28 thg 2, 2012
Chiến Dịch Thỉnh Nguyện Thư: Đạt Mục Tiêu
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 28 tháng 2, 2012
Trưa ngày 28 tháng 2 giờ Hoa Thịnh Đốn, số người ký tên thỉnh nguyện thư đã lên đến 93.500. Như vậy con số 100 ngàn sẽ đạt được nội trong tuần này và sau đó chúng ta sẽ vượt xa con số ấy. Chúng ta đang có những thành quả thật khích lệ cho các mục tiêu đề ra ngay khi chiến dịch được phát động cách đây ba tuần.
Chấn Dân Khí
Trong mấy tuần qua, luồng gió tự tin và phấn khởi đã thổi vào tập thể người Việt ở khắp Hoa Kỳ. Tâm lý e dè, chán chường hay sợ hãi đã nhường bước cho một khí thế ngày càng dâng cao và ngày càng gắn bó những cá nhân lại thành đại khối với cùng ý chí và quyết tâm. Điều rất đáng mừng là lần đầu tiên giới trẻ, mà trước đây chừng như ơ hờ, đã tham gia trong vai trò chủ lực. Trong những ngày đầu tiên của chiến dịch, khi các bác cao niên còn đang lúng túng chưa biết cách ký thỉnh nguyện thư, giới trẻ đã huy động nhau để ký, nâng con số lên trên 15 ngàn trong 3 ngày đầu. Ngày 5 tháng 3 tới đây, rất đông người trẻ sẽ tham gia phái đoàn vào Toà Bạch Ốc.
Sự nức lòng nhập cuộc của gần trăm ngàn đồng hương thuộc mọi tuổi tác, thành phần, địa dư là thành quả hàng đầu và quan trọng nhất của chiến dịch. Tinh thần và hào khí ấy đang lan sang các quốc gia khác.
Dân tộc, muốn tự giải thoát khỏi đại hoạ, phải phát huy nội lực của chính mình và biết tận dụng các trợ lực để vượt qua hai trở lực lớn nhất hiện nay: từ bên trong là chế độ độc tài và từ bên ngoài là chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Phát huy nội lực của dân tộc đòi hỏi hai yếu tố: dân khí phải mãnh liệt và đội ngu~ tiên phong phải đủ tài và đức để quy tụ quần chúng thành sức mạnh.
Chiến dịch thỉnh nguyện thư đang có tác dụng ngay trước mắt là chấn dân khí của bộ phận dân tộc ở hải ngoại, khởi đi từ Hoa Kỳ và lan đến các quốc gia có người Việt sinh sống, và là bước đầu cho nỗ lực dài lâu để giải cứu cho bộ phận của đội ngũ tiên phong đang bị cầm tù và đẩy lùi áp lực của chính quyền trên những người trong đội ngũ tiên phong đang dấn thân tranh đấu.
Vận Động Quẩn Chúng
Lần đầu tiên tập thể người Việt ở Hoa Kỳ đồng loạt lên tiếng cho một chủ điểm cụ thể trong một chiến dịch được phối hợp nhìn nhàng, mỗi người góp một tay cho đại cuộc. Người Mỹ gọi đó là vận động chính sách ở tầm rễ cỏ (grassroots policy advocacy). Và chúng ta đã chứng tỏ được khả nặng huy động lẫn nhau ở tầm rễ cỏ ấy để thành một chiến dịch rộng lớn, tự phát nhưng lại rất nhịp nhàng. Chiến dịch này không của riêng ai mà là của tất cả những ai nặng lòng với quê hương và dân tộc.
Yếu tố để tạo nên chiến dịch rễ cỏ là phải có chủ điểm cụ thể (trả tự do cho mọi tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm), phải có mục tiêu đo lường được (25 nghìn, 50 nghìn, 100 nghìn) và phải có thời điểm rõ rệt (30 ngày). Như vậy, mọi người cùng biết chủ điểm để tập trung công sức, biết mục tiêu để đo lường hiệu năng và điểu chỉnh công tác, và biết thời điểm để lập kế hoạch tuỳ theo hoàn cảnh ở mỗi địa phương, của mỗi người, mỗi tổ chức.
Vân động ở tầm rễ cỏ là một yếu tố cần thiết để bổ trợ cho cuộc vận động trong hậu trường mà nhiều người còn gọi là "vận động hành lang". Trong nhiều chục năm qua, một số nhóm hay tổ chức người Việt đã thực hiện và quen thuộc với vận động hành lang. Trong tuần qua, chúng tôi đã sắp xếp hai buổi họp giữa một số người đã từng vận động hành lang như vậy với một số nhân viên của Toà Bạch Ốc để thương lượng về nhiều vấn đề nhân quyền rộng hơn là việc trả tất cả tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm cu~ng như về nội dung của buổi tiếp xúc ngày 5 tháng 3. Đây là những vấn đề đã được nêu lên từ nhiều năm qua và vẫn tiếp tục được nêu lên trong thời gian tới.
Điều khác biệt là lần này trong tập thể người Việt ở Hoa Kỳ chúng ta có sự phối hợp của cả hai phương thức vận động quần chúng và hành lang bổ trợ cho nhau. Và Toà Bạch Ốc đã công nhận hiệu quả của sự phối hợp nhịp nhàng ấy qua việc sắp xếp buổi tiếp xúc ngày 5 tháng 3 với một số người thỉnh nguyện tiêu biểu.
Đặt Nền Móng Cho Những Bước Kế Tiếp
Chiến dịch thỉnh nguyện thư đang tiếp diễn là bước khởi đầu cho nỗ lực dài lâu nhằm đem lại vận hội để dân tộc tự giải thoát. Bước khởi đầu này cần nhưng không đủ. Đại cuộc không phải là việc một sớm một chiều. Ngay từ giờ chúng ta đã phải chuẩn bị những bước kế tiếp, phải gặt hái những thành quả của ngày hôm nay để làm vốn liếng cho ngày mai.
Để tạo nền móng cho những bước kế tiếp, chúng ta cần làm những công việc sau:
(1) Tiếp tục diễn tập trong nội bộ của tập thể người Việt về khả năng tự huy động, không riêng ở Hoa Kỳ mà lan rộng ra các quốc gia khác. Chúng ta cần sẵn sàng để chu toàn công tác quốc tế vận ở mức rộng và lớn nhằm yểm trợ cho đồng bào trong nước khi hữu sự, theo tấm gương ở nhiều quốc gia từ Bắc Phi và Trung Đông và gần đây ở ngay Đông Nam Á.
(2) Nâng tầm hiểu biết của quần chúng về guồng máy Hành Pháp và Lập Pháp Hoa Kỳ (hoặc nơi quốc gia mình cư ngụ). Sau khi hoàn tất chiến dịch thỉnh nguyện thư hiện nay, một nhóm gồm những người có nhiều kinh nghiệm vận động hành lang sẽ luân phiên trình bày về cách thức để vận dụng luật pháp cu~ng như vận động Lập Pháp và Hành Pháp Hoa Kỳ nhẳm hỗ trợ cho công cuộc tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ và tự do cho đồng bào ở Việt Nam.
(3) Tăng ảnh hưởng của khối cử tri người Mỹ gốc Việt đối với cả hai chính đảng Hoa Kỳ. Khi người Mỹ gốc Việt chúng ta dấn thân vào dòng chính thì vừa thể hiện quyền công dân vừa thực thi nghĩa vụ công dân. Chính sự dấn thân ấy là đóng góp quý báu của chúng ta cho nền dân chủ của Hoa Kỳ. Đồng thời nó sẽ làm tăng tầm ảnh hưởng của chúng ta trong công tác quốc tế vận.
(4) Làm việc với Hành Pháp Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của các vị dân cử bên Lập Pháp, để hình thành một quy trình hội ý và đối tác lâu dài giữa chính phủ và đại khối người Việt trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam cu~ng như về nghĩa vụ của chính phủ Hoa Kỳ trong việc bảo vệ quyền lợi của công dân khi bị xâm phạm bởi chính quyền Việt Nam.
(5) Đưa ra một chuẩn mực đo lường được để lượng giá mức tiến bộ về nhân quyền thay cho những tuyên bố tổng quát về nguyên tắc hay những hứa hẹn không thời hạn, không đo lường được. Danh sách tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm sẽ là một chuẩn mực đo lường đầu tiên nhưng không phải là cuối cùng. Qua đó, ba mặt một lời, chúng ta có thể lượng định bước tiến hay bước lùi về nhân quyền thay cho những diễn giải hay biện minh chủ quan của giới chức này hay cơ quan nọ.
Tóm lại, chúng ta đã và đang đạt các mục tiêu đề ra từ ban đầu ngay khi chiến dịch vẫn còn tiếp diễn. Cuộc tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền và tự do cho gần 90 triệu đồng bào đang chyển sang một khúc rẽ mới, qua đó chúng ta xây dựng nền móng cho một nỗ lực dài lâu với ba mục tiêu chiến lược: chấn dân khí, phát huy đội ngu~ tiên phong, và đẩy lùi trở lực từ trong và từ ngoài.
Tổng Thống Obama và Quốc Hội Mỹ
sẽ nghe điều trần Thỉnh nguyện thư “FREE VIỆT KHANG”
ngày 5 và 6/3/2012
TTXVA nhận được tin vui từ Nhạc Sĩ Trúc Hồ, Giám đốc Trung Tâm Asia, 1 trong những người đại diện vận động phong trào ký thỉnh nguyện thư kêu gọi FREE VIỆT KHANG.
Với kết quả hơn 50,000 chữ ký của người Việt từ khắp nơi trên thế giới gửi trực tiếp cho Tổng Thống Mỹ và tại website của chính phủ Mỹ, thỉnh nguyện thư FREE VIỆT KHANG đang tác động mạnh mẽ và tạo 1 làn sóng vận động chính trị chưa từng có trong cộng đồng người Việt định cư tại nước Mỹ.
Tổng Thống Obama đã quyết định gặp phái đoàn người Việt ký thỉnh nguyện thư từ 12h trưa đến 3h chiều ngày 5/3/2012.
Ngày 6/3/2012, Quốc hội Mỹ sẽ làm việc với 50 người đại diện cộng đồng người Việt từ 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, gặp gỡ cùng các anh chị em nghệ sĩ đã hát trong các video vận động cho phong trào FREE VIỆT KHANG.
we petition the obama administration to:
STOP EXPANDING TRADE WITH VIETNAM AT THE EXPENSE OF HUMAN RIGHTS
Since 2007, the Vietnamese government has continuously waged brutal crackdown against human rights advocates, arresting and/or detaining notables such as: Rev. Nguyen Van Ly, Nobel Peace Prize nominees Ven.Thich Quang Do and Dr.Nguyen Dan Que, blogger Dieu Cay, and most recently songwriter Viet Khang, who merely expressed love for freedom and patriotism through songs he posted online. Congress has responded by introducing the Vietnam Human Rights Act, Vietnam Human Rights Sanctions Act and just last month, H Res 484. We implore you, Mr. President, to leverage Vietnam’s desire for the Trans-Pacific Partnership and Generalized System of Preferences to force the immediate and unconditional release of all detained or imprisoned human rights champions. Show the world America puts freedom first.
Created: Feb 07, 2012
Issues: Foreign Policy, Human Rights, Trade
Learn about Petition Thresholds
Signatures needed by March 08, 2012 to reach goal of 25,000
0
Today Feb 28, 2012 : Total signatures on this petition 93,635
Bạn cũ năm mươi năm
Bạn cũ năm mươi năm
Tràm Cà Mau
( Chuyện kể của ông Hai )
Dạo đó, tôi vừa mới trổ mã, bể tiếng, tay chân tự nhiên dài ngoằng ra, áo quần thành ngắn củn cởn. Tôi vụng về, ngơ ngác, làm cái gì cũng hư hỏng, má tôi cứ la rầy mãi. La rầy để quở trách mà cũng chan chứa tình yêu thương. Tôi ăn cái gì cũng ngon, đặt lưng xuống đâu cũng ngủ được say sưa.
Thời nầy, đệ nhị thế chiến vừa chấm dứt, nước Pháp đem quân trở lại Việt Nam để tái lập nền đô hộ cũ. Toàn dân đứng lên kháng chiến, cầm tầm vông vạt nhọn đánh nhau với Tây. Khí thế đằng đằng. Cũng như mọi thanh niên khác, tôi tham gia kháng chiến. Nói là đánh nhau với Tây, nhưng chạy thì nhiều hơn, vì lồ ô vạt nhọn không cự nổi với súng ống của Tây.
Tôi bị Tây bắt lãng xẹt khi đang ngủ giữa ban ngày. Bị trói ké, đem về giam tại thành phố. Trong trại giam, mỗi ngày phải đi làm lao động vệ sinh, dọn rác, quét lá, lấp các vũng bùn lầy, khai mương. Tôi làm quen được một ông lính kèn, mỗi ngày mượn cái kèn thổi tò te làm khổ lỗ tai mấy ông lính Tây chơi. Không có chi chói tai bằng nghe mấy anh tập kèn cứ ọ è từ giờ nầy qua giờ kia mãi.
Tập hoài rồi cũng thổi được. Một lần cao hứng tôi thổi khúc kèn báo hiệu tan giờ làm việc, tiếng kèn vang vọng, rõ ràng, làm mấy ông Tây tưởng đã hết giờ, rủ nhau ra về. Tôi bị phạt giam đói, và anh lính kèn cũng bị khiển trách, không cho tôi mượn cây kèn nữa. Nhưng sau đó hai tuần, tôi được cho ra khỏi tù. Họ phát cho tôi áo quần lính, và sung vào đội thổi kèn. Ban quân nhạc của Tây. Nhờ có một chút hiểu biết về âm nhạc Tây Phương, tôi học nhạc cũng khá dễ dàng, không như các ông bạn khác. Khi tập thổi kèn mà chơi, thì tôi cảm thấy vui, ham thích, thú vị, nhưng khi phải tập kèn vì bắt buộc, thì thật là chán nãn, mệt nhọc, bực mình. Ông trung sĩ chỉ huy đội quân nhạc không vui, vì đã chọn lầm người. Trước đó, ông tưởng tôi có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, nên đề nghị tuyển dụng. Về sau ông thường nói lời an ủi rằng, thiếu chó thì bắt bất cứ con gì ăn phân cũng được, miễn sao biết ăn phân thì thôi. Nghe ông nói vậy, tôi cũng tự ái, và bực mình. Thường thường,thì đội lính kèn được nhàn hạ. Mỗi ngày, mấy xuất thổi kèn báo hiệu buổi sáng thức dậy, như con gà gáy sáng, bao giờ làm việc, báo giờ nghỉ, giờ tan sở. Báo hiệu thật đúng giờ. Thế thôi. Còn ngoài ra thì chơi cờ, tán dóc, trêu ghẹo nhau, nhưng không được bài bạc. Mỗi sáng tiếng kèn vang vang: “ Tọ tè ti tọ tè ti.. ti tọ ti tè... “ Mà lũ con nít chuyển âm thành:“ Một ngàn, ba mươi vạn thằng Tây, xách cái bị, đi ăn mày. Mụ đi đâu tui bắt mụ lại, tui không cho mụ về.” Nghe y hệt tiếng kèn đồng.
Trong đám lính kèn, tôi chơi thân với Tư Thàn, vì anh cùng tuổi, cũng độc thân và cùng hoàn cảnh như tôi, bị Tây bắt và sung vào đội quân nhạc. Chúng tôi thường rủ nhau đi xem hát ban đêm. Chúng tôi biết và thuộc lòng tên đào kép của các gánh cải lương, hò quảng. Nhiều lần, Tư Thàn thổ lộ ước mơ của anh là được vào làm việc cho gánh cải lương, làm kép độc, nhờ đó, mà anh có thể mùi mẫn với các cô đào đẹp như tiên kia. Anh không có tham vọng được nổi tiếng, chẳng cần được khán giả mến mộ, chỉ mong gần gũi cái nhan sắc của các cô đào thôi.
