Bình Nguyên Lộc
Nỗi khổ của tôi bắt đầu từ hôm bíc-níc ấy. Tôi có mang theo bánh mì, lạp xưởng và nước trà nóng đựng trong bình thủy, nên khỏi phải làm việc. Chính anh Minh, ba của con bé Liên của chúng tôi, đã đòi hỏi như vậy, anh ấy cho rằng ăn bánh mì tuy không ngon bằng ăn cơm nhưng anh ấy không muốn thấy tôi cực nhọc cả trong ngày nghỉ cuối tuần nữa.
Chúng tôi câu cá tại bờ con rạch nhỏ, nơi mà chúng tôi cắm trại, trong khi bé Liên đuổi bướm và bắt chuồn chuồn. Thật ra thì câu cá chỉ là cái cớ để vợ chồng chúng tôi tắm nắng một cách nên thơ vậy thôi chớ hình như là cá nó thù, hoặc nhờm chúng tôi hay sao ấy mà không bao giờ chúng nó cắn câu của vợ chồng tôi. Vả, nếu may mắn (hay rủi ro?) mà được cá thì chắc anh Minh, anh ấy sẽ bối rối ghê lắm vì một mặt anh ấy cưng vợ, một mặt anh ấy tiếc cá, cứ muốn bắt tôi kho hay chiên gì đó.
Ấy, anh Minh hơi gàn gàn, nhưng tôi không dè mà anh ấy lại gàn đậm kể từ hôm đó.
Chẳng, sau hai tiếng đồng hồ làm ông già sông Vị, anh ấy đâm chán và rủ tôi vào xóm. Đi thì đi, bởi tôi cũng nghe da mặt nóng lắm rồi, má tôi rát rân lên vì bị nắng đốt nhiều giờ rồi.
Trên con đường mòn ngoằn ngoèo đưa vào cái ấp lớn thoáng thấy đằng kia, chúng tôi gặp một nếp nhà tranh vừa cất xong, chưa ở. Nhà trống trơn và cửa phên tre dựng bên vách hông nhà, cho chúng tôi thấy rõ bên trong: Giữa gian nhà giữa, trên nền đất, một lò lửa đã tàn lụn nhưng than còn ngún trên tro. Hai bên lò lửa là một lu nước đầy gần tràn và một khạp gạo đầy nhóc.
Thuở bé tôi ở thôn quê, nên biết rằng đó là những món tượng trưng cho sự đầm ấm và sung túc mà người ta bày ra giữa nhà mới, hăm bốn tiếng đồng hồ trước khi vào ở, để cầu một đời ấm no và vui vẻ về sau.
Anh Minh say sưa nhìn bếp lửa và lu nước rồi nói, như nói một mình: "Ta có danh từ nước lửa, danh từ ấy chỉ hai thứ thiên tai mà ta rất sợ. Nhưng...
Giây lát sau, tôi đi vào ấp với bên cạnh tôi, một người bạn đời thình lình mắc bệnh á khẩu. Nếu không có bé Liên cái miệng tía lia, cả ba chúng tôi giống một đoàn người đi đưa đám ma mà giữ lễ theo phép lịch sự Âu châu.
Tới đầu xóm, anh Minh nói bằng giọng ra lịnh:- Từ rày có đi bíc-níc, nên mang gạo, mang nồi theo để thổi nấu, cấm nhặt em cho gia đình ăn bánh mì, lạp xưởng hoặc bánh hỏi thịt quay.
Tôi cười mà rằng:
- Trước đây thì cấm thổi nấu, cho đến ăn cơm mo, cơm vắt, làm sẵn ở nhà, anh cũng cấm. Giờ thì... trái hẳn lại. Nhưng không hề gì, em sẽ chiều ý anh.
Anh Minh không chịu vào xóm, đứng đó mà ngắm cái gì rất lâu không rõ, đoạn đưa mẹ con chúng tôi trở về lều. Anh ấy đã vui tươi trở lại và không khí buổi ăn trưa hôm ấy bình thường nếu không có cái lịnh mới nầy. Anh ấy hỏi:
- Thùng dầu lửa ở nhà đã hết rồi chớ? Anh nhớ hình như hôm qua em có dặn anh chở chiếc thùng không lại cây xăng gần nhà để đong thêm mười tám lít?
