MÓN QUÀ GIÁNG SINH
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
Có lẽ chẳng mấy người còn nhớ trước đây 2 chục năm, đúng vào ngày lễ Chúa Giáng Sinh 25 - 12, trên thế giới đã xẩy ra một biến cố quan trọng, rất quan trọng đáng cho chúng ta ghi nhớ . Tôi đã có ý hỏi thử vài người bạn xem có ai nhớ ra không. Họ lục lọi các ngăn tủ trí óc và đều lắc đầu. Con người mau quên thật. Nếu tôi không vì tò mò thì chắc cũng đã quên luôn.
Biến cố tôi muốn nói đến là đây. Vào sáng sớm ngày 25 tháng 12 năm 1991, ông Mikhail Gorbachev Tổng Bí Thư đảng CS Liên Sô, chủ tịch nước Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết USSR (Union of Soviet Socialist Republics) loan báo từ chức. Ông tuyên bố giải tán văn phòng chính phủ và trao tất cả quyền hành lại cho ông Boris Yeltsin. Ngay đêm hôm đó, lá cờ búa liềm của Sô Viết tại điện Kremlin được hạ xuống lần cuối cùng. Và ngày hôm sau, Hội Đồng Sô Viết Tối Cao chính thức thừa nhận việc giải tán Liên Bang và cũng tự giản tán chính mình. Ngày 31 tháng 12 sau đó, một số định chế chưa được bàn giao cho chính quyền mới cũng ngưng hoạt động. Trong khi đó, các nước cộng hoà trong Liên Bang cũng lục tục thừa nhận vai trò của chính quyền trung ương tại Mạc Tư Khoa.
Như thế có lạ không? Một đế quốc hùng mạnh như Liên Sô không ai đánh mà tan, tự động tan rã. Xưa nay từ cổ chí kim, không có nhà độc tài nào tự ý rút lui khỏi quyền lực. Không một đế quốc nào bị sụp đổ khi sức mạnh cơ bắp của nó vẫn còn trong tình trạng sung sức. Một chính quyền độc tài toàn trị chỉ có thể bị hạ bệ qua hai cách, một là do quân đội làm đảo chánh, và hai là do sức mạnh liều chết của toàn dân. Một đế quốc hùng mạnh như Liên Sô, với quân đội được trang bị hiện đại vào bậc nhất nhì trên thế giới, cùng với kho vũ khi hạt nhân trong tay thì không có lý do gì nó lại tự tan rã được. Hồng quân Liên Sô không làm đảo chánh. Nhân dân Nga cũng không xuống đường áp lực ông Gorbachev phải ra đi. Có người giải thích rằng Liên Sô sụp đổ vì nền kinh tế kiệt quệ. Đúng là kinh tế Nga kiệt quệ thật, vì một đàng phải thi đua võ trang quá tốn kém với Hoa Kỳ, đàng khác lại phải nuôi báo cô nhiều đảng CS khác và nhà nước chư hầu cũng kiệt quệ không kém. Nhưng nếu bảo rằng Liên Sô tan rã vì kinh tế kiệt quệ thì làm sao giải thích được tình trạng Trung Cộng và Việt Cộng vào hai thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Hai nước này còn kiệt quệ hơn nhiều so với Liên Sô mà vẫn trụ được? Câu hỏi đặt ra là, như vậy phải giải thích việc sụp độ của Liên Bang Sô Viết như thế nào mới hợp lý, sự việc xẩy ra cứ như là tự nhiên vậy? Câu trả lời chính xác nằm ở đâu?
Chỉ cần biết sơ qua về CS thôi cũng hiếu rằng các chế độ đều được điều hành theo phương thức “tập thể chỉ huy, cá nhân phụ trách”. Nghĩa là tập thể Bộ Chính Trị của đảng là cơ quan đầu não đưa ra mọi quyết định về đường lối chính sách quốc gia. Tổng bí thư (TBT) đảng hay chủ tịch nước chỉ là những ngưòi thi hành đường lối chính sách đó. Kinh nghiệm và lịch sử cho thấy, khi TBT đảng mà cá tính yếu và kém nghị lực thì nguyên tắc tập thể chỉ huy còn được phần nào tôn trọng. Nghĩa là tiếng nói của các ủy viên Bộ Chính Trị còn được tôn trọng. Ngược lại nếu TBT là một con người có cá tính mạnh, giầu bản lãnh, và triệt để chuyên chính thì các ủy viên khác trong BCT chỉ là những ông phỗng đá. Từ kinh nghiệm đó, giả sử như, vào ngày 25-12-1917, người nắm gĩữ chức TBT đảng CS Liên Sô không phải là Gorbachev, mà là Lenin, Stalin, Kruschev, Brezhnev, hay ít ra là Putin hiện nay thì liệu biến cố có xẩy ra không? Chắc chắn là không. Vậy tại sao lại là Gorbachev vào thời điểm đó. Cho là Gorbachev đi nữa thì hàng loạt các câu hỏi tiếp theo đặt ra là, với đường lối tập thể chỉ huy, những thành viên khác trong BCT chịu để cho ông ta được tự ý hành động hay sao? Lại còn các tư lệnh quân đội, và cả cơ quan mật vụ KGB nữa? Họ chịu để cho ông Gorbachev quyết định giải tán đảng CS và chính quyền liên bang sao? Lý do gì khiến những người này không tranh chấp, không chống đối, mà cũng răm rắp từ chức đồng loạt như thế? Đó là một điểm thắc mắc rất đáng quan tâm.
