21 thg 7, 2011

Báo Spiegel phỏng vấn Bộ trưởng gốc Việt Rösler


Cuộc phỏng vấn ông Philipp Rösler
do tạp chí Spiegel thực hiện ngày 19.7
xoay quanh các vấn đề về sự hội nhập
của người nước ngoài với xã hội Đức,
sự phân biệt đối xử, và ý nghĩa
của việc trở thành một người Đức.

Một hoàng tử Việt Nam bị lạc

SPIEGEL: Bộ trưởng Rösler, ông sinh ra ở Việt Nam và được cha mẹ người Đức nhận làm con nuôi khi ông mới chín tháng tuổi. Lần đầu tiên ông chú ý đến việc ông trông khác với những đứa trẻ Đức khác là khi nào?

Philipp Rösler: Khi tôi lên bốn hay năm gì đó, ba tôi cùng tôi soi gương. Ông nói: “Con hãy nhìn vào con, rồi nhìn vào ba – chúng ta trông khác nhau. Nhưng cho dù có điều gì xảy ra và cho dù người ta có nói gì: ba vẫn là ba con”.

Hồi nhỏ ông có bị trêu chọc vì ngoại hình của mình kkhông?

Không, chưa bao giờ. Thỉnh thoảng tôi mơ rằng mình là một hoàng tử Việt Nam bị lạc nữa. Suy nghĩ đó làm tôi thích thú. Có lúc tôi còn hỏi ba là ở Việt Nam có hoàng tử không. Ông nói là từng có vua ở đó, nhưng giờ không còn nữa. Chuyện (tôi hỏi ba) xảy ra vào khoảng năm 1980.

Với ngoại hình của mình, hồi thiếu niên ông có bao giờ hình dung đến một ngày ông trở thành phó thủ tướng Đức không?

Làm sao mà một thiếu niên có thể hình dung đến việc trở thành phó thủ tướng được? Tôi thấy người dân Đức đã rất thông cảm và chấp nhận việc tôi trông khác với một “người Đức bình thường”. Ở nước ngoài, điều này hiện giờ và sau này vẫn còn gây chú ý. Tôi vừa mới tháp tùng thủ tướng (Angela Merkel) đến Washington và khi chúng tôi được đón tiếp ở Nhà Trắng, tổng thống Obama đã rất tò mò về sự nghiệp chính trị của tôi.

Có phản ứng nào từ Việt Nam khi ông trở thành chủ tịch của đảng Dân chủ Tự do (FDP) – đảng liên minh với đảng bảo có đường hướng bảo thủ của thủ tướng Angela Merkel – và phó thủ tướng Đức?

Tôi nhận được lời chúc mừng từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, điều đó khiến tôi rất vui. Nhưng không có mối liên hệ gì gán ghép vào lai lịch Việt Nam của tôi cả.

Những người ở Việt Nam có tự hào về Philipp Rösler?

Xe chở khách du lịch Việt Nam thường dừng ở bộ của tôi, và với nhiều người Việt Nam, đó chắc chắn là điều gì đấy đặc biệt. Nếu ai đó gốc Đức được nhận làm con nuôi và trở thành người trong chính phủ Việt Nam, chúng ta những người Đức có lẽ cũng sẽ thấy thú vị.

Ba ông có kể cho ông nghe nhiều về Việt Nam không?

Ba tôi gặp một số người Việt Nam khi ông làm phi công lái trực thăng cho không quân Đức. Trong những năm 1970, ông thường đi tập huấn ở Mỹ, nơi các phi công của quân đội miền Nam Việt Nam cũng được huấn luyện. Cuộc chiến ở Việt Nam thu hút sự quan tâm của ông, như hầu hết những người cùng thế hệ của ông. Sau đó ông nhận thấy có hai lựa chọn – hoặc là xuống đường và biểu tình, hoặc giúp đỡ theo một cách thiết thực. Ông chọn cách thứ hai và nhận nuôi một đứa trẻ Việt Nam – là tôi.

Tôi là một người Đức

Giờ, khi ông xem những phim ảnh về chiến tranh Việt Nam, ông đứng về phía bên nào?

Không bên nào cả. Trong những phim chẳng hạn như “Platoon” của Oliver Stone, không cần có một sự phân biệt giữa thiện và ác, vì vậy tôi không thấy mình phải đứng về phía nào.

Ông có bao giờ thử học tiếng Việt chưa?

Chưa.

Ông có bao giờ ước mình trông giống một người Đức không?

Không, vì tôi là một người Đức và tôi luôn cảm thấy như một người Đức. Tôi học trường tiểu học công giáo ở vùng Harburg của Hamburg, nới có rất nhiều học sinh Tây Ban Nha và Ý. Sau ngày đầu tiên ở trường, tôi lại nói chuyện với ba: “Ba ơi, có nhiều bạn người ngoài trong lớp con”. Ông đã cười lớn.

