27 thg 9, 2009

Đối tác Việt - Ấn: tiềm năng chưa mở


Iskander Rehman
Viết riêng cho BBCVietnamese.com

Trong năm qua, gió lạnh đã thổi trên Biển Đông, và những đợt sóng đập vào biển Việt Nam đầy căng thẳng.
Sự cứng rắn thấy rõ của Trung Quốc trong vùng đã ép các công ty đa quốc gia rút khỏi các dự án năng lượng ngoài khơi với Việt Nam, thu gom các ngư dân Việt vì ‘đánh cá trong lãnh hải Trung Quốc’, cùng với sự gia tăng hoạt động của hải quân Trung Quốc mà, trong vài trường hợp, dẫn tới đối đầu với hải quân Mỹ.

Sự tự tin trên biển của Trung Quốc làm lăn tăn những dợn sóng bất an ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Việt Nam. Các quan chức Việt Nam, trong chốn riêng tư, thường xuyên than về điều mà họ xem là sự cô lập tương đối của nước mình trên trường ngoại giao, và lo ngại cho tương lai.

Gần đây tại Paris, khi thảo luận các vấn đề này với một người thân cận với ban lãnh đạo Việt Nam, tôi được nghe dự báo u ám: “Chúng tôi cho rằng người Trung Quốc sẽ thúc đẩy cho giải pháp chung cuộc cho tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa-Trường Sa trong 10, 20 năm tới. Nếu đến khi đó, Việt Nam chưa thiết lập được các quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời củng cố lực lượng hải quân, Trung Quốc sẽ có thể cướp các đảo mà không nước nào buồn nhấc tay, hay chớp mắt, để phản đối.”

Giới tinh hoa Việt Nam dường như tin rằng cơ hội có thỏa thuận có lợi với Trung Quốc đang nhanh chóng khép lại, và niềm tin này làm ngoại giao quốc phòng của họ trở nên khẩn cấp hơn.

Sau các bước ban đầu để dựng dậy hạm đội cũ kỹ, đặc biệt nhất là đặt hàng Nga sáu tàu ngầm, Hà Nội đã cố gắng thắt chặt quan hệ quốc phòng với nhiều nước trong vùng như Singapore, Nhật, Úc và Ấn Độ.

Bắt nguồn từ lịch sử

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã có ngọn nguồn lịch sử. Thủ tướng Ấn, Jawahrlal Nehru, là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Bắc Việt năm 1954, và trong hầu hết thời gian Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ và Việt Nam là đồng minh gắn bó. Cả hai thân thiết với Liên Xô và đều chịu các cuộc tấn công biên giới của Trung Quốc: Ấn Độ năm 1962 và Việt Nam 1979.

Việc Ấn Độ ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh và trong thời gian Việt Nam chiếm đóng Campuchia đã đem lại giá chính trị, làm quan hệ Delhi – Washington căng thẳng, và làm chậm quá trình bình thường hóa quan hệ Ấn – Trung gần một thập niên. Đổi lại, Việt Nam ủng hộ Ấn Độ trong xung đột với Pakistan, và là một trong những nước đầu tiên công nhận Bangladesh năm 1971.

Nhưng trong thời gian Chiến tranh Lạnh, quan hệ Ấn – Việt chủ yếu mang tính chất ngoại giao và chính trị. Giao thương hạn chế, và phần an ninh cũng chủ yếu chỉ là trao đổi thông tin. Chỉ sau khi Chiến tranh Lạnh kết liễu và môi trường an ninh châu Á được tái câu trúc, rồi lại có Chính sách Nhìn về phía Đông của Ấn Độ đầu thập niên 1990, chỉ khi đó mối quan hệ dần dần chuyển thành đối tác chiến lược thực sự.

Quan hệ chiến lược mở rộng

Phải đến khi có một chính phủ dân tộc chủ nghĩa ở Delhi cuối thập niên 1990, quan hệ tay đôi mới tăng tốc và ngả sang góc độ chiến lược.