Người viết cũng rất thắc mắc về điểm này, nhưng không tìm ra được lý do để giải quyết. Câu trả lời cuối cùng chỉ có thể tìm ra được từ lãnh vực tôn giáo. Chúng tôi muốn nhắc đến biến cố Đức Mẹ hiện ra năm 1917 tại Fatima. Xin nói ngay rằng, người viết tuy là một tín hữu công giáo, nhưng không dựa vào đức tin tôn giáo để đi tìm giải đáp cho vấn đề, mà bằng vào lý lẽ dựa trên những sự việc cụ thể để đi đến kết luận.
Vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ nhỏ nhà quê tại cánh đồng Cova Da Iria làng Fatima nước Bồ Đào Nha (Portugal). Đức Mẹ cho biết Ngài từ trời đến và sẽ còn hiện ra với các em mỗi tháng cho tới tháng 10 thì Ngài sẽ làm một phép lạ để chứng minh rằng việc Ngài hiện ra với các em là việc có thật. Ngày 13-10-1917 là ngày hiện ra lần chót. Như đã hứa trước, Đức Mẹ làm phép lạ mặt trời nhảy múa trước sự chứng kiến của khoảng 70 ngàn người hiếu kỳ, phóng viên báo chí, cùng cả một số những người cộng sản vô thần. Trong tất cả các lần hiện ra, Đức Mẹ nhắn nhủ các em một điều quan trọng là Ngài xin mọi người hãy xám hối và đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa. Nếu không, nước Nga sẽ gieo rắc tai họa khắp nơi trên thế giới, chiến tranh sẽ lan tràn, chết chóc nhiều hơn nữa, và Giáo Hội Công Giáo sẽ bị bách hại nặng nề. Còn như nếu loài người biết xám hối và từ bỏ con đường tội lỗi thì nước Nga sẽ hồi đầu trở lại. Nên biết rằng, ngày 13-7 khi Đức Mẹ cảnh giác về vấn đề cộng sản Nga thì bọn Bolchevik chưa chính thức lên cầm quyền tại nước Nga. 5 năm sau đó tức là ngày 28 tháng 12-1922 Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết USSR mới chính thực thành lập. Điểm quan trọng mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, người chuyển Thông Điệp của Đức Mẹ không phải là một chính khách tiếng tăm, hay một nhân vật có thế giá nào để có thể bảo đảm chữ tín, mà chỉ là những đứa trẻ trên dưới 10 tuổi, nhà quê, lại mù chữ. Chúng chẳng biết nước Nga là ai và ở đâu, không hiểu CS là gì, không biết nói dối, và không hề có tham vọng.
Đem đặt liền nhau ba sự kiện: 1. Đức Mẹ hiện ra tại Fatima cảnh giác về đại họa CS Nga, 2. đảng Bolshevik đoạt chính quyền tại Nga đem đại họa đến cho nhân loại, và 3. Liên Sô tự dưng từ bỏ chủ nghĩa CS, chúng ta thấy được gì? Như đã trình bầy trên, tôi cho rằng cả ba không phải là những sự kiện rời rạc, mà quả thực chúng liên hệ với nhau có tính cách hữu cơ. Đảng CS Liên Sô lên cầm quyền tại Nga và nó tự động giải tán, chỉ được coi là những diễn biến tự nhiên của lịch sử trong trường hợp nếu không có việc Đức Mẹ Hiện ra tại Fatima cảnh báo về những sự kiện đó trước. Nhưng bởi vì đã được Đức Mẹ cảnh báo trước nên các biến cố kia đã trở nên bằng chứng hùng hồn của sự hiện hữu của Thiên Chúa. Và, Thiên Chúa đã can thiệp trực tiếp vào đời sống trần gian này của con người. Nếu đã tin tưởng vào lối giải thích này thì cái nôi của CS thế giới là đảng CS Liên Sô và Liên Bang Sô Viết tự động giải tán vào ngày 25-12-1991 phải được coi như một món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại nhân ngày lễ Ngài xuống thế sinh ra làm người.
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
Christmas 2011