31 thg 7, 2010

Mỹ phục kích TC ngay tại sân sau

Greg Torode
Phóng viên trưởng về Châu Á của
South China Morning Post tại Hà Nội

Phùng Liên Đoàn phỏng dịch

Cuộc phục kích Trung Quốc (TQ) về quyền sở hữu tại Biển Đông do Mỹ dẫn đầu tại diễn đàn an ninh vùng cấp cao vào hôm thứ Sáu đánh dấu một biến chuyển rõ ràng về quan hệ TQ-Mỹ và đào sâu thêm lằn ranh chiến lược tại Á Châu.

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hầu như tắm mình trong Biển Đông tại Hà Nội, tàu chiến Mỹ và Hàn Quốc sửa soạn tập trận tại Biển Nhật Bản, hay Biển Đông (đối với TQ) gần Đông Bắc TQ - làm tình hình căng thẳng thêm.

Sự kiện xảy ra tại Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt. Khi bà Clinton tuyên bố việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bây giờ là một “quan tâm quốc gia” và “vấn đề ngoại giao ưu tiên” của Mỹ, bà đã không chỉ nói đến quan ngại của Mỹ về việc thống trị hàng hải của TQ, mà còn chứng tỏ Mỹ hiểu rất rõ một cơ hội lịch sử nữa.

Đã nhiều tháng nay, tiếng nói quan ngại về đòi hỏi chủ quyền của TQ càng ngày càng to hơn tại Washington, trong khi chính phủ mới của Tổng thống Barrack Obama còn đang hoạch định phương sách trở lại vùng biển bị bỏ quên này. Bị báo động bởi tiếng ngân đi ngân lại là Mỹ đã trở thành một cường quốc xuống dốc, các chính khách Mỹ nói riêng với nhau là Mỹ cần phải nắm lại vị thế chiến lược mạnh nhất tại Á Châu.

Mỹ có cơ hội làm việc trên do TQ càng ngày càng đòi hỏi sở hữu hầu như toàn thể Biển Đông bằng chứng cớ lịch sử và cả pháp quyền - qua việc bắt nhốt hàng trăm ngư nhân Việt Nam, quấy nhiễu các tàu hải quân Mỹ và và hải quân các nước khác, cùng là đe dọa các hãng dầu quốc tế với mục đích khiến họ hủy bỏ các giao kèo thăm dò dầu khí ký kết với Hà Nội.

Nước cờ của Mỹ không phải chỉ để làm vừa lòng các nước tranh giành chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – Việt Nam, Mã Lai, Phi Luật Tân và Brunei – mà còn trấn an các nước tranh chấp với TQ lớn hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản và Nam Dương bằng cách gửi một thông điệp rõ ràng tới TQ.

Trong suốt 15 năm qua, Washington đã đứng bên lề các căng thẳng tại Biển Đông, một vùng biển chiến lược và có nhiều quặng mỏ nối liền Đông Á với Trung Đông và Âu Châu. Các người đại diện Mỹ thỉnh thoảng nói tới quan ngại của Mỹ và sự cần thiết thỏa thuận lãnh thổ lãnh hải một cách hòa bình, nhưng không bênh vực bên nào.

Lời phát biểu của Ngoại trưởng Clinton đã làm chính sách trên thay đổi. Các phát biểu đó đặt nước Mỹ trực diện với vấn đề chủ quyền của TQ – vấn đề mà mới đây TQ tuyên bố là “quyền cốt lõi,” một lối nói ngoại giao đặt vấn đề Biển Đông là nhạy cảm như Đài Loan và Tây Tạng

Vào đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là TS Robert Gates tuyên bố tại một diễn đàn an ninh tại Singapore là Washington phản đối bất cứ hành vi nào đe dọa các hãng dầu Mỹ trong việc ký kết các hợp đồng hợp pháp trong vùng.

Ngoại trưởng Clinton đưa ra các tuyên bố của mình tại Diễn đàn vùng ASEAN chính thức, trong các cuộc họp tay đôi với các nước và trước công chúng. Cùng khi đó, các tùy viên của bà còn tóm lược cho đoàn phóng viên báo chí từ Washington đi theo, để họ không lỡ mất quan điểm này.

Trong khi vẫn giữ nguyên lập trường cũ của Mỹ là không thiên vị bên nào, bà Clinton nói rõ là Washington muốn các bên trong vùng thảo luận và giải quyết với nhau – một thách đố trực tiếp với Bắc Kinh khi TQ nói riêng và nói mạnh với từng nước là TQ không muốn bàn vấn đề chung mà chỉ muốn làm việc riêng với từng nước. Nói cách khác, mỗi nước đòi chủ quyền phải xếp hàng để thương lượng riêng với TQ.

Bà Clinton tuyên bố: “Hoa Kỳ ủng hộ phương sách ngoại giao cộng tác giữa các nước đòi chủ quyền để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ lãnh hải mà không bị gò ép. Hoa kỳ chống đe dọa dùng bạo lực bởi bất cứ bên nào”.

Lời tuyên bố của bà Clinton là một thắng lợi ngoại giao đáng kể cho Việt Nam – một món quà cho Việt Nam trong dịp hai nước đánh dấu 15 năm lập lại quan hệ ngoại giao sau chiến tranh Việt Nam và gần 20 năm cấm vận kinh tế.

Trong nhiều tháng nay, Việt Nam dùng chức vị Chủ tịch của ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á để làm sôi động vấn đề Biển Đông. Việt Nam đã hết hơi sức tạo tiến bộ cho cách ứng xử hợp pháp của các bên đòi chủ quyền – lời hứa của các bên trong Tuyên ngôn 2002 ASEAN và TQ ký kêu gọi sự tự chế. Tuyên ngôn này lúc đầu được ca ngợi là có tiến bộ, nhưng càng ngày càng trở thành một văn bản chết trước các hành động của TQ.

