24 thg 2, 2012

Người Trí Thức Đưa Đất Nước Đi Lên



Người Trí Thức Đưa Đất Nước Đi Lên.
Nguyễn Quang Duy

Hoa Kỳ luôn giữ vai trò cường quốc số một thế giới là nhờ đã đặt giá trị của con người đúng mức. Nhất là giá trị những người trí thức. Về lý thuyết Hoa Kỳ có cả một trường phái kinh tế học ra đời vào những năm 1980, chứng minh được tăng trưởng và phát triển quốc gia tùy thuộc vào tri thức (new growth theory).

Dựa vào lý thuyết và thực tiễn chứng minh được, người theo trường phái này hướng đến những chính sách xây dựng môi trường phát huy và tận dụng những tài sản trí tuệ nhân lọai. Họ cổ vũ việc các quốc gia muốn phát triển cần tôn trọng nhân quyền, dân chủ, tự do và khuyến khích một thế giới tự do trên mạng tòan cầu.

Việt Nam Tồn Tại Trong Suy Thóai – Chết Lâm Sàng
Gần đây diễn đàn BBC mở ra một cuộc tranh luận về vai trò của những người trí thức trong hòan cảnh Việt Nam hiện nay. Một hòan cảnh mà ông Nguyễn Phú Trọng phải công khai bàn đến việc chỉnh đốn đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tránh sụp đổ. Còn ông Lê Khả Phiêu diễn tả “Đảng tồn tại trong suy thoái”.

Đảng Cộng sản lại là đảng cầm quyền vì thế đất nước cũng luôn trong cùng một tình trạng: tồn tại trong suy thóai. Theo cách nói của Giáo Sư Ngô Bảo Châu là Việt Nam đang chết lâm sàng.

Trí Thức Ta – Trí Thức Nô Lệ
Mồng một Tết, trên diễn đàn BBC nhà văn Võ thị Hào lập luận lịch sử Việt Nam là lịch sử của những người nô lệ. Ngày nay đại đa số người làm việc bằng trí óc chỉ vì miếng ăn ngon. Họ vẫn là những người nô lệ.

Bà Hào cho rằng trí thức như bộ não của xã hội. Nếu xã hội không có trí thức thì cũng như con người không có bộ não. Nói theo kiểu của nhà văn Phạm thị Hòai thì độ cao trí tuệ của người trí thức Việt Nam chỉ tính từ cái cổ trở xuống. Đó chính là lý do Việt Nam vẫn thua xa các nước trong vùng.

Thợ Văn, Thợ Báo, Thợ Vẽ, Thợ Thơ, Thợ Dạy, Thợ Nhạc …
Cũng ngày đầu năm được nhà văn Phạm thị Hòai phỏng vấn, nhà báo Lê Phú Khải diễn tả trí thức Việt Nam ra hình hài “người” hơn. Ông Khải cho biết: “Theo tôi thì ở Việt Nam, trừ một số ít trí thức có tư duy độc lập còn thì không có đội ngũ trí thức đúng với tên gọi, đúng với nội hàm của nó. Cái gọi là tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa là những người do Đảng đào tạo nên để làm công chức cho Đảng. Vì thế Đảng nói gì họ nghe nấy, Đảng bảo sao họ làm vậy, vậy thôi.”

Những công chức của “Đảng” bao gồm nhà văn, nhà báo, giáo sư, họa sỹ, nhạc sỹ … nghĩ cho cùng chỉ là thợ viết văn, thợ viết báo, thợ dạy, thơ vẽ, thợ viết nhạc, thợ làm thơ … không hơn không kém. Việt Nam chỉ là một cơ xưởng “sáng tác”. Họ sáng tác theo mệnh lệnh của “Đảng” và nhằm phục vụ “Đảng”. Lẽ đương nhiên khi làm người, ai cũng muốn vươn lên, nhưng chính cái hệ thống của “Đảng” đã không tạo cơ hội hay cho phép họ trở thành người trí thức.

Khi đảng Cộng sản không còn tư tưởng để bám víu, không còn quyền lực để ban hành mệnh lệnh, tầng lớp công chức “Đảng” trở nên tê liệt, ù lỳ, thiếu khả năng “sáng tác” và trở thành gánh nặng xã hội. Xã hội lâm vào tình trạng chết lâm sàng.

