14 thg 7, 2010

Con cháu Tiên Rồng

Nguyễn Gia Kiểng

Người Trung Hoa tự coi là con Trời, người Nhật tự coi là con cháu của Mặt Trời, người Việt nam ta tự coi mình là con cháu Tiên Rồng. Dân tộc nào cũng có tự ái riêng và đều muốn tự gán cho mình một dòng dõi cao quí. Những huyền sử đó có thể coi là ý thức cộng đồng đầu tiên. Mỗi dân tộc cần có một niềm tự hào nào đó để tự duy trì.

Bài học đầu tiên mà ta có thể rút ra từ huyền sử đó là muốn trường tồn và tiến lên ta luôn luôn cần có thêm những lý do mới để tự hào. Từ đó ta có thể tự đặt cho mình câu hỏi: Hiện nay ta có lý do nào để tự hào không? Nếu có là ta đang tiếp tục củng cố dân tộc, nếu không là ta đang làm hao mòn vốn cũ.
Niềm tự hào con cháu tiên rồng, hiểu theo nghĩa một huyền thoại thống hợp gắn bó chúng ta với nhau, có cái lợi là làm ta hãnh diện muốn tiếp tục làm người Việt, nhưng bù lại nó có thể cho chúng ta cái cảm tưởng rằng chúng ta là một giống nòi thuần nhất và làm ta quên mất thực sự ta là ai, và đó mới là điều quan trọng.
Cứ theo huyền sử thì tổ nước ta là Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân, con cháu của vua Thần Nông bên Tàu. Nước gốc của chúng ta là Xích Quỷ bao gồm cả một vùng đất rộng lớn của Trung Quốc, từ phía Nam sông Dương Tử và một phần nhỏ hơn nhiều là miền Bắc nước ta bây giờ. Sự tích kế tiếp là Sùng Lãm lấy bà Âu Cơ đẻ ra một trăm con, sau đó hai người chia tay nhau, mỗi người giữ năm mươi con. Âu Cơ ở lại núi, còn Sùng Lãm đem năm mươi con xuống vùng bể Nam Hải. Sau đó Sùng Lãm phong cho người con trưởng lên làm vua nước Văn Lang, tức là miền Bắc nước ta. Nước Văn Lang sau này được mở rộng thành nước Việt nam ngày nay.
Như vậy, cũng phải tương đối hóa dòng dõi con ròng cháu tiên của chúng ta. Thực ra như vậy, theo huyền sử của chính chúng ta, thì người Hoa Nam mới là con rồng cháu tiên, còn chúng ta chỉ là một hệ phái của con rồng cháu tiên được lai giống với người địa phương. Chúng ta ít con rồng cháu tiên hơn người Trung Hoa ở phía Nam sông Dương Tử. Và chúng ta lai con rồng cháu tiên chắc không nhiều, bởi vì giữa Hoa Nam và nước ta núi non hiểm trở, người đi dân xuống miền Nam không có bao nhiêu. Chính vì thế mà dù bị hơn một ngàn năm Bắc thuộc, chịu hoàn toàn ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa mà chúng ta tiếp thu một cách nồng nhiệt và say mê, chúng ta vẫn có tiếng nói riêng, nếp sống riêng. Như Nguyễn Trãi nói: Lãnh thổ có núi ngăn chia, phong tục Bắc Nam khác nhau. Có nhà dân tộc học còn quả quyết người Việt nam thuộc chủng tộc Mã Lai - ấn Độ. Như thế đủ biết cái thành tố con rồng cháu tiên trong huyết thống của chúng ta không có bao nhiêu.

Nhưng cái huyền sử con rồng cháu tiên không phải là không có cơ sở thuần lý. Nó nói lên một nét dậm trong quá trình hình thành của nước ta, đó là cuộc Nam Tiến đã khai sinh ra nước ta và vẫn còn tiếp tục cho tới cuối thế kỷ 18.
Đất nước Việt nam được thành lập ban đau do hậu quả của cuộc Nam Tiến của người Trung Hoa và sau đó của chính người Việt. Nước Trung Hoa hình thành tại vùng đất giữa sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, rồi vì người càng ngày càng đông, một phong trào di dân tìm đất mới về phương Nam đã xuất hiện. Chuyện Lạc Long Quân đem năm mươi con xuống vùng bề Nam Hải có thể coi là một đợt di dân, tương tự như Nguyễn Hoàng đem dân vào miền Trung sau này.
Cuộc Nam Tiến của người Trung Hoa đến Quảng Đông, Quảng Tây thì khựng lại vì gặp bức tường núi dầy gần 100 cây số. Chỉ có một số ít người vượt được núi, hợp với thổ dân mà tạo ra nước Văn Lang.
Người Việt nam ta có lẽ vì chỉ coi huyền sử như chuyện hoang đường hoàn toàn nên ít suy nghĩ về quá trình lập quốc của mình. Không thiếu gì trí thức lẫn lộn các giống Việt ở miền Nam Trung Hoa, sống trong nhiều nước nhỏ gọi là Bách Việt, với người Việt nam. Triết gia Kim Định coi người Việt nam là người Bách Việt, ông cho Nho Giáo là một phát minh của người Việt chứ không phải của người Tàu. Trong thập niên 1960, các trí thức và sinh viên Việt nam mở một loạt lớp học dạy miễn phí cho các học sinh trung học nghèo tại Sài Gòn. Cố gắng đáng ca tụng này được biết dưới danh hiệu Trung Tâm Bách Việt. Nhưng nếu người Bách Việt không phải người Trung Hoa thì ai là người Trung Hoa? Chúng ta cũng có mang huyết thống Bách Việt trong người, nhưng yếu tố đó chỉ là một phần nhỏ thôi. Ảnh hưởng văn hóa và tư tưởng của Trung Hoa lên nước ta quan trọng gấp bội yếu tố huyết thống.