Cùng các vụ thử nghiệm hạt nhân Pokhran II năm 1998, chính phủ đảng BJP của Atal Behari Vajpayee ra dấu với thế giới, nhất là với Trung Quốc, rằng Ấn Độ đã trở thành đại cường. Việt Nam thì cũng muốn bớt phụ thuộc vào Nga trong chuyện mua vũ khí và ngoại giao quốc phòng. Lãnh đạo hai nước cũng nhận ra rằng, dù có tiến bộ trong quan hệ với Bắc Kinh, cả Ấn Độ và Việt Nam vẫn chia sẻ sự tương thông chiến lược trong nhu cầu kiềm chế Trung Quốc.

Từ năm 1998, hai nước đã thắt chặt quan hệ cả về quân sự và ngoại giao. Việt Nam ủng hộ cố gắng của Ấn Độ muốn có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vận động cho Ấn Độ có mặt ở Hội nghị Đông Á 2005, giúp ngăn không cho Pakistan vào Diễn đàn Khu vực Asean. Đổi lại, Ấn Độ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, giúp Việt Nam có ghế trong Hội đồng Bảo an năm 2007. Thương mại hai chiều tăng nhanh, từ 72 triệu đôla năm 1995 lên tới 2 tỉ đôla năm 2008. Các đại công ty Ấn như Tata Steel và ONGC Videsh Limited bắt đầu đầu tư ở Việt Nam, trong cái mà nhiều người hy vọng mở đầu cho hình mẫu thương mại mới ở Á châu.

Ấn Độ xem Việt Nam là chướng ngại chính cho sự bành trướng về nam của Trung Quốc. Cũng giống như Trung Quốc cố gắng chặn Ấn Độ bằng việc kết liên quân sự với Pakistan, New Delhi đã hợp tác quốc phòng, giúp đỡ quân sự cho nước láng giềng nhỏ hơn.

Năm 2000, George Fernandes, Bộ trưởng Quốc phòng của chính phủ BJP, ký Nghị định thư Quốc phòng 15 điểm với Hà Nội, hứa hẹn giúp đỡ cho việc hiện đại hóa quân đội. Ba năm sau, hai nước tiến thêm bước nữa khi ký Tuyên bố chung Hợp tác. Năm 2007, hai bên lại ký thỏa thuận Đối tác Chiến lược.

Thiết bị quân sự của hải quân và không quân Việt Nam có cùng nguồn gốc Nga giống như Ấn Độ. Điều này cho phép quân lực Ấn thường xuyên giúp Việt Nam giải quyết khó khăn bằng việc cung cấp phụ tùng thay thế, và dịch vụ trùng tu và sửa chữa. New Delhi đã sửa chữa, nâng cấp 125 máy bay Mig21 của Việt Nam. Phi công Ấn Độ cũng giúp đào tạo, và năm 2005, hải quân Ấn chuyển hơn 150 tấn phụ tùng tới Hà Nội để giúp tu bổ tàu Petya và OSA-11. Tuần duyên hai nước đã đi tuần chung, và hải quân hai bên đã tập trận chung năm 2007.

Chưa mãn nguyện

Dẫu vậy, vẫn có cảm giác ở cả Ấn Độ và Việt Nam rằng quan hệ chưa đạt tới tiềm năng, và lại còn bắt đầu xuống sức.

Hà Nội đặc biệt thất vọng vì Ấn Độ chưa phải là đối tác cung cấp vũ khí đáng tin cậy. Họ bực bội vì New Delhi dè dặt trong cung cấp các hệ thống tên lửa mà ban đầu đã hứa hẹn. Năm 2000 và nhiều lần trong thời gian đảng BJP cầm quyền, Ấn Độ hứa sẽ chuyển giao hệ thống tên lửa Prithvi và BrahMos. Prithvi là tên lửa đạn đạo tầm ngắn khoảng 200-350 cây số, trong khi BrahMos, được Ấn sản xuất chung với Nga, là tên lửa chống tàu rất hiện đại, dựa trên tên lửa Yakhent của Nga, có thể bay nhanh gấp đôi tốc độ âm thanh. Nếu Việt Nam có hệ thống đó, họ sẽ là thách thức lớn cho sự thống trị trên Biển Đông của hải quân Trung Quốc.