Có lần, tôi nhặt được tấm ảnh của một cô gái nào đó. Hình chụp rất điệu, ngón tay trỏ tựa má, hai cái núng đồng tiền lún sâu rất duyên, mặt sáng và tươi, mắt ướt rượt. Có lẽ bên ngoài đẹp mê hồn. Tôi đưa tấm ảnh cho Tư Thàn xem, và bảo rằng đó là con Mười, em gái tôi ở Long Xuyên mới gởi lên. Kể từ khi thấy tấm hình nầy, Tư Thàn nể nang tôi lắm. Tôi có thể sai Tư Thàn làm những việc mà trước đây anh không bao giờ làm giúp. Tôi mượn tiền anh dễ dàng hơn, mà anh bớt nhăn nhó khó chịu. Tôi lờ mờ biết Tư Thàn mê cô gái trong tấm hình, và hy vọng được lòng tôi, thì sẽ được lòng em tôi. Vốn tính nhút nhát, nên Tư Thàn không bao giờ dám hỏi thẳng về em tôi. Chỉ một lần, anh đánh bạo hỏi tôi khi nào về thăm nhà, và có thể cho anh đi cùng, về chơi có được không. Tôi đáp rằng dĩ nhiên là được, và sẽ mời anh ở lại nhà vài hôm. Nghe vậy, Tư Thàn sướng đến đỏ cả mặt. Sau nầy, tôi cho Tư Thàn tấm ảnh đó, anh cất kỹ trong ví, lâu lâu mở ra xem mà mơ mộng . Buổi sáng, tôi và Tư Thàn thường hay ăn cháo trắng với hột vịt muối của cô Năm Cháo Trắng bán, cô nầy có nước da ngăm ngăm, duyên dáng. Hàng cháo gánh, ngồi chồm hổm ăn, hoặc ngồi trên các đòn gỗ thấp sát đất. Có nhiều anh lính trêu ghẹo, tán tỉnh cô, nhưng khi nào cô cũng vui vẻ, tươi cười, không làm mất lòng ai. Tôi cũng khoái cô nầy, thường giả vờ hết tiền, ăn thiếu nợ. Ðến tháng lãnh lương, thì trả, nhưng không trả hết, khi nào cũng xin khất lại một ít. Cứ nợ cô, thì cô phải nhớ đến số tiền nợ. Nhớ đến số tiền nợ, thì phải nhớ đến người mắc nợ, tức là cô phải nghĩ đến mình. Cái mưu kế nầy, tôi nghe được trong một tiệm hớt tóc mà mấy anh thủy thủ kháo nhau. Tôi có bày mưu nầy cho Tư Thàn, mà anh không chịu nghe theo, cứ sòng phẳng trả hết tiền, không bao giờ chịu thiếu một xu.
Một hôm tôi rủ Tư Thàn đi xem cải lương, anh viện cớ bận việc, tôi đi một mình. Khi ngồi trong rạp, nhìn xéo qua bên kia, thì tôi thấy Tư Thàn và cô Năm Cháo Trắng đang ngồi bên nhau. Tay Tư Thàn đưa lên chỉ trỏ, như đang giải thích gì đó. À thì ra Tư Thàn đã bí mật phổng được cô hàng cháo, mà anh em không ai hay biết. Tôi tránh mặt cho Tư Thàn làm ăn được tự nhiên.
Hôm sau, gặp Tư Thàn, tôi làm bộ giận, mà thực ra thì tôi cũng hơi ghen tức. Tôi thì đặt mưu tính kế, mà chẳng được cơm cháo gì, Tư Thàn cứ tự nhiên, thì vớ được cô hàng cháo. Tôi cứng giọng, nói với Tư Thàn:
“Mày phản bội em tao. Trả tấm hình con Mười lại cho tao. Tưởng mầy đàng hoàng, thì ra...”
“Tao làm gì mà gọi là phản bội?”
“Mầy còn giả vờ? Hồi hôm mầy đi đâu? Làm gì? Với ai? Có chối được không?”
“Ai nói với mầy?”
“Chính mắt tao thấy. Tao để yên cho chúng mày hú hí. Chối tội làm chi?”
Tư Thàn bẻn lẻn móc ví trả tôi tấm hình cô gái có hai cái núng đồng tiền. Anh có vẽ tiếc lắm. Cuối cùng anh nói:
“Em gái mày đẹp như thế nầy, thì chán chi người dòm kẻ ngó. Tao làm gì mà vói thấu. Trả hình lại cho mày là phải.”
“Mày định bắt cá hai ba tay sao? Con Năm Cháo Trắng cũng có duyên lắm đó chứ!”
“Ừ. Có duyên. Hồi hôm, em thú thật với tao em là ‘đầu gà đít vịt’ Mầy thấy da em ngăm ngăm không?”
Tôi hỏi Tư Thàn làm sao mà câu được em Năm Cháo Trắng? Trong lúc tôi bày mưu tính kế mà không được em đáp ứng. Tư Thàn cho rằng tôi ngu, đàn bà con gái không ưa những người bê bối, mang nợ mắc nần. Sau nầy về làm chồng quen thói nợ nần, ai mà chịu nỗi. Thì ra, tôi nhẹ dạ tin vào mưu kế tào lao của mấy anh thủy thủ gà mờ.
Từ ngày trả lui cho tôi tấm hình cô gái có núng đồng tiền, Tư Thàn không còn nể nang tôi như trước kia nữa. Tôi biết mình ngu, đòi lại tấm hình, chẳng ích gì, nhưng đã lỡ rồi, tiếc cũng không được.
Tôi thường ứng trực thế cho Tư Thàn, để anh có thì giờ đi chơi với cô Năm Cháo Trắng. Bỡi vậy, sau nầy cô thường múc cho tôi những tô vun, cháo muốn tràn ra ngoài. Từ đó, tôi không bao giờ thiếu nợ cô nữa.
Thường thường, Tư Phàn và tôi trốn trại đi xem đá gà ở xóm trong. Thiên hạ đánh cá ồn ào. Chúng tôi cũng thường bắt độ, khi ăn khi thua, mà thua thì nhiều hơn ăn. Những khi ăn tiền cá độ, chúng tôi dắt nhau đi ăn nhậu vui vẻ, ăn thâm cả tiền túi. Khi thua, thì hai đứa lủi thủi ra về, phải vay mượn tiền bạn bè để gỡ gạc. Có hai lần bị cảnh sát bố ráp, cả phường đá gà bỏ chạy, chúng tôi cũng sợ bị bắt, chạy trốn, cho nên mất luôn tiền cá độ. Từ đó, chúng tôi tìm ra một cách đánh cá khác, mà chủ cá độ không móc được của chúng tôi một xu. Hai đứa tôi đánh cá riêng với nhau, đứa nầy được, thì đứa kia thua. Chúng tôi gọi là lọt sàng xuống nia. Và sau cuộc đá gà nào, chúng tôi cũng có buổi ăn nhậu, vì một trong hai đứa thắng cuộc.
Thời trước Tư Thàn có nuôi gà đá, nên nhiều kinh nghiệm, cứ nhìn vóc dáng bên ngoài, là biết ngay con gà có phong độ hay không. Thế là nợ Tư Thàn một số tiền bằng nguyên cả tháng lương. Nợ ít ít, thì còn nghĩ đến chuyện thanh toán, nợ nhiều quá, không còn muốn trả nữa. Tôi cứ khất mãi, và đến tháng lãnh lương cũng không trả bớt nợ cho Tư Thàn. Từ đó, giữa tôi và Tư Thàn có cái gì lấn cấn, tình bạn không còn như trước nữa. Tôi không dám ăn tiêu khi có mặt Tư Thàn, sợ bị hỏi nợ. Không phải tôi muốn giựt nợ, nhưng tôi tự bảo lòng, khi nào tiền bạc dư dả, thong thả mới trả
Một lần, Tư Thàn thấy tôi nói chuyện thân mật, cười nói với một cô nữ quân nhân. Giữa chỗ đông người, Tư Thàn hướng về tôi mà nói lớn:
“Sao mày nợ tao một tháng lương, lâu quá mà chưa trả? Phải vay mượn mà trả chứ?”
Tôi bị mất mặt trước đám đông, phát cáu, giận đỏ mặt. Tôi nghiến răng trả lời:
“Mầy còn đòi tiền nợ, thì tao đục cho trào máu.”
Tư Thàn lảng đi nơi khác, mà tôi thì cũng không hết giận, định đi theo gây sự thêm. Vì một món nợ đá gà, mà chúng tôi mất tình bạn.
Sau năm 1954, Tây rút về nước, chế độ Cộng Hòa được thành lập tại miền Nam. Chúng tôi được giải ngũ, về đời sống dân sự. Tư Thàn đem vợ là cô Năm Cháo Trắng về quê làm ăn. Tôi ở lại thành phố, làm đủ thứ việc, đủ sống qua ngày, nhưng vì con đông, cho nên khi nào cũng thấy thiếu thốn.
Mười mấy năm sau khi giải ngũ, một hôm tôi lái xe chuyển kinh sách cho hội Thánh Tin Lành về miệt Long Xuyên, trên đường trở về, chiếc xe làm nư, chết máy giữa đường, không biết làm sao mà sửa. Tôi ngồi bên vệ đường, dưới bóng cây nhỏ. Ðầu óc suy nghĩ, tính kế không ra. Tôi định bắt xe đò về tỉnh lỵ, rước thợ ra sửa xe. Chờ hoài mà không có xe qua. Phía dưới ruộng khô, có một nông dân đang cày đất với hai con trâu. Nắng cháy, cổ khát. Tôi thấy anh nông dân ngưng cày, lên bờ lấy bầu uống nước. Túng quá, tôi đánh liều kêu lớn:
“Nầy anh ơi, khát quá, cho tôi uống nước với”
Người nông phu mang áo đen, quần xà lỏn, chậm chạp băng ruộng, đem cái bầu nước đến cho tôi. Khi đến gần, thì anh reo lên:
“Mày đó phải không Quài. Sao biết tao cày ruộng ở đây mà ghé lại thăm?”
Tôi mừng quá, thét lớn:
“Tư Thàn! Mày! Ð. M. mày. Thằng quỷ. Mày ở đây hả ? Chiếc xe nó biết có mầy ở đây, nên chết máy, để cho tao gặp mầy.”
Tư Thàn và tôi xoắn lấy nhau, nhắc chuyện mười mấy năm trước. Ðủ thứ chuyện. Nói cho nhau biết tin tức gia đình mỗi người. Tư Thàn có hai thằng con trai. Ðời sống của gia đình thong thả, nhờ cô Năm Cháo Trắng buôn bán thêm ngoài chợ quận. Gạo cơm đủ ăn. Mười mấy năm, Tư Thàn chưa về lại Sài Gòn lần nào, vì cũng không có chuyện gì, mà chẳng còn ai để thăm viếng.
Tư Thàn bỏ dở luôn buổi cày ruộng. Tôi cũng bỏ kệ cho chiếc xe nằm ụ bên đường, đến đâu thì đến, theo Tư Thàn đi vào làng. Nhà Tư Thàn trống trải, đơn sơ như tất cả mọi nhà nghèo miền quê.
Tư Thàn lấy cái nơm làm bẫy, rải lúa cho gà ăn, và bắt được một con gà trống thiến lớn. Làm thịt, bao đất sét, nướng lửa rơm. Tư Thàn đem ra hai lít đế trong veo. Khi gà chín, tôi đập cái vỏ đất sét, để cả con gà lên chõng tre có lát sẵn mấy tàu lá chuối tươi, mà Tư Thàn đã rửa sạch. Chúng tôi bốc tay mà ăn, cầm đùi gà nhai, rượu vào đều đều, cạn chai nầy, qua chai kia. Chúng tôi cùng nhắc chuyện xưa, chuyện không đầu, không đuôi, chuyện nầy lẫn qua chuyện khác. Hai đứa nhỏ con Tư Thàn đi học về, cũng nhào vào xâu xé con gà. Tôi ép thằng lớn hớp một ngụm đế, nó nhăn mặt phun ra. Tư Thàn và tôi cùng cười vang.
Khi trời xế chiều, thì cô Năm Cháo Trắng cũng gánh hàng về. Cô nhận ra tôi, kêu thét lên vui thú, và phát vào vai tôi nhiều lần đau điếng. Cô mắng:
“Cái ông khỉ nầy, tưởng chết rấp đâu rồi chớ. Làm sao biết tụi tôi ở đây mà ghé chơi? Vui quá xá”
Ðêm đó, cô Năm Cháo Trắng nấu cháo vịt, mượn hàng xóm thêm mấy lít đế, chúng tôi ngồi ăn nhậu dưới trăng cho đến khuya. Ăn uống no say. Tôi chợt nhớ tới món tiền mà tôi nợ Tư Thàn, trị giá bằng một tháng lương vào thời gian mười mấy năm trước, mà chưa trả, và cũng chưa hề toan tính thanh toán cho sòng phẳng. Cũng vì món nợ đó, mà cái tình bạn thân thiết giữa chúng tôi có một thời lấn cấn, mất đi cái mặn nồng, không còn như trước. Tôi chậm rãi nói lè nhè trong hơi men:
“Tao bậy quá, còn mắc nợ mầy mà chưa có dịp trả . Công việc làm ăn, cũng không khá, mà con cái đông đúc, có cơm no bụng từng ngày là may lắm. Tiền không có dư...”
Tư Thàn cười hiền hòa, giọng ấm áp nói:
“Thôi, quên chuyện xưa đi. Nợ nần cái khỉ gì? Chuyện cờ bạc thời trai trẻ dại dột, để tâm làm chi? Bạn bè gặp lại nhau, là quý rồi.”
Có lẽ vì rượu đã ngấm nhiều, mà nghe lời nói chí tình của bạn, mắt tôi cay xè. May mà tối trời không ai thấy. Tôi xịt mũi. Ðêm đó, tôi ngủ lại nhà Tư Thàn, và nói chuyện rầm rì trong bóng tối cho đến khuya.
Sáng hôm sau tôi ra chỗ xe nằm ụ, thì thấy chiếc xe chỉ còn là một đống sắt cháy nham nhở. Thì ra đêm qua, du kích đặt mìn phá, mà ngủ mê quá, chúng tôi từ làng trong, không nghe biết. Tôi lấy xe dò về Sài gòn, và bị đuổi việc. Nhưng may mắn, không bị hội thánh bắt bồi thường. Có lẽ họ biết, tôi đưa mạng cùi ra, có bắt đền cũng không moi được một xu, thì tha làm phước. Vã lại thời buổi chiến tranh, không ai dự liệu trước được chuyện bom mìn.
Tháng tư năm 1975 tôi đem gia đình chạy, chưa biết sẽ chạy đi đâu, về đâu, và làm sao mà sinh sống sau nầy. Cứ chạy đã. Vì sợ phải đi tù như một số bạn tôi, họ đã trở về miền Bắc vào năm 1954, và nghe đâu một số đã chết trong tù, một số còn bị giam giữ hơn hai mươi năm chưa được thả. Ðó là tin tức chính xác đi quành từ miền Bắc qua Pháp, và từ Pháp về miền Nam. Tôi được nước Mỹ cho vào cư trú, đi làm đủ thứ nghề tay chân. Cuối cùng vào làm y tá cho một trung tâm dưỡng lão của quận hạt. Hai mươi mấy năm đòi sống yên lành, no ấm, hạnh phúc.
Năm 2001, sau hai mươi sáu năm xa quê hương, tôi về lại Việt Nam một mình, lần thứ nhất, để sắp đặt việc cưới vợ cho đứa con trai út. Khi đang ở Sài gòn, tôi nghe tin bọn khủng bố đánh sập tòa nhà đôi chọc trời ở New York. Ban đầu tôi không tin, và nghĩ rằng mấy ông Vẹm hay nói dối, đặt chuyện xạo tuyên truyền, nói xấu đế quốc Mỹ. Nhưng sau đó, xem truyền hình, tôi sửng sốt, bàng hoàng. Lòng tôi đau nhói, và nhận ra rằng, quê hương mới là nước Mỹ, cũng muôn vàn yêu mến, thắm thiết không thua gì quê hương cũ Việt Nam. Tất cả mọi chuyến bay đều bị hủy bỏ, việc vào ra nước Mỹ cũng tạm ngưng. Tôi chưa thể trở vể lại Mỹ được, và trong lòng cũng tràn đầy lo ngại, không biết có thể về lại Mỹ được không. Hay là kẹt lại ở Việt nam mãi, cho hết cuối đời. Bảy mươi mấy tuổi rồi.
Một đêm mất ngủ, tôi ra đứng ở hành lang khách sạn. Từ trên cao nhìn xuống phố phường bên dưới, tôi chợt nhớ, hơn năm mươi năm trước, nơi đây còn lau sậy um tùm, đất thấp ngập nước, hoang vu. Từ bên trong phòng vọng ra tiếng ngâm thơ khuya qua cái radio nhỏ, giọng khàn đục buồn não nề:
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Ðêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò..”(*)
Lòng tôi chùng xuống, và chợt nghĩ hơn nửa thế kỷ trôi qua, vèo mau như mộng. Mới ngày nào đó, tôi bị Tây bắt đi tù, sung vào đội lính kèn. Bao nhiêu là đổi thay, bao nhiêu bãi biển đã biến thành nương dâu, bao nhiêu trũng hoang đã trở thành phố thị. Những thế hệ trước tôi và đồng thời với tôi, có lẽ đa số đã về với lòng đất. Yên bề. Những người còn sống sót như tôi, bây giờ ở đâu, làm gì.
