27 thg 9, 2009

Trung Quốc vào Lào, Việt Nam làm gì?


Hồng Nga

Quan hệ Việt Nam - Lào mới đây lại được lãnh đạo hai bên một lần nữa khẳng định là "quan hệ đặc biệt".

Thế nhưng mối thâm tình này đang phải đối diện với nhiều thách thức, mà một trong những thách thức lớn nhất là tới từ phương Bắc.

Tân Hoa Xã vừa loan tin Trung Quốc sẽ chế tạo và phóng vệ tinh viễn thông cho Lào.

Vệ tinh "Laos-1" theo mô hình vệ tinh Đông Phương Hồng của Trung Quốc sẽ được tên lửa Trường Chinh mang lên quỹ đạo Trái đất trong một thời điểm chưa được công bố.

Đi kèm với nó, sẽ có một trung tâm thu nhận vệ tinh và một hệ thống truyền thông hiện đại.

Hợp đồng nhiều triệu đôla này được công bố ngay sau chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng của Tổng Bí thư đảng Nhân dân Cách mạng Lào Choummaly Sayasone.

Đây chỉ là một trong các dự án đồ sộ mà Trung Quốc giành quyền tham gia ở Lào trong những năm gần đây, bên cạnh các công trình cơ sở hạ tầng và khai khoáng khác.

Báo chí đã nói nhiều tới sự gia tăng hiện diện của người Trung Quốc tại xứ sở Triệu voi.

Bàn tay khát tài nguyên của Trung Hoa vươn tới tận các ngóc ngách của đất nước Lào.

Trung Quốc nay chiếm khoảng 40% tổng đầu tư nước ngoài tại đây, đẩy Việt Nam xuống vị trí thứ ba.

Thương mại song phương Trung-Lào trong tương lai gần cũng sẽ nhanh chóng vượt ngưỡng 1 tỷ đôla, con số vẫn bị coi là "khó thực hiện" đối với thương mại Việt-Lào.

Người Trung Quốc vào đến đâu, thì người Việt Nam lại bị đẩy xa người Lào hơn một chút.

Gắn bó bởi số phận

Một số năm trước, khi mới vào nghề, tôi đã từng ngồi xe com-măng-ca đi trên đường quốc lộ 9 đầy ổ gà, xóc tung người.

Con đường nối với miền Nam Lào này là nơi xảy ra chiến sự dữ dội trong cuộc chiến Việt Nam, khi Lào đỡ lưng cho quân đội Bắc Việt đánh Mỹ.

Tôi đã từng đến Xiêng Khoảng bị Mỹ bỏ bom tơi bời, hàng chục năm sau cuộc chiến vẫn còn các hố bom sâu hoắm.

Nước Lào vì gắn kết với miền Bắc Việt Nam mà gánh chịu số bom mìn nhiều hơn Hoa Kỳ đổ xuống trong cả Thế chiến II.

Tôi từng gặp người Lào Hmong phiêu dạt sang xứ Guyane tận bên Nam Mỹ sau khi thất trận trong chiến tranh du kích chống người Việt Nam và phe cộng sản Lào những năm 60-70.

Và gần đây nhất, tôi đã có những buổi chiều ngồi ngắm hoàng hôn xuống trên bờ sông Mekong ngay giữa thủ đô Vientiane, thấy bóng dáng nhỏ bé của các chị, các cô người Quảng Trị cần mẫn gánh hàng rong chào mời khách thập phương.

Ở đâu cũng thấy dấu vết của một mối dây liên hệ giữa hai dân tộc mà bàn tay của số phận đã đẩy đến với nhau.

Hàng vạn bộ đội Việt Nam bỏ mạng tại Lào, tới nay chưa tìm thấy hài cốt.

So với người "anh em" khác ở Đông Dương là Campuchia, Lào "thuần" hơn và thân Việt Nam hơn.

Cụm từ "quan hệ đặc biệt" ra đời từ 30 năm trước, khi cuộc sống chính trị-kinh tế ở nước Lào bị Việt Nam hoàn toàn chi phối.

Một ông già người Việt sống hơn nửa cuộc đời tại xứ Lào từng ví von với tôi: đây là "tình nghĩa vợ chồng", "gừng cay muối mặn".

"Đồng cam cộng khổ cả đời như thế, còn gì nữa mà không tin nhau."

Thế nhưng thế thời đã khác. Lào cũng đã mở cửa hòa nhập cộng đồng quốc tế.

Mô hình liên minh kiểu Chiến tranh lạnh không thể tồn tại lâu hơn.

Và lãnh đạo các nước độc tài toàn trị cũng bắt đầu hiểu ra rằng, sự đói nghèo cùng cực về kinh tế của người dân chính là đe dọa cho thể chế.

Việt Nam không thể cạnh tranh với Trung Quốc về tiềm lực và ảnh hưởng kinh tế. Vậy Việt Nam giữ bạn bằng gì?

Một thời gian dài, như chính một số lãnh đạo Việt Nam sau này thừa nhận, Việt Nam không biết thêm bạn bớt thù. Và nếu như không có thay đổi trong nhìn nhận và chính sách, cũng khó lòng mà giữ được bạn.

Đồng nghiệp ban tiếng Miến Điện của tôi, anh Soe Win Than, vừa có bài viết rất hay về cuộc "hôn nhân không tình yêu" giữa Miến Điện và Trung Quốc.

Anh viết: "Trong một mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở quyền lợi, khi một đối tác thấy không còn có lợi để tiếp tục thì mối quan hệ sẽ chẳng thể tồn tại thêm được nữa."

Thế nhưng nhiều cuộc hôn nhân tạm gọi là lâu dài chưa chắc đã hạnh phúc nếu không có lòng tin và sự tôn trọng từ cả hai bên.

12 THÁNG ANH ĐI