2 thg 5, 2011

Hoa Kỳ Tiêu Vong! - Và Trung Quốc Đứng Đầu Thế Giới?

Nguyễn Xuân Nghĩa

Trong mấy ngày qua, những ai mơ ước một tương lai sáng sủa hơn cho Hoa Kỳ - hoặc cho chính mình ở trên đất Mỹ - thì có thể bàng hoàng. Dường như lời dự báo về sự suy tàn của Hoa Kỳ đã có cơ sở và việc nước Mỹ mất dần tư thế đế nhất siêu cường đã khởi đầu...

Trước hết, hôm 18, công ty lượng cấp tín dụng Standard and Poor's đã giảm mức tín nhiệm của công khố phiếu dài hạn và ngắn hạn của Hoa Kỳ. Rồi còn cảnh báo rằng nếu chính trường Mỹ không sớm giải quyết nạn bội chi và đi vay thì trong vòng hai năm, mức tín nhiệm của trái phiếu Mỹ sẽ còn bị đánh sụt nữa. Với hậu quả là lãi suất gia tăng khiến kinh tế sẽ bị suy trầm và công quỹ có khi vỡ nợ. (Xin xem lại bài "Standard and Poor's và Công trái Hoa Kỳ" trên cột báo này trong số ra ngày hôm qua).

Một tuần sau đó thì có dự phóng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Rằng nếu tiếp tục đà tăng trưởng hiện nay - khoảng 3% tại Hoa Kỳ và 10% tại Trung Quốc - thì kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2016. Tức là "Kỷ nguyên Hoa Kỳ" sẽ cáo chung. Sau khi sản lượng kinh tế Trung Quốc vượt Nhật Bản năm ngoái, người ta dự đoán là xứ này sẽ bắt kịp Hoa Kỳ vào năm 2030 hay 2025. Bây giờ, thời điểm ấy lại còn sớm hơn, trong vòng năm năm nữa thôi! Ít nhiều, dự báo đó cũng xác nhận lời phê phán của S&P!

Trước những dữ kiện có vẻ khách quan và khoa học của một doanh nghiệp nổi tiếng về lượng giá tín dụng và một định chế cấp cứu tài chánh quốc tế, người ta có thể phân vân.

Thứ nhất, công ty S&P không thể đem uy tín chuyên môn ra đánh cược với lời phê phán tiêu cực như vậy nếu không có cơ sở. Thứ hai, IMF cũng không thể nói sai khi đưa ra dự báo căn cứ trên các thống kê được công khai hóa. Có thể rằng hai tổ chức trên muốn có lời cảnh báo chính trị và chọn thời điểm hiện nay là cuộc tranh luận trong chính trường Hoa Kỳ trước một năm sẽ có tổng tuyển cử - bầu lại từ Tổng thống tới một phần ba Thượng viện và tất cả Hạ viện năm 2012.

Nhưng lời cảnh báo phải có nền tảng khách quan. Đó là một chuyện.

Chuyện thứ hai, trên cột báo này, người viết thường đưa ra những phê phán tiêu cực về chính trường Hoa Kỳ, đặc biệt là tinh thần mị dân quá phổ biến trong đảng Dân Chủ. Chủ đích là để phơi bày mặt trái kinh tế của các quyết định chính trị có tính chất lừa phỉnh. Dù chỉ là quan điểm thiểu số và đầy nghịch lý, việc ấy là cần thiết khi đa số truyền thông Mỹ vẫn thiên về cánh tả và đảng Dân Chủ mà không trình bày sự thể cho rõ ràng. Truyền thông Việt ngữ lại thường phiên dịch lại nhiều bài bình luận ngụy trang thành tin tức mà không biết.

Nhưng, một nghịch lý thứ hai, người viết vẫn khẳng định rằng cho dù có nhiều bất toàn về chính trị, Hoa Kỳ còn duy trì ưu thế độc bá trong nhiều thập niên nữa, cho đến khi suy bại vì dân số và vì bài toán di dân Latino gốc miền Nam. Ngược lại, Trung Quốc có thể sẽ trôi vào khủng hoảng kinh tế rồi xã hội trong thập niên tới.