Bỗng tôi chợt nhớ đến Tư Thàn. Nhớ tha thiết. Nhớ đến món nợ ngày xưa mà chưa trả được, lòng buồn rưng rưng. Tôi quyết định ngay, mong cho trời mau sáng, để thuê xe đi tìm thăm Tư Thàn.
Chiếc xe thuê riêng, chở tôi chạy về miền Tây, đi tìm Tư Thàn. Anh tài xế nghe tôi nói đi tìm một người bạn cũ, gặp nhau lần cuối đã hơn ba mươi năm trước, anh lắc đầu, có lẽ anh cho tôi là một ông già khùng lẩm cẩm.
Tôi chỉ nhớ mang máng cái nơi mà chiếc xe tôi lái bị đặt mìn hơn ba chục năm trước. Tôi vào làng hỏi xem ai có biết ai Tư Thàn, nay chừng trên bảy mươi tuổi, hồi xưa làm lính kèn ở Bộ Tổng Tham Mưu. Mọi người đều lắc đầu, ngơ ngác. Tôi đi lang thang quanh làng, và hy vọng, còn có người biết Tư Thàn ở đâu. Khi tôi chán nản trở lại đường cái, ngồi trong cái chòi bán nước bên vệ đường, thì gặp một bà già. Tôi chận lại hỏi. Bà nhíu mày một hồi, suy nghĩ lung lắm. Bỗng bà la lên:
“Tôi nhớ ra rồi, từ lâu không ai gọi ổng là Tư Thàn nữa. Mà ông là ai, tìm Tư Thàn có chuyện chi không?”
“Tôi là bạn lính kèn với Tư Thàn khoảng hơn năm mươi năm trước. Bây giờ, nhớ bạn, ghé tìm thăm.”
“Trời đất! Năm mươi năm làm chi mà không thăm nhau, giờ mới trổ chứng đi tìm!”
Mấy đứa trẻ con chạy ra ruộng kêu Tư Thàn về, người ta nói anh đang cuốc đất thuê. Tôi nghĩ không phải là Tư Thàn bạn tôi, bảy mươi lăm tuổi, còn sức đâu mà đi cuốc thuê. Lũ trẻ đưa về một ông già ở trần, xương sườn đếm được, tay chân khẳng khiu, chỉ mặc cái xà lỏn ngắn, đi chân đất. Da nhăn nheo, khô khốc, đen đúa, gầy gò, hai má hóp, miệng móm xọm, chỉ còn hai cái răng, một cái của hàm trên, một cái của hàm dưới, rất là thiếu mỹ thuật. Không có một nét nào của Tư Thàn cả, có lẽ tuổi ông nầy già hơn nhiều.
Tôi nheo mắt nói:
“Tôi tìm Tư Thàn, hồi xưa làm lính kèn ở bộ Tổng Tham Mưu, có vợ là chị Năm Cháo Trắng.”
Ông lão phều phào:
“Ông là ai? Tìm tôi có việc gì không?”
“Tôi tìm Tư Thàn. Tôi là bạn cũ.”
“Ông là bạn cũ của tôi? Chắc ông tìm lầm người rồi.”
“Ông biết Cô Năm Cháo Trắng?”
“Vợ tôi, má thằng Ðộ, thằng Rề.”
Bây giờ thì tôi chắc chắn ông lão ngồi trước mặt tôi chính là Tư Thàn, không ai khác. Tôi còn mơ hồ thấy vài nét hao hao của thuở nào. Bố thằng Ðộ, Thằng Rề, hai thằng nầy tôi đã gặp hồi xưa. Ngày trước, Tư Thàn mong sinh được bảy đứa con đặt tên là Ðộ, Rề, Mi, Pha, Xôn, La, Xi, nhưng mới có mới có Ðộ, Rề, thì bà vợ tịt ngòi. Tư Thàn ngồi co một chân lên ghế dài, rất tự nhiên, cái quần xà lỏn kéo nhăn nhúm lên cao, để lòi nguyên bộ phận kín ra ngoài, một khúc đen điu, nhăn nhúm, mằm tựa trên một đùm bao da lưa thưa lông bạc trắng.
Tôi mừng quá, nắm lấy hai vai Tư Thàn mà lắc:
“Mầy không nhớ ra tao là ai hả Tư Thàn!”
“Không. Ông có lầm tôi với ai khác không? Ông là ai?”
“Thế thì mày không phải là Tư Thàn, lính kèn ở bộ Tổng Tham Mưu hả?”
“Tôi, Tư Thàn lính kèn đây.”
Tôi làm bộ buồn bã đổi giọng:
“Có lẽ ông không phải là Tư Thàn tôi quen, mà là người khác trùng tên chăng?”
“Lính kèn, ở bộ Tổng Tham Mưu, trước năm năm mươi tư. Chỉ có Tư Thàn nầy thôi”
Tôi nắm chắc hai vai Tư Thàn mà lắc, và hét lên:
“Ð.M. mầy không nhớ ra tao là ai, thật không? Hay mày giả bộ.”
Tôi đưa tay lên miệng, với dáng điệu như đang thổi kèn và ca: “Một ngàn, ba mươi vạn thằng Tây, xách cái bị, đi ăn mày. Mụ đi đâu, tui bắt mụ lại, tui không cho mụ về.”
Nghe tiêng chửi thề và điệu kèn Tây của tôi, Tư Thàn nhào đến ôm lấy tôi mà thét lên:
“Ð. M. mầy, chỉ có mầy mới nói cái giọng nầy. Thằng chó chết, thằng dịch vật. Thằng Quài, mầy, Quài. Mà mầy sang trọng, và trẻ quá, ai ngờ, ai mà nhìn ra.”
Ðám trẻ con đứng xem cười ầm lên khi thấy hai ông già văng tục và gọi nhau bằng mầy tao. Tư Thàn cảm động quá, cái miệng móm méo xẹo, và khóc thành tiếng hu hu, làm tôi cũng khóc theo. Tư Thàn nghẹn ngào:
“Mầy còn nhớ đến tao, tìm thăm. Ðồ dịch vật. Lâu nay mày chết rấp nơi nào?”
Tư Thàn nhìn tôi từ đầu xuống chân, nói nho nhỏ:
“Tóc tai cũng còn, răng cỏ hai hàm còn nguyên, mặt mày có da có thịt, áo bỏ vào quần, đi giày đàng hoàng. Có phải mầy là Việt kiều về thăm quê hương không? Bây giờ mầy ở đâu? Làm gì?”
Tôi sợ Tư Thàn buồn, nói dối:
“Việt kiều cái con khỉ. Tao ở Sài gòn, nhờ có mấy đứa con vượt biên ra nước ngoài, và mấy đứa ở nhà, buôn bán, ăn nên làm ra. Giờ già rồi, về hưu, không làm gì nữa cả.”
Tôi hỏi thăm gia cảnh, Tư Thàn cho biết hai đứa con trai đều đã chết. Thằng Ðộ đi lính quốc gia, đã đền nợ nước, thằng Rề “hy sinh” cho “cách mạng”. Cô Năm Cháo Trắng chết bệnh. Tư Thàn không có ai để nương tựa, phải đi cuốc đất thuê kiếm ăn qua ngày. Tôi nhìn cái thân thể xương xẩu của Tư Thàn, không biết anh lấy đâu ra sức mà đi làm lao động chân tay. Tôi nói:
“Thôi, mầy đưa tao về nhà, thay áo quần, rồi cùng qua Long Xuyên, lu bù một bữa, anh em hàn huyên chơi, bỏ mấy mươi năm xa cách.”
Tư Thàn ngự trong căn chòi nhỏ, bốn bề che lá đơn sơ. Không bàn, không giường, chỉ có cái võng treo xéo. Trên bếp có cái nồi đen điu, méo mó. Tôi dỡ nồi ra xem, thấy còn có miếng cơm cháy. Tôi bốc ăn, mà cứng quá, răng già không nhai nổi. Thế mà Tư Thàn không còn răng, ăn cách nào đây?
Khi xe vào tỉnh lỵ Long Xuyên, tôi nhờ anh tài xế tìm cho một quán ăn ngon. Anh đưa chúng tôi vào quán nướng Nam Bộ. Tư Thàn gạt đi, không chịu vào, và nói:
“Kiếm chai đế và vài ba con khô cá sặc là đủ vui rồi. Ðừng hoang phí tiền bạc. Vào làm chi những nơi sang trọng nầy cho chúng chém. Gặp nhau là vui rồi. Ăn uống là phụ.”
Tôi ép mãi mà Tư Thàn không chịu. Cuối cùng, chúng tôi ra chợ, ngồi trên ghế thấp ở quán lộ thiên, ăn nhậu và nói cười vui vẻ, tự nhiên. Tôi uống rượu thay nước, vì sợ đau bụng. Anh tài xế cùng ăn, mà tôi không cho anh nhậu rượu, anh tỏ vẻ khó chịu, vùng vằng.
Ðưa Tư Thàn về lại tận nhà, tôi móc trong cặp một gói bao, bằng giấy báo đưa tặng. Tư Thàn mở ra xem, và giật mình, xô gói quà ra về phía tôi:
“Cái gì đây? Tiền đâu mà nhiều thế nầy? Tôi không lấy đâu. Ðừng bày đặt.”
“Có bao nhiêu đâu. Ngày xưa, tao nợ mầy chưa trả được, bây giờ trả lại cả vốn lẫn lời. Tao tính rồi, mầy nhận đi cho tao vui, bỏ công tao lặn lội đi tìm.”
“Không. Nợ nần cái khỉ gì. Ăn thua đá gà, chuyện tào lao thời trẻ dại. Tao đã bảo mày quên đi từ lâu. Bày đặt. Lấy tiền làm chi? Không có chỗ cất, bọn trộm cắp nó lấy đi, uổng lắm. Tao không lấy đâu.”
Thấy bộ Tư Thàn cương quyết quá, tôi xuống giọng, giả vờ nói :
“Mầy mà không nhận, tao có chết nhắm mắt cũng không yên tâm. Chưa trả hết nợ, thì sau nầy phải đầu thai làm trâu cày cho mầy. Khổ lắm. Thương tao, mầy cứ cầm đi. Ðể mua gạo. Ðể khi đau yếu có chút thuốc thang. Nếu không có nơi cất, thì đem gởi bà con. ”
Ðôi mắt già của Tư Thàn chớp chớp, và nói giọng run run như sắp khóc:
“Ð.M, tao già đến thế nầy, mà mày cũng còn định gạt tao như hồi xưa nữa sao? Thằng chó chết. Cái tình bạn của mầy, còn quý gấp trăm ngàn lần gói tiền nầy. Tao sẽ làm mâm cơm cúng bà Tư Cháo Trắng, nói cho bà biết cái tình bạn của mày. Dưới suối vàng, chắc bà cảm động lắm.”
Tràm Cà Mau
(*) Thơ Trần Tế Xương
27 thg 2, 2012
Thư gửi các thành phần gây rối ở hải ngoại
Thư gửi các thành phần gây rối ở hải ngoại
Huy Phương
Nhu cầu không thể thiếu của chúng ta trong thời đại hôm nay là mỗi ngày phải mở hộp thư internet để liên lạc với bạn bè, thăm hỏi, biết đến tin tức nhau cũng trao đổi cùng nhau những điều tốt đẹp.
Ngày xưa các cụ bảo: “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc,” nhưng ngày nay trong Internet chúng ta tìm được mỗi ngày hàng triệu điều mới lạ từ hình ảnh, âm nhạc, thi ca, kiến thức trong mọi lĩnh vực mà vì tình bạn bè, quen biết, nhiều người đã có nhã ý hằng ngày chuyển đến cho chúng ta. Nơi chỗ ngồi mỗi ngày của chúng ta hoàn toàn trống vắng và tựa như có một nỗi cô đơn khi chiếc máy computer của chúng ta đang gặp nạn trơ ra một khuôn mặt vô hồn hay bệnh tật phải tạm xa nhà đi một nơi khác.
Từ ngày chiếc máy computer ra đời và nguồn Internet đến với mọi nhà, bộ mặt thế giới đã đổi thay, phải nói là thế giới nằm gọn trong bàn tay chúng ta, không còn khoảng cách và cũng không có gì bưng bít, giấu kín được. Theo tài liệu năm 2010 của ITU (Internationnal Telecommunications Union), trên thế giới có 5 quốc gia sử dụng Internet cao nhất theo tỷ lệ dân số, theo thứ tự là Anh (82%), Nam Hàn, Ðức, Nhật và Mỹ (78.2%.) Nơi có dân số đông nhất thế giới là Trung Cộng thì chỉ có 36.3% dân số sử dụng Internet, đông dân thứ nhì là Ấn Ðộ chỉ có 8.4%. Trên thế giới có gần 7 tỷ người dùng Internet mỗi ngày. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại đông nhất hiện đang ở nước Mỹ, đương nhiên số người sử dụng không ít, nhưng trên net, chỉ thấy quanh quẩn một số người “nổi tiếng,” “quen tên,” “nhẵn mặt,” mỗi ngày thường “tống” lên net những thứ rác rưởi dơ bẩn khiến cho người có lòng liêm sỉ cảm thấy hổ thẹn chung cho danh từ đồng hương, đồng bào cho đến đồng môn, đồng ngũ...
Trước hết Internet là nơi để người ta chống phá, bêu riếu tôn giáo. Từ mấy năm qua, Phật Giáo cũng như Thiên Chúa Giáo, nhất là nhân biến cố 1 tháng 11, 1963, nên cứ đến những ngày đầu tháng 11 dương lịch mỗi năm, được bên này hay bên nọ, đem lên diễn đàn, mổ xẻ, nhiếc móc, kể tội kể tình nhau đủ lời. Chia rẽ tôn giáo là một tội nặng nhất để làm suy yếu sức mạnh của một dân tộc, trong giai đoạn này mà có người, trong nỗ lực chống Cộng còn phân biệt người này là đạo này, người kia là đạo khác. Ở đây chúng tôi không phê phán chuyện phải trái của những biến cố quân sự và chính trị trong lịch sử, không đứng về phía này hay phe kia, nhưng tệ hại nhất là chửi nhau bằng đủ thứ lời chưa đủ, người ta còn “hàm huyết phún nhân” dựng những câu chuyện tày trời để vu oan đến nhiều nhân vật, như bịa ra những câu chuyện giữa Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và bà Ngô Ðình Nhu, giữa Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu và bà Tuần Chi.
Thứ đến là các cuộc tranh chấp bầu bán của các hội đoàn, đoàn thể đã xẩy ra trong cộng đồng người Việt của chúng ta không phải là ít. Sau cùng là những vụ vu cáo, mạ lỵ cá nhân mà người ta không ngần ngại bôi nhọ, đổi trắng thành đen, dùng những chứng cớ vu vơ không có một phần trăm sự thật để hạ nhục đối thủ. Nghe hoài cũng phải nửa tin nửa ngờ, người đọc đâm ra hồ nghi, mất lòng tin như mẹ chuyện thầy Mạnh Tử ngày trước. Lý luận “không có lửa sao có khói,” nói hoài cũng phải tin, được sử dụng kiên trì để đánh phá đối thủ.
Trong tinh thần “giỏ cua cộng đồng,” thấy ai hơn mình thì đem lòng ghen tức, triệt hạ, đánh phá cho đến cùng, dùng hết “bát ban võ nghệ,” “mười thành công lực” mà xuất chiêu! Người không vững lập trường chẳng biết đâu là chân là giả, ai là bạn ai là thù!
