27 thg 7, 2011

Trịnh Kim Tiến


Phỏng vấn ‘hoa khôi’ biểu tình chống Trung Quốc
Monday, July 25, 2011 8:35:47 PM

HÀ NỘI (NV) - Ngay sau cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ Tám liên tiếp tại Hà Nội hôm 24 tháng 7, cùng với nhiều hình ảnh biểu tình khác, trên các trang mạng xuất hiện hình ảnh của một thiếu nữ mặc áo dài trắng đeo biểu ngữ ‘Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam.’

Với gương mặt khả ái, cô được cộng đồng mạng ưu ái gọi bằng cái tên ‘hoa khôi’ hay ‘hoa hậu’ biểu tình chống Trung Quốc.

Tên của thiếu nữ đó là Trịnh Kim Tiến, một sinh viên ở Hà Nội.


Trịnh Kim Tiến là con gái ông Trịnh Xuân Tùng, người bị công an đánh gãy cổ rồi giam tại trụ sở công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, sau đó qua đời ngày 8 tháng 3 năm 2011 tại Bệnh viện Việt - Đức.

Trả lời phỏng vấn của báo Người Việt, Trịnh Kim Tiến nói rằng, cô đi biểu tình với tư cách là một thanh niên Việt Nam, thể hiện tình yêu nước của một người trẻ tuổi, chống giặc ngoại xâm và cất lên tiếng nói nhỏ bé của mình để bảo vệ những ngư dân Việt Nam ngoài biển cả như bảo vệ máu thịt của mình.

Kim Tiến nói thêm, việc cô đi biểu tình không liên quan đến việc cha mình bị công an đánh chết.

Điều này cũng được Trịnh Kim Tiến viết trên trang Facebook cá nhân: ‘Hãy cứ coi em như một sinh viên yêu nước. Đừng coi em là Trịnh Kim Tiến vì ba bị công an đánh chết mà xuống đường. Em xuống đường chỉ vì em cảm thấy lương tâm em lên tiếng. Em cũng chỉ là một sinh viên, một thanh niên Việt Nam như bao nhiêu bạn khác đã cùng em tiến bước. Một tiếng lòng quá nhỏ trước hàng triệu triệu trái tim quê hương. Mặc kệ những ai cho em là bất mãn hay phản động, em vẫn tự hào vì lòng yêu nước trong sáng của mình...’

Kim Tiến cho hay, những người đi biểu tình đều có lòng yêu nước rất trong sáng, không hề suy tính gì. Và nếu như các nhân sĩ yêu nước kêu gọi, và đồng bào vẫn còn bị bắt bớ và đánh đập, thì cô sẽ vẫn tiếp tục tham gia biểu tình.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=134612&z=311

LÁ CỜ CHÍNH NGHĨA



LÁ CỜ CHÍNH NGHĨA

Tự do như muối
hạnh phúc như đường
khi còn đang ăn đủ miếng ngọt miếng ngon
khó thấy được giá trị của hạt đường hạt muối
tôi sống ở miền nam
nhìn dòng đời trôi nổi
nở lại tàn

bao nhiêu mùa hoa
hai nền Cộng Hòa
một cuộc chiến tranh dài đẫm máu
tôi đã dốc lòng chiến đấu
bảo vệ tự do
dưới lá cờ
nền vàng ba sọc đỏ

tiếc thay trong đội ngũ
chúng tôi có ít những Ngô Quang Trưởng , Nguyễn Khoa Nam
mà lại khá nhiều Nguyễn Vĩnh Nghi, Nguyễn Văn Toàn
nên lính mất niềm tin
dân chán nản
những kẻ có lòng
lắc đầu ngao ngán
rồi nước Mỹ đồng minh, xưa là bạn
nay trở mặt lọc lừa
quên lời hứa năm xưa
bỏ mặc “ tiền đồn của thế giới tự do “
thất thủ

kẻ thù đưa tôi lưu đày biệt xứ
rồi khua chiêng gióng trống ăn mừng
đám trí thức, sinh viên, học sinh
xưa trốn vô bưng
mơ một thiên đường trên trái đất
nay ngồi trên khán đài nghếch mặt
“ Thiên đường đang ở trong tầm tay “
Má Hai
xưa đào hầm nuôi cán bộ
nay hớn hở
“ Tụi nó dzià mình chắc có tương lai “
bà Tám con chết trận Đồng Xoài
hãnh diện lãnh bằng gia đình liệt sĩ
những nhà văn, nhà thơ, xưa chống “ cuộc chiến tranh phi lý “
(đâm sau lưng người lính Cộng Hòa )
nay chìa bút ra
xin viết bài ngợi ca chế độ mới
đám thanh niên xưa trốn chui trốn nhủi
ở hậu phương
xanh mặt khi nghe nhắc tới chiến trường
nay tự nhận đã yêu thầm cách mạng
những người dân bình thường
xưa gặp lính khi ghét khi thương
lúc buồn ngồi chửi đổng
“ Tao chửi cả thằng Tổng Thống
xá gì lính tráng tụi bay “
nay cũng ngập ngừng vỗ tay
nhưng mắt nhìn quanh lấm lét
họ chưa có câu trả lời dứt khoát
muốn đợi một thời gian

sau vài năm
cuộc hôn nhân qua tuần trăng mật
đã đầy nước mắt
và những tiếng nấc nghẹn ngào
đám trí thức vô bưng năm nào
tức giận thấy mình bị bội phản
buông lời phản kháng
kẻ vô khám Chí Hòa
người bị quản thúc tại gia
đưổi gà cho vợ
thiên đường ước mơ sụp đổ

má Hai
đã quen dần với bo bo, với sắn với khoai
như người dân miền Bắc
những cán bộ xưa má nuôi trong hầm bí mật
đã ra lệnh bắt má mấy lần
má không đủ ăn
lấy đâu đóng thuế

bà Tám ôm tấm bằng Gia Đình Liệt Sĩ
bụng đói meo
làng trên xóm dưới ai cũng nghèo
tình người hiếm hơn hồi đó
bà ra mộ con ngồi ngổ cỏ
khóc thầm

những văn nhân
một thời phản chiến
“ ngộ biến tòng quyền “
cố bẻ cong ngòi bút
nhưng với văn thơ, với nhạc
quen phóng túng tự do
sao chịu nổi gông xiềng
lại tiếc những ngày trời rộng thênh thang
muá bút

đám thanh niên hèn, khoác lác
tưởng được chế độ mới tin dùng
bị đi lao động quốc phòng
thanh niên xung phong
làm việc không công nơi rừng sâu nước độc
cháy da vàng mắt
đói lòng

những người dân
xưa chửi vung chửi vít
nay im thin thít
chẳng dám hé môi
một số kẻ lỡ lời
bị đi “ tù không án “
khi cán bộ xưng tụng bác Hồ, ca ngợi Đảng
họ cao giọng hoan hô
vỗ tay thật to
nhưng bụng thầm ao ước được sống lại những ngày xưa cũ

sau ba mươi tháng tư, đớn đau tủi hổ
là gia đình người lính Cộng Hòa
kể bị cướp nhà
người bị cướp đất
con bị đuổi học
vợ mất sở làm
chồng đi tù biệt tăm
đi họp, cán bộ Cộng Sản mỉa mai nhiếc móc
ra đường bị lườm dọc nguýt ngang

đến khi ruộng vô tập đoàn
gạo vải sữa đường bán theo tiêu chuẩn
nhà máy công ty hãng xưởng
trờ thành quốc doanh
công an khu vực đầy quyền hành
thực thi chính sách nhân hộ khẩu
người dân chịu đời không thấu
mà chẳng dám than vãn kêu ca
bấy giờ gia đình người lính Cộng Hòa
mới nhận được những tia nhìn thiện cảm
nghĩ đến con, đến chồng, đến cha
trong nhà tù Cộng Sản
họ hãnh diện ngẩng đầu

hôm nay giữa trời cao
được thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ
phất phới bay trong gió
tôi muốn khóc thật to
tôi muốn hét lên
“Đây hạnh phúc ! Đây tự do ! “
Mà thuở nào tôi đã buông tay đánh mất
để phải chôn tháng năm tươi đẹp nhất
của cuộc đời
trong các trại tù rải rác khắp nơi
trên đất nước
họ hàng tôi, đồng bào tôi
những ai không đi được
mấy chục năm trường
gánh chịu đau thương
uất hận tủi hờn
nhìn quê hương tan nát
mẹ Việt Nam ơi ! Những đứa con lưu lạc
đã nhận rõ lỗi lầm
đang đấu tranh âm thầm
cho một ngày quang phục

sẽ còn nhiều khó nhọc
để dành lại giang san
từ tay bọn Cộng Sản tham tàn
nhưng kìa ! Phất phới bay trong gió
vẫn như ngày nào
lá cờ vàng ba sọc đỏ
mà sao hôm nay chính nghĩa sáng ngời
chẳng cần một lờiluận bàn lý giải

tôi đứng lặng nhìn, lòng khoan khoái
lá cờ vẫn còn đây
thì quê hương ơi ! Sẽ có một ngày.

Viết tại San Leon sau một lần dự lễ dựng
kỳ đài tại Houston .

Phạm Đức Nhì

26 thg 7, 2011

Một vị máu đắng miệng, một giọt lệ phẫn nộ trong mắt


THTNDC: Một bài viết rất hay của ông Andre Mendras Hồ Cương Quyết.
Thẳng thắn và mạnh mẽ. Đến nước này,lãnh đạo Việt Nam cần hiểu rằng, chính cách hành xử của họ đẩy người dân vào thế đối lập, chứ chẳng phải “thế lực thù địch” nào xúi giục cả. Một bài học lịch sử quá đắt, đánh đổi bằng hy sinh của nhiều thế hệ, trả giá bằng nguy cơ mất nước, về công thức quyền-lực-không-đối-trọng = tội-ác.

***Một vị máu đắng miệng, một giọt lệ phẫn nộ trong mắt

Hôm nay, ngày 18-7, lại rất đau đớn và đầy phẫn nộ! Tôi đã xem những bức ảnh – không cắt dán lắp ghép – của những công an quần áo màu lục hay màu lam, đội mũ, đi ủng, hay những công an mặc thường phục; họ xô đẩy, lôi kéo, đấm đá; họ đá cả vào mặt một thanh niên đã ngã xuống. Những bức ảnh này chụp điều mọi người đều chứng kiến trên đường phố.
Cứ tưởng tượng bạo lực và sỉ nhục là như thế nào trong bót cảnh sát cửa đóng kín.
Những người bảo vệ nhân dân đủ mọi hạng kia, quý ông thật can đảm! Cao làm sao, uy danh quý ông đem lại cho đồng phục của mình, cho những lãnh đạo đã sai khiến quý ông!

Khi xem các ảnh đó, hơi hám của chế độ cũ trở lại trong ký ức tôi, và một vị máu mặn đắng trở lại trong miệng. Vị máu mà tôi đã hơi quên, nhưng các ông lại mang nó về gay gắt trên môi trên lưỡi. Đó là cái vị mà tôi đã nếm qua dưới chân bức tượng Thuỷ quân Lục chiến ở Sài Gòn khi tôi treo lá cờ Giải phóng, và mật vụ của Thiệu tay cầm đá đã động quyền cước mạnh mẽ đánh tôi rách da sọ! Tôi lại còn được nếm chính cái vị máu ấy lúc hứng dùi cui mưa trên đầu, khi chúng tôi kháng cự việc chúng đày những người anh em tù đi Côn Đảo trong sân khu BC của Chí Hoà; lúc đầu tôi không ngừng va đập vào mỗi nấc thang, vì bị lũ “đầu trâu mặt ngựa”, đi ủng và mang dùi cui, nắm chân kéo lên xà lim biệt giam.
Khi dân chúng càng biểu lộ lòng kiêu hãnh, sự phẫn nộ chính đáng của mình, thì hành xử của các ông càng giống như của bọn tay sai của Nguyễn Văn Thiệu và bè lũ! Tôi hổ thẹn cho các ông. Tôi hổ thẹn về lòng thù hận của các ông khi hành hạ những công dân lương thiện, ôn hoà và can đảm; về sự hèn nhát của các ông trước bọn cướp trung quốc, trong khi chúng tiếp tục công khai giết, cướp, sỉ nhục, làm sạt nghiệp những ngư dân của chúng ta: phá hoại các tàu bè của chúng ta trong vùng đặc quyền kinh tế! Hổ thẹn, phẫn nộ, và buồn!
Cho đến nay, tôi vẫn tự kiềm chế không nói huỵch tẹt với các ông sự thực về các ông. Tôi đã ngây thơ, quá cả tin, nghĩ rằng các ông đủ thông minh, có trách nhiệm, tôn trọng dân chúng, rằng những phản ứng co rúm đầu tiên của các ông chỉ là do bị động trước sự kiện đường đột, rằng các ông sẽ lấy lại được bình tĩnh và cho phép sự phản đối ôn hoà và hợp pháp này được biểu thị. Nhưng không, các ông vẫn ngoan cố, các ông còn cấm đoán cứng rắn hơn, các ông đàn áp. Các ông đã vượt qua cái ngưỡng có thể chịu đựng được.
Đừng mong rằng tôi sẽ làm giống như một số người bạn tôi, cựu tù nhân chính trị của chế độ Sài Gòn. Nhân danh một quá khứ quang vinh, họ im lặng cam chịu chấp nhận những khốn khổ thê thảm hiện tại. Họ sợ phải lên tiếng cùng với thế hệ thanh niên của họ đang xuống đường. Họ bám víu vào hình ảnh đầy hào quang của họ trong quá khứ và nhắm mắt trước những hình ảnh hiện tại vì sợ bị chóng mặt hay buồn nôn. Tôi rất mến những người bạn này, nhưng cũng rất thương cho họ. Chắc họ khổ tâm lắm! Khổ tâm hơn tôi nhiều. Chắc hẳn họ cảm thấy rất rõ những hy sinh ngày trước của mình bị phản bội, được tán tụng mỗi ngày chỉ để bị chà đạp thô bạo hơn! Tôi đơn giản hy vọng rằng những hành xử man rợ và phản quốc, mà những hình ảnh biểu tình ngày 17 tháng 7 tại Hà Nội đã cho tôi thấy, sẽ đánh thức dậy lòng can đảm trong tuổi hai mươi của họ… và làm cho họ khoẻ mạnh hơn. Tuổi trẻ ngày hôm nay cần đến một hình ảnh sống động và đàng hoàng của họ!
Bằng những hành động trấn áp ngày càng bạo liệt, một số lãnh đạo của chế độ hiện đang chui vào cùng một rọ với bọn du thủ du thực vô tổ quốc của chế độ cũ. Họ gây ra cùng một loại dị ứng trong dân chúng trước đám công an, chìm hay nổi, tràn ngập, ngày càng hung hãn. Họ tạo ra điều kiện cho sự sụp đổ từ bên trong rất có hại cho Việt Nam, bởi vì phong trào yêu nước, ôn hoà và dân chủ, đã hiển lộ giữa ban ngày, sẽ không dừng lại.
Trước làn sóng đang dâng lên, hợp pháp, lành mạnh và cứu rỗi, sự đàn áp sẽ lên đến những mức nào trong cái bẩn thỉu, sự hãi sợ, và sự ngu xuẩn? Có phải người ta sẽ mở lại các trại tập trung? Có phải người ta sẽ xử dụng xe tăng theo kiểu Thiên An Môn? Có phải người ta sẽ bắn vào quần chúng? Tra tấn? Thủ tiêu? Liệu có ai ngây thơ đến độ tin rằng nhân dân Việt Nam cũng giống như nhân dân Trung Quốc, và sẽ cúi đầu trước roi vọt? Bởi vì phong trào đã âm ỉ từ lâu như thế, và đã tiến lên như thế, sẽ không dừng lại. Đó không phải là một phong trào bột phát lửa rơm của sinh viên: nó đã tụ hợp được trên những điểm mấu chốt những trí thức có tiếng tăm, có quá khứ ái quốc đầy uy tín, được kính trọng và được lắng nghe, những quân nhân mà sự vinh quang phục vụ tổ quốc cũng như sự liêm khiết không ai có thể nghi ngờ. Nó bắt rễ rất sâu trong quá khứ yêu nước và trong văn hoá đại chúng.

