4 thg 2, 2012

Để người Đảng dạy thành Trí thức


Huệ Đăng

Thế giới có danh xưng gì, Việt nam cũng có đủ danh xưng ấy, nhưng tất nhiên với bản chất khác hẳn và danh xưng Trí thức cũng không phải là ngoại lệ.

Trí thức không phải một danh xưng bình thường, mà là một danh hiệu quí giá của xã hội trao tặng người có những phẩm chất đặc biệt.

Ngay cả Noam Chomsky - triết gia và nhà ngôn ngữ học cánh tả nổi tiếng nhất của Mỹ - cũng thừa nhận: "Là Trí thức đó là một sự bổ nhiệm cho mỗi người biết sử dụng lý trí của riêng mình để thúc đẩy những công việc quan trọng cho sự phát triển của loài người."

Lòng dũng cảm

Danh xưng Trí thức được nêu công khai lần đầu tiên trong bài báo của Georges Clemenceau với tựa đề ‘Sự phản đối của Trí thức’ trên Le Journal, 01/02/1898 ở Paris, nói về khoảng 2.000 người gồm các nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ, công chức cao cấp của Pháp đã dũng cảm ký tên vào tuyên bố phản đối sự vi phạm pháp luật trong vụ Dreyfus.

Như vậy, thuộc tính đầu tiên của Trí thức là lòng dũng cảm: dũng cảm bảo vệ ý kiến của riêng mình và dũng cảm đưa ra thảo luận công khai vì việc chung, vì sự phát triển xã hội.

Để có thể có được quan điểm, nhận định riêng- có tính phê phán- của mình trả lời cho những vấn đề chung của xã hội mà những người khác hoặc là không nhận thức được, không biết câu trả lời, hoặc không dám đưa ra thảo luận công khai, người Trí thức phải có khả năng phân tích, phân biệt Tốt - Xấu, Đúng- Sai, Lợi-Hại, Nên-Không nên, một cách lý trí, độc lập và khách quan không theo tình cảm của mình.

Theo Sartre, người Trí thức phân tích, đặt câu hỏi sâu sắc hơn, phê phán và tranh luận công khai về những hoạt động quan trọng trong xã hội, để tác động đến sự phát triển của nó. Ở đây, người Trí thức không bị phụ thuộc vào bất kỳ quan điểm chính trị hay đạo đức nào. Chính điều này thường dẫn đến xung đột với nhà cầm quyền.

Dù muốn hay không, tầng lớp Trí thức cũng vừa là người xây dựng, vừa là người phê phán ý thức hệ và hệ giá trị cơ bản của xã hội. Chính ở những xã hội có nhiều sự cách biệt, phân biệt và những trở ngại lớn lao cho sự phát triển, những xã hội đang ở giai đoạn quá độ, đang đứng trước ngả ba đường, những xã hội mà khoảng cách giữa ý thức hệ tư tưởng với thực tiễn càng lớn, người ta càng cần đến Trí thức.

Nhưng, Trí thức khác với những người "được đào tạo“, những người thông minh. Người "được đào tạo“ có thể hoàn toàn sống thanh thản với lương tâm khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, làm ra những sản phẩm tốt (thậm chí là có hàm lượng tri thức cao) cho xã hội mà không cần phải độc lập.
Người thông minh luôn có những quyết định đúng đắn mà nhiều khi sự phụ thuộc là cần thiết. Họ, cả hai, đều không cần phải – bằng lý trí và lập luận của riêng mình- đưa những vấn đề của xã hội ra thảo luận công khai hoặc tham gia vào chúng.

Tư duy độc lập

Trí thức thì ngược lại. Anh ta phải là con người có khả năng tư duy độc lập và độc lập với xã hội. Phẩm hạnh cần thiết hàng đầu của người Trí thức là lòng dũng cảm, kể cả dũng cảm tư duy độc lập.

Người Trí thức- trong ý thức trách nhiệm với con người, với xã hội- phải có dũng khí đưa vấn đề xã hội dưới góc nhìn của mình ra công luận và thúc đẩy thảo luận công khai về nó. Rất nhiều con người bình thường có những giải pháp hay, lý luận đúng, nhưng không bao giờ nghĩ đến việc thực hiện chúng.

Lòng dũng cảm Trí thức được nhà văn trào phúng Stanislaw Jerzy Lec của Balan thời cộng sản nói một cách hình tượng như sau:

“Để đến được nơi sinh ra dòng sông ta phải bơi ngược dòng và đừng bao giờ trông chờ nó sẽ đổi hướng.”