Trong tất cả ba địa hạt, tôn giáo, đoàn thể và cá nhân, “chụp mũ” cộng sản là phương thức, thủ đoạn được người ta dùng nhiều nhất trên Internet. Hầu hết chúng ta đều là người tị nạn cộng sản phải bỏ nước ra đi, không ai không thù ghét cộng sản, nên hô hoán, gán ép danh từ cộng sản cho người khác là món đòn độc hại nhất. Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư có kể chuyện một người cỡi ngựa qua làng bị con chó chạy theo cắn sủa mãi, bực mình, y bèn lập mưu la lên rằng: “Chó dại! Chó dại!” Lập tức dân làng đổ xô ra giết chết con chó. Người ta dùng kỹ thuật “chụp mũ” cộng sản đến đỗi có lúc nhìn quanh trong cộng đồng người Việt chúng ta, giật thót mình thấy không còn ai là không cộng sản. Nhưng quả là đến hôm nay, trò “chụp nón cối” cho địch thủ không còn hữu hiệu nữa. Chụp mũ cộng sản cũng là một lối vu cáo, đổ tội không được chấp nhận gây chia rẽ, làm suy yếu hàng ngũ có lý tưởng chống Cộng của chúng ta ở hải ngoại. Lối vu cáo này dành cho cá nhân còn có thể hiểu được, người ta còn viết trên “net,” gọi đích danh một ngôi chùa là “một ổ Việt Cộng!” chỉ vì thù ghét, tranh chấp mà không nêu ra một bằng chứng nào. Nếu cứ mỗi điều bị xúc phạm, chúng ta vì danh dự phải đưa nhau ra tòa thì còn gì là bộ mặt của cộng đồng tỵ nạn Việt Nam nữa.
Có những vấn đề tế nhị hay gai góc nếu người đọc thấy quan tâm, thì nên từ tốn phân tích, thảo luận với nhau một cách đàng hoàng, chứ không phải chơi trò “cả vú lấp miệng em” đổ thùng phân vào Internet, vào trận là đã chửi phủ đầu. Ngay cả tác giả những bài viết gây bất lợi cho chế độ chuyên chế ở trong nước, cũng được chụp mũ là “đặc công VC nằm vùng,” làm cho người ta có cảm tưởng rằng ở hải ngoại luôn có một tổ chức của CS nhằm đánh phá và triệt hạ những ai có tinh thần chống Cộng.
Trên Internet của người Việt hải ngoại hiện nay mỗi ngày chúng ta phải đọc những chữ thô tục, bẩn thỉu nhất, những bộ phận sinh dục nam nữ được đem ra dùng, những phần thối tha nhất của con người được đem ra đổ lên đầu nhau không hề khoan nhượng, thương tiếc. Chúng ta vẫn không chấp nhận lối sống hay lời ăn tiếng nói gọi là “vô văn hóa” nhưng sao hải ngoại chúng ta lại có thể viết lên những lời, những chữ mà chúng ta không bao giờ muốn cho con cái chúng ta dùng đến và đỏ mặt xấu hổ khi nghe người khác nói. Nói dại, nếu con cháu quý vị đọc phải những lời như vậy, do chữ nghĩa nhờ công lao học hành của quý vị viết ra, chúng sẽ nghĩ thế nào về “văn hóa” các đấng sinh thành? Vậy mà chúng ta gặp nó hằng ngày bằng tiếng Việt yêu quý của chúng ta trên “in box” của mọi nhà. Nói là “thư rác” cũng còn quá nhẹ, vì có những thứ thối tha và dơ bẩn hơn cả rác vẫn hằng ngày hiện diện trước mắt chúng ta, dù đã mỏi tay cho vào “spam” hay “delete” mà vẫn không hết!
“Ném đá giấu tay” vẫn là chuyện thường ngày. Làm một địa chỉ hộp thư để viết thư nặc danh đâu phải là chuyện khó, cái khó trong lòng ta là liêm sỉ có cho chúng ta làm điều đó hay không? Vì sao những quân ăn cướp nhà băng phải đeo mặt nạ? Vì chúng sợ bị nhận diện. Nhưng những tấm mặt nạ này liệu che giấu được những khuôn mặt thật của chúng được bao lâu. Những “nick name” này tung hứng cho nhau, bàn tay phải viết ra và được bàn tay trái chuyển đi, đưa người nhận vào một trận địa mù mịt hận thù, gian trá.
Người Việt ở hải ngoại đã bỏ nước ra đi, ai cũng mang tinh thần chống Cộng, nhưng thay vì dùng internet như một vũ khí tranh đấu, đem sự thật về cho người trong nước, chuyển lửa cho quê hương, thì chúng ta dùng lại internet để chửi bới nhau tận tình, bôi bẩn khuôn mặt của nhau, chỉ làm lợi cho kẻ thù. Theo một thống kê mới đây thì số người sử dụng Internet ở Việt Nam khá cao, có 32.3% dân số, nên mỗi ngày nếu người dân trong nước đọc được những tin tức xác thực từ thế giới bên ngoài về chuyện tranh đấu cho dân chủ thì cũng thất vọng vì “trận chiến” Internet làm xấu đi khuôn mặt hải ngoại.
Chính ông Lý Ðông ở Hà Nội, ngày 18 tháng 2 nhân vụ Việt Khang đã có những suy nghĩ về chuyện Internet ở hải ngoại trong một bài nhan đề là: “Thư gửi các thành phần gây rối ở hải ngoại” như sau: “Vì không thể hành động chống Cộng trực diện, vì khó có thể về Việt Nam biểu tình bởi sự ngăn cấm của bạo quyền hiện tại, tôi thiết nghĩ ở hải ngoại, ngoài việc chống Cộng vận động về truyền thông, chuyển lửa về quê hương, hay đi biểu tình... thì quý vị cũng có những việc làm rất hiệu quả về phương diện vận động quốc tế về nhân quyền và gây áp lực về viện trợ kinh tế và giao thương lên nhà cầm quyền CSVN.”
“...Tuy nhiên bên cạnh đó, một số người vì những nghi kỵ cá nhân, hay vì tay sai của cộng sản... đã có những lời lẽ không mấy trong sạch, với những thắc mắc trái với con đường đấu tranh, quy chụp người tích cực đấu tranh, làm trái với niềm tin của người yêu nước đang ngồi tù mà nhạc sĩ Việt Khang là một...”
Hai tiếng “gây rối” của một người trong nước quả là còn quá nhẹ, cho những người trong cộng đồng hải ngoại, mỗi ngày đang chăm chỉ đổ những thứ dơ bẩn vào những hộp thư sạch sẽ của chúng ta.
25 thg 2, 2012
Cơn Bão Lốc!
Song Long
Cho đến ngày hôm nay, cho dù Việt-Khang đã yên phận chờ đợi những điều anh đã biết sẽ đến với anh, nhưng cơn gió thổi anh đã tạo ra đã biến thành một cơn gió lốc thật sự. Anh không phải là một quân nhân hay một quan chức của chế độ củ, anh cũng không có một học vị khá cao như TS Cù Huy Hà Vũ, cũng không phải là một chức sắc tôn giáo như HT Thích Quảng Độ hoặc LM Nguyễn văn Lý. Anh chỉ là một người dân tầm thường với một ước vọng tầm thường, được sống tự do trong một đất nước tự do thật sự.
Anh chỉ sáng tác có hai bản nhạc yêu nước ‘Việt-Nam tôi đâu?’ và ‘Anh Là Ai?’. Thế nhưng hai bản nhạc đó hiện nay không còn chỉ là hai bản nhạc bình thường. Nó đã trở thành bản án chết người đối với bản thân anh. Nó đã biến thành một hiện tượng, một loại khí thế đang thổi qua các đại dương, làm xao động bao tâm hồn người Việt. Nó đã biến thành một loại bão lốc đang làm lung lay cả một cơ chế, một chính quyền của CSVN. Vì lẻ đó cho nên anh đã bị bắt. Họ bắt anh hòng bóp nghẹt một tiếng hát cho quê hương, hòng trốn chạy tiếng nói lương tâm của chính mình: “Anh là ai, sao cam tầm làm tay sai cho Tàu, sao đang tâm bán rẻ Tổ Quốc?”
Trước hết phải viết gì về Việt Khang? Anh đã lớn lên trong chế độ CS, học những gì mà “Bác Hồ vĩ đại” đã cố nhồi nhét cho anh qua chiến dịch “trăm năm trồng người”. Cho nên đối với anh, VNCH hoặc QLVNCH chỉ là một câu chuyện huyền thoại, không có đính dáng gì đến chuyện yêu nước của anh cả. Anh cũng chẳng có sơ múi gì với chế độ bạo tàn này, chẳng có bất mãn gì với những ơn mưa móc của đãng như TS Cù Huy Hà Vũ cả. Anh chỉ là một người dân bình thường, không may phải sống trong một chế độ bạo tàn, chuyên hà hiếp người dân, nhưng lại khiếp nhược với Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp của dân Việt. Hai bài hát anh sáng tác cũng chẳng phải là những bản nhạc nỗi tiếng như nhạc Mozart. Hai bản nhạc đó chỉ mang âm hưởng dân gian, gọi là nhạc bình dân là đúng nhất. Thế nhưng, hai bản nhạc đó lại thức tỉnh lòng người, có sức quyến rũ đến nổi một em bé 9 tuổi cũng cất cao giọng hát được. Hai bài hát đó đã vượt qua mọi lứa tuổi, vượt cả không gian và thời gian, trở thành những bản nhạc quê hương chính hiệu mà ai hát vẫn thấy hay, ngay cả đối với kẻ thù trong chỗ riêng tư, vì dù sao dòng máu Lạc Việt vẫn đang chảy qua huyết quản của họ, cho dù họ cố tình chối bỏ.
Nội dung của hai bài hát đó nào chúng ta có lạ gì? Đó là những khúc đồng giao mà trẻ chăn trâu hay nghêu ngao ngất ngưỡng trên lưng trâu trên những cánh đồng. Đó là đúc kết của hồn thiêng sông núi, là giọng xác quyết của Trần Bình Trọng năm nào đã thét vào tai quân giặc: “Ta là làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc!” Đó cũng là tâm sự của tất cả mọi người trong nước trước nạn ngoại xâm, của mọi người hải ngoại đã mang theo bên mình. Họ đã lìa xa quê hương, nhưng tâm hồn họ chưa hề lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Họ đã hy vọng, đã chờ đợi một ngày trở lại quê hương, để xây dựng lại quê hương, lấy lại những gì mà bè lũ cướp nước đã bán cho giặc!
Một tâm tình của nước non giờ này được phổ thành nhạc, hát thành lời, thử hỏi sao không được sự hưởng ứng của toàn dân Việt. Mắt họ đã ứa lệ khi nghe giọng hát nghẹn ngào của Việt Khang. Nước mặt họ còn tuôn trào thêm khi nghe được những giòng chữ ấy từ miệng bập bẹ tập hát của những em bé. Chả trách sao những ca sĩ thành danh như Trúc Hồ, Tâm Đoan, v.v… lại chẳng mang tiếng hát của mình tiếp nối Việt Khang để truyền cho cả thế giới biết tội ác tày trời của bong Việt Gian bán nước.
Hơn bất cứ ai, những kẻ biết ơn Việt Khang chính lại là những cựu quân nhân VNCH. Họ là những người đã từng chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa CS. Họ cũng chính là những người bị tập đoàn CSBV gán cho cái tội danh bán nước cho ngoại bang. Tội danh của họ sẽ không bao giờ được rữa sạch nếu không có tiếng hát của Việt Khang. Tiếng hát của Việt Khang đã đánh bóng lại tinh thần chống cọng, chống ngoại xâm của QLCNCH năm xưa giống như nước giếng Cổ Loa đã làm sáng lại những viêc ngọc trai đã bị hoen ố bởi máu huyết của Mỵ Châu.
Vì quá xúc động trước chân tình của một chàng trai trẻ Việt Khang trước quốc nạn nên Nhạc sĩ Trúc Hồ và TS nguyễn Đình Thắng đã quyết định tiếp tay với anh, kêu gọi đồng bào khắp nước Mỹ tiếp tay ký vào thỉnh nguyện thư gửi tòa Bạch Ốc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ mà một cộng đồng nước ngoài cùng nhau có số chữ ký cao nhất. Chiến dịch xin chữ ký bắt đầu ngày 2/8/12 và kết thúc ngày 3/8/12 với yêu cầu của Tòa Bạch Ốc là phải gom đủ 25,000 chữ ký trước khi được tòa bạch ốc cứa xét. Thật bất ngờ, đến nay chỉ mới ngày 2/25/12, mà chúng ta đã có được trên 75,000 chữ ký, một con số kỷ lục từ trước đến nay. Thật không phải bỗng dưng chúng ta gom được một số chữ ký kỷ lục trong một thời gian nhanh nhất như thế. Chúng ta thành công không phải vì NS Trúc Hồ hoặc TS Nguyễn Đình Thắng. Chúng ta thành công vì đó là nguyện vọng của toàn dân. Đây là một loại Hội nghị Diên Hồng của thế kỷ 21. Bằng vào chữ ký của mình, người dân tại Mỹ đã ý thức được sự sống còn của quốc gia VN trước nạn xâm thực của Tàu Cọng, quyết tâm thống nhất ý chí cứu Việt Khang và những nhà đấu tranh đang bị tù tội trong nước. Không những là tại đất Mỹ, người Việt tại Canada, Úc Đại Lợi, Pháp, Anh cũng đã có những phong trào góp gió cho Việt Khang.
Chúng ta cũng biết rằng cả một đế quốc CS tại Việt Nam đang rung chuyển trước cơn bảo lốc Việt Khang. Chúng ta không hy vọng họ sẽ chịu ngồi yên chịu trận. Cũng như bao lần, họ sẽ tung người đến phá hoại ngầm để chia rẻ các cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Họ đã làm việc đó! Chừng đó chưa đủ. Họ còn sẽ cho người rĩ tai: thôi đủ rồi, thêm làm chi cho mệt xác! Và mới đây, có một vị TS thường hay có mặt trên diễn đàn đặt câu hỏi: liệu TT Obama có đến tiếp phái đoàn ngày 3/5/12 hay đó chỉ là người đại diện? Vị TS này còn nhắc nhở đến tính chất hay tráo trở của người Mỹ, chỉ thích làm những gì có lợi cho họ thôi.
Vâng, chúng tội vẫn biết tổng thống Mỹ sẽ không bao giờ làm những gì có hại cho người Mỹ. Chúng tôi cũng không quên rằng chúng tôi đã từng bị đâm sau lưng, đã bị bỏ rơi. Nhưng với môt số lượng chữ ký như thế, chúng ta vẫn hy vọng rằng TT sẽ làm một điều gì đó có lợi cho người Việt chúng ta. Chúng tôi vẫn hy vọng ít ra cũng cứu được Việt Khang và những người yêu nước khỏi cảnh tù tội. Cho dù không phải đích thân TT tiếp kiến, sự hiện diện của phái đoàn người Việt tại tào Bạch Ốc cũng đã nói lên một điều gì đáng tự hào rồi. Chúng ta không tự hào sao được khi ý chí của chúng ta được tập trung lại như thế này. Rồi đây, khi có việc cần làm, có lẻ chúng ta cũng sẽ tập họp lại như thế! Nhưng điều chúng tôi vẫn hy vọng rằng chúng ta lúc nào cũng nên đề phòng trước những âm mưu chia rẻ của kẻ thù. Một tiếng nói thiếu suy nghĩ của quý vị sẽ có một tác dụng thật tai hại. Và quý vị có còn cười được không khi quý vị nghe được tiếng cười của kẻ thù sau lưng quý vị.
Song Long
24 thg 2, 2012
Người Trí Thức Đưa Đất Nước Đi Lên
Người Trí Thức Đưa Đất Nước Đi Lên.
Nguyễn Quang Duy
Hoa Kỳ luôn giữ vai trò cường quốc số một thế giới là nhờ đã đặt giá trị của con người đúng mức. Nhất là giá trị những người trí thức. Về lý thuyết Hoa Kỳ có cả một trường phái kinh tế học ra đời vào những năm 1980, chứng minh được tăng trưởng và phát triển quốc gia tùy thuộc vào tri thức (new growth theory).
Dựa vào lý thuyết và thực tiễn chứng minh được, người theo trường phái này hướng đến những chính sách xây dựng môi trường phát huy và tận dụng những tài sản trí tuệ nhân lọai. Họ cổ vũ việc các quốc gia muốn phát triển cần tôn trọng nhân quyền, dân chủ, tự do và khuyến khích một thế giới tự do trên mạng tòan cầu.
Việt Nam Tồn Tại Trong Suy Thóai – Chết Lâm Sàng
Gần đây diễn đàn BBC mở ra một cuộc tranh luận về vai trò của những người trí thức trong hòan cảnh Việt Nam hiện nay. Một hòan cảnh mà ông Nguyễn Phú Trọng phải công khai bàn đến việc chỉnh đốn đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tránh sụp đổ. Còn ông Lê Khả Phiêu diễn tả “Đảng tồn tại trong suy thoái”.
Đảng Cộng sản lại là đảng cầm quyền vì thế đất nước cũng luôn trong cùng một tình trạng: tồn tại trong suy thóai. Theo cách nói của Giáo Sư Ngô Bảo Châu là Việt Nam đang chết lâm sàng.
