7 thg 5, 2009

Hoa kiều ở Bắc Việt Nam thời chiến

Tiến sĩ Balazs Szalontai
Viết riêng cho BBCVietnamese.com


Vấn đề người Hoa thiểu số tại bắc Việt Nam đã gây rắc rối cho mối quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh từ trước khi có cuộc chiến Việt Trung năm 1979.

Những dấu hiệu đầu tiên về sự rạn nứt xuất phát từ thời gian chiến tranh Việt Nam, chủ yếu phản ánh những bất đồng lớn hơn về các vấn đề chiến lược và ngoại giao.

Cộng đồng người Hoa nói chung trở thành con bài trong trò chơi chính trị quyền lực giữa Trung Quốc với Bắc Việt thay vì là một người chơi độc lập. Mắc kẹt giữa hai nhà nước, người Hoa thiểu số hầu như không có mấy ‘đất dụng võ' để tạo ảnh hưởng.

Bắc Kinh càng gia tăng nỗ lực mở rộng thêm ảnh hưởng đối với cộng đồng Hoa kiều, giới chức Bắc Việt lại càng nghi ngờ và đàn áp, và người Hoa thiểu số càng thấy họ không thể nào không bị ảnh hưởng vì xung đột.

Vai trò thay đổi

Điều trớ trêu là ban đầu, nhà nước Cộng sản TQ không coi cộng đồng Hoa kiều ở Bắc VN là công cụ thích hợp để họ đạt được mục tiêu. Năm 1955, đại sứ TQ tại Hà Nội nói với một nhân viên ngoại giao Hungary rằng cộng đồng Hoa kiều ở VN không có đóng góp gì lớn cho cuộc đấu tranh của Việt Minh chống lại sự cai trị của Pháp, một phần không nhỏ là vì "chân tay của Tưởng Giới Thạch ảnh hưởng mạnh tới họ".

Sự tham gia ít ỏi của người Hoa vào phong trào chống thực dân cũng chỉ là một biểu hiện cho thấy sự hội nhập xã hội ở mức tương đối thấp của họ vào cộng đồng người Việt chiếm đa số. Năm 1974, có khoảng 200 ngàn người Hoa sống tại bắc VN, trong đó 50 ngàn người ở Hải Phòng, 45 ngàn ở Nam Định, 30 ngàn ở Hà Nội và phần còn lại là ở các khu vực gần biên giới Việt Trung.

Các cộng đồng người Hoa sống khá khép kín, chẳng hạn việc hôn nhân giữa người Hoa và người Việt không phải là chuyện phổ biến. Rất ít người Hoa muốn hồi hương hẳn về TQ, mà đa phần thường thực hiện các chuyến thăm ngắn về TQ. Năm 1973, 6500 Hoa kiều về thăm lại thân nhân của họ ở TQ.

Các bậc cha mẹ người Hoa thường tìm kiếm cơ hội cho con được học hành ở TQ, nhưng việc giảng dạy bằng tiếng Trung do các thầy cô người Hoa thực hiện cũng sẵn có trong các trường đặc biệt mà giới chức Bắc Việt đã lập ra cho cộng đồng người Hoa. Như các cán bộ Việt Nam phàn nàn, chương trình học của các trường Hoa kiều thường chú trọng đến văn hóa và lịch sử của Trung Quốc hơn là Việt Nam.

Tuy nhiên, mặt khác, cộng đồng Hoa kiều đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế của đất nước. 60% người Hoa thiểu số là nghệ nhân và dân buôn bán. Với sự đồng ý của giới chức Việt Nam, người gốc Hoa được buôn bán mạnh qua biên giới với Trung Quốc.

Người buôn bán Hoa kiều mang về một lượng hàng tiêu dùng lớn cần thiết cho bắc Việt Nam, được đổi lại bằng vàng bạc. Một phần vì lý do này mà họ không muốn làm phật lòng láng giềng hùng mạnh phía bắc. Do vậy, trong thời gian mà quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Việt thân thiết, người ta không cho rằng những buôn bán qua biên giới này tạo ra rủi ro nghiêm trọng.

Căng thẳng

Tuy nhiên, xung đột Việt Trung xảy ra đã mang lại những thay đổi lớn. Năm 1961-62, lãnh đạo đảng Cộng sản TQ lần đầu tiên đã xúi một nhóm công nhân Trung Quốc tại Mông Cổ gây áp lực lên chính phủ ‘thân Liên Xô' này thông qua các cuộc đình công lớn.

Lãnh đạo ĐCSTQ lại áp dụng chiến thuật này đối với Bắc Việt Nam. Năm 1967-68, mối quan hệ giữa TQ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị sa sút nghiêm trọng, chủ yếu vì TQ phản đối quyết định của Việt Nam mở rộng hợp tác với Liên Xô và bắt đầu đàm phán với Hoa Kỳ tại Paris.Trong số các vụ việc, có vụ công nhân Trung Quốc ở VN đã gây âu đả với các chuyên gia kỹ thuật Liên Xô với mục tiêu là buộc giới lãnh đạo còn "do dự" của Việt Nam phải lựa chọn: hoặc đứng về phía Liên Xô, hoặc đứng về phía TQ.