Trí Thức Tây – Những Con Người Tự Do
Trong khi những người thuộc thế hệ trước hết sức bi quan, được báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần phỏng vấn Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết “vẫn đầy niềm tin tương lai”.

Được hỏi về vai trò của trí thức ông Bảo Châu cho biết: “Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.” Cách suy nghĩ của Giáo sư Bảo Châu là cách suy nghĩ của một người được đào tạo và làm việc trong môi trường Khoa Học thực nghiệm Tóan Tây Phương. Tạm gọi là Trí Thức Tây.

Phương cách giáo dục thực nghiệm của Tây Phương đào tạo những con người biết suy nghĩ, tự tìm và tự giải quyết vấn đề một cách thuần lý. Từ đó, xã hội đánh giá sự đóng góp của cá nhân qua những thành quả có thể đo lường được. Những công trình được phổ biến trên các tạp chí các diễn đàn chuyên môn. Những bằng sáng chế được quốc tế công nhận. Những sản phẩm cả tinh thần lẫn vật chất nhằm phục vụ cho nhân quần xã hội.

Từ phương cách giáo dục thực nghiệm những người làm chuyên môn đều tích cực tranh luận trên các lãnh vực chuyên môn nhằm tìm ra sự thực hay phát hiện những điều mới mẻ. Kiến thức của họ truyền đạt, chuyển hóa, tích lũy và biến thành kiến thức chung của nhân lọai. Ảnh hưởng và uy tín của họ phát xuất từ khả năng chuyên môn mà họ truyền đạt và đóng góp cho xã hội. Trường hợp của Giáo sư Bảo Châu là cụ thể và rõ ràng nhất.

Vì làm việc trong một môi trường xã hội hòan tòan tự do và những đóng góp đều được xã hội tôn trọng đúng mức, những người làm chuyên môn Tây Phương thường rất ít tham gia vào những cuộc tranh luận về chính trị hay chính sách. Nói đúng ra họ ít có cơ hội để cất tiếng phê phán chính sách của các chính phủ do dân chúng bầu ra.

Những Con Số Biết Nói
Theo thống kê, trong 5 năm 2006-2010, số bằng sáng chế được quốc tế công nhận đứng đầu là Mỹ với 1.000.900 bằng, đứng thứ 2 là Nhật Bản 197.075 bằng. Trong khi ấy Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế, thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Điều oái oan là riêng tại Hoa Kỳ ước tính có khoảng hơn 280 nhà phát minh người Mỹ gốc Việt được cấp bằng sáng chế, chỉ riêng Tiến sỹ Đoàn Trung đóng góp 72 bằng.

Có thể vì nhận ra điều này giáo sư Ngô Bảo Châu quyết định về Việt Nam mỗi năm 3 tháng điều hành Viện Toán Cao Cấp. Giáo sư Bảo Châu cho biết: “hiện nay tỷ lệ giảng viên toán có trình độ tiến sỹ chỉ là một con số rất nhỏ, quan trọng hơn tỷ lệ giảng viên toán có các công trình nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế nào đó lại là một con số vô cùng nhỏ.”

Thực trạng khoa học nêu trên là do đảng Cộng sản luôn tự cao tự đại cho rằng họ là đỉnh cao của trí tuệ lòai người, do phương cách điều hành “hồng hơn chuyên”, và nhất là do thiếu hẳn một môi trường tự do cho sáng tạo.

Hành Động Theo Cừu
Ở Tây Phương người khoa bản khi được thụ phong giáo sư đòi hỏi phải có ý kiến về các chính sách của chính phủ ảnh hưởng đến chuyên ngành và đến xã hội. Họ thường là tiếng nói của Viện Đại Học họ đang làm và phải sẵn sàng để nhận lãnh vai trò cố vấn cho chính phủ khi được mời.

Trong khi ấy giáo sư Châu lại cho rằng người trí thức “không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.” và xác nhận “Nói đến chuyện thay đổi chính sách là tôi lại băn khoăn. Hình như cái mà ta làm cho đến nay là thấy cái gì chưa ổn thì ta sửa lại, sắp xếp lại, mà ít để ý đến sự vận động tự nhiên của cuộc sống.”