Trí Thức Ta – Trí Thức Nô Lệ
Mồng một Tết, trên diễn đàn BBC nhà văn Võ thị Hào lập luận lịch sử Việt Nam là lịch sử của những người nô lệ. Ngày nay đại đa số người làm việc bằng trí óc chỉ vì miếng ăn ngon. Họ vẫn là những người nô lệ.
Bà Hào cho rằng trí thức như bộ não của xã hội. Nếu xã hội không có trí thức thì cũng như con người không có bộ não. Nói theo kiểu của nhà văn Phạm thị Hòai thì độ cao trí tuệ của người trí thức Việt Nam chỉ tính từ cái cổ trở xuống. Đó chính là lý do Việt Nam vẫn thua xa các nước trong vùng.
Thợ Văn, Thợ Báo, Thợ Vẽ, Thợ Thơ, Thợ Dạy, Thợ Nhạc …
Cũng ngày đầu năm được nhà văn Phạm thị Hòai phỏng vấn, nhà báo Lê Phú Khải diễn tả trí thức Việt Nam ra hình hài “người” hơn. Ông Khải cho biết: “Theo tôi thì ở Việt Nam, trừ một số ít trí thức có tư duy độc lập còn thì không có đội ngũ trí thức đúng với tên gọi, đúng với nội hàm của nó. Cái gọi là tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa là những người do Đảng đào tạo nên để làm công chức cho Đảng. Vì thế Đảng nói gì họ nghe nấy, Đảng bảo sao họ làm vậy, vậy thôi.”
Những công chức của “Đảng” bao gồm nhà văn, nhà báo, giáo sư, họa sỹ, nhạc sỹ … nghĩ cho cùng chỉ là thợ viết văn, thợ viết báo, thợ dạy, thơ vẽ, thợ viết nhạc, thợ làm thơ … không hơn không kém. Việt Nam chỉ là một cơ xưởng “sáng tác”. Họ sáng tác theo mệnh lệnh của “Đảng” và nhằm phục vụ “Đảng”. Lẽ đương nhiên khi làm người, ai cũng muốn vươn lên, nhưng chính cái hệ thống của “Đảng” đã không tạo cơ hội hay cho phép họ trở thành người trí thức.
Khi đảng Cộng sản không còn tư tưởng để bám víu, không còn quyền lực để ban hành mệnh lệnh, tầng lớp công chức “Đảng” trở nên tê liệt, ù lỳ, thiếu khả năng “sáng tác” và trở thành gánh nặng xã hội. Xã hội lâm vào tình trạng chết lâm sàng.
Trí Thức Tây – Những Con Người Tự Do
Trong khi những người thuộc thế hệ trước hết sức bi quan, được báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần phỏng vấn Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết “vẫn đầy niềm tin tương lai”.
Được hỏi về vai trò của trí thức ông Bảo Châu cho biết: “Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.” Cách suy nghĩ của Giáo sư Bảo Châu là cách suy nghĩ của một người được đào tạo và làm việc trong môi trường Khoa Học thực nghiệm Tóan Tây Phương. Tạm gọi là Trí Thức Tây.
Phương cách giáo dục thực nghiệm của Tây Phương đào tạo những con người biết suy nghĩ, tự tìm và tự giải quyết vấn đề một cách thuần lý. Từ đó, xã hội đánh giá sự đóng góp của cá nhân qua những thành quả có thể đo lường được. Những công trình được phổ biến trên các tạp chí các diễn đàn chuyên môn. Những bằng sáng chế được quốc tế công nhận. Những sản phẩm cả tinh thần lẫn vật chất nhằm phục vụ cho nhân quần xã hội.
Từ phương cách giáo dục thực nghiệm những người làm chuyên môn đều tích cực tranh luận trên các lãnh vực chuyên môn nhằm tìm ra sự thực hay phát hiện những điều mới mẻ. Kiến thức của họ truyền đạt, chuyển hóa, tích lũy và biến thành kiến thức chung của nhân lọai. Ảnh hưởng và uy tín của họ phát xuất từ khả năng chuyên môn mà họ truyền đạt và đóng góp cho xã hội. Trường hợp của Giáo sư Bảo Châu là cụ thể và rõ ràng nhất.
Vì làm việc trong một môi trường xã hội hòan tòan tự do và những đóng góp đều được xã hội tôn trọng đúng mức, những người làm chuyên môn Tây Phương thường rất ít tham gia vào những cuộc tranh luận về chính trị hay chính sách. Nói đúng ra họ ít có cơ hội để cất tiếng phê phán chính sách của các chính phủ do dân chúng bầu ra.
Những Con Số Biết Nói
Theo thống kê, trong 5 năm 2006-2010, số bằng sáng chế được quốc tế công nhận đứng đầu là Mỹ với 1.000.900 bằng, đứng thứ 2 là Nhật Bản 197.075 bằng. Trong khi ấy Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế, thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Điều oái oan là riêng tại Hoa Kỳ ước tính có khoảng hơn 280 nhà phát minh người Mỹ gốc Việt được cấp bằng sáng chế, chỉ riêng Tiến sỹ Đoàn Trung đóng góp 72 bằng.
Có thể vì nhận ra điều này giáo sư Ngô Bảo Châu quyết định về Việt Nam mỗi năm 3 tháng điều hành Viện Toán Cao Cấp. Giáo sư Bảo Châu cho biết: “hiện nay tỷ lệ giảng viên toán có trình độ tiến sỹ chỉ là một con số rất nhỏ, quan trọng hơn tỷ lệ giảng viên toán có các công trình nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế nào đó lại là một con số vô cùng nhỏ.”
Thực trạng khoa học nêu trên là do đảng Cộng sản luôn tự cao tự đại cho rằng họ là đỉnh cao của trí tuệ lòai người, do phương cách điều hành “hồng hơn chuyên”, và nhất là do thiếu hẳn một môi trường tự do cho sáng tạo.
Hành Động Theo Cừu
Ở Tây Phương người khoa bản khi được thụ phong giáo sư đòi hỏi phải có ý kiến về các chính sách của chính phủ ảnh hưởng đến chuyên ngành và đến xã hội. Họ thường là tiếng nói của Viện Đại Học họ đang làm và phải sẵn sàng để nhận lãnh vai trò cố vấn cho chính phủ khi được mời.
Trong khi ấy giáo sư Châu lại cho rằng người trí thức “không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.” và xác nhận “Nói đến chuyện thay đổi chính sách là tôi lại băn khoăn. Hình như cái mà ta làm cho đến nay là thấy cái gì chưa ổn thì ta sửa lại, sắp xếp lại, mà ít để ý đến sự vận động tự nhiên của cuộc sống.”
Giáo sư Bảo Châu đã nhận ra cái hệ thống mà giáo sư đang phục vụ, vận động phản tự nhiên, nói theo từ chính trị là “phản động”. Đương nhiên ông phải biết thực trạng Việt Nam không có một môi trường sinh họat tự do. Đảng Cộng sản luôn ôm đồm lãnh đạo mọi thứ. Buồn thay giáo sư Châu lại cho rằng những người trí thức như ông không có vai trò để đưa ra một hướng đi cụ thể nhằm xây dựng một xã hội, một nền khoa học tự do cho Việt Nam. Ông đơn thuần làm khoa học.
Giáo sư còn cho biết “những khó khăn mang tính chất hành chính thì vẫn muôn hình vạn vẻ, nhưng tôi hi vọng giai đoạn này cũng sẽ chóng kết thúc để năng lượng được dồn vào những việc thật sự bổ ích là làm khoa học.”
Ngừơi viết cũng chưa bao giờ thấy các giáo sư tại Úc than phiền như trên. Tại Úc, người khoa bản đều biết tự trọng không luồn lách qua nhưng thủ tục nhiêu khê cho được việc. Ngược lại họ là những người luôn công khai đóng góp những phương cách để tháo gỡ những bế tắc hành chánh khi có chuyện xẩy ra. Với họ đây cũng chính là những đóng góp thực sự cho sự thăng tiến xã hội.
Mặc dù cho rằng người trí thức “không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.”, Giáo sư Châu quan niệm: “… cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.” Xã hội chết lâm sàng cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam tồn tại trong suy thóai.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi có nhận xét như sau: "Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã nói đến cái phần sau là nếu không có phản biện thì xã hội chết lâm sàng. Nhưng trách nhiệm của cái xã hội chết lâm sàng ấy không đặt vào vai của trí thức thì đặt vào vai ai". Người trí thức làm việc bằng lý và được đào tạo để làm sáng tỏ vấn đề nên khi họ phê phán hay tranh luận dễ thuyết phục người nghe. Vì thế công việc phê phán chính yếu là công việc của người trí thức.
Mâu thuẫn trong lời nói dễ dẫn đến mâu thuẫn trong hành động. Trước đây giáo sư Châu cho rằng “…bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do.” Thế nhưng nếu người tự do khi sống giữa những người nô lệ lại không có tiếng nói hướng dẫn người nô lệ đứng lên đòi quyền tự do, thì có khác chăng ngừơi tự do sống giữa đàn cừu lại hành động theo cừu. Theo cách nói ông bà ta “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Những Câu Hỏi Cho Giáo Sư Bảo Châu
Ở Tây Phương trong vai trò giáo sư và giám đốc Viện Toán Cao Cấp, Giáo sư Bảo Châu phải trả lời những câu hỏi về các chính sách của chính phủ, có ảnh hưởng đến Viện ông điều hành và đến chuyên ngành Tóan Học. Nhất là khi Viện Tóan Cao Cấp vừa được thành lập với kinh phí 650 tỷ đồng hơn 30 triệu Mỹ Kim.
Tiến sỹ Vũ Duy Mẫn (United Nation New York) có một số câu hỏi như sau: Liệu toán học có phải là ngành cần đầu tư phát triển nhất ở Việt Nam? Khoa học xã hội, nông nghiệp hay môi trường có xứng đáng được ưu tiên phát triển hơn và mang lại nhiều lợi ích trực tiếp hơn cho đất nước ? Việt Nam là nước đang phát triển, còn rất nghèo, có nền toán học chưa tiên tiến. Vậy tại sao lại “hào phóng” đầu tư nghiên cứu toán cao cấp để có thể người được hưởng lợi nhiều chưa chắc đã là Việt Nam? Mục tiêu phấn đấu “đến năm 2020 toán học Việt Nam có thứ hạng thứ 40 trên thế giới” có ý nghĩa gì ? và thực chất có đáng để đầu tư hay không ? Nhiệm vụ cụ thể và đòi hỏi trách nhiệm giải trình của Viện trước chính phủ là gì ?
Các câu hỏi nêu trên xuất phát từ bài “Gíao Sư Ngô Bảo Châu tiết lộ ‘bí mật’ của Viện Toán cao cấp” đăng trên báo Giáo duc Việt Nam. Các câu hỏi nêu trên dễ dẫn đến kết luận nhà nước cộng sản đưa tiền thuế của dân cho Viện chỉ để xây dựng một tháp ngà tóan học tại Việt Nam đánh bóng cho đảng Cộng sản.
Sống và làm việc tại các quốc gia Tây Phương mọi việc đều minh bạch, nếu Giáo Sư muốn giữ gìn uy tín, Giáo Sư hay ai đó trong Viện phải trả lời rõ ràng các câu hỏi nêu trên.
Giáo Sư Bảo Châu Nên ở Phương Tây
Cũng vì Việt Nam chưa có một môi trường sinh họat tự do nên tuyệt đại đa số những chuyên gia được đào tạo và làm việc chuyên môn tại Tây Phương đều ngao ngán khi nghĩ đến việc về nước phục vụ dù chỉ là ngắn hạn. Một số rất nhỏ trở về, nhưng lại trở ra với những nỗi thất vọng tràn trề. Những người này thường quan niệm đơn giản không muốn tham gia chính trị, phi chính trị thậm chí không muốn biểu lộ quan điểm chính trị. Thế nhưng khi về Việt Nam họ mới nhận ra chính trị do “Đảng” lãnh đạo bao trùm mọi vấn đề.
Người viết trân quý tâm và tài của Giáo sư Bảo Châu. Nhưng qua những việc kể trên và phương cách Giáo sư Bảo Châu giải quyết và ngụy biện, người viết tin rằng giáo sư đã chọn sai đường khi trở lại Việt Nam. Nếu ông ở Hoa Kỳ hay Pháp ông sẽ dành thời giờ qúy báu đóng góp cho khoa học cho nhân lọai thay vì về Việt Nam làm việc. Làm như thế ông được cả nhà cầm quyền cộng sản lẫn dân chúng tôn trọng và lắng nghe hơn.
Trí Thức Cổ Hủ - Trùm Chăn
Trả lời góp ý của Blogger Bọ Lập (Nguyễn Quang Lập), Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết định nghĩa về trí thức của ông là “ hơi cổ hủ ” giống như trí thức “trùm chăn”.
Cũng theo ông vai trò lên tiếng không phải của riêng người trí thức mà là của người nông dân, của người doanh nhân, của mọi người. Điều ông nhận xét hòan tòan đúng trong một môi trường tự do. Ở đó mọi người đều được huấn luyện, có cơ hội, có tự do và bình đẳng như nhau. Tại Việt Nam khác xa người nông dân, người doanh nhân, … thậm chí mọi người mất đi cái quyền được nói. Họ sợ nói khác “Đảng” sẽ bị khép cho các từ “phản động chống Đảng”.
Cũng ngày mồng một Tết Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đưa tin: “Ông Dư Kiệt, Phó Hội trưởng Hội Văn bút Độc lập Trung Quốc, mới đây đã sang Hoa Kỳ tị nạn, cho biết tại một cuộc họp báo ở Washington rằng ông đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc tra tấn một cách tàn nhẫn và đe dọa chôn sống.” Thân phận của người trí thức Việt Nam cũng không khác mấy, thậm chí còn tệ hại hơn thân phận của người trí thức Trung Hoa.
Vì thế chỉ một thiểu số người có học hàm khôn khéo và can đảm cất tiếng nói. Những người trí thức này được xã hội lắng nghe hơn. Đừng nghĩ rằng họ muốn độc quyền phản biện mà ngược lại họ ao ước thêm người cùng cất tiếng nói, để họ có thể nói mạnh hơn mà lại ít nguy hiểm hơn. Quan sát kỹ tình hình sẽ dễ dàng nhận ra điều này.
Bởi thế thay vì về Việt Nam xây dựng một tháp ngà tóan học để đánh bóng cho đảng Cộng sản, không ít người kỳ vọng Giáo sư Châu nên cân bằng nỗ lực để xây dựng một môi trường xã hội và khoa học tự do.
Trên báo Sinh viên Việt Nam số Tết, được đăng lại trên blog cá nhân của Giáo sư Bảo Châu, khi được Lê Ngọc Sơn hỏi “Trí thức cần gì nhất, theo Giáo sư?” ông đã trả lời “Tự do”. Không phải chỉ riêng người trí thức cần nhất là tự do, mà mọi người Việt Nam đang cần nhất hai chữ Tự Do. Thế nên khi Giáo Sư Bảo Châu phát biểu tạo ra không ít dư luận đối nghịch là một chuyện bình thường.
Điều bất bình thường là nếu Giáo sư Châu không nhận ra vấn đề và tiếp tục tự mâu thuẫn chính mình.
Trí Thức Dấn Thân
Trái với quan niệm trí thức cổ hũ, Tiến sĩ Jean-Francois Sabouret, một học giả của Pháp chuyên nghiên cứu về các vấn đề châu Á, cũng được BBC phỏng vấn về vai trò của trí thức trong quá trình biến đổi xã hội, ông cho rằng: “người trí thức "không có sự lựa chọn nào khác" ngoài dấn thân và tiếp tục dũng cảm lên tiếng vì lợi ích chung của xã hội, cộng đồng và nhân loại, dù là họ ở Pháp, ở Việt Nam hay ở bất cứ đâu.”
Ông còn nhận xét "Những người trí thức Việt Nam phải tranh đấu thôi. Họ phải đoàn kết lại. Họ phải xuất bản những tạp chí, những trang web mà tại đó họ phải phản biện, phải có đầu óc phê phán. Đương nhiên điều đó là không đơn giản. Nhưng người ta chỉ có thể bắt bớ một, hay một vài người thôi, chứ làm sao có thể bắt bớ cả một dân tộc được? Điều đó là không thể!"
Được đài BBC phỏng vấn về ý kiến nói trên, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện cho biết hiện nay đang là lúc Việt Nam "hơn bao giờ hết" cần đến tiếng nói phản biện xã hội của giới trí thức để giúp cho xã hội chuyển biến "ngày một tốt đẹp."