Lòng dũng cảm, sự đồng cảm, năng lực tư duy độc lập-tự do và khả năng dự báo là những thuộc tính cần thiết của một Trí thức. Nhưng chưa đủ để làm nên một Trí thức. Trí thức phải độc lập với xã hội trong một chừng mực tối đa có thể được, và đặc biệt phải độc lập với chính sự quan tâm về vị trí của mình trong xã hội.

Một Trí thức đưa vấn đề ra thảo luận công khai không phải vì quyền lợi của mình, không phải vì sự công nhận của xã hội. Trí thức luôn độc lập và từ chối thích nghi.

Theo Naomi Klein, nhà văn nữ, nhà báo cánh tả, nhà chống Toàn cầu hóa thì:

“Một Trí thức không tự bán mình và không để cho bất kỳ ai, bất cứ cái gì ngoài chính mình nói anh ta sẽ mặc gì, mua gì hay ăn cái gì.”

Phản biện- kể cả phản biện xã hội- không phải là một chức năng hay đặc trưng của riêng Trí thức, mà là yếu tố cần thiết trong quá trình tư duy của mỗi người, mỗi cá nhân trong xã hội để có thể dẫn đến một quyết định, một kết quả thích hợp.

Như vậy, Trí thức là danh hiệu chỉ người với năng lực tư duy độc lập, có khả năng bằng lý lẽ của riêng mình đưa những vấn đề có ý nghĩa với xã hội ra công luận, thúc đẩy thảo luận công khai về chúng mà không sợ bất cứ cản trở nào từ ai, từ cái gì.

Vai trò quan trọng của Trí thức đối với sự phát triển xã hội là không phải bàn cãi và được tất cả các chế độ, từ quân chủ, toàn trị, đến dân chủ, công nhận. Tuy cách hiểu và mục đích rất khác nhau.

Trong một tài liệu viết trước Cách mạng Tháng Mười 1917, với ghi chú đặc biệt là ‘Gửi Đảng’, Vladimir Lenin đã cảnh báo về các yếu điểm của tầng lớp Trí thức như sau:
"So với giai cấp vô sản, tầng lớp trí thức luôn có tính cá nhân hơn do các điều kiện sống và làm việc cơ bản của họ, những điều kiện không cho phép họ trực tiếp xây dựng được sức mạnh chung và vì vậy cũng không trực tiếp giáo dục được thông qua sự lao động có tổ chức chung. Do đó, các nhân tố trí thức rất khó khăn để thích nghi với những kỷ luật trong đời sống của đảng …"

Sau cách mạng, Lenin khẳng định lại sự cần thiết phải đưa tầng lớp Trí thức cũ vào lao động và nhắc lại các thiếu sót điển hình của Trí thức:

"Sự cẩu thả, thờ ơ, vô trật tự, không chính xác, hấp tấp một cách đáng ghét, ngây thơ; thiên hướng thảo luận thay cho hành động, nói thay cho lao động; thiên hướng khởi đầu tất cả trên toàn thế giới và không bao giờ dẫn đến kết thúc là các thuộc tính của những người „được đào tạo“, cái thuộc tính không bao giờ hình thành từ bản chất tồi tệ và ít hơn là từ ác ý, mà là từ toàn bộ lối sống, quan hệ lao động, từ sự mệt mỏi quá độ, từ sự tách biệt bất thường giữa lao động trí óc và lao động chân tay của họ.

Không có lời khuyên, không có hướng dẫn của những người được đào tạo, của trí thức, của chuyên gia, ta không thể làm được việc. Mỗi một công nhân, nông dân hiểu điều đó rất tốt, và những trí thức ở giữa chúng ta không thể phàn nàn về sự thiếu chú ý và sự tôn trọng theo tình đồng đội của công nhân, nông dân.

Các trí thức rất thường đưa ra những lời khuyên và hướng dẫn tuyệt vời. Nhưng chính là ở đây cho thấy họ bất lực, vụng về một cách nực cười, phi lý, đáng xấu hổ làm sao để thực hiện những lời khuyên và hướng dẫn đó và tạo được một sự kiểm soát trong thực tế để biến lời nói thành hiện thực“.

