14 thg 7, 2010

Trò “nước chảy đá mòn” trong âm mưu thôn tính biển Đông

“Chuyện công bố kế hoạch phát triển du lịch của Hải Nam, bao gồm việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, rồi kêu gọi đầu tư, tổ chức các tuyến du lịch là một trong các hoạt động nhằm hợp thức hóa hành động chiếm đóng trái phép của Trung Quốc (TQ) đối với hai quần đảo này”.

Đó là ý kiến của nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ Trần Công Trục nói về kế hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam của TQ bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Âm mưu hợp thức hóa chủ quyền

TQ đã nhiều lần dùng vũ lực để tấn công và chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cùng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Mỗi lần hành động như vậy, TQ lại ra các tuyên bố ngoại giao để khẳng định “chủ quyền” với các quần đảo này. Nguy hiểm hơn, sau đó TQ tìm cách hợp thức hóa việc chiếm đóng và chứng minh “chủ quyền” bằng các hoạt động pháp lý, dân sự, khoa học và lợi dụng mọi tổ chức quốc tế để giành sự công nhận trên thực tế đối với những quần đảo và đảo đó.

Khu vực biển Đông

Ông Trục nói: “Rõ ràng TQ có các bước đi, tính toán chặt chẽ, tinh vi và kết hợp các hành động bổ trợ để từng bước giành quyền kiểm soát và giành cái gọi là chủ quyền của họ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kế hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam cho tới năm 2020 cũng là một bước nằm trong tính toán đó”.

Hướng tới mục tiêu chiếm biển Đông

Mục tiêu cuối cùng của TQ không phải là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà là vùng biển lớn gồm đến 80% diện tích biển Đông, thể hiện trong sơ đồ 9 đoạn mà TQ đã gửi cho Liên Hiệp Quốc. Nếu công dân các nước vô tình hưởng ứng kế hoạch du lịch của TQ, họ sẽ mắc mưu TQ và gián tiếp tạo điều kiện để TQ tăng cường có mặt, từng bước hợp thức hóa “chủ quyền” của họ ở biển Đông.

Sơ đồ 9 đoạn trong yêu sách của TQ về biển Đông

Không chỉ vậy, động thái này còn có khả năng gây căng thẳng quân sự và là mồi lửa gây xung đột phức tạp với tất cả các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Cảnh giác và đấu tranh

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phần lớn là hoang vu, xa bờ, điều kiện sống rất khắc nghiệt. Quần đảo Trường Sa cách TQ 500-600 đến 1.000 hải lý, hành trình khó khăn tốn kém, nguy hiểm vì luôn có bão tố. Như vậy, mặc dù hai quần đảo này có tiềm năng du lịch nhưng chưa thể có điều kiện khai thác mạnh.

Để bảo vệ và thực thi chủ quyền lãnh thổ của mình, Nhà nước cần hỗ trợ các hoạt động đánh bắt xa bờ, nghiên cứu khoa học, du lịch... Việc tổ chức các tour du lịch quần đảo Trường Sa của Việt Nam cần có tính toán lợi hại kỹ càng. Các địa phương phải nhìn nhận một cách tổng thể, toàn cục, không vì lợi ích cục bộ, mà phải vì lợi ích quốc gia. Cái gì có lợi cho đấu tranh pháp lý, ngoại giao, chính trị, kinh tế mà làm được trước thì nên làm. Chẳng hạn giữa hỗ trợ đánh cá và hỗ trợ du lịch, việc nào có lợi hơn mà làm được trước thì làm.

TQ liên tục có các động thái về quân sự, chính trị, khoa học, kinh tế... nhằm thể hiện cái họ gọi là “chủ quyền” của TQ ở biển Đông. “Giải quyết vấn đề biên giới luôn rất khó. Chúng ta phải nghiên cứu, nắm vững mọi cơ sở thực tiễn và pháp lý để đánh giá khách quan lợi ích chính đáng của mình thì mới đấu tranh được” - ông Trục nói.

TQ cũng chú ý lợi dụng mục đích khoa học để cung cấp cho các tổ chức quốc tế những thông tin có lợi cho âm mưu xác lập “chủ quyền” của họ. Đầu những năm 1980, TQ gửi bản đồ bay cho Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trong đó mở rộng vùng bay của họ qua bầu trời của quần đảo Hoàng Sa mà trước kia ICAO dành cho VN. Sau đó TQ đăng ký đài khí tượng thủy văn mà họ đặt trên quần đảo Hoàng Sa với Tổ chức Khí tượng thế giới.

Chúng ta đã kịp thời phát hiện và phản đối những hành động sai trái này. Đây là những hoạt động mà TQ liên tục tiến hành, nếu thành công họ sẽ củng cố thêm tư liệu và cơ sở thực tiễn để bảo vệ lập luận chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa và Trường Sa, tiến tới cả biển Đông.

Theo TTO
Tin đăng lại

12 THÁNG ANH ĐI