Ông Diện cho rằng trí thức hiện nay cần phải có hai yếu tố: "Thứ nhất là tinh thần tự nguyện. Tự nguyện tức là tự gánh vác lấy. Không chờ là mình phải có chức vụ; không chờ mình được sai bảo hay phân công thì mới lên tiếng. Và thứ hai, ngoài vấn đề tự nguyện, thì phải có sự dấn thân. Tức là phải tham gia vào việc phản biện xã hội, để cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn lên.”
Nô Lệ Tư Tưởng
Đầu năm 2006, trên diễn đàn BBC ông Nguyễn Trung cho rằng đang là “thời cơ vàng” để đảng Cộng sản đổi mới. Ông tự đặt câu hỏi “kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là ai?” Người viết đã góp ý như sau “kẻ thù của đảng Cộng sản chính là chủ nghĩa Mác – Lê”.
Cái khó nhất để làm người tự do là phải lột bỏ tư tưởng nô lệ. Chính việc ông Mác đề cao đấu tranh giai cấp và lấy mục tiêu xã hội cộng sản làm tiêu chí cho mọi suy nghĩ và hành động, mà ngày nay đảng Cộng sản mới phải lâm vào tình trạng tồn tại trong suy thóai. Nói theo Giáo sư Bảo Châu là “chết lâm sàng”.
Không nhận ra thân phận nô lệ tư tưởng, đảng Cộng sản lại công khai cho rằng tự phê bình và phê bình là đủ để họ trở nên trong sạch hơn và sáng suốt hơn. Lẽ ra họ phải mở rộng phê phán giữa lý thuyết với thực tiễn thì mới dứt bỏ được tư tưởng nô lệ. Không nhận đúng bệnh thì thuốc uống chỉ rút ngắn ngày tàn.
Đầu năm nay sống ở hai thế giới khác nhau một cộng sản một tự do, ông Nguyễn Trung và người viết, khi nghĩ về đất nước lại cùng chung những ước mơ (1) Con người tự do; (2) Thể chế chính trị dân chủ; (3) Đất nước có hòa bình ổn định; và (4) Tất cả dựa trên căn bản của một nền giáo dục chân chính.
Cùng những ước mơ thế nhưng giữa hai người lại có hai hướng giải quyết khác nhau. Ông Trung kêu gọi khép lại quá khứ. Trong khi người viết lại tin rằng vai trò của người trí thức không những chỉ để tìm ra sự thật hiện tại. Người trí thức Việt Nam còn phải truy tìm, làm sáng tỏ và phổ biến những sự thực lịch sử. Có xây dựng được một lịch sử khách quan trung thực thì vết thương dân tộc mới có cơ may khép lại để chúng ta cùng hướng đến tương lai.
Trí Thức Chống “Đảng”
Nhà báo Lê Phú Khải còn cho biết cá nhân ông không cần sự lãnh đạo của “Đảng” vì thế đã từ chối vào “Đảng”. Vì Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo toàn diện, triệt để và trực tiếp của “Đảng”. Sự phủ nhận độc quyền lãnh đạo của “Đảng” đồng nghĩa với chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc chống “Đảng”, chống nhà nước cộng sản ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống cả tinh thần lẫn vật chất. Thậm chí còn ảnh hưởng đến đời con đời cháu người chống “Đảng”. Bởi thế theo người viết những người trí thức dứt khóat không chấp nhận sự lãnh đạo của đảng Cộng sản thật hiếm, thật đáng quý, thật đáng trân trọng.
Khi Giáo Sư Trung Hoa Lên Tiếng
Cũng lại ngày đầu xuân trong khi giới trí thức Việt Nam đang tranh luận về vai trò của trí thức thì hàng trăm dân Hồng Kông đã tụ tập biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ về lời phát ngôn của một giáo sư lục địa gọi họ là con hoang, là đồ chó. Phát xuất từ những va chạm ngôn ngữ, tập quán, pháp lý và văn hóa giữa dân Hồng Kông và dân Lục Địa ngày một gia tăng, Giáo sư Khổng Khánh Đông đã chính thức lên Đài Truyền Hình Trung Ương (V1CN) dùng những ngôn ngữ thô tục nói trên.
Điều cần nói là giáo sư Khổng Khánh Đông, đang dạy môn Trung Văn tại Viện đại học Bắc Kinh, ông là cháu đời thứ 73 của Khổng Tử. Khổng Học lại là một môn học đang được nhà cầm quyền Bắc Kinh công khai tài trợ. Các Viện Khổng Học đang mọc lên như nấm để truyền bá Khổng Học theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa và mang sắc thái Trung Hoa Cộng sản.
Cũng may nền Khổng Học nói trên này vẫn còn rất phôi thai tại Việt Nam vì văn hóa Việt Nam không thể chấp nhận các nhà khoa bản ăn thô nói tục như ông Khổng Khánh Đông. Người viết tự tin không mấy người Việt xem ông ta là người trí thức.
Tạm Kết
Đầu Xuân Nhâm Thìn rõ ràng các trí thức Việt Nam đang nhập cuộc dấn thân. Họ bao gồm cả những trí thức từ Phương Tây trở về hay những người đã được đào tạo trong hệ thống cộng sản trước đây. Qua cuộc tranh luận về vai trò trí thức chúng ta có thể thấy được sự khác biệt giữa trí thức theo “Đảng” và trí thức chống “Đảng”, giữa trí thức Ta và trí thức Tây, giữa trí thức cổ hủ và trí thức dấn thân. Thật ra còn nhiều lọai trí thức khác. Tìm hiểu, phê phán nhưng tôn trọng lẫn nhau đó chính là điểm son của những người trí thức Việt Nam.
Qua đó chúng ta có thể thấy rõ trách nhiệm của người trí thức ngày nay và tương lai có những ưu tiên khác nhau. Người trí thức hôm nay cần nhận vai trò dấn thân xây dựng môi trường tự do để Việt Nam không chết lâm sàng. Người trí thức mai sau lãnh trách nhiệm xây dựng và phát triển quốc gia.
Người trí thức Việt Nam như những cánh én báo một mùa xuân về cho dân tộc. Người trí thức đưa đất nước đi lên.
Nguyễn Quang Duy
23 thg 2, 2012
CHỐNG CỘNG BẰNG MỒM
CHỐNG CỘNG BẰNG MỒM .
Người lính già oregon
Thỉnh thoảng lên mạng, tôi đọc được những bài viết hùng hổ hoặc mỉa mai, phỉ báng và mạ lị những người bị gán cho nhãn hiệu là “chống Cộng bằng mồm”. Tác giả của những bài viết ấy đều nặc danh hoặc ký tên ma, khiến không thể trả lời trực diện được. Và vì nặc danh, ai cũng có quyền nghĩ rằng có thể đó là bọn “ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản” ẩn núp trong bóng tối, dưới hang ổ như loài chuột chũi, nằm rình cơ hội để chõ mõm ra chửi bới, rồi rút êm, mà không sợ bị ăn đòn công luận.
Hoặc có thể là bọn đầu sỏ Việt Cộng ra lệnh cho tay sai, nằm vùng, trở cờ, và công an mạng thực thi Nghị quyết 36 của đảng tại những cộng đồng, đoàn thể, hội đoàn, diễn đàn thân hữu ở quốc ngoại.
Hoặc có thể là một vài ngài phe ta, tuổi trên sáu, bảy bó, ở không, nghỉ việc, lãnh tiền bệnh, tiền hưu, tiền trợ cấp xã hội, hễ có dịp là mắt trước mắt sau lén bà vợ già vù về nước ôm bồ nhí, xây lâu đài tình ái tại chỗ, và sợ rằng nếu người ta lên tiếng chửi VC quá, chúng sẽ làm khó dễ, cản trở giấc mơ hồi hương cuối đời. Những ông già ham vui này, tuy vậy, vẫn còn được thông cảm hơn là bọn trở về làm ăn, buôn bán với VC.
Hoặc có thể là những kẻ chết nhát, tại những cộng đồng, loại người đứng ở giữa, ba phải, ba rọi, bầy nhầy, nửa nạc nửa mỡ, theo chủ nghĩa mackeno-ism (mặc kệ nó), sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi, trong số có cả cựu quân nhân, lãnh đạo tôn giáo, văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, trí thức, bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư, luật sư, giáo sư, cựu sinh viên, thương gia... luôn vỗ ngực: “tôi không làm chính trị” – nhưng không hiểu từ ngữ “chính trị”, “làm chính trị” là cái gì sốt. Tôi nêu ra một số thành phần xã hội tự nhận là “tỵ nạn Cộng sản” trên, một cách chung chung như vậy, không ám chỉ một cá nhân nào, một tiểu bang nào, nhưng rơi vào ai, người đó nhột, và đừng lên tiếng trách cứ kẻo “lạy ông con ở bụi này”.
Nhân tiện, và trước tiên, vì những người ấy không hiểu, hoặc giả vờ không hiểu, “chính trị” và “làm chính trị” như thế nào, tôi xin mạo muội giải thích rằng chống Cộng, đặc biệt Việt Cộng và Tàu Cộng, bảo vệ lý tưởng quốc gia –mà biểu tượng là lá cờ vàng ba sọc đỏ – không phải là "chính trị" hay “làm chính trị”. Đó là bổn phận thiêng liêng, nhiệm vụ đương nhiên đối với quốc gia, đất nước của những người chưa quên mình là tỵ nạn Cộng sản, chưa quên ngày nào đã chạy trối chết ra ngoại quốc để năn nỉ xin định cư vì "lý do chính trị”. Còn “chính trị” theo nghĩa đảng phái, đoàn thể xôi thịt, sa lông, tranh giành ảnh hưởng, quyền lực này nọ là một chuyện khác, xin đừng cố tình lẫn lộn, nhập nhằng.
Cá nhân tôi và một số nhân sĩ thân hữu, trước đây, cũng vì viết những bài chống Cộng, đã bị bọn xấu, toàn là nặc danh tại Oregon tuần nào cũng mang ra chửi ra rả trên một tờ báo địa phương (nay đã tự xin chết vì không ai đọc, thiếu quảng cáo, nghĩa là hết tiền) và thỉnh thoảng bây giờ trên mạng. Dĩ nhiên, đối với bọn nặc danh, chúng tôi không thể hạ mình đôi co. Chúng lên án tôi "chống Cộng quá khích”, “mù quáng”, “cực đoan”, “không khoan nhượng” v.v..., chê những "đồng chí" của tôi là “chỉ biết chống Cộng bằng mồm, từ 36 năm qua, chưa thấy kết quả gì”.
Về một khía cạnh nào, tôi không lấy thế làm phiền. Trái lại, rất vui, vì tuy chê, nhưng chúng vô tình khen chúng tôi đấy thôi. Vì càng chửi, chúng càng để lộ nhược điểm: chúng đã bị thương tích trầm trọng vì ngón võ mồm – vũ khí duy nhất mà những người quốc gia tỵ nạn chúng ta còn có, sau khi chiến tranh bằng súng đạn đã ngưng.
Những bài báo của những “võ sĩ mồm” quốc gia trên khắp thế giới đã đập thẳng vào đầu con rắn dữ VC, nếu không bị giập chết, thì cũng ngất ngư, liểng xiểng. Chính vì vậy mà tuy đã tung ra hàng triệu Mỹ kim để phá hoại tập thể người Việt quốc gia tỵ nạn, thi hành cho bằng được Nghị quyết 36, mà cho đến hôm nay, VC vẫn chưa chiếm nổi một cộng đồng người Việt quốc gia tỵ nạn nào, chưa có một chủ tịch cộng đồng nào bán thân cho VC, kể cả tại California đông người Việt – nơi chúng đã bỏ ra rất nhiều tiền của, công sức, hoạt động mạnh – và chưa treo được lá cờ máu ở bất cứ nơi nào, treo lên là bị hạ xuống ngay. Hễ chúng ló đuôi ra là bị chặt liền bằng những bài báo, emails nghiêm khắc, bằng những buổi hội họp lên án sôi nổi, bằng những cuộc biểu tình rầm rộ.
Vụ Trần Trường treo hình Hồ Chí Minh và lá cờ đỏ sao vàng là một thử nghiệm thảm bại đối với VC – đã phải xếp giáp qui hàng trước sức mạnh vũ bão, và quyết tâm tiêu diệt VC và bè lũ tay sai, của tập thể người Việt quốc gia, không chỉ ở California mà còn khắp Mỹ quốc và thế giới. Những tờ báo thân Cộng, như Việt Weekly, công khai làm lợi cho VC, đều bị độc giả tẩy chay, biểu tình chống đối, không ngóc đầu lên được. Lũ tay sai khuyển mã của VC không dám xuất hiện nơi đâu, và giống như những chủ nhân VC của chúng, đi đến nơi nào cũng đều bị người quốc gia xua đuổi, nguyền rủa. Chưa kể những tên phản bội nổi tiếng, Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy, Nguyễn Hữu Liêm...
Chúng ta không có súng đạn. Vũ khí của chúng ta chỉ là võ mồm. Không ai chối cãi điều đó. Chúng nó, Việt Cộng và tay sai, cũng đánh chúng ta bằng mồm, dĩ nhiên. Nhưng tại sao ta thắng, chúng thua? Vì chính nghĩa đã đành. Nhưng còn vì hai lý do chính yếu:
1) Khi đánh chúng nó, ta xưng danh tánh đường hoàng, dùng những bút hiệu được kiểm chứng, như Người Lính Già Oregon tôi đây, có người cho cả số điện thoại, địa chỉ email. Cũng giống như những ông tướng Tàu ngày xưa (rất quân tử, dù là quân tử Tàu) mỗi lần ra trận đều cho đối phương biết mình là ai trước, vì họ không đánh người dưới cơ, hoặc gốc gác cu-li, khố rách áo ôm, đâm thuê chém mướn. Còn VC và tay sai? Chúng hành động không khác chi những tên thổ phỉ, đúng hơn, quân ăn trộm bịt mặt. Như vậy, giữa chính danh quân tử và phường vô lại, công luận sẽ nghiêng về ai? Một điều đáng chú ý là khi đánh những người quốc gia, để khỏi lộ hành tung VC hoặc tay sai VC, bọn nặc danh không dám đề cập đến lập trường và thành tích chống Cộng của họ, nói chi dám tranh luận, mà chỉ bươi móc đời tư, tra vấn bằng cấp, tước vị, cố tình bôi nhọ cá nhân, đúng sai chúng không cần biết...
2) Ta đánh đúng và chúng đánh sai. Chúng bịa nhiều chuyện có tính cách cá nhân và xuyên tạc những việc làm của những nhân sĩ chống Cộng, và qua đó tiếp tục áp dụng câu cũ rích của Joseph Goebbels (1897-1945), bộ trưởng tuyên truyền Đức quốc xã, dựa trên chủ thuyết “the big lie”: “Hãy nói dối, nói dối, nói dối. Nói dối riết một ngày người ta sẽ tin là thật.” Chúng quên rằng, ở thời đại internet này tin tức đi nhanh như tên bắn và sự thật được kiểm chứng một cách dễ dàng, không như vào thời của bà mẹ Tăng Tử hay thời mà Hồ Chí Minh còn chui rúc ở hang Pắc Pó, nằm thêu dệt cho mình nhiều huyền thoại lố bịch, thời mà chúng tuyên truyền phét lác rằng, ví dụ, máy bay Mig của chúng bay lên, rồi "tắt máy phục kích trong mây, chờ B-52 đến bắn rơi cả ngàn chiếc", thời mà những bà già nhà quê và trẻ em ngoài Bắc ném đá vào những sĩ quan đi tù cải tạo, chửi là “quân giết người, hiếp dâm phụ nữ, ăn thịt trẻ con...”.
