23 thg 4, 2012

Hồn Tử Sĩ

Trần Mộng Tú
Gửi đến vong linh cố Thiếu Tá BĐQ Trần Đình Tự cùng 12 chiến sĩ BĐQ của TĐ 38 bị VC giết tập thể ngày 30/4/ 75 tại Củ Chi.

Mấy hôm nay, ngày nào người đàn ông cũng thức dậy rất sớm, ông rón rén ra khỏi gian buồng bé nhỏ của mình, băng qua cái sân, lén mình lách qua cánh cổng chùa khi cả nhà sư và mái chùa còn yên ngủ trong sương sớm. Ông lặng lẽ như một chiếc bóng đi bộ ra bến xe đò. Bến xe còn vắng người, ông tìm một cái xe có nhiều chỗ, rồi tự mở cửa vào kiếm cho mình một chỗ ở chiếc ghế cuối cùng, ông hy vọng ông chẳng lấy chỗ của ai. Ông sẽ đứng nép vào một góc nào đó nếu có ai cần ghế. Từ chỗ ông ở tới nơi ông muốn đến có 30 cây số, đường không xa lắm, sau đó nếu kiếm được một anh xe ôm không có khách cùng đi về hướng đó, ông sẽ nhẩy lên yên sau lưng anh, ông nhẹ lắm, anh ta sẽ không cảm thấy gì đâu, sẽ cho ông quá giang đoạn đường còn lại. Để đếnđịa điểm đó cũng phải đi thêm khoảng 20 cây số nữa. Con đường này ông quen thuộc lắm rồi. Hàng năm cứ đến ngày 30 tháng 4 ông và mười hai (12) người chiến sĩ đồng đội rủ nhau tìm về đây. Ba bốn hôm nay rồi, thằng bé nhà ông nó cũng vật vờ hồn xác theo đám người đi về cái hướng này. Cái thằng lúc ông đi xa nó mới 16 tháng tuổi mà sao bây giờ nó lớn thế. Ông thở dài, thời gian nhanh quá, ông không nhận nổi ngay chính con mình, làm sao nó nhận ra ông được, vì nó chỉ biết ông qua mấy tấm hình ngày cũ. Ông không nỡ để con đi một mình, nên ngày nào ông cũng đi theo nó. Hôm nay họ bắt tay vào việc bốc mộ mười hai chiến sĩ Biệt Động Quân của Tiểu Đoàn 38, nên ông phải ra khỏi chùa thật sớm,đi cho kịp. Ông đứng khá xa đám người đang xúm lại chung quanh mô đất. Chẳng ai chú ý đến ông, họ còn bận công việc của họ. Buổi trưa đã đứng bóng, nắng chiếu xuống cánh đồng cỏ, tiếng cuốc bổ xuống
đất thong thả như tiếng cầu kinh, mấy cây nhang đã tàn nhưng trong không gian còn vương vấn một chút hương thơm thoang thoảng. Người đàn ông tiến gần thêm chút nữa, ông đứng chen cả vào với đám người, vừa phu đào đất vừa thân nhân của người đi bốc mộ, nhưng họ vẫn chẳng để ý đến ông, ông khom người xuống nhìn mấy người đào huyệt đang mang lên từng thứ một. Lóng xương này ư? Ông chịu không đoán ra được của ai, mặc dù trước đây ông vào sống ra chết với họ. Xương da họ đã mục nát vào với đất bùn, thế mà nhìn kìa, tấm thẻ bài, nhìn kìa, mấy tờ Chứng Minh Thư quân đội bọc ni-lông thì hãy còn nguyên. Cái căn cước của người lính VNCH không hề mục nát với thời gian. Sợi giây trói oan nghiệt làm chứng tích cho tất cả sự dã man, tàn bạo, vô nhân đạo của chiến tranh là có thật, sợi giây vẫn còn cả cái mầu xanh của nó. Ông chợt nghĩ cái mầu xanh đó, khi được chôn xuống đất cùng với những chiến sĩ thì ước gì nó trở thành một giải mây xanh vắt ngang thân họ cho họ được an ủi phần nào. Hồn tử sĩ gió ù ù thổi. Câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc bỗng như bật lên từlòng huyệt. Ông thấy đau nhói trong lồng ngực. Ông nhớ là ông đã đến đây, đã chứng kiến những người lính cùng đơn vị của ông bị xử tử nơi này. Họ đã ngã xuống như những thân cây bị đốn trong rừng, thân xác họ chồng lên nhau. Đất bên mương chôn hờ một nắm. Ông đã giang tay ôm họ vào lòng. Ông đã khóc, nước mắt ông đã nhỏ xuống huyệt này trong ngày đó. Hôm nay, ông cũng giang tay ra ôm đứa con ông vào lòng khi thấy nó cùng tham dự vào việc bốc mộ cho 12 người chiến sĩ vị quốc vong thân này. Ôi cũng chính cái hốnày, vợ ông cũng đến tìm ông mà không gặp. Nước mắt ông lại đầm đìa.