- Đúng như vậy, và chiều nay, về Sài gòn, anh nhớ cho, kẻo mai không có dầu mà nấu ăn.
- Không, không nấu bằng dầu lửa nữa. Chiều nay anh sẽ ghé vựa để mua một tạ than đước với hai cái lò đất nung. Cho cái lò dầu lửa về hưu đi.
Tôi hơi lo. Chồng tôi chỉ làm việc vừa chừng thôi, không hề gặp rắc rối sinh kế hay tình cảm nào, trong họ nhà chồng tôi cũng không nghe nói có người nào điên. Nhưng sao lại có cái lịnh kỳ dị nầy? Than đước một tạ sáu trăm đồng, nấu chỉ có một tháng là hết sạch. Trong cái thời gian ấy thì nấu đốt lò bằng dầu lửa, chỉ phải tốn có trăm sáu thôi. Nhưng rồi anh Minh đi hái hoa dại cho mẹ con tôi, nên tôi lại an lòng được vì một kẻ hóa điên thình lình, không hề nghĩ đến sự bộc lộ tế nhị của tình thương yêu như thế đâu.
Chiều lại, chúng tôi về tới Sài gòn là đã sáu giờ rồi. Theo chương trình thì chúng tôi đi ăn hiệu, nhưng anh Minh lại đổi chiến lược vào phút chót, có lẽ vì... "lý do kỹ thuật" chăng? Anh bỏ mẹ con tôi tại một góc phố kia, bảo gọi xích-lô đạp mà về nhà, còn anh ấy thì phóng xì-cút-tơ đi mua lò đất nung và than đước. Thì ra cái vụ than đước nầy không phải là lời đùa đâu mà là cả một kế hoạch nghiêm trang. Đã hơn sáu giờ rồi. Vào giờ nầy mà bắt vựa than họ chở than tới nhà, mà phải chở tốc hành, không thôi tới nửa đêm, dễ thường chưa có cơm mà ăn, thì họ sẽ tính tiền chở gấp ba cho mà coi!
Lại không có gì mà ăn nữa. Má tôi ở nhà, nhưng bà cụ chỉ cần một dĩa cá kho mặn mà thôi. Rồi anh ấy lại kêu là nuốt không trôi! Vào giờ nầy, còn chợ búa đâu để mà mua thịt, mua cá? Rõ khổ! Tôi không ngại phải nấu bữa ăn tối nầy. Đi ăn hiệu là tại anh ấy bày đặt cho tốn tiền chớ tôi đã đề nghị từ lâu là làm sẵn vài món ăn hồi trưa thứ bảy, chiều chúa nhựt về tới nhà, chỉ còn việc hâm lại cho nóng mà thôi. Mà cũng không phải là tôi hâm nữa. Má tôi ăn cơm hơi sớm, ăn xong, bà hâm giùm tôi là kịp lúc chúng tôi về đến nơi.
Anh Minh mới có băm hai tuổi mà đã gàn ra thì sống chung với anh ấy thêm hai ba mươi năm nữa, tôi chịu sao thấu hở trời!
Kỳ lạ nhất là khi má tôi nghe tôi kể chuyện điên của "ông" rể gàn của bà, đôi mắt bà lại sáng lên. Má tôi ở thôn quê không được yên, nên anh Minh anh ấy rước bà lên đây từ ba năm nay. Chú rể quí ấy được má tôi cưng ghê lắm. Anh ấy có nịnh má tôi chăng ? Hình như là không vì bà cũng chẳng còn tài sản gì để anh ấy phải dùng thủ đoạn hầu hưởng một phần gia tài lớn hơn phần của người anh cả của tôi. Biết vậy, nên tôi tủi thân lắm, buổi đầu mà má tôi lên đây. Má tôi không cưng anh ấy vì sự nịnh nọt của anh ấy, thì tức là cưng anh ấy vì lòng thương, mà lại thương anh ấy nhiều hơn là thương tôi nữa. Nói thì nói chớ tôi cũng lo tắm rửa cho bé Liên, còn chính tôi thì tôi bỏ tắm chạy lại hiệu chạp phô ở đầu phố để mua trứng vịt, hàm-yũ để phụ thêm với món cá kho muôn năm của má tôi, cho mâm cơm ra vẻ một chút.