Cách phê phán và dự báo này hoàn toàn không có tính chất cảm quan là "phục Mỹ" hay "ghét Tầu" mà cũng phải có cơ sở. Cơ sở chính yếu là quyền tự do và khả năng cải thiện của xã hội Hoa Kỳ trước những mâu thuẫn trầm trọng của hệ thống kinh tế chính trị Trung Quốc.

Bây giờ, ta trở lại nhận định của S&P và dự báo của IMF, tức là đi từ ngắn hạn đến dài hạn.

***

Khi lượng định về tình hình chi thu của Hoa Kỳ - bội chi tăng tốc từ 500 tỷ Mỹ kim vào năm 2003 tới 1.000 tỷ vào năm 2008, 1.900 tỷ năm 2009 và 1.700 tỷ năm 2010 - S&P đưa ra con số khách quan và xác thực. Nó cho thấy tính chất vô trách nhiệm của các chính khách Hoa Kỳ từ cả hai đảng trong vòng một chục năm qua. Thực tế thì Hoa Kỳ đang ở trong thời chiến mà không muốn hy sinh mức an sinh cho nhu cầu an ninh và tiếp tục tiêu xài, nhà nước tiếp tục gây bội chi.

Nó cũng có thấy mức gia tốc của nạn bội chi và viễn ảnh đen tối của kinh tế và xã hội Mỹ nếu người dân không tỉnh táo làm một cuộc cách mạng trong sinh hoạt thường nhật và trong quyết định bỏ phiếu của mình. Nôm na và cụ thể, nếu dân Mỹ tiếp tục duy trì hiện trạng và cho rằng ai đó, chứ không phải mình, sẽ phải lãnh gánh nặng khắc khổ là giảm chi và tăng thuế, thì xứ này quả là không có tương lai.

Nhưng nhìn trong lâu dài, ta thường thấy vài chục năm một lần, Hoa Kỳ lại được báo động như vậy, nhiều khi bị chấn động. Rồi dân chúng rùng mình phản ứng, rút tỉa kinh nghiệm để sửa sai và từ trong tai họa lại vùng dậy với những sáng kiến mới. Chính là phản ứng của người dân và các doanh nghiệp mới làm thay đổi nếp sinh hoạt của các chính khách và mở ra một thời kỳ cách mạng kéo dài vài chục năm....

Tuy nhiên, nhìn trong ngắn hạn thì dù là chính đáng lời cảnh báo của S&P vẫn... chẳng là gì cả!

Một gia đình bình thường, hoặc một quốc gia hạng nhì - như Hy Lạp hay thậm chí Anh, Pháp, Ý - tất nhiên không thể tiêu xài nhiều hơn khả năng sản xuất và gây bội chi tích lũy như nước Mỹ. Sự kiện Hoa Kỳ vay mượn trong hai năm của vị Tổng thống thứ 44 nhiều hơn tổng số công trái của 42 Tổng thống tiền nhiệm (Grover Cleveland làm Tổng thống hai lần từ 1885 đến 1889 và 1895 đến 1897 nên mới có con số lệch này!) là điều rất đáng quan ngại.

Nhưng nói cho phũ phàng - dù có bất công về đạo lý - Hoa Kỳ không thể vỡ nợ được!

Lý do kỳ cục mà thực tế là Hoa Kỳ mắc nợ bằng Mỹ kim. Mà Mỹ kim là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất trên thế giới và chính sách tiền tệ liên hệ đến đồng bạc quốc tế này lại do sự hoạch định của một định chế quốc gia - rất độc lập trong quốc gia - là hệ thống Ngân hàng Trung ương Mỹ!

Đứng sau Mỹ kim về sức nặng quốc tế là đồng tiền thống nhất của 17 quốc gia trong số 27 nước hội viên của Liên hiệp Âu châu là đồng Euro. Những biến động dồn dập của đồng Euro suốt hai năm qua cho thấy đơn vị tiền tệ này thường xuyên bị khủng hoảng. Nó chỉ có thể là đồng bạc khả tín nếu Âu châu làm cách mạng về công chi thu, nếu Ngân hàng Trung ương Âu châu hoặc đệ nhất cường quốc kinh tế Liên Âu - và chủ chi thực tế cho khối Euro - làm một cuộc đảo chánh để viết ra luật chơi cho tất cả các thành viên khác phải cùng chấp hành.