Quả là đến lúc dừng lại dùi cui, để mở mắt nhìn và để dỏng tai nghe: con đường đàn áp là bế tắc. Hỡi quý ông mang dùi cui, cái vị máu trong miệng đó, và cái nỗi thịnh nộ đó, mà mỗi ngày các phản ứng hèn hạ của quý ông mỗi làm cho thêm người cùng nếm trải, đang đưa quý ông, và gia đình, và cả đất nước này đến thảm hoạ. Mà kẻ hưởng lợi độc nhất là xâm lược Bắc Kinh.
Chỉ có một lối thoát, chỉ có một lối ra duy nhất cho tất cả những vấn đề liên quan đến công cuộc bảo vệ quốc gia, nền độc lập dân tộc, việc hiện đại hoá nền kinh tế. Đó là nhanh chóng và can đảm mở cánh cửa dân chủ, mở ra cuộc đối thoại tự do với các công dân, khuyến khích họ thực sự tham gia một cách tích cực vào những quyết định trọng đại. Không có gì, không có ai, không một đảng nào có thể tước đoạt lâu dài những quyền tối thượng đó của nhân dân, không có thế lực nào có thể bóp nghẹt hơi thở lành mạnh và cần thiết của lòng yêu nước. Điều này đúng cho việc bảo vệ các hải đảo và vùng biển cũng như đúng cho tất cả những vấn đề khác của đất nước. Hãy ngừng lại không bịt miệng các công dân, không đàm phán sau lưng họ, không hành hạ họ!
Hôm 5.6.2011, trong lần biểu tình đầu tiên trước cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố HCM, một lãnh đạo cấp cao của thành phố, mà tôi đã có lần gặp gỡ thân mật, mời tôi đối thoại, cùng với một số người bạn tôi. Vị này gọi tôi là đồng chí. Tôi đã có phản ứng lễ độ nhưng quả quyết khi trả lời rằng danh từ này chưa bao giờ có một ý nghĩa chung nhất và bền vững. Tôi cho rằng có đồng chí khi này và có đồng chí khi khác: hãy cho biết anh làm gì ở đây hôm nay, và tôi sẽ nói tôi có là đồng chí của anh hay không. Bà bán cháo, khi nhập vào dòng biểu tình để biểu lộ một cách ôn hoà sự phẫn nộ của bà, là đồng chí của tôi. Vị lãnh đạo đã mượn kiểu giảng đạo chính trị để nhân danh sự “ổn định chính trị” mà thuyết phục tôi từ bỏ quyền lợi hợp pháp và nhiệm vụ của người công dân yêu nước, mà chính là phải biểu lộ công khai sự phẫn nộ khi đất nước bị xâm lược và nhân dân bị sỉ nhục, phải chăng vị đó là đồng chí của tôi? “Đồng chí” ấy nói về kiểu “ổn định chính trị” nào vậy? Kiểu buông xuôi? Ông ta đang nói gì với tôi vậy? Rằng vấn đề tối cao về độc lập dân tộc là tôi không cần phải lo? Rằng tôi phải ngoan ngoãn về nhà, câm nín trong tủi hổ, đọc biết qua Internet là những “đồng chí” cấp cao đó thương lượng sau lưng tôi với bọn cướp vẫn đang tiếp tục cướp bóc, về kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hoá, đồng thời khích động lòng thù hận trên chính nhân dân họ chống lại tôi? Đó là tình đồng chí mà tôi được trao cho ư? Không, cám ơn, nghìn lần không, tôi không muốn nhận và tôi buồn nôn. Vì nó sẽ bôi quá nhiều ô uế lên ký ức về những người mà tôi biết bao yêu mến và cảm phục, những người với máu trong miệng và trên môi, vâng, chính họ, trong ngục tù của đế quốc, đã cho tôi bài học về ý nghĩa đích thực của danh từ Việt Nam tuyệt đẹp “Đồng chí”, tôi – kẻ chưa bao giờ thốt lên chữ đó bằng tiếng Pháp. Vâng, với những người đó, tôi vẫn là, và sẽ luôn luôn là đồng chí, với vinh dự, với tình yêu. Nhưng các ông, những kẻ động võ bằng dùi cui, những kẻ đạp ủng trên đồng bào đã ngã xuống đất, những kẻ xua loại chó săn hai chân tấn công các công dân trung hậu và hiền hoà, xin các ông đừng gọi tôi là “đồng chí”, đừng nói đến “Đảng” với tôi. Các ông đang vận dụng hai chữ đó như thế nào là điều với tôi hoàn toàn xa lạ và không thể chịu đựng được.
Và điều này tăng thêm cho tôi ý chí đem lại cho những chữ này ý nghĩa thực thụ của chúng, để tôi có thể có phần hãnh diện. May mắn thay cho Việt Nam và tương lai của nó, tôi không phải là người cộng sản duy nhất và cũng không là công dân duy nhất suy nghĩ như thế.

André Mendras Hồ Cương Quyết
Bản dịch của Hàn Thuỷ
Nguồn: Bauxite Việt Nam

25 thg 7, 2011

Chuyến đi Mỹ lãnh giải Nhân quyền cho Mẹ


Đỗ Thủy Tiên, viết riêng gửi RFA

(Đỗ Thủy Tiên là con gái của Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Cô đang du học tại Pháp và sang Mỹ nhận giải thưởng Nhân Quyền thay cho Mẹ đang trong tù ở Việt Nam.)

Tôi vừa trở về sau chuyến đi Washington DC vào giữa tháng 12. Chuyến đi thực sự rất mệt mỏi, nhưng những điều nó đem lại quả thực quý giá và có ý nghĩa đối với tôi.

Gia đình tôi đang ở tình trạng vô cùng khó khăn. Mẹ tôi bị bắt vì đã lên tiếng và đấu tranh cho cái đúng và lẽ phải, giờ bà không thể liên lạc với bất cứ ai bên ngoài, thuốc men thì không được phép nhận một chút nào (họ nói dối là trong tù có thuốc) trong khi đang phải chịu đựng tiểu đường và lao phổi trong điều kiện tồi tệ ở chốn lao tù. Bố và em tôi luôn bị công an theo dõi hàng ngày trong mọi hoạt động bên ngoài.

Em gái tôi còn rất nhỏ - 12 tuổi, cái tuổi chưa đủ để chịu đựng sự thiếu vắng mẹ và những khó khăn hay đau khổ khó vượt quá, tôi lo cho em nhất, em còn rất bé và nhạy cảm, không hiểu em có thể giữ tinh thần vững vàng để học hành cho tốt không. Sắp tới ngày 13 tháng 12 là sinh nhật em, tôi chỉ mong em cố gắng vượt qua mọi khó khăn trước mắt và chăm sóc cho bố, cho bà, chờ đến ngày mẹ về.

Bố tôi giờ đã mất việc, bị đồng nghiệp, bị hàng xóm nhìn với con mắt kỳ thị và xa lánh, tôi hiểu bố tôi cảm thấy khó khăn như thế nào - và nhất là khi bị cách ly khỏi mẹ tôi, hơn 2 tháng trời không biết tin tức gì về bà cũng như tình trạng sức khỏe, thậm chí không thể vào gặp để gửi thuốc, hay chỉ để nhìn thấy bà vài giây, để nói vài câu.

Bà ngoại tôi đã già lắm, tuổi già chỉ muốn ở gần con cháu thì lại phải xa con gái và cháu gái (tôi đang học ở Pháp). Gần đây tinh thần bà suy sụp nặng nề vì lo cho con gái và nhớ thương cháu gái, và bà còn vừa bị gãy chân bởi một tai nạn gây ra bởi xe máy (mà chúng tôi nghi ngờ là đòn thù của lũ bất nhân). Đôi lúc chỉ biết an ủi bà qua điện thoại, nghe giọng bà thều thào mà lòng đau như cắt.

Tài chính của gia đình giờ chỉ còn nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè - những người có điều kiện hơn ở nước ngoài. Bản thân tôi giờ đang cố gắng tìm một việc làm để tự trang trải chi phí học hành cũng như sinh hoạt ở Pháp. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn là vậy, nhưng tôi vẫn luôn gắng gượng chống đỡ bản thân - tôi không cho phép mình suy sụp hay quỵ ngã, tôi luôn cố gắng quên đi nỗi đau đớn để vươn lên cố gắng trong cuộc sống cũng như học hành..

Mới đây, khi vụ việc của mẹ tôi được nhiều người biết đến, rất nhiều cô bác đã tận tình giúp đỡ và chỉ bảo cho tôi. Có bác Phượng, bác Bảo lo cho tôi nơi ăn chốn ở trong những ngày xa nhà đi kêu gọi cho tự do của mẹ. Có chú Bình giúp đỡ tôi trong chuyến đi Bỉ gặp cộng đồng châu Âu (EU).

Và trong chuyến bay sang Mỹ an toàn, có anh Hoàng Tứ Duy ở Mỹ đã luôn luôn đồng hành cùng tôi trong mọi cuộc đi lại, gặp gỡ với chính giới. Ngoài ra tôi có được visa để sang Mỹ cũng là nhờ sự giúp đỡ, thúc đẩy của các cô các bác và nhất là sự can thiệp của dân biểu Loretta Sanchez.

Chuyến đi đã diễn ra thành công tốt đẹp. Ngày 10/12 tôi đã được gặp gỡ với 2 dân biểu Joseph Cao và dân biểu Loretta Sanchez tại tòa nhà của quốc hội Mỹ ; Sau đó chúng tôi gặp với ông Matt Palmer, Deputy Director for Mainland Southeast Asia Affairs và bà Susan O’Sullivan, Senior Advisor, Bureau of Democracy Human Rights & Labor tại Bộ Ngoại Giao Mỹ.

Ngày hôm sau tôi cũng có thêm một số cuộc gặp gỡ với các dân biểu trong quốc hội Mỹ khác như Chris Smith, Dan Lungren, Zoe Lofgren và tổ chức quốc tế Human Rights Watch để kêu gọi họ quan tâm và giúp đỡ cho gia đình tôi và nhất là mẹ tôi bằng cách cho họ thấy những gì chúng tôi đang phải chịu đựng và các nỗ lực của mẹ tôi trong nhiều năm qua. Họ tỏ ra rất quan tâm, thông cảm và lắng nghe, và họ đã hứa sẽ làm tất cả những gì có thể.

Đặc biệt nhất là tôi đã có vinh dự được tham dự lễ trao giải của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam tại Court Hotel, và được thay mặt mẹ tôi nhận giải thuởng cao quý này. Tôi đã trả lời nhiều bài phỏng vấn về mẹ và con đường của mẹ, đã chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm với các cô bác mà tôi mới chỉ nghe tên chứ chưa được gặp.

Và thực sự khi nhìn ảnh mẹ ở đó, tôi đã vô cùng xúc động. Mẹ tôi đã đấu tranh, đã xả thân, đã hy sinh và giờ mẹ tôi đã được đền đáp xứng đáng. Tôi đã được rất nhiều các cô, các chú, các bác, các ông, các bà đón tiếp rất nồng nhiệt bởi họ yêu quý mẹ tôi - tác giả của nhiều tác phẩm lên tiếng thay cho những người dân nghèo khổ, của những cuộc tranh đấu bất tận cho cái đúng, cho lẽ phải, cho dân tộc.

Và điều đó khiến tôi thực sự hạnh phúc. Hạnh phúc vì thấy mẹ tôi được yêu quý và kính trọng như mẹ thực sự đáng được hưởng. Và hạnh phúc vì khi gặp khó khăn hoạn nạn, mẹ không hề đơn độc, không hề một mình mà vẫn có rất nhiều người ở bên mẹ, lên tiếng cho mẹ, bảo vệ mẹ, tranh đấu và bước tiếp con đường mà mẹ đang bị gián đoạn. Dù đang ở trong tù nhưng tôi tin là mẹ vẫn đang vững tin vào con đường mình đã chọn, vào những người đồng nghiệp mà mẹ có.

18 tuổi, tôi biết thế nào là đúng, thế nào là sai và đâu là điều nên làm. Tôi đã làm tất cả những gì có thể ở Mỹ để kêu gọi sự giúp đỡ cho gia đình, cho tự do của mẹ tôi và cho công bằng của tất cả mọi người. Tất cả những gì tôi đã trải qua những ngày qua thật sự là những điều vô cùng có ý nghĩa.

Ở một xứ sở của tự do và công bằng, mẹ tôi thực sự được tôn trọng và được người ta nhìn nhận đúng với giá trị con người mẹ, và mẹ tôi cũng như gia đình tôi không hề đơn độc. Mẹ ơi, bố ơi, bà ơi, gia đình mình ơi, vững tin lên nhé ! Con yêu cả nhà.

Và nhân đây xin cảm ơn tất cả các cô, các chú bác, các ông bà đã giúp đỡ mẹ cháu và gia đình cháu, trực tiếp hay gián tiếp, bằng nhiều cách khác nhau. Đặc biệt nhất là bác Phượng, bác Bảo, chú Bình, và anh Duy đã sát cánh và đồng hành bên cháu, bên em những ngày này :). Không có mọi người thực sự mọi việc sẽ rất khó khăn với em.

Kính tặng Mẹ trong lao tù
Ngày 12.12.2009

21 thg 7, 2011

Báo Spiegel phỏng vấn Bộ trưởng gốc Việt Rösler


Cuộc phỏng vấn ông Philipp Rösler
do tạp chí Spiegel thực hiện ngày 19.7
xoay quanh các vấn đề về sự hội nhập
của người nước ngoài với xã hội Đức,
sự phân biệt đối xử, và ý nghĩa
của việc trở thành một người Đức.

Một hoàng tử Việt Nam bị lạc

SPIEGEL: Bộ trưởng Rösler, ông sinh ra ở Việt Nam và được cha mẹ người Đức nhận làm con nuôi khi ông mới chín tháng tuổi. Lần đầu tiên ông chú ý đến việc ông trông khác với những đứa trẻ Đức khác là khi nào?

Philipp Rösler: Khi tôi lên bốn hay năm gì đó, ba tôi cùng tôi soi gương. Ông nói: “Con hãy nhìn vào con, rồi nhìn vào ba – chúng ta trông khác nhau. Nhưng cho dù có điều gì xảy ra và cho dù người ta có nói gì: ba vẫn là ba con”.

Hồi nhỏ ông có bị trêu chọc vì ngoại hình của mình kkhông?

Không, chưa bao giờ. Thỉnh thoảng tôi mơ rằng mình là một hoàng tử Việt Nam bị lạc nữa. Suy nghĩ đó làm tôi thích thú. Có lúc tôi còn hỏi ba là ở Việt Nam có hoàng tử không. Ông nói là từng có vua ở đó, nhưng giờ không còn nữa. Chuyện (tôi hỏi ba) xảy ra vào khoảng năm 1980.

Với ngoại hình của mình, hồi thiếu niên ông có bao giờ hình dung đến một ngày ông trở thành phó thủ tướng Đức không?

Làm sao mà một thiếu niên có thể hình dung đến việc trở thành phó thủ tướng được? Tôi thấy người dân Đức đã rất thông cảm và chấp nhận việc tôi trông khác với một “người Đức bình thường”. Ở nước ngoài, điều này hiện giờ và sau này vẫn còn gây chú ý. Tôi vừa mới tháp tùng thủ tướng (Angela Merkel) đến Washington và khi chúng tôi được đón tiếp ở Nhà Trắng, tổng thống Obama đã rất tò mò về sự nghiệp chính trị của tôi.

