27 thg 2, 2012

Thư gửi các thành phần gây rối ở hải ngoại



Thư gửi các thành phần gây rối ở hải ngoại
Huy Phương

Nhu cầu không thể thiếu của chúng ta trong thời đại hôm nay là mỗi ngày phải mở hộp thư internet để liên lạc với bạn bè, thăm hỏi, biết đến tin tức nhau cũng trao đổi cùng nhau những điều tốt đẹp.
Ngày xưa các cụ bảo: “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc,” nhưng ngày nay trong Internet chúng ta tìm được mỗi ngày hàng triệu điều mới lạ từ hình ảnh, âm nhạc, thi ca, kiến thức trong mọi lĩnh vực mà vì tình bạn bè, quen biết, nhiều người đã có nhã ý hằng ngày chuyển đến cho chúng ta. Nơi chỗ ngồi mỗi ngày của chúng ta hoàn toàn trống vắng và tựa như có một nỗi cô đơn khi chiếc máy computer của chúng ta đang gặp nạn trơ ra một khuôn mặt vô hồn hay bệnh tật phải tạm xa nhà đi một nơi khác.
Từ ngày chiếc máy computer ra đời và nguồn Internet đến với mọi nhà, bộ mặt thế giới đã đổi thay, phải nói là thế giới nằm gọn trong bàn tay chúng ta, không còn khoảng cách và cũng không có gì bưng bít, giấu kín được. Theo tài liệu năm 2010 của ITU (Internationnal Telecommunications Union), trên thế giới có 5 quốc gia sử dụng Internet cao nhất theo tỷ lệ dân số, theo thứ tự là Anh (82%), Nam Hàn, Ðức, Nhật và Mỹ (78.2%.) Nơi có dân số đông nhất thế giới là Trung Cộng thì chỉ có 36.3% dân số sử dụng Internet, đông dân thứ nhì là Ấn Ðộ chỉ có 8.4%. Trên thế giới có gần 7 tỷ người dùng Internet mỗi ngày. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại đông nhất hiện đang ở nước Mỹ, đương nhiên số người sử dụng không ít, nhưng trên net, chỉ thấy quanh quẩn một số người “nổi tiếng,” “quen tên,” “nhẵn mặt,” mỗi ngày thường “tống” lên net những thứ rác rưởi dơ bẩn khiến cho người có lòng liêm sỉ cảm thấy hổ thẹn chung cho danh từ đồng hương, đồng bào cho đến đồng môn, đồng ngũ...
Trước hết Internet là nơi để người ta chống phá, bêu riếu tôn giáo. Từ mấy năm qua, Phật Giáo cũng như Thiên Chúa Giáo, nhất là nhân biến cố 1 tháng 11, 1963, nên cứ đến những ngày đầu tháng 11 dương lịch mỗi năm, được bên này hay bên nọ, đem lên diễn đàn, mổ xẻ, nhiếc móc, kể tội kể tình nhau đủ lời. Chia rẽ tôn giáo là một tội nặng nhất để làm suy yếu sức mạnh của một dân tộc, trong giai đoạn này mà có người, trong nỗ lực chống Cộng còn phân biệt người này là đạo này, người kia là đạo khác. Ở đây chúng tôi không phê phán chuyện phải trái của những biến cố quân sự và chính trị trong lịch sử, không đứng về phía này hay phe kia, nhưng tệ hại nhất là chửi nhau bằng đủ thứ lời chưa đủ, người ta còn “hàm huyết phún nhân” dựng những câu chuyện tày trời để vu oan đến nhiều nhân vật, như bịa ra những câu chuyện giữa Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và bà Ngô Ðình Nhu, giữa Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu và bà Tuần Chi.
Thứ đến là các cuộc tranh chấp bầu bán của các hội đoàn, đoàn thể đã xẩy ra trong cộng đồng người Việt của chúng ta không phải là ít. Sau cùng là những vụ vu cáo, mạ lỵ cá nhân mà người ta không ngần ngại bôi nhọ, đổi trắng thành đen, dùng những chứng cớ vu vơ không có một phần trăm sự thật để hạ nhục đối thủ. Nghe hoài cũng phải nửa tin nửa ngờ, người đọc đâm ra hồ nghi, mất lòng tin như mẹ chuyện thầy Mạnh Tử ngày trước. Lý luận “không có lửa sao có khói,” nói hoài cũng phải tin, được sử dụng kiên trì để đánh phá đối thủ.
Trong tinh thần “giỏ cua cộng đồng,” thấy ai hơn mình thì đem lòng ghen tức, triệt hạ, đánh phá cho đến cùng, dùng hết “bát ban võ nghệ,” “mười thành công lực” mà xuất chiêu! Người không vững lập trường chẳng biết đâu là chân là giả, ai là bạn ai là thù!
Trong tất cả ba địa hạt, tôn giáo, đoàn thể và cá nhân, “chụp mũ” cộng sản là phương thức, thủ đoạn được người ta dùng nhiều nhất trên Internet. Hầu hết chúng ta đều là người tị nạn cộng sản phải bỏ nước ra đi, không ai không thù ghét cộng sản, nên hô hoán, gán ép danh từ cộng sản cho người khác là món đòn độc hại nhất. Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư có kể chuyện một người cỡi ngựa qua làng bị con chó chạy theo cắn sủa mãi, bực mình, y bèn lập mưu la lên rằng: “Chó dại! Chó dại!” Lập tức dân làng đổ xô ra giết chết con chó. Người ta dùng kỹ thuật “chụp mũ” cộng sản đến đỗi có lúc nhìn quanh trong cộng đồng người Việt chúng ta, giật thót mình thấy không còn ai là không cộng sản. Nhưng quả là đến hôm nay, trò “chụp nón cối” cho địch thủ không còn hữu hiệu nữa. Chụp mũ cộng sản cũng là một lối vu cáo, đổ tội không được chấp nhận gây chia rẽ, làm suy yếu hàng ngũ có lý tưởng chống Cộng của chúng ta ở hải ngoại. Lối vu cáo này dành cho cá nhân còn có thể hiểu được, người ta còn viết trên “net,” gọi đích danh một ngôi chùa là “một ổ Việt Cộng!” chỉ vì thù ghét, tranh chấp mà không nêu ra một bằng chứng nào. Nếu cứ mỗi điều bị xúc phạm, chúng ta vì danh dự phải đưa nhau ra tòa thì còn gì là bộ mặt của cộng đồng tỵ nạn Việt Nam nữa.
