Ðài Loan, việc này làm Trung Cộng tức giận phản đối, cho là Hoa Kỳ chen lấn vào nội tình nước Tầu, vì họ vẫn chủ trương Ðài Loan chỉ là một tỉnh của Tầu.

Ðể trả đũa và làm nhục Hoa Kỳ, Trung Cộng hủy bỏ chuyến thăm viếng Trung Cộng của ông Robert Gates, tổng trưởng quốc phòng Hoa Kỳ. Gates dự định sẽ thực hiện cuộc viếng thăm này ngay sau hội nghị an ninh vùng Ðông Nam Á nhóm họp tại Singapore, và được mệnh danh là cuộc đối thoại Shangri-La, một địa danh giả tưởng tại Singapore.

Nhà văn người Anh, ông James Hilton trong quyển tiểu thuyết Lost Horizon, đã tạo ra thung lũng Shangri-La, một thiên đàng địa giới, nơi mọi người không thù hằn, không tranh chấp với nhau.

Nhưng Gates đã đối diện với thù hằn và tranh chấp ngay tại Shangri-La: tại đây ông nhận được tin là Trung Cộng không tiếp ông, và hủy bỏ cuộc viếng thăm của ông, vì Hoa Kỳ bán vũ khi cho Ðài Loan.

Gates cho rằng, Trung Quốc không hề xa lạ với việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, việc làm này liên tục diễn ra từ hơn ba thập kỷ vừa qua. Chỉ tính từ khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1979 cho đến nay, Hoa Kỳ cũng đã bán vũ khí cho Đài Loan 53 lần.

Không những thế, trong chuyến viếng thăm Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Obama cũng đã thông báo là Hoa Kỳ sẽ bán vũ khí cho Đài Loan, và Trung Quốc đã biết trước điều đó.

Ðại diện cho Trung Cộng tại hội nghị Shangri-La là đại tướng Mã Hiếu Thiên, tổng tham mưu phó quân đội Trung Cộng. Ông này đáp từ cũng gay gắt không kém.

Thái độ và ngôn từ của hai viên chức cao cấp quân sự Hoa - Mỹ tại Singapore hôm thứ bảy mùng 5 tháng Sáu cho thấy, quan hệ quân sự giữa hai nước đang thật sự có vấn đề, và vấn đề không nẩy sinh, như Gates nói, từ việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan mà thôi.

Nhiều quan sát viên cho là căng thẳng nẩy sinh vì Trung Cộng đang hiện đại hóa quân đội, tạo ra một lực lượng hải quân có thể sắp có khả năng đương đầu với haỉ quân Hoa Kỳ. Việc này làm Hoa Kỳ lo ngại.

David Shambaugh, chuyên gia nghiên cứu về Đảng Cộng sản và Quân đội Trung Quốc tại Đại học George Washington, ông nói: “Hiện đang có sự thay đổi lớn và thái độ cứng rắn trong suy nghĩ của chính phủ Trung Quốc về mối quan hệ với Hoa Kỳ trong vòng sáu hoặc tám tháng qua. Trong bối cảnh này, Washington cần phải tiến hành đánh giá toàn bộ các chính sách và chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, từ trên xuống dưới”.

Phải chăng cuộc “đánh giá toàn bộ” này đang diễn ra?

Trong cuộc đối thoại kéo dài 3 ngày tại Shangri-La thái độ của Hoa Kỳ tỏ ra quan tâm đến Biển Ðông hơn; Gates hỏi đại biểu Trung Cộng, “phải chăng chỉ ngư dân Trung Quốc mới được đánh cá trên Biển Ðông?”

Câu hỏi gay gắt của Gates đề cập đến lệnh cấm của Trung Cộng cấm ngư dân các quốc gia sống quan Biển Ðông không được đánh bắt cá hai tháng rưỡi mỗi năm -từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8- và gửi tàu ngư chính đến tuần tra trong khu vực, với lý do bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nhưng Trung Cộng chỉ áp dụng lệnh cấm này với ngư dân các nước khác, mà không áp dụng với ngư dân Trung Cộng.