Ngược lại, chúng ta không cần phải bịa đặt, nói dối. Chỉ cần nói một phần tư (1/4) sự thật thôi về chúng, trong quá khứ cũng như hiện tại, cũng đủ thắng. Không cần phải lặp lại câu nói để đời của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng tin những gì Việt Cộng nói...” Tất cả sự thật nằm trên mạng thế giới, với đầy đủ tài liệu, báo chí quốc tế kèm theo dữ kiện, hình ảnh, âm thanh, video, audio... Chẳng hạn về tiểu sử, những lá thư tình và thư xin học trường Thuộc Địa, thành tích dâm ô của Hồ Chí Minh, về văn thư bán biển của lũ lãnh đạo VC trước kia, về mật ước bán đất của lũ lãnh đạo bây giờ... Đủ cả. Chỉ cần chúng ta viết bài, lên tiếng, quảng bá cho đồng bào trong và ngoài nước biết. Võ mồm đấy! Cần gì súng đạn và những căn cứ kháng chiến trên đất Thái, đất Lào của ông Hoàng Cơ Minh? Cần gì chất nổ của ông Nguyễn Hữu Chánh? Các cuộc cách mạng hoa lài, hoa sen ở Bắc Phi, Ai Cập, Lybia... đều nhờ vào những thông tin mạng. Nếu không sợ võ mồm, tại sao ở Việt Nam bây giờ, nghe nói, bọn lãnh đạo phải thành lập một biệt đội Công an Mạng chuyên truy cập lý lịch của những người chống Cộng có bài đăng trên các diễn đàn trong nước và hải ngoại, kiểm soát cư dân mạng, bắt những địa điểm cho thuê internet “đăng ký” xin giấy phép và khai báo tên khách hàng khi cần? Xử dụng võ mồm, chúng ta hãy đánh tối đa, nghĩa là chúng chửi một, ta chửi mười, theo cung cách riêng của mỗi tác giả, lịch sự hay thẳng thừng, tùy cơ ứng biến, tùy người đối diện.
Một chi tiết tôi cũng xin phép chia sẻ với quý vị và các bạn đồng lập trường: Ngoài những bài viết nghiêm chỉnh về tội ác của VC, về lý thuyết Mác-Lê mà đa số những thằng VC thất học không hiểu, hoặc hiểu mà chúng chẳng quan tâm, miễn là làm sao vơ vét, kiếm tiền nhiều chừng nào tốt chừng nấy, theo thiển ý, ta nên phổ biến thêm những bài có tính cách châm biếm, lố bịch hóa chúng, chế nhạo chúng bằng cách lôi ra ánh sáng chính con người chúng từ những hang hốc của quá khứ tối đen, tối mù, kể từ sau ngày 30/4/75 khi chúng từ rừng rú chui ra, ốm tong ốm teo, đầu đội nón cối, chân mang dép râu, răng đen mã tấu, nói ngọng, nói phét, khi chúng gọi nhà hộ sinh là “xưởng đẻ”, phòng vệ sinh là “nhà đái, nhà ỉa”, đồng hồ tự động là “cái đồng có ba cửa sổ, không người lái”, đồ lọc cà phê là “cái nồi ngồi trên cái cốc”, v.v... Còn nhiều chuyện khác nữa. Nội cái tên gọi Việt Cộng, VC, Vi Xi, Cộng Phỉ (thời cụ Ngô Đình Diệm) cũng đủ làm chúng tức điên lên (xem sách của các văn nô trong nước). Cứ viết, không sợ lỗi thời, không sợ phản ứng ngược. Phải đánh liên tục vào chính căn cứ địa đã và đang che giấu bản chất, tiềm thức, và mặc cảm của chúng.
Ý kiến này nảy sinh sau khi, một hôm, tôi chợt nghĩ đến thời gian còn trong tù. Quả vậy, bọn cai tù rất khó chịu về bức vẽ “bảy thằng VC đu một cọng đu đủ không gãy” của nhà biếm họa Hiếu Đệ, hình như đăng trên tờ Tiền Tuyến, năm 1972, và được Cục Chính Huấn in ra thành nhiều bản. Tôi không nghĩ tất cả quân nhân thời ấy đã xem, còn nhớ, hoặc để ý bức vẽ độc đáo này –bây giờ thất lạc, không thấy đâu nữa. Tranh vẽ bảy thằng VC, đứa nào cũng có hàm răng cải mả, tranh nhau đu một cọng đu đủ, ốm đói đến mức độ cọng đu đủ, vốn dễ gãy, vẫn trơ trơ, buồn cười lắm. Trong tù, ông họa sĩ bị kiểm điểm, sỉ vả đã đành, mà những sĩ quan CTCT cũng bị vạ lây: không có buổi họp nào về “sự tuyên truyền độc hại và láo khoét của Mỹ ngụy” mà quản giáo không lôi chúng tôi và bức vẽ ra chửi. Mới đây, trên những trang web có những bài hồi ký của cán binh VC cũng nhắc đến bức vẽ này. Chúng hận lắm!
Lúa ấy, tôi hơi ngạc nhiên, hỏi một bạn đồng tù, vốn là nhà văn, nhân viên Việt Tấn Xã, lý do tại sao. Anh ta đáp ngay: “Tại vì bức vẽ đúng quá, chứ còn gì. Không thằng VC nào tự nhận mình xấu trai dù nó xấu trai thật. Còn những tài tử màn bạc như Robert Taylor, Alain Delon, chẳng hạn, nếu bị vẽ như vậy, họ chỉ cười hoặc nhún vai, không tức.”
Thực thế, sau 36 năm học được cái văn minh của Miền Nam, và vơ vét tiền của, tham nhũng, hối lộ, ăn sung mặc sướng, chơi bời thỏa thích, thằng VC nào cũng trở nên mập mạp, da dẻ hồng hào, biết ngồi xe “ô tô con”, biết “múa đôi”, biết hát ka-ra-ô-kê, không dùng những chữ “xưởng đẻ, nhà đái, nhà ỉa” nữa, và muốn xóa bỏ tông tích bần cùng khố rách ngày xưa. Còn bọn lãnh đạo thì thi nhau ra nước ngoài, bắt tay những quốc trưởng trên thế giới. Nhưng cái gốc bần cố nông, răng đen mã tấu của chúng vẫn còn, không làm sao tẩy rửa được. Tuy thắt cà-vạt, đi giày láng coóng, mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, và tuy giỏi hống hách, hà hiếp người dân trong nước, bọn này khi đứng trước bàng quan thiên hạ, trước ống kính, đứa nào cũng khớp sợ, khúm núm, mặt mày lấm la lấm lét như những thằng ăn cắp gà. Bản chất, như chúng thường nói, không bao giờ thay đổi. Chúng cố giấu biến lý lịch rừng rú và không muốn ai nhắc đến. Cho nên Nguyễn Tấn Dũng, một tên du kích giao liên xã ngày trước, bây giờ phải ngụy tạo bằng cử nhân Luật, Phan Văn Khải được trường Harvard mời đến “tham quan” năm 2005, cũng tự nhận mình là cựu sinh viên của trường, Đỗ Mười không bao giờ dám nhắc thành tích thiến heo của mình, Nông Đức Mạnh, con rơi của Hồ Chí Minh, tuyên bố giả lả rằng người Việt Nam nào cũng là con cháu của Bác Hồ. Còn Bác Hồ của chúng, nguyên chỉ là tên bồi tàu, qua Tây kiếm cơm, xin học trường Thuộc Địa để về nước làm quan, nhưng bị từ chối vì tiếng Pháp kém và thiếu bằng cấp, bỗng nhiên trở thành anh hùng cách mạng ra đi tìm đường cứu quốc. Vân vân...
Nói chi xa, chị Dương Thu Hương, một cựu chiến sĩ gái, một cựu đảng viên, một nhà văn “phản kháng” mà tôi cho là cuội "cực kỳ" – đồng lứa mấy anh Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Tô Hải – vì không dám chửi Hồ Chí Minh, tên tội phạm đầu sỏ VN, trong quyển “Tiểu Thuyết Vô Đề”, viết về một tên sĩ quan bộ đội đóng quân trên dãy Trường Sơn trong thời còn chiến tranh đã được chị ta “ngụy hóa” như sau: “Nhưng tôi muốn tận hưởng cảm giác êm ái giữa chăn ấm, để thấy rõ rằng tôi vẫn là tôi [...], chân đi tất thum thủm mồ hôi [...] (Người Lính Già nhấn mạnh)”. Hoặc: “Tôi khoác dây giày, khoác áo [...]” Hoặc: “Chúng tôi đi dọc theo lòng khe [...] Những viên sỏi trượt dưới đế giày làm tôi lao chao muốn ngã [...]. Hoặc: “Phía sau đám cây rùm ròa, phơi ra hai chiếc cẳng chân gầy quắt queo [của một tên lính VC], giày đã rách, bên có tất, bên không.” Xạo quá! Vào thời đó, làm sao mà một tên VC, dù là sĩ quan, có được đôi giày để mang? Sau 30/4/75, chính mắt tôi thấy, chỉ huy cũng như lính VC lếch tha lếch thếch kéo nhau vào Sài Gòn, đứa nào cũng dép râu và nón cối, áo quần luộm thuộm, nhàu nát, cố ngẩng cổ nhìn các tòa cao ốc như những thằng mán về thành. Dương Thu Hương thủ tiêu dép râu ở đâu hết rồi? Ngoài ra, tôi đọc ở đâu đó, bộ đội VC bây giờ cũng được trang bị như lính VNCH xưa kia. Cũng tốt thôi! Điều đó chứng tỏ VC cũng muốn làm đẹp, muốn văn minh như mọi người.
Nhưng chúng ta đâu cho phép, nếu chúng nó không dùng cái đẹp, cái văn minh học lóm ấy để xây dựng nền dân chủ, tự do cho đất nước, cho toàn dân Việt Nam. Cho nên, bằng võ mồm, chúng ta sẽ tiếp tục đánh vào tử huyệt, tức quá khứ bần cố nông mà một thời bọn lãnh đạo VC lấy làm hãnh diện, tôn vinh, và bây giờ lại giấu như mèo giấu c..., cũng như tiếp tục tố cáo tội ác hiện tại của chúng, như là một trong nhiều phương cách chiến đấu hữu hiệu đập tan chế độ phi nhân và, tại ngoại quốc, Nghị quyết 36 lưu manh. Rõ ràng chúng rất sợ thế võ này của ta, nên mới lớn họng chê bai, đả kích. Nhưng đường ta ta cứ đi, mặc ai nói quàng nói xiên. Ngưng đánh võ mồm, nghĩa là im tiếng, bẻ bút, chúng ta chắc chắn sẽ mắc mưu chúng nó. Và
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân
Người lính già oregon
21 thg 2, 2012
Chuyện chẳng có gì hết
Chuyện chẳng có gì hết
Tiểu Tử
Thật vậy, chuyện chẳng có gì hết. Nhưng sao nó cứ đeo theo ám ảnh tôi từ mấy hôm nay. Tôi cứ nghĩ đến nó, nhớ rõ từng chi tiết, hình ảnh, từng xúc động trong lòng mình lúc đó. Để rồi trăn trở băn khoăn, không biết những người khác – những người Việt Nam cũng lưu vong như tôi – có cùng một tâm trạng như tôi hay không, nếu họ chứng kiến câu chuyện chẳng có gì hết này. Đó là lý do tôi muốn kể lại những gì tôi đã nghe thấy cách đây mấy hôm. Và tôi nghĩ : kể lại, chắc sẽ làm nhẹ bớt những gì từ bao lâu nay tôi chất chứa trong lòng…
...Hôm đó, tôi đi mua đồ ở siêu thị. Sau khi kiểm điểm lại những gì mà vợ tôi dặn mua – một danh sách mười mấy món – tôi đẩy xe caddie lại xếp hàng để ra két. Vì đông người nên hàng thật dài, kéo sâu vào hành lang giữa hai dải kệ đầy bánh kẹo. Tôi đứng ở cuối cái đuôi, kiên nhẫn đợi, bởi vì người xếp hàng đã đông mà caddie của người nào cũng đầy ăm ắp.
Phía trước tôi, cách hai người, có ba con đầm tuổi choai choai chắc đi chung nên thấy xô đẩy nhau cười nói. Chúng nó nói chuyện với nhau, nói lớn tiếng như chúng đang ở ngoài đồng và như đứa này cách đứa kia hàng trăm thước ! Một đứa bỗng lấy ra một điện thoại di-động bấm nút rồi nói chuyện. Vì hai đứa kia đang nói lớn tiếng nên nó phải la lớn hơn để người đối thoại mới nghe. Đại khái, nó hỏi : " Hôm qua mày đi với thằng nào ? ... Super... Ừ ! Ừ !... Thằng Alex hả ?... Génial ! ... Ừm ! Ừm ! … Génial ! ... Rồi mày làm sao ?...Ừm ! Ừm !...". Bỗng nó rú lên vừa nhảy cẫng vừa hét vào máy : " Ố ! Ố !...Super ! Super ! Génial !... Ờ… Thôi ! Mày gọi lại tao há ! Bye ! " Nó đóng máy lại mà mắt môi vẫn còn đầy kích động ! Có vài người nhìn nó, nhưng cái nhìn dửng dưng. Chẳng thấy có ai cau mày hay lắc đầu nhè nhẹ để thấy họ có phản ứng, dù là gián tiếp ! Coi như chuyện bình thường…
Tôi thì tôi không chịu được ! Thật là mất dạy. Mà ở xứ Pháp này, cái thứ mất dạy như vậy, đầy ! Chẳng còn nề nếp gì hết, chẳng còn lễ độ gì hết, chẳng còn kiêng nể gì hết. Loạn !
Chính trong lúc đó tôi nghe phía sau tôi giọng đàn bà nói tiếng Việt Nam : " Sophie ! Đừng làm như vậy ! Mẹ nói đừng làm như vậy !". Ngạc nhiên, tôi nhìn lại : đứng ngay sau tôi là một thiếu phụ Việt Nam tuổi độ ba mươi và một đứa bé gái tóc vàng mắt xanh cỡ chừng bảy tám tuổi. Thấy tôi nhìn, cô ta mỉm cười gật đầu chào, rồi tiếp tục nói với đứa con : " Mẹ dạy con làm sao ? Muốn cái gì cũng phải hỏi ý mẹ trước. Thứ này ở nhà con còn tới hai hộp lận, ăn chưa hết mà con lấy nữa làm gì ?" Đứa bé đứng cúi đầu. Cô ta nói tiếp, giọng hơi gằn : " Sophie ! Nhìn vào mắt mẹ nè !" Đứa bé ngước lên nhìn mẹ, đôi mắt xanh chớp chớp. Người mẹ vừa nói vừa chỉ hộp bánh nằm trong caddie : " Con đem hộp bánh trả lại trên kệ hàng cho mẹ ! Đừng làm cho mẹ giận, Sophie !" Đứa bé làm theo lời mẹ, rồi trở về nắm ống tay áo mẹ giựt giựt nhẹ, giọng như sắp ướt nước mắt : " Mẹ đừng giận con, nghe mẹ. Mẹ đừng giận con…"
Ngạc nhiên, tôi nói : " Cháu nói tiếng Việt giỏi quá, há cô !". Mẹ nó cười tươi : " Dạ, lúc nào nó nói chuyện với cháu nó cũng nói bằng tiếng Việt. Còn nói với ba nó thì nó nói tiếng Pháp". Rồi cô ta quay qua nói với con : "Chào ông đi con". Con bé khoanh tay cúi đầu : "Dạ chào ông". Tôi đưa tay xoa đầu nó, nói được có một tiếng "Giỏi" rồi nghẹn ngang. Tôi vội nhắm mắt quay mặt đi để che giấu niềm xúc động. Nhắm mắt mà tôi vẫn thấy đứa bé khoanh tay cúi đầu chào, một cử chỉ rất tầm thường nhưng sao nó bật lên cho tôi hình ảnh quê hương, cái quê hương ngàn trùng xa cách ? Từ lâu, rất lâu – có lẽ cũng gần ba mươi năm – tôi không còn thấy cái cung cách lễ độ đó. Ở Việt Nam, phần lớn các bà mẹ đều dạy con như vậy. Bây giờ, trên xứ Pháp xa xôi này, một người mẹ Việt Nam trẻ tuổi chẳng những dạy đứa con lai nói rành rọt tiếng Việt mà còn dạy cả cung cách Việt Nam nữa. Người mẹ đó bỏ xứ ra đi, đã biết mang theo những gì quí nhứt của quê hương. Hình ảnh Việt Nam bỗng ngời lên trước mắt…
Trả tiền xong, tôi quay lại nói : "Thôi ! Chào cô nghen ! Thấy cô dạy cháu bé như vậy, tôi thật cảm phục. Ở đây, hiếm lắm, cô biết không ?". Cô ta cười : "Dạ ! Có gì đâu? Mình là người Việt Nam mà bác. Dạ ! Chào bác". Bé gái đang phụ mẹ chất đồ lên quầy cũng ngừng tay nhìn tôi cúi đầu chào… Thấy thương quá !
Trên đường về tôi miên man nghĩ tới người thiếu phụ trẻ tuổi đó và thấy quí những người như vậy vô cùng. Không phải tại vì hiếm mà quí. Mà tại vì nhờ có những người như vậy cái gốc Việt Nam vẫn còn, vẫn có trên khắp các nẻo đường lưu vong.