Ông còn nhớ như in trong đầu mình cuộc rút quân từ Tây Ninh về. Bốn mươi chiến sĩ mang hết hồn xác ra vừađánh vừa rút quân cho đến viên đạn cuối cùng và chỉ còn lại 13 người kể cả ông. Con số 13 vô cùng nghiệt ngã. Tiếng súng nổ, tiếng đạn bay xoáy trong không gian vẫn như còn đang rung lên trong óc ông. Ôi ông còn óc không nhỉ? Ông nhớ,chao ôi là nhớ! Những khuôn mặt phờ phạc căng thẳng nhưng đầy dũng cảm của đồngđội. Là cấp chỉ huy ông đã chọn một lối ứng xử đầy phẩm giá của một sĩ quan BiệtĐộng Quân và chúng đã lôi ông đi thật xa đồng đội và xử ông cách riêng. Ông đãđược xử không bằng chỉ một viên đạn, vì hình như một viên đạn chưa đủ uy lực để“Giải Phóng” một sĩ quan Biệt Động Quân của quân lực VNCH. Ông nhớ, chao ôi là nhớ! Một ngày sau ông đã quay lại nơi này, đã chứng kiến những người chiến sĩ bị đốn nhưcây đổ trong rừng. Những chiến sĩ, đồng đội của ông, máu của họ đã chan hòa thấm vào lòng đất mẹ. Ông giang tay ra, ôm tất cả vào lòng. Họ và ông lúc đó đã thành những khối tinh thể không tan biến. Mấy hôm nay những vong linh của các chiến sĩ này đã tìm đến chùa gặp ông, họ đang xúc động mạnh vì biết là những mảnh xương chưa tan biến hết của họ sắp được đào lên và chuyển đi nơi khác. Ông đứng im lặng nhìn đám người đang vây quanh công việc bốc mộ: Những người dân tò mò đứng nhìn, những người phu đào huyệt, thân nhân của một gia đình, con trai ông, vị ni cô nữa. Tất cả mỗi người mang một cảm xúc khác nhau, nhưng cùng giống nhau ở một điểm là họmong mỏi cho những lóng xương oan khốc này, được vào một chốn êm ấm hơn nhưtrong thánh đường hay một ngôi chùa nào đó nếu không có thân nhân nhận mang vềnhà. A, họ đã đến kia rồi. Cả 12 chiến sĩ đều có mặt, cộng thêm ông nữa là đủ con số 13 oan khốc. Họ đứng sát vào ông, cùng cúi xuống lòng huyệt, nhìn những người làm công việc bốc mộ, xong họ lại nhìn nhau. Ông hiểu lắm, họ cảm động vì lòng xót thương, tình gia đình, tình đồng loại, của người cùng chung một chí hướng một đời sống trước đây. Nhưng hình như họ không muốn bị tách ra khỏi nhau và mang ra khỏi đất. Máu họ đã thấm chung vào nhau, xương họ đã chồng lên nhau, không còn phân biệt được lóng xương này, mẩu xương kia của ai nữa, cả những sợi giây trói họ vào với nhau, họcũng không muốn được tháo ra. Họ muốn tất cả hãy cứ như thế, như thế mãi, như từngày 30 tháng tư, 1975, như cái phút giây oan nghiệt bắn đi nốt viên đạn cuối cùng về phía địch cũng là kết thúc đời mình. Thân xác họ đã chôn chung một huyệt, hồn thiêng họ đã quyện thành một khối, họ không muốn tách rời ra nữa. Trên mảnh đất này họ đã hy sinh đời sống cá nhân họ, gia đình họ. Họ sống cho đất và chết về với đất. Họkhông muốn nắm xương khô bị mang đi, rời xa quê mình. Dù là nấm mồ vô chủ bênđường, nhưng vẫn là đất mẹ. Ông giang tay ôm những chiến hữu của mình vào lòng, trong không gian rất mong manh và linh thiêng này cả mười ba linh hồn đã thành một. Họ hiểu hơn ai hết là xương thịt sau khi chết đi chỉlà những vật vô tri, cái còn lại là những mảnh hồn kết tinh tìm đến với nhau. Những người bốc mộ đã hoàn tất công việc, họ hỏa thiêu những lóng xương cùng với những di vật họ gom lạiđược dưới bùn đất. Phần tro than này sẽ được đem vào gửi nhờ trong một ngôi giáo đường, chờ thân nhân đến mang về. Cái hố oan khiên đó lại được lấp xuống như nó chưa từng được đào lên. Ông biết chắc, dù nấm mộbây giờ đã được san bằng, mai kia mốt nọ chẳng còn vết tích gì để lại nhưng ông và những chiến sĩ này, sẽ vẫn mỗi năm vào ngày 30 tháng 4, sẽ lại rủ nhau đếnđây, đến ngôi trường tiểu học trong cái xã Trung Lập này để nhìn lại nơi họ đã tử thủ đến viên đạn cuối cùng và sẽ cùng nhau ra nhìn nắm mộ đã san bằng bên bờmương, nơi họ đã nằm chồng lên nhau hòa chung xương thịt. Mọi người đã lên xe ra về đem theo tàn tro của xương cốt. Chỉ còn mười ba mảnh hồn kết thành một khối bay bay trong vùng không gia huyễn hoặc, la đà trên huyệt mộ vừa lấp, đất chưa khô. Trần Mộng Tú Viết sau khi đọc bài của cháu Trần Đình Thế về cái chết của Bố và việc bốc nấm mộ tập thể (Tháng 9/2011) của 12 chiến sĩ BĐQ bị hạ sát trong ngày 30 tháng 4/1975.

12 THÁNG ANH ĐI