Có phản ứng nào từ Việt Nam khi ông trở thành chủ tịch của đảng Dân chủ Tự do (FDP) – đảng liên minh với đảng bảo có đường hướng bảo thủ của thủ tướng Angela Merkel – và phó thủ tướng Đức?

Tôi nhận được lời chúc mừng từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, điều đó khiến tôi rất vui. Nhưng không có mối liên hệ gì gán ghép vào lai lịch Việt Nam của tôi cả.

Những người ở Việt Nam có tự hào về Philipp Rösler?

Xe chở khách du lịch Việt Nam thường dừng ở bộ của tôi, và với nhiều người Việt Nam, đó chắc chắn là điều gì đấy đặc biệt. Nếu ai đó gốc Đức được nhận làm con nuôi và trở thành người trong chính phủ Việt Nam, chúng ta những người Đức có lẽ cũng sẽ thấy thú vị.

Ba ông có kể cho ông nghe nhiều về Việt Nam không?

Ba tôi gặp một số người Việt Nam khi ông làm phi công lái trực thăng cho không quân Đức. Trong những năm 1970, ông thường đi tập huấn ở Mỹ, nơi các phi công của quân đội miền Nam Việt Nam cũng được huấn luyện. Cuộc chiến ở Việt Nam thu hút sự quan tâm của ông, như hầu hết những người cùng thế hệ của ông. Sau đó ông nhận thấy có hai lựa chọn – hoặc là xuống đường và biểu tình, hoặc giúp đỡ theo một cách thiết thực. Ông chọn cách thứ hai và nhận nuôi một đứa trẻ Việt Nam – là tôi.

Tôi là một người Đức

Giờ, khi ông xem những phim ảnh về chiến tranh Việt Nam, ông đứng về phía bên nào?

Không bên nào cả. Trong những phim chẳng hạn như “Platoon” của Oliver Stone, không cần có một sự phân biệt giữa thiện và ác, vì vậy tôi không thấy mình phải đứng về phía nào.

Ông có bao giờ thử học tiếng Việt chưa?

Chưa.

Ông có bao giờ ước mình trông giống một người Đức không?

Không, vì tôi là một người Đức và tôi luôn cảm thấy như một người Đức. Tôi học trường tiểu học công giáo ở vùng Harburg của Hamburg, nới có rất nhiều học sinh Tây Ban Nha và Ý. Sau ngày đầu tiên ở trường, tôi lại nói chuyện với ba: “Ba ơi, có nhiều bạn người ngoài trong lớp con”. Ông đã cười lớn.

Đức có phải là một đất nước thân thiện với người nước ngoài?

Vâng, đúng vậy. Bản thân tôi chưa bao giờ có trải nghiệm tiêu cực nào (về việc này).

Nhóm người nước ngoài nào mà ông cho là sẽ gặp khó khăn ở Đức?

Điều đó khó mà nói được. Nhìn chung, yếu tố nước ngoài và yếu tố xa lạ khiến nhiều người lo sợ. Vì vậy tôi hình dung những người gặp khó khăn nhất là những người mà có vẻ rấc khác biệt với “người Đức điển hình”.

Các quan điểm tích cực của ông về nước Đức có liên hệ gì với việc ông đã được lớn lên trong một môi trường được che chở không? Một cậu bé Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng ven khó khăn của Berlin như quận Neukölln chẳng hạn có thể có một cái nhìn rất khác về nước Đức.

Không có ai giễu cợt với điều tôi được thừa hưởng. Nhưng những cậu bé Thổ Nhĩ Kỳ thường bị véo mũi vì chúng trông khác mọi người. Tôi thấy điều này không công bằng và nguy hiểm. Làm sao một người có thể cảm thấy họ là một phần của xã hội khi bị nói ngay từ đầu là: “Bạn không thực sự là một phần của chúng tôi?”.

Tại sao thái độ với người nước ngoài ở Đức lại trở nên khó chịu như vậy?

Trong quá khứ, người nước ngoài được xem là làm giàu cho đất nước này. Đức cần lao động, vì vậy người Tây Ban Nha, Ý, và người Thổ Nhĩ Kỳ được chào đón. Khi nỗi lo thất nghiệp tăng lên, nỗi sợ của nhiều người về việc người nhập cư sẽ lấy mất việc làm của họ cũng tăng lên. Dù sao thì trong vài năm qua, thái độ này đã được cải thiện đáng kể.

Và tại sao tân phát xít ở phía Đông nước Đức gọi người Việt Nam là “dân Fiji” như một cách miệt thị?

Gọi người Việt Nam là dân Fiji hoàn toàn là ngu xuẩn, ít nhất là về mặt địa lý. Đảo quốc Fiji cách Việt Nam hàng ngàn km.

Là bộ trưởng kinh tế…

Ông có nhận thấy rằng người ta đang lo sợ người nhập cư không?

Luôn có hai cách ứng xử với những nỗi lo sợ như vậy. Hoặc anh đầu hàng nỗi sợ và khép kín bản thân mình, hoặc anh cố gắng cởi mở và nói cho mọi người cùng hiểu. Tôi thấy cách thứ hai thoải mái hơn.

Đảng FDP của ông có nỗ lực đủ để làm cho mọi người cùng hiểu chưa?

Chính trị nhìn chung làm được quá ít trong việc xác định mục tiêu của sự việc hội nhập.

Có phải các chính trị gia Đức đã quá nuông chiều người nước ngoài, những người từ chối hội nhập?

Tôi tin là chính sách của chúng ta đã tạo ra cơ hội quá ít, như việc mở các khoá tiếng Đức chẳng hạn. Xử phạt cần phải là phản ứng trước hết của chúng ta.

Là bộ trưởng kinh tế, ông có kế hoạch nới lỏng quy định về nhập cư vào Đức không?

Tôi sẽ tán thành các chuyển động của nước Đức xa hơn theo hướng này. Nước Đức cần những người nhập cư có chất lượng và thật vô lý khi chúng ta chi rất nhiều tiền để đào tạo sinh viên nước ngoài và rồi sau khi họ tốt nghiệp lại chỉ cho phép họ ở lại có một năm.

Ở Đức, người châu Á được xem là hội nhập đặc biệt tốt. Tại sao lại như thế?

Các ông bố bà mẹ Việt Nam, như nhiều người khác, coi trọng việc con họ được hưởng nền giáo dục tốt.

Bản thân công có đụng phải các khó khăn trong chính trị vì cái tiếng là người châu Á luôn tử tế và thân thiện không?

Sao việc được xem là thân thiện lại trở thành một vấn đề chứ?

Vì sự thân thiện, trong chính trị, thường được xem như là sự thiếu khả năng quyết đoán.

Anh không cần phải lo lắng cho tôi về chuyện đó đâu.

Bộ trưởng tài chính Wolfgang Schäuble đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn là ông không chỉ là một người hiểu biết, đáng mến, mà còn là người rất hài hước. Ông có cảm thấy Schäuble đã hạ thấp ông không?

Tôi đã tự hỏi mình là nhận xét của ông ấy có lợi ích gì.

Ông có tự hào là một người Đức không?

Thực sự là tôi tự hào, nhưng câu này đã bị những người cực đoan cánh hữu lấy rồi. Không cần phải lạm dùng nó nữa.

Người Hồi giáo có là một phần của nước Đức không?

Có khoảng bốn triệu người Hồi giáo ở Đức và họ cũng giúp phát triển đất nước, vì vậy cũng thật chính xác khi nói rằng người Hồi giáo là một phần của nước Đức. Phát biểu này ban đầu là từ tổng thống liên bang Christian Wulff. Khi ông nói điều này, tôi đã nhắn tin ngay cho ông ấy: “(Nói) điều đó thật dũng cảm. Việc này sẽ tạo ra những làn sóng”. Và đó chính là những gì đã xảy ra.

Không có dấu vết nào để tìm ra cha mẹ ruột của tôi

Tại sao phải đợi đến khi 33 tuổi ông mới lần đầu tiên đi thăm Việt Nam, đất nước nơi ông sinh ra?

Nếu anh không thiếu thứ gì, thì anh không đi tìm thứ đó. Nhưng cuối cùng tôi đã đi vì vợ tôi nói là: “Một ngày nào đó chúng ta sẽ muốn có con, và em muốn mình có thể kể cho chúng đất nước nơi anh sinh ra trông như thế nào”.

Ông cảm thấy thế nào khi ông ở đó? Như những người khách du lịch bình thường khác không?

Có lẽ là như một du khách có một sự quan tâm đặc biệt. Rõ ràng là thỉnh thoảng mọi người ở đó thắc mắc rằng tôi là người như thế nào. Có thể họ nói là tôi không sống ở Việt Nam. Mà tôi cũng không giống một trong nhiều du khách Nhật đến Việt Nam. Hầu hết mọi người nghĩ tôi là một người Mỹ đi du lịch, một người nào đó từ một gia đình đã di cư sang Mỹ.

Ông có biết điều gì về gốc gác Việt Nam của ông vào thời điểm đó không?

Philipp Rösler và vợ. Ảnh: Reuters

Vâng, tôi phải cảm ơn SPIEGEL về điều đó. Có một người đàn ông ở một sự kiện được tổ chức ở thị trấn Holzminden đã hỏi tôi rằng chính xác thì tôi gốc gác là từ đâu. Tôi nói cho ông ta biết tên của cái làng nơi tôi sinh ra, điều mà tôi biết được từ giấy khai sinh của mình. Người đàn ông này nói rằng đó là điều trùng hợp vì con gái của ông ta cũng có gốc gác từ nơi đó. Bà ấy là một trong những đứa trẻ được sơ tán khỏi Việt Nam trong chiến tranh, vào năm 1975. Một trong những chuyến bay cuối cùng đã bị rơi và cháy trên đồng lúa. SPIEGEL sau đó đã thực hiện một chuyến đi đến đó với những đứa trẻ sống sót hồi xưa – và nơi đó là thành phố có trại trẻ mồ côi tôi từng sống. Bài báo của SPIEGEL cũng đã trích dẫn hai bà xơ đã chăm sóc tổng cộng 3.000 trẻ mồ côi hồi đó. Họ đặt những cái tên cho những đứa trẻ họ chăm sóc để có thể đưa chúng ra nước ngoài.

Ông có biết chút gì về cha mẹ ruột không?

Không. Các xơ ở trại trẻ mồ côi tôi từng ở phải chăm sóc cho hơn 3.000 đứa trẻ. Họ phải nghĩ ra những cái tên và cả dòng họ nữa cho số trẻ này để điền vào các giấy tờ cho chúng ra đi. Thực sự là không có dấu vết nào để tìm ra cha mẹ ruột của tôi.

Có bao giờ ông nghĩ đến việc tự đi tìm họ chưa?

Không, tôi chưa bao giờ. Với tôi, cha là người ba hiện nay của tôi. Mọi thứ đều tốt đẹp. Tôi không thiếu bất cứ gì hết.

Chúng tôi không có cờ Đức treo trong nhà.

Ông thích điều gì nhất về Việt Nam?

Phong cảnh thì tuyệt vời, và thức ăn nữa. Khi anh đi đến một nhà hàng Á ở Đức, nó hoàn toàn đã bị Đức hoá rất nhiều. Nhiều người châu Á thậm chí không đến nhà hàng Á ở đây, đơn giả là vì mùi vị không giống như ở quê nhà.

Tại sao ông lại muốn Đức hơn cả những người Đức khác?

Tôi không như thế đâu. Ví dụ, trong một thời gian dài tôi thậm chí không có lấy một lá cờ trong văn phòng.

Nhưng ca sĩ ông yêu thích là ngôi sao nhạc pop người Đức Udo Jürgens. Ông đặt tên cho hai đứa con gái sinh đôi là Grietje và Gesche. Ông là thanh viên của Uỷ ban trung ương về công giáo Đức. Và ông đã đăng ký tình nguyện với Lực lượng quốc phòng liên bang. Ông hơn cả một người Đức, ông là một người Đức kiểu mẫu.

Vậy cho phép tôi phủ nhận: Đúng là tôi hâm mộ cuồng nhiệt Udo Jürgens, nhưng tất nhiên không phải là vì anh ta hát tiếng Đức. Tôi sẽ cho anh biết một bí mật – chúng tôi không có cờ Đức treo trong nhà. Xe hơi riêng của tôi là của Pháp, vì lý do thiết thực là xe đó mới vừa được kích thước của một chiếc xe đẩy loại dành cho song sinh. Còn về tên của các con: khi cưới nhau, vợ tôi lấy họ của tôi. Chúng tôi đã đồng ý rằng cô ấy sẽ lấy họ Rösler, và đổi lại cô ấy được quyền chọn tên cho con. Tôi có thể đưa ra cái tên nào tôi thích nhưng vợ tên là người quyết định. Mà thực sự thì Grietje là một cái tên Hà Lan hơn, còn Gesche thì nghe Frisia hơn. (Giải thích: Frisia là một ngôn ngữ địa phương được sử dụng ở miền duyên hải Tây Đức và Hà Lan)

Ông có cho rằng nước Đức có một “nền văn hoá đi đầu” không?

Đó là một cụm từ do nền văn hoá khác đặt ra, nhưng đúng là có một nền văn hoá phổ thông mà chúng ta có thể dùng để quảng bá. Nó dao động đâu đó giữa vua bắp cải xanh và chủ nghĩa đương đại.

Đúng rồi, xin chúc mừng! Ông từng được trao tặng vương miện “vua bắp cải xanh” trong lễ hội bắp cải xanh năm nay ở Oldenburg.

Truyền thống của việc trao vương miện vua bắp cải xanh chứa đựng trong nó các giá trị hết sức nghiêm túc, chẳng hạn như sự hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, và về việc giữ được sự chân thành với một vùng đất. Tôi đã từng có nhiều năm diễn thuyết về vấn đề nhà và nguồn gốc. Tôi không nghĩ rằng “nhà” là điều gì đó có nghĩa về tài sản, sự ràng buộc khắt khe, hay gây nhàm chán.

Một ly rượu thì không vấn đề gì

Từ khi nào ông chú ý đến việc người châu Á thiếu enzyme chuyển hoá rượu?

Từ tuổi dậy thì, là tuổi mà thường bắt đầu có sự tiếp xúc lần đầu tiên với rượu.

Ông có từng say bét nhè chưa?

Chưa, tôi chưa từng. Cách thức là cơ thể của hầu hết mọi người chuyển hoá rượu đầu tiên thành aldehyde rồi sau đó thành acetic acid. Nhưng quá trình này diễn ra rất khác với tôi, với một kết thúc gây khó chịu – Tôi không cảm thấy phừng phừng đâu, mà chỉ thấy khó chịu thôi.

Nghe có vẻ kinh khủng nhỉ. Vậy là ông không uống bia rượu sao?

Tôi có uống mà. Nếu tôi không bao giờ uống rượu thì chỉ một lượng rất nhỏ cũng đủ làm cho tôi thấy mệt rồi. Nhưng nếu tôi thường xuyên uống một ngụm nhỏ, các enzyme sẽ được tạo ra để giúp chuyển hoá rượu.

Ông có thể uống bao nhiêu?

Một ly rượu thì không vấn đề gì.

Làm thế nào mà một người có thể bị ốm chỉ sau vài giọt rượu lại có thể sống sót và trở thành một chính trị gia của bang Niedersachsen?

Anh có thể nghĩ đến một câu nói thậm xưng về vùng này. Niedersachsen là một nơi tự do, và anh không bao giờ bị ép uống. Và trong bất cứ trường hợp nào, tôi tin là cái thời đó đã qua, cái thời mà người ta thường nghĩ là anh chỉ có thể làm chính trị bằng cách uống thật nhiều rượu xã giao.