Bà Clinton nói đi nói lại các nguyên tắc của Tuyên ngôn 2002, nghe êm tai như âm nhạc đối với các viên chức Việt Nam.

Mới năm ngoái, TQ coi như đã chia rẽ được ASEAN, khi mỗi thành viên có mòi đặt liên hệ với Bắc Kinh quan trọng hơn sự đoàn kết trong ASEAN. Trong các hội thảo chính thức, vấn để Biển Đông ít được đề cập. Và theo nhiều nhà ngoại giao của ASEAN, TQ luôn luôn đặt áp lực. Ngay như Cam-pu-chia, khi xưa thường đồng minh chặt chẽ với Hà Nội, cũng theo Bắc Kinh mà gạt bỏ các nỗ lực của Việt Nam.

Sự cẩn trọng của các nước còn hiện rõ chỉ vài giờ trước khi bà Clinton tới họp. Vào ngày trước Diễn đàn ASEAN, Ngoại trưởng các thành viên của ASEAN có buổi họp với Ngoại trưởng TQ Yang Jiechi (Dương Khiết Trì). Phi Luật Tân là nước duy nhất đề cập vấn đề Biển Đông. Sự e ngại của các nước kia phản ánh phương cách truyền thống của ASEAN. Các cuộc họp và tuyên ngôn chính thức thường càng ít nội dung càng tốt.

Ngay như Việt Nam cũng ít khi chỉ trích TQ công khai, mà hay giữ bề ngoài thân thiện. Ngay như hôm qua (24/7/2010) khi còn đang say với thắng lợi hiếm có, thông tấn nhà nước vẫn thận trọng chỉ lặp lại tuyên bố chính thức của các buổi họp.

Một quan sát viên ngoại giao nói: “Thật đáng để ý. Không nước nào muốn dẫn đầu. Họ đều mong có sự an toàn ở số đông”.

Sự an toàn đó hầu như đã đến khi bà Clinton tới Hà Nội ngày thứ Năm (22/7/2010), và có lời đồn là bà sẽ đưa ra lập trường quyết liệt mới của Mỹ.

Khi diễn đàn bắt đầu vào thứ Sáu (23/7/2010), 11 nước sẵn sàng có phát biểu, gồm cả Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân và Việt Nam – các nước có nhiều quyền lợi bị đe dọa nhất – đến Nam Dương, Liên hiệp Âu châu, Úc và Nhật. Diễn biến coi như một cuộc đấu vật tiếp sức rất ấn tượng.

Mặc dầu Ngoại trưởng TQ Yang tỏ ra rất hoang mang sau đó, diễn biến này không thể là một bất ngờ cho Bắc Kinh. Suốt năm qua, các động thái quân sự, chính trị, và ngoại giao đều chĩa vào quan ngại càng ngày càng lớn trong vùng Biển Đông.

Các lãnh đạo quân sự Việt Nam, trước kia thường rất e dè, đã được mời quan sát hàng không mẫu hạm Mỹ ở Biển Đông và tàu ngầm Mỹ ở Hawaii. Và Việt Nam đã cho phép tàu chiến Mỹ sửa chữa tại các hải cảng địa phương.

Hà Nội còn ký giao kèo với đồng minh trong chiến tranh lạnh là Nga để mua sáu tàu ngầm tiên tiến loại Kilo.

Trong khi đó, các viên chức Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao Mỹ càng ngày càng nói rõ trong điều trần trước Quốc hội là Mỹ cần khẳng định quyền đi lại trên hải phận quốc tế dù cho TQ có quan ngại. Mặc dầu TQ tuyên bố chủ quyền kinh tế tại hầu hết Biển Đông, Hoa Kỳ và các nước khác nhất định các vùng biển đó vẫn là hải phận quốc tế và do đó có quyền thực hiện các hoạt động quân sự kể cả thám thính.

Căng thẳng nảy sinh và nổi cộm khi Bộ trưởng Gates phát biểu tại Singapore trước một thính giả gồm nhiều viên chức cấp cao của Quân giải phóng nhân dân TQ (QGPND).

Sau đó, một viên chức của QGPND nói giận dữ: “Chúng tôi không coi Biển Đông là một cái hồ của TQ, và chúng tôi vẫn cho phép tàu bè không ác ý qua lại. Nhưng tôi xin lỗi, việc Mỹ thám thính chúng tôi không phải là không ác ý. Mọi người không nên đánh giá thấp quan ngại của TQ”.

Chúng ta sẽ chờ xem Washington có đánh giá thấp quan ngại của TQ không. Nhưng không nghi ngờ gì nữa là Bắc Kinh sẽ coi các sự kiện xảy ra tại Hà Nội như một khiêu khích đáng kể. Các nước trong vùng cũng càng ngày càng biết rõ Biển Đông là rất quan trọng cho tham vọng của TQ có một hải quân “đại dương” với sức hoạt động xa đất liền, bởi vì Biển Đông là cửa ngõ cho TQ giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Điều rõ ràng là Hoa Kỳ nay sẵn sàng giải quyết một trong những vấn đề khó khăn nhất của vùng – một thay đổi chính sách rất khó đi ngược lại. Và đối với TQ, tuần trăng mật với ASEAN nay đã kết thúc.

Trong bao rủi ro, Washington tìm ra cơ hội.

12 THÁNG ANH ĐI