Giáo sư Bảo Châu đã nhận ra cái hệ thống mà giáo sư đang phục vụ, vận động phản tự nhiên, nói theo từ chính trị là “phản động”. Đương nhiên ông phải biết thực trạng Việt Nam không có một môi trường sinh họat tự do. Đảng Cộng sản luôn ôm đồm lãnh đạo mọi thứ. Buồn thay giáo sư Châu lại cho rằng những người trí thức như ông không có vai trò để đưa ra một hướng đi cụ thể nhằm xây dựng một xã hội, một nền khoa học tự do cho Việt Nam. Ông đơn thuần làm khoa học.

Giáo sư còn cho biết “những khó khăn mang tính chất hành chính thì vẫn muôn hình vạn vẻ, nhưng tôi hi vọng giai đoạn này cũng sẽ chóng kết thúc để năng lượng được dồn vào những việc thật sự bổ ích là làm khoa học.”

Ngừơi viết cũng chưa bao giờ thấy các giáo sư tại Úc than phiền như trên. Tại Úc, người khoa bản đều biết tự trọng không luồn lách qua nhưng thủ tục nhiêu khê cho được việc. Ngược lại họ là những người luôn công khai đóng góp những phương cách để tháo gỡ những bế tắc hành chánh khi có chuyện xẩy ra. Với họ đây cũng chính là những đóng góp thực sự cho sự thăng tiến xã hội.

Mặc dù cho rằng người trí thức “không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.”, Giáo sư Châu quan niệm: “… cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.” Xã hội chết lâm sàng cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam tồn tại trong suy thóai.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi có nhận xét như sau: "Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã nói đến cái phần sau là nếu không có phản biện thì xã hội chết lâm sàng. Nhưng trách nhiệm của cái xã hội chết lâm sàng ấy không đặt vào vai của trí thức thì đặt vào vai ai". Người trí thức làm việc bằng lý và được đào tạo để làm sáng tỏ vấn đề nên khi họ phê phán hay tranh luận dễ thuyết phục người nghe. Vì thế công việc phê phán chính yếu là công việc của người trí thức.

Mâu thuẫn trong lời nói dễ dẫn đến mâu thuẫn trong hành động. Trước đây giáo sư Châu cho rằng “…bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do.” Thế nhưng nếu người tự do khi sống giữa những người nô lệ lại không có tiếng nói hướng dẫn người nô lệ đứng lên đòi quyền tự do, thì có khác chăng ngừơi tự do sống giữa đàn cừu lại hành động theo cừu. Theo cách nói ông bà ta “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Những Câu Hỏi Cho Giáo Sư Bảo Châu
Ở Tây Phương trong vai trò giáo sư và giám đốc Viện Toán Cao Cấp, Giáo sư Bảo Châu phải trả lời những câu hỏi về các chính sách của chính phủ, có ảnh hưởng đến Viện ông điều hành và đến chuyên ngành Tóan Học. Nhất là khi Viện Tóan Cao Cấp vừa được thành lập với kinh phí 650 tỷ đồng hơn 30 triệu Mỹ Kim.

Tiến sỹ Vũ Duy Mẫn (United Nation New York) có một số câu hỏi như sau: Liệu toán học có phải là ngành cần đầu tư phát triển nhất ở Việt Nam? Khoa học xã hội, nông nghiệp hay môi trường có xứng đáng được ưu tiên phát triển hơn và mang lại nhiều lợi ích trực tiếp hơn cho đất nước ? Việt Nam là nước đang phát triển, còn rất nghèo, có nền toán học chưa tiên tiến. Vậy tại sao lại “hào phóng” đầu tư nghiên cứu toán cao cấp để có thể người được hưởng lợi nhiều chưa chắc đã là Việt Nam? Mục tiêu phấn đấu “đến năm 2020 toán học Việt Nam có thứ hạng thứ 40 trên thế giới” có ý nghĩa gì ? và thực chất có đáng để đầu tư hay không ? Nhiệm vụ cụ thể và đòi hỏi trách nhiệm giải trình của Viện trước chính phủ là gì ?