Ông có phải là người tiêu biểu cho những người nước ngoài ở Đức không?

Rösler: Nhiều người xem tôi là một người tiêu biểu. Ngay trong thời gian tôi chuẩn bị lên làm bộ trưởng, có một cuộc gặp gỡ ở một nhà ăn trong trụ sở hạ viện liên bang. Một người đàn ông da sẫm làm việc cho công ty cung cấp thực phẩm ở nhà ăn đó đã đến chỗ tôi. Anh có biết ông ấy nói gì không? Ông ấy nói: “Tôi nghĩ thật không thể tin được là một người trong chúng ta đã có đường để lên đến chức vụ quan trọng hàng đầu”.

Lúc đó ông thấy vui chứ?

Vâng, vì điều đó là chân thật và đến từ trong tim.

Bộ trưởng Rösler, cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

20 thg 7, 2011

BỜ VẪN QUÁ XA



BỜ VẪN QUÁ XA
Phạm Đức Nhì

Tôi, người lính Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù
năm 75, 29 tháng tư
khi đoàn tàu chở đơn vị tôi
chuẩn bị rời Vũng Tàu hướng ra Đông Hải
thương cha mẹ già, đàn em dại
tôi bước lên bờ
ở lại quê hương
nhưng cha mẹ già chưa được gặp
cũng chưa thấy mặt đàn em
các anh, những người chiến thắng
súng dí sau lưng
đẩy tôi vào trại tập trung

rồi bằng những lời dối trá
trái tim vô tình
tia nhìn thù hận
các anh cướp mất của tôi
những tháng năm đẹp nhất cuộc đời

tôi có người bạn
đói lòng moi mấy củ khoai
các anh đập nát xương bàn tay
mãi mãi mang thương tật
một người khác
lâu ngày thèm thịt
chụp vội con nhái bên đường
bỏ vào mồm nuốt chửng
báng súng AK
các anh lao vào ngực, vào bụng
cho đến khi con nhái phòi ra
con nhái lúc vào màu xanh
lúc ra thành màu đỏ


tôi trở về trên đôi nạng gỗ
nhìn nhà dột, cột lung lay
cha chết đọa đày
các em tứ tán
mẹ tuổi già, sức yếu
vẫn giãi nắng dầm sương
tôi cắn răng lìa bỏ quê hương
tìm sự sống
trở về thăm quê mấy lần
trên đường từ Nam ra Bắc
tôi cũng đôi khi nếm được
chút dư vị của chiến tranh
tôi gặp cả thương binh
từ hai phía
kẻ chống nạng, người ngồi xe lăn
kẻ mất tay, người sẹo đầu, vẹo cổ
họ buồn tủi vì phải sống đời nghèo khổ
nhưng không thấy ai lên tiếng oán hờn
với họ, giữa chiến trường
“chuyện thường tình mũi tên hòn đạn.”

ở Mỹ, tôi quen hai vợ chồng người Hoa
vợ cô giáo, chồng luật sư
yêu nhau tha thiết
nhưng định mệnh trớ trêu, oan nghiệt
cô vợ bị hiếp dâm
ít lâu sau đẻ thằng con
đen như cột nhà cháy
anh chồng ôm mặt khóc như điên như dại
chạy ra khỏi phòng sanh
vợ tay nắm chặt thành giường
ngất lịm
trở về nhà
cô vợ trẻ người Hoa
đã có thể cho đi đứa con khác màu da
để mỗi ngày người chồng
khỏi thấy vết thương lòng
bị chà đi, xát lại

nhưng các bạn tôi
làm sao có thể chặt bỏ bàn tay của mình?
làm sao có thể cắt bỏ lá phổi của mình?
nên mỗi lúc trở trời,
đau đớn
lại nhớ đến các anh
không giống những thương binh
(mũi tên hòn đạn vô tình)
các bạn tôi mang thương tật
bởi đôi tay độc ác
bởi trái tim độc ác
của các anh

sau chiến tranh
đối xử với những người ở bên kia chiến tuyến
nhưng cùng tiếng nói, màu da
biết bao nhiêu phương cách đưa ra
các anh chọn phương cách tàn độc nhất
các anh đã tự đào dòng sông ngăn cách
nay lại ngồi chễm chệ trên bờ
í ới vẫy chúng tôi qua
tiếc rằng…bờ vẫn… quá xa.
một bài thơ viết để trả lời
một nhà thơ miền Bắc.

(Tặng bạn thơ Trịnh Anh Đạt và cô vợ người Hoa.
Trịnh Anh Đạt, một nhà thơ chưa vào Đảng, chưa vào Hội Nhà Văn nhưng đã đoạt nhiều giải thưởng thơ giá trị ở Việt Nam, lúc sang Mỹ dự đám cưới con gái có điện thoại hỏi tôi “Chiến tranh đã khép lại hơn 30 năm mà sao người Việt hải ngoại vẫn còn nhiều ác cảm, vẫn đối đầu với những người Cộng Sản ?”)
Viết xong tháng chạp năm Canh Dần (tháng 1 năm 2011)
Phạm Đức Nhì

13 thg 7, 2011

GIỌT NƯỚC MẮT


GIỌT NƯỚC MẮT
SAPY Nguyễn Văn Hưởng

Tác giả Nguyễn Văn Hưởng 54 tuổi, định cư tại San Diego, đã được trao tặng giải Viết Về Nước Mỹ 2001 với bài viết "Hoa Ve Chai". Sau đây là bài viết mới nhất của ông, một bút ký sâu sắc, đầy ý nghĩa về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey, do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu.

