29 thg 11, 2009

Việt Nam và Trung Quốc nắm giữ chìa khóa cho vấn đề Biển Đông

Đường đỏ là vùng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; Đường xanh là các khu vực kinh tế EEZ theo Công ước LHQ về Luật biển; Các đảo xám là nơi có tranh chấp. Ảnh: BBC

Phương Loan
27/11/2009

Lần đầu tiên Trung Quốc buộc phải đưa bản đồ tuyên bố chủ quyền hình chữ U trên Biển Đông lên Liên hiệp quốc, bản đồ mà Trung Quốc vốn luôn chỉ giữ kĩ trong túi mình. VietNamNet ghi nhận ý kiến của các học giả bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông đang diễn ra tại Hà Nội.

Việt Nam chuẩn bị tốt hơn

Đánh giá việc Việt Nam cùng Malaysia trình bản đăng kí thềm lục địa mở rộng lên LHQ là "một bước đi tuyệt vời, khiến Trung Quốc bất ngờ", GS Ramses Amer, (Thụy Điển) nói nhận định, tất cả những "động thái gây ầm ĩ" gần đây của Trung Quốc đều gắn với việc đăng kí này.

Việc cấm tàu cá ra khơi, bắt giữ ngư dân khi tránh bão ở quần đảo Hoàng Sa... chỉ là biểu hiện của sự "phản ứng thụ động" của Trung Quốc. Bản chất của vấn đề ngư dân là câu chuyện chủ quyền, vấn đề chính trị, ngoại giao. Trung Quốc chỉ tìm mọi cách để nhắc nhở và khẳng định ai là chủ ở Biển Đông.

Lần đầu tiên Trung Quốc buộc phải đưa bản đồ tuyên bố chủ quyền hình chữ U trên Biển Đông lên Liên hiệp quốc, bản đồ mà Trung Quốc vốn luôn chỉ giữ kĩ trong túi mình. Trong khi đó, chính các học giả Trung Quốc cũng không hiểu thực sự đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra thể hiện điều gì.

Cách phản ứng của Trung Quốc cũng cho thấy khả năng lựa chọn phản ứng cũng rất hạn chế, chỉ có thể làm những điều nhỏ trong cách nói của quan hệ quốc tế. Trên thực tế, các đảo đều đã có quốc gia chiếm giữ. Muốn tăng sự hiện diện, Trung Quốc không có cách nào khác là gây chiến với một nước khác đang chiếm giữ đảo, điều mà Trung Quốc không muốn và điều kiện quốc tế hiện nay cũng không cho phép. Lựa chọn tốt nhất cho các nước là giữ nguyên trạng.

Cũng theo GS Ramses Amer, nó cũng cho thấy Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt hơn, kĩ lưỡng hơn Trung Quốc trong việc đăng kí thềm lục địa mở rộng.

Khó có giải pháp

Đánh giá tình hình Biển Đông, các học giả cho rằng những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa nhiều bên liên quan đang có xu hướng tăng lên. Các hành động khẳng định chủ quyền về mặt pháp lý, kèm theo đó là những hành vi đơn phương nhằm tăng cường sự kiểm soát thực địa, tranh chấp các nguồn năng lượng và tài nguyên đã làm cho tình hình thêm phức tạp.

GS Mark J. Valencia (Mỹ) cho rằng, bầu không khí chính trị ở Biển Đông đã khác xa so với những năm 1980-1990. Căng thẳng đang tăng lên. Trong tâm lý của các quốc gia liên quan, các đảo nhỏ, đảo đá cũng rất quan trọng. Thậm chí, Trung Quốc còn chiếm cả các đảo ngầm, vốn chìm trong nước biển khi thủy triều lên.

Giáo sư người Anh, ông Geoffrey Till cho rằng, tranh chấp Biển Đông đặc biệt phức tạp khi có nhiều bên liên quan, và sự tham gia ngày càng nhiều cả các chủ thể phi nhà nước như các công ty đa quốc gia, các ngư dân... Ông Geoffrey bày tỏ quan ngại về mối căng thẳng gia tăng và có những phức tạp mới.

Cùng chia sẻ góc nhìn này, GS Carl Thayer, HV Quốc phòng Australia nhận xét, từ 2007 đến nay, tranh chấp Biển Đông đã chuyển từ điểm nóng ưu tiên thấp sang điểm nóng được ưu tiên trung bình trong các vấn đề an ninh khu vực bất chấp tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử trên biển Đông DOC đã được kí năm 2002. Những căng thẳng gần đây, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc đã đưa tới khả năng vấn đề Biển Đông một lần nữa là điểm nóng trước mắt nếu không được quản lý tốt.