Các câu hỏi nêu trên xuất phát từ bài “Gíao Sư Ngô Bảo Châu tiết lộ ‘bí mật’ của Viện Toán cao cấp” đăng trên báo Giáo duc Việt Nam. Các câu hỏi nêu trên dễ dẫn đến kết luận nhà nước cộng sản đưa tiền thuế của dân cho Viện chỉ để xây dựng một tháp ngà tóan học tại Việt Nam đánh bóng cho đảng Cộng sản.
Sống và làm việc tại các quốc gia Tây Phương mọi việc đều minh bạch, nếu Giáo Sư muốn giữ gìn uy tín, Giáo Sư hay ai đó trong Viện phải trả lời rõ ràng các câu hỏi nêu trên.

Giáo Sư Bảo Châu Nên ở Phương Tây
Cũng vì Việt Nam chưa có một môi trường sinh họat tự do nên tuyệt đại đa số những chuyên gia được đào tạo và làm việc chuyên môn tại Tây Phương đều ngao ngán khi nghĩ đến việc về nước phục vụ dù chỉ là ngắn hạn. Một số rất nhỏ trở về, nhưng lại trở ra với những nỗi thất vọng tràn trề. Những người này thường quan niệm đơn giản không muốn tham gia chính trị, phi chính trị thậm chí không muốn biểu lộ quan điểm chính trị. Thế nhưng khi về Việt Nam họ mới nhận ra chính trị do “Đảng” lãnh đạo bao trùm mọi vấn đề.

Người viết trân quý tâm và tài của Giáo sư Bảo Châu. Nhưng qua những việc kể trên và phương cách Giáo sư Bảo Châu giải quyết và ngụy biện, người viết tin rằng giáo sư đã chọn sai đường khi trở lại Việt Nam. Nếu ông ở Hoa Kỳ hay Pháp ông sẽ dành thời giờ qúy báu đóng góp cho khoa học cho nhân lọai thay vì về Việt Nam làm việc. Làm như thế ông được cả nhà cầm quyền cộng sản lẫn dân chúng tôn trọng và lắng nghe hơn.

Trí Thức Cổ Hủ - Trùm Chăn

Trả lời góp ý của Blogger Bọ Lập (Nguyễn Quang Lập), Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết định nghĩa về trí thức của ông là “ hơi cổ hủ ” giống như trí thức “trùm chăn”.

Cũng theo ông vai trò lên tiếng không phải của riêng người trí thức mà là của người nông dân, của người doanh nhân, của mọi người. Điều ông nhận xét hòan tòan đúng trong một môi trường tự do. Ở đó mọi người đều được huấn luyện, có cơ hội, có tự do và bình đẳng như nhau. Tại Việt Nam khác xa người nông dân, người doanh nhân, … thậm chí mọi người mất đi cái quyền được nói. Họ sợ nói khác “Đảng” sẽ bị khép cho các từ “phản động chống Đảng”.

Cũng ngày mồng một Tết Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đưa tin: “Ông Dư Kiệt, Phó Hội trưởng Hội Văn bút Độc lập Trung Quốc, mới đây đã sang Hoa Kỳ tị nạn, cho biết tại một cuộc họp báo ở Washington rằng ông đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc tra tấn một cách tàn nhẫn và đe dọa chôn sống.” Thân phận của người trí thức Việt Nam cũng không khác mấy, thậm chí còn tệ hại hơn thân phận của người trí thức Trung Hoa.

Vì thế chỉ một thiểu số người có học hàm khôn khéo và can đảm cất tiếng nói. Những người trí thức này được xã hội lắng nghe hơn. Đừng nghĩ rằng họ muốn độc quyền phản biện mà ngược lại họ ao ước thêm người cùng cất tiếng nói, để họ có thể nói mạnh hơn mà lại ít nguy hiểm hơn. Quan sát kỹ tình hình sẽ dễ dàng nhận ra điều này.

Bởi thế thay vì về Việt Nam xây dựng một tháp ngà tóan học để đánh bóng cho đảng Cộng sản, không ít người kỳ vọng Giáo sư Châu nên cân bằng nỗ lực để xây dựng một môi trường xã hội và khoa học tự do.