Phải cải tạo

Trong bài viết "Chủ nghĩa cực đoan tả khuynh, căn bệnh trẻ con trong Chủ nghĩa Cộng sản“ vào năm 1920, Lenin xác định nhiệm vụ mới cho Phong trào Cộng sản và chính quyền Xô viết là một mặt lợi dụng Trí thức, mặt khác phải cải tạo họ:

"Dưới chính quyền Xô viết sẽ còn nhiều Trí thức được "ấn vào“ đảng vô sản của chúng ta, của các bạn. Họ được "ấn vào“ chính quyền Xô viết, vào Tòa án và vào cơ quan hành chính, vì không thể xây dựng Chủ nghĩa cộng sản một cách khác, bằng cái gì khác hơn cái mà Chủ nghĩa Tư bản đã tạo ra: Chất liệu Con người. Người ta không thể tiếp tục săn đuổi sự thông minh dân sự và hủy diệt, mà phải chế ngự nó, thay đổi kiểu cách của nó, biến đổi nó và cải tạo nó…"

Những lời dạy của lãnh tụ Lenin chắc chắn phải là kim chỉ nam cho chế độ chuyên chính vô sản của đảng Cộng sản Việt Nan trong việc cải tạo tầng lớp Trí thức còn lại của chế độ trước và đào tạo tầng lớp trí thức mới cho đảng. Có thể khẳng định rằng đảng đã rất thành công.

Cũng giống như Lenin, người ta đã cố tình đánh đồng 'Người được đào tạo', chuyên gia với Trí thức và trao cho tất cả danh xưng trí thức.

Những Trí thức cũ còn lại đã rất hiếm, lại còn được cải tạo, ràng buộc trong những môi trường sống và làm việc khiến họ chỉ còn là những chuyên gia, những "người được đào tạo lại“. Số đó, nay tuổi đã cao hầu như không còn tồn tại.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã đào tạo cho mình một tầng lớp rất đông đảo 'Người được đào tạo' được mang danh trí thức. Sau chiến thắng 1975 vang dội, đứng trên đỉnh cao trí tuệ loài người, đảng trao cho họ danh hiệu cao quí 'Trí thức Xã hội Chủ nghĩa'.

Tầng lớp trí thức Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) đã đóng góp tích cực và giữ vai trò quan trọng trong mọi thành công, thất bại của đảng CSVN, trong tất cả tình trạng đáng khen, đáng hổ thẹn hiện nay của Việt Nam.

Nhưng ta chưa thấy một ai trong số họ- ngay cả những nhà phản biện trung thành nổi tiếng và đáng kính nhất, ít nhất là trên phương tiện thông tin đại chúng- có dũng khí thừa nhận vai trò của mình, sai lầm của mình hay của tầng lớp mình trong đó. Họ chưa có tinh thần tự phản biện chính mình, chưa có khả năng phân biệt, nhận định một cách khách quan, độc lập của một Trí thức.

Họ cũng đặc biệt quan tâm đến sự công nhận của xã hội. Ở Việt nam, bạn sẽ xúc phạm ghê gớm đến một cử nhân, chứ đừng nói là đến thạc sĩ, tiến sĩ, khi nói anh ta không phải là một Trí thức.

Là „người được đào tạo“ để phục vụ một chủ thể xác định, cho những mục tiêu cụ thể, trí thức XNCN bối rối, hoang mang nếu phải độc lập, bị tự do, không còn được đảng lãnh đạo nữa.

Đó không thể là tư cách của một Trí thức. Phát ngôn của ông Chu Hảo: “chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của Đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước”, hay của TS Khuất Thu Hồng: “Nếu đặt trí thức ngoài sự lãnh đạo của đảng đó thì trí thức càng không thể phát huy vai trò của mình. “, chưa phải là những thông điệp tệ nhất. Vì ít nhất chúng còn xác nhận một sự thật rằng, ở Việt nam quả thật chưa có tầng lớp Trí thức.

Tầng lớp trí thức XHCN tất nhiên cũng mang đậm dấu ấn được đào tạo. Họ thà mang tiếng hèn nhát, chứ nhất định không chịu mang tiếng dốt. Điều này, cùng với những nguyên nhân khác, có thể giải thích vì sao đa số nhà phản biện, đối lập trung thành chỉ phản biện sau khi về hưu.

Họ biết hết đấy, nhưng trong guồng máy thì xin lỗi, sợ lắm.

Không có tự do ngôn luận, làm sao trí thức XHCN trở thành Trí thức được?

Đúng thôi. Nhưng chính là ở đây, khi không được tự do, người ta mới cần thấy lòng dũng cảm Trí thức. Điều mà chúng ta cũng bắt đầu thấy.

Phản biện trung thành, đối lập trung thành vẫn rất đáng quí - dù chỉ đủ giải phẫu thẩm mỹ cho chế độ dễ thương hơn - vì đó chính là sự khác biệt. Không phải chính sự khác biệt là bước tiến đầu tiên đến đích tư duy độc lập hay sao?

Tôi cũng có dịp gặp nhiều bạn trẻ Việt Nam và tin rằng có một tầng lớp Trí thức Việt Nam đang bắt đầu hình thành, ngày một mạnh mẽ.

Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, hiện sống tại Sài Gòn.

Nguồn:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/02/120202_intelligentsia_who_are_you.shtml

12 THÁNG ANH ĐI