Sau chuyến du hành sang thăm miền Đông nước Mỹ vào mùa Thu năm 2002, lúc giở xấp bản đồ ra nghiên cứu lộ trình trở lại Cali, thấy mình đang ở gần thành phố Atlantic, tôi bàn với nhà tôi: "Hay mình đến Atlantic viếng thành phố cờ bạc miền Đông Hoa Kỳ, xem thử có to lớn như Las Vegas bên miền Tây hay không?" Nhà tôi gật đầu đồng ý. Thế là tôi ngồi ghi lại chi tiết đường đi xuống một mảnh giấy, để cho bà xã nhìn vào đấy chỉ đường cho tôi đi.
Trên đường đến Atlantic, không biết bao nhiêu lần, tấm bảng chỉ lối vào Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam Bang New Jersey đập vào mắt tôi. Mỗi lần nó xuất hiện tôi lại nhủ thầm: "Mình sẽ đến viếng Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại thủ đô Washington DC, thì chắc không cần dừng lại thăm Đài Tưởng Niệm địa phương nhỏ bé này làm gì!". Rồi càng đến gần, sự mời gọi càng tăng thêm. Cuối cùng tôi tìm ra được lý do dừng xe, bởi trời đã quá trưa, tôi cần nghỉ ngơi trong chốc lát và để bà xã lo bữa cơm trưa. Thế là tôi đã đến Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam Bang New Jersey cách San Diego nơi tôi cư ngụ gần 3.000 dặm đường. Tuy không ai bảo ai, nhưng chắc nhà tôi cũng chẳng tha thiết vào viếng thăm Đài Tưởng Niệm này.
Trong lúc nhà tôi ở lại trên xe nấu bữa cơm trưa, tôi thong thả tản bộ cho giãn gân cốt. Bầu không khí nơi đây thật trong lành yên tĩnh, có thảm cỏ xanh sạch đẹp, có hàng cây cao đầy bóng mát. Giữa khung cảnh nên thơ ấy mọc lên một kiến trúc trang nhã mang tên Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey đã quyến rũ tôi bước chân đến.
Đưa tay đẩy cánh cửa để vào bên trong, tôi bị khựng lại khi nhìn thấy một tấm bảng giá treo trên khung cửa kính ngay lối vào: "Trẻ em 2$. Người lớn 4$. Cựu quân nhân và gia đình miễn phí". Tôi không tiếc mấy đồng bạc vào cửa, nhưng phải trả tiền cho cái mà tôi nghĩ không cần xem thì nó phí đi. Nhưng tôi vẫn đẩy cửa bước vào.
Khung cảnh bên trong vắng lặng, tiếng xì xào của vài người trung niên đứng trò chuyện bị tan loãng trong không gian cao rộng của tòa nhà. Bầu không khí trang nghiêm êm đềm cùng nhiều hình ảnh Việt Nam trong quá khứ thúc giục tôi tiến lại quầy mua vé. Cô thâu ngân tươi cười chào đón, tôi vừa tìm tiền trong túi vừa lên tiếng hỏi làm quen:
- Tôi là cựu quân nhân, nhưng là cựu quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, như vậy tôi có phải mua vé vào cửa không?
Vẫn giữ nụ cười tươi tắn trên môi, cô đưa mắt hỏi người đàn ông đứng bên cạnh. Người đàn ông tiến lên gần tôi hơn, đưa tay ra bắt tay tôi rồi bảo:
- Chào ông, tôi tên là Sibley Smith, Giám Đốc Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey, hân hạnh chào đón ông. Đã là cựu quân nhân thì xin mời ông và gia đình ông vào thăm viếng Trung Tâm và Đài Tưởng Niệm mà không cần mua vé. Xin ông vui lòng ghi danh tánh và nơi cư trú vào quyển sổ lưu niệm này.
Tôi vừa cầm bút viết vừa nói:
- Thưa ông, tôi tên Nguyễn Văn Hưởng đến từ San Diego.
Ông cười hóm hỉnh rồi bảo:
- Vậy chúng ta có họ hàng với nhau rồi. Vì họ Smith ở đất nước này cũng là họ lớn nhất như họ Nguyễn của người Việt Nam vậy.
Nói xong, ông lấy từ trong ngăn kéo ra tặng tôi một số tài liệu rồi giới thiệu sơ qua về Đài Tưởng Niệm Và Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey.
Trước lúc tạm chia tay ông vui vẻ bảo tôi:
- Có điều gì thắc mắc cần đến tôi, xin ông cứ tự nhiên báo cho tôi biết.
Tôi gật đầu cám ơn ông rồi thong thả bước đi. Nơi phòng ngoài, họ trưng bày những tấm ảnh, tạm gọi là tiêu biểu cho Việt Nam thời buổi chiến tranh. Nhìn vào, các cựu quân nhân từng chiến đấu nơi đó, thấy cả một trời dĩ vãng hiển hiện lên trước tầm mắt họ. Chiếc áo bà ba gọn gàng ôm trọn thân hình mảnh mai người thôn nữ, con trâu đang cày đám ruộng xăm xắp nước mưa, bờ mẫu xanh màu cỏ dại, chiếc thuyền ba lá mong manh... những biểu tượng của miền quê đất Việt. Còn nơi thành thị, họ treo hình ảnh các nữ sinh tha thướt trong chiếc áo dài, cô gái bán bar ngồi chờ khách, chiếc xích lô đạp dưới cái nóng trưa hè, những em bé đánh giày gầy ốm lang thang, người ăn xin tiều tụy; một tay ôm con một tay ngửa ra xin tiền... Nhìn những tấm ảnh được chụp gần nửa thế kỷ qua đi, khiến lòng tôi đau xót. Đau xót vì những biểu tượng nghèo nàn lạc hậu ấy vẫn còn tồn tại mãi cho đến bây giờ. Ngoài chiếc áo dài, chiếc áo bà ba truyền thống, là những thứ cần được bảo tồn để sống mãi với thời gian ra, người Việt nào không ước mơ cho con trâu, cái cày, bờ mẫu, con thuyền mong manh,,, những hình ảnh tuy đậm nét quê hương, nhưng cũng là biểu tượng cho sự nghèo nàn lạc hậu, đi mau vào bảo tàng viện, để nhường chỗ cho những công trường, nhà máy... mọc lên. Nhưng ngay giờ phút này nơi quê hương Việt Nam, giữa lòng phố thị, người phu vẫn còng lưng đạp xích lô, các em bé đánh giày vẫn lê la trên phố, người ăn xin vẫn dẫy đầy trên đường... Nơi vùng nông thôn, người vẫn cày thay trâu, vẫn bán mặt cho trời, bán lưng cho đất...Quá khứ hiện tại lẫn lộn trong tôi, tôi không đủ thời gian để lắng nghe lòng mình thổn thức. Tôi phải tạm rời xa quá khứ để quay về thực tại khi cảm thấy đói trong lòng. Ra ngoài xe, bữa cơm trưa nóng sốt đang chờ tôi trên bàn. Vừa ăn tôi vừa kể cho nhà tôi những gì tôi nghe thấy bên trong tòa nhà trước mặt.
Sau bữa cơm trưa, vợ chồng tôi đưa nhau đi viếng Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam Bang New Jersey. Lần theo những bậc thang, chúng tôi chậm rãi bước lên Đài, lên đến nơi cao nhất, Đài như mở toang đón khung trời rộng. Đưa mắt nhìn bao quát cảnh quan, tôi lên tiếng giải thích cho nhà tôi:
- Đài này dựng theo hình tròn, đường kính dài đúng 200 feet, được nối với nhau bằng 366 phiến đá hoa cương đen. Trên mỗi phiến đá ghi khắc tên, ngày sinh, ngày tử của từng người một.
Lướt nhìn qua các phiến đá một lượt, nhà tôi thắc mắc lên tiếng hỏi:
- Sao nhiều tấm họ ghi hàng chục tên, lại có tấm chỉ khắc tên vài người thôi vậy anh?
- Mỗi phiến đá hoa cương, như một tấm bia tượng trưng cho một ngày trong năm. Ai chết ngày nào thì ghi tên đúng vào tấm bia ngày đó.
Nghe tôi giải thích, vợ tôi bán tin bán nghi, hỏi lại cho chắc:
- Sao anh biết rõ quá vậy?
- Lúc nãy ông Smith, vị Giám Đốc Trung Tâm cho anh một số tài liệu, anh vừa đọc qua trong lúc em nấu cơm.
Ngẫm nghĩ một lát nhà tôi nói:
- Xếp đặt như vậy có nghĩa họ xem ngày tử là ngày quan trọng đáng ghi nhớ nhất đối với người chết. Em thấy điểm này có phảng phất nét văn hóa Việt Nam mình trong đó.
Tôi không chú ý đến chi tiết này, nhưng khi nghe nhà tôi phân tích, ngẫm nghĩ một lát tôi gật đầu tán đồng:
- Cũng rất có thể là như vậy!
Chúng tôi chậm rãi nắm tay nhau, mắt nhìn vào bức tường đá hoa cương đen, đi trọn một vòng Đài, như để tỏ lòng biết ơn 1,556 người con yêu bang New Jersey, đã mất tích, đã vĩnh viễn ra đi, được khắc tên vào bia đá. Sự phân chia ra từng ngày này cho tôi hiểu rằng, trong suốt cuộc chiến, ngày nào trong năm cũng có người New Jersey hy sinh. Từ trên cao, tôi chỉ ngón tay xuống trung tâm điểm Đài, nơi trồng một cây Sồi gỗ đỏ, rồi ôn tồn giải thích thêm:
- Cây Sồi đỏ là biểu tượng của bang New Jersey, dưới bóng mát tàng cây có ba bức tượng. Tượng người chiến binh đứng hiên ngang, biểu tượng cho người chiến sĩ sau khi hoàn tất nhiệm vụ quay trở về quê hương. Tượng người nữ y tá, biểu tượng cho nữ giới luôn luôn sát cánh cùng nam giới trong mọi nhiệm vụ khó khăn. Tượng người chiến binh nằm xuống, biểu tượng cho người lính đã ra đi không trở lại.
Nghe xong nhà tôi gật gù khen:
- Lúc mới vào em những tưởng, Đài Tưởng Niệm dựng lên chỉ để ghi nhớ công ơn các chiến sĩ trận vong mà thôi. Giờ em mới hiểu, nơi này còn là nơi tôn vinh, tưởng nhớ, ghi công cả quân lẫn dân, cả người ra đi vĩnh viễn lẫn người còn sống quay trở về.
Chiêm ngưỡng cái hùng dũng, hiên ngang... của quân dân New Jersey, khiến lòng tôi ngậm ngùi khi nghĩ đến người đã khuất. Giây phút tưởng nhớ những người bạn đồng minh đã ngã xuống trên quê hương Việt Nam, trong tay tôi không có một nén hương hay một đóa hoa để tri ân họ. Tôi chỉ còn biết đứng cúi đầu, đặt tay lên phiến đá lạnh, lần mò dòng chữ khắc ghi tên tuổi họ, rồi tôi thầm dâng lời cầu nguyện. Tôi cũng nghĩ đến những chiến sĩ, đồng bào tôi đã vĩnh viễn ra đi vì bảo vệ lý tưởng tự do. Không biết đến bao giờ anh em đồng đội và đồng bào tôi mới có một nơi xứng đáng để mọi người đến viếng thăm, hương khói, tưởng nhớ...
Tôi không dám nghĩ xa vời, bởi càng nghĩ càng khiến tâm tư tôi đi vào con đường bế tắc. Tôi âm thầm lặng lẽ nắm tay vợ, cúi đầu giã từ Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam Bang New Jersey.
Trên đường trở vào Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam, chúng tôi thấy một khu đất nhỏ có hàng rào bao quanh. Dừng chân lại nhìn vào, phía bên trong có vài phần mộ. Vợ tôi thắc mắc:
- Không lẽ họ chôn những người lính tử trận ở đây? Mà tại sao lại chỉ có vài ngôi mộ?
Tôi lắc đầu:
- Không đâu, người chiến binh Hoa Kỳ chết đi đều được chôn cất tại Nghĩa Trang Quân Đội cả, anh không nghĩ bang New Jersey này được ngoại lệ đâu.
Đã xác quyết như vậy, nhưng tôi cũng chẳng hiểu tại sao mấy mộ phần này lại nằm ngay trước cổng vào Đài Tưởng Niệm. Tuy mấy ngôi mộ làm tôi quan tâm, nhưng sự quan tâm ấy đến và đi thật nhanh vì còn nhiều điều đang chờ đón chúng tôi bên trong tòa nhà. Vào đến bên trong, gặp lại ông Smith, tôi chỉ vợ tôi rồi giới thiệu:
- Thưa ông, đây nhà tôi.
Rồi hướng mặt về phía ông Smith tôi nói:
- Còn đây ông Smith, Giám Đốc Trung Tâm.
Ông Smith mỉm cười cúi đầu chào nhà tôi rồi đưa tay ra bắt:
- Hân hạnh được tiếp đón bà. Hai ông bà vừa đi viếng Đài Tưởng Niệm về phải không?
- Thưa vâng!
Vẫn giữ nụ cười tươi tắn trên môi, ông lên tiếng hỏi:
- Ông bà có biết ai là người vẽ kiểu Đài Tưởng Niệm này không?
Tôi lắc đầu:
- Thưa không!
Ông đưa chúng tôi lại trước tấm ảnh chụp mấy người cầm cuốc xẻng đang đào đất, biểu tượng cho sự khởi công xây dựng Đài. Theo ngón tay ông chỉ, tôi nhận ngay ra gương mặt người Á Đông. Ông từ tốn giải thích:
- Một cuộc thi vẽ mô hình Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam Bang New Jersey được tổ chức từ mùa xuân năm 1987 đến mùa xuân 1988. Trong toàn bang có tất cả 421 đồ án gởi đến dự thi. Ngày 7-7-1988, hội đồng chấm giải họp lần cuối và công bố kết quả cuộc thi. Ông Nguyễn Hiền, một người trẻ Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản đến Hoa Kỳ năm 1975, sinh sống tại New Jersey đoạt giải nhất và đồ án ấy được chọn để xây Đài Tưởng Niệm.
Nghe đến đây nhà tôi lên tiếng:
- Hèn chi tôi thấy có phảng phất chút văn hóa Việt Nam qua việc dựng 366 tấm bia đá hoa cương đen.
Ông Smith gật đầu khen:
- Quả đúng như bà nhận xét.
Nói xong ông đưa chúng tôi đến trước một tấm ảnh khác, chỉ ngón tay vào đấy rồi nói:
- Ông bà hãy nhìn tấm ảnh này xem có nhận ra đôi nét văn hóa Việt Nam nào ẩn hiện trong đó không? Xin lỗi, tôi bận chút công việc, khoảng nửa giờ sau tôi trở ra đây tiếp tục hầu chuyện với ông bà.
Ông Smith đi rồi, vợ chồng tôi chăm chú nhìn lên tấm ảnh. Đây là bức ảnh toàn cảnh Đài Tưởng Niệm chụp từ trên máy bay. Nếu đem so sánh với các Đài Tưởng Niệm tôi từng viếng qua, tôi chỉ nhận ra một điểm hơi khác biệt là sự hiện diện của mấy phần mộ đặt ngay trước cổng ra vào. Cố suy nghĩ thêm, nhưng vợ chồng tôi chẳng nhận ra nét văn hóa Việt nào phảng phất nơi đó. Trong lúc chờ đợi ông Smith quay lại giải thích điều "bí ẩn", tôi hướng dẫn vợ tôi đi xem ảnh treo trên tường. Bởi không còn nhiều thời gian, nên chúng tôi nhìn lướt qua nhiều hơn suy gẫm tìm hiểu học hỏi. Có hai tấm ảnh gây cho tôi nhiều chú ý nhất:
Tấm đầu tiên, một tấm ảnh tôi đã nhìn nó không biết bao nhiêu lần trong đời. Tấm ảnh đó được trang trọng treo nơi đây đã khiến tôi hết sức bất mãn khi đọc lời chú thích phía dưới: "Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Miền Nam Việt Nam, xử bắn một viên chức Việt Cộng trên đường phố Sàigòn vào tháng 2/1968. Hành động xử bắn này làm phẫn nộ người Mỹ, đây như là bằng chứng của sự rối loạn trong Quân Đội Miền Nam Việt Nam. Ít ai hiểu rằng, tất cả những người trong gia đình một phụ tá thân cận nhất của tướng Loan vừa bị Việt Cộng tàn sát". Tôi tự hỏi họ treo tấm ảnh này lên với mục đích gì? Nhận ra cái chau mày của vợ tôi khi nhìn tấm ảnh, tôi ôn tồn nói lên sự hiểu biết của riêng tôi về tấm ảnh đó:
- Đây là một trong những tấm ảnh góp phần vào việc khai tử chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Bởi nhìn ảnh, ai cũng thấy sự dã man của người cầm súng, thản nhiên bắn chết một người đang bị trói tay. Nhưng đâu có mấy người hiểu, chỉ vài phút trước khi tấm ảnh ấy được chụp, "nạn nhân" bị bắn đã đốt cháy biết bao căn nhà và giết cả những người dân vô tội. Có mấy ai hiểu, người cầm khẩu súng bắn đang làm nhiệm vụ của vị quan tòa kiêm đao phủ thủ, xử tử hình một tội đồ.
Tấm ảnh thứ hai, một tấm ảnh rất đẹp, chụp chiếc xích lô cùng anh phu xe ngồi nhàn nhã đọc tờ báo Anh ngữ "The Saigon Post", số ra ngày 01-11-1968, trên trang báo có chạy hàng tin lớn: "Tổng Thống Lyndon B. Johnson ra lệnh ngưng giội bom Bắc Việt". Tôi phân trần với nhà tôi:
- Vào thời buổi ấy và ngay cả bây giờ, một người có trình độ đọc và hiểu những bài viết trong tờ báo Anh ngữ, anh đoan chắc không một ai chọn mưu sinh bằng nghề đạp xích lô cực khổ này. Tấm ảnh tướng Loan và tấm ảnh người phu xích lô như đối nghịch nhau, một bức chụp cảnh thật, sống động đến rợn người, một bức dàn dựng giả tạo đến trơ trẽn lộ liễu. Anh sẽ lên tiếng phản đối việc treo hai tấm ảnh ấy nơi đây và nhân tiện tìm hiểu xem họ treo lên với dụng ý gì? Anh cũng sẽ trình bày cái nhìn của riêng anh với ông Giám Đốc Sibley Smith.
Khi ông Smith quay lại, để đo lường sự hiểu biết của ông về chiến tranh Việt Nam, tôi lên tiếng hỏi:
- Thưa ông Smith, ông có từng sang chiến đấu bên Việt Nam chưa?
- Thưa chưa, ngày ấy tôi còn quá bé.
Sau câu trả lời, tôi hơi nghi ngờ sự hiểu biết về Việt Nam của ông. Đưa ông đến trước hai tấm ảnh, tôi giãi bày về cái nhìn của tôi rồi nêu lên vài thắc mắc vừa nảy sinh lúc xem ảnh. Biết tôi hơi bất bình trong cử chỉ và lời nói, nhưng ông Smith vẫn chăm chú lắng nghe, rồi ôn tồn giải thích:
- Thưa ông, tôi rất thông cảm sự xúc động trong ông. Tuy tôi chưa từng tham chiến ở Việt Nam, nhưng tôi thấu hiểu tâm trạng người lính chiến thời buổi đó, vì tôi được hoàn toàn tự do nghiên cứu về cuộc chiến ấy. Ngoài những gì ông vừa trình bày, tôi còn biết thêm, vị tướng bắn người Việt Cộng trong ảnh đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian tỵ nạn ở Hoa Kỳ vì có một số người xem ông ta là tội phạm chiến tranh. Chính người chụp bức ảnh đó đã đến xin lỗi tướng Loan và gia đình ông ta về hậu quả do bức ảnh gây ra. Còn bức ảnh người phu xích lô ngồi đọc báo, đúng là bức ảnh được dàn dựng. Bức ảnh chụp tướng Loan bắn người Việt Cộng là bức ảnh rất thật, nhưng nó không diễn tả được chút sự thật nào. Còn bức ảnh thứ hai là bức ảnh giả tạo, nhưng nó diễn tả được hết sự giả tạo trong đó. Thật giả trong cuộc chiến Việt Nam đang lẫn lộn nhau trong thời đại chúng ta, chỉ có thời gian mới gạn lọc hết những gian dối để sự thật được phơi bày. Nơi đây chúng tôi chỉ cung cấp dữ kiện, không bắt ai phải nghe và tin theo bất cứ điều gì. Chúng tôi dành mọi sự nhận định phán xét cho những người muốn đến đây học hỏi và tìm hiểu.
Tôi đứng im lặng cúi đầu lắng nghe từng nhận định của ông Smith. Nơi Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam này vừa cho tôi một bài học về sự tự do, điều cao quý nhất của nhân phẩm con người. Một khi tự do được tôn trọng thì không còn cảnh áp đặt người khác phải hiểu và nhận định theo hướng của mình. Tôi chạnh lòng nghĩ đến người Việt Nam ở quê nhà đang phải nghe, phải suy luận, phải giải thích...theo chính sách đường lối của một đảng độc tôn đưa ra. Còn người Việt hải ngoại, tuy có trong tay mọi quyền tự do, nhưng vẫn chưa sử dụng quyền ấy đúng đắn để đem lại lợi ích chung cho cộng đồng và cho quê cha đất tổ.
Trở lại với tấm ảnh ông Smith đề cập đến trước lúc tạm chia tay, ông nói:
- Chắc ông bà chưa nhận ra được nét độc đáo của văn hóa Việt Nam qua tấm ảnh này phải không?
Tôi mỉm cười gật đầu:
- Chúng tôi đành chịu thua và đang nôn nóng chờ nghe ông giải thích đây!
Như để sắp xếp lại những điều sắp nói, ông Smith đứng im suy nghĩ một lát xong, ông bắt đầu vào chuyện:
- Người chiếm giải nhất trong cuộc thi thiết kế Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam Bang New Jersey được trao tặng 5000 đô la tiền thưởng. Nhận giải xong, ông Nguyễn Hiền biếu ngay lại số tiền ấy cho công cuộc xây dựng Đài.
Đài Tưởng Niệm được xây dựng trên khu đất rộng, do một gia đình cư dân sinh sống lâu đời ở đây trao tặng. Khi tìm kiếm địa điểm dựng Đài, mọi người đồng ý chọn một nơi cao ráo thoáng mát nhất. Đến lúc sửa soạn khởi công, mới phát hiện ra cạnh bên vùng đất được chọn có mấy phần mộ của tổ tiên người hiến đất. Hai giải pháp được đưa ra ngay lúc đó là: Chọn một địa điểm mới. Hoặc di chuyển mấy phần mộ đi nơi khác.
Giải pháp đầu bất khả thi vì không tìm ra địa điểm nào đẹp và thích hợp hơn địa điểm đã chọn. Cho nên giải pháp di chuyển phần mộ đi nơi khác được đem ra họp thông qua để thi hành. Đến lúc này, ông Nguyễn Hiền đứng lên kể cho cử tọa nghe câu chuyện xảy ra sau ngày gia đình ông cùng gần một triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam lánh nạn Cộng Sản năm 1954.
Vài năm sau ngày vào Nam tìm tự do, bố mẹ ông Hiền nhận được hung tin, mộ phần tổ tiên ông ngoài Bắc bị di chuyển đi nơi khác để lấy đất xây nhà kho. Tin chẳng lành này làm bố mẹ ông khóc hết nước mắt. Ngày ấy, ông Hiền vẫn chưa chào đời. Nhưng hàng năm cứ đến ngày giỗ, ngày Tết, bố ông lại đem chuyện xưa ra kể cho con cháu nghe trong niềm đau đớn tiếc thương. Bố ông thường đem câu tục ngữ: "Sống vì mồ vì mả, chứ không ai sống vì cả bát cơm" ra giảng dạy. Cho nên ông Hiền như bị dị ứng mỗi khi nghe đến chuyện động mồ động mả. Ông Hiền muốn tổ tiên ông được mồ yên mả đẹp. Cho nên ông không muốn đào bới mồ mả tổ tiên người khác, dù là đào lên để làm một việc có ý nghĩa cao cả như việc xây Đài Tưởng Niệm, ghi nhớ công ơn các chiến sĩ vị quốc vong thân. Ông xin mọi người một đặc ân, cho ông đôi ba ngày, để ông suy nghĩ tìm cách sửa lại đồ án sao cho khỏi phải đụng chạm đến mộ phần người quá cố mà vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp của Đài.
Để mong tránh khỏi việc đào mồ quốc mả, về nhà ông Hiền suy nghĩ suốt mấy ngày liền. Đến ngày hẹn, ông Hiền trình lên hội đồng thẩm định ý muốn dựng một bức tường rào quanh khu mộ, bức tường ấy biểu tỏ được lòng biết ơn cùng sự thương tiếc tổ tiên người đã dâng hiến một khu đất thật đẹp để xây dựng Đài Tưởng Niệm. Làm được việc này, vừa tăng vẻ đẹp nơi ghi công các anh hùng tử sĩ, vừa giữ gìn mồ mả tổ tiên người hiến đất. Một công đôi ba chuyện đều lo vẹn toàn. Diễn đạt những ý tưởng trên, ông Nguyễn Hiền dùng hình dáng giọt nước mắt để tạo thành bức tường bao quanh khu mộ, đồng thời cũng là bức tường cạnh cổng vào Đài Tưởng Niệm.
Nghe ông Smith kể xong, tôi nén cảm xúc ngước lên nhìn lại tấm ảnh. Bức tường rào đúng là mang dáng hình một giọt nước mắt bao quanh khu mộ như sáng tỏ lên trong mắt tôi. Tôi có cảm tưởng như giọt nước mắt mình rơi lên trên ấy.
Một người Việt giải thích về văn hóa nước mình cho người ngoại quốc hiểu là chuyện rất khó, ông Nguyễn Hiền đã làm được việc này. Còn một người ngoại quốc giải thích về văn hóa Việt cho người ngoại quốc hiểu và cảm nhận được nét hay đẹp của nó, tôi chưa thấy ai ngoài ông Smith. Tôi xin bái phục ông, nhờ ông, tôi hiểu rõ thêm về quê hương đất nước tôi, đồng bào tôi.
Cám ơn ông Nguyễn Hiền, cám ơn ông Sibley Smith và cám ơn Giọt Nước Mắt.