Đã có nhiều diễn giải vì sao Ấn Độ không cấp Prithvi và BrahMos cho Việt Nam. Có người nói chính phủ đảng Quốc đại (ngày càng tập trung cho hợp tác kinh tế, thay vì quốc phòng, với Việt Nam) không muốn làm Trung Quốc bực tức. Người khác lại quy lỗi cho bộ máy hành chính Ấn Độ, hoặc lại có người, trong trường hợp BrahMos, cho rằng hệ thống này phải được gắn kết đầy đủ trong quân lực Ấn Độ trước khi có thể giao cho các nước thân thiện như Việt Nam. Đa số phân tích gia đồng ý rằng Việt Nam, về lâu dài, có thể có được Prithvi. Nhưng không chắc như thế trong trường hợp BrahMos.

Người ta tin rằng chính vì sự bực bội này, cùng nhiều lần chậm trễ khi chuyển giao quân trang, mà Việt Nam đã mua súng bán tự động và súng bắn tỉa từ Pakistan năm 2007. Ấn Độ thì cũng hơi thất vọng khi triển vọng hải quân của họ có chỗ lâu dài tại Vịnh Cam Ranh ngày càng xa vời. Đa số phân tích gia cho rằng Cam Ranh là lá bài chiến lược của Việt Nam, rằng họ sẽ thỉnh thoảng đem ra để trêu ngươi Trung Quốc nhưng sẽ không nhượng cho nước ngoài, trừ phi trong tình hình khẩn cấp lắm.

Mặt trận kinh tế cũng chưa hoàn thiện. Mặc dù thương mại song phương tăng mạnh trong một thập niên vừa qua, nhưng nó cũng ngày càng mất cân đối – Việt Nam chịu thâm hụt một tỉ đôla với Ấn Độ. Ấn Độ đã lịch sử bác bỏ đề nghị của Việt Nam muốn có hiệp định tự do thương mại song phương (FTA), và đã từ chối giảm – miễn thuế cho sản phẩm Việt Nam.

Tương lai không chắc chắn

Mặc dù rõ ràng quan hệ Ấn – Việt đã mạnh lên trong vài năm qua, đặc biệt về quốc phòng, nhưng cũng rõ là có nhiều việc phải làm.

Ấn Độ cần xem xét giảm mức thuế quan, mở cửa thị trường cho một số sản phẩm Việt Nam, khuyến khích thêm các công ty đầu tư ở Việt Nam.

Tương lai quan hệ Ấn – Việt sẽ ngày càng phụ thuộc thái độ hai nước với Trung Quốc. Chính phủ đảng Quốc đại, ngày càng có thái độ ôn hòa hơn với Trung Quốc so với đảng tiền nhiệm BJP, hiện đang đối diện căng thẳng trở lại nơi đường biên giới với Trung Quốc. Vì thế, Ấn Độ có thể sẽ không muốn làm nước láng giềng mất lòng khi thúc đẩy quan hệ quân sự với Việt Nam.

Ban lãnh đạo Việt Nam hiện cũng có đấu tranh phe phái trước khi diễn ra Đại hội Đảng năm 2011. Các vụ trừng phạt gần đây với các nhà báo và blogger yêu nước dường như cho thấy phe thân Trung Quốc trong đảng, vốn kiểm soát việc thu thập tình báo nội địa thông qua Tổng cục II, đang dần lấn lướt trong cuộc tranh đấu giữa phe bảo thủ và tân tiến. Nếu những người bảo thủ thân Trung Quốc chiến thắng trong cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng, chắc chắn nó sẽ có tác động tiêu cực tới quan hệ Ấn Độ - Việt Nam.

Iskander Rehman có bằng thạc sĩ Chính trị học ở Viện Chính trị học tại Paris, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở CERI (Centre d'Etudes et de Recherches Internationales) tại Paris. Ông hiện làm luận án về Chiến lược Biển của Ấn Độ. Bài viết này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

12 THÁNG ANH ĐI