Chuyện này chưa thể có nên Mỹ kim chưa thể bị Euro hạ bệ.

Kế tiếp, ta có đồng Nguyên của Trung Quốc, ngụy danh là "Nhân dân tệ" hay Renminbi.

Đồng bạc này chưa có quyền tự do giao hoán - đổi ra một thứ khác - mà cũng chẳng có thể ra khỏi lãnh thổ! Ra khỏi Hoa lục, tờ giấy này không được công nhận là đồng bạc có thể thanh toán việc mua bán ở nơi khác, của người khác. Ở bên trong, Trung Quốc cũng... đẩy mạnh kỹ nghệ ấn loát như Nhật Bản, và gấp bội nếu so với Mỹ: in ra một lượng tiền tệ tương đương với 5.000 tỷ Mỹ kim. Mục đích là để duy trì chế độ trợ cấp tín dụng hầu giúp các doanh nghiệp khỏi phá sản mà sa thải công nhân viên và tiếp tục xuất cảng bằng mọi giá.

Cả thế giới chửi Mỹ về quyết định nâng mức lưu hoạt có định lượng là 600 tỷ đô la được Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo năm ngoái - và sẽ chấm dứt vào tháng Sáu tới đây - nhưng ít ai ngó đến 5.000 tỷ đô la đã được Trung Quốc bơm ra!

Thế rồi, kết hợp chuyện trong ngoài, Trung Quốc giàng giá đồng bạc vào tiền Mỹ theo một hối suất do Bắc Kinh quyết định. Vì vậy, đồng Nguyên không bị rủi ro hối đoái mà chỉ cần điều chỉnh tỷ giá so với đồng bạc xanh là sẽ thỏa mãn nhu cầu mua hàng rẻ của dân Mỹ!

Nếu muốn là ngoại tệ dự trữ, Trung Quốc phải bứt dây neo cột vào đô la để đồng Nguyên lên xuống giá theo quy luật cung cầu. Khi ấy, doanh nghiệp xuất cảng của Trung Quốc mất khả năng mặc cả trả giá và theo nhau phá sản! Thất nghiệp sẽ tăng vọt lên trời và các đấng con trời sẽ đi dẹp loạn mệt nghỉ!

Nhìn như vậy thì giới tiêu thụ - chủ yếu là Mỹ - chứ không phải là nhà sản xuất Trung Quốc hay lãnh đạo Bắc Kinh mới thật là đế vương! Chỉ vì kinh tế Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào xuất cảng hơn nhập cảng và không đủ sức gánh vác trách nhiệm của một ngoại tệ dự trữ.

Với cả ngàn tỷ Công khố phiếu Mỹ trong tay, Bắc Kinh không thể làm gì hơn là cầu cho nước Mỹ vững mạnh. Vì nếu muốn đánh sập Hoa Kỳ và gây khủng hoảng hối đoái bằng cách bán tháo tài sản lưu trữ dưới dạng Mỹ kim thì... bán cho ai? Và bán thế nào thì khỏi lỗ? (Xin xem lại bài "Hạ Bệ Mỹ Kim... Rồi Ngồi Xuống Đất" trên cột báo này ngày 20090327)

Thuần về kế toán quốc gia và công chi thu, công ty S&P rất có lý khi cảnh báo các chính khách về nguy cơ khủng hoảng của Hoa Kỳ. Lãnh đạo Mỹ, từ Hành pháp tới Lập pháp và trong cả hai đảng sẽ phải lãnh một cái tát để tỉnh người và hành xử có trách nhiệm hơn. Dân Mỹ cũng vậy, không thể tiếp tục uống nước đường của các chính khách và cho rằng ai đó sẽ phải chấp nhận khắc khổ.

Nhưng trong khi xã hội Mỹ phải xoay trở như vậy thì thế lực Hoa Kỳ trên thế giới vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ vì nước Mỹ vẫn còn khả năng can thiệp vào chuyện chi thu của toàn cầu qua chính sách tiền tệ của một định chế quốc gia mà độc lập: Ngân hàng Trung ương Mỹ!

Bảo rằng đó là âm mưu ý đồ hắc ám của Hoa Kỳ thì có thể không sai nhưng hoàn toàn vô vị và vô duyên! Vì tại sao các xứ khác lại không thể làm được cái chuyện vô đạo này?