NGUYỄN VĂN HƯỞNG

Đã Sáng Mắt Chưa?



Đã Sáng Mắt Chưa?

Nhiều người bị mù loà, bị cataract, được chữa lành và đã sáng mắt. Ấy thế mà vẫn có người có mắt cũng như không, vẫn u tối như thường. Họ là ai?

Ở Việt-Nam
1. Họ là những bà mẹ quê chất phát.
Nghe lời ngon ngọt của CS, ấp ủ, che đỡ du kích trong nhà, những tưởng khi VC chiếm miền Nam thì họ được ưu đãi lắm! Ai ngờ! họ chỉ được cấp mấy giấy ban khen là mẹ chiến sĩ, mẹ liệt sĩ, huy chương bằng đồng để treo trong nhà cho nó oai, chứ đem ra chợ bán không ai mua. Hổm rồi, họ bị xử ức: đất đai của tổ tiên họ bị cán bộ công an lấy đem bán cho ngoại quốc làm sân golf, họ mang cờ đỏ sao vàng , biểu ngữ, huy chương, bằng khen đi biểu tình khiếu kiện. Kết quả? Họ bị hốt và vất lên xe cây như con heo, chung với cờ quạt, huy chương, biểu ngữ. Giờ họ đã sáng mắt nhưng đã muộn. Có bà dân oan tức quá còn tụt quần ra trước văn phòng xã ấp cho công an xem nữa.

2. Họ là giới trí thức sống tại miền Nam Việt-Nam.
Họ nghe lời dụ dỗ của bọn CS, họ đọc toàn sách Karl Marx, Engels, Jean Paul Sartre họ mơ tưởng thấy tương lai sán lạng, bầu trời nở hoa, một thế giới đại đồng, không giầu không nghèo, ai cũng như ai, gọi nhau tất cả bằng “đồng chí”. Vi thế là họ xuống đường biểu tình, phá rối trị an của VNCH, làm mồi cho tụi VC xâm nhập thành thị phá hoại. Sau ngày 30-4-75, họ ra ứng cử vào QH bù nhìn. Kết quả rớt đài. Họ thấy tất cả mọi sự đều tệ hại hơn ngày xưa nhiều, họ la ó, phản đối. Kết quả họ bị quản chế, họ bị công an thuê xã hội đen đánh đập, gây ra tai nạn. Thế là họ mở mắt trong nhà thương. Rồi họ sáng mắt không kịp nữa khi đã vào nhà xác.

3. Họ là những đại diện được dân cử miền Nam.
Trước đây họ bị dụ khị vơi củ cà rốt đỏ tươi là sẽ ở lại làm việc cho thành phần thứ ba, với hoang tưởng là CS Miền Bắc giải thể VNCH và trao cho nhóm thành phần thứ ba thành lập chính phủ miền Nam, chia ghế chung với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Họ ra sức sử dụng cái tự do dân chủ miền Nam đánh phá VNCH đủ mọi mặt. Khi VNCH bị bạn đồng minh bỏ rơi thì ai ngờ họ bị cho ra rià, chỉ còn ngồi chia với nhau cái “ghế đá công viên”.

4. Họ là thành phần du kích miền Nam, tập kết ra Bắc.
Họ đã sống dở chết dở trên dẫy Trường Sơn, trên đường mòn HCM. Họ tin là mai này miền Bắc đánh thắng miền Nam thì họ trơ về vinh quang, CS Miền Bắc sẽ để cho họ thống lãnh miền Nam, ít nhất cũng làm quan to. Hỡi ôi! Họ được gì? Tất cả những chức vụ ngon lành đều do cán ngố miến Bắc nắm hết. Họ bị bỏ rơi, uất ức quá họ xin phục viên. Bây giờ họ chỉ còn biết mở mắt và chửi thề từ sáng đến tối mà thôi.

5. Họ là thành phần giầu sang phú quý miền Nam.
Nghe lời hứa ngọt như mía lùi, vào bưng thành lập cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Họ được rủ sang Paris ngồi vào bàn tròn bàn vuông, dự hội nghị thanh toán miền Nam do Kissinger và Lê Đức Thọ bầy mưu đạo diễn năm 1973. Sau 30-4-75 họ được gì? Ôi chao, Cái MTGPMN sống chưa bao lâu đã bị CS Miền Bắc bóp cổ chết ngắc ngày 2-7-1976. Bấy giờ họ mới sáng mắt ra thì đã trễ, chỉ còn biết than thân trách phận là mình quá ngu.

Tại Hải Ngoại:

Họ là những Việt Kiều đã liều chết vượt biên.
Từ ngày Mỹ nối lại bang giao với Việt-Nam và bỏ cấm vận Việt-Nam, họ đã nghe lời dụ dỗ đường mật của CSVG, về lại Việt-Nam làm ăn:
1. Một ông vua chả giò, đem về hàng triệu đôla đầu tư, rồi bị kết án về tội hối lộ (Khổ quá VK nào muốn làm ăn tại VN cho an toàn mà không phải hối lộ cơ chứ, kể cả người dân trong nước cũng phải hối lộ chứ), chỉ vì cán bộ gộc tranh nhau ăn. Kết quả ông vua chả giò bị 11 tháng tù, may mắn quen lớn, quen đến tận ông “Tưởng Thú Khải” nên mới “tái vượt biên bằng đường hàng không” ra khỏi nước. Ông mướn luật sư đoàn ngoại quốc kiện VNCS lấy lại tiền. Ông hú vía và sáng mắt và sẽ chẳng bao giờ về Việt-Nam nữa.
2. Một ông bác sĩ tim, bỏ ra cả bạc triệu mua máy móc rất “hiện đại” về Sàigon mở phòng mạch mổ tim mong làm ăn, nhưng rồi bị VC đội cho cái mũ “gián điệp CIA” không đưa ra toà nhưng chỉ xin ông để lại phòng mạch và tất cả dụng cụ, ra khỏi VN trong vòng 6 tiếng đồng hồ. Thế là mất cả chì lẫn chài. Về lại Hoa Kỳ ông tức lắm lập đảng chống, ông định làm cả cái kiềng 3 chân mời ông VC ngồi một chân để hoà hợp hòa giải.
3. Một ông giáo sĩ chuyên về truyền thông, đi về VN hơn 10 lần rồi như đi chợ và có cả mấy căn hộ cho thuê. Một ngày đẹp trời xin Visa về VN nữa để thâu tiền, nhưng đến phi trường Tân Sơn Nhất thì hải quan TSN hổng cho ổng vào vì lý do gì đó, đúng ra chỉ vì chúng muốn xiết mấy căn hộ của ông thôi. VK hồi đó chưa được phép mua nhà ở VN, mà tại sao ông lại có mấy căn hộ cho thuê “thế nà nàm sao?”, chắc chúng “điều cha” là ông nhờ người khác đứng tên. Ông tẽn tò trở về Mỹ, nuốt hận, nhưng vẫn cái trò nửa nạc nửa mỡ, vẫn nâng đỡ cho đám quốc doanh trong nước, đăng cả bài chống cờ vàng 3 sọc đỏ của HY đỏ Phạm Minh Mẫn mới đây.
4. Trần Trường thu băng lậu , khoái “bác hồ” hết cỡ thợ mộc, nên treo cờ máu và ảnh tên hồ già trong tiệm, bị người Việt hải ngoại giàn chào cả 2 tháng. Ở VN hồi đó ông được CSVG nâng cấp lên thành “anh hùng”. Rồi ông tưởng bở bán nhà bán cửa, thu xếp tiền bạc gia đình vợ con về VN làm ăn. Ông bỏ ra mấy chục ngàn đô (gần 1 tỷ bạc hồ) mua ao thả cá, nuôi tôm kiếm sống. Thu hoạch đang ngon lành, ai ngờ ông bà “anh hùng” bị gọi lên làm việc về tội “quên đóng thuế” cho nhà nước. Bà vợ ông ức quá “anh hùng” mà chả được cư xử như anh hùng tí nào cả, lại còn bắt đóng thuế, nên tự tử may mà không chết. Mất cả chì lẫn chài, gia đình lại cuốn gói về lại đế quốc Mỹ chả biết ẩn dật tại Tiểu Bang nào. Bà con ai biết mách giùm nhé.
5. Một ông giáo sư dậy điện toán, mua lại một số máy computer rẻ tiền đem về Sàigòn mở trường. Ông đoán đúng mạch dân VN. Thời kỳ tin học, ai mà chẳng muốn học “vi tính – com piu tơ”, cơ sở phất lên như diều gặp gió. Ông làm thêm chi nhánh ở Cần Thơ, ngon trớn ông tiến nhanh tiến mạnh ra Đà Nẵng. Nhưng ông quên một điều là VN có “rừng nào cọp nấy”. Cọp miền Nam khác cọp miền Trung, miền Bắc. Ông quên không xin phép đúng nơi đúng chốn hay vì thủ tục “đầu tiên” (tiền dâu?) hơi yếu, nên ông bị mời lên Công An làm việc vì có thơ tố cáo ông làm gián điệp cho đảng phái hải ngoại chống phá nhà nước. Họ mời ông và gia đình ra khỏi nước trong vòng 24 tiếng, để lại 2, 3 trường học cho nhà nước quản lý. Ông biết bị ăn cướp nhưng chỉ nhỏ lệ mà ra đi, về hải ngoại ông vẫn im thin thít sợ nói ra bị đồng bào chửi.
6. Chàng là một Việt Kiều bình thường, nhưng có tật “nổ” khi về VN. Chàng đã về nước cả chục lần đâu có làm sao, về lại Hoa Kỳ lần nào cũng khen lấy khen để là “Sàigòn bây giờ đổi mới lắm, làng nướng, quán ăn, bia ôm, càfê cũng ôm luôn, hớt tóc muốn ôm cũng được” . Vì vậy người Việt hải ngại đặt tên mới cho hòn ngọc viễn đông ngày trước, bây giờ là “thành phố ôm”.
Chàng chỉ là một chuyên viên làm Nail, mùa đông ế khách nên về VN du hí. Nhưng VK về nước mà lại khoe là làm nail thì hơi bị quê, nên bèn nổ lớn và tự giới thiệu là kỹ sư “hoá học”. Ngày ngày chàng đụng tới hóa chất (acetone .v.v) hơi nhiều, phải đeo khẩu trang như các nhà bác học trong phòng thí nghiệm thật. Lần này về VN thì sáng ngày hôm sau, có một Công an đến vấn an và gãi đầu gãi tai xin ông Kỹ sư giúp đỡ chút xíu vì nhà đang gặp khó khăn. Chàng kỹ sư mở bóp lấy ra tờ 20 đôla trao cho viên công an. Viên công an tỏ ý hơi thất vọng rồi ra về.
Sau chuyến đi chơi Đalạt 3 ngày về thì chàng kỹ sư nhận được một công văn của Công An số 4 Phan đăng Lưu yêu cầu lên làm việc để làm sáng tỏ một vài vấn đề. Ông “kỹ sư” hoang mang nhưng cũng đến trình diện. Viên Đại Uý Công An mời ngồi và nói là ông ta mới nhận được một lá thư từ trong phương xóm nơi chàng tạm cư ngụ, tố cáo ông VK là một nhân viên của một đảng phản động tại hải ngoại lần này có nhiệm vụ về điều nghiên để phá hoại. Anh kỹ sư VK tái mét mặt, hết hồn bèn khai thật là ở bên Mỹ chỉ làm nail chứ đâu có phải kỹ sư gì đâu, về nước để du lịch chứ không có tham gia một đảng phái chính trị nào cả.
Viên Đại Uý cười khẩy và nói là ty công an thành phố phải điều tra ra sự thật vì vậy theo luật thì phải giữ anh kỹ sư ở lại bóp vài ba ngày để tiến hành cuộc thẩm vấn. Sau cùng ông Đại úy nhắc khéo là đã liên lạc với hải quan TSN rồi và được biết là anh kỹ sư có khai đem về 5 ngàn đôla kỳ này. Chàng “kỹ sư” được dẫn vào nhà giam ngủ
Sáng hôm sau tại địa chỉ mà chàng tạm trú, một người ăn mặc complet bảnh bao, tay sách cạc táp đen, đến gõ cửa và tự nhận là luật sư. Ông luật sư vào đề ngay là ông ta “nghe nói” có một VK bị bắt vào ty Công An PĐL. Nếu muốn nhờ ông ta biện hộ hay giải quyết thì đây là giá cả:
- Muốn khỏi phải ra toà và được thả ngay thì giá là 3 ngàn đô, vì ông ta phải chi tiền chạy chọt.
- Còn muốn ra toà thì ông ta nhận biện hộ với giá $1,500 USD, ông luật sư thòng một câu là không biết ngày nào ra toà, có thể từ 3, 4 tháng đến 1 năm tuỳ theo. Bị cáo không được rời khỏi VN. Ông ta nói xong để lại danh thiếp với số điện thoại.
Ngày hôm sau ông bạn chạy đến ty CA thành phố xin thăm gặp ông “kỹ sư” nạn nhân, và trình bầy 2 giải pháp của ông Luật sư. Anh “kỹ sư” hốt hoảng nói anh bạn gọi điện thoại và điều đình với ông luật sư chấp thuận giải pháp 1 là trả 3 ngàn đô “cúng cô hồn” để được trả tự do ngay, chứ theo giải pháp thứ 2 rẻ hơn nhưng làm sao mà ở VN lâu như vậy được, còn phải về Mỹ dũa móng chứ .
Chiều hôm sau, chàng “kỹ sư” được trả về nhà, túi bị nhẹ đi mất 24 triệu bạc hồ, một số tiền khá lớn. Hai ngày sau chàng “kỹ sư”, ra hãng máy bay xin đổi vé về lại Mỹ càng sớm càng tốt và hứa là sẽ không bao giờ về thăm chùm khế ngọt nữa.

Thanh Vân

Đảng viên CS sáng mắt

Châu Hiển Lý, bộ đội tập kết 1954
Huyền thoại giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp do cộng sản Việt Nam dày công dàn dựng đã tan thành mây khói khi giai cấp vô sản âm thầm lột xác trở thành các nhà Tư bản đỏ đầy quyền lực và đô la.
XHCN sẽ được đánh giá như một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử VN. Con, cháu, chút, chít chúng ta nhắc lại nó như một thời kỳ đồ đểu! vết nhơ muôn đời của nhân loại.
Một thời kỳ mà tâm trạng của người dân được thi sĩ cách mạng Bùi Minh Quốc tóm tắt qua 2 vần thơ:
"Quay mặt phía nào cũng phải ghìm cơn mửa!
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!"