Thuyết trình viên của các quốc gia Ðông Nam Á chứng minh chủ trương của Trung Cộng dành độc quyền đánh cá trên Biển Ðông, bằng cách dẫn chứng chính bản tin của Tân Hoa xã ngày 2 tháng 6, theo đó 9 ngư dân thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, bị nhà chức trách Philippines giam giữ, do các ngư dân này đánh cá ở bãi ngầm Half Moon, cách đảo Palawan của Philippines khoảng 80 km, trong thời gian 2 tháng rưỡi cấm đánh cá. Cũng theo tin từ Tân Hoa xã, 28 ngư dân khác của Trung Quốc đã bị các nước láng giềng bắt giữ từ ngày 12 tháng 5 đến ngày 21 tháng 5, khi họ đang đánh cá ở Biển Đông.

Việc các quốc gia Biển Ðông đồng loạt bắt giữ ngư phủ Trung Hoa hành nghề trong thời gian Trung Cộng cấm đánh cá, có thể cũng không phải là tình cờ. Nhiều người nói đến chiếc đũa nhạc trưởng của Hoa Kỳ.

Giới chuyên gia cho rằng, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc nhắm tới mục tiêu chiến lược lớn hơn lý là bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ông Lyle Goldstein, một học giả thuộc Trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ cho rằng, việc cấm đánh bắt cá và gửi các tàu ngư chính Trung Quốc tuần tra trong khu vực chỉ phục vụ mục đích khẳng định chủ quyền Trung Cộng trên khu vực hàng hải rộng lớn vốn không phải là hải phận Trung Cộng.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, thuộc Học viện Quốc phòng Úc cũng viết: “Sau mười năm, chúng ta có thể thấy Trung Cộng ngày càng thêm cứng rắn trong việc bảo vệ và thực thi điều mà họ cho là chủ quyền và quyền lợi kinh tế của mình. Việc sử dụng tàu ngư chính để tuần tra là một thủ đoạn tuyệt vời vì đây không phải tàu chiến, nó sơn màu trắng chứ không phải màu xám. Nhưng chớ có lầm tưởng, những con tàu này đều được trang bị vũ khí đầy đủ”.

Robert Gates kêu gọi sự tự do tiếp cận ở khu vực Biển Đông, ông chính sách của Hoa Kỳ đối với Biển Đông là sự ổn định, quyền tự do đi lại và tự do phát triển kinh tế mà không bị ngăn cản.

Gates còn nói Hoa Kỳ sẽ không đứng về phía nào trong các tranh chấp và kêu gọi tất cả các nước giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua các phương thức hòa bình, có nghĩa là các nước nên tuân theo luật pháp quốc tế.

Cũng trong phát biểu hôm thứ bảy mùng 5 tháng Sáu, ông Gates cho biết thêm, Hoa Thịnh Ðốn phản đối bất kỳ sự hăm dọa nào đối với các công ty năng lượng Hoa Kỳ trong khu vực.

Trong một cảnh báo gửi tới Trung Quốc được giữ kín, ông Gates ám chỉ các mối đe dọa mà Bắc Kinh sử dụng đối với các công ty dầu khí của Mỹ về việc thăm dò ngoài khơi, trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông nói: "Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm đe doạ các công ty Hoa Kỳ, hoặc các công ty thuộc bất kỳ quốc gia nào tham gia vào các hoạt động kinh tế hợp pháp".

Liên quan tới việc Trung Quốc đe dọa các công ty dầu khí khai thác trên Biển Đông, tháng bảy năm ngoái, một viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với Ủy ban Quốc hội rằng, Trung Quốc yêu cầu một số công ty năng lượng Hoa Kỳ và các công ty năng lượng nước ngoài chấm dứt các dự án với các công ty Việt Nam, nếu không sẽ phải đối mặt với sự trả đũa thương mại ở Trung Quốc.

Việc Hoa Kỳ khẳng định lập trường trong cuộc tranh chấp Biển Ðông đang làm cho cuộc chiến dành chủ quyền trên vùng biển này thay đổi. Trung Cộng đã có dấu hiệu thôi, không đóng vai trò cảnh sát phạt vi cảnh ngư dân Việt Nam hành nghề trên biển Việt Nam nữa; dấu hiệu đầu tiên là chúng đổi áo, vứt bỏ mầu áo “nhà cầm quyền” để mặc lên bộ áo hải tặc gây khủng bố cho ngư dân bằng những tai nạn hải hành.