Có những vấn đề tế nhị hay gai góc nếu người đọc thấy quan tâm, thì nên từ tốn phân tích, thảo luận với nhau một cách đàng hoàng, chứ không phải chơi trò “cả vú lấp miệng em” đổ thùng phân vào Internet, vào trận là đã chửi phủ đầu. Ngay cả tác giả những bài viết gây bất lợi cho chế độ chuyên chế ở trong nước, cũng được chụp mũ là “đặc công VC nằm vùng,” làm cho người ta có cảm tưởng rằng ở hải ngoại luôn có một tổ chức của CS nhằm đánh phá và triệt hạ những ai có tinh thần chống Cộng.
Trên Internet của người Việt hải ngoại hiện nay mỗi ngày chúng ta phải đọc những chữ thô tục, bẩn thỉu nhất, những bộ phận sinh dục nam nữ được đem ra dùng, những phần thối tha nhất của con người được đem ra đổ lên đầu nhau không hề khoan nhượng, thương tiếc. Chúng ta vẫn không chấp nhận lối sống hay lời ăn tiếng nói gọi là “vô văn hóa” nhưng sao hải ngoại chúng ta lại có thể viết lên những lời, những chữ mà chúng ta không bao giờ muốn cho con cái chúng ta dùng đến và đỏ mặt xấu hổ khi nghe người khác nói. Nói dại, nếu con cháu quý vị đọc phải những lời như vậy, do chữ nghĩa nhờ công lao học hành của quý vị viết ra, chúng sẽ nghĩ thế nào về “văn hóa” các đấng sinh thành? Vậy mà chúng ta gặp nó hằng ngày bằng tiếng Việt yêu quý của chúng ta trên “in box” của mọi nhà. Nói là “thư rác” cũng còn quá nhẹ, vì có những thứ thối tha và dơ bẩn hơn cả rác vẫn hằng ngày hiện diện trước mắt chúng ta, dù đã mỏi tay cho vào “spam” hay “delete” mà vẫn không hết!
“Ném đá giấu tay” vẫn là chuyện thường ngày. Làm một địa chỉ hộp thư để viết thư nặc danh đâu phải là chuyện khó, cái khó trong lòng ta là liêm sỉ có cho chúng ta làm điều đó hay không? Vì sao những quân ăn cướp nhà băng phải đeo mặt nạ? Vì chúng sợ bị nhận diện. Nhưng những tấm mặt nạ này liệu che giấu được những khuôn mặt thật của chúng được bao lâu. Những “nick name” này tung hứng cho nhau, bàn tay phải viết ra và được bàn tay trái chuyển đi, đưa người nhận vào một trận địa mù mịt hận thù, gian trá.
Người Việt ở hải ngoại đã bỏ nước ra đi, ai cũng mang tinh thần chống Cộng, nhưng thay vì dùng internet như một vũ khí tranh đấu, đem sự thật về cho người trong nước, chuyển lửa cho quê hương, thì chúng ta dùng lại internet để chửi bới nhau tận tình, bôi bẩn khuôn mặt của nhau, chỉ làm lợi cho kẻ thù. Theo một thống kê mới đây thì số người sử dụng Internet ở Việt Nam khá cao, có 32.3% dân số, nên mỗi ngày nếu người dân trong nước đọc được những tin tức xác thực từ thế giới bên ngoài về chuyện tranh đấu cho dân chủ thì cũng thất vọng vì “trận chiến” Internet làm xấu đi khuôn mặt hải ngoại.
Chính ông Lý Ðông ở Hà Nội, ngày 18 tháng 2 nhân vụ Việt Khang đã có những suy nghĩ về chuyện Internet ở hải ngoại trong một bài nhan đề là: “Thư gửi các thành phần gây rối ở hải ngoại” như sau: “Vì không thể hành động chống Cộng trực diện, vì khó có thể về Việt Nam biểu tình bởi sự ngăn cấm của bạo quyền hiện tại, tôi thiết nghĩ ở hải ngoại, ngoài việc chống Cộng vận động về truyền thông, chuyển lửa về quê hương, hay đi biểu tình... thì quý vị cũng có những việc làm rất hiệu quả về phương diện vận động quốc tế về nhân quyền và gây áp lực về viện trợ kinh tế và giao thương lên nhà cầm quyền CSVN.”
“...Tuy nhiên bên cạnh đó, một số người vì những nghi kỵ cá nhân, hay vì tay sai của cộng sản... đã có những lời lẽ không mấy trong sạch, với những thắc mắc trái với con đường đấu tranh, quy chụp người tích cực đấu tranh, làm trái với niềm tin của người yêu nước đang ngồi tù mà nhạc sĩ Việt Khang là một...”
Hai tiếng “gây rối” của một người trong nước quả là còn quá nhẹ, cho những người trong cộng đồng hải ngoại, mỗi ngày đang chăm chỉ đổ những thứ dơ bẩn vào những hộp thư sạch sẽ của chúng ta.

12 THÁNG ANH ĐI