* Nguyễn Hộ người có 55 tuổi đảng, Chủ Tịch Đoàn Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Trung Ương, thủ lãnh của Nhóm Truyền Thống Kháng Chiến, viết trong tập hồi ký Quan Điểm Và Cuộc Sống: "Ngày 21/3/1990 tôi rời khỏi Saigòn cũng là ngày tôi rời khỏi Đảng CSVN. Tôi làm cách mạng đã 56 năm, gia đình tôi có 2 liệt sĩ, Nguyễn Văn Đào, anh ruột, Đại Tá QĐNDVN, hy sinh ngày 9/1/1966 tại Củ Chi, và vợ tôi Trần Thị Thiệt bị bắt và chết tại Tổng Nha Cảnh Sát Sài gòn vào tết Mậu Thân 1968 nhưng phải thú nhận rằng tôi đã chọn sai lý tưởng: Cộng Sản Chủ Nghĩa. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng ấy nhân dân Việt Nam đã chịu hy sinh quá lớn lao nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sĩ nhục” (nguồn: Wikipedia)

*Nguyễn Minh Cần, nguyên Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, nguyên Đại Sứ Cộng Sản Hà Nội tại Liên Sô, ghi lại tính tàn độc và lưu manh của Đảng Cộng Sản trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất 1953-1956: "Giết oan hàng trăm ngàn người, đầy ải hàng triệu người, làm cho đạo lý suy đồi luân thường đảo ngược. Tại cuộc mít tinh tối 29/10/1956, ông Võ Nguyên Giáp chỉ cho biết con số 12 nghìn cán bộ và đảng viên đã được trả tự do mà thôi! Con số đó đúng hay không, ai mà biết được! Tóm lại, những con số về người bị thiệt mạng trong CCRĐ vẫn chưa xác định được.
Dù thế nào chăng nữa, với những con số ước tính đã cho thấy đây là một tội ác tày trời. Tội ác này chính là tội ác chống nhân loại" (Đừng Quên Bài Học Cải Cách Ruộng Đất Nửa Thế Kỷ Trước)

*Trung Tướng Trần Độ, Cựu Phó Chủ Tịch Quốc Hội, viết: "Cuộc cách mạng ở Việt Nam đã đập tan và xoá bỏ được một chính quyền thực dân phong kiến, một xã hội nô lệ, mất nước, đói nghèo, nhục nhã. Nhưng lại xây dựng nên một xã hội nhiều bất công, nhiều tệ nạn, một chính quyền phản dân chủ, chuyên chế, một chế độ độc đảng và toàn trị, nhiều thói xấu giống như và tệ hơn là trong chế độ cũ…” (Nguồn: Trần Độ- Nhật Ký Rồng Rắn)

*Hoàng Minh Chính gia nhập đảng từ năm 1939, Phó Viện Trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc kiêm Viện Trưởng Viện Triết học Mác-Lênin trong một bài phát biểu đã than thở rằng “Người dân dưới chế độ cộng sản đã bị áp bức tệ hại hơn cả thời còn mồ ma thực dân đế quốc. Ngay cả thời kỳ nô lệ, người dân ai muốn ra báo cũng chỉ cần nộp một giấy xin phép và bản lưu chiểu. Điển hình là cụ Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp xử 13 năm tù về tội chống Pháp và bị đầy ra Côn Đảo từ năm 1908 đến năm 1921 mới được trả tự do. Khi mãn hạn tù cụ được thả về Huế, tại đây, cụ đắc cử dân biểu năm 1926, rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân Biểu Trung Kỳ và đứng ra xuất bản tờ báo Tiếng Dân. Một người bị tù vì tội chống thực dân còn được thực dân cho ra báo trong khi đó một người từng nắm giữ chức Phó Chủ Tịch Quốc Hội của chế độ mà xin phép ra một tờ báo cũng không được". (nguồn: Wikipedia)

Trần Lâm sinh năm 1925 vào đảng năm 1947, Vụ phó Ủy Ban Kế Hoạch Nhà nước, thẩm phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, đã viết trong bài “Những dòng suy nghĩ từ Đại hội đến Quốc hội” số tháng 9/2007: "Đảng thì luôn nói Quốc hội là của dân, do dân, vì dân. Người hiểu biết trong dân thì coi Quốc hội là bù nhìn. Đảng và Nhà nước tổ chức bầu cử, biết đây là kiểu dàn dựng, nhưng cứ làm".

Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội CSVN, trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên: “Cơ chế hiện nay tạo kẽ hở cho tham nhũng vơ vét tiền của của nhà nước... Nhưng cái mà chúng ta mất lớn nhất lại không phải là tiền, dù số tiền bị mất lên đến hằng trăm tỷ, mà cái lớn nhất bị mất là đạo đức. Chúng ta hiện sống trong một xã hội mà chúng ta phải nói dối với nhau để sống. Nói dối hằng ngày trở thành thói quen, rồi thói quen đó lặp lại nhiều lần thành đạo đức mà cái đạo đức đó rất mất đạo đức”.

Nguyễn Khải, Đại Tá, Đại Biểu Quốc Hội, Phó Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn CS:
- Người cộng sản nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói dối không hề biết xấu hổ và không hề run sợ. Người dân vì muốn sống còn cũng đành phải dối trá theo. (tu-tuong va loi-song cua nguoi Viet do tu Chanh Quyen ma ra)...
(1 nguoi co personality & characteristic... Same thing for a government or a country... EACH HAS IT'S VALUE.)

Nguyễn Văn Trấn, Chỉ Huy Trưởng Kiêm Bí Thư Quân Ủy Quân Khu 9 (1947), Chủ Nhiệm Văn Phòng Phó Thủ Tướng, Chủ Nhiệm Ủy Ban Kế Hoạch Thống Nhất Toàn Quốc (1962-1974):
"Tội ác của chế độ này, từ 40 năm nay, thật nói không hết".

Nguyễn Văn An, cựu ủy viên Bộ Chính Trị Cộng Sản Việt Nam, trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Ðảng và là chủ tịch Quốc Hội từ 2001 đến 2006, có lúc đã hy vọng lên làm Tổng Bí Thư, trong một bài phỏng vấn mới xuất hiện trên mạng lưới Tuần Việt Nam xuất bản trong nước đã nói: “Đảng đã mắc phải lỗi hệ thống và đã sai lầm ngay từ nền tảng”. Ông giải thích: “Lỗi hệ thống là lỗi từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình”.

Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh trong một lần nói chuyện tại Hội Các Nhà Văn đành phải hô hào cởi trói cho văn nghệ có nghĩa là Đảng coi giới văn nghệ sĩ như loài cầm thú.

Thủ Tướng Võ Văn Kiệt thì hô hào: “Đổi mới hay là chết”.

Và còn nhiều trăn trở của: Lê Hồng Hà Cục Trưởng Cục An Ninh Bộ Công An, Lê Liêm Cục Nội Chính, Nguyễn Trung Thành Cục Trưởng Cục Bảo Vệ Đảng, Nguyễn Văn Hiếu Ủy Viên Thường Trực Mặt Trận Tổ Quốc, Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh Đại Sứ Hà Nội tại Trung Cộng, Đại Tá Bùi Tín,Đại Tá Phạm Quế Dương Viện Quân Sử Hà Nội, Trung Tá Trần Anh Kim người anh hùng chống cuộc xâm lăng từ phương Bắc năm 1979, Sứ Thần Dương Danh Dy, đại diện Hà Nội tại Trung Quốc, và các ông Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Trần Vàng Sao cùng những tuổi trẻ được sinh ra và trưởng thành trong chế độ như Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Hồng Sơn, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Mẹ Nấm, Người Buôn Gió …

Nhìn lại nổi đắng cay nghiệt ngã của kẻ đã đi vào quỹ đạo của CS. Họ là “trí thức” chứ không là bần nông khố rách ít học. Họ đã được cộng sản Hà nội trả công khuyển mã của họ cái gì?

Linh Mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan trong những tạp chí “Đối Diện”, “Thức Tỉnh”.
Nguyễn Văn Trấn (đại gia chợ Đệm) [1], Dương Bạch Mai (đại địa chủ, “parler francais” như gió) Trần Văn Giàu (lý thuyết gia Cộng Sản, công lao qúa xá trời trong Nam). Những người nầy đã cúng dường tam bảo CS không biết bao nhiêu của cải, tim óc, sức lực của mình cho “cách mạng” trong thời Việt minh còn mặc quần xà lỏong chơi tầm vông vạt nhọn. Năm 1975, khi về Nam, ông “khai quốc công thần” Nguyễn Văn Trấn “được” bộ chính trị CS cho công an “hầu hạ” canh gác cửa 24/24 vì thấy thả hổ về rừng nguy hiểm quá… Mấy chục năm công lao mà CS chỉ cho người ta chức “Bật Mã Ôn” (giữ ngựa) thì lỡ người ta quậy thì sao? Trần Văn Giàu thì đã bị thất sủng từ lâu lắm rồi.
Chủ Tịch Quốc Hội Dương Bạch Mai thì phổi bò và thẳng ruột ngựa Nam Kỳ nên được đảng cho đi chầu Lenin sớm để vừa tiện sổ sách vừa tiết kiệm ngân quỹ nhà nước. Nên biết Dương Bạch Mai chết trong lúc nghỉ giải lao trong một phiên họp quốc hội CS. Nhiều nguồn tin cho biết Dương Bạch Mai uống chén nước trà bị bỏ thuốc độc(?!) Cay hơn nữa là Dương Bạch Mai còn được chính ngay kẻ đã “trừ khử” mình đến dự tang lễ làm tuồng khóc thống thiết “kính chúc đồng chí chết mạnh giỏi!”.

Những tay “trí thức” của MTGPMN anh hùng làm được trò trống gì sau ngày 30 tháng 4 năm 1975? Nguyễn Hữu Thọ, “người” được “Bác” giao cho nhiệm vụ lãnh đạo mặt trợn và cũng là “người” đã đi đến cuối con đường… đã hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ mà dân tộc đã giao cho…” Ai có theo dõi tin tức, báo chí cũng biết thân phận của “người” này như thế nào trước khi đi chầu “bác” rồi.
Nguyễn Thị Định (người Giồng Trôm, Bến Tre) chưa hề biết sờ (hay bóp) cò súng đến một lần lấy hên mà lại được CS phong là “nữ tướng tóc dài,” “tư lịnh phó lực lương võ trang quân đội Giải phóng,” trong khi kẻ nhắc tuồng cho em Định là đồng chí Nguyễn Chí Thanh – một cánh tay dài của Hà nội. Sau ngày MTGPMN bị xóa sổ, em Định được làm cái giống gì (?) ở chức vụ “thứ truởng Bộ Thương Binh” và “chủ tịt hội liên hiệp phụ nữ?”.
Nguyễn Thị Bình (tên thật là Nguyễn Châu Sa sinh tại Sa đéc, đổi tên mới là Nguyễn Thị Bình vào năm 1962) “được” làm “phó chủ tịch nhà nước,” “phó trưởng Ban Đối Ngoại trung Ương Đảng.” Mấy cái "hàm" "phó" và "thứ" đó cũng chỉ lại là những cái chức ngồi chơi xơi nuớc cho đẹp mắt với bà con miền Nam, đâu có ý nghĩa gì trong chế độ lúc nào cũng duy trì các Nhiếp Chính Vương (còn gọi là bộ chính trị - nếu thu hẹp hơn thì có Duẩn, Thọ, sau nầy thì thêm Mười, Anh…), khi các Nhiếp Chính Vương nầy phát cân đai áo mão cho ai thì hãy coi như hồng ân từ Bác và đảng. Sống dưới thời buổi “độc lập tự do hạnh phúc” mà “than vãn” thì cũng được CS xem như đồng nghĩa với đang chán sống; có mà tiêu tùng sớm.

Giám đốc công ty đường thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm là Trương Như Tảng. Me xừ này phải chờ đến lúc CS thu hết miền Nam mới biết “đường” nào là đường trắng, đường nào là đường thẻ, may phước gài kịp “số de,” chứ chậm chân một chút nữa có thể bị tai nạn lưu thông chết hết cả nhà (như trường hợp kịch tác gia Lưu Quang Vũ và gia đình). Đề nghị “trí thức” phe ta nên đọc cuốn “memoir” (mémoire) của cái gọi là “tảng đường mía chết hụt này” để cho sáng mắt sáng lòng.

Thôi, phải cất công nói chi cho xa xôi, tấm gương sát bên mình là thầy (?)Châu Tâm Luân [2], bà (?) Ngô Bá Thành [3], ông Chu Phạm Ngọc Sơn, Trần Ngọc Liễng… bằng cấp treo đầy cả tường, nhìn phát chóng mặt… các tên cố đạo Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín không lo phận sự rao giảng phúc âm của Chúa mà cứ lo nói xa nói gần để ru ngủ người mọi người dân miền Nam bỏ súng hướng về xã hội “thiên đường.” Nhưng ngay chính cá nhân của mình lại phải đợi được đối diện thật sự với “thiên đường” (?) mới “thức tỉnh” (!)

Phụ Chú:
[1] Nguyễn Văn Trấn là Bảy Trấn (không phải ông Nguyễn Văn Trấn hậu sinh nào đó mới “về thăm Việt Nam sau 32 năm” đâu!) Đây là Trấn “Camel” (dân cậu miệt vườn, chỉ hút thuốc lá hiệu Camel) người chợ Đệm Long An, loại trí thức địa chủ, một đại thụ của Cộng Sản thời thập niên 30… Đại thụ nầy là tác gỉa cuốn sách “Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội;”(để chửi xéo đảng CSVN). Hắn cùng cỡ tuổi với các tên trùm CS như Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Ung Văn Khiêm… đã bỏ lúa ruộng không ai thâu, nhà lầu không ai ở để đi theo Cộng Sản. Nguyễn Văn Trấn đã từng là chính ủy Khu 9 (miền Tây Nam bộ), chủ nhiệm báo “Le Peuple” đấu tranh công khai với thực dân thời Cộng Sản miền Nam. Tập kết ra bắc (cùng lúc với Tô Ký, Đồng Văn Cống, Huỳnh Văn Nghệ...) Sau này Lê Duẩn không cho Nguyễn Văn Trấn được đến một cục xương còn dính chút thịt để gặm cho đỡ tủi! Về Nam sau năm 75, chả có chức vụ gì dù đã có 62 tuổi đảng (tính đến năm 1997), ôm nỗi uất ức cho tới ngày chết.

[2] Châu Tâm Luân người Việt gốc “xì dầu củ cải muối,” được đi du học Hoa Kỳ bằng học bổng quốc gia của VNCH, tốt nghiệp tiến sĩ Kinh Tế (Đại Học Illinois năm 1966), về Việt Nam cuối thập niên 60, dậy môn “Kinh Tế Nông Thôn” và “Quản Trị Nông Trại” tại Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp (TTQGNN) Sài Gòn (và cũng dậy môn Kinh Tế tại Đại Học Vạn Hạnh). Ông Luân đã có lần giữ chức vụ “giám đốc” TTQGNN (gồm cả 3 trường Cao Đẳng Canh Nông, Cao Đẳng Thủy Lâm và Cao Đẳng Thú Y Sài Gòn) một thời gian ngắn (vào giai đọan mà các chính trị gia mới trổ mã dậy thì Hùynh Tấn Mẫm và Lê Văn Nuôi sách động sinh viên, học sinh Sài gòn “xuống đường” biểu tình chống Mỹ và chống chính phủ VNCH mạnh mẽ nhất). Trong các lớp Kinh Tế mà ông Luân dậy, ông công khai giảng cho sinh viên là “xã hội chủ nghĩa là con đường duy nhất (sic) để đưa Việt Nam đến vinh quang (Giỏi nhỉ! Tiến sĩ củ cải này chép y chang lại lời của việt gian HCM)” mà không hề bị công an cảnh sát của chính phủ VNCH hỏi thăm (?) – Có lẽ ông ta “too visible!” vì thường xuyên được truyền thông của Mỹ đến trường phóng vấn (đài CBS, NBC, ABC…) Vào những ngày cuối cùng của VNCH, xì thẩu Châu Tâm Luân đứng cùng danh sách với các nhân vật của “thành phần (lòng thòng ở chính giữa!) gọi là thứ 3,” rất ồn ào hô hào hòa giải hòa hợp dân tộc… Sau 30 tháng 4 năm 1975, con vẹt ngây thơ này không được CS dùng đến 1 ngày để quét lá đa (không phải đi “cải tạo” vì đã tốt nghiệp tiến sĩ tại Hoa kỳ là may lắm rồi). Sau đó Châu Tâm Luân vượt biên định cư ở ngọai quốc (ở Thụy sĩ?) Chứ Mỹ chắc chắn là họ không chấp nhận con két “thổ tả” này!)