Giây lâu sau, xe ba bánh đưa than về và má tôi chạy ra cổng rước than như dân đi tiếp rước quan to, hồi tiền chiến. Chính má tôi đốt lò, quạt than và vo cơm, rồi bà không chịu rời nhà bếp nữa.
Bữa ăn hôm ấy, tôi không vui vì bị giá của tạ than đước ám ảnh. Tôi phân trần với má tôi:
- Má coi ! Than mắc tiền bằng ba lần dầu lửa, vậy mà...
Anh Minh cười hề hề, chận lời tôi:
- Có lần em đã nói: "Thôi, em không học may áo đầm cho bé Liên đâu. Mình học chăm thế nào cũng không giỏi bằng thợ mà họ may sẵn bày bán ở các hiệu, còn rẻ hơn là chính mình may lấy nữa. Em đã nói sai."
Má tôi đã phụ họa theo:
- Ừ, con sai lầm. Đâu có phải như vậy.
- Ơ kìa, em nói chuyện than đước kia mà, mắc mớ gì đến áo đầm chớ ?
- Than đước, tức là áo đầm đó.
- Ừ, cha con Liên nói có lý. Má tôi lại phụ họa theo anh ấy.
Má tôi đã già nên lẩm cẩm, thì còn nhịn được, chớ anh Minh mà nói chuyện tầm ruồng như thế, là anh ấy sắp đi nhà thương Biên hòa rồi vậy. Tôi kinh ngạc, nhìn anh ấy trừng trừng. Anh ấy lại cười hề hề mà rằng:
- May áo đầm, thật ra, không phải là may áo đầm.
Tôi sợ quá. Rõ ràng là anh Minh hóa điên. Nhưng tôi cũng hỏi:
- Chớ là gì?
- May áo đầm là một qui phạm.
- Qui phạm là gì?
- Là một kỷ luật mà ta cố theo, và kỷ luật ấy luyện cho ta vào cái nếp nội trợ.
- Chớ em không làm nội trợ à?
- Không, em chỉ làm nội trợ miễn cưỡng mà thôi. Em thích đi làm thu ngân viên hơn. Em có óc công nhân, chớ không có óc nội trợ đâu. Ai lại không biết rằng học chăm đến đâu cũng không giỏi bằng thợ, rằng ta hà tiện vải đến đâu, áo may cũng không rẻ bằng áo mua, họ may hằng nghìn cái nên giá vốn rất hạ. Nhưng khi may áo cho con, em sẽ để tấm lòng thương yêu con vào đó, em sẽ cố gắng và sẽ mến được cái qui phạm may áo và ngày kia em được đưa vào nếp nội trợ, em làm nội trợ một cách vui thích, nhớ công việc nội trợ như các cô đào nhớ đèn sân khấu mỗi đêm.
- Chồng con nó nói đúng đó con à. Má tôi ủng hộ anh chồng gàn của tôi và bỏ rơi tôi.
Tôi giựt nẩy mình trước một điều vô cùng mới lạ mà tôi nghe chồng tôi nói lần đầu: may áo, không phải là may áo, mà là một qui phạm nó luyện tính con người. Tôi giựt mình vì đã có lần tôi đã chê nhà binh sao cứ bắt lính mới, tập đi ọt, đơ mãi cho tốn thì giờ, và cậu tôi giải thích: "Đi ọt, đơ, thật ra không phải là đi ọt, đơ. Đó là một qui phạm nó luyện cho các tân binh chịu đựng được kỷ luật nghiêm khắc của nhà binh".
Nhưng dầu vậy tôi vẫn không chịu thua, cố cãi:
- Nhưng may áo đầm, sao lại là than đước được! Anh khéo nói điên!
Anh Minh lại cười, hề hề:
- Bởi vì than đước, thật ra không phải là than đước.
- Nữa, lại cái luận điệu đó nữa.
- Chớ sao, vì luận điệu đó tốt. Em có biết thành ngữ "Ăn lông ở lỗ" hay không?
- Anh đi xa vấn đề quá rồi !