Chúng ta đi qua chuyện lâu dài và dự báo của IMF.

***

Định chế này có ảnh hưởng khá mạnh của Hoa Kỳ, nhưng không là một công cụ của Mỹ.

Trong nội bộ, định chế này cũng có những bộ phận nghiên cứu kinh tế độc lập và cập nhật dữ kiện để dự báo viễn ảnh kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia kinh tế của họ không là công chức của Mỹ hay nhân viên của CIA hay CIB gì. Họ có nhiệm vụ nghiên cứu và công khai hóa kết quả.

Như trong lịch sử, kết quả nghiên cứu hay dự báo vẫn có thể bị thực tế phủ nhận.

Trong lãnh vực kinh tế hay kinh doanh, việc dự phóng là cần thiết để phần nào mường tượng ra những chuyển động lớn trong tương lai. Nhưng tương lai không là đường thẳng vạch ra từ quá khứ và "quy luật tất yếu" - một sự kiện gì tất nhiên sẽ phải xảy ra - là điều mơ hồ. Càng mơ hồ khi người ta tính trật từ khởi điểm, từ các giả quyết căn bản làm nền tảng dự phóng.

Thế rồi căn cứ trên dự phóng đó mà quyết định về tương lai thì cũng phiêu như khi lái xe bằng cách nhìn vào một kính chiếu hậu - bị méo. Đó là về nguyên tắc chung.

Về thực tế thì IMF dựa trên giả thuyết là kinh tế Trung Quốc sẽ đạt tốc độ tăng trưởng là 10% trong thời gian tới. Kinh tế Mỹ thì chỉ đạt 3%.

Nhân đây, xin mở ngoặc đơn để "mách nước" về phép màu của con số 70: nó là cơ sở dự báo khi nào một số lượng sẽ nhân gấp đôi nếu duy trì một mức gia tăng nào đó. Với tốc độ 10% một năm, sản lượng kinh tế Trung Quốc sẽ gấp đôi trong 70 chia cho 10, là bảy năm. Sản lượng Mỹ phải mất 70:3 là 23,33 năm (Việt Nam mà đạt tốc độ 7% một năm trong 10 năm liền thì sẽ đạt sản lượng gấp đôi trong 70:7, là 10 năm tới!) Xin đóng ngoặc kép trở lại chuyện IMF.

Về cơ sở dự phóng, IMF không kịp kết hợp quyết định của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10, được Quốc hội ban hành hồi tháng Ba, là điều chỉnh từ lượng thành phẩm. Người viết đã nhiều lần phân tách "khúc quanh" của Trung Quốc nên khỏi nhắc lại ở đây, chỉ cần nói rằng lãnh đạo Bắc Kinh biết là nếu không cải thiện phẩm chất thì sẽ bị loạn. Vì vậy, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong Kế hoạch Năm năm 2012-2016 sẽ là 7% chứ không là 10% như các năm trước.

Nghĩa là chỉ tiêu tăng trưởng khiến kinh tế Trung Quốc chỉ lớn gấp đôi trong 10 năm tới, chứ không phải bảy năm tới.

Thời điểm "vượt Mỹ" sẽ xảy ra trễ hơn. Chuyện nhỏ!

***

Chuyện lớn hơn là khi ta nói về "sản lượng" - số lượng sản xuất ra - thường tính cho từng năm.

Câu hỏi đầu tiên là "ai sản xuất"? Nếu đo lường sức sản xuất của quốc gia đông dân nhất địa cầu có dân số một tỷ ba, bằng 20% dân số toàn cầu, thì việc Trung Quốc đứng đầu thế giới, và trước Nhật Bản với dân số 128 triệu hoặc Hoa Kỳ là 309 triệu, là điều có thể hiểu được. Nhưng vì sao giờ này vấn đề so sánh mới đặt ra khi Trung Quốc đã từng là siêu cường kinh tế toàn cầu trong cả chục thế kỷ trước khi lụn bại cả trăm năm, từ đầu thế kỷ 19?

Thứ hai, đo lường cái sức sản xuất đó bằng gì? Bằng ngoại tệ phổ biến toàn cầu là đồng Mỹ kim?