Đức có phải là một đất nước thân thiện với người nước ngoài?

Vâng, đúng vậy. Bản thân tôi chưa bao giờ có trải nghiệm tiêu cực nào (về việc này).

Nhóm người nước ngoài nào mà ông cho là sẽ gặp khó khăn ở Đức?

Điều đó khó mà nói được. Nhìn chung, yếu tố nước ngoài và yếu tố xa lạ khiến nhiều người lo sợ. Vì vậy tôi hình dung những người gặp khó khăn nhất là những người mà có vẻ rấc khác biệt với “người Đức điển hình”.

Các quan điểm tích cực của ông về nước Đức có liên hệ gì với việc ông đã được lớn lên trong một môi trường được che chở không? Một cậu bé Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng ven khó khăn của Berlin như quận Neukölln chẳng hạn có thể có một cái nhìn rất khác về nước Đức.

Không có ai giễu cợt với điều tôi được thừa hưởng. Nhưng những cậu bé Thổ Nhĩ Kỳ thường bị véo mũi vì chúng trông khác mọi người. Tôi thấy điều này không công bằng và nguy hiểm. Làm sao một người có thể cảm thấy họ là một phần của xã hội khi bị nói ngay từ đầu là: “Bạn không thực sự là một phần của chúng tôi?”.

Tại sao thái độ với người nước ngoài ở Đức lại trở nên khó chịu như vậy?

Trong quá khứ, người nước ngoài được xem là làm giàu cho đất nước này. Đức cần lao động, vì vậy người Tây Ban Nha, Ý, và người Thổ Nhĩ Kỳ được chào đón. Khi nỗi lo thất nghiệp tăng lên, nỗi sợ của nhiều người về việc người nhập cư sẽ lấy mất việc làm của họ cũng tăng lên. Dù sao thì trong vài năm qua, thái độ này đã được cải thiện đáng kể.

Và tại sao tân phát xít ở phía Đông nước Đức gọi người Việt Nam là “dân Fiji” như một cách miệt thị?

Gọi người Việt Nam là dân Fiji hoàn toàn là ngu xuẩn, ít nhất là về mặt địa lý. Đảo quốc Fiji cách Việt Nam hàng ngàn km.

Là bộ trưởng kinh tế…

Ông có nhận thấy rằng người ta đang lo sợ người nhập cư không?

Luôn có hai cách ứng xử với những nỗi lo sợ như vậy. Hoặc anh đầu hàng nỗi sợ và khép kín bản thân mình, hoặc anh cố gắng cởi mở và nói cho mọi người cùng hiểu. Tôi thấy cách thứ hai thoải mái hơn.

Đảng FDP của ông có nỗ lực đủ để làm cho mọi người cùng hiểu chưa?

Chính trị nhìn chung làm được quá ít trong việc xác định mục tiêu của sự việc hội nhập.

Có phải các chính trị gia Đức đã quá nuông chiều người nước ngoài, những người từ chối hội nhập?

Tôi tin là chính sách của chúng ta đã tạo ra cơ hội quá ít, như việc mở các khoá tiếng Đức chẳng hạn. Xử phạt cần phải là phản ứng trước hết của chúng ta.

Là bộ trưởng kinh tế, ông có kế hoạch nới lỏng quy định về nhập cư vào Đức không?

Tôi sẽ tán thành các chuyển động của nước Đức xa hơn theo hướng này. Nước Đức cần những người nhập cư có chất lượng và thật vô lý khi chúng ta chi rất nhiều tiền để đào tạo sinh viên nước ngoài và rồi sau khi họ tốt nghiệp lại chỉ cho phép họ ở lại có một năm.

Ở Đức, người châu Á được xem là hội nhập đặc biệt tốt. Tại sao lại như thế?

Các ông bố bà mẹ Việt Nam, như nhiều người khác, coi trọng việc con họ được hưởng nền giáo dục tốt.

Bản thân công có đụng phải các khó khăn trong chính trị vì cái tiếng là người châu Á luôn tử tế và thân thiện không?

Sao việc được xem là thân thiện lại trở thành một vấn đề chứ?

Vì sự thân thiện, trong chính trị, thường được xem như là sự thiếu khả năng quyết đoán.

Anh không cần phải lo lắng cho tôi về chuyện đó đâu.

Bộ trưởng tài chính Wolfgang Schäuble đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn là ông không chỉ là một người hiểu biết, đáng mến, mà còn là người rất hài hước. Ông có cảm thấy Schäuble đã hạ thấp ông không?

Tôi đã tự hỏi mình là nhận xét của ông ấy có lợi ích gì.

Ông có tự hào là một người Đức không?

Thực sự là tôi tự hào, nhưng câu này đã bị những người cực đoan cánh hữu lấy rồi. Không cần phải lạm dùng nó nữa.