Trên báo Sinh viên Việt Nam số Tết, được đăng lại trên blog cá nhân của Giáo sư Bảo Châu, khi được Lê Ngọc Sơn hỏi “Trí thức cần gì nhất, theo Giáo sư?” ông đã trả lời “Tự do”. Không phải chỉ riêng người trí thức cần nhất là tự do, mà mọi người Việt Nam đang cần nhất hai chữ Tự Do. Thế nên khi Giáo Sư Bảo Châu phát biểu tạo ra không ít dư luận đối nghịch là một chuyện bình thường.

Điều bất bình thường là nếu Giáo sư Châu không nhận ra vấn đề và tiếp tục tự mâu thuẫn chính mình.

Trí Thức Dấn Thân
Trái với quan niệm trí thức cổ hũ, Tiến sĩ Jean-Francois Sabouret, một học giả của Pháp chuyên nghiên cứu về các vấn đề châu Á, cũng được BBC phỏng vấn về vai trò của trí thức trong quá trình biến đổi xã hội, ông cho rằng: “người trí thức "không có sự lựa chọn nào khác" ngoài dấn thân và tiếp tục dũng cảm lên tiếng vì lợi ích chung của xã hội, cộng đồng và nhân loại, dù là họ ở Pháp, ở Việt Nam hay ở bất cứ đâu.”

Ông còn nhận xét "Những người trí thức Việt Nam phải tranh đấu thôi. Họ phải đoàn kết lại. Họ phải xuất bản những tạp chí, những trang web mà tại đó họ phải phản biện, phải có đầu óc phê phán. Đương nhiên điều đó là không đơn giản. Nhưng người ta chỉ có thể bắt bớ một, hay một vài người thôi, chứ làm sao có thể bắt bớ cả một dân tộc được? Điều đó là không thể!"

Được đài BBC phỏng vấn về ý kiến nói trên, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện cho biết hiện nay đang là lúc Việt Nam "hơn bao giờ hết" cần đến tiếng nói phản biện xã hội của giới trí thức để giúp cho xã hội chuyển biến "ngày một tốt đẹp."

Ông Diện cho rằng trí thức hiện nay cần phải có hai yếu tố: "Thứ nhất là tinh thần tự nguyện. Tự nguyện tức là tự gánh vác lấy. Không chờ là mình phải có chức vụ; không chờ mình được sai bảo hay phân công thì mới lên tiếng. Và thứ hai, ngoài vấn đề tự nguyện, thì phải có sự dấn thân. Tức là phải tham gia vào việc phản biện xã hội, để cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn lên.”

Nô Lệ Tư Tưởng
Đầu năm 2006, trên diễn đàn BBC ông Nguyễn Trung cho rằng đang là “thời cơ vàng” để đảng Cộng sản đổi mới. Ông tự đặt câu hỏi “kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là ai?” Người viết đã góp ý như sau “kẻ thù của đảng Cộng sản chính là chủ nghĩa Mác – Lê”.

Cái khó nhất để làm người tự do là phải lột bỏ tư tưởng nô lệ. Chính việc ông Mác đề cao đấu tranh giai cấp và lấy mục tiêu xã hội cộng sản làm tiêu chí cho mọi suy nghĩ và hành động, mà ngày nay đảng Cộng sản mới phải lâm vào tình trạng tồn tại trong suy thóai. Nói theo Giáo sư Bảo Châu là “chết lâm sàng”.

Không nhận ra thân phận nô lệ tư tưởng, đảng Cộng sản lại công khai cho rằng tự phê bình và phê bình là đủ để họ trở nên trong sạch hơn và sáng suốt hơn. Lẽ ra họ phải mở rộng phê phán giữa lý thuyết với thực tiễn thì mới dứt bỏ được tư tưởng nô lệ. Không nhận đúng bệnh thì thuốc uống chỉ rút ngắn ngày tàn.

Đầu năm nay sống ở hai thế giới khác nhau một cộng sản một tự do, ông Nguyễn Trung và người viết, khi nghĩ về đất nước lại cùng chung những ước mơ (1) Con người tự do; (2) Thể chế chính trị dân chủ; (3) Đất nước có hòa bình ổn định; và (4) Tất cả dựa trên căn bản của một nền giáo dục chân chính.