Khi căng thẳng gia tăng dẫn đến các vụ đụng độ giữa dân Việt Nam với các đơn vị hậu cần mà TQ triển khai ở Bắc Việt, Hà Nội đề nghị chính phủ TQ rút quân. Năm 1970, Bắc Kinh tuân thủ, nhưng các sự cố tiếp tục xảy ra, chí ít cũng do Việt Nam và TQ đang cạnh tranh quanh vấn đề Campuchia, và Hà Nội không hài lòng với cách tiếp cận của Trung Quốc và Mỹ.

Theo báo cáo của đại sứ quán Hungary, năm 1974, hàng ngàn lính TQ mặc thường phục đã vào khu vực tranh chấp tại tỉnh Cao Bằng, nơi giới chức Bắc Việt cũng đề nghị binh lính của họ mặc thường phục trục xuất người Trung Quốc mà không dẫn đến nổ súng.

Trong khi đó, giới ngoại giao TQ liên lạc chặt chẽ với các cộng đồng Hoa kiều.

Trong khi một số người Hoa tích cực học theo lý thuyết của Mao Trạch Đông, những người khác coi chính sách cực tả của cuộc Cách mạng Văn hóa là điều khủng khiếp. Tuy nhiên, đa phần vẫn quyết tâm giữ bản sắc dân tộc của họ và giữ mối quan hệ với TQ, bất kể ai lên nắm quyền.

Một ví dụ là khi chính quyền bắc Việt Nam tung ra chiến dịch buộc người Hoa chấp nhận quốc tịch VN, chỉ một nhóm cán bộ người Hoa nghe theo, mà đa phần là các cá nhân đã quá bị đồng hóa theo nếp sống người Việt. Sau đó, giới chức muốn tịch thu hộ chiếu TQ của người gốc Hoa bằng nhiều lý do, nhưng đa phần người Hoa từ chối, nói rằng hộ chiếu TQ là tối cần thiết để họ về thăm lại thân nhân.

Các biện pháp đồng hóa của giới chức Bắc Việt còn được kết hợp với các biện pháp mang tính phân biệt. Chính quyền ngừng thuê các phiên dịch người Hoa, hay tuyển dụng người Hoa vào làm tại các nơi thường xuyên liên lạc với người nước ngoài, như khách sạn, hải quan, sân bay..vv.. Người gốc Hoa hiếm khi được nhận vào quân đội, và ngay cả khi xung phong đầu quân thì cũng chỉ được làm ở các đơn vị hậu cần chứ không được tham gia vào lính chiến đấu ra tuyến đầu ở miền Nam.

Hệ quả của bất tín

Đúng là cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đã có những biện pháp nhất định nhằm ngăn ngừa xung đột leo thang. Cuối năm 1973, đại sứ quán TQ đã giảm các hoạt động tuyên truyền nhắm vào người Hoa, vì họ biết chuyện này khiến lãnh đạo chính quyền Bắc Việt tức giận ra sao. Trước khi TQ chiếm Hoàng Sa thì lãnh đạo VN cũng thường cho người Hoa về thăm thân nhân ở TQ mà không gây cản trở gì.

Giống như các đụng độ khi trước, những biểu hiện của chủ nghĩa thực dụng này chủ yếu đều tính đến nước cờ ngoại giao. Như ông Hoàng Tùng, tổng biên tập báo Nhân Dân, có lần nói với một nhà ngoại giao Hungary vào tháng 6/1973, là một cuộc đối đầu trực diện với Trung Quốc chẳng khác nào một vụ "tự tử quốc gia".

Bên cạnh đó, Bắc Việt rất cần viện trợ kinh tế của TQ. Rất nhiều nhà máy bị bom Mỹ phá hủy được xây dựng lại là nhờ sự trợ giúp của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự không tin cậy lẫn nhau cũng như quyền lợi chiến lược ngày càng tách rời giữa Trung Quốc và Bắc Việt không thể nào được khắc phục bằng một vài cử chỉ hợp tác. Một biểu hiện căng thẳng nữa là lãnh đạo Cộng sản Việt Nam ngày càng thích viện dẫn truyền thống lịch sử chống Bắc thuộc của Việt Nam. Chẳng hạn vào đầu năm 1973, các diễn văn và xã luận của chính quyền Bắc Việt ăn mừng hiệp định Paris bằng việc nhắc lại chuyện Hai Bà Trưng và Nguyễn Huệ chiến thắng quân xâm lược TQ.

Trong bầu không khí đó, hầu như không có cơ hội cho Hà Nội và cộng đồng Hoa kiều tạo lập một quan hệ dễ thở. Sau khi tìm cách có sự tham gia của cộng đồng Hoa kiều trong các ván bài ngoại giao, Bắc Kinh đã làm tăng thêm sự nghi ngờ của lãnh đạo Bắc Việt, và kết quả là cộng đồng Hoa kiều phải gánh chịu hậu quả.

Về tác giả:Tiến sĩ Balazs Szalontai từng dạy ở Đại học Khoa học Công nghệ Mông Cổ và hiện là một nhà nghiên cứu độc lập ở Hungary. Ông là tác giả cuốn sách Kim Nhật Thành trong thời kỳ Khruschev (Đại học Stanford và Trung tâm Woodrow Wilson xuất bản, 2006).

12 THÁNG ANH ĐI