Người Hồi giáo có là một phần của nước Đức không?

Có khoảng bốn triệu người Hồi giáo ở Đức và họ cũng giúp phát triển đất nước, vì vậy cũng thật chính xác khi nói rằng người Hồi giáo là một phần của nước Đức. Phát biểu này ban đầu là từ tổng thống liên bang Christian Wulff. Khi ông nói điều này, tôi đã nhắn tin ngay cho ông ấy: “(Nói) điều đó thật dũng cảm. Việc này sẽ tạo ra những làn sóng”. Và đó chính là những gì đã xảy ra.

Không có dấu vết nào để tìm ra cha mẹ ruột của tôi

Tại sao phải đợi đến khi 33 tuổi ông mới lần đầu tiên đi thăm Việt Nam, đất nước nơi ông sinh ra?

Nếu anh không thiếu thứ gì, thì anh không đi tìm thứ đó. Nhưng cuối cùng tôi đã đi vì vợ tôi nói là: “Một ngày nào đó chúng ta sẽ muốn có con, và em muốn mình có thể kể cho chúng đất nước nơi anh sinh ra trông như thế nào”.

Ông cảm thấy thế nào khi ông ở đó? Như những người khách du lịch bình thường khác không?

Có lẽ là như một du khách có một sự quan tâm đặc biệt. Rõ ràng là thỉnh thoảng mọi người ở đó thắc mắc rằng tôi là người như thế nào. Có thể họ nói là tôi không sống ở Việt Nam. Mà tôi cũng không giống một trong nhiều du khách Nhật đến Việt Nam. Hầu hết mọi người nghĩ tôi là một người Mỹ đi du lịch, một người nào đó từ một gia đình đã di cư sang Mỹ.

Ông có biết điều gì về gốc gác Việt Nam của ông vào thời điểm đó không?

Philipp Rösler và vợ. Ảnh: Reuters

Vâng, tôi phải cảm ơn SPIEGEL về điều đó. Có một người đàn ông ở một sự kiện được tổ chức ở thị trấn Holzminden đã hỏi tôi rằng chính xác thì tôi gốc gác là từ đâu. Tôi nói cho ông ta biết tên của cái làng nơi tôi sinh ra, điều mà tôi biết được từ giấy khai sinh của mình. Người đàn ông này nói rằng đó là điều trùng hợp vì con gái của ông ta cũng có gốc gác từ nơi đó. Bà ấy là một trong những đứa trẻ được sơ tán khỏi Việt Nam trong chiến tranh, vào năm 1975. Một trong những chuyến bay cuối cùng đã bị rơi và cháy trên đồng lúa. SPIEGEL sau đó đã thực hiện một chuyến đi đến đó với những đứa trẻ sống sót hồi xưa – và nơi đó là thành phố có trại trẻ mồ côi tôi từng sống. Bài báo của SPIEGEL cũng đã trích dẫn hai bà xơ đã chăm sóc tổng cộng 3.000 trẻ mồ côi hồi đó. Họ đặt những cái tên cho những đứa trẻ họ chăm sóc để có thể đưa chúng ra nước ngoài.

Ông có biết chút gì về cha mẹ ruột không?

Không. Các xơ ở trại trẻ mồ côi tôi từng ở phải chăm sóc cho hơn 3.000 đứa trẻ. Họ phải nghĩ ra những cái tên và cả dòng họ nữa cho số trẻ này để điền vào các giấy tờ cho chúng ra đi. Thực sự là không có dấu vết nào để tìm ra cha mẹ ruột của tôi.

Có bao giờ ông nghĩ đến việc tự đi tìm họ chưa?

Không, tôi chưa bao giờ. Với tôi, cha là người ba hiện nay của tôi. Mọi thứ đều tốt đẹp. Tôi không thiếu bất cứ gì hết.

Chúng tôi không có cờ Đức treo trong nhà.

Ông thích điều gì nhất về Việt Nam?

Phong cảnh thì tuyệt vời, và thức ăn nữa. Khi anh đi đến một nhà hàng Á ở Đức, nó hoàn toàn đã bị Đức hoá rất nhiều. Nhiều người châu Á thậm chí không đến nhà hàng Á ở đây, đơn giả là vì mùi vị không giống như ở quê nhà.

Tại sao ông lại muốn Đức hơn cả những người Đức khác?

Tôi không như thế đâu. Ví dụ, trong một thời gian dài tôi thậm chí không có lấy một lá cờ trong văn phòng.

Nhưng ca sĩ ông yêu thích là ngôi sao nhạc pop người Đức Udo Jürgens. Ông đặt tên cho hai đứa con gái sinh đôi là Grietje và Gesche. Ông là thanh viên của Uỷ ban trung ương về công giáo Đức. Và ông đã đăng ký tình nguyện với Lực lượng quốc phòng liên bang. Ông hơn cả một người Đức, ông là một người Đức kiểu mẫu.