Rồi liên tưởng nhắc tôi một thằng bạn. Tụi tôi quen thân nhau từ nhỏ. Lớn lên, nó làm trong nhà nước, tôi làm hãng tư, nhưng vẫn thường gặp nhau. Nó di tản trước tháng tư 75 rồi định cư ở Pháp. Tôi bị kẹt lại, sống mấy năm trời lận đận. Sau đó tôi vượt biên. Rồi cũng định cư ở Pháp. Chúng tôi lại gặp nhau ở Paris. Nó làm việc cho nhà nước Pháp, cuộc đời ổn định từ lâu. Tôi lêu bêu một dạo rồi trôi qua Phi Châu mới có công ăn việc làm. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau…
Phải hai mươi năm sau, về Paris tôi mới lại gặp nó. Nó có nhà ở dưới tỉnh, cách Paris cả ngàn cây số. Nhân dịp lên Paris ở hai ngày để dự đám cưới thằng cháu, nó tìm gặp lại tôi ở nhà một người bạn chung. Nói chuyện suốt cả buổi chiều vẫn chưa thấy đã. Sau đó, nó biên cho tôi địa chỉ của nó trên một tờ giấy nhỏ, tôi nhìn mà nhớ lại thuở thiếu thời. Hồi đó, nó là một trong vài thằng viết chữ đẹp nhứt lớp, cho nên ông thầy chỉ định nó mỗi buổi sáng vào lớp trước giờ học để viết trên đầu tấm bảng đen cái thứ trong tuần và ngày tháng năm. Hồi thời đó, được chỉ định như vậy, "hách" ghê lắm ! Bây giờ, tuồng chữ của nó vẫn còn đẹp như xưa nhưng cứng rắn hơn.
Mấy hôm sau, tôi viết cho nó một bức thư dài, nhắc lại những kỷ niệm cũ mà hôm gặp lại nhau còn quên chưa kịp nhắc. Thằng con tôi bảo tôi viết xong đưa nó đánh vào máy vi tính rồi in ra cho tôi. Máy của nó có hệ VNI nên đánh chữ Việt Nam được. Tôi nói : "Không ! Ba muốn gởi thư viết tay, nó trang trọng hơn. Ngoài ra, khi bạn của ba cầm lá thư trên tay, chưa đọc, chỉ nhìn tuồng chữ thôi, ông ta cũng sẽ thấy được ba trong từng nét bút. Còn thư đánh máy, nó không mang một bản sắc nào hết, nó cứng ngắt, vô hồn…"
Mươi ngày sau, tôi nhận được lá thư hồi âm của nó. Thư đánh máy và bằng tiếng Pháp. Tôi cảm thấy thật hụt hẫng. Tôi đâu có dè nó "mất gốc" đến độ như vậy ! Tôi chỉ còn nhìn ra được thằng bạn tôi ở cái chữ ký, còn lại là một thằng tây nào đó chớ không phải một thằng Việt Nam ! Tôi chua xót, nhưng cũng ráng đọc cho hết bức thư trước khi thả nó rơi vào sọt rác. Tình bạn mà tôi đã dành cho nó từ thời tuổi nhỏ chắc cũng đã rơi theo vào sọt rác, nghe nhẹ như hơi thở dài…
Đó ! Câu chuyện không có gì hết mà tôi muốn kể lại. Suy cho cùng, chắc nó có mang một "cái gì đó" chớ không phải "không có gì hết". Tại vì tôi không thấy. Chớ nếu nó không "nói" lên cái gì hết thì tại sao tôi cứ phải nghĩ ngợi băn khoăn ?
Có lẽ tại vì lâu nay tôi thường nghe người Việt lưu vong than đã mất quê hương, mà tôi thì cứ cho là chuyện bình thường, chẳng có gì phải suy nghĩ. Chính cái cung cách khoanh tay cuối đầu chào của cô bé tóc vàng mắt xanh đã bắt tôi phải suy nghĩ. Nếu người Việt lưu vong giống thằng bạn của tôi thì đúng là họ đã để mất quê hương thật. Còn như họ giống mẹ con người thiếu phụ trẻ tuổi mà tôi gặp trong siêu thị thì làm sao nói mất quê hương ? Quê hương còn nguyên đó chớ, thể hiện bằng tư duy, bằng ngôn ngữ, bằng phong cách đặc thù Việt Nam. Đó là cái gốc mà mình đã mang theo, chỉ cần một quyết tâm gìn giữ, vun bồi là nó sẽ đâm chồi nẩy lộc… Còn hay hơn nữa : mình nên bắt chước người mẹ trẻ tuổi đó, coi chuyện gìn giữ cái gốc là chuyện tự nhiên, ai ai cũng phải làm. Tôi nhớ hoài câu nói của cô ta : "Dạ ! Có gì đâu ? Mình là người Việt Nam mà bác !". Và tôi tin chắc : một người như cô ta chẳng bao giờ than rằng đã mất quê hương !
Bây giờ thì tôi thấy "câu chuyện không có gì hết" thật sự không phải không có gì hết !
Tiểu Tử
14 thg 2, 2012
Tách trà
Nan-in là một thiền sư Nhật sống vào thời đại Minh Trị (1868-1912). Ngày kia, ngài tiếp một giáo sư đại học đến tham vấn về thiền.
Thiền sư rót trà mời khách. Ngài rót đầy tách trà của khách rồi nhưng vẫn tiếp tục rót.
Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách trà tràn ra mãi, cho đến khi không dằn lòng được nữa phải kêu lên: “Đầy quá rồi, không thể rót thêm vào được nữa!”
Thiền sư nói: “Cũng giống như tách trà này, trong lòng ông đang chứa đầy những quan điểm và định kiến. Làm sao tôi có thể trình bày với ông về thiền nếu như trước tiên ông không làm trống cái tách của ông đi?”
Mỗi chúng ta đều có một tách trà, và phần lớn là những cái tách đã đầy ắp. Vì thế, quá trình tiếp thu mỗi một tư tưởng mới thường bao giờ cũng là sự đối chọi, xung đột và tranh chấp với các tư tưởng cũ, chen chúc nhau trong một tâm thức ngày càng thu hẹp.
Thiền không chấp nhận tiến trình này. Các thiền sư không bao giờ tranh biện hay thuyết phục người khác tin theo mình. Họ chỉ giản dị sống và thể hiện thiền qua chính cuộc sống. Vì thế, sẽ không có bất cứ phương cách nào để bạn tiếp nhận thiền trừ phi bạn buông bỏ những quan điểm, định kiến sẵn có. Khi tách trà của bạn đã được làm trống, tâm thức bạn sẽ tự nhiên rộng mở và dòng nước thiền cũng tự nó dạt dào tuôn chảy. Tách trà ấy tự nó có thể chứa đựng cả ba ngàn đại thiên thế giới!
Thiền sư rót trà mời khách. Ngài rót đầy tách trà của khách rồi nhưng vẫn tiếp tục rót.
Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách trà tràn ra mãi, cho đến khi không dằn lòng được nữa phải kêu lên: “Đầy quá rồi, không thể rót thêm vào được nữa!”
Thiền sư nói: “Cũng giống như tách trà này, trong lòng ông đang chứa đầy những quan điểm và định kiến. Làm sao tôi có thể trình bày với ông về thiền nếu như trước tiên ông không làm trống cái tách của ông đi?”
Viết sau khi dịch
Mỗi chúng ta đều có một tách trà, và phần lớn là những cái tách đã đầy ắp. Vì thế, quá trình tiếp thu mỗi một tư tưởng mới thường bao giờ cũng là sự đối chọi, xung đột và tranh chấp với các tư tưởng cũ, chen chúc nhau trong một tâm thức ngày càng thu hẹp.
Thiền không chấp nhận tiến trình này. Các thiền sư không bao giờ tranh biện hay thuyết phục người khác tin theo mình. Họ chỉ giản dị sống và thể hiện thiền qua chính cuộc sống. Vì thế, sẽ không có bất cứ phương cách nào để bạn tiếp nhận thiền trừ phi bạn buông bỏ những quan điểm, định kiến sẵn có. Khi tách trà của bạn đã được làm trống, tâm thức bạn sẽ tự nhiên rộng mở và dòng nước thiền cũng tự nó dạt dào tuôn chảy. Tách trà ấy tự nó có thể chứa đựng cả ba ngàn đại thiên thế giới!
11 thg 2, 2012
Con người càng ngày càng nhân đạo hơn?
Con người càng ngày càng nhân đạo hơn?
Nguyễn Hưng Quốc
Quan điểm của Steven Pinker, trong cuốn The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined xuất bản vào cuối năm 2011, có thể tóm tắt vào một điểm chính: con người càng ngày càng nhân đạo hơn.
Bằng chứng: các hình thức bạo hành, từ việc đánh đập trẻ em đến những cảnh tra tấn, hành hạ, giết người ở các quy mô khác nhau, từ chiến tranh đến diệt chủng, càng ngày càng giảm. Pinker đưa ra con số thống kê: Nếu trong thập niên 1950, trung bình mỗi cuộc xung đột quân sự giết hại khoảng 33.000 người; ở năm 2007, con số trung bình ấy chỉ còn khoảng dưới 1000. Sự kiện ấy chứng tỏ điều gì? Chắc chắn không phải con người không có khả năng giết nhiều người như trước. Với sự tiến bộ về kỹ thuật quân sự, sức công phá của vũ khí càng ngày càng lớn, người ta dư sức làm điều đó. Nhưng người ta không làm. Trong các cuộc chiến tranh, phần lớn tự biết kiềm chế, nhất là các cường quốc: người ta không những tìm cách giảm con số tử vong về phía mình mà còn không muốn gây nhiều chết chóc cho phía bên kia. Nói cách khác, gần đây thế giới an toàn hơn vì con người nhân đạo hơn.
Chính cái hệ luận sau cùng này khiến nhiều người đâm ra ngờ vực. Chuyện thế giới hòa bình hơn thì đã rõ: Chúng ta có đầy đủ các số liệu và các bảng thống kê chính xác và khả tín về số lượng các cuộc chiến tranh hàng năm và số lượng người bị giết chết trong mỗi cuộc chiến tranh. Không có gì để nghi ngờ cả. Nhưng vấn đề là: có phải con người càng ngày càng nhân đạo hơn?
Cái gọi là nhân đạo bao gồm hai yếu tố chính: một là sự đồng cảm hay thương cảm đối với người khác, và hai là sự căm ghét đối với mọi hình thức bạo động trên đồng loại cũng như trên mọi sinh vật. Hai yếu tố này có quan hệ chặt chẽ với nhau, bởi, nói như Nguyễn Đình Chiểu: “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”.
Chỉ dựa vào kinh nghiệm và kiến thức lịch sử thông thường, chúng ta cũng dễ dàng thấy đó là một sự thật. Rõ ràng là càng ngày, cùng với sự phát triển của văn minh, lòng trắc ẩn của con người càng được vun đắp mạnh mẽ. Ngày xưa, nhìn cảnh những người nô lệ, những người dị chủng, thậm chí, phụ nữ và trẻ con bị hành hạ, có lẽ không mấy người động lòng. Người ta dễ cho đó là chuyện bình thường. Như một sự đương nhiên. Sau này, bất cứ sự xâm phạm nào cũng dễ gây nên phẫn nộ. Kinh nghiệm mà nhiều người trong cộng đồng người Việt trải qua trong những năm đầu tiên sống ở hải ngoại ít nhiều cho chúng ta thấy điều đó: không ít người bị cảnh sát làm khó dễ chỉ vì cạo gió cho con cái. Sáng, vào lớp học, nhìn thấy các vết bầm trên cổ và trên vai em học sinh nào đó, thầy cô giáo nghĩ ngay là em ấy bị bố mẹ đánh đập, hành hạ đến bầm tím thân thể. Bèn báo cho cảnh sát. Cảnh sát đến tận nhà điều tra. Phải mất một thời gian lâu, từ giáo viên đến cảnh sát mới biết đó chỉ là một cách chữa bệnh truyền thống của người Việt. Cũng có không ít người Việt gặp rắc rối với luật pháp chỉ vì cách đối xử với súc vật. Giết chó ăn thịt bị xem là dã man, đã đành. Đá gà cũng bị xem là một cách hành hạ súc vật. Người Việt khoái ăn tiết canh vịt: Cách giết vịt để lấy tiết canh bị lên án gay gắt. Thoạt đầu, không ít người Việt khó chịu. Sau, dần dần, người ta chấp nhận và cuối cùng, nhiễm cách nhìn ấy, từ đó, đâm ra bất mãn khi thấy chính đồng bào của mình hành hạ súc vật.
Tuy nhiên, ở đây, có ba vấn đề cần chú ý.
Thứ nhất, quan niệm cho con người càng văn minh thì càng nhân đạo rất dễ rơi vào thuyết tiến hóa (evolution). Thật ra, thuyết tiến hóa không phải là không hay. Chắc chắn đó là một dấu ngoặt quan trọng trong lịch sử nhận thức của nhân loại. Có điều, học thuyết tiến hóa, vốn gắn liền với các yếu tố sinh học, rất dễ dẫn đến những quan điểm có tính chất kỳ thị chủng tộc: Nếu cho rằng càng văn minh càng nhân đạo, người ta rất dễ đi đến kết luận: người Tây phương sẽ là những kẻ nhân đạo nhất. Bởi họ văn minh nhất. Hơn nữa, nó cũng dễ đến kết luận khác: những người văn minh nhất là những kẻ có thẩm quyền nhất trong việc thẩm định đạo đức của các dân tộc khác trên thế giới. Những kết luận có tính chất kỳ thị chủng tộc như vậy rất nguy hiểm: Nó rất dễ dẫn đến những cách hành xử bất công và vô nhân đạo.
Thứ hai, nên gắn liền sự tiến bộ về phương diện đạo đức với văn hóa và giáo dục hơn là các yếu tố sinh lý. Theo đó, người ta nhân đạo hơn vì, một là, người ta phát hiện ra những bảng giá trị nhân đạo; và hai là, người ta biết cách giáo dục trẻ em tôn trọng các bảng giá trị ấy. Không thể chối cãi phần lớn những sự trắc ẩn của chúng ta đều gắn liền với các bảng giá trị mới về quyền sống và quyền bình đẳng của con người. Tôn trọng quyền sống và quyền bình đẳng của con người, cho nên người ta dễ dàng động lòng trước những nỗi thống khổ của những người hoàn toàn xa lạ. Ở nước khác. Ở lục địa khác. Với màu da khác. Và văn hóa khác.
Thứ ba, nếu con người càng ngày càng nhân đạo hơn thì sự tiến bộ ấy, một là, không đồng đều; và hai là, rất mong manh. Không phải ai sống trong xã hội văn minh, với các bảng giá trị dựa trên sự tôn trọng nhân quyền, cũng đều nhân đạo cả. Bất cứ ở đâu cũng có những tên điên khùng sẵn sàng cầm súng bắn xả vào người khác. Khi những kẻ điên khùng ấy có quyền lực trong tay, không phải vài người hay vài chục người, mà là hàng ngàn hoặc hàng trăm ngàn người, thậm chí, hàng triệu người, bị giết chết. Hơn nữa, các bảng giá trị, dù cao đẹp đến mấy, cũng đều đối diện với vô số thử thách đến từ bản năng, và nhiều nhất, từ quyền lợi của con người, với tư cách cá nhân cũng như với tư cách tập thể. Vì quyền lợi, người ta sẵn sàng chà đạp lên các bảng giá trị họ đã được giáo dục. Chính vì vậy, mặc dù, nói chung, từ thập niên 1950 đến nay, thế giới càng ngày càng an toàn hơn, nhưng vẫn xảy ra nạn diệt chủng ở Campuchea vào năm 1975 cũng như ở Bosnia, Rwanda và Darfur sau đó.
Cho nên, một mặt, nhìn xu hướng phát triển chung của lịch sử, chúng ta mừng. Nhưng không nên lạc quan quá. Cái ác thường sống rất dai, bất chấp các quy luật lịch sử. Hơn nữa, có khi chúng rất gần: ngay trước mặt hoặc sau lưng chúng ta.
Nguyễn Hưng Quốc
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
-
Bùi Bảo Trúc Bạn ta, Hôm đi mua sách cũ với người bạn mấy tuần trước, tôi mua được bức poster The Old Guitarist của Picasso đóng khung rất đ...
-
Tích ngã vị sinh thì. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi. Vô y sử ngã hàn. Vô phàn sử ngã ky. Hoàn nhĩ công s...
-
Bill Hayton (Đinh Từ Thức dịch) Lời người dịch: Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gia...