Ông Kazunime Akimoto, nguyên chuẩn đô đốc hải quân, Quỹ nghiên cứu chính sách đại dương Nhật Bản lưu ý, nếu tranh chấp nóng xảy ra, kinh tế của các nước sát vùng Biển Đông sẽ nguy hiểm. Các quốc gia Đông Á đều liên quan đến Biển Đông. Nếu một nước độc chiếm Biển Đông, nó sẽ tác động không chỉ ở khu vực mà an ninh toàn thế giới.

Các học giả nhất trí rằng, xung đột lợi ích quốc gia, lịch sử tranh chấp phức tạp của Biển Đông, cách diễn giải khác nhau về Luật Biển 1982, báo cáo về thềm lục địa kéo dài, cạnh tranh giữa các nước lớn, xuất hiện nhiều chủ thể trong vùng Biển Đông, tăng cường lực lượng hải quân, chủ nghĩa dân tộc hướng vào vấn đề chủ quyền là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tình hình phát triển phức tạp hơn và việc giải quyết tranh chấp khó khăn hơn.

Việt Nam và Trung Quốc nắm giữ chìa khóa cho vấn đề Biển Đông

Nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng đi qua biển Đông.

Cho rằng "các nước cần xác định vị trí của mình, quản lý xung đột sau đó là xác định cách thức để xử lý xung đột", nhưng theo ông Ramsess Amer, việc này không dễ, nhất là khi các bên vẫn chưa xác định chính xác chỗ đứng của mình, cũng như tuyên bố của các bên liên quan. "Không xác định rõ, việc đàm phán là bất khả thi".

Ông Nazery Khalid, Học viện Hàng hải Malaysia lạc quan rằng các quốc gia đều nhận thấy tầm quan trọng của việc cùng làm với nhau và cùng sử dụng Biển Đông như nền tảng cho sự thịnh vượng.

Theo Gs Carl Thayer, các quốc gia trong khu vực nên triển khai sáng kiến tổ chức thảo luận ở cấp quan chức cấp cao về Công ước Luật Biển quốc tế để làm rõ hơn những vấn đề vẫn còn chưa rõ ràng trong xung đột. Các cuộc đối thoại này cần đưa ra cơ sở pháp lý cho các tuyên bố về vùng thềm lục địa mở rộng và những hoạt động mà các tàu quân sự nước ngoài được làm ở vùng đặc quyền kinh tế ở quốc gia khác.

Ông Carl Thayer cũng tư vấn, ASEAN nên ủng hộ các quốc gia ven biển Đông can dự cùng Trung Quốc trong một vòng đàm phán ngoại giao mới để nâng vị thế của DOC trở thành COC.

Theo Gs Mark J. Valencia, đã có tiến triển lớn trong việc xây dựng sự thống nhất trong ASEAN, đưa Trung Quốc tham gia đối thoại với toàn khối ASEAN. Trước đó, trong thời gian dài, Trung Quốc chỉ đối thoại, đàm phán tay đôi với từng nước. Kết quả của quá trình này là việc đưa ra tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông DOC.

Phải mất 8 năm các nước mới đạt được DOC - bước tiến mới cho an ninh khu vực, thế nhưng nó cũng mới chỉ dừng ở nguyên tắc mang tính mềm, không có tính ràng buộc.

Ông Ramses Amer lưu ý, dù là DOC hay COC thì giống như bất cứ văn bản quốc tế nào, nó sẽ không khiến các nước từ bỏ chủ quyền đã được tuyên bố của mình. Nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông là cần thiết, nhưng cần có thiết chế mạnh mẽ hơn, tạo khung pháp lý để hành xử, Gs Amer nói.

Hơn nữa, như GS Valencia phân tích, dù có DOC, xu thế cạnh tranh giữa các bên vẫn đang gia tăng nhất là để tiếp cận và sử dụng các nguồn lực từ biển. Sự cạnh tranh nguồn lực kết hợp với chủ nghĩa dân tộc sẽ làm cho tình hình khó giải quyết hơn.

Theo ông Valencia, Việt Nam và Trung Quốc chính là hai chủ thể nắm giữ chìa khóa cho tranh chấp Biển Đông. Nếu hai nước đạt được thỏa thuận, các nước trong ASEAN cũng sẽ nối gót.

12 THÁNG ANH ĐI