- Đâu có xa. Trước khi loài người "ở lỗ" họ rày đây mai đó. Họ không có đời sống gia đình. Khi họ phát kiến ra LỬA rồi thì họ mới định cư lại, chưa biết cất nhà thì họ tìm hang mà ở, lập gia đình, rồi đêm ngày nhen nhúm lửa thiêng, đời đời kiếp kiếp nuôi nấng lửa để ấm hang, nuôi nấng tình gia đình để ấm lòng. May áo và nhúm lửa là ý niệm gia đình, không may áo, không nhúm lửa, không xong. Anh chợt nhớ ra sự thật ấy khi ta bắt gặp nếp nhà tranh mới cất và chủ nhà nguyện cầu, thề bồi bằng nước, lửa và gạo, nguyện cầu được no ấm, thề bồi nổ lực cho gia đình được no ấm.
- Nhưng, dầu lửa lại không là lửa à? Tôi lại cãi.
- Không. Em đã không thấy má đã dành đốt lò với em đó sao?
- Ừ, tao nhớ lửa lắm, thèm lửa lắm. Má tôi xác nhận.
Chồng tôi diễn thuyết:
- Lửa thiêng của gia đình, phải bốc khói, khói ấy phải quyện lấy mái tranh. Ta ở thành phố, không thể mong hưởng những thứ ấy thì lửa, ít ra, cũng phải nổ lách tách trong lò, và tiết ra mùi cây cỏ. Ở miền Nam ta, có người gọi dầu lửa là dầu hôi, và quả nó hôi thật. Nhưng lửa thiêng của gia đình phải thơm, thơm mùi thảo thụ. Dầu sao nhìn lửa than cũng vui mắt hơn, nghe nó có linh hồn hơn, nó gợi nhớ sự sống hơn. Chiếc áo mà chính tay em may sẽ mang cái bản ngã của em, dầu nó không được đẹp lắm, chớ không nặc danh như những chiếc áo khéo, mua ở hiệu. Chiếc bánh phơ-lăng do chính tay em làm, có cháy khét đi nữa, cũng được hương vị của tình thương của em đối với gia đình, chớ không vô hồn như bánh đết-se của các hiệu ăn sang trọng.
Má tôi nói:
- Tao thì tao thèm nấu bằng củi hơn. Khói củi thơm hơn khói than. Chiếc áo bà ba nầy, tao đã may một tháng mới xong, nhưng...
- ...nhưng nó quí ở chỗ nó mang nhãn hiệu "BÀ NGOẠI CỦA BÉ LIÊN" ? Tôi hỏi đùa.
Má tôi và anh chồng gàn của tôi đồng cười xòa, rồi má tôi chẫm rãi tuyên truyền cho tôi nghe:
- Nè, củi mỗi thứ mỗi khác đó nhé. Củi bắp phơi khô để làm củi, thì ngọn lửa xanh như lửa đèn cồn. Vỏ măng cụt phơi khô, chụm nó nổ lách tách y như than Cà mau. Củi nhánh sao chết rụng trên vệ đường, nó cháy rụi tỏa ra cái mùi của thời tiết gió bấc về. Còn mầy biết củi gì thơm ngát hay không? Đó là dăm tiện.
- Dăm tiện là gì má? Chồng tôi hỏi.
- Muốn làm những vật dụng tròn như kiểu chơn bàn, chơn ghế kia chẳng hạn, thợ tiện họ đưa cây vào máy tiện, cây nó mới tròn trịa đều đặn được, chớ thợ mộc tài nào mà trau giồi cho nó tròn. Các món đồ tiện, luôn luôn là vật dụng quí nên được làm bằng đủ thứ gỗ quí: trắc, cẩm lai, huỳnh đàn, cho nên dăm tiện nó thơm dữ lắm, thơm cái mùi hỗn hợp của đủ loại gỗ mắc tiền. Lửa củi đã thơm mà hình thù của nó cũng hay lắm. Nó cháy lên, mình thấy được, chớ không vô hình như lửa của các lò dầu lửa đâu. Nhìn ngọn lửa cũng ngộ, nhìn màu lửa còn ngộ hơn. Mà hay nhứt là lửa củi không chết.
Bé Liên ngơ ngác hỏi:
- Lửa cũng chết nữa sao, bà ngoại?