Một đồng bạc xanh mua được nhiều sản phẩm tại xứ này hơn xứ khác, tức là phải điều chỉnh theo tỷ giá mãi lực gọi là phương pháp PPP do chính IMF phát minh và áp dụng. Nếu dùng lối tính đó - thật ra vẫn nơ hồ và tương đối thôi - thì Trung Quốc đã vượt Nhật từ 10 năm trước, chứ không phải vào năm 2010. Và hiện đã đạt sản lượng "thực tế" là 10.100 tỷ Mỹ kim chứ không phải là 5.800 tỷ theo mệnh giá so với 14.624 tỷ của Hoa Kỳ. Với sai biệt là giữa 14,6 ngàn tỷ và 10,1 ngàn tỷ thì Trung Quốc vượt Mỹ mấy hồi?! Nhưng nếu tính theo mệnh giá, sản lượng Mỹ hiện lớn hơn gấp đôi (130%) sản lượng Trung Quốc và đến năm 2016 vẫn cao hơn sản lượng Trung Quốc 70%. Còn lâu mới vượt!

Nhưng, thứ ba, ai vượt? Chúng ta nhảy từ chuyện so sánh trái bưởi với trái tắc - cùng họ nhà cam cả!

Người ta phải tính ra rằng cơ cấu tổ chức và xã hội của hai nơi khiến trung bình một người dân Mỹ sản xuất ra một năm hơn 42 ngàn đô la so với trung bình một người dân Trung Quốc là 7.500, cũng tính bằng phương pháp tỷ giá mãi lực PPP. Con số đó chính là năng xuất kinh tế. Và vài chục năm nữa Trung Quốc vẫn chưa đạt nổi năng xuất của Hoa Kỳ.

Mà chuyện không chỉ có vậy. Trung Quốc bắt đầu nếm mùi lão hóa dân số với tỷ lệ cao niên ngày một đông hơn - sản xuất ít hơn và cần nhiều phúc lợi hơn do một dân số thấp hơn sẽ phải tạo ra sau này. Với cái đà hiện tại thì đến năm 2040, dân số cao niên của Trung Quốc - người hưởng thuế chứ không đóng thuế - sẽ vượt qua dân số tổng cộng hiện nay của các cường quốc kinh tế sau Mỹ và Tầu - là Nhật, Đức, Pháp, Anh và Ý!

Nói cho nôm na theo một thành ngữ hiện đại, dân Trung Quốc chưa kịp giàu thì đã già! Thời hoàng kim là ba chục năm tăng trưởng lịch sử sau cải cách nay đã nằm trong tấm kính chiếu hậu. Là lịch sử, nghĩa là quá khứ!

Mà từ nay đến đó xứ này có thể có loạn!....

Hoa Kỳ có nhiều đợt cách mạng, từ Roosevelt sau Tổng khủng hoảng đến Reagan sau lời nguyền của Carter về "nước Mỹ ảm đạm". Và nay mai sẽ còn một cuộc cách mạng khác. Lãnh đạo lên hay xuống, viết hồi ký có bán chạy hay không là chuyện vặt. Chuyện lớn là xứ này có khả năng thay đổi về chính trị. Tệ nhất là Nhật Bản với hai chục năm suy trầm và vài chục thủ tướng nối đuôi lên xuống. Nhưng y như Hoa Kỳ, Nhật cũng không có loạn.

Trung Quốc không có điều kiện chuyển hóa từ lượng thành phẩm và khó thoát cơn khủng hoảnh vì chính trị không dân chủ và xã hội thiếu tự do. Cho nên, Quốc hội hay Hành pháp Mỹ có bị phê phán hoặc được dân chúng đuổi cổ bằng lá phiếu đồng Mỹ kim vẫn ngự trị và xã hội Mỹ vẫn có hy vọng tìm ra giải pháp khác. Trung Quốc không được như vậy. Nếu lại say nước đường mà tưởng mình sẽ lên hàng bá chủ thì sẽ không uống thuốc đắng. Và té vào ảo ảnh.

Kết luận? Giới kinh tế thường ví von thống kê với cây cột đèn. Kẻ say thường tựa cột đèn cho khỏi té, chứ bất cần đến sự soi sáng của ánh đèn. Hay là IMF vừa dựng cột đèn cho lãnh đạo Bắc Kinh?

12 THÁNG ANH ĐI