Vậy cho phép tôi phủ nhận: Đúng là tôi hâm mộ cuồng nhiệt Udo Jürgens, nhưng tất nhiên không phải là vì anh ta hát tiếng Đức. Tôi sẽ cho anh biết một bí mật – chúng tôi không có cờ Đức treo trong nhà. Xe hơi riêng của tôi là của Pháp, vì lý do thiết thực là xe đó mới vừa được kích thước của một chiếc xe đẩy loại dành cho song sinh. Còn về tên của các con: khi cưới nhau, vợ tôi lấy họ của tôi. Chúng tôi đã đồng ý rằng cô ấy sẽ lấy họ Rösler, và đổi lại cô ấy được quyền chọn tên cho con. Tôi có thể đưa ra cái tên nào tôi thích nhưng vợ tên là người quyết định. Mà thực sự thì Grietje là một cái tên Hà Lan hơn, còn Gesche thì nghe Frisia hơn. (Giải thích: Frisia là một ngôn ngữ địa phương được sử dụng ở miền duyên hải Tây Đức và Hà Lan)

Ông có cho rằng nước Đức có một “nền văn hoá đi đầu” không?

Đó là một cụm từ do nền văn hoá khác đặt ra, nhưng đúng là có một nền văn hoá phổ thông mà chúng ta có thể dùng để quảng bá. Nó dao động đâu đó giữa vua bắp cải xanh và chủ nghĩa đương đại.

Đúng rồi, xin chúc mừng! Ông từng được trao tặng vương miện “vua bắp cải xanh” trong lễ hội bắp cải xanh năm nay ở Oldenburg.

Truyền thống của việc trao vương miện vua bắp cải xanh chứa đựng trong nó các giá trị hết sức nghiêm túc, chẳng hạn như sự hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, và về việc giữ được sự chân thành với một vùng đất. Tôi đã từng có nhiều năm diễn thuyết về vấn đề nhà và nguồn gốc. Tôi không nghĩ rằng “nhà” là điều gì đó có nghĩa về tài sản, sự ràng buộc khắt khe, hay gây nhàm chán.

Một ly rượu thì không vấn đề gì

Từ khi nào ông chú ý đến việc người châu Á thiếu enzyme chuyển hoá rượu?

Từ tuổi dậy thì, là tuổi mà thường bắt đầu có sự tiếp xúc lần đầu tiên với rượu.

Ông có từng say bét nhè chưa?

Chưa, tôi chưa từng. Cách thức là cơ thể của hầu hết mọi người chuyển hoá rượu đầu tiên thành aldehyde rồi sau đó thành acetic acid. Nhưng quá trình này diễn ra rất khác với tôi, với một kết thúc gây khó chịu – Tôi không cảm thấy phừng phừng đâu, mà chỉ thấy khó chịu thôi.

Nghe có vẻ kinh khủng nhỉ. Vậy là ông không uống bia rượu sao?

Tôi có uống mà. Nếu tôi không bao giờ uống rượu thì chỉ một lượng rất nhỏ cũng đủ làm cho tôi thấy mệt rồi. Nhưng nếu tôi thường xuyên uống một ngụm nhỏ, các enzyme sẽ được tạo ra để giúp chuyển hoá rượu.

Ông có thể uống bao nhiêu?

Một ly rượu thì không vấn đề gì.

Làm thế nào mà một người có thể bị ốm chỉ sau vài giọt rượu lại có thể sống sót và trở thành một chính trị gia của bang Niedersachsen?

Anh có thể nghĩ đến một câu nói thậm xưng về vùng này. Niedersachsen là một nơi tự do, và anh không bao giờ bị ép uống. Và trong bất cứ trường hợp nào, tôi tin là cái thời đó đã qua, cái thời mà người ta thường nghĩ là anh chỉ có thể làm chính trị bằng cách uống thật nhiều rượu xã giao.

Ông có phải là người tiêu biểu cho những người nước ngoài ở Đức không?

Rösler: Nhiều người xem tôi là một người tiêu biểu. Ngay trong thời gian tôi chuẩn bị lên làm bộ trưởng, có một cuộc gặp gỡ ở một nhà ăn trong trụ sở hạ viện liên bang. Một người đàn ông da sẫm làm việc cho công ty cung cấp thực phẩm ở nhà ăn đó đã đến chỗ tôi. Anh có biết ông ấy nói gì không? Ông ấy nói: “Tôi nghĩ thật không thể tin được là một người trong chúng ta đã có đường để lên đến chức vụ quan trọng hàng đầu”.

Lúc đó ông thấy vui chứ?

Vâng, vì điều đó là chân thật và đến từ trong tim.

Bộ trưởng Rösler, cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

12 THÁNG ANH ĐI