- Sao lại không? Lửa lò dầu, nấu xong bữa ăn là nó tắt liền, vì ta phải tắt nó, kẻo hao dầu. Lửa củi đâu có như vậy. Nấu ăn xong thì người ta vùi củi dưới tro. Tro xốp lắm, nên than củi âm ỉ cháy tối ngày sáng đêm, bước vô nhà bếp thì nghe ấm liền, ấm thật sự, mà cũng ấm cúng nữa. Nhà bếp ở đây lạnh tanh từ đúng ngọ cho tới năm giờ chiều, nhà nào cũng vậy. Bước vào các nhà bếp ở đây, nghe ơn ớn nơi xương sống như là vô nhà hoang chết chủ!
Tôi ao ước từ mấy năm nay một bộ lò điện mà anh Minh chưa đủ khả năng tài chánh để thỏa mãn giấc mơ của tôi. Lò điện tiện và sạch hơn lò dầu lửa nhiều lắm. Nhưng bỗng tôi nghe hết ham cái tiện nghi văn minh đó nữa.
Tôi đã cười đùa chồng tôi vì anh Minh chỉ biết ra lệnh và nói lý thuyết. Má tôi dốt lý thuyết nên bà chỉ tả mà thôi, và quả tôi bỗng nghe thoang thoảng mùi lửa dăm tiện đâu đây, cái mùi vô cùng đặc biệt thường nghe thuở bé, hồi còn sống trong làng.
Má tôi lại nói:
- Ở đây sao mà lạ quá, không có mùi gì hết, hay chỉ có hai thứ mùi, mùi nước hoa và mùi ống cống. Mùi hay lắm. Mùi đất xông lên, sau đám mưa đầu mùa nè, mùi bông bưởi, bông sao nè, mùi củi cây rù rì nè, mùi lúa chín nè, mùi rơm khô nè, mùi phân chuồng nè, mùi rau, đậu tươi nè. Nói tới đây sao mà tao bắt nhớ nhà chịu không thấu nữa ! Con Liên, chắc ngày sau, nó đi đâu ở cũng được, vì thành phố không có cái gì làm cho nó nhớ hết.
- Có chớ, bà ngoại ! Liên cãi.
- Có cái gì? Má tôi hỏi.
- Có kem nè, có xi-nê nè, có đèn màu nè!
- Rồi cháu sẽ thấy rằng những thứ ấy không gợi nhớ đâu.
- Chớ cái gì gợi nhớ hở bà ngoại?
- Mùi vị khác kia, như mùi khói đống un lá chết vào mùa gió bấc mà người ta un lên để hơ ấm, bởi vì mùi đó còn dính líu tới những cái khác nữa, mà nhiều thứ mới họp lại thành một nỗi nhớ được.
- Thứ nào với thứ nào bà ngoại?
- Nhiều thứ lắm, bà không biết nói ra. à... ờ... thí dụ như lửa Tết, lửa đêm ba mươi nấu bánh tét, quanh lò lửa lớn ấy có mặt đông đủ cả nhà, ai đi mần ăn xa ở đâu, cũng phải về, đông đủ cả nhà mà đôi khi đông đủ cả họ nữa, vì có những bà con nghèo, không gia đình, không nhà cửa, họ xin hưởng ké sự ấm cúng của bất cứ người nào trong họ mà có được một bếp lửa.
- Còn thứ gì nữa bà ngoại?
- Còn lu bù thứ. Cả nhà họp mặt đông đủ thì vui, nấu nướng suốt đêm các món ăn ngon, kể cho nhau nghe chuyện mần ăn của mình ở xa, nhắc lại chuyện ăn Tết ngày xưa của ông bà tổ tiên. Đêm cuối năm gió lạnh lắm, mà quây quần quanh bếp lửa, ấm ghê đi. Nhà có nhúm lửa, nghe như là sung túc, mà nhúm những bếp lửa lớn, nghe càng sung túc hơn. Đó rồi thì ngày mai lại, lửa cháy trong bếp suốt ba ngày ba đêm, không được hạ ngọn phút nào hết, cho nó vui. Ở làng, người ta cất nhà lớn, nhưng cả nhà đều ở sau bếp, không phải sợ nhà trên mòn mà không dám ở, mà vì nhà bếp vui hơn, mà vui hơn là nhờ lửa.
Tôi cãi:
- Nhưng ở đây, chật hẹp như vầy, dầu cho có ghiền khói, ghiền lửa như má, cũng không làm sao mà...
- Ừ, nhưng nấu than cũng tạm an ủi được phần nào.
Chồng tôi nhìn tôi mà cười, đắc thắng.