[3] Bà (?) Ngô Bá Thành tên thật là Phạm Thị Thanh Vân (Ngô bá Thành là tên chồng của bà). Ông Ngô Bá Thành cũng là công chức của VNCH, dậy học trường Cao Đẳng Canh Nông Sài Gòn. Kể ra chính phủ VNCH dân chủ và dễ dãi thiệt, vẫn trả lương tháng đầy đủ, vẫn cho ông Ngô Bá Thành dậy học như chẳng hề có chuyện gì xẩy ra… Bà Thành tốt nghiệp tiến sĩ Luật tại Pháp và sau đó có học và làm việc trong một thời gian ngắn tại Đại Học Columbia (New York) Hoa Kỳ. Ở Sài Gòn, bà Ngô bá láp này tự phong cho mình là “chủ tịt” của “Phong trào phụ nữ đòi quyền sướng;” biểu tình, tuyệt thực chống chính phủ VNCH (và sự hiện diện của đồng minh ở Việt Nam) rất kịch liệt. Sau 30 tháng 4 năm 1975 được CS cho làm đại biểu Quốc Hội CS trong 3 khóa (6,7 và 8). Đến khóa 9 thì bị gạt ra. Bà chỉ tuyên bố sự tức giận của mình (bà cho là mình bị gian lận bầu cử? Xin nhờ bà một tí: Chế độ CS làm quái gì có bầu cử một cách dân chủ?) qua sự phỏng vấn của đài BBC chứ chả bao giờ dám biểu tình hay tuyệt thực gì cả? (nên biết, CS chỉ chờ bà này tuyệt thực là tụi nó “cúp” nước luôn thì có mà uống nước tè!)


Cháu ngoan sáng mắt
Lê Diễn Đức

Khi mới ở tuổi lên mười, tôi đã đạt danh hiệu “Cháu ngoan bác hồ”. Năm 1967 tôi được Hồ Chí Minh trao phần thưởng cho kết quả học tập xuất sắc với tất cả 14 môn học đạt điểm cao nhất. Đó là một cuốn sổ tay kích thước khoảng 20 x 15cm, giấy trắng tinh, bìa cứng láng bóng, màu xanh dương, có in hình Hồ Chí Minh chụp thẳng và dòng chữ phía dưới “Giải thưởng của Hồ Chủ Tịch”. Với tôi, gia đình, trường học và chính quyền địa phương, giải thưởng này là một vinh dự, vì không phải tỉnh, thành phố nào cũng có thưởng, và nếu có thì chỉ có một hoặc hai người. Buổi trao giải thưởng được tổ chức hào hứng trên sân kho của hợp tác xã, dưới ánh trăng (vì lúc bấy giờ máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc dữ dội, học sinh đi sơ tán ở thôn quê, ban đêm không dám nổi lửa, thắp đèn). Bà con làng xóm tụ hội rất đông. Ba tôi cảm động đến phát khóc. Tôi nâng niu cuốn sổ tay đến mức không dám xài, lâu lâu lấy ra ngắm nghía ! Tuy nhiên cũng chưa tức cười thảm hại bằng thằng bạn.
Năm 1968, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thăm trường, tặng cho mỗi đứa được cử đi gặp một cục kẹo Hải Châu (thứ cao cấp, hiếm hoi, xa xỉ với lũ học sinh nghèo trong những ngày chiến tranh). Thằng bạn thèm rỏ dãi nhưng trân trọng quá, không dám ăn, để dành làm kỷ niệm. Trời nóng, chỉ vài hôm, cục kẹo chảy nhão nhoẹt dính bê bết với giấy bọc, phải vứt đi. Hắn đi Đông Đức, về nước giảng dạy ở Bách khoa Hà Nội, cho đến giờ. Tôi tin chắc hắn không quên chuyện này!
Tôi sang Ba Lan năm 1969. Cả đoàn du học sinh chúng tôi phải vào nằm viện để bác sĩ khám, tẩy giun sán trước khi được sống chung với người ta tại Trung tâm học tiếng Ba Lan dành cho người nước ngoài. Trong bệnh viện, được báo tin Hồ Chí Minh từ trần, chúng tôi khóc thảm thiết ! Mấy cô y tá Ba Lan ngơ ngác, lúng túng chẳng biết chuyện gì xảy ra !
Chúng tôi đã yêu Đảng, yêu bác Hồ đến thế ! Đã một thời ngây thơ, ngây ngô như thế !
Đến năm 1994, Kim Nhật Thành chết, xem TV thấy dân Bắc Triều Tiên đứng đông nghẹt hai bên đường ôm nhau gào khóc. Lúc này thì tôi đã bật cười ! Cười cả chính mình ! Tôi cũng đã y chang vậy ngày nào, bị ngu hoá, bị lừa gạt mà không biết…

10 thg 7, 2011

TQ không hề có thư tịch gì về Trường Sa, Hoàng Sa


TQ không hề có thư tịch gì về Trường Sa, Hoàng Sa

Là người có thâm niên 13 năm làm Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc ở thời điểm nhạy cảm nhất (1974-1989), Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có những đánh giá rất sâu sắc về hành động và ý đồ của Trung Quốc trên biển Đông
- Ông có bất ngờ về sự việc tàu Trung Quốc liên tục cắt cáp tàu Việt Nam?
- Tôi không bất ngờ.
- Là người sống và làm việc 13 năm tại Bắc Kinh với cương vị Ðại Sứ đặc mệnh toàn quốc Việt Nam, có bao giờ ông được chính phủ Trung Quốc trưng ra bằng chứng về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.
- Chưa lần nào! Tôi sống tại Trung Quốc nhiều năm nhưng chưa lần nào thấy họ nói chính thức về vấn đề này.

Tôi cũng đã nhiều lần lần tìm thư tịch của họ để tìm hiểu xem chứng cứ chủ quyền nếu có của họ về hai quần đảo này nhưng không hề có.
- Vậy những dữ kiện mà họ nói do Tướng Trịnh Hòa (thời nhà Minh) thu thập được khi đến đảo Hoàng Sa thì sao?
- Tôi cam đoan đó chỉ là hàng giả! Đó chỉ là trên phim của họ, họ tả là tướng Trịnh Hòa đem thương thuyền đi xuống Ấn Độ dương. Họ lướt chỗ nọ chỗ kia coi như dò đường thôi chứ có phải đi thực hiện chủ quyền đâu. Như vậy những chứng cứ do Trịnh Hòa thu được không đủ làm căn cứ để xác định chủ quyền của họ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phải là quản lý thì mới khẳng định chủ quyền chứ. Tôi nói giả sử, đi qua nhặt được cái gì đó thì đó đâu phải là thực thi chủ quyền.
“Sự việc cắt cáp làm rơi mặt nạ hòa bình của Trung Quốc”
- Ông đánh giá gì khi Trung Quốc liên tiếp có các hành vi gây hấn, thách thức sự kiên nhẫn, lòng yêu nước, trân trọng hòa bình của người dân Việt Nam?
- Tôi đã có 13 năm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc. Đó là thời gian quan hệ Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian cam go, thử thách nhất. Sỡ dĩ nói rằng không bất ngờ vì tôi ở Trung Quốc đã lâu, đã biết bản chất của Trung Quốc là bá quyền nước lớn. Tư tưởng bành trướng bá quyền nước lớn, ngàn năm cũng chưa từ bỏ.
Cho nên những việc họ làm, không chỉ tàu Bình Minh 02, Viking mà trước đây từ việc chiếm quần đảo Hoàng Sa, một số đảo ở quần đảo Trường Sa, bắt ngư dân, cấm ngư dân đánh cá… là biểu hiện của chủ nghĩa bá quyền nước lớn. Đến sự việc này, tôi không lạ nữa.
Một lý do khác, đến thời điểm này, họ có tham vọng bá chiếm cả tài nguyên của Biển Đông, vì họ thiếu thốn, thèm khát dầu khí. Khi họ thấy ta thăm dò định khai thác, thì họ phải tìm cách cản trở.
Dù đã bị ta phản đối, nhân dân, báo chí, dư luận Việt Nam và quốc tế chỉ trích sau sự việc ngày 26/5 (tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí – PV) nhưng với tính chất ngoan cố, ngang ngạch và cậy là kẻ mạnh, họ lại tiếp tục gây ra sự việc với tàu Viking 2.
Tôi có thể kết luận, hai vụ việc xảy ra với tàu Bình Minh 02 và Viking làm rơi mặt nạ hòa bình mà Trung Quốc vẫn đeo, lộ ra nguyên hình bộ mặt bá quyền nước lớn ăn hiếp nước nhỏ, nói một đằng làm một nẻo.
“Cố tình đổi trắng thay đen”
- Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng vì đã hoàn tất đàm phán, phân giới cắm mốc trên bộ nên đây là thời điểm Trung Quốc tỏ ra cứng rắn hơn tại Biển Đông?
- Không phải. Mọi hoạt động vừa qua chỉ cho thấy Trung Quốc đang từng bước làm mọi điều vì lợi ích ích kỷ cho họ. Ngay từ giai đoạn giữa những năm 1970, khi tôi là Đại sứ tại Trung Quốc, hai bên Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán phân định cắm mốc biên giới trên bộ, vịnh Bắc bộ. Nhưng phải đến gần đây quá trình đàm phán mới hoàn tất.
- Ông nghĩ sao khi những ngày vừa qua, quan chức cũng như báo giới Trung Quốc đăng tải những thông tin rất sai lệch về sự việc tại biển Đông? Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ra tuyên bố yêu cầu phía Việt Nam chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm chủ quyền và tránh tạo ra những sự cố mới?
- Tuyên bố nêu trên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa cho thấy họ cố tình “đổi trắng thay đen”, cố tình làm cho dư luận hiểu sai bản chất của vụ việc. Nhiều nước sẽ ủng hộ chính nghĩa của chúng ta
- Trong bối cảnh này, theo ông Việt Nam nên xử lý ra sao?
- Chính sách của chúng ta là hòa bình, xưa nay đều thế. Thời điểm này, chúng ta phải đấu tranh lý lẽ một cách quyết liệt. Họ muốn bí mật, song phương ta thì phải công bố toàn bộ các cứ liệu lịch sử cho nhân dân ta và dư luận thế giới thấy rõ ai phải ai trái. Thế giới biết và ủng hộ thì Trung Quốc không thể hung hăng được nữa.
Tôi cũng muốn nói thêm, thời đại này muốn phát động vũ lực cũng không phải dễ dàng. Ta càng đấu tranh công khai, càng quốc tế hóa thì thế của ta càng vững.
- Hiện có nhiều ý kiến lo ngại sự chia rẽ trong các nước ASEAN về vấn đề biển Đông cũng tựa như hình ảnh chia bó đũa thiếu sự kết dính. Trung Quốc có thể lợi dụng điều này để giải quyết vấn đề biển Đông theo hướng có lợi cho họ?

- Một là, nước nào cũng có lợi ích chung và riêng. Hai là, lợi ích trước tiên lúc này là lợi ích kinh tế. Điều đó là tự nhiên. Tất nhiên, về lý thuyết, thế giới là bình đẳng, nhưng trên thực tế, các nước lớn luôn dùng nhiều loại sức ép, cả chính trị, kinh tế và quân sự để áp đặt ý đồ của mình lên các nước nhỏ.
Trong bối cảnh đó, giải pháp tối ưu là phải xác định được thế mạnh của bản thân mình. Với trường hợp của ta, cần phải đẩy mạnh mặt trận ngoại giao - pháp lý, làm cho cả dân ta, dân họ và cả cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ.
Nếu ta công khai, thì dù một số nước không có quyền lợi thiết thực gắn với biển Đông, nhưng tôi chắc rằng họ sẽ lên tiếng, ủng hộ cho chính nghĩa, lẽ phải của chúng ta, của bạn bè.
- Quay trở lại thời gian ông làm đại sứ tại Trung Quốc. Theo ông, báo giới và nhân dân Trung Quốc nhìn nhận ra sao về tranh chấp tại biển Đông?
- Nhân dân Trung Quốc phần đông rất hữu nghị, trân trọng tình cảm với nhân dân ta. Ngay trong những năm 1979 – 1989, khi anh chị em tại Đại sứ quán ta tại Trung Quốc đi chợ, nhân dân Trung Quốc vẫn đối xử vẫn bình thường.
“Trở ngại lớn nhất là tư tưởng bá quyền”
- Trung Quốc tuyên truyền ra sao về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông?
- Họ tuyên truyền rất mạnh, rằng biển Đông là biển Nam Sa của họ. Họ giáo dục rất sâu trong nhà trường, chiếm nhiều tiết học…
- Vậy theo ông, chúng ta làm thế nào nói cho nhân dân Trung Quốc hiểu được bản chất vấn đề?
- Ta cũng phải tuyên truyền, xuất bản văn kiện bằng tiếng Trung Quốc trên mạng và nhiều hình thức khác.
- Dĩ nhiên, việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông hiện nay rất phức tạp. Theo ông hiện có những tồn tại, trở ngại chính nào trong tiến trình giải quyết vấn đề?
- Trở ngại lớn nhất là tư tưởng bá quyền.
- Thời gian vừa qua, Trung Quốc liên tục phát triển sức mạnh quân sự với tàu bay, tàu ngầm, tàu sân bay. Dư luận đặt câu hỏi, vậy đâu là sức mạnh Việt Nam?
- Nói về sức mạnh, không đơn thuần chỉ bao gồm những thứ đó. Dân tộc ta đã có kinh nghiệm hàng ngàn năm lấy ít đánh nhiều, nhỏ thắng lớn. Ngoài ra còn sức mạnh thời đại, thế giới họ nhìn thấy điều đó, ta phải nói cho họ biết.
“Phải dạy lịch sử, tình yêu nước nhiều hơn nữa!”
- Muốn giải quyết những trở ngại đó, đâu là giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho Việt Nam?
- Phải đấu tranh lý lẽ, bằng các tư liệu, bằng báo chí trước tiên. Đưa lên Liên hiệp quốc, nói cái phi pháp của họ ra. Còn tình huống xấu hơn tôi nghĩ sẽ không xảy ra, khi cả thế giới hiểu được ta có chính nghĩa. Việc đó sẽ làm Trung quốc bớt hung hăng đi.
Đồng thời chúng ta phải dạy lịch sử, tình yêu nước nhiều hơn nữa… Tôi rất buồn khi ngày nay, nhiều con trẻ thuộc sử Trung Quốc hơn cả sử ta, phim ảnh, truyền hình cũng vậy…
- Hiện có nhiều ý kiến đề nghị phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, theo ông có nên?
- Chúng ta phải tiếp tục kiên quyết đấu tranh và gửi công hàm lên Liên Hiệp quốc tố cáo Trung Quốc vi phạm Công ước luật Biển năm 1982. Chúng ta công khai các tài liệu để đấu tranh, cho thế giới biết thực chất vấn đề.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh từng giữ các chức vụ Chính Ủy Khu 1 (1947), Cục Trưởng Cục Tổ Chức Tổng Cục Chính Trị (1950); Chính Ủy Quân Khu 1 (1958), Bí Thư Tỉnh Ủy Thanh Hóa (1961-1964), Ủy Viên Dự Khuyết Trung Ương Ðảng (1960-1976).

12 THÁNG ANH ĐI