Biến chuyển đầu tiên đánh dấu tình trạng đổi thay này là việc sáng sớm ngày thứ Bẩy 12 tháng Sáu một chiếc “tầu lạ” đến từ phía sau, chạy nhanh đến mức đâm chìm tầu cá của ông Võ Xuân Tiền, một ngư dân Việt Nam, ngụ tại xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi.

Việc “tầu lạ” đâm chìm tầu cá Việt Nam không phải chuyện mới xẩy ra lần đầu; trên 3 tháng trước, hôm mùng 9 tháng Ba 2010, chiếc tàu cá mang số QNg 96516 TS của Ông Dương Thành Phú cũng đã bị “tàu lạ” đâm chìm hôm 9/3/2010, cũng đã bị “tàu lạ” đâm chìm, và năm ngoái “tầu lạ” cũng gây ra nhiều tai nạn tương tự.

Tuy nhiên lần này nó đánh dấu một giai đoạn mới, và một chiến thuật mới của Trung Cộng; mới vì có thể kể từ nay chúng không còn dám công khai bắt ngư thuyền, giam ngư dân Việt Nam để rồi thả ra sau khi đã đòi được “tiền phạt”.
Hai ngày sau việc tàu cá của ông Tiền bị nạn, ông Nguyễn Dự, chủ tịch xã An Hải, công bố chi tiết về “dzụ dziệc”: “Họ về xã hồi 10 giờ sáng ngày 13 tháng 6, chỉ có 15 người về, còn hai người ở lại chăm sóc cho người bị thương gãy tay phải giải phẫu ghép xương. Theo báo cáo của họ: khi trên đường về từ cách Cù Lao Xanh vào sáng sớm ngày 12, tàu cá của họ bị một tàu lạ lớn đi phía sau đâm vào. Những người đang ngủ phải gạt nước cửa cabin để thoát ra ngoài. Tất cả bám vào một cái thúng còn nổi. Trong tàu có mười mấy điện thoại di động nhưng chỉ còn mấy chiếc bọc trong bao nylon là còn dùng được vì chưa bị ướt. Họ sử dụng máy này gọi về gia đình. Sau khi nhận được tin, tàu cứu nạn ra tìm, nhưng cả mấy tiếng đồng hồ vẫn chưa tìm được; sau đó, nhờ có một tàu đi ngang và có máy định vị cho biết rõ vị trí, tàu cứu nạn đến cứu họ và đưa về Qui Nhơn.”

Nhưng tướng Việt Cộng Phùng Quang Thanh sau cuộc họp an ninh khu vực ở Shangri-la, Singapore, về lại khẳng định là Việt Cộng không để Hoa Kỳ chen vào tình hình Biển Ðông.

Ông không cần nghe ngư dân Quảng Ngãi trách móc, “Chúng tôi đi làm nghề mà bị Trung Quốc bắt nộp tiền chuộc thì tự mình chịu thôi. Còn đi làm trên biển thì một năm chỉ gặp tàu hải quân Việt Nam có mấy lần. Trong tình hình khó khăn hiện nay vẫn chưa thấy có gì hơn.”

Là những người tự lực đương cự với Trung Cộng, ngư dân không tin vào thiện chí của chính phủ Việt Cộng hổ trợ họ. Ông Nguyễn Dự than phiền thế cô đơn như con bà phước của ngư dân, “gặp tai nạn về đến bờ, ngư dân chỉ được Bảo hiểm Bình Định hỗ trợ tiền ăn hôm mới được đưa về tới Qui Nhơn; sau đó tự túc và làm thủ tục xin trợ cấp.”

Ðược hỏi về tổ chức ngư dân tại Quảng Ngãi đứng ra thành lập đội tự quản để ra khơi hành nghề, ông Nguyễn Dự cho hay: “Họ chỉ lo an ninh trật tự tại bến bãi, còn khi ra khơi đi làm mỗi người mỗi đường; đến khi về thì hẹn nhau cùng về; chỉ có thế thôi.”

Chính phủ Việt Cộng không từ nhân dân Việt Nam mà ra, không vì nhân dân Việt Nam mà có, và do đó không phục vụ cho nhân dân Việt Nam; chúng từ Bắc Kinh ra, nhờ Bắc Kinh mà tồn tại, và luôn luôn kiên trì phục vụ Bắc Kinh.

Nguyễn Ðạt Thịnh

12 THÁNG ANH ĐI