Cùng những ước mơ thế nhưng giữa hai người lại có hai hướng giải quyết khác nhau. Ông Trung kêu gọi khép lại quá khứ. Trong khi người viết lại tin rằng vai trò của người trí thức không những chỉ để tìm ra sự thật hiện tại. Người trí thức Việt Nam còn phải truy tìm, làm sáng tỏ và phổ biến những sự thực lịch sử. Có xây dựng được một lịch sử khách quan trung thực thì vết thương dân tộc mới có cơ may khép lại để chúng ta cùng hướng đến tương lai.

Trí Thức Chống “Đảng”
Nhà báo Lê Phú Khải còn cho biết cá nhân ông không cần sự lãnh đạo của “Đảng” vì thế đã từ chối vào “Đảng”. Vì Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo toàn diện, triệt để và trực tiếp của “Đảng”. Sự phủ nhận độc quyền lãnh đạo của “Đảng” đồng nghĩa với chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc chống “Đảng”, chống nhà nước cộng sản ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống cả tinh thần lẫn vật chất. Thậm chí còn ảnh hưởng đến đời con đời cháu người chống “Đảng”. Bởi thế theo người viết những người trí thức dứt khóat không chấp nhận sự lãnh đạo của đảng Cộng sản thật hiếm, thật đáng quý, thật đáng trân trọng.

Khi Giáo Sư Trung Hoa Lên Tiếng
Cũng lại ngày đầu xuân trong khi giới trí thức Việt Nam đang tranh luận về vai trò của trí thức thì hàng trăm dân Hồng Kông đã tụ tập biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ về lời phát ngôn của một giáo sư lục địa gọi họ là con hoang, là đồ chó. Phát xuất từ những va chạm ngôn ngữ, tập quán, pháp lý và văn hóa giữa dân Hồng Kông và dân Lục Địa ngày một gia tăng, Giáo sư Khổng Khánh Đông đã chính thức lên Đài Truyền Hình Trung Ương (V1CN) dùng những ngôn ngữ thô tục nói trên.
Điều cần nói là giáo sư Khổng Khánh Đông, đang dạy môn Trung Văn tại Viện đại học Bắc Kinh, ông là cháu đời thứ 73 của Khổng Tử. Khổng Học lại là một môn học đang được nhà cầm quyền Bắc Kinh công khai tài trợ. Các Viện Khổng Học đang mọc lên như nấm để truyền bá Khổng Học theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa và mang sắc thái Trung Hoa Cộng sản.

Cũng may nền Khổng Học nói trên này vẫn còn rất phôi thai tại Việt Nam vì văn hóa Việt Nam không thể chấp nhận các nhà khoa bản ăn thô nói tục như ông Khổng Khánh Đông. Người viết tự tin không mấy người Việt xem ông ta là người trí thức.

Tạm Kết

Đầu Xuân Nhâm Thìn rõ ràng các trí thức Việt Nam đang nhập cuộc dấn thân. Họ bao gồm cả những trí thức từ Phương Tây trở về hay những người đã được đào tạo trong hệ thống cộng sản trước đây. Qua cuộc tranh luận về vai trò trí thức chúng ta có thể thấy được sự khác biệt giữa trí thức theo “Đảng” và trí thức chống “Đảng”, giữa trí thức Ta và trí thức Tây, giữa trí thức cổ hủ và trí thức dấn thân. Thật ra còn nhiều lọai trí thức khác. Tìm hiểu, phê phán nhưng tôn trọng lẫn nhau đó chính là điểm son của những người trí thức Việt Nam.

Qua đó chúng ta có thể thấy rõ trách nhiệm của người trí thức ngày nay và tương lai có những ưu tiên khác nhau. Người trí thức hôm nay cần nhận vai trò dấn thân xây dựng môi trường tự do để Việt Nam không chết lâm sàng. Người trí thức mai sau lãnh trách nhiệm xây dựng và phát triển quốc gia.

Người trí thức Việt Nam như những cánh én báo một mùa xuân về cho dân tộc. Người trí thức đưa đất nước đi lên.

Nguyễn Quang Duy

12 THÁNG ANH ĐI