Nước Văn Lang được thành lập do pha trộn của một số nhỏ người Hoa Nam với một số đông người bản xứ, và cả những sắc dân từ quần đảo Nam Dương.
Chúng ta có thể quả quyết là về nhân chủng yếu tố địa phương đã mạnh hơn bởi vì sau cả ngàn năm dưới sự thống trị của người phương Bắc trong đó chữ Nho vừa được độc quyền vừa được tôn vinh, người Việt vẫn giữ được và không những thế còn phát triển được và cải thiện được ngôn ngữ riêng của mình. Sau này, nhất là từ thế kỷ 15 trở đi, khi nước Văn Lang dần dần mở rộng về phía Nam, chúng ta đã tiếp nhận nhiều yếu tố huyết thống khác, kể cả một đợt di dân mới bằng đường biền của người Trung Hoa vào thẳng miền Nam Việt nam.
Nước Việt nam ta vì vậy là một quốc gia biến đỗi không ngừng do những đóng góp đất đai và chủng tộc mới. Sự thay đổi không ngừng đó, thể hiện ngay trong quốc hiểu của ta: Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt, Giao Chỉ, An Nam, Tượng Quận, Giao Châu, Vạn Xuân, Đại Cò Việt, Đại Việt, Đại Ngu, Việt nam, Đại Nam. Sự thay đổi đó khiến chúng ta nhiều khi lẫn lộn tên nước mình.
Sách Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện rõ ràng coi Nam Hải là tên nước ta, mặc dầu đó chỉ là tên của tỉnh Quảng Đông bên Trung Quốc vào thời Bắc thuộc. Ngay cả tên Việt nam ngày nay thực ra cũng rất mới. Vua Gia Long sau khi thống nhất đất nước muốn đặt quốc hiểu là Nam Việt nhưng vì nhà Thanh không cho, sợ lẫn lộn với nước Nam Việt của Triệu Đà gom cả Quảng Đông và Quảng Tây, nên đã chọn quốc hiệu là Việt nam. Nhưng sau đó 18 năm, khi vua Gia Long chết, vua Minh Mạng lại bỏ tên Việt Nam và đổi thành Đại Nam. Khi người Pháp đô hộ nước ta, hai tiếng Việt nam cũng không xuất hiện trở lại, nước ta bị chia làm Cochinchine, An nam, Tonkin. Đảng cộng sản lúc mới thành lập cũng không dùng chữ Việt nam, họ tự gọi là Đông Dương Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng. Việt nam Quốc Dân Đảng là chính đảng đầu tiên sử dụng trở lại hai tiếng Việt nam. Hai tiếng Việt nam đã trở thành thiêng liêng khi 13 liệt sĩ Việt nam Quốc Dân Đảng lên đoạn đầu đài tại Yên Bái ngày 17- 6-1930 hô to: Việt nam muôn năm!. Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa, rồi ba năm sau Bảo Đại cho ra đời Quốc Gia Việt nam. Như thế tên Việt nam đã trở thành linh thiêng từ 1930 và mới trở thành chính thức từ 1945 trở di.
Chúng ta không ý thức được sự năng động trong quá trình lập quốc của mình nên đã cố bắt chước nơi người Tàu một quan niệm quốc gia cứng ngắc. Đất nước Việt nam được coi như là đất của một sắc tộc sắc tộc Kinh. Văn hóa của ta là văn hóa của người Kinh. Đạo đức của ta là đạo đức của người Kinh. Pháp luật của ta là pháp luật của người Kinh. Lịch sử của ta cũng chỉ là lịch sử của người Kinh. Tất cả đều là của người Kinh, các sắc tộc khác hoàn toàn bị bỏ qua.
Trong khi khái niệm người Kinh tự nó cũng rất mơ hồ. Nó cũng chỉ là một sự hòa trộn của nhiều chủng tộc. Nó chỉ là tập thể của những người chịu ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa mà thôi, trong khi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa càng ngày càng yếu đi trước ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.
Tại sao, những Phạm Hùng, Chế Bồng Nga lại không được coi là các vị vua của Việt nam?

Tôi không phải là một nhà sử học và cũng không phải là một nhà dân tộc học nên hoàn toàn không dám có tham vọng đưa ra một luận thuyết mới về nguồn gốc và sự hình thành của nước ta. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh về hai đặc điểm quan trọng nhất của dân tộc Việt nam.
Đặc điểm thứ nhất là chúng ta không phải là một quốc gia thuần nhất, mà là một quốc gia đa nguyên về bản chất. Vì thế chúng ta cần một ý thức quốc gia riêng: Quốc gia Việt nam không thể được định nghĩa như một chủng tộc mà cần được quan niệm như là sự chấp nhận chia sẻ một tương lai chung.
Đặc điểm thứ hai là dù có lịch sử tương đối dài, chúng ta trên thực tế là một quốc gia rất mới. Cả một nửa lãnh thổ, và một phần đáng kể dân chúng, chỉ mới hội nhập từ bốn thế kỷ nay, nhiều vùng chỉ từ một thế kỷ nay. Cho nên chúng ta không thể thủ cựu, trái lại phải năng động, liên tục thích nghi và đổi mới bởi vì sự nghiệp mở nước vẫn chưa thế coi là đã xong hẳn.
Nguyễn Gia Kiểng